Tôn giả ƯU BA LI

Tôn giả ƯU BA LI
(Upali)
(Vị luật sư mô phạm và uy tín nhất)

1.- XUẤT THÂN TỪ GIAI CẤP NÔ LỆ:

Theo luật lệ khắc nghiệt về giai cấp của xã hội Ấn Độ thời Phật tại thế, việc tôn giả Ưu Ba Li được liệt vào một trong mười vị đệ tử thượng thủ của Phật không phải là một việc bình thường!

Ưu Ba Li nguyên xuất thân từ chủng tộc Thủ đà la, tức giai cấp nô lệ, hạ tiện. Từ lúc mới sinh ra, những người thuộc giai cấp này đã bị xã hội kì thị, coi như phân rác, không thèm ngó tới. Trên đường đi, nếu gặp những người của hai giai cấp Bà la môn và Sát đế lị thì họ phải quì nép bên lề, nhường đường cho người kia đi qua; nếu lén nhìn trộm những người kia thì họ liền bị móc mắt; nếu biện bạch tự bào chữa thì liền bị cắt lưỡi. Suốt đời họ chỉ được làm nô lệ cho các giai cấp trên. Thân phận của Ưu Ba Li buồn thảm, đáng thương là vậy! Chàng chỉ có một nguồn an ủi duy nhất, đó là tình yêu thương vô bờ của cha mẹ!

Từ nhỏ, Ưu Ba Li đã không được học hành. Theo luật Ma Nỗ của đạo Bà la môn, chủng tộc Thủ đà la không có quyền học tập. Cho nên, dù có tâm chí đi nữa, việc học hành đối với Ưu Ba Li cũng chỉ là mộng tưởng mà thôi! Khi chàng đã khôn lớn, cha mẹ chỉ biết mong cho con mình học được một nghề gì đó để nuôi thân. Vào thời đó, những nghề như công chức chính phủ, thương gia, địa chủ, v.v… những người thuộc giai cấp Thủ đà là không được phép làm. Họ chỉ được làm những công việc dành riêng cho giới nô lệ như nông dân, thợ thuyền, tôi tớ v.v… mà thôi. Ưu Ba Li là người rất gầy yếu, vì thế mà cha mẹ không muốn cho chàng phải làm những nghề nặng nhọc, vất vả quá sức như làm ruộng, đánh xe, giữ ngựa v.v… mà chỉ muốn chàng được làm tôi tớ cho một người chủ giàu lòng nhân ái nào đó. Muốn tìm được một người chủ tốt thì trước hết phải tạo cho mình có một khả năng chuyên môn nào đó để được người chú ý đến. Suy đi tính lại, cha mẹ chàng bèn quyết định cho chàng đi học nghề hớt tớc. Tâm tánh Ưu Ba Li vốn trong sáng và thuần phác, cho nên chàng học nghề không mấy khó khăn; chẳng mấy chốc, tất cả các kiểu tóc cũng như các cách thức cắt uốn, chàng đều rành rẽ. Có nghề rồi, cha mẹ chàng lại nhờ người giới thiệu, và may mắn thay, chàng được tuyển vào làm thợ hớt tóc trong hoàng cung Ca Tì La Vệ!

Tuy chỉ là một anh nô lệ làm nghề hớt tóc, nhưng vốn tâm địa thuần lương, trung thật, cho nên chẳng bao lâu Ưu Ba Li được cả hoàng cung tín nhiệm, thương mến, được giao cho mỗi một công việc nhẹ nhàng là hớt tóc cho các vương tử mà thôi. Chàng hớt tóc vừa cẩn thận, vừa nhanh, vừa đẹp, lại không đau, nên các vương tử như Bạt Đề, A Na Luật v.v… thích lắm!

2.- CẠO TÓC CHO PHẬT:

Vào năm thứ ba sau ngày thành đạo, Phật trở về Ca Tì La Vệ để thăm lại hoàng tộc. Bấy giờ Ưu Ba Li khoảng hai mươi tuổi. Nhân Phật cần người cạo tóc, chàng được giới thiệu lên Phật. Đó là một sự ưu ái rất lớn, nhưng đã làm cho chàng hoảng hồn! Chàng nghe nói, Phật là bậc đại giác, có đến 32 tướng quí; và nếu thế thì đầu tóc Phật nhất định phải rất khác với người thường! Vậy làm sao chàng dám đụng đến đầu Phật, vạn nhất có điều gì sơ suất thì sao! Vốn đã có mặc cảm thấp hèn rất sâu nặng từ thuở nhỏ, chàng chỉ thấy Phật hiện là một vị thái tử đi tu đắc đạo, lấy mắt nhìn còn không dám, lại dám đụng đến đầu Ngài sao! Chẳng biết tính sao, chàng bèn chạy một mạch về nhà thưa chuyện với mẹ để xin ý kiến. Bà mẹ liền trấn an chàng. Bà khuyên chàng đừng sợ sệt Phật, rằng Ngài là người giàu tình thương, đã từng tiếp xúc và giáo hóa những kẻ khốn cùng; rằng không bao giờ Ngài dùng cặp mắt của kẻ quyền thế để nhìn người, cho nên nhất định Ngài cũng không bao giờ khinh ghét chủng tộc Thủ đà la … Nhưng dù bà có trấn an thế nào, Ưu Ba Li vẫn không hết sợ sệt. Không biết làm cách nào, bà liền quyết định sẽ đích thân dắt chàng đi cạo tóc cho Phật.

Sáng hôm sau, bà dẫn Ưu Ba Li vào cung, trước hết xin được bái kiến Phật, sau đó mới bảo Ưu Ba Li cạo tóc cho Phật. Chàg vâng lời, bèn tập trung tâm ý, cạo tóc cho Phật một cách hết sức chậm rãi, cẩn trọng. Bà đứng một bên chăm chú nhìn từng động tác của con mình. Được một lúc, bà quì xuống thưa hỏi Phật:

– Bạch Thế Tôn! Ngài thấy Ưu Ba Li cạo tóc thế nào?

– Anh ấy cong người nhiều quá!

Câu trả lời của Phật nghe có vẻ như lạ, vì Ưu Ba Li tỏ vẻ cung kính đối với Phật nên đứng khom lưng, không dám đứng thẳng; nhưng theo truyền thuyết, qua câu nói ấy Phật có ý bảo cho biết, trong giờ phút đó, khi đang hết sức tập trung tâm ý, Ưu Ba Li đã nhập Sơ thiền.

Một lúc sau, bà lại hỏi:

– Bạch Thế Tôn! Bây giờ thì Ngài thấy Ưu Ba Li cạo tóc thế nào?

– Bây giờ thì người anh ấy rất thẳng!

Nghe Phật bảo thế, Ưu Ba Li càng chú mục tâm ý hơn nữa, và cũng theo truyền thuyết, lúc bấy giờ chàng đang ở bậc Nhị thiền.

Chẳng bao lâu, mẹ chàng lại thưa:

– Bạch Thế Tôn! Bây giờ thì Ngài thấy Ưu Ba Li cạo tóc thế nào?

– Hơi thở vào còn nặng nề lắm!

Ưu Ba Li nghe thế bèn để hết tâm ý vào hơi thở vô ra. Theo truyền thuyết, lúc đó chàng đang nhập Tam thiền.

Cuối cùng, mẹ chàng lại thưa:

– Bạch Thế Tôn! Bây giờ thì Ưu Ba Li cạo tóc thế nào?

– Hơi thở ra còn nặng nề lắm!

Lúc đó, bỗng nhiên tâm ý Ưu Ba Li hoàn toàn vắng lặng, không còn một niệm nào móng khởi, cả con dạo cạo trong tay cũng quên luôn … Theo truyền thuyết, vào lúc đó chàng đã chứng nhập Tứ thiền! Ngay lúc ấy, Phật quay sang bảo quí vị tì kheo đang đứng bên cạnh:

Một thầy hãy đến lấy xon dao cạo trong tay Ưu Ba Li ra! Anh ấy đang trụ trong trạng thái Tứ thiền, quí thầy hãy đỡ anh ấy, đừng để bị ngã xuống đất!

Qua câu chuyện, chúng ta thấy Ưu Ba Li là người cẩn trọng đối với hành vi cử chỉ của mình biết chừng nào! Mỗi khi nghe người ta nói đến một khuyết điểm nào của mình, tôn giả liền nhận thức ngay và sửa đổi tức khắc. Vì bản tính quá cẩn trọng và luôn luôn nghiêm túc như vậy cho nên tôn giả ít khi để cho mọi người chung quanh phải có một lời bình phẩm không tốt nào về mình, và đó cũng là lí do sau này tôn giả được đại chúng tôn xưng là vị gìn giữ giới luật nghiêm túc số một trong tăng đoàn.

3.- AI XUẤT GIA TRƯỚC LÀ SƯ HUYNH:

Trong chuyến hồi hương lần đầu tiên đó của Phật, cả hoàng cung và khắp kinh thành Ca Tì La Vệ đã được thấm nhuần mưa pháp. Cũng như hạt giống đã được gieo xuống đất rồi đâm rễ nẩy mầm, các vị vương tử trong dòng họ Thích Ca, sau khi nghe Phật nói pháp, đều muốn theo Phật xuất gia. Bấy giờ có bảy vị vương tử (trong đó có Bạt Đề, A Nan và A Na Luật), người thì được cha mẹ chấp thuận, người thì không, cùng rủ nhau đến vườn Ni Câu Đà (Nyagroda – Nigrodha) tìm Phật. (Theo Đường Xưa Mây Trắng của thiền sư Nhất Hạnh, bảy vị vương tử đó là Nan Đà, A Na Luật, Bạt Đề, Đề Bà Đạt Đa, A Nan, Kìm Tì La và Bà Cữu. Riêng Nan Đà thì theo Phật tới vườn Ni Câu Đà xuất gia trước; sáu vị còn lại, sau đó một tháng, mới tìm tới chỗ Phật đang hành hóa ở phía Bắc vương quốc Mạt La, sát biên giới phía Nam của vương quốc Thích Ca, chứ không phải ở vườn Ni Câu Đà; vì Ni Câu Đà thuộc kinh thành Ca Tì La Vệ của vương quốc Thích Ca. – Chú thích của người dịch). Muốn xuất gia thì phải cạo tóc, bởi vậy họ đã phải lén dắt Ưu Ba Li đi theo.

Dưới một bóng cây, lúc đang cạo tóc cho vương tử Bạt Đề, thì nước mắt của Ưu Ba Li bỗng nhiên chảy ràn rụa. A Na Luật thấy thế thì vặn hỏi:

– Ngươi thấy anh em ta đi xuất gia thì vui mừng mới phải, tại sao ngươi lại khóc?

Ưu Ba Li khép nép thưa:

– Thưa vương tử, xin tha thức cho con tội vô lễ! Bởi vì vương tử Bạt Đề đã từng đối xử với con rất tốt. Nay quí vương tử đều đi xuất gia rồi sau này quí vương tử sẽ vân du bốn phương, lúc đó con biết tìm quí vương tử ở đâu! Cứ nghĩ đến điều này là con muốn khóc, xin vương tử thương mà đừng trách mắng con.

A Na Luật an ủi:
– Ngươi đừng buồn nữa, anh em ta sẽ giúp đỡ cho ngươi có được cuộc sống khá giả.

A Na Luật quay lại nói với các vị vương tử khác:

– Này chư huynh đệ! Ưu Ba Li hầu hạ anh em chúng ta đã lâu, rất siêng năng và trung thành. Nay anh em chúng ta đều đi xuất gia thì trước hãy giúp đỡ cho anh ấy có một cuộc sống khá giả về sau. Tôi xin đề nghị: Sau khi xuất gia rồi thì chúng ta đâu có dùng tới đồ trang sức nữa nữa. Vậy tôi trải tấm giạ ra đây, xin quí huynh hãy cởi tất cả đồ trang sức bỏ xuống đây để tặng cho anh ấy làm vốn sinh nhai!

Các vị vương tử vui vẻ tán thành lời đề nghị của A Na Luật. Họ cởi tất cả hoàng bào cùng vòng ngọc châu báu đang đeo trên người, đem biếu hết cho Ưu Ba Li, và bảo chàng hãy trở về lại thành Ca Tì La Vệ sinh sống, rồi cùng nhau nhắm nơi cư trú của Phật mà bước đi …

Ưu Ba Li vừa muốn quay về lại kinh thành thì bỗng chuyển niệm. Chàng nghĩ: “Bây giờ nếu mình mang hoàng bào cùng châu ngọc này trở về thì chắc chắn là phải bị vua cùng các vương công đại thần trong hoàng tộc trị tội. Vả lại, các vị vương tử tôn quí là thế, mà dám từ bỏ tất cả vinh hoa phú quí của thế gian để đi xuất gia, huống nữa là một kẻ hạ tiện như mình, không có gì cả trên thế gian này thì lấy gì để lưu luyến! Vậy thì mình cũng nên đi tìm Phật để xin xuất gia! …”

Suy nghĩ như vậy rồi, không còn chút do dự, Ưu Ba Li quyết định thi hành ý định. Chàng liền đem đống hoàng bào và các thứ châu ngọc treo lên cành cây, rồi bước theo con đường các vương tử đã đi khi nãy …

Đi một chặng đưòng, bỗng nhiên nhớ lại thân phận mình, chàng lại tủi thân, buồn khổ. Không cầm được nước mắt, chàng liền ngồi xuống bên đường vừa khóc vừa than: “Mình làm sao có đủ tư cách để xuất gia! Các vị kia đều là vương tử, còn mình thì chỉ là kẻ nô bộc, làm sao dám sánh ngang với họ!” Rồi chàng oán than nào là thế gian không bình đẳng, nào là phần số bất hạnh của chính bản thân mình … Bỗng đâu có tiếng người hỏi bên tai:

– Anh làm sao mà khóc than não nuột như thế?

Chàng quay đầu nhìn lại thì hóa ra là tôn giả Xá Lợi Phất. Chàng vội vàng lau nước mắt, quì trước tôn giả trần tình:

– Bạch đại đức! Đại đức là vị đệ tử lớn của Phật. Con biết đại được từ khi đại đức theo Phật về hoàng cung. Nay con có một chuyện xin thỉnh ý đại đức. Một người thuộc chủng tộc Thủ đà la như con, nếu muốn theo Phật xuất gia có được không, hay đó chỉ là vọng tưởng xa vời?

– Tên anh là gì?

– Thưa con tên là Ưu Ba Li.

Tôn giả Xá Lợi Phất liền nhớ lại thời gian vừa qua ở hoàng cung, có một thanh niên đứng cạo tóc cho Phật mà nhập đến Tứ thiền, chắc hẳn là người này đây; bèn khai thị:

– Giáo pháp của Phật là giáo pháp tự do, bình đẳng và từ bi. Bất luận là ai, dù có trí tuệ hay không, dù nghề nghiệp và địa vị cao hay thấp, chỉ cần giữ gìn giới luật thanh tịnh là đều có thể trở thành đệ tử của Phật, đều có thể xuất gia và đều có thể chứng quả vô thượng chánh giác. Anh hãy đi theo tôi đến bái kiến Phật. Nhất định Ngài sẽ hoan hỉ chấp nhận cho anh xuất gia làm đệ tử của Ngài.

Ưu Ba Li sung sướng, tức khắc theo tôn giả Xá Lợi Phất đi bái kiến Phật. Phật cũng rất hoan hỉ, đích thân xuống tóc và thọ giới cho chàng. Sau đó Ngài dạy:

– Này Ưu Ba Li! Thầy đã có rất nhiều căn lành, trong tương lai nhất định thầy sẽ có đầy đủ khả năng tuyên dương Phật pháp. Khi thầy chưa đến đây thì nhóm các vương tử Bạt Đề đã đến trước rồi, cũng để xin xuất gia; tuy nhiên, Như Lai chỉ mới mới chấp thuận trên nguyên tắc. Họ còn phải tĩnh cư tu tập trong bảy ngày để hoàn toàn quên đi cái thân phận vương tử của họ, sau đó mới được chính thức xuất gia và được cùng thầy tương kiến.

Ưu Ba Li cảm kích cùng cực. Lúc trước đã từng cạo tóc cho Phật, nhưng tôn giả đâu có tưởng tượng nổi là Phật từ bi đến độ ấy! Cho nên tôn giả thầm nguyện là phải hết lòng theo Phật tu tập, làm sao để trở thành là một người đệ tử thật xứng đáng của Người.

Bảy ngày tĩnh cư của nhóm vương tử Bạt Đề đã mãn, Phật gọi ra để cùng đại chúng diện kiến. Đứng trước đại chúng, họ bỗng ngỡ ngàng trông thấy tì kheo Ưu Ba Li! Họ cảm thấy thật là lúng túng, không biết nên xưng hô thế nào với Ưu Ba Li cho phải đây! Phật hiểu được tâm ý họ, liền uy nghiêm bảo:

– Các ông còn trù trừ gì nữ? Phàm xuất gia học đạo thì trước hết là phải diệt trừ cái tâm kiêu mạn. Ưu Ba Li nay đã xuất gia, đã thọ giới và trở thành một vị tì kheo rồi, thì các ông nên đảnh lễ cho đúng pháp.

Bảy vị vương tử nghe Phật dạy thế, liền đem tâm chân thành hướng về tôn giả Ưu Ba Li đảnh lễ; và sự kiện này lại làm cho lòng tin của họ nơi Phật pháp càng thêm vững chắc; trong khi đó thì Ưu Ba Li lại cảm thấy áy náy không yên. Phật thấy rõ được tâm trạng ấy, bèn dạy:

– Từ nay, thầy hãy lấy tư cách của một vị sư huynh mà đối xử với họ!

Sự kiện Ưu Ba Li xuất gia đã khiến cho pháp chế của Phật trở thành hiện thực. Pháp chế ấy được đặt trên tinh thần “Nước trăm sông đều chảy về biển; người ở bốn giai cấp đều được xuất gia và cùng chung một họ Thích Ca”. Ở xã hội thì sự phân biệt giai cấp vô cùng khắc nghiệt, nhưng trong giáo đoàn của Phật thì sự phân biệt ấy đã bị đánh tan; và đó cũng là sự việc xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ.

4.- TRONG MỘT KIẾP TRƯỚC:

Ngay trong mùa an cư năm ấy, vì rất tinh tấn trong công phu tu học, tôn giả đã đạt được quả vị giác ngộ, nghiễm nhiên trở thành một vị thượng thủ trong giáo đoàn, được cả hai giới xuất gia cũng như tại gia đều tôn kính. Sự việc đó đã làm cho mọi người kinh ngạc. Một người vốn thuộc chủng tộc Thủ đà la hạ tiện, mà căn cơ lại mẫn tuệ đến thế! Tôn giả không những đã chứng tỏ được cái khả năng phi phàm của chủng tộc Thủ đà la mà còn làm nổi bật ánh sáng bình đẳng của đạo Phật nữa. Nhân đây, Phật đã thuật lại một tiền kiếp của tôn giả như sau:

“Thuở trước có hai người nghèo khổ, cùng kết bạn với nhau. Tuy là nhà nghèo, nhưng cả hai cùng có tâm nguyện chuyên bố thí và làm việc từ thiện giúp người. Do công đức ấy mà trong kiếp sau đó, một người được sinh làm quốc vương, tên là Phạm Đức; còn người kia, sinh vào trong một gia đình Bà la môn tiếng tăm lừng lẫy, được mọi người sùng kính, tên là Ưu Bà Già. Lớn lên, Ưu Bà Già lập gia đình với một cô gái rất xinh đẹp. Chàng yêu vợ rất nhiều. Một ngày kia, vì trông thấy chàng tỏ thái độ thân mật với một cô gái khác, người vợ liền nổi cơn ghen. Liên tiếp mấy ngày đầu nàng còn than khóc, nhưng sau đó thì suốt ngày không thèm nói chuyện với chàng nữa. Người có tâm nghi kị và ghen tương nặng nề kia lại chính là người vợ mà chàng yêu thưong rất mực, bởi vậy mà Ưu Bà Già không biết phải xử trí ra sao, đành một mình âm thầm buồn khổ! Tình cảnh ấy kéo dài đến nửa năm, từ đầu xuân cho đến cuối hạ. Bỗng một hôm, vợ chàng ôn tồn lên tiếng:

– Hôm nay xin chàng xuống chợ mua ít hoa tươi về trang trí cho phòng ngủ của chúng ta!

Thốt nhiên nghe vợ mở lời, người chồng nặng tình kia cảm thấy vui mừng khôn tả. Chàng chạy ngay xuống chợ mua hoa. Trên đường về nhà, gặp lúc trời nắng như thiêu đốt, nhưng vì lòng đang tràn trề niềm sung sướng được vợ yêu thương, không ngăn được cao hứng, chàng cất tiếng hát vang theo nhịp chân bước. Đúng vào lúc ấy, vua Phạm Đức đang đứng trên lầu hoàng cung nhìn xem phong cảnh bốn phương. Ưu Bà Già đang đi qua dưới chân hoàng thành, và tiếng hát của chàng đã đập vào tai nhà vua. Vua rất lấy làm lạ, nghĩ rằng xem cách ăn mặc thì hắn đúng là một người Bà la môn, nhưng giữa lúc trời nắng gắt thế này mà vừa đi vừa ca hát hớn hở như thế kia thì chắc hẳn là hắn đang có niềm vui gì lớn lao lắm! Nghĩ vậy, nhà vua liền cho gọi Ưu Bà Già bệ kiến, Khi đã biết rõ được tâm trạng chàng, nhà vua cũng vui lắm, phong cho chàng một chức quan rất cao, và rất sủng ái chàng.

Ưu Bà Già được vua hết sức tín nhiệm, cho nên quyền uy của chàng một ngày một lớn; đến nỗi về sau, nhân dân chỉ biết có chàng mà không còn biết đến vua nữa, nhưng Ưu Bà Già vẫn chưa cho thế là đủ, còn có ý giết vua để tiếm ngôi. Trong khi đang chờ cơ hội thuận tiện để thực hiện ý đồ, thì một hôm chàng bỗng giật mình tỉnh ngộ; vì cảm thấy một cách rất sâu sắc rằng, danh vị và quyền lực thật là đáng sợ! Chàng liền đem hết ý đồ xấu xa của chàng tâu thật cho nhà vua Phạm Đức nghe. Nhà vua lại càng quí mến sự trung thực của chàng; muốn gia ân cho, nhưng chàng đã quyết từ bỏ mọi quyền bính, sám hối tội lỗi, xuất gia tu hành, và chỉ một thời gian ngắn sau đó, Ưu Bà Già đã chứng được thần thông.

Lúc bấy giờ, trong hoàng cung có một người thợ cạo tên là Hằng Già Ba La. Khi nghe vua Phạm Đức khen ngợi về sự xuất gia của Ưu Bà Già, ông cũng thấy vui mừng, bèn phát tâm xuất gia, xin làm đệ tử của Ưu Bà Già, vì quyết tâm tu hành, sau ông cũng chứng quả và được thần thông như thầy mình là Ưu Bà Già.

Một ngày nọ, vua Phạm Đức lên núi cúng dường Ưu Bà Già. Sau khi đảnh lễ cúng dường, nhà vua quán niệm rằng, đối với người đã chứng quả thánh rồi thì ta không nên để tâm đến chỗ xuất thân ngày xưa của họ. Quán niệm như vậy xong nhà vua liền tự mình đến đảnh lễ Hằng Già Ba La; và sau đó lại khuyến khích các quan viên tùy tùng cùng đến đảnh lễ Hằng Già Ba La”.

Và Phật kết luận: “Người được gọi là Ưu Bà Gì trong câu chuyện chính là tiền thân của Như Lai; còn người thợ cạo Hằng Già Ba La kia chính là Ưu Ba Li ngày nay”.

Hằng Già Ba La tuy xuất thân ở làng hạ tiện, nhưng do uy lực của Phật pháp mà ông được quốc vương tôn kính, lễ bái. Câu chuyện trên tuy là một câu chuyện cổ của thời quá khứ xa xưa, nhưng nó cho chúng ta thấy rằng, bản chất của Phật pháp quả là không thời nào thay đổi. Trong Phật pháp, nơi xuất thân của mọi người không được đặt thành vấn đề; bất cứ ai đạt được quả vị giác ngộ thì đều được mọi người tôn kính. Không có sự phân biệt giai cấp nào trong đạo quả giác ngộ. Câu chuyện trên còn cho chúng ta hấy rõ hai sự việc quan trọng: Thứ nhất, người ham mê quyền lực thì rất dễ sinh tâm giết hại người khác – ngay như Phật, trong những tiền kiếp tu nhân, vẫn không tránh khỏi lỗi lầm đó; thứ nhì, tôn giả Ưu Ba Li vốn xuất thân từ hàng tiện dân, nhưng đã tu tập và chứng quả, trở thành một trong những vị thượng thủ của giáo đoàn, việc đó không phải là lần đầu tiên xảy ra, nhưng trong những tiền kiếp tu nhân, tôn giả cũng đã từng như thế. Cho nên, khi Phật kể câu chuyện ấy xong thì những mối nghi hoặc trong đại chúng về Ưu Ba Li đều được giải tỏa.

5.- NHỮNG CẢNH NGỘ OÁI ĂM TRÊN ĐƯỜNG HÀNH HÓA:

Sau khi chứng ngộ, với cá tính cẩn trọng cố hữu, Ưu Ba Li càng giữ gìn nghiêm mật tất cả những giới điều Phật đã chế ra, mọi cử chỉ hành vi trong các sinh hoạt đi đứng nằm ngồi hằng ngày đều theo đúng oai nghi tế hạnh. Bởi vậy, chẳng bao lâu tôn giả đã được đại chúng tôn xưng là vị thượng thủ giữ gìn giới luật bậc nhất của giáo đoàn. Những ai có tâm tu hành chân chính đều tỏ lòng hoan hỉ và cung kính đối với tôn giả. Tuy nhiên, trong giáo đoàn vẫn có những vị sống buông thả, không theo qui củ, không giữ gìn giới hạnh, cho nên không thích gần những người chuyên tâm giữ giới như tôn giả. Đó cũng là lẽ đương nhiên. Những người này đã không có thiện cảm với tôn giả, lại đôi khi còn nói những điều không tốt cho tôn giả!

Một vị tì kheo có giới hạnh, khi lưu trú tại tu viện thì được những người ngưỡng mộ đến tận cửa cúng dường; nhưng khi vị ấy đi du phương hành hóa thì không chắc chắn là sẽ được mọi giới tăng cũng như tục hoan nghênh. Một lần nọ, tôn giả và một nhóm quí vị tì kheo có giới hạnh khác cùng lên đường đi các nơi hằng hóa. Để phát huy tinh thần tuân thủ giới luật, họ thường cử hành đúng đắn các phép yết ma sám hối như yết ma quở trách, yết ma tẩn xuất, yết ma y chỉ v.v… Nhưng có một số vị tì kheo nghe tin Ưu Ba Li sắp đến thì trong lòng không thích. Họ cùng nhau bàn bạc. Một vị nói:

– Khi lão tì kheo Ưu Ba Li đến đây thì chỉ có việc là bắt chúng ta phải làm như thế này, không được làm như thế kia, sẽ làm chúng ta bực mình lắm. Chi bằng hãy tìm cách ngăn chận, không để cho lão ta đến thì hơn.

Một vị khác đề nghị:

– Khi nào lão ấy đến, chúng ta hãy đóng chặt cửa ngõ lại, lấy ngọa cụ treo ngoài cửa, đừng ngó ngàng gì tới lão.

– Hay là, khi nào lão ấy tới thì chúng ta bỏ đi nơi khác quách!

Tôn giả đã vài lần gặp phải hoàn cảnh như vậy, cho nên cũng có lúc nghĩ lại, không muốn đi du phương bố giáo nữa; nhưng Phật thì vẫn khuyến khích tôn giả hoài.

Rồi một lần, một vị tì kheo tên là Du Lan Nan Đà, bỗng nhiên đến mắng ngay mặt tôn giả:

– Ông không phải là người chân tu! Sao ông cứ hay gây sóng gió quá vậy! Lúc nào cũng theo bên Phật để bày vẽ nhiều chuyện nọ kia, khi thì “đây là hai bộ tăng phải giữ gìn, kia là một bộ tăng phải giữ gìn”; lúc thì “điều này nên làm, điều kia không nên làm”, làm cho cuộc sống của chúng tôi càng thêm phiền phức, khó khăn!

Gặp những trường hợp như vậy, tôn giả chỉ biết nhẫn nhục mà không hề đối đáp lại. Những người có lòng tin chân chính và có tâm thành giữ giới thì luôn luôn tôn kính tôn giả; trái lại, những người tu hành không chân thật thì không ưa tôn giả. Bởi vậy, Phật lúc nào cũng rất quan tâm đến tôn giả. Có lần Phật hỏi thăm một vị tì kheo vừa đi hoằng hóa ở phương xa mới về:

– Thầy có trông thấy Ưu Ba Li không?

– Bạch Thế Tôn! Con có thấy sư huynh Ưu Ba Li đang đi các nơi để hoằng hóa.

– Tại các nơi ấy, Ưu Ba Li có được mọi người cung kính cúng dường không?

– Bạch Thế Tôn! Con thấy ở một vài nơi người đối với sư huynh con không được nhiệt tình lắm. Các tín đồ tại gia thì chưa từng biết sư huynh con là người giữ gìn giới hạnh nghiêm túc, còn chư vị xuất gia thì không muốn thấy mặt sư huynh con; thậm chí một số vị trong hàng ni chúng còn oán hận và mắng mỏ sư huynh con.

Phật lo ngại hỏi:

– Vì sao thế nhỉ?

Vị tì kheo cứ tình thực trả lời:

– Tại vì khọ cảm thấy, sinh hoạt chung với một vị giữ giới quá nghiêm túc thì không thoải mái tí nào!

Phật nghe thấy thế thì không vui, liền cho triệu tập đại chúng để giảng giải về sự tôn quí của giới luật. Phật dạy, người nghiêm trì giới luật giống như ngọn đèn sáng tỏ; ai có phẩm hạnh đoan trang, thân tâm thanh tịnh thì đều thích ở chỗ sáng sủa, còn ai có điều gì ám muội thì rất sợ ánh sáng mà chỉ thích nơi tối tăm.

Phật cũng cho mời quí vị tì kheo và tì kheo ni đã từng đối xử không tốt với Ưu Ba Li đến, và hỏi họ:

– Quí vị đã từng không chịu đón tiếp, muốn lánh mặt, thậm chí còn oán hận mắng mỏ đại đức Ưu Ba Li phải không?

Trước mặt Phật, họ không dám chối cãi, đành phải thú thật:

– Bạch Thế Tôn! Thật có như vậy. Chúng con đã từng cư xử vô lễ như thế đối với sư huynh của chúng con.

Phật nghiêm khắc quở trách:

– Quí vị như thế là thiếu hiểu biết. Nếu không kính trọng những vị tì kheo giữ giới thì kính trọng ai! Giới luật chính là bậc thầy cao cả của quí vị. Giới luật còn được tôn trọng thì Phật pháp còn trụ thế. Nếu quí vị không tôn kính những vị giữ giới, thì điều đó chỉ chứng tỏ rằng quí vị đang ấp ủ những ý tưởng sai traí đối với giáo pháp mà thôi.

Để bảo vệ một vị tì kheo giữ giới như Ưu Ba Li mà Phật phải khiển trách quí vị tì kheo và tì kheo ni kia một cách nặng nề như vậy, thì chúng ta thất đối với Phật, Ưu Ba Li có địa vị trọng yếu biết chừng nào!

6.- SỨ MẠNG HÒA GIẢI:

Trong tăng đoàn, người tu hành chứng quả cũng đông, mà kẻ buông lung phạm giới cũng không phải là ít. Những vị tì kheo như Ca Lưu Đà Di, Đề Bà, v.v… và những vị tì kheo ni như Tu Ma, Bà Phả, Du Lan Nan Đà v.v… đều rất thường phạm giới, Những hành vi và tai tiếng không tốt của họ đã gây cho Phật nhiều ưu phiền. Bởi vậy, Phật hay nhắc nhở đại chúng hãy lấy cái hạnh giữ giới của tôn giả Ưu Ba Li làm mẫu mực hành trì.

Tăng đoàn vốn thanh tịnh và hòa hợp. Nhưng cũng có một số vị tính tình xấu xa khó mà sửa đổi, hay tranh chấp phải trái, không nhường nhịn nhau, vừa ảnh hưởng không tốt đến sự tu hành của đại chúng, vừa làm mất danh dự của tăng đoàn. Mỗi khi có sự tranh chấp giữa các vị tì kheo ở tại một địa phương nào. Phật đều phái một vị thượng thủ đến để hòa giải. Vị được phái đi, không những là bậc đạo cao đức trọng, mà còn có khả năng xét đoán phải trái để cho sự dàn xếp lúc nào cũng được công minh. Và hầu hết các công việc hòa giải này, Phật đều giao cho Ưu Ba Li đảm trách – điển hình là những vụ tranh cãi ở các xứ Câu Diễm Di, Sa Kì v.v… Tôn giả đã trở thành một sứ giả của hòa giải, giống như nắng ấm mùa xuân, ánh sáng chiếu đến đâu thì băng tuyết tiêu tan đến đấy.

Tôn giả luôn theo hầu bên Phật, nên rất thường ở tại Xá Vệ. Tăng chúng ở thành Xá Vệ rất hòa hợp, tại vì họ thường được kề cận bên Phật, một thầy một đạo, như nước hòa với sữa, ít khi có sự gì không vui xảy ra.

Tôn giả lại rất hiểu tâm ý của Phật. Mỗi khi vâng mệnh Phật đi giải quyết những tranh chấp, tôn giả đều thi hành theo một nguyên tắc: “Tranh chấp ở đâu thì chấm dứt ngay ở đó”. Theo nguyên tắc này, tôn giả không bao giờ đem người và sự việc tranh chấp ở chỗ này đi nói ở chỗ khác. Chuyện thị phi xảy ra ở đâu thì giải quyết ngay ở đó. Tôn giả cũng không bao giờ để cho các cuộc tranh chấp trở nên ồn ào, lớn rộng; khi những tranh chấp đã được chấm dứt thì các vết tích cũng nhất định không còn.

Nhưng có một lần nọ, đang trong mùa an cư, Phật sai tôn giả sang xứ Sa Kì để giúp giải quyết một vụ tranh chấp. Tôn giả đã từ thác không đi. Phật hỏi:

– Vì sao thầy không đi?

Tôn giả cảm thấy rằng, việc tranh chấp lần này, nếu Phật không thân hành đi giải quyết thì không thể chấm dứt được; nhưng tôn giả cũng không tiện thưa thẳng với Phật điều đó, đành cứ quanh co thoái thác:

– Bạch Thế Tôn! Chiếc y của con quá nặng, nếu giữa đường bị mưa ướt thì khó mà khô được; còn nếu mang theo thêm một chiếc nữa để phòng hờ thì lại không hợp với giới pháp, vì đang trong mùa an cư. Xin Thế Tôn từ bi, miễn cho con khỏi đi lần này!

Nghe vậy, Phật chỉ muốn tôn giả đi điều tra sự việc trước mà thôi, nên hỏi:

– Thầy chỉ đi vài ngày rồi trở về được không?

– Bạch Thế Tôn! Nếu quả thực con không đi không được, vì từ thành Xá Vệ đến Sa Kì phải mất hai ngày, ở lại đó hai ngày, và trở về hai ngày nữa, cả thảy phải mất sáu ngày con mới về đến đây.

Phật gật đầu bảo:

– Từ nay về sau, trong mùa an cư, tăng chúng được phép giữ trong người hai chiếc y trong thời gian sáu ngày, không phạm luật.

Vì muốn nhờ Ưu Ba Li đi điều tra việc tranh chấp mà Phật cho phép sửa đổi một giới điều đã ban hành. Đó chẳng phải là đem giới pháp chiều người, nhưng vì tôn giả là người vô cùng trọng yếu về mặt giới pháp. Phật phái tôn giả đi điều tra cuộc tranh chấp, lại còn thi hành phép yết ma sám hối đối với những vị tì kheo hay gây ra các cuộc tranh chấp. Trước khi làm phép yết ma, tôn giả trịnh trọng tuyên bố:

– Thưa chư vị đại đức! Vâng từ mệnh của đức Thế Tôn, tôi đến đây để làm các phép yết ma, trục xuất quí vị hay gây ra các cuộc tranh cãi trong đại chúng. Đến lúc đó, xin quí vị đừng buồn phiền và cũng không nên oán hận tôi.

Một số quí vị tì kheo khi nghe giọng nói đầy quyền uy của tôn giả thì không dám ở lại đó nữa. Thà đi nơi khác chứ không dám ở đó cãi nhau, cũng không dám để cho vị chấp pháp uy nghiêm như núi kia làm phép yết ma. Nhân đó, cả một cuộc tranh cãi gay go, lớn lao trước đó, giờ liền tan biến, không còn gì nữa. Tôn giả đúng là một sứ giả của hòa bình, thật khéo léo trong việc chấm dứt các cuộc tranh chấp.

7.- HỎI GIỚI PHÁP NƠI PHẬT:

Tôn giả Ưu Ba Li có địa vị trọng yếu trong tăng đoàn, lại được tôn xưng là người giữ gìn giới luật bậc nhất, là vì đối với những sự việc có liên quan đến giới luật, tôn giả thường hay trực tiếp gặp Phật để thỉnh ý và bàn thảo. Điều đó chúng ta có thể thấy ở phần “Luật Bộ” trong Kinh Tạng. Nhưng vì những sự kiện này đã được ghi lại một cách rải rác, hoặc giả chúng chỉ là những giới điều khô khan, khó có thể dùng thể truyện để diễn tả, nên ở đây chúng tôi chỉ xin nhặt ra một hai sự việc để thuật lại, để từ đó có thể suy những sự việc khác.

Luật pháp của vương tộc Thích Ca ở thành Ca Tì La Vệ có qui định rằng, con gái của dòng họ Thích Ca không được lấy chồng người ngoại tộc; nếu ai phạm luật này, sẽ bị trị tội rất nặng. Lúc bấy giờ, có một phụ nữ thuộc dòng họ Thích Ca, tên là Hắc Li Xa, vô cùng xinh đẹp, đang lúc tuổi còn son trẻ mà chẳng may chồng lại chết sớm, vì không chịu nổi cảnh cô đơn, nên gặp lúc có chàng thanh niên ngoại tộc, đến tỏ tình thì nàng đáp ứng ngay. Nhưng oái ăm thay cùng lúc ấy ông em chồng của ngàng cũng muốn lấy nàng làm vợ, nên ra mặt cản trở. Phần thì ông em chồng phẩm hạnh không tốt, phần thì nàng đang có niềm vui mới, nên nàng nhất định cự tuyệt ông em chồng. Ông này căm tức vô cùng, bèn thề rằng: “Người đã tư tình thì nhất định ta phải giết chết ngươi!” Ông ta bèn bỏ thuốc mê vào rượu, nàng uống rồi thì hôn mê bất tỉnh. Ông đánh đập nàng thương tích khắp mình, rồi lên quan tố cáo:

– Cô này là vợ tôi, và nàng đã tư thông với thanh niên ngoại tộc.

Khi Hắc Li Xa tỉnh dậy biết rõ sự việc thì nghĩ rằng, dù mình có miệng cũng khó biện bạch, với tội danh này thì nhất định phải bị xử tử! Thừa lúc mọi người không phòng bị, nàng liền bỏ trốn, chạy một mạch thẳng đến thành Xá Vệ tìm vào ni viện xin xuất gia. Triều đình Ca Tì La Vệ cho người đi khắp nơi truy nã Hắc Li Xa nhưng không thấy nàng đâu cả. Mãi về sau mơí có tin thám tử báo về rằng, Hắc Li Xa đã trốn thoát sang thành Xá Vệ. Được tin này, triều đình Ca Tì La Vệ gửi công hàm cho vua Ba Tư Nặc nói rằng:

– Tệ quốc có nữ tội nhân tên là Hắc Li Xa. Y thị phạm quốc pháp rồi chạy trốn ra khỏi nước. Tệ quốc vừa được tin cho biết, hiện y thị đang lẫn trốn tại quí quốc. Vậy xin quí quốc giao nữ tội phạm Hắc Li Xa lại cho tệ quốc. Sau này, nếu quí quốc có tội phạm chạy trốn sang tệ quốc thì tệ quốc cũng sẽ xin bắt tội phạm ấy giao nạp lại cho quí quốc để xử trị.

Vua Ba Tư Nặc đọc xong công hàm, xoay sang hỏi tả hữu:

– Có thật Hắc Li Xa đã đào thoát sang nước ta sao?

– Bẩm đại vưong! Quả thật Hắc Li Xa có đào thoát sang nước ta, nhưng hiện thời đã vào ni viện xin xuất gia. Trước đây đại vương đã ra lệnh, nếu ai xúc phạm đến quí vị tăng ni thì sẽ bị trọng tội. Hiện giờ bà ấy đã xuất gia thì dù là ai cũng đâu dám xúc phạm. Vậy xin đại vương cho chỉ thị, chúng thần phải làm thế nào?

Sau khi suy nghĩ cặn kẽ, vua Ba Tư Nặc gửi công hàm sang Ca Ti La Vệ phúc đáp:

– Hắc Li Xa quả thật có đào thoát sang tệ quốc, nhưng bà ấy đã vào ni viện xuất gia, nên hiện tại tệ quốc không thể truy tội, còn tất cả những trường hợp khác thì tệ quốc sẽ xin thực hành đúng như lời của quí quốc.

Triều đình Ca Tì La Vệ tiếp được công hàm thì rất lấy làm bất bình. Họ cho rằng, một người đàn bà phạm phép nước như thế mà chẳng có cách nào để chế tài; vậy thì về sau luật pháp còn dùng vào đâu được nữa!

Vì một nữ tội phạm đi xuất gia mà khiến cho hai vương quốc hiềm khích nhau. Ưu Ba Li biết được sự việc, liền đến thỉnh ý Phật:

– Bạch Thế Tôn! Người đã phạm quốc pháp, tăng đoàn có nên thâu nhận họ xuất gia không?

Phật dạy:

– Này Ưu Ba Li! Quốc pháp hợp lí hay không hợp lí là việc của triều đình và nhân dân của nước đó, nhưng một người đã phạm quốc pháp, nếu tòa án chưa phán quyết là vô tội, thì tăng đoàn không được thâu nhận cho họ xuất gia!

Sau đó Phật đã quở trách vị ni sư đã thâu nhận Hắc Li Xa xuất gia. Điều đó không có nghĩa là Phật thiếu từ bi, không cứu giúp người có tội; nhưng bởi vì, tăng đoàn vốn là nơi thanh tịnh, người phạm giới luật còn phải bị tẩn xuất; huống chi người phạm quốc pháp thì phải chịu quốc pháp chế tài. Phật pháp không thể bao che cho người phạm pháp. Vì để kiện toàn tăng đoàn, và cũng vì để cho khỏi có sự chống chọi nhau giữa giới pháp và quốc pháp mà tôn giả Ưu Ba Li và Phật có cuộc hội đàm như trên.

Một lần khác, tôn giả đã trình lên Phật một vấn đề thú vị như sau:

– Bạch Thế Tôn! Tì kheo và tì kheo ni có thể vì xã hội mà đứng ra làm mai mối cho trai gái lập gia đình không?

Phật dạy:

– Này Ưu Ba Li! Nếu tì kheo hoặc tì kheo ni đem ý tứ của đàng trai sang nói cho bên đàng gái, đem ý tứ của đàng gái sang nói cho bên đàng trai, cho đến giới thiệu hai bên gặp nhau một lần, đều là phạm giới, nhất định phải sám hối.

– Vậy thì, bạch Thế Tôn! đối với hôn lễ của các tín đồ tại gia, tăng đoàn nên có thái độ như thế nào mới đúng cách?

– Không nên lo toan thái quá! Nếu hôn sự là hợp pháp thì cần tổ chức hôn lễ ở trước Tam Bảo đề cầu Phật Pháp Tăng chứng minh cho là đủ.

Ý nghĩa đích thực của GIỚI là phòng ngừa việc quấy và ngăn chận việc xấu. Theo ý nghĩa đó thì GIỚI đúng là khuôn mẫu cho việc tu chỉnh thân tâm. Sự quan hệ nam nữ rất dễ gây rắc rối, làm cho thân tâm mang nhiều nỗi buồn phiền bất an. Bởi vậy, vị tôn giả “trì giới bậc nhất” Ưu Ba Li kia, trong những lúc thỉnh thị thánh ý của Phật về giới luật, phần lớn là nhắm tới việc hạn chế sự quan hệ giữa nam và nữ.

8.- PHÉP TẮC THĂM HỎI BỆNH NHÂN:

Nên thăm hỏi người bệnh như thế nào? Ưu Ba Li đã từng nêu vấn đề này lên để thỉnh ý Phật. Về phía người bệnh dù đang trong lúc mang bệnh, cũng phải như thế nào mới đúng giới pháp? Về phía người thăm bệnh, khi thăm bệnh cũng phải như thế nào mới đúng giới pháp? Đó là những vấn đề mà tôn giả rất quan tâm.

Có một lần, nhân đi theo sau Phật tôn giả trông thấy một vị tì kheo bị bệnh đang nằm ở nơi dơ dáy mà không thể đứng dậy được. Tôn giả cũng biết được có trường hợp một vị tì kheo bị bệnh nằm ở bên đường, một vị tì kheo khác đi ngang trông thấy, nhưng vì Phật chưa chế giới điều nào về việc chăm sóc bệnh, nên vị tì kheo ấy chỉ đi một vòng quanh bệnh nhân rồi bỏ đi, chứ không chăm sóc gì cả. Lại có một vị tì kheo bị bệnh khác, lấy có rằng bị bệnh thì không cần phải giữ giới, nên cứ tự tiện sống theo ý riêng của mình. Vì có những sự việc đã xảy ra như vậy, nên tôn giả đem ra thỉnh ý Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nếu có một vị tì kheo cao đức bị bệnh thì chúng con nên đến thăm hỏi và chăm sóc như thế nào?

Phật dạy:

– Này Ưu Ba Li! Khi vó một vị tì kheo cao đức bị bệnh thì không nên để vị ấy nằm ở trong phòng nhỏ chật hẹp, mà phải để nằm nơi phòng ở dãy trước, rộng rãi, thoáng khí, sáng sủa. Các đệ tử của đại đức ấy phải quét dọn phòng sạch sẽ, cắm hoa, đốt hương, và lúc nào cũng túc trực hầu cận một bên để cho thầy sai việc. Nếu có các vị tì kheo khác tới thăm hỏi thì nên đem trà nước hoa quả ra mời. Nếu được hỏi han thì người bệnh nên trả lời; nếu vì sức yếu quá không trả lời được thì vị thị giả phải trả lời thay. Những vị đến thăm thì phải tùy theo tình trạng người bệnh mà an ủi. Nói pháp, và làm bất cứ việc gì để giúp đỡ cho người bệnh, kể cả việc cung cấp các nhu cầu thiết yếu như cơm nước, thuốc thang. Nếu có các Phật tử tại gia đến thăm bệnh thì mời họ ngồi, và nhân tiện nói pháp cho họ nghe; nếu họ có cúng dường thì nên niệm Phật và chú nguyện cho họ. Lúc nào người bệnh muốn đi tiêu, đi tiểu thì tất cả mọi người đến thăm bệnh phải ra khỏi phòng ngay; trong phòng người bệnh đã có thị giả phục dịch, nhưng ở ngoài cửa cũng nên có một người nữa để trông chừng, phòng có kẻ đột nhập vào. Này Ưu Ba Li, nếu có vị tì kheo cao đức nào bị bệnh thì nên theo cách thức đó mà thăm hỏi và chăm sóc.

– Bạch Thế Tôn! Nếu có một tì kheo kém đức bị bệnh thì chúng con nên thăm hỏi và chăm sóc như thế nào?

– Này Ưu Ba Li! Khi một tì kheo kém đức bị bệnh thì nên để vị ấy nằm ở nơi kín đáo hơn, không để cho mùi hôi hám bay tỏa ra ngoài. Thầy hoặc đệ tử của vị ấy phải lo chăm sóc. Nếu vị ấy không có thầy và đệ tử thì nên cắt cử từ một đến ba vị trong chúng để chăm sóc. Những nhu cầu thiết yếu của người bệnh như cơm nước thuốc thang thì những vị nuôi bệnh này phải cung cấp. Nếu những vị này không có thì đại chúng phải cung cấp. Nếu đại chúng cũng không có thì nên lấy những vật gì có giá trị của người bệnh như y bát v.v… đem đổi lấy lấy cơm nước thuốc thang. Nếu người bệnh tiếc của không cho lấy thì phải trình lên vị trưởng lão quản chúng để dùng lời lẽ khéo léo thuyết phục, người bệnh bằng lòng thì mới đem đổi được. Nếu cũng không được nữa thì đại chúng nên đi xin để nuôi bệnh. Nếu xin không có thì nên lấy những thức ngon trong đồ ăn của tăng chúng để nuôi bệnh. Nếu trong chúng không có thức ăn ngon thì người nuôi bệnh phải mang hai bình bát đi vào trong xóm khất thực, rồi chọn bát nào có thức ăn ngon thì đem cho người bệnh. Này Ưu Ba Li, phải theo cách thức đó mà chăm sóc cho một tì kheo kém đức.

Quan tâm đến bệnh hoạn của tăng chúng, tôn giả đã thỉnh ý Phật để có được những qui định rõ ràng không những về việc chăm sóc, mà cả đến việc xử lí các di vật của người bệnh để lại trong trường hợp vị này viên tịch. Sự lưu tâm thật cẩn thận và tỉ mỉ như thế của Ưu Ba Li đối với người bệnh, đã làm sáng tỏ lòng từ bi, vị tha cũng như tinh thần giữ giới nghiêm cẩn của tôn giả.

Người xuất gia đã cắt đứt mọi sự ràng buộc của gia đình, thân tộc, xa lìa làng xóm để hoàn toàn sống vói tăng đoàn, mà gặp những lúc bệnh hoạn, nếu không có người chăm sóc thì thật là khổ sở. Nhưng từ khi Ưu Ba Li đặt vấn đề trình lên Phật thì không còn sự khổ sở đó nữa. Việc chăm sóc người bệnh đã được liệt vào một trong tám thứ ruộng phước (tức là tám đối tượng mà người tu hành nên cung kính cúng dường để tạo phước báo: chư Phật, các bậc thánh nhân, bổn sư truyền giới, quí vị thọ dạy cho oai nghi tế hạnh trong lễ thọ giới, chư tăng, cha, mẹ, và người bệnh hoạn.- Chú thích của người dịch) của người tu học. Thầy, sư huynh, sư đệ, và đệ tử của người bệnh đều có thể chăm sóc cho người bệnh. Sau cuộc pháp đàm này giữa Phật và Ưu Ba Li thì vấn đề bệnh hoạn trong tăng đoàn rất được mọi người để ý đến.

9.- HÒA HỢP TĂNG VÀ PHÁ HÒA HỢP TĂNG:

Trên lập trường tuân thủ giới luật, ngoài những vấn đề liên quan đến pháp chế, nam nữ, bệnh hoạn, tôn giả Ưu Ba Li còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề hòa hợp và phá hòa hợp tăng. Dù tăng đoàn sống trong tinh thần “Sáu phép hòa kính”, nhưng quan trọng là phải cùng giữ gìn giới thì mới sống chung được. Cho nên đối với một vị tì kheo giữ giới thì hòa hợp tăng là vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Một ngày nọ, lúc Phật ngự tại thành Xá Vệ, nhân để ý đến sự đoàn kết trong tăng đoàn, Ưu Ba Li đã đến trước Phật, đảnh lễ và bạch:

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là phá hòa hợp tăng?

– Này Ưu Ba Li! Nếu một vị tì kheo hiểu rõ đạo lí, giữ giới luật, sống đúng như giáo pháp, thì các đệ tử của vị ấy, bất luận là xuất gia hay tại gia, đều phải cung kính, lễ bái và tu học theo sụ dạy bảo của vị ấy. Nếu có người tỏ ra khinh thị, chê cười, chế nhạo, hủy báng, đó là phá hòa hợp tăng. Nếu các tín đồ tại gia đối với tăng chúng xuất gia khởi sinh vọng tưởng phân biệt nhân ngã, hoặc khêu gợi hiềm khích để gây chia rẽ, hoặc tạo ra những chuyện rắc rối làm cho náo loạn, đó là phá hòa hợp tăng. Nếu các quan quân chính quyền dùng quyền lực để can thiệp vào nội bộ các tự viện, li gián tăng ni, đó là phá hòa hợp tăng.

– Bạch Thế Tôn! Phá hòa hợp tăng thì phạm tội như thế nào?

– Ưu Ba Li! Nếu phạm tội phá hòa hợp tăng, phải bị đọa địa ngục, chịu khổ trong một kiếp.

– Bạch Thế Tôn! Thế nào là hòa hợp tăng?

– Ưu Ba Li! Kính trọng, lễ bái, tu học theo các vị tì kheo sống đúng như giới luật, như giáo pháp, cũng như phát tâm ủng hộ, khen ngợi và xây dựng sự hòa kính cho tăng chúng, đó là hòa hợp tăng.

– Bạch Thế Tôn! Hòa hợp tăng thì công đức gì?

– Ưu Ba Li! Nếu hòa hợp tăng thì được sinh lên cõi trời, hưởng thọ sung sướng trong một kiếp.

Đối với công và tội của sự hòa hợp tăng và phá hòa hợp tăng, tôn giả không phải là không biết, nhưng ở đây, ý của tôn giả là muốn gợi vấn đề lên để xin Phật đích thân nói, cốt làm tăng tầm quan trọng cho sự việc. Tôn giả đúng là một mẫu người khiêm cung, giữ phép và hiểu biết. Thái độ đó, tác phong đó của tôn giả thật đáng chúng ta kính yêu!

10.- KẾT TẬP TẠNG LUẬT:

Bình nhật, tôn giả là người có đủ khả năng đức độ và uy tín để giải quyết các việc rắc rối trong tăng đoàn, làm phép yết ma sám hối cho các tì kheo phạm giới, cũng như cùng với Phật bàn thảo về những chỗ vi tế của giới luật, và dần dần nghiễm nhiên trở thành một vị có thanh danh trong tăng đoàn; riêng về phương diện giới luật thì tôn giả lại là người có uy thế lớn nhất. Phật khen ngợi tôn giả là vị có giới hạnh nghiêm túc nhất, đại chúng cũng công nhận tôn giả là vị giữ giới bậc nhất. Những vị tì kheo và tì kheo ni không hiểu rõ giới luật, muốn đến hỏi Phật, nhưng sợ phiền phức thì đều đến hỏi tôn giả. Tôn giả như là chuông đại đồng, thường ngày tuy không hay phát biểu, luận bàn, nhưng mỗi khi chuông được thỉnh lên thì âm thanh phát ra vang vọng khắp chốn đều nghe.

Giới luật là vì tăng đoàn mà thiết chế, hơn nữa, vì là một vị giữ giới nghiêm túc, nên trong cuộc đời của Ưu Ba Li, tôn giả không bao giờ xa rời tăng đoàn, ít tới lui với người thế tục, cũng không hề có một hoạt động nào nhằm vào quần chúng, xã hội. Cho nên khi ghi lại những sự việc liên quan đến cuộc đời của tôn giả, chúng tôi chỉ có thể ghi được những sự kiện ở trong tăng đoàn mà thôi.

Khi Phật nhập diệt thì tôn giả khoảng hơn bảy mươi tuổi. (Trong tiết 2, “Cạo Tóc Cho Phật”, ở trên, tác giả nói, khi Phật về thăm Ca Tì La Vệ lần đầu tiên sau ngày thành đạo thì tôn giả Ưu Ba Li khoảng 20 tuổi. Lúc đó Phật đã 38 tuổi. Vậy khi Phật nhập diệt thì tôn giả chỉ khoảng hơn 60 tuổi thôi, chứ không phải hơn 70 tuổi như tác giả nói ở đây. – Chú thích của người dịch). Khi các vị đệ tử lớn của Phật vân tập tại hang núi Kì Xà Quật (về địa danh này, xin xem lại “chú thích của người dịch” ở trang 288 – người dịch) để kết tập kinh điển – do tôn giả Đại Ca Diếp làm thượng thủ – thì tôn giả A Nan được đại chúng suy cử kết tập tạng Kinh và chính tôn giả đã được suy cử kết tập tạng Luật; nhưng khi vừa được suy cử thì tôn giả liền khiêm tốn khước từ:

– Đây là trách nhiệm quá lớn lao, tôi không dám nhận lãnh. Xin đại chúng suy cử một vị trưởng lão khác.

Tôn giả Đại Ca Diếp quyết ủng hộ tôn giả, nên nói ngay:

– Đại đức Ưu Ba Li, xin đừng từ chối! Hôm nay tuy có đông đủ năm trăm vị tì kheo đều thuộc hàng trưởng lão, nhưng ngay từ đầu đức Thế Tôn đã kí thác cho đại đức thành tựu mười bốn pháp. Vậy trừ đức Thế Tôn ra, tăng đoàn đã từng công nhận đại đức là người giữ giới bậc nhất, cho nên trong pháp hội hôm nay, chính đại đức là người duy nhất có thẩm quyền để đọc tụng tạng Luật mà thôi!

Nghe vậy, tôn giả không còn từ chối được nữa. Trước hết tôn giả đưa ra một số nguyên tắc, và sau khi được toàn thể đại chúng chấp thuận, tôn giả bắt đầu đọc tụng tạng Luật. Trong khi đọc tụng, đối với mỗi điều giới, tôn giả đều nói rõ thời gian, địa điểm, đối tượng và nguyên do chế giới. Tôn giả cũng đề cập đến sự phạm giới, đến mức độ nào thì có tội hoặc trở nên vô tội. Với những điều ghi nhớ thật chi tiết, tỉ mỉ như thế, tôn giả đã làm cho toàn thể đại chúng vô cùng bội phục và tin tưởng.

Một người xuất thân từ dòng giống hạ tiện, nhưng đã được địa vị cao cả trong tăng đoàn, cuối cùng lại còn là người chủ trì tạng Luật trong cuộc kết tập thánh điển, đó không phải là điều ngẫu nhiên! Tôn giả Ưu Ba Li thật xứng đáng được thế nhân kính ngưỡng, là tấm gương cho các dân tộc đau khổ hướng lên để thêm mạnh lòng tin, và làm cho ánh sáng bình đẳng của Phật pháp chiếu rọi khắp cả chúng sinh, muôn đời không dứt.

Les commentaires sont fermés.