Phổ Hiền Bồ-Tát

http://phapbao.org/ph%E1%BB%95-hi%E1%BB%81n-b%E1%BB%93-tat-bodhisattva-visvabhadhra/

Phổ Hiền Bồ-Tát (Bodhisattva Visvabhadhra)

Trong vô lượng các vị Đại Bồ tát, từ tha phương quốc độ đến Ta bà để trợ duyên với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa độ sanh, có thể nói Bồ tát Phổ Hiền là một trong các vị Bồ tát trợ duyên giáo hóa đắc lực nhất và có nhân duyên sâu nặng đối với tất cả chúng sanh, thể hiện qua tâm nguyện thủ hộ Chánh pháp và hộ trì người tu tập của Ngài.

Theo kinh Pháp Hoa, Ngài là vị Bồ tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta bà, nghe thế giới này thuyết kinh Pháp Hoa liền lãnh đạo năm trăm vị Đại Bồ tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì Chánh pháp của Đức Phật Thích Ca.

Phổ Hiền, tiếng Phạn Sàmantabhadra, dịch âm là Tam mạn đà bạt đà la, hoặc Tam mạn đà bạt đà. Phổ là biến khắp, Hiền là Đẳng giác Bồ tát, Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sanh mà hiện thân hóa độ.

Căn cứ vào tranh tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh, Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng hầu bên trái, còn Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử hầu bên phải Đức Phật Tỳ Lô Giá Na.  Bồ tát Phổ Hiền biểu thị Đại hạnh, Bồ tát Văn Thù biểu thị Đại trí, hai vị dùng trí tuệ và hạnh nguyện đồng trợ hóa cùng Đức Tỳ Lô Giá Na hóa độ chúng sanh.

Bồ tát ngồi trên lưng voi trắng sáu ngà, biểu thị hạnh nguyện rộng lớn. Voi là loài có sức mạnh, kham nhẫn, có thể chuyên chở người và vật từ chỗ này sang chỗ khác. Bồ tát Phổ Hiền cũng thế, dùng Đại hạnh hóa độ chúng sanh, đưa họ từ bờ mê sang bến giác. Voi trắng biểu thị Bồ tát tuy lăn lộn trong trần thế hóa độ chúng sanh nhưng Ngài không vướng nhiễm bụi trần, tâm hoàn toàn trong sạch. Sáu ngà trượng trưng cho Lục độ, sáu công hạnh tu tập của chư vị Bồ tát. Hình ảnh Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng sáu ngà mang ý nghĩa Ngài là vị Bồ tát với tâm Bồ đề vững mạnh, hoàn toàn thanh tịnh, khéo vận dụng Lục độ làm phương tiện giáo hóa độ sanh.

Theo kinh Bi Hoa, tiền thân của Bồ tát Phổ Hiền là thái tử con vua Vô Tránh Niệm. Nhờ phụ vương khuyên bảo, thái tử đã phát tâm cúng dường Đức Phật Bảo Tạng và chư Tăng trong ba tháng an cư, đồng thời đối trước Phật và đại chúng phát đại nguyện độ sanh. Sau khi thấy sự phát nguyện rộng lớn và kiên cố của thái tử, Đức Phật Bảo Tạng vô cùng hoan hỷ và thọ ký cho Ngài về sau thành Phật, hiệu là Phổ Hiền Như Lai.

Trong các pháp hội Đức Phật Thích Ca thuyết pháp, Bồ tát Phổ Hiền đóng vai trò quan trọng, đại diện chúng Bồ tát khuyến thỉnh và phát nguyện khuyến phát đạo tâm, trợ duyên tu tập, dẹp trừ ma chướng cho hành giả trên bước đường hành Bồ tát đạo. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Hiền khuyến phát, Bồ tát sau khi hỏi Phật về các điều kiện cần yếu của hành giả khi thọ trì kinh Pháp Hoa xong, liền đối trước Phật phát nguyện đời mạt pháp, nếu có người nào phát tâm trì tụng kinh này, Ngài sẽ cưỡi voi trắng sáu ngà cùng chư Đại Bồ tát hiện ra trước mặt cùng đọc tụng và hộ trì người đó. Kinh Lăng Nghiêm, chương Đại Thế Chí viên thông, Bồ tát sau khi trình bày về pháp môn tu tập của mình, liền đối trước Phật phát nguyện sau này người nào tu hạnh Phổ Hiền, khi gặp ma chướng, Ngài sẽ hiện thân đến để xoa đầu, an ủi ủng hộ, khiến các ma sự sớm tiêu trừ không thể phá hoại được. Kinh Địa Tạng, phẩm Địa ngục danh hiệu thứ năm, Bồ tát vì muốn chúng sanh trong cõi Ta bà không tạo ác nghiệp mà thỉnh cầu Bồ tát Địa Tạng nói về những danh hiệu và tội báo trong địa ngục, nhằm giúp chúng sanh đời sau nghe được mà bỏ ác làm lành để khỏi đọa vào địa ngục chịu nhiều nỗi khổ đau.

Phổ Hiền là hạnh nguyện rộng lớn. Hạnh ở đây nói theo nghĩa rộng là nhiếp tất cả hạnh, tất cả các công hạnh lợi tha dù lớn hay nhỏ cũng không ngoài chữ hạnh này. Nói theo nghĩa hẹp, hạnh là bao gồm mười hạnh nguyện Phổ Hiền. Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện có nêu lên mười hạnh nguyện của Bồ tát và dạy rằng đây là mười hạnh nguyện tối viên mãn của Đẳng giác Bồ tát; trong chúng Bồ tát, vị nào tu tập được mười hạnh nguyện này thì đều được gọi là Phổ Hiền Bồ tát.

Trên bước đường hành Bồ tát đạo, muốn thành tựu quả vị Phật cần phải thực hành mười công hạnh này. Mười công hạnh Phổ Hiền là thường lễ kính các Đức Phật; xưng tụng công đức của Như Lai; thờ phụng và cúng dường tất cả chư Phật; sám hối các nghiệp chướng từ vô thỉ đến nay và tuân giữ tịnh giới; thường tùy hỷ công đức của tất cả chư Phật, Bồ tát; lễ thỉnh tất cả chư Phật giảng nói giáo pháp; thỉnh cầu Phật, Bồ tát chớ nhập Niết bàn mà trụ thế để nói pháp; thường theo Phật Tỳ Lô Giá Na học giáo pháp; ứng theo sự khác biệt của các loài chúng sanh mà làm các việc cúng dường; và cuối cùng là hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh để thành tựu Phật quả. Đây là mười pháp tối thắng, hay nói cách khác là Đại hạnh, nhiếp tất cả muôn hạnh thế gian và xuất thế gian của ba đời mười phương chư Phật.

——————————————————————————————————————————

http://www.buddhismtoday.com/viet/botat/sutich_botatPhoHien.htm

SỰ TÍCH PHẬT A-DI-ĐÀ VÀ BẢY VỊ BỒ TÁT
 Phật học tạp chí Từ Bi Âm (200-204)

Khi Đức Phổ Hiền Bồ Tát chưa xuất gia học đạo, còn làm con thứ tư của vua vô Tránh Niệm, tên là Năng Đà Nô.

Nhờ Phụ Vương khuyên bảo, nên Thái Tử mới phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng và chúng sanh trong ba tháng.

Lúc ấy có quan Đại thần Bảo Hải thấy vậy, khuyên rằng: “Nay Điện hạ có lòng làm đặng món công đức rất tốt như thế, xin hãy hồi hướng về Đạo Vô Thượng Bồ Đề, mà cầu đặng thành Phật, hơn là cầu sự phước báu hữu lậu nơi cõi nhơn Thiên, vì cõi ấy còn ở trong vòng sinh tử”.

Năng Đà Nô Thái Tử nghe quan Đại thần  khuyên bảo như vậy, liền thưa với Phật Bảo Tạng rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi có món công đức cúng dường Ngài và đại chúng trong ba tháng, xin hồi hướng về đạo vô thượng Chánh Giác, nguyện phát tâm Bồ đề, tu hạnh Bồ tát mà giáo hóa mọi loài chúng sanh, đặng thành Phật đạo, và nguyện đặng cõi Phật rất thanh tịnh trang nghiêm, bao nhiêu những sự tốt đẹp và sự giáo hóa chúng sanh đều y như thế giới của Đức Phổ Hiền Như Lai vậy”.

Đức Bảo Tạng Như Lai nghe Năng Đà Nô Thái Tử phát nguyện như thế, liền thọ ký rằng: Hay thay! hay thay! Ngươi phát thệ nguyện rộng lớn, muốn độ hết thảy chúng sanh đều thành Phật Đạo. Trong khi tu Bồ tát đạo, dùng trí kim cang mà phá nát các núi phiền não của mọi loài chúng sanh, vì vậy nên ta đặt hiệu ngươi là: Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức, trãi hằng sa kiếp làm nhiều công việc Phật sự rất lớn, rồi đến thế giới Bất Huyến ở phương Đông mà thành Phật, hiệu là Phổ Hiền Như Lai, chừng đó những sự tốt đẹp trang nghiêm của ngươi đã cầu nguyện thảy đều thỏa mãn”.

Khi Đức Bảo Tạng Như Lai thọ ký rồi, tự nhiên giữa hư không có nhiều vị Thiên tử ở các cõi Trời đem đủ thứ bông thơm đẹp đến mà cúng dường và đồng thinh khen ngợi.

Năng Đà Nô Thái Tử thưa với Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu những sự ao ước của tôi ngày sau quả nhiên đặng như lời Ngài thọ ký, nay tôi kính lễ Ngài và chư Phật mà xin làm sao hằng sa thế giới có đủ món hương rất tốt rất thơm, mùi bay khắp trong các cõi, và mọi chúng sanh, hoặc ở trong địa ngục, ngạ quỷ cùng súc sanh, cho đến các người ở cõi Thiên Thượng Nhơn gian, đương mắc phải nghiệp báo gì, nếu ngửi đặng món hương thơm ấy, tức thì đều đặng rảnh khổ và lại hưởng sự an vui”.

Năng Đà Nô Thái Tử thưa rồi, đương cúi đầu mà lễ Phật, thì trong các thế giới mười phương tự nhiên có mùi hương thơm bay khắp cả. Lúc đó mọi loài chúng sanh ngửi đặng mùi hương ấy, lòng dạ hớn hở, các bệnh phiền não thảy đều tiêu trừ. Năng Đà Nô Thái Tử nhờ Phật thọ ký như vậy, thân tâm vui mừng, bèn đảnh lễ Phật, rồi ngồi xuống nghe Ngài thuyết Pháp.

Năng Đà Nô Thái Tử nhờ công đức đó, nên sau khi mạng chung, sanh ra các thân khác và các đời khác, kiếp nào cũng nhờ lời thệ nguyện mà chăm làm các việc Phật sự và hóa độ chúng sanh, đặng cầu cho mau viên mãn những sự của mình đã ao ước.

Bởi Ngài có lòng tu hành tinh tấn như vậy, nên nay đã thành Phật, ở cõi Bất Huyến, và hóa thân vô số ở trong các thế giới mà giáo hóa chúng sanh

———————————————————————————————————————————————-

http://www.hoituthienphohien.com/hanhthien.html
THỰC HÀNH TỪ THIỆN
THEO MƯỜI ĐẠI NGUYỆN CỦA

ĐỨC PHỔ HIỀN BỒ TÁT

 

Pháp Hạnh

 

“Phần hương nhứt niệm pháp không vương.

Đại hạnh đồng tham biến kiết tường.

Sát hải trần thân thi diệu lực.

Trầm kha chướng nghiệp tổng an khương.”

Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ

 

Hội Từ Thiện Phật giáo Phổ Hiền (HTTPGPH) mang tên một vị Bồ Tát có “hành động lớn”.  Bồ Tát Phổ Hiền có 10 hạnh nguyện rộng lớn cứu độ và giác ngộ chúng sanh.  Ngài thực hành 10 hạnh nguyện này với vô số quyến thuộc để lợi ích cho đời.  Chúng ta cũng vậy, muốn lợi ích chúng sanh phải phát nguyện rộng lớn nơi tự tâm và có những người cùng tâm nguyện với mình trên bước đường từ thiện.  Đức Bồ Tát Phổ Hiền thị hiện với voi trắng 6 ngà an nhiên tự tại nhưng đầy uy nghiêm đi vào cuộc đời để lợi ích chúng sanh.  Lấy hình ảnh đầy bi, trí, dũng này, HTTPGPH được thành lập để nương nhờ thần lực của bồ tát Phổ Hiền mà tu học chuyển hóa và làm lợi ích cuộc đời.  Để làm được việc này, chúng ta cần phải áp dụng được 10 hạnh nguyện lớn của Ngài trong cuộc sống hằng ngày.  Hãy cùng nhau chiêm nghiệm và tìm ra phương cách áp dụng mười hạnh nguyện thù thắng này trong đời sống và trong sứ mạng từ thiện xã hội.

          1.  Lễ kính chư Phật (Venerating all Buddhas): tức là thành tâm quy kính nương tựa nơi Phật bảo, là đấng phước trí vẹn toàn và tình thương không bờ bến.  Phật dạy mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, tức là đều có hạt giống Phật trong tâm.  Vậy, lễ kính chư Phật còn có thể hiểu trong ngôn ngữ hiện đại là TÔN TRỌNG THA NHÂN.  Tôn trọng mỗi mỗi con người, tôn trọng mỗi mỗi mạng sống, và giúp người cơ hội phát huy Phật tánh sẳn có của mình.  Trong phạm vi gia đình không thôi, nếu con cái tôn trọng cha mẹ và ngược lại, cha mẹ tôn trọng con cái, thì mọi người đều được hạnh phúc và có nhịp cầu cảm thông.  Khi đi ủy lạo, thành viên của Hội Từ Tế (do Ni Sư Chứng Nghiêm lãnh đạo) chấp tay cung kính cúi chào người nhận.  Cử chỉ này giúp cho người nhận phát huy phẩm giá của mình mà nổ lực vượt qua khó khăn.  Vì vậy, Hội Từ Tế không những chi giúp người nghèo mà còn chuyển hóa họ trở thành những vị mạnh thường quân trong tương lai.  Chúng ta nên học theo phương pháp này của Hội Từ Tế trong công tác cứu trợ và từ thiện của mình.

2.  Xưng tán Như Lai (Praising the Thus Come One-Tathagata): Như Lai là đấng Giác Ngộ.  Đấng đi vào thế giới khổ đau từ cảnh giới chân như thanh tịnh.  Ta xưng tán Như Lai là ngợi khen, tri ân, và cung đón sự đến của Ngài với chúng ta.  Nếu chúng ta ca ngợi đức Như Lai được, mà không ca ngợi được những đức tính tốt nơi tha nhân thì chúng ta chưa thành tựu được hạnh nguyện xưng tán Như Lai.  Trong các kinh, đức Phật thường hay khen ngợi “hay thay, hay thay” với đệ  tử của Ngài.  Ban tặng lời khen chân thành không giả dối xu nịnh cho tha nhân là giúp họ PHÁT TRIỂN LÒNG TỰ TIN.  Không có lòng tự tin thì làm sao một người dám bước lên hành trình chuyển hoá chính mình.  Cha mẹ mà khen ngợi con cái thì con cái sẽ tiếp tục làm những việc tốt.  Thầy Tổ mà khen ngợi đệ tử thì đệ tử sẽ nỗ lực tu học.  Lãnh đạo mà khen ngợi nhân viên là giúp cho nhân viên thấy được điểm mạnh của mình…Khen ngợi giúp cho người phát hiện được chân như Phật tánh tiềm ẩn trong họ.  Khen ngợi người cũng giúp ta bỏ tâm kiêu căng, coi mình là nhất.  Được khen ngợi, tha nhân có lòng tự tin hăng say làm việc Đạo.

3.  Quảng Tu Cúng Dường (Offering universally): là dâng cúng lên ngôi Tam Bảo.  Phật dạy cúng dường phải hội đủ 5 phần (ngũ phần hương): 1/ hương của giới (kỷ luật), 2/ định (an trụ), 3/ huệ (trí tuệ giác ngộ), 4/ giải thoát (vượt qua mọi chướng ngại), và 5/ giải thoát tri kiến (cái nhìn thoáng rộng, không phân biệt ta và người, không chấp trước).  Lại nữa, Phật dạy, phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật; vì lẽ đó, chúng ta tu học theo Ngài Phổ Hiền là phụng sự chúng sanh theo tinh thần ngũ phần hương (làm việc trong tinh thần kỹ luật, tương kính, làm việc với tâm an trụ và vui vẻ, làm việc có tổ chức và khoa học, làm việc với tinh thần phục khó, và cuối cùng, làm việc với tinh thần không suy tính vụ lợi, không khởi tâm cao ngạo.  Chúng ta “quảng tu cúng dường” bằng cách PHỤNG SỰ THA NHÂN .

4.  Sám Hối Nghiệp Chướng (Repenting unwholesome deeds): thân chúng ta đã gây ra nhiều nghiệp chẳng trọn lành (unwholesome), lời nói chúng ta đã gây nhiều đau khổ buồn giận cho người, ý chúng ta đã mưu đồ bao gian kế.  Những nghiệp chướng đó từ vô thủy cho đến nay chồng chất tạo ra thân mạng và hành động ngày hôm nay.  Chúng ta nhất tâm xin sám hối.  Sám hối bằng cách thân làm những việc thiện, miệng nói những lời an ủi đến tha nhân, và ý nghĩ suy những điều tốt đẹp, những phương chước giúp đời.  Sám hối nghiệp chướng là CHUYỂN HÓA NGHI ỆP XẤU.

5.  Tùy Hỷ Công Đức (Rejoicing in the good deeds of others): Là vui với niềm vui của người, vui với việc thiện của người, và cùng nhau làm việc thiện đem an vui lợi lạc cho quần sanh.  Tùy hỉ công đức có thể diễn dịch theo ngôn ngữ hiện đại là biết HỢP TÁC CÙNG NHAU LÀM VIỆC THIỆN.  HTTPGPH kêu gọi các cá nhân và nhóm nhỏ đang làm công tác từ thiện cứu tế khắp nơi cùng làm việc với nhau.  Nếu làm việc chung, mỗi cá nhân, mỗi nhóm vẫn giữ nguyên tình trạng của mình, nhưng có chung những phương tiện và sự hỗ trợ cần thiết.

6.  Thỉnh Chuyển Pháp Luân (Petitioning the Dharma Wheel to be turned): khi đức Thế Tôn thuyết bài pháp đầu tiên, Ngài đã so sánh nó như là chuyển bánh xe.  Bánh xe đưa chiếc xe tình thương và trí tuệ chuyên chở chúng sanh đến nơi an toàn.  Bánh xe chánh pháp xoay chuyển mở ra không gian của tình thương rộng lơn .  Mời thỉnh chư Phật chuyển bánh xe chánh pháp là xin Phật khai triển Pháp giới cho chúng sanh nương trú.  Chúng ta cùng nhau mời gọi bao con tim mở rộng tình thương tạo nên một thế giới nhân bản và mẫn cảm hơn với nỗi đau của tha nhân. Thỉnh chuyển pháp luân là MỞ RỘNG VÒNG TAY TỪ ÁI.

7.  Thỉnh Phật Trụ Thế (Pleading Buddha to remain in the world): tất cả những việc làm của chúng ta sẽ thiếu chân chánh nếu không có sự hướng đạo của Phật tánh.  Khi không nương theo Phật tánh thì mọi sự dù tốt trên hình thức cũng dễ dàng thành ma sự.  Chúng ta thỉnh Phật hiển hiện sáng ngời trong tâm ta và hướng dẫn ta trên con đường Bồ Tát Đạo.  Thỉnh Phật trụ thế cũng là thỉnh những vị Phật tương lai đến với chúng ta.  Những thiện nguyện viên, bảo trợ viên là những vị Bồ Tát cùng chung sức với Hội Từ Thiện Phổ Hiền xoa dịu nổi đau của tha nhân và giúp họ hành trang và công cụ Phật pháp để thành công trên đường đời.  Thỉnh Phật trụ thế vì vậy là LÀM VIỆC VỚI PHẬT TÂM HẰNG HỮU TRONG SÁNG.

8.  Thường tùy Phật học (Persistent in pursuing the Path): Trên bước đường thực hành Bồ Tát Đạo, chúng ta luôn trao dồi giáo lý về Tình thương, Lòng vị tha, và Tâm giác ngộ.  Khi làm việc nhiều, chúng ta dễ sao lãng việc thực tập và dễ bị rơi vào tâm lý giãi đãi, lệ thuộc vào người khác.  Thường tùy Phật học là tự giác nổ lực VUN BỒI HẠT GIỐNG PHẬT.

9.  Hằng thuận chúng sanh (Flexibly and skillfully helping all sentient beings): Bồ Tát hằng thuận chúng sanh bằng cách hóa hiện ra vô sô thân hình khác nhau cho phù hợp vơi hoàn cảnh và địa vị của họ để giáo hóa và cứu trợ chúng sanh.  Cũng như vậy, hành giả và thiện nguyện viên của Phổ Hiền trong mọi hình sắc và vai trò của mình, không phân biệt giàu nghèo, địa vị, đều có thể dấn thân làm lợi ích an vui cho người.  Hằng thuận chúng sanh là TRIỂN KHAI PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO.

10.  Phổ Giai Hồi Hướng (sharing merits universally): Hồi hướng là mang ra san sẻ phước báo của mình đến muôn loài. Trong Phật giáo, phước báo đóng vai trò quan trọng.  Phước báo có hữu lậu và vô lậu.  Chẳng hạn như làm việc thiện, bố thí cúng dường, thì sanh nhân giàu sang, nhưng được giàu sang rồi mà không lo tu thì cũng bị sa đọa .  Hồi hướng là chia sẽ phước báo đến người.  Khi chúng ta giàu mà xung quanh chỉ toàn những người nghèo, thì thử hỏi có vui gì? Khi đó, loạn tặc sẽ khắp nơi, ai ai cũng nơm nớp lo sợ, môi trường bị ô nhiễm, dù giàu mà vẫn phải hít bụi bặm và uống nước ô nhiễm thì đâu phải là hạnh phúc hoàn toàn .  Hồi hướng là đem công đức mà mình tạo được gieo duyên lành để tương lai có một cuộc sống an lành sung túc biết hướng thiện, làm lành, và luôn giữ được tâm Bồ Đề.  Hồi hướng còn là bỏ tâm tham chấp muốn giữ hết phước cho mình hay chấp thấy đo lường công quả hơn thua.  Hồi hướng là tạo ra pháp giới rộng lớn cho mình trong hiện tại và mai sau, là SỐNG VỚI TÂM RỘNG RÃI.

Tóm lại, 10 nguyện lớn của đức Phổ Hiền là kim chỉ nam hướng dẫn đời sống tu học và làm việc cho Hội Từ Thiện Phật Giáo Phổ Hiền.  Nó cũng là chìa khóa để đi đến hạnh phúc và giải thoát cho mình và cho người.  Chúng ta hãy thể nghiệm 10 hạnh nguyện này trong cuộc sống và Phật sự từ thiện xã hội để mang an vui lợi lạc đến cho mình và người.

 Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát

—————————————————————————

Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sanh mà hiện thân hóa độ. Ngài là một trong những vị Bồ Tát quan trọng trong Phật giáo Đại thừa. Theo kinh Pháp Hoa, Ngài là vị Bồ tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta Bà, nghe thế giới này thuyết kinh Pháp Hoa liền lãnh đạo năm trăm vị Đại Bồ tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì Chánh pháp của Đức Phật Thích Ca.

PHỔ HIỀN THẬP NGUYỆN

  1. Nhứt giả kính lễ chư Phật
  2. Nhị giả xưng tán Như Lai
  3. Tam giả quảng tu, cúng dường
  4. Tứ giả sám hối nghiệp chướng
  5. Ngũ giả tùy hỷ công đức
  6. Lục giả thỉnh chuyển pháp luân
  7. Thất giả thỉnh Phật trụ thế
  8. Bát giả thương tùy Phật học
  9. Cửu giả hằng thuận chúng sinh
  10. Thập giả phổ giai hồi hướng.

——————————————————————————

http://kienthuc.net.vn/thien/chiem-bai-tuong-duc-pho-hien-bo-tat-118186.html

Chiêm bái tượng Đức Phổ Hiền Bồ Tát

Khi Đức Phổ Hiền Bồ Tát chưa xuất gia học đạo, Ngài làm con thứ tư của vua vô Tránh Niệm, tên là Năng Đà Nô.

 – Danh hiệu Phổ Hiền xuất hiện trước tiên trong Kinh Mạn Ðà La Bồ Tát, về sau xuất hiện ở nhiều kinh khác như Kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa nên trở thành tín ngưỡng phổ biến.

Khi Đức Phổ Hiền Bồ Tát chưa xuất gia học đạo, Ngài làm con thứ tư của vua vô Tránh Niệm, tên là Năng Đà Nô.

Ngài là một trong 4 vị đại Bồ Tát của Phật giáo Trung Quốc: Ðại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Quán Thế Âm Bồ Tát.

Phổ Hiền Bồ Tát tượng trưng cho Lý, Ðịnh, Hành cưỡi voi trắng sáu ngà, hầu bên tay phải của Đức Như Lai. Voi trắng tượng trưng cho cho trí tuệ vượt chướng ngại, sáu ngà tượng trưng cho sự chiến thắng sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).

Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát thứ hai mươi tám, Bồ Tát Phổ Hiền có nguyện với Phật về năm trăm năm sau có ai thụ trì Kinh Pháp Hoa, Ngài sẽ cỡi voi trắng đến hộ trì, không cho ma, quỷ đến làm não hại.

Ngài dạy rằng nếu chúng sinh nào nghe danh hiệu Ngài, thấy và chạm đến thân Ngài hay nằm mộng thấy Ngài, hoặc tưởng niệm đến Ngài trong một ngày đêm hay nhiều hơn thì không còn thối chuyển. Chúng sinh nào nghe thấy thân Ngài thanh tịnh thì tất được sinh trong thân thanh tịnh.

Nhân dịp khánh đản Phổ Hiền Bồ Tát (21/2 âm lịch), Kienthuc.net.vn giới thiệu những bức tượng thờ Ngài ở các chùa.

Tượng Phổ Hiền này hiện tại là tượng to nhất và cao nhất trên thế giới, hơn nữa là một kiệt tác trong ngôi nhà nghệ thuật Phật Giáo.
Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi Bạch Tượng ở tịnh xá Ngọc Vạn (Khánh Hòa)
Tượng Bồ Tát Phổ Hiền cao 3,5 mét – chùa Tản Viên (huyện Ba Vì – Hà Nội)
Ban Phổ Hiền Bồ Tát ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh)
Ban thờ Phổ Hiền Bồ Tát chùa Vĩnh Nghiêm (nước Đức)
Tượng Phổ Hiền Bồ Tát tại chùa Bà Đá (Hà Nội)
Ban thờ Phổ Hiền Bồ Tát tại chùa Vạn Phật (TPHCM)

——————————————————————————-

http://www.hoangphaphanoi.com/tu-hoc/phap-mon-tu-tap/53C209_hanh_nguyen_pho_hien_bo_tat_trong_cuoc_song_thuc_tai.aspx

HẠNH NGUYỆN PHỔ HIỀN BỒ TÁT TRONG CUỘC SỐNG THỰC TẠI
Thích Nữ Liên Hiệp

Ngài Phổ Hiền Bồ Tát xuất hiện trong phẩm “Phồ Hiền Bồ tát khuyến phát” với tư cách của một vị Đại Bồ tát thượng thủ đầy đủ uy lực, quả đức vô song, Sở dĩ Ngài có được một quả đức siêu tuyệt không thể nghĩ bàn như thế là do Ngài đã từng phát nguyện trải thân tu nhân hạnh Bồ Tát từ vô lượng kiếp cho đến ngày nay. Nhân hạnh ấy được biểu trưng cụ thể qua mười điều nguyện lớn của Ngài trong kinh Hoa Nghiêm ở phẩm Nhập Pháp Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện.

Noi theo hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát đối với việc lễ kính Chư Phật, chúng ta thiết nghĩ  Đức Phật xuất thân là một vị Thái tử, sống trong cung vàng điện ngọc hưởng thụ đầy đủ những dục lạc tối thượng ở trần gian; thế mà vì sự an lạc vĩnh hằng của chúng sanh mà Ngài phải quay lưng buông bỏ tất cả, một mình dấn thân tầm đạo trải qua bao thử thách gian nguy, chịu đau trong những nỗi đau nhất của trần gian, vượt qua thử thách trong những thử thách khó nhất của trần gian và cuối cùng Ngài là bậc có một không hai trên cuộc đời tìm ra chân lý và đem ánh sáng chân lý ấy soi đường cho chúng sanh đồng đi đến chân trời giải thoát như Ngài. Trong nhân gian đã có ai làm được việc hy hữu ấy để ngày nay giữa cõi đời xấu ác mà chúng ta vẫn được diễm phúc sống trầm mình trong suối pháp an lạc của Như Lai. Ngần ấy ân đức cũng đủ cho chúng ta chí thành lễ bái, huống nữa chúng ta lật lại từng trang sử ghi những hạnh nguyện cao cả mà tiền thân của Ngài từ vô lượng kiếp đã làm vì lợi ích của quần sanh. Chúng ta lễ kính Ngài không phải dùng thân tướng lễ lạy mà bằng lòng thành tri ân sâu xa cái ân đức cao cả của Ngài, nguyện noi theo hạnh đức trân qúy ấy. Cao hơn nữa là chúng ta thực hiện theo cách lễ của Ngài Phổ Hiền: “Nhứt thân phục hiện sát trần thân, nhứt nhứt biến lễ sát trần Phật” nghĩa là trong pháp giới mười phương, tất cả Đức Phật nhiều như bụi trần đã ra đời thành Vô Thượng Giác hay chưa ra đời còn trong tâm niệm chúng sanh chúng ta đều dùng tâm thanh tịnh mà lễ kính. Nói khác, chúng ta không những lạy tất cả Chư Phật trong qúa khứ mà những bậc sáng suốt giác ngộ, những Thiện tti thức niệm niệm sống trong Chánh Pháp của Như Lai. Tuy chưa là Phật nhưng những vị này ra đời thay thế Phật hoằng truyền Chánh Pháp đem lợi lạc cho chúng hữu tình. Ngay cả chúng sanh trong khắp pháp giới, mọi người xung quanh ta dù ác dù thiện đều đầy đủ tánh Phật, có khả năng thành Phật chúng ta đều tôn trọng kính lễ. Tấm gương ngời sáng của Đức Phật về đức tánh khiêm tốn từ dung, Ngài là bậc trí tuệ cao tột ở trên nhìn xuống mà không bao giờ khinh ai. Khi còn là Thường Bất Khinh Bồ tát, Ngài đã lập nguyện lễ kính tất cả dù người tàn ác, đánh đập, chưởi mắng, Ngài vẫn giữ trọn niềm tôn kính. Học theo hạnh Ngài chúng ta lễ Phật bằng tâm niệm kính trọng lẫn nhau. Như vậy, nơi Ta Bà xấu ác có những con người bạo ngược sẽ trở thành Phật quốc trang nghiêm, nơi đó tất cả mọi người đều là Phật vậy.

Xưng tán Như Lai là hạnh nguyện thứ hai của Ngài Phổ Hiền. Với thần lực của Ngài cũng không đủ để tán thán ân đức của Như Lai. Chúng ta hạng phàm phu không có lưỡi của Biện Tài Thiên Nữ, cũng không có thần lực tuyệt đích của Bồ tát Phổ Hiền thì làm sao đối với việc xưng tán Như Lai chúng ta thực hành cho trọn vẹn? Đức Phật dưới nhãn quaê( Tiểu thừa chấm dứt từ lúc Ngài Niết Bàn, trái lại theo tinh thần Đại thừa tại khắp năm châu, không nơi nào không có giáo lý Phật soi sáng cho người nghiên cứu, suy tư, tu hành. Vô hình trung, đức hạnh của Ngài cũng tiếp tục giáo hóa chúng sanh nên kinh Đại thừa khẳng định việc ca ngợi Phật đức không thể cùng tận. Với Phật đức không thể nghĩ bàn, hiện tại chúng ta chỉ biết âm thầm tưởng niệm ân đức cao dày của Ngài trong tâm khảm, khắc ghi những hạnh nguyện vị tha trong tâm thức của mình. Bởi ngôn từ vụng dại của thế gian làm sao nói hết tấm lòng tri ân tha thiết của chúng ta đối với biển đại nguyện thẩm sâu của Chư Phật. Trong cuộc sống tu tập hàng ngày chúng ta phải sống có ý nghĩa thật sự, từng phút giây tôi qua, chúng ta xét xem tâm niệm, hành vi, lời nói của chúng ta có nhích gần đến với Phật hay không? Hay những tập khí xấu ác từ lâu đời lâu kiếp đã trở thành chủng tử vẫn còn hiện hữu trên con người tội lỗi! Bằng cách tắm mình trong suối pháp, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm hoan lạc trong tâm, từ đó ba nghiệp thân, khẩu, ý của chúng ta trang nghiêm thuần tịnh. Với đời sống phạm hạnh, thân tướng trang nghiêm, lý tưởng vị tha cao qúy, chúng ta sẽ làm bậc mô phạm cho tất cả chúng hữu tình. Với tư cách ấy, chúng ta mới phần nào xứng đáng để ca ngợi hạnh đức vô lượng vô biên của Chư Phật. Nhìn lại các bậc Tiền Hiền khi xưa, chúng ta thấy đạo hạnh của Qúy Ngài đã làm sáng danh Đức Phật, nếp sống mô phạm của các Ngài kết thành tư cách xứng đáng để ca ngợi ân đức của Như Lai. Nhận chân ý nghĩa ấy, mọi chúng ta đều có thể thực hành hạnh nguyện thứ hai của Bồ Tát Phổ Hiền bằng cuộc sống an bình trầm mặc lấy trí tuệ chỉ đạo cho trần gian.

 Tiếp theo chúng ta tập tu hạnh nguyện thứ ba của Ngài là “Quảng tu cúng dường”. Theo Phổ Hiền Bồ Tát trong việc cúng dường Phật thì “Như pháp cúng dường là tối thượng”. Nếu chúng ta cho việc cúng dường Chư Phật bằng các thứ tàng lọng, hương thơm, hoa quả… nhiều như núi Tu Di hay ngay cả việc đúc chuông, xây Chùa, độ Tăng là tối thượng thì chúng ta mang tội phá pháp. Bởi vì phẩm vật Chư Phật đâu thể dùng, chúng ta dâng cúng Qúy Ngài là để tỏ lòng tôn kính. Còn việc đúc chuông, xây Chùa, độ Tăng, cốt để hình thức Phật giáo còn được lưu truyền trong nhân gian. Thực sự, chỉ có con người thấm nhuần giáo pháp, xây dựng những ngôi Chùa tâm linh, giữ gìn tục mạng của Phật pháp mới làm cho Chánh pháp được lưu truyền. Như Pháp cúng dường là chúng ta nhìn về tấm gương của Đức Phật xem Ngài làm gì, Ngài dạy chúng ta như thế nào, chúng ta thực hiện theo lời Ngài dạy, làm theo việc Ngài làm, nói những lời như Ngài nói tức là phải thực hành Bồ Tát đạo cứu giúp quần sanh. Đúng pháp tu hành chúng ta dâng lên Đức Phật thành quả mà chúng ta tu tạo được. Trong thời kinh hàng ngày chúng ta hay cúng đường Ngũ phần hương lên chư Phật bằng miệng tụng mà ít ai dâng kính bằng thực hành. Ngay trong sinh hoạt hằng ngày chúng ta cũng có thể dâng kính Ngũ phần hương lên chư Phật bằng mọi việc làm, mọi lời nói, mọi ý nghĩ của chúng ta dù là một việc nhỏ. Từng bước chân chúng ta đi, từng ngụm nước chúng ta uống, mỗi mỗi chúng ta đều làm trong chánh niệm hay kệ trong những bài chú Tỳ Ni. Chính lúc ấy, giới hạnh chúng ta tròn đầy vì không làm tổn hoại sanh mạng của hàm linh, mà vọng tâm cũng trụ vào trong thiền định. Khi tâm an định, trí tuệ sáng suốt, gặp chuyện chúng ta bình tĩnh hoá giải cho tự thân cũng như tha nhân giải thoát khỏi những lo âu băn khoăn, sầu muộn. Cũng từ trí tuệ xuất thế mà chúng ta nhận chân thật tướng của vạn pháp, tri kiến của chúng ta không còn lệch lạc, thiên chấp hay sai lầm. Đối với chân đế và tục đế chúng ta đều viên dung vô ngại. Đó là năm phần hương, mà hàng ngày chúng ta có thể dâng lên  cúng dường Chư Phật mà không cần tìm kiếm.

Chuyển sang hạnh nguyện thứ tư là sám hối nghiệp chướng. Đức Phật dạy rằng: “Tội chúng sanh nếu có hình tướng thì không chỗ nào dung chứa nỗi, tất cả những tội lỗi hiện đủ trong con người từ dáng đi, lời nói, ánh mằt, cử chỉ… nói khác từ không hình tướng, tội lỗi hiện ra hình tướng và từ hình tướng tạo thêm phần không hình tướng, hai phần này tác động hỗ tương qua lại. Đức Phật có 32 tướng hảo, 84 ngàn tế hạnh trong khi chúng sanh tràn đầy 84 ngàn phiền não trần lao. Chúng ta dù hiện kiếp là bậc xuất gia, những tội thô lớn chúng ta không vi phạm, nhưng những lỗi vi tế làm sao chúng ta tránh khỏi khi chúng ta chưa chứng quả, sự thấy nghe của chúng ta vẫn còn là phàm phu. Lại nữa, trải qua bao kiếp trôi lăn trong sanh tử chúng ta khi làm người lương thiện, khi làm kẻ tiểu nhân, lúc đầu thai làm súc sanh, khi xuống loài ngạ qủy… Tất cả tội lỗi ở quá khứ và ngay trong hiện tại khi chúng ta hội nhập vào hàng ngũ xuất gia, sống phạm hạnh trong giới luật của Phật, chúng ta mới phát hiện ra nghiệp chướng và tỗi lỗi của mình. Do đó, muốn hiện đời tội nghiệp băng tiêu để giới thân huệ mạng được tròn sáng thì mỗi chúng ta phải luôn tự quán xét những tỗi lỗi phát khởi từ đâu, hiểu được cội nguồn của nó đều do tâm điên đảo vọng tưởng mà ra, chúng ta mới diệt trừ bằng cách sám hối với tâm hồn thuần tịnh như Ngài Phổ Hiền đã dạy:

“Tội tùng tâm khởi tương tâm sám.

Tâm nhược diệt thời tội diệt vong,

Tội vong tâm diệt lưỡng câu không,

Thị tắc danh vi chơn sám hối”.

Tuy nhiên muốn thực hiện pháp tự tánh sám hối nói trên không đơn giản từ một con người mang thân nghiệp ác mà chuyển thành mẫu người giới đức thì phải trải qua một quá trình tu hành mà Ngài Phổ Hiền dạy rằng hành giả Pháp Hoa phải nhập định suy nghĩ trong 21 ngày Ngài sẽ dạy. Trên bước đường tu, chúng ta không muốn tạo thêm tội lỗi, xoá tan nghiệp chướng chỉ bằng cách từng giây phút chúng ta luôn sống với Chánh Pháp, lấy suy nghĩ Phật pháp thay cho suy nghĩ trần gian…, dần dần tâm hồn thanh thoát, mọi ý nghĩ, lời nói, cử chỉ của chúng ta đều là Phật Pháp.

Với hạnh nguyện thứ năm là tùy hỷ công đức, thoạt đầu chúng ta tưởng dễ, nhưng trên thực tế mấy ai có được tâm này. Đa số chúng sanh với tâm hồn nhỏ nhoi, ganh tỵ, thấy ai được việc hoặc hơn mình thì phiền não khởi lên, chỉ mong mình được, mình hơn và người thì lúc nào cũng phải thua kém. Tâm như thế không phải là tâm của một con người đạo đức trong xã hội, huống hồ là của một bậc xuất gia trong khung trời giải thoát. Khi  ta đã phát tâm Bồ Đề, nguyện làm cho tất cả chúng sanh được an vui. Tại sao lại khó chịu khi thấy người khác tìm được an vui? Hay ta muốn chúng sanh đều chứng Phật quả, được ba cõi xưng tán thì tại sao lại buồn rầu khó chịu khi họ chỉ được vài người khen ngợi? Vi tế lắm, nhỏ nhiệm lắm cái ý niệm ích kỷ, ganh tỵ của phàm phu tánh mà chúng ta hay mắc phải! Tu hạnh này chúng ta phải cởi bỏ tâm hồn nhỏ hẹp mà mở rộng lòng ra. Lẽ đương nhiên, đối với công đức cao dầy của chư Phật thì mọi người ai cũng đều tùy hỷ tán dương, nhưng những người sống chung quanh mình hoặc hơn mình, đồng hạng với mình và thấp kém hơn mình, chúng ta cũng phải giữ tâm tùy hỷ. Một thành tựu lớn, một việc thiện nhỏ của người chúng ta cũng đều vui theo, vui chung vời niềm vui của người đạt được. Trong cuộc sống, tâm hồn chúng ta luôn giữ được niềm an lạc vui tươi là do chúng ta biết bằng lòng với việc của người. Ý thức và khả năng của người chừng đó thì việc làm, kết quả phải như vậy. Chúng ta đừng nên đòi hỏi nơi người phải như thế này hoặc như thế nọ. Điều đó, khiến người khó chịu và lòng ta cũng bất an. Chính niệm tùy hỷ đã giúp chúng ta đến gần với chúng sanh, mọi người đối với chúng ta đều là quyến thuộc, như vậy việc trồng căn lành nơi chúng sanh sẽ dễ dàng và  chúng ta cũng hằng được Chư Phật hộ niệm.

Tu tập theo hạnh nguyện thứ sáu là thỉnh chuyển pháp luân. Ngày nay, Đức Phật không còn tru ỉthế thì làm sao chúng ta thỉnh Ngài thuyết pháp. Phật thuyết pháp nghĩa là Ngài đem chân lý mà Ngài đã đạt được bằng con đường thực nghiệm tâm linh trong đời sống làm cho tâm hồn an lạc, giải thoát. Như vậy, thỉnh Phật thuyết pháp là hiện tại đối với các bậc Đạt đạo, các Ngài đã trở về với Phật tánh vĩnh hằng, chúng ta khải thỉnh Qúy Ngài vì an lạc lợi ích quần sanh mà tuyên dương Chánh pháp. Hiểu theo một cách khác, trong cuộc sống tu tập, mỗi khi chúng ta để tâm dung ruỗi theo cảnh trần, ba nghiệp chúng ta không thanh tịnh, làm những điều phi pháp không hợp với Tăng cách của bậc xuất trần, không đi đến mục đích cứu cánh giải thoát khiến cho tha nhân nhìn vào phỉ báng, tâm Bồ Đề bị thối chuyển, thì chúng ta phải biết quán xét và quay về với bản tâm thanh tịnh hằng hữu của mình. Chúng ta suy tư, bắt buộc mình sống sao cho từ trong tâm niệm đến hình thức bên ngoài phải là bậc mô phạm để thân giáo, khẩu giáo, ý giáo của chúng ta là bài pháp sống động nhất, thấm sâu và lan rộng trong lòng của mọi người. Đó cũng chính là chúng ta tự khuyến thỉnh chính ông Phật của chúng ta thuyết pháp cho mình và cho tha nhân. Hiểu theo Tôn Sư Thượng Trí Hạ Quảng thì Đức Phật đồng nghĩa với trí giác. Một khi chúng ta tu tập đạt đến tâm trí thanh tịnh sáng suốt, bấy giờ chúng ta không muốn rời trạng thái an lạc vui sướng của tâm hồn, chúng ta chỉ muốn nhập diệt nhưng Ngài Phổ Hiền cất lời khuyên chúng ta nên thuyết pháp hay đó chính là chúng ta tự mình thuyết phục mình hãy đem hiểu biết truyền trao cho mọi người, đem an vui hạnh phúc của mình ban cho người. Hoặc khi chúng ta đem sự chứng ngộ của mình trao lại cho chúng sanh, giúp chúng sanh cũng được an vui giải thoát như mình, nhưng khi gặp phải những người can cường, ngu dốt không chấp nhận lại còn chống đối, tâm Bồ Đề chúng ta bị lung lay, bấy giờ ta chỉ muốn an thân trong thiền thất mặc cho dòng đời đau khổ, nhưng tâm chúng ta lại khuyên chúng ta hãy vì chúng sanh quá khổ đau và bi nguyện chúng ta đã thệ mà chuyển bánh xe pháp để hóa độ quần mê.

Tu tập theo hạnh nguyện thứ bảy là thỉnh Phật trụ thế. Theo lịch sử hiện thực, Đức Phật đã nhập diệt cách đây trên 2500 năm. Tuy sanh thân nhập diệt, nhưng Báo thân viên mãn và Pháp thân thanh tịnh của Ngài vẫn hằng hữu trên khắp cả mười phương pháp giới. Báo thân viên mãn là phước đức vô biên, là trí tuệ tuyệt vời còn tồn tại trên thế gian qua Tam Tạng giáo lý, qua phẩm chất, tư cách, qua cuộc sống cao đẹp của Chư vị Tiền bối Tổ sư trải bao thế hệ truyền thừa. Thỉnh Phật trụ thế nghĩa là chúng ta lấy giáo lý của Phật làm  bậc Thầy sáng suốt bên cạnh chúng ta trong cuộc đời tu tập. Làm sao tự thân chúng ta và tất cả mọi người trong suy tư cũng như trong hành động đều thể hiện Phật chất. Đó cũng chính chúng ta đã thỉnh Phật ở lại cuộc đời bên cạnh chúng ta mà không bao giờ nhập diệt.

 Hạnh nguyện thứ tám, bất cứ ai trong chúng ta muốn tìm về nguồn cội uyên nguyên, muốn vượt khỏi biển mê sanh tử thì cũng đều “thường tùy Phật học”. Tuy Phật không còn hiện hữu trên cuộc đời, nhưng giáo lý Ngài để lại chúng ta học tập theo cũng được an lạc và giải thoát. Nếu chúng ta sống không tuân theo lời Phật dạy tất nhiên sẽ đi ngoài qũy đạo của Chánh Pháp, chưa chắc có lợi cho mình mà có thể làm tổn hại đến sự an lạc của tha nhau. Tập khí chúng sanh vốn nhiều đời nhiều kiếp đã sâu trồng nên dễ phát khởi và sẳn sàng lôi chúng ta vào vòng đắm mê tội lỗi. Do đó, chúng ta phải luôn luôn tắm mình trong giáo lý Phật Đà và cần phải thân cận với các bậc Cao Tăng Thạc đức để noi theo học tập. Trong vấn đề học Phật, nơi nào có tuyên dương Chánh pháp dù khó khăn gian khổ, cuộc sống vật chất đạm bạc đơn sơ chúng ta cũng sẳn sàng vui sống để được nghe Diệu pháp.

Những tấm gương ngời sáng bất diệt của Chư Phật, của Thiện Tài Đồng tử trải thân cầu đạo, Ngài Huệ Khả chặt tay cầu Pháp hay Đàn Vương chịu Tiên nhân hành hạ đủ điều để được học Pháp Hoa Kinh, cũng như Huệ Năng âm thầm vác đá giã gạo để chờ ngày khai ngộ. Tất cả Qúy Ngài đã thể hiện trọn vẹn hạnh nguyện thiết thực và đẹp đẽ này.

Trong dòng đời, thông thường với tâm niệm phàm phu, con người hay chống trái với những người không thuận ý nhưng lại chìu theo, làm theo tất cả đối với những ai mà họ hợp ý vừa lòng, dù điều đó trải với đạo đức và tư cách của nhân loại. Trong cửa đạo, người tu chúng ta bước ban đầu khi được trang nghiêm thân tâm bằng hương giới, chúng ta nghĩ điều gì, nói lời gì, làm việc gì cũng cảm thấy là mình trọn vẹn, nên khi nhìn người xung quanh còn những điều xấu ác thì chúng ta khó chịu và không muốn đến gần, chỉ thích tìm ai tốt ai giỏi mới giao lưu học hỏi. Nếu như thế, trong cuộc đời tu, chúng ta sẽ tự cô lập lấy mình và dần mất đi quần chúng. Ngài Phổ Hiền đã dạy chúng ta phương pháp đắc nhân tâm là: “Tùy thuận chúng sanh”, đó cũng là một yếu tố đặc biệt cần thiết cho con người học đạo hành đạo của chúng ta.

Có ai uy thế hơn Ngài, giỏi hơn Ngài, có ai làm những việc khó làm như Ngài, thế mà Ngài đã nguyện tùy thuận chúng sanh trải vô lượng kiếp. Trong khi chúng ta thân phận nghèo hèn, đức độ non kém, tài năng không giỏi, trí tuệ không có mà chúng ta lại không tùy thuận chúng sanh để huân tu công đức? Tùy thuận chúng sanh là chúng ta không làm mất lòng người, chúng ta luôn sống với tinh thần chấp nhận mà không sống với ý thức đòi hỏi. Bởi vì chúng sanh, mỗi người một nghiệp thức, một hoàn cảnh, một trình độ… khác nhau thì làm sao chúng ta bắt buộc họ phải theo như ý của chúng ta được. Muốn thực hiện hạnh bằng thuận chúng sanh, chúng ta phải dùng vô số phương tiện dẫn dắt giáo hoá mới không làm trái ý tha nhân. Điểm cần yếu là chúng ta phải luôn luôn trụ ở chân tâm, chứ không phải tùy thuận theo chúng sanh để rồi bị chúng sanh đồng hoá mà chúng ta không hề hay biết. Tùy duyên nhưng bất biến, bất biến nhưng tùy duyên, đó là thái độ hành xử của bậc Bồ tát đem đạo vào đời. Noi theo các Ngài, chúng ta hoà mình vào dòng sống của nhân sinh, với mọi giai tầng trong xã hội chúng ta đều tiếp cận, sống cởi mở tìm hiểu để giúp họ từng bước điểu chỉnh tâm ý từ sai trái phàm phu trơ ũthành đúng đắn thánh thiện. Đức Phật thể hiện hạnh hằng thuận chúng sanh một cách sâu sắc trong 49 năm thuyết pháp độ sanh bằng cách diễn nói trăm vạn pháp môn và thể hiện vô số việc làm lợi ích vì nghiệp lực và tâm trạng của chúng sanh đa dạng. Vì hằng thuận chúng sanh mà vua Trần Thái Tông đã y lời chỉ giáo của Trúc Lâm Thiền Sư gác việc xuất gia tu hành mà trở về lên ngôi cửu điện để lo việc trị quốc an dân. Dù làm tất cả cho muôn dân được thái bình an lạc nhưng Ngài vẫn một mực không xao lãng việc tu tập, tâm tròn sáng, an nhiên Ngài đã trở thành bậc Thiền sư sáng danh trong đạo Phật. Cũng với hạnh nguyện cao cả ấy mà các Thiền sư Khuông Việt, Vạn hạnh, Đỗ Thuận… đã đi vào cuộc đời với một tinh thần vô trụ không phải chỉ vì tiền đồ Phật giáo mà còn vì sự sống còn của cả dân tộc , vì sự hạnh phúc an lạc cho muôn dân. Rất nhiều và rất nhiều những tấm gương ngời sáng về hạnh nguyện tùy thuận của các bậc Tiền bối để chúng ta noi theo, giờ đây chúng ta chỉ việc phát nguyện và thực hành lời nguyện ấy.

Hạnh nguyện tu tập thứ mười là hồi hướng khắp tất cả. Thông thường, người Phật tử khi làm xong một việc thiện đều phát nguyện hồi hướng công đức về một chủ đích nào đó. Có người ăn chay, tụng kinh để hồi hướng cho cha mẹ được siêu sanh tịnh độ, có người tạc hình tượng Phật để cầu phước báo trang nghiêm. Riêng những hành giả phát tâm Đại Bồ Đề hành Bồ Tát đạo, vì đã rời bỏ phước báo hữu lậu có tính cách hạn hẹp, hoà nhập cái tôi bé nhỏ của mình vào trong vạn loại  đại đồng, nên mọi Công đức đều hồi hướng cho tất cả. Đây chính là hạnh lành của Tam Thế Chư Phật mà Ngài Phổ Hiền là vị Bồ Tát xương minh. Ngài dạy chúng ta làm được bao nhiêu công đức lành đều xả bỏ không giữ lại trong lòng mà đem hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh cho vô thượng Bồ Đề và chân như thật tướng. Hồi hướng cho pháp giới chúng sanh là chúng ta hồi hướng công đức tu tạo được cho tất cả chúng sanh mà không phân biệt thiện, ác, chẳng vì riêng một chúng sanh nào cũng chẳng phải vì một thân hữu nào, mà nguyện cho tất cả lìa hẳn vô lượng khổ não nơi địa ngục, ngạ qủy, súc sanh…, đoạn trừ tất cả nghiệp chướng, dứt các nghi hoặc, phát khởi lòng tin  bất hoại nơi Như Lai, tu hành đúng Pháp, tinh tấn điều phục các căn, đạt đươcỉ thanh tịnh giải thoát, thành tựu quả Vô thượng Chánh giác. Song, muốn thực hiện việc hồi hướng chúng sanh, xây dựng cho chúng sanh, chúng ta phải hồi hướng Vô thượng Bồ đề nghĩa là phải phát triển tri thức, hiểu rỏ chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não, nói chung chúng ta thông suốt mọi hiện tượng trong pháp giới. Khi trí giác của chúng ta đạt đến thấy biết tất cả, hai phần pháp giới chúng sanh và Vô thượng Bồ đề nhập một thành chơn như thật tướng là quả vị Như Lai.

Khi chúng ta thực hành mỹ mãn mười hạnh nguyện cao cả của Ngài Phổ Hiền trong cuộc sống thực tại tức chúng ta cũng là hiện thân của Ngài đến Ta Bà vì lợi ích của quần sanh. Thực tế, chúng ta chỉ đang tập tu nhân hạnh của Ngài, nên quả đức chưa  thể nào thù diệu. Do đó, đối với chúng sanh đương thời bạo ác, đạo đức không có, chúng ta phải kiên tâm bền chí trên lộ trình Bồ tát đạo. Trong quyển Bồ Tát Hạnh trang 41, Ngài Sàntidva đã viết: “ Chỉ vì sanh nhai thôi mà những kẻ chài lưới, những nông phu, những thợ săn còn chịu đựng được nóng lạnh, đói khát. Chẳng  lẽ ta đây, vì muốn giải thoát cho chúng sanh lại không làm được hơn thế  sao?” hay như trong kinh Phật dạy:”Ai có ý định cho một người vật gì, dù thật nhỏ không đáng giá, mà cuối cùng không cho thì sẽ đầu thai thành ngạ qủy. Nếu ta đã thành tâm phát nguyện sẽ đem lại cho chúng sanh hạnh phúc tối thượng mà nay lại từ bỏ thì không biết đời sau ta sẽ tái sanh là gì đây?”. Như vậy, các vị Bồ tát của Ngài hôm nay không thể bỏ qua được những nỗi khổ của con người trong xã hội hiện tại. Các vị Bồ tát của ngày hôm nay không thể không thể quên chính những lời dạy của Bậc Toàn giác Như Lai. Chúng ta hãy tích cực hoạt động để tạo sự an lành cho kẻ khác!. Còn hơn nữa, theo tinh thần kinh Pháp Hoa tất cả những gì hiền hữu làm đẹp cho cuộc đời, đem lại lợi ích cho chúng sanh đều là hạnh cao qúy của Phổ Hiền: Một áng mây trôi cho những thi nhân cảm hứng nguồn thơ, một tiếng chim hót cho người vơi cơn sầu muộn, một dòng sông chảy cho con người sử dụng, cho đồng ruộng tươi xanh, cho loài bơi lượn vui đầy sức sống, một cành hoa nở mang hương sắc tô điềm cho đời, một mái lá đơn sơ cho những người cùng khổ … tất cả đều âm thầm lặng lẽ mang lại nguồn vui và sự sống cho đời. Đời có biết hay không cũng mặc, chúng vần sống một cách an nhiên tự tại mà không mong đòi đời phải mang niệm tri ân. Thực tế, những con người mà xã hội cho là thấp lém, là hạ đẳng: Những Bác Dân phu quét rác, những người lặn hụp trong những lòng kênh đen nghịt, hay nơi cầu cống bẩn thỉu thúi tha để nạo vét khai thông đường nước, những con người lội suối trèo đèo để tìm dược thảo cứu sống cho nhân loại, những chú thợ cặm cụi làm việc trong hầm mỏ để khai thác tài nguyên phục vụ cho đất nước… Chính những con người ấy với tâm nguyện vì lợi ích cho mọi người, vì sự sống còn của nhân loại, vì làm đẹp cho cuộc đời đều là hiện thân của Phổ Hiền mà trong chúng ta ít ai biết đến. Hay tất cả những ai mang lại nguồn sống cho đời như Bác Nông dân cày cấy để cung dưỡng thức ăn cho nhân loại, những bậc Thầy dạy học giáo dục cho con người biết sống nhân nghĩa, hiểu biết và yêu thương, những Bác sĩ, Y tá giúp cho nhân sinh bớt khổ trong những cơn hành hạ đớn đau của thể xác, những công nhân dệt vải đem lại cho mọi người những manh áo ấm lòng, những tấm chăn trong mùa Đông lạnh… tất cả đều biểu trưng cho hạnh nguyện cao cả của Phổ Hiền!!.

 Như vậy, Bồ tát Phổ Hiền không phải là một vị Bồ tát xa lạ ở một hành tinh nào khác đến thế giới Ta Bà, trái lại Ngài là vị Bồ Tát nhập pháp giới đi vào trần lao, lặn hụp trong bể khổ trầm luân để học hết tất cả kinh nghiệm sống trên cuộc đời và mang kinh nghiệm đó hoà vào dòng sống của nhân sinh giúp cho con người cảm nhận được giá trị cao qúy của cuộc sống trong hạnh nguyện tự lợi, lợi tha.

NHẬN ĐỊNH VÀ KẾT LUẬN

 “Con muốn tình yêu vẹn chữ đồng

Yêu đời yêu đạo khắp Tây Đông

Tình yêu ban rải trong trời đất

Chẳng thể riêng ai giữa cõi hồng.”

(Đời sống Đức Điều Ngự)

 Oâi một tình yêu cao đẹp tuyệt vời! Tình yêu ấy đã vượt không gian và thời gian để đưa Ngài Phổ Hiền Bồ tát từ lũy kiếp xa xưa trong quá khứ trở về với dòng sống của thế nhân trong hiện tại. Bằng tất cả khối óc, con tim, với bàn tay đen và tấm lòng đỏ Ngài đã phụng sự Chánh pháp, phục vụ tha nhân mà không chút mong cầu cũng không mong báo đáp, chỉ ước sao cho chúng sanh hết khổ được vui, và kỳ vọng nơi những ai đã phát tâm đi trên con đường Diệu pháp, dấn thân vào hạnh nguyện vị tha hãy phấn đấu vượt lên dù gặp muôn ngàn gian khổ sẽ có Ngài bên cạnh để khích lệ, hộ trì… Nghĩa cử cao đẹp, hạnh nguyện sâu dày, Ngài hiện hữu như ánh sáng, như mưa nguồn, như hương thơm thanh khiết. Ngài hiện diện trong cõi Ta Bà khổ lụy mà tâm niệm vẫn an vui như đóa sen thơm ngát trong bùn lầy, đem hương sắc cống hiến cho cuộc đời để đời thêm tươi đẹp.

 Chúng ta, những người đã có căn lành từ vô lượng kiếp nên ngày nay tuy sống trong nhà lửa tam giới mà vẫn an lành tu học nhân hạnh Pháp Hoa Kinh, bên cạnh chúng ta lại còn được Chư Phật hộ niệm và ngài Phổ Hiền Bồ tát hiện thân giúp đỡ. Như vậy, trước thực tế xã hội, tuy tri thức con người được nâng cao, đời sống vật chất có phần sung mãn. Song, những khổ đau về sanh, già, bệnh, chết…. Những hoàn cảnh bất an của cuộc đời, những tai họa do thiên nhiên đem đến…. Đã làm cho tâm hồn con người phải oằn oại đau thương mà không tìm ra lối thoát. Lẽ nào chúng ta đã được an lành trong Chánh Pháp mà ngồi nhìn bao cảnh thương tâm!  Chúng ta phải cất bước ra đi, không nài mỏi mệt, không ngại gian lao, vì chúng sanh mà phát tâm độ tận. Đẹp đẽ thay lời Đại nguyện của các Bậc Bồ tát:

“Đã từng trải bước cảnh gian lao

Đâu ngại vương mang mối rạt rào

Ra đó, vào đây  theo bổn nguyện.

Khi lên, lúc xuống, vẫn thanh cao.

Hồng trần lửa đỏ từng nung đốt,

Thiên quốc tường quang chảng ngại lao.

Chí hạnh độ đời đâu thối chuyển

Nhứt tâm vì đạo chẳng xôn xao”

(Tỳ Kheo ni Như Thanh trong “Lược giải kinh Hoa Nghiêm” Tập 1 trang 158)

Lời thệ kiên quyết ấy sẽ âm vang mãi trong lòng những người con Phật có Chí nguyện độ đời, là hồi trống thúc giục cho tất cả những ai muốn thực thi con đường Bồ tát hạnh hãy hoà nhập vào dòng đời với tinh thần vô ngã vị tha mang an lạc và lợi ích cho con người và vạn loại hữu tình.

Trích trong “HẠNH PHỔ HIỀN BỒ TÁT KHUYẾN PHÁP TRONG KINH PHÁP HOA”

————————————————————–

http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2011/04/hoa-than-cua-phat-a-di-da-van-thu-va-pho-hien-bo-tat/

Hóa Thân Của Phật A Di Đà, Văn Thù Và Phổ Hiền Bồ Tát

Hóa Thân Của Phật A Di Đà, Văn Thù Và Phổ Hiền Bồ Tát

Đời Đường có hai vị Đại-sư, một vị là Hàn Sơn, một vị là Thập Đắc. Ngài Hàn Sơn là hóa thân của Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, còn ngài Thập Đắc là hóa thân của Đức Phổ Hiền Bồ-tát. Cả hai vị, Hàn Sơn và Thập Đắc, vốn là bạn đồng tu rất tốt với nhau. Ngài Thập Đắc (được Hòa thượng Phong Can đem về nuôi ở chùa Quốc Thanh từ nhỏ và dạy dỗ nên người) thì chuyên lo việc nấu nướng trong nhà trù (nhà bếp ở chùa).

Mỗi ngày ngài Thập Đắc góp nhặt các thức ăn thừa rồi cho vào ống trúc, đem cúng dường ngài Hàn Sơn. Ngài Hàn Sơn thì ngụ ở động Nguyệt Quang trên núi Thiên Thai, hằng ngày tới chùa Quốc Thanh nhận đồ thừa để ăn. Bởi vì hai vị “chí đồng, đạo hợp”, thường cười đùa chuyện trò với nhau, nên cả chùa ai cũng cho hai vị là hai tên điên cuồng, do đó chẳng đếm xỉa gì tới họ cả. Không ai ngờ rằng hai vị là Bồ-tát hóa thân “du hí nhân gian” để độ những chúng sanh cần được độ!

Phổ Hiền Bồ Tát

Một hôm, quan Thái-thú Lã Khưu Yên tới gặp Hoàng thượng Phong Can (hóa thân của Đức A Di Đà), hỏi rằng:”Bạch Thiền-sư, trong quá khứ chư Phật và chư Bồ-tát thường hóa thân tới thế giới này, thế hiện nay chư Phật và chư Bồ-tát có còn hóa thân tới cõi này chăng?”

Ngài Phong Can đáp: “Có chớ! Vì quan Thái thú không nhận ra mà thôi. Bây giờ tại nhà trù của chùa Quốc Thanh trên núi Thiên Thai có vị sư chuyên nấu nướng, chính y là Phổ Hiền Bồ Tát đấy! Ngài có một người bạn là Hàn Sơn, tức là Văn thù Bồ Tát. Sao quan Thái thú nói chẳng có ai?”

Văn Thù Bồ Tát

Vị Lã Thái thú nghe xong mừng rỡ, mới bái biệt, nhắm chùa Quốc Thanh gấp gấp tiến tới, với lòng thành khẩn lễ lạy hai vị Bồ Tát Hàn Sơn và Thập Đắc. Khi thầy Tri khách thấy quan Thái thú quang lâm chùa Quốc Thanh thì ân cần tiếp đãi vô cùng. Nhưng khi thầy Tri khách nghe quan Thái thú muốn bái phỏng hai ngài Hàn Sơn và Thập Đắc, thì ngạc nhiên vô cùng; thầy chẳng hiểu vì sao quan Thái thú lại muốn gặp hai thằng điên.

Tuy không hiểu được lý do, thầy Tri khách cũng dẫn quan Thái thú tới nhà trù. Bấy giờ đúng ngay lúc hai vị Hàn Sơn và Thập Đắc đang bô bô cười nói, dáng vẻ điên tàng khiến ai cũng nực cười. Song le, Lã Thái thú vô cùng cung kính đảnh lễ hai vị, rồi cũng hết sức cung kính nói: “Đệ tử là Lã Khưu Yên xin thỉnh cầu hai vị đại Bồ Tát từ bi chỉ điểm chỗ mê muội.”

Ngài Thập Đắc hỏi: “Ông làm gì thế?”

Thái thú đáp: “Con nghe Hòa thượng Phong Can dạy rằng hai ngài chính là hóa thân của Đức Văn Thù và Phổ Hiền; bởi vậy con đặc biệt tới đây tham vấn bái phỏng, khẩn cầu hai ngài chỉ dạy.”

Ngài Thập Đắc nghe xong thì bước thụt lùi, nói: “Phong Can nhiều lời! Phong Can nhiều lời! Phong Can là hóa thân của Đức Di Đà, sao ngươi không lạy Đức Di Đà mà lại tới đây quấy rầy bọn ta?” Ngài vừa nói vừa đi lui, khi Ngài dứt lời thì cũng vừa tới cổng chùa, đến động Nguyệt Quang thì hai ngài ẩn vào vách đá và biến mất.

Quan Thái thú thấy vậy thì vô cùng thất vọng, bởi vì hai vị Bồ Tát đã ẩn mình trong vách núi, không ra nữa. Do đó quan lại nghĩ: “Thôi, hãy về lạy Đức Di Đà vậy!” Song, đến khi quan Thái thú về tới chùa thì Hòa thượng Phong Can đã viên tịch rồi! Đúng là “đang diện thác quá” (vuột mất cơ hội trước mắt)! Đó cũng gọi là:

“Đối diện bất thức Quán Thế Âm.”
(Gặp mặt Đức Quan Thế Âm mà lại không nhận ra Ngài.)

Cố Hoà Thượng Tuyên Hoá giảng tại Thiền Thất, tháng 12, 1980

————————————————————————-

http://www.daotrangphaphoa.net/thu-vien/sach/luoc-giai-kinh-hoa-nghiem/36-thien-tai-dong-tu-cau-dao-voi-pho-hien-bo-tat/

Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Phổ Hiền Bồ tát

Mở đầu việc tham vấn các thiện tri thức, Thiện Tài gặp Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, tiêu biểu cho trí tuệ. Với trí tuệ mà Văn Thù chỉ dạy, Thiện Tài dấn thân vào đời hành đạo, được năm mươi hai vị thiện tri thức dìu dắt, trong đó phải kể đến Bồ tát Quan Âm thể hiện trọn vẹn lòng từ bi vô hạn đối với mọi loài chúng sanh.

Kết hợp được tâm đại từ bi của Quan Âm và trí tuệ vô lậu của Văn Thù, Thiện Tài mới có thể diện kiến Di Lặc, hay Từ Thị là vị Bồ tát mang nguồn vui vô cùng cho muôn loài. Di Lặc đưa Thiện Tài vào Tỳ Lô Giá Na lâu các, trao cho tạng bí yếu của Như Lai. Đến đây, Thiện Tài chấm dứt giai đoạn một của bước đường hành đạo. Ý này nhằm chỉ trên lộ trình tu của chúng ta, sau khi hoàn tất việc tu học, đạt được tri thức thông qua giáo lý Phật để lại, kết thúc giai đoạn ở đậu, ăn nhờ để bước sang giai đoạn hai, chính ta phải tự phát triển việc làm giống như Phật và Bồ tát đã làm.

Di Lặc khuyên Thiện Tài nên đến gặp Bồ tát Văn Thù một lần nữa. Lần thứ hai, nhờ trang bị đầy đủ Từ tâm, thâm nhập Tỳ Lô Giá Na, Thiện Tài thấy Văn Thù Sư Lợi ở giai đoạn hai hoàn toàn khác. Bấy giờ, tuy cách xa Văn Thù một trăm mười thành, nhưng ngài đưa tay xoa đầu Văn Thù và dẫn đến tham vấn Phổ Hiền Bồ tát.

Ở bước đầu hành đạo, Thiện Tài được Văn Thù Bồ tát đưa vào Pháp giới gặp Đức Vân Tỳ kheo và nay đến gặp Bồ tát Phổ Hiền. Điều này nhắc nhở chúng ta khi tu, từ việc học giáo lý hữu hạn trong sách vở phải đi vào thế giới vô cùng. Hiện hữu và sinh hoạt ở thế giới bao la ấy mới thực sự quan trọng đối với người tu.

Dưới lực chi phối của Văn Thù, Thiện Tài thấy sự vật ở dạng vô tác diệu lực, tức hành đạo theo Phật, tuy không làm nhưng nội lực chi phối vô hình, tạo thành kết quả không lường được. Và Thiện Tài cũng thấy Đức Phật từ vô lượng kiếp luôn có Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền kề cận. Văn Thù tiêu biểu cho trí và Phổ Hiền tiêu biểu cho hạnh. Kết hợp được đại trí và đại hạnh là cốt lõi của kinh Hoa Nghiêm.

Từ khi phát tâm Bồ đề, trải qua năm mươi hai chặng đường, gặp tất cả thiện tri thức, Thiện Tài mới vào được Tỳ Lô Giá Na lâu các, gọi là Nhập Pháp giới. Lúc ấy, Thiện Tài mới có cái nhìn theo Phật, thấy rõ bề trái của cuộc đời và có đủ tư cách tham vấn Bồ tát Phổ Hiền.

Khi Thiện Tài khởi một niệm tâm cầu Phổ Hiền làm thiện tri thức, thì ngài liền xuất hiện. Tuy nhiên, có được một niệm tâm như vậy không đơn giản. Phải trải qua hằng sa kiếp huân tu các pháp lành, dứt sạch nghiệp ác, tạo thành vô lượng công đức, Thiện Tài mới có được niệm tâm ấy.

Với thiện căn công đức tích lũy từ vô số kiếp, giúp cho Thiện Tài nhận chân được Phổ Hiền hạnh thật là tuyệt mỹ. Thiện Tài thấy thân Phổ Hiền trùm khắp Pháp giới, ba đời chư Phật đều nằm trong lỗ chân lông của Phổ Hiền Bồ tát và thấy Thiện Tài tu vô số kiếp cũng không ra khỏi lỗ chân lông của Phổ Hiền. Thiết nghĩ hình ảnh này là thế giới tu chứng của người đã thâm nhập chơn kinh, chắc chắn nằm ngoài ngôn ngữ lạm bàn của phàm phu.

Thiện Tài cảm hạnh Phổ Hiền, khởi tâm muốn làm theo Phổ Hiền, thì liền nhập Phổ Hiền hạnh, biến khắp Pháp giới, tức Phổ Hiền hiện hữu ở đâu, Thiện Tài cũng nương theo lực Phổ Hiền mà đến đó hành đạo.

Từ Tỳ Lô Giá Na lâu các bước ra, nương được lực Phổ Hiền, Thiện Tài tu tạo công đức dễ dàng. Trước kia, chưa nhập Pháp giới, tu hành thật vất vả, mỗi ngày phải lạy thiên Phật vạn Phật, mà khó khăn buồn phiền vẫn luôn bao vây bức ngặt. Nhưng nay, chỉ có một niệm tâm thấy Phổ Hiền, nương lực Phổ Hiền, có được công đức nhiều hơn trăm ngàn lần gia công nhọc sức tu ở chặng đường trước.

Xưa kia Thầy tôi dạy rằng ở thác ghềnh, chúng ta phải ra sức chống chèo. Việc tu hành cũng vậy, giai đoạn đầu tu giống như ở sông, sơ hở một chút, thuyền sẽ đâm vào đá, cơi lên bờ. Nhưng ra biển, mượn sức gió căng buồm, đẩy thuyền đi nhanh không cực nhọc. Có được một niệm tâm, mượn được lực Phổ Hiền thì hành đạo nhẹ nhàng, tự tại mà kết quả ngoài sức tưởng.

Thiện Tài nương Phổ Hiền lực, lấy hạnh Phổ Hiền làm hạnh mình, trong một niệm thành tựu đầy đủ y như Phổ Hiền, dạo chơi tất cả Pháp giới, tham quan lễ bái chư Phật mười phương.

Cách tu mượn lực Phổ Hiền có thể ví như chúng ta đi mượn nợ ở thế gian. Nếu biết vay mượn đúng chỗ, đúng người, làm đúng việc thì cũng có thể trở thành giàu có. Nhưng người không biết phát triển, có vay cũng tiêu mất vốn.

Tuy nhiên, muốn mượn lực Phổ Hiền, tu hạnh Phổ Hiền, chúng ta phải đồng hạnh nguyện với ngài, vì Phổ Hiền chỉ mong ai có hạnh nguyện giống ngài là sẵn sàng giúp ngay. Trên thực tế cuộc sống, suy từ tâm niệm của chúng ta, có thể hiểu được điều này. Thí dụ như ai có yêu cầu về học phí, mua sách vở học hoặc làm gì để phát sanh trí tuệ, tôi sẵn lòng giúp, vì những việc ấy đồng với hạnh nguyện của tôi.

Mượn lực Phổ Hiền, chuyển chúng ta thành Phổ Hiền hạnh nhân, nên việc của chúng ta là việc của Bồ tát, tất nhiên phải được ngài gia bị và chúng ta sẽ thành công. Cũng giống như chúng ta tự làm không được, nhưng làm cho người có đức hạnh, nhân danh họ, ai cũng kính nể, tùy hỷ theo thì ta rất dễ thành công.

Mượn được hạnh nguyện Phổ Hiền, ta và ngài đồng nhau. Từ đó, ta làm ở nhân gian thay cho Phổ Hiền ở Pháp giới. Làm cho Phổ Hiền để nương theo ngài đi vào Pháp giới, vì chúng ta thấy Pháp giới quan trọng hơn trần gian.

Để kết phẩm Nhập Pháp giới, Phổ Hiền đặt ra ba điều rất khó đối với chúng ta, nhưng lại rất đơn giản với Bồ tát đã hoàn tất giai đoạn một như Thiện Tài. Tất cả thế giới chẻ thành vi trần đều có thể kiểm soát biết được. Nước bốn biển thu hết vô bụng được. Bầu trời có thể đo được, gió cũng tính được. Nhưng công đức của Phật thì không thể nào nói hết được.

Công đức của Phật không thấy bằng mắt, nhưng lớn lao không tưởng được, ảnh hưởng của Ngài tỏa rộng khắp năm châu. Ngày nay, chúng ta dễ nhận ra ý này. Trải qua thời gian dài hơn hai mươi lăm thế kỷ cho đến ngày nay, hàng tỷ người trên thế giới vẫn đang hướng tâm về Đức Phật, cầu nguyện, lý giải những lời vàng ngọc của Ngài, phát tâm đi theo con đường thánh thiện, giải thoát của Ngài. Vì vậy, công đức của Phật quá lớn, tuy vô hình mà nói mãi cũng không hết.

Theo tinh thần Đại thừa, Đức Phật chưa từng vắng bóng đối với người phát tâm Bồ đề. Ngài chỉ nhập diệt với người không có duyên lành. Như Lai không đến mà đến với tất cả tâm hồn có căn lành. Dù thời gian cách xa, không gian cách trở, nếu chúng ta phát tâm tu, đồng hạnh đồng nguyện thì Phổ Hiền vẫn đến, Phật vẫn gia bị cho ta.

Thực tế cho thấy Như Lai không đến, nhưng tất cả thành phần trong xã hội thời đó từ Sát đế lợi cho đến hàng cùng đinh, không giai cấp nào mà Phật không cứu độ. Những người nghèo cùng hoặc sang trọng, hay vua chúa theo Phật tu đều đắc đạo.

Theo lộ trình Hoa Nghiêm, từ con ong cái kiến, đến cỏ cây, sông núi, không có loại hình nào không có Phật. Chúng ta có căn lành, quyết tâm tu theo hạnh Phổ Hiền thì không sợ bị đọa, ở đâu tu cũng được Như Lai gia bị, Phổ Hiền hộ niệm.

Kết phần Nhập Pháp giới, Phổ Hiền mở ra cánh cửa gọi là Phổ Hiền hạnh môn. Bước qua cửa này, hay thực hiện Phổ Hiền hạnh thì rất nhiều, nhưng ngài tóm gọn thành mười hạnh nguyện. Nương lực Phổ Hiền, tu mười đại nguyện theo ngài mới giúp ta xóa được tất cả nghiệp ác quá khứ và tạo muôn ngàn công đức và đó là hành trang đưa ta đến quả vị Vô thượng Đẳng giác.

————————————————————————————

 

 

 

Les commentaires sont fermés.