Phật Bảo Sinh

http://tuyenphap.com/Tham-khao/Duc-Phat-Bao-Sinh-Binh-dang-tanh-tri
Đức Phật Bảo Sinh (Bình đẳng tánh trí)

Ratnasambhava-2

Ratnasambhava có nghĩa là “đản sinh từ bảo báu”, “ratna” trong tiếng Phạn có nghĩa là Bảo báu. Người ta tin rằng đức Phật Bảo Sinh chuyển hóa tính kiêu mạn của con người thành Bình đẳng tánh trí. Loại trí tuệ này đưa ra những đặc điểm chung về sự trải nghiệm cảm xúc của con người và giúp chúng ta thấu hiểu được nhân loại dưới hình tướng cả nam và nữ. Nó giúp chúng ta hiểu được dù bản thân là một cá thể nhưng về bản chất, chúng ta vốn luôn hợp nhất chặt chẽ, không tách rời với phần còn lại của nhân loại. Trong cảnh giới giác ngộ này, không một chúng sinh nào hơn hay kém chúng sinh khác, không có khoảng trống cho bản ngã trỗi dậy.

Đức Phật Bảo Sinh có khế ấn Verada. Khế ấn này biểu trưng cho sự bố thí và ban phát ân huệ. Trên thực tế, biểu tượng riêng của Ngài là viên ngọc Như Ý, liên quan đến sự thịnh vượng. Và đôi khi đức Phật Bảo Sinh được miêu tả là đức Phật Bố thí. Ngài không bao giờ phân biệt mà luôn bố thí cho tất cả (Bình đẳng tánh trí). Đối với Ngài, tất cả các chúng sinh đều quý giá như nhau. Bất kể địa vị xã hội, chủng tộc, giới tính hay điều kiện sống, tất cả chúng ta đều được tạo ra từ đất. Ân đức của đức Phật Bảo Sinh rọi chiếu tất cả, từ cung điện nguy nga tráng lệ cho đến những vật nhơ bẩn nhất như đống phân. Thiền định về trí tuệ của Ngài giúp cho chúng ta trưởng dưỡng được sự đoàn kết, hợp nhất cho tất cả đồng loại, và còn hơn thế nữa, cho tất cả vô tình và hữu tình chúng sinh.

Trí tuệ Bình đẳng tánh trí ban tặng chúng ta sự rõ ràng của Tâm để quán chiếu tâm trong một khái niệm đúng đắn, theo đó tám sự trải nghiệm cảm xúc được sắp xếp thành bốn cặp: được mất, vinh nhục, khen chê, khổ vui. Những trải nghiệm này luôn đi thành từng cặp. Nếu chúng ta theo đuổi một thứ thì nó sẽ mở con đường dẫn tới thứ còn lại. Ví dụ ta đi tìm khoái lạc thì chắc chắn một lúc nào đó, ta sẽ bị đau khổ. Đây là sự diễn đạt về mặt tâm linh của định luật động lực học thứ ba của Newton: “Mọi hành động trong vũ trụ đều có lực đối ứng với nhau, có sức mạnh tương đương”.

Màu của đức Phật Bảo Sinh là màu vàng. Đây là màu của đất. Đất cũng cực kỳ rộng lượng và hào phóng, luôn sẵn lòng chia sẻ sự thịnh vượng của nó. Ngoài ra, đất cũng bố thí mà không mong chờ đáp trả. Nó bố thí và cũng được nhận nhiều như thế. Do vậy, trái đất là cán cân vĩ đại. Giống như Trái đất, ánh sáng chói lọi của đức Phật Bảo Sinh phá tan tất cả các giới hạn về ta và người. Do đó, chúng ta có thể chia sẻ với người khác – mà không có bất kỳ cảm giác liên quan đến việc cho, bởi vì cho là có bản ngã để cho và có người khác để nhận. Đức Phật Bảo Sinh nâng đỡ chúng ta vượt qua chấp thủ nhị nguyên ấy.

Linh thú liên quan tới đức Phật Bảo Sinh là một con tuấn mã với sinh lực tràn đầy, chở tất cả những chúng sinh khổ đau. Nó cũng được xem như biểu trưng cho cuộc hành trình tâm linh mà đức Phật đã bắt đầu từ lúc Ngài rời hoàng cung đi tìm sự giác ngộ tọa trên lưng một con tuấn mã trung thành.

Trong nghệ thuật Mật giáo, con tuấn mã này thường được mô tả chở trên lưng đầy châu báu. Đây cũng là một cơ sở nữa cho thấy mối liên hệ của nó với đức Phật Bảo Sinh.

Đức Phật Bảo Sinh trụ ở phương Nam. Mặt trời tọa ở phương Nam vào giữa trưa. Những tia nắng của mặt trời lúc này có màu vàng sáng, màu sắc của chính đức Phật Bảo Sinh.

(Trích từ cuốn Nghệ thuật Mật giáo là cánh cửa dẫn tới giác ngộ, NXB Nhã Nam)

————————————————————–

http://chuaminhthanh.com/web/plugins/p2_news/printarticle.php?p2_articleid=646

Hình Ảnh Ngũ Phương Như Lai – Đại Đức Thích Tâm Mãn Họa

Biên tập: Thích Tâm Mãn – Thích Minh Hoàng

(chuaminhthanh.com) Ngũ phương Phật còn xưng là Ngũ Trí Như Lai, Ngũ Trí Phật, Ngũ Phật, Ngũ Thánh hoặc Ngũ Thiền Định Phật (pañca-dhyāni-bhuddhāh), trong Mật giáo Đức Đại Nhật Như Lai là chủ Tôn của Ngũ Phật, có Kim Cang Giới Ngũ Phật và Thai Tạng Giới Ngũ Phật.

Kim Cang Giới Ngũ Phật có: Tỳ Lô Giá Na Phật (Vairocana); A Súc Phật (Aksobhya); Bảo Sanh Phật (Ratnasambhava); A Di Đà Phật (Amitabha); Bất Không Thành Tựu Phật (Amogha-siddhi). Ngũ Phật này cư trụ ở Ngũ Giải Thoát Luân của Trung Ương Kim Cang Giới Mạn Trà La.

Thai Tạng Giới Ngũ Phật có: Đại Nhật Như Lai tọa vị Trung Ương, thân màu Hoàng Kim, kết Pháp Giới Định ấn; Bảo Tràng Như Lai tọa vị Đông phương, thân màu Đỏ Trắng, tay trái để bên hông, tay phải kết Xúc Địa ấn; Khai Phu Hoa Vương Như Lai, tọa vị Nam phương, thân màu Hoàng Kim, kết Ly Cấu Tam Muội ấn; Vô Lượng Thọ Như Lai tọa vị Tây phương, thân màu Hoàng Kim, kết Di Đà Định ấn, Thiên Cổ Lôi Âm Như Lai tọa vị Bắc phương, thân màu Đỏ Vàng, hiện tướng ngồi nhập định.

Kim Cang Giới Mạn Trà La là Quả biểu thị cho Trí; Thai Tạng Giới Mạn Trà La là Nhân biểu thị cho . Vì vậy chủng tử tự và sắc tướng của Ngũ Phật không giống nhau, nhưng đồng nhất Thể. Đại Nhật Như Lai và A Di Đà Như Lai trong lưỡng giới (Kim Cang Giới và Thai Tạng Giới) thì danh xưng giống nhau, còn 3 Đức Phật Bảo Tràng, Khai Phu Hoa Vương, Thiên Cổ Lôi Âm tương ưng với 3 Đức Phật A Súc, Bảo Sanh, Bất Không Thành Tựu của Kim Cang Giới. Ngoài sự khác nhau của lưỡng giới, giữa Tạng mật (Tây mật) và Đông mật cũng có chỗ không tương đồng nhau.

Ngũ Phương Như Lai chính là từ Ngũ Trí ứng hiện thành:

1.Đại Viên Cảnh Trí

2.Bình Đẳng Tánh Trí

3.Diệu Quán Sát Trí

4.Thành Sở Tác Trí

5.Pháp Giới Thể Tánh Trí

Đông Phương Thế Giới A Súc Như Lai: thân phóng quang minh màu Xanh (Hành Mộc), kết ấn Xúc Địa với hoằng nguyện ngăn chặn và diệt trừ các ác ma giữ cho thế giới hòa bình và an ổn. Đức Phật A Súc Như Lai bổn tôn [Đại Viên Cảnh Trí]. Hàm ý tâm trí chúng sanh gốc vốn thanh tịnh trong sáng như gương, nhưng do nghiệp chướng vô minh làm cho lu mờ đen tối. Nay nương nhờ thần lực của Như Lai cộng với sự nổ lực tu trì tìm lại bản tánh trí huệ viên minh của chính mình.

Nam Phương Thế Giới Bảo Sanh Như Lai: thân phóng quang minh màu Đỏ (Hành Hỏa), kết ấn Đại Nguyện với Đại nguyện tất cả những gì chúng sanh cần Ngài đều bố thí cho cả, bình đẳng như nhau, thế giới của Ngài toàn là báu vật. Đức Phật Bảo Sanh Như Lai bổn tôn [Bình Đẳng Tánh Trí] hàm ý chúng sanh do tham sân si cố chấp, phiền não dẫy đầy, có biết đâu tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau, đều được hình thành từ Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không, Thức; Sanh, Lão, Bịnh, Tử. Nay nương nhờ thần lực của Như Lai cộng với sự nổ lực tu trì tìm lại bản tánh Trí Huệ Bình Đẳng của mình.

Tây Phương Thế Giới A Di Đà Như Lai: thân phóng quang minh màu Trắng (Hành Kim), kết ấn Đại Định với bổn nguyện tiếp dẫn phổ độ chúng sanh vãng sanh Tây phương Cực Lạc thế giới. Đức Phật A Di Đà Như Lai bổn tôn [Diệu Quang Sát Trí] hàm ý tiếp dẫn chúng sanh giác ngộ, nhận được cảnh giới hư không, từ Hư không đạt đến Diệu hữu, nhìn nhận thế giới mới lập thành không có điều sai khác, sự thanh tịnh của chúng sanh không sai khác với Đức Phật Tỳ Lô Giá Na, trí huệ đạt đến cảnh giới này thì có thể nhập Tỳ Lô Pháp Giới.

Bắc Phương Thế Giới Thành Tựu Như Lai: thân phóng quang minh màu Đen (Hành Thủy), kết ấn Thí Vô Úy. Với nguyện lực làm đạo sư cho hết thảy chúng sanh, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trường hợp nào, Ngài đều tạo phương tiện để chúng sanh thoát các nổi sợ hải và thành tựu những nguyện vọng lìa khổ đau của muôn loài. Đức Phật Thành Tựu Như Lai bổn tôn [Thành Sở Tác Trí] hàm ý chúng ta nên tự mình phát tâm tu tập làm cho trí huệ Phật tánh của chúng ta phát sáng như ánh sáng của mặt trời, đem ánh sáng và hơi ấm đến cho mọi loài chúng sanh, khai mở thế giới phóng vô lượng quang minh biến thành cảnh giới Tịnh Độ ở thế gian, mọi sự vật đều theo nguyện lực mà thành tựu, Ngũ uẩn chuyển thành Ngũ trí, lấy sự Bố thí làm nhiệm vụ phóng quang, đạt được như vậy thì tự thân [Thành Sở Tác Trí].

Trung Ương Thế Giới Tỳ Lô Giá Na Phật còn tôn xưng Đại Nhật Như Lai: thân phóng quang minh màu Vàng (Hành Thổ), kết ấn Trí Quyền. Bốn vị Phật: Đông, Tây, Nam, Bắc, thể hiện tính cách của Đại Nhật Như Lai, tuy là bốn nhưng chỉ là một, một nhưng lại là bốn. Đức Đại Nhật Như Lai bổn tánh hoàn toàn thanh tịnh, vĩnh viễn bất biến, bất sanh bất diệt, cụ túc viên mãn. Đức Phật Tỳ Lô bổn tôn [Pháp Giới Thể Tánh Trí] hàm ý tổng hợp Tứ Trí thành Ngũ Trí, cho đến thống nhiếp vũ trụ vạn sự vạn vật thành Pháp thân, lấy tư duy phát khởi Tịnh niệm, Chánh kiến, giác ngộ sự thống nhất của vạn sự vạn vật trong vũ trụ, từ đây làm cơ sở để thành tựu [Pháp Giới Thể Tánh Trí], biến nhập thế giới Tỳ Lô.

Sau khi kết giới, thế giới của Ngũ Trí Như Lai được thành lập, phóng đại quang minh, cụ túc thần lực, thí Vô Úy Pháp, tiếp dẫn lục đạo chúng sanh nhập đại đạo tràng diệt trừ phiền não, đốn phá Vô Minh, sám hối tội căn, quy y Tam Bảo, thừa Phật thần lực trực vãng Tây Phương, nhập Phật Pháp giới, thọ đại an lạc.

Ban Biên Tập Kính giới thiệu hình ảnh Ngũ Phương Ngũ Trí Như Lai do Đại Đức Thích Tâm Mãn họa:

Nam Mô Đông Phương Thế Giới A Súc Phât.

Đông Phương thế giới A Súc Phật

Kỳ thân Thanh sắc phóng quang minh

Thủ ấn chấp trì Kim Cang xử

Chúng đẳng chí tâm quy mạng lễ

Nam Mô Nam Phương Thế Giới Bảo Sanh Phật

Nam Phương thế giới Bảo Sanh Phật

Kỳ thân Xích sắc phóng quang minh

Thủ ấn chấp trì Ma Ni Bảo

Chúng đẳng chí tâm quy mạng lễ.

Nam Mô Tây Phương Thế Giới Di Đà Phật

Tây Phương thế giới Di Đà Phật

Kỳ thân Bạch sắc phóng quang minh

Thủ ấn chấp trì Diệu Liên Hoa

Chúng đẳng chí tâm quy mạng lễ.

Nam Mô Bắc Phương Thế Giới Thành Tựu Phật

Bắc Phương thế giới Thành Tựu Phật

Kỳ thân Hắc sắc phóng quang minh

Thủ ấn chấp trì Luân Tương Giao

Chúng đẳng chí tâm quy mạng lễ.

Nam Mô Trung Ương Thế Giới Tỳ Lô Phật

Trung ương thế giới Tỳ Lô Phật

Kỳ thân Huỳnh sắc phóng quang minh

Thủ ấn chấp trì Thiên Bức Luân

Chúng đẳng chí tâm quy mạng lễ.

——————————————————————————

 

Les commentaires sont fermés.