Pháp – TƯỢNG PHẬT TƯỢNG BỒ TÁT & SỰ CẦU NGUYỆN

Tượng Phật – Statue de Bouddha
Tượng Bồ Tát – Statue de Boddhisattva
Statue du Ksitigarbha Boddhisatva

Namô U Minh Giáo Chủ, Ðại Nguyện Ðịa Tạng Vương Bồ Tát! Mặc cho sóng gió, động đất, lũ lụt, nhà tan, thuyền xe trôi vạt, pho tượng của ngài Ðịa Tạng Vương vẫn sừng sững đứng vững không lay động ……
Chuyện lạ có thật Japan Tsunami: tượng Đức Địa Tạng Vương ở Nhật vẫn đứng yên không ngã trong vùng bị tàn phá. Chung quanh tan tác ngã nghiêng. Lạ lùng thay, tượng Đức Địa Tạng Vương vẫn đứng yên sừng sững! Amazing !!!
”Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Trên đây là nội dung các emails gửi đến hộp thư của PHTQ. Đa số Phật tử đều cho rằng hiện tượng này linh thiêng huyền bí, tượng BT Địa Tạng đủ sức chống chọi với sức mạnh khủng khiếp của cơn sóng thần quét sạch cả thành phố ven biển, tàu bè lớn nhỏ, xe cộ đủ loại đủ cỡ, kể cả ngôi chùa và các tôn tượng khác. Điều đáng tiếc là trong số các người chuyển đi email mê tín này, có vài vị tu sĩ.
Mê tín là bởi vì trong đạo Phật không có hình tượng nào gọi là linh tượng, theo nghĩa linh thiêng huyền bí, cầu gì được nấy, cũng không có hình tượng nào gọi làthánh tượng, theo nghĩa các vị thánh là bậc bề trên không ai đạt được, chuyên ban phước giáng họa.
Trong đạo Phật, chỉ có tôn tượng, theo nghĩa hình tượng để tôn thờ, lễ bái, noi theo gương tu hành và công hạnh cao quí, đáng tôn kính, để sống đời và tu tập đúng chánh pháp, hành đúng chánh đạo, cuối cùng là trọn thành Phật đạo. Cũng có những hình tượng gọi là bảo tượng, theo nghĩa hình tượng quí báu, vật chất và tinh thần, hoặc có giá trị theo chiều dài lịch sử.
Chúng ta nên biết: hình tượng làm bằng gổ, bằng thạch cao  không chịu được búa bổ; hình tượng làm bằng vàng, đồng, không chịu được lửa thiêu đốt. Các hình tượng dù bằng vật liệu nào cũng phải chịu qui luật vô thường:thành, trụ, hoại, diệt.

Trong Kinh Kim Cang, đức Phật có dạy: Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng.
Nghĩa là: Trên đời này, vật gì có hình tướng đều là hư vọng, nay hiện hữu, mai mất đi, không tồn tại vĩnh viễn.
Trong Kinh Kim Cang, đức Phật cũng dạy: Nhược kiến chư  tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.

Nghĩa là: Qua hình tướng các tôn tượng chư Phật, nhưng không chấp tướng Phật Ngọc  Phật vàng, Phật đồng, hay Phật gỗ, ta mới thấy được, ngộ được Phật Tâm, Phật tánh, Như Lai.
Nếu như mê tín chấp tướng, dù là tượng Phật Ngọc giá trị bạc triệu, tượng Phật vàng giá trị trăm ngàn, tượng Bồ Tát sau cơn bão, hậu quả là ngộ độc bởi hoa mạn đà la, hào quang 5, 7 màu, do các tà sư tuyên truyền bá láp, bán rao tà pháp, hưởng danh thu lợi.
Các hình tượng được làm bằng bất cứ vật liệu nào, đơn sơ như gổ, đá, xi măng, thạch cao, hay quí giá hơn như vàng, bạc, đồng, ngọc thạch, đá quí, kim cương, cũng chỉ có giá trị vật chất, giúp cho việc hành lễ được long trọng, trang nghiêm, giúp cho người tu theo Phật tăng trưởng sức tinh tấn tu tập theo chánh đạo, hướng tín tâm ban đầu theo chánh tín và chánh kiến.
Giá trị tinh thần đích thực chính là Giáo Pháp của đức Phật.

Người tu theo Phật nương theo hình tượng chư Phật, để lễ bái, cầu nguyện, cúng dường, phát tín tâm tìm hiểu những lời dạy của đức Phật để tu tập và áp dụng vào trong thực tế đời sống.
Người tu theo Phật thấy và cảm nhận được pháp vị mầu nhiệm, thực tế của chánh pháp.  Từ đó, người tu theo Phật ngộ đạo, thoát khỏi cảnh vô minh, tà kiến, mê tín, dị đoan; và không còn ngộ độc như bấy lâu nay.
Người tu theo Phật khi đã khai mở được trí tuệ bát nhã, khác với trí thức thế gian, sẽ thấy giáo lý đạo Phật rất hữu ích cho đời sống thực tế của mọi người, giúp con người vượt qua được những phiền não và khổ đau, không phân biệt là Phật tử hay không là Phật tử.
—————————————————————————————————-
Ý  Nghĩa Sự Cầu nguyện
—————————————————————————————————-

Trong các buổi lễ, cầu nguyện là sự tập trung tâm trí, nhất tâm chuyển đổi vọng niệm mê lầm, xấu ác, trở nên thanh tịnh. Cầu nguyện vì thế chính là phương pháp quán chiếu, nhìn lại con người thật của mình, quan sát tâm tình, trừ khử tà kiến mê tín, khát vọng phàm tình, ích kỷ nhỏ nhen, ỷ lại yếu đuối. Cầu nguyện là một cách định tâm, định ý để chuyển hóa lòng mình, lòng người. Nếu hiểu chính xác ý nghĩa cầu nguyện thì cầu nguyện là một phương pháp tu tập, có giá trị tương đương với phương pháp thiền định, quán chiếu tự tâm.
– Cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc là lời cầu nguyện vị tha,đúng chánh pháp, trưởng dưỡng từ bi & trí tuệ.
– Cầu nguyện cho mình, gia đình mình, tôn giáo mình là lời cầu nguyện vị kỷ, phi chánh pháp, không từ bi & trí tuệ.
– Nếu ai cầu cũng được như ý, thế giới sẽ loạn, nhân sanh đảo điên. Không làm việc cầu giàu có. Không tu hành cầu vãng sanh. Không học hành cầu đỗ đạt. Các bên thù nghịch cầu nguyện đối phương biến mất. Trái đất chỉ còn thú vật, đất đá, cây cỏ! Thảm họa của sự cầu nguyện phi chánh pháp là như vậy đó!
Pour marque-pages : Permaliens.

Les commentaires sont fermés.