Thích Bồ Đề Tâm Luận

Thích Bồ Đề Tâm Luận
(Bodhichittavivarana – Jangchup Semdrel)

35buddha1 by you.

 Trước tác: Long Thọ Bồ Tát

Dịch từ bản Anh ngữ của dịch giả Wulstan Fletcher[1]

Kính lễ Đấng Trang Nghiêm Kim Cang Tát Đỏa.

“Tất cả mọi pháp đều không có tự tánh. (Năm) uẩn (skandas), (mười tám) giới (dhatus), (mười hai) xứ (ayatanas), [sáu] sở thức (trần), (sáu) năng thức[2] (hay là thức), đều không có thực hữu. Vạn pháp vô ngã, do đó tính mọi pháp đều bình đẳng. Tâm tự nó vốn vô thỉ; bản tánh của tâm vốn là không.”

Đó là những điều chư tôn tuyên thuyết [trong Tam Nghiệp Bí Mật[3] kinh – Mật tông]. Cũng như chư Phật Thế Tôn và chư đại Bồ Tát đã phát tâm vào thẳng trong đại Bồ Đề. Đệ tử cũng xin nguyện như thế, ngay từ bây giờ cho đến khi viên mãn tâm Bồ Đề, phát nguyện trưởng dưỡng tâm này để thành tựu đại giác ngộ. Đệ tử xin hành trì như thế trong mục đích độ các chúng sinh chưa giác ngộ qua bên kia bờ giác, giải thoát các chúng sinh chưa được giải thoát, triệu thỉnh các chúng sinh chưa được khai thị vào đạo, và đưa các chúng sinh còn trong bể khổ vào cõi an vui thoát khổ.”

Do thiền quán như thế, chư Bồ Tát phát nguyện đi vào hành trì Mật Chú, trước tiên phải thành tựu Bồ Đề Tâm tương đối, mang điểm đặc thù của Bồ Đề Tâm Nguyện. Sau đó, chư vị còn phải tiếp tục hành trì thành tựu Bồ Đề Tâm Thắng Nghĩa qua sức mạnh của thiền định quán chiếu. Vì lý do đó mà bài luận này sẽ giảng về bản tánh của Bồ Đề Tâm Thắng Nghĩa.

1. Trước chính bản tánh

Của Tâm Bồ Đề

Là đấng Trang Nghiêm

Trì Kim Cang Chùy,

Đệ tử cúi xin

Chí thành đảnh lễ

Và xin nói về

Thiền định Bồ Đề

Chấm dứt ta bà

Chư Phật đã thuyết,
Tâm Bồ Đề này

Không bị ngăn ngại

Bởi mọi vọng niệm

Biến kế, như là:

Chấp ngã, chấp uẩn.

Những thứ hằng chứa,

Đặc điểm tánh không.

3. Với dòng tâm thức

Thấm nhuần từ bi,

Ta hãy tinh tấn

Thiền quán Bồ Đề.

Chư Phật, đại bi,

Miên mật thiền định

Vào trong tâm này.

4. Khi cái ngã do

Ngoại đạo tưởng tượng

Được phân tích với

Lý luận vững chắc

Thật không tìm ra

Chỗ trụ của nó

Ở trong các uẩn.

5. Ngũ uẩn có đó,

Nhưng vốn vô thường,

Không thể cấu tạo

Bản tánh của ngã.

Vô thường và thường,

Không thể liên kết

Năng y, sở y[4]

Nếu điều ông gọi
Là cái ngã đó

Không có hiện hữu.

Thì cái gọi là

Tác giả[5] làm sao,

Có thể thường còn ?

Qua các kinh nghiệm

Của cõi thế gian,

Chỉ có khi nào,

Chủ thể hiện hữu,
Thì mới có thể

Khảo sát ra các,

Hành trạng của nó.

7. Vì cái thường còn

Thì không tạo tác.

[Dù tác] gián đoạn

Hay là liên tục,

Vì vậy cho nên

Không có thực thể

Thường còn [của ngã].

Dù ở bên ngoài

Hay là bên trong.

8. Nếu cái thường còn,

Mà có tạo tác,

Làm sao nó phải

Tùy duyên thứ khác ?

Và như vậy sẽ

Tạo quả tức thời.

Nếu phải tùy thuộc

Vào một thứ khác,

Thì chẳng thường còn

[Tự nó] không có

Khả năng tạo hóa.

Nếu ngã là thể
Còn có tác dụng[6],

Thì không thường còn,

Bởi vì nó chỉ

Hiện hữu tạm thời.

Vật thể vô thường,

Không thể nào có

Khả năng tạo hoá.

Chẳng có cái đó.

10. Xả ly cái ngã.

Thế giới tà kiến,

Hoàn toàn sụp đổ

Khi thấu hiểu uẩn

Giới, xứ, năng, sở[7]

Pháp, ngã đều dứt.

Chư vị lợi hành
Dạy chư Thanh Văn:

Ngũ uẩn gồm sắc,

Thọ, tưởng, hành, thức.

Đấng Thế Nhân Tôn
Dạy chư Bồ Tát,

Thuyết giảng giáo pháp,

Về các uẩn đó:

Sắc uẩn vốn là,

Bọt bèo như huyễn

Thọ như bọt nước
Tưởng như ảo ảnh

Hành như cây chuối

Thức như huyễn thuật

14. Dạy quán sắc uẩn

Chính là bản tánh

Của tứ đại kia.

Tất yếu xác định

Các uẩn còn lại

Là vô sắc tánh.

Trong các thứ đó
Nhãn căn, sắc trần,

(Tất cả các căn,

và các trần khác)

Được giải thích là

Hợp thành các giới[8]

Còn mười hai xứ (ayatanas)

Cần phải hiểu là[9]

Năng chấp, sở chấp.

Vi trần của sắc
Chẳng có hiện hữu,

Và các căn thức

Cũng chẳng hiện hữu.

Năng duyên[10] hoàn toàn

Chẳng có hiện hữu.

Quả sinh từ nhân,

Tạo thành quả ấy [11]

Đều là phi lý.

Sắc trần không thể
Sinh ra nhãn thức,

Bởi lẽ vi trần

Ở ngoài lĩnh vực

Của các căn thức.

Hoặc giả tập hợp

Của các vi trần

Sinh ra các thức ?

Nhưng cũng không thể

Xác nhận được là

Tập hợp ấy có.

Phương phần[12] cực vi
Vẫn còn có thể

Chia theo phương hướng.

Thành phần nhỏ hơn

Như vậy làm sao

Có thể phân giải

Một vật thành ra

Vi trần bất phân ?

Với cùng đối tượng
Ở bên ngoài ta,

Nhiều cách nhận thức

Khởi sinh khác nhau;

Cái gì với mình

Thấy như đẹp mắt,

Nhưng với người kia

Có khi khác hẳn.

Cùng thân phụ nữ,
Có thể nhận thức

Bằng ba cách khác:

Nhà tu nhìn thấy

Là một thây ma,

Đàn ông nhìn ra

Đối tượng tình ái,

Còn con chó thấy

Là miếng thịt ngon.

21. Cho nên có phải

Là cái tác dụng

Của cùng vật đó

Giống như thấy bị

Thọ hại trong mơ ?

Dù thức hay ngủ

Tác dụng chẳng khác.

22. Do chấp năng, sở[13]

Mọi thức khởi sinh.

Tách lìa khỏi tâm.

Chẳng làm gì có

Đối tượng bên ngoài.

Do đó chẳng có
Đối tượng bên ngoài

Như một thực thể

Thực sự hiện hữu.

Do các biệt thức[14]

Hoá hiện bên trong

Thành ra sắc tướng

Và các thứ khác.

Như người vô minh
Ảo giác, huyễn ảnh,

Đều thấy có thực

Càn Thát Bà thành

Tương tự, họ thấy

Sắc và mọi thứ

Hoá hiện như thế.

Để làm phá tan
Mê lầm chấp ngã

Giáo pháp về uẩn,

Đại và các thứ

Đã được tuyên dạy.

Trước tiên học là

Vạn pháp duy thức[15]

Nhưng người căn cơ

Xả bỏ chẳng chấp

Cả những điều đó.

Những vị nói rằng
Vạn pháp duy thức,

Nhưng tánh của tâm

Nó vốn là gì ?

Điều ấy mới cần

Phải được thuyết giảng.

Khi Phật thuyết là
”Vạn pháp duy thức”

Phương tiện giáo hoá

Người trí tuệ thấp

Dứt trừ sợ hãi

Chẳng phải thật ngôn.

Biến kế sở chấp
Và Y tha khởi

Cùng Viên thành thật[16]

Đều là ngôn từ

Gán trong tâm thức

Bản thể tự nó

Chỉ là tánh không.

Cho người vui với
Pháp tu Đại thừa,

Đức Phật chỉ thuyết

Tóm gọn như sau,

Nhân, pháp ‘’vô ngã’’

Tánh vốn bình đẳng,

Tâm vốn vô sanh.

Du Già bộ chúng
Thuyết là khi nào

Chuyển hóa được tâm,

Thì sẽ trở thành

Viên mãn thanh tịnh

Và là đối cảnh

Của tự chứng phần[17].

31. Quá khứ chẳng còn;

Tương lai chưa tới

Giòng tâm thường chuyển[18]

Thì cái hiện tại

Biết tìm ở đâu?

Năng kiến[19] chẳng phải –
Là sở kiến17 kia;

Sở kiến cũng lại –

Chẳng là năng kiến !

Ý thức, vốn nó

Chẳng có tự tánh,

Còn Dư y thức[20]

Cũng chẳng thật có.

Khi đặt thỏi sắt
Gần đá nam châm

Sắt sẽ chuyển động,

Như thể có tâm,

Mà thực ra là

Sắt chẳng có tâm.

Thật cũng như vậy
Tuy không thực có

Mà tạng thức[21] ấy

Hiện hành, tới lui

Như là thực hữu –

Thọ báo thế gian.

Cũng như khúc gỗ
Nổi trôi mặt biển

Chẳng hề có tâm,

Tạng thức chuyển động

Tìm thân thủ hữu

Làm căn nương tựa.

Nếu như, họ nghĩ
Không có thân này

Thì thức không có,

Vậy thì họ phải

Giải thích cho ta

Tự chứng tánh[22] đó

Có nghĩa là gì ?

Nói tự chứng tánh,
Họ cũng khẳng định

Tánh này thực hữu.

Nhưng họ cũng nói

Không thể diễn tả

Tánh ấy làm gì !

Muốn làm người tin
Điều mình xác tín,

Bậc trí phải dùng

Luận cứ vững chắc

Không nhiễm sai lầm.

Nhận thức nắm bắt
Nên có đối tượng,

Nếu lìa đối tượng

Nhận thức cũng không.

Sao không chấp nhận:

Năng tri, sở tri [23]

Đều không thực hữu ?

40. Thức là giả danh;

Ngoài danh thì nó

Chỉ là trống rỗng.

Nhận thức cũng là

Đơn thuần giả danh,

Chẳng có tự tánh.

41. Trong, ngoài của tướng

Hoặc ở chính giữa,

Chư Phật đều không

Tìm ra được thức.

Thế nên tâm thức

Chỉ là ảo huyễn.

Tâm tự bản tánh
Chẳng trụ hình sắc

Chẳng trụ tướng dạng,

Năng chấp, sở chấp[24],

Dù nam hay nữ,

Hoặc là trung tính

Tâm cũng chẳng trụ

43. Tóm lại, chư Phật

Tìm tâm không thấy

Và cũng sẽ chẳng

Bao giờ tìm ra.

Làm sao họ lại

Chấp thủ chẳng buông,

Cái, tự bản chất,

Vốn vô tự tánh ?

44. Cái gọi “Tự tánh”

Thực sự chỉ là

Vọng niệm của tâm.

Tánh Không là khi,

Tâm bặt nghĩ suy.

Khi chấp vọng niệm

Làm sao còn biết

Tánh Không được nữa ?

Như Lai chẳng thấy
Năng thức, sở thức[25].

Khởi sinh trong tâm.

Khi chấp năng sở

Thì chưa thể chứng

Giác ngộ Bồ đề.

46. Vô tánh, vô sinh,

Chẳng có “thực hữu”,

Ngôn từ bất lực[26].

Đặc tính của các

Phật tánh, Bồ Đề

Chính là bất nhị,

Với cõi hư không.

47. Chư Phật, Đại Sĩ

Trụ tâm Bồ đề,

Và chư Từ Bi

Đều hằng thấu rõ

Tánh không tương tự

Như là hư không

48. Do đó Bồ Tát

Phải luôn thiền quán

Sở y[27] chư pháp:

Tánh không, an bình,

Như huyễn, vô trụ,

Chấm dứt tất cả

Luân hồi ta bà.

49. Có kẻ chẳng quán

Như trên đã giảng.

Và họ thiền quán

Trên loại tánh Không

Ở mức thấp hơn :

Cái gọi “Vô sinh”,

“Tánh không”, “Vô Ngã”[28],

50. Chư Phật đã giảng

Tánh không chính là

Chấm dứt dòng tưởng

Thiện niệm, ác niệm,

Ngoài ra chẳng giảng

Tánh không theo một

Phương cách nào khác

51. Khi tâm an trụ

Ở trong vô tưởng

Lìa sở duyên cảnh[29]

Thì mang đặc tính

Của cõi hư không.

Những ai thiền định

Trên tánh không này,

Chư Phật đã dạy

Chính là thiền định

Trong hư không xứ.

52. Tiếng gầm sư tử

Tuyên thuyết tánh không,

Đã làm run sợ

Mọi tà thuyết của

Luận sư ngoại đạo.

Cho dù vị thế

Của họ ra sao,

Vị thế đó vẫn

Quy về tánh không.

Người nào đã nói
Tâm thức tồn tại,

Chỉ trong sát na,

Thì cũng phải nhận

Là tâm vô thường.

Nếu tâm vô thường,

Làm sao chối cãi

Tánh không trong đó ?

54. Tóm lại, chư Phật

Tuyên thuyết tâm này

Nó là vô thường.

Vậy sao chẳng nhận

Tâm cũng là không ?

55. Từ chính khởi thủy

Tâm này vốn dĩ

Không có tự tánh.

Xin nhớ cho rằng:

Tôi không nói là,

Một cái thực hữu

Lại bị tước đi

Tự tánh của nó.

56. Khi nói như thế

Nghĩa là phủ nhận

Tâm có tự ngã:

Cái lìa ra ngoài

Bổn tự tánh nó

Thì tất nhiên phải

Là vô tự tánh.

57. Cũng như tánh ngọt

Là thể của đường

Và tánh nóng kia

Là thể của lửa.

Đích xác tánh không

Là tự tánh của

Nhất thiết chư pháp.

58. Thuyết tánh Không là

Tự tánh các pháp,

Chẳng phải đề xướng

Theo thuyết đoạn diệt.

Cũng không có nghĩa

[Tánh không] thường còn.

59. Duyên khởi vận hành

Thập nhị nhân duyên,

Bắt đầu vô minh

Chí đến lão tử,

Tôi xác nhận rằng

Đều là mộng huyễn.

60. Ngoài mười hai nhánh

Bánh xe nhân duyên,

Luân hồi tam giới,

Tôi thấy không có

Chúng sanh gặt quả

Hành động họ làm.

61. Tùy theo tấm gương

Khuôn mặt hiện ra,

Khuôn mặt chẳng phải

Nhập vào trong gương

Nhưng nếu không gương

Ảnh mặt không có.

62. Cũng chính như thế

Người trí biết chắc

Dòng ngũ uẩn kia

Tương tục mà thành.

Tái sinh các kiếp,

Ngoài ra chẳng có

Cái ta tái sinh.

63. Tóm lại đó là,

Chư pháp trống rỗng

Sinh từ chuyển hoá

Của các pháp khác

Cũng không như vậy.

Đấng Thế Tôn thuyết

Hành giả, nghiệp quả

Thọ báo, thuộc về

Tục đế tương đối

Nhất thiết tàng đế.

64. Cũng như tiếng trống

Và mầm cây mọc

Do duyên tụ sinh.

Ngoại vật duyên khởi

Mà tạo thành tướng

Như mộng huyễn hóa.

65. Chư pháp duyên sinh

Chẳng thể ngược lại

Những điều tuyên thuyết.

Vì nhân tự nó

Trống rỗng, không nhân

Cho nên hiểu là

Các pháp vô sinh.

Đặc tánh vô sinh
Của toàn các pháp

Chính là tánh không.

Tóm lại “chư pháp”

Quy về “ngũ uẩn”

67. Tuyên thuyết chân như

Chẳng làm chướng ngại

Nhất thiết tàng đế.

Vì lìa tục đế,

Chẳng đắc chân đế.

68. Chư tôn đã dạy

Tục đế chính là

Tánh không, chẳng khác

Và tánh không cũng

Chính là tục đế.

Không có cái này

Cái kia cũng không,

Cũng như vô thường

Chính là sở tác[30].

69. Thế gian khởi từ

Nghiệp quả, phiền não,

Nghiệp sinh từ tâm,

Tâm do tập khí[31],

Trừ hết tập khí

Chứng đắc an lạc.

70. Chính tâm an lạc

Là tịch tĩnh nhất,

Tâm an không bị

Rối loạn che mờ,

Khi tâm không loạn

Chứng được chân như[32].

Vào được chân như

Giải thoát hiện tiền.

“Chân như”, “tối thắng”
“Vô tướng”, “Chân đế”

“Tối Thượng Bồ Đề”

Tất cả tên đó

Đều là tánh Không.

72. Người chưa quán triệt

Tánh không là gì

Chẳng có nền tảng

Để chứng giải thoát,

Do đó người si

Luân hồi sáu cõi

Tù ngục Ta Bà.

73. Môn đệ Du Già

Thiền định tánh Không,

Chắc chắn tâm thức

Sẽ khởi sinh lòng

Ao ước phụng sự

Lợi lạc chúng sinh.

“Tôi nguyện đền trả
Ân nghĩa chúng sinh

Thương yêu nuôi nấng

Các thân của tôi

Trong đời quá khứ,

Khi các chúng sinh

Từng là cha, mẹ,

Quyến thuộc, bạn bè.”

“Các chúng sinh này
Trong tù ngục của

Các kiếp luân hồi,

Khổ đau, thiêu đốt

Trong lửa phiền não —

Vì tôi đã từng

Trong đời quá khứ

Làm khổ hại họ —

Tôi nguyện giờ đây

Mang đến cho họ

An vui phúc lạc.”

76. Nghiệp quả mong muốn,

Hoặc là kinh sợ,

Thọ báo an lành

Hay ác báo đó

Trong thế gian này,

Cũng đều đến từ

Hành thiện, hay ác,

Đối với chúng sinh.

77. Phật quả tối thượng

Đạt được đều do

Xả kỷ lợi tha,

Không có gì lạ

Khi thấy chẳng có

Thọ báo lành nào

Của cõi trời, người –

78. Phạm Thiên, Đế Thích,

Thủ La, Hộ thần

Của thế gian này

Hưởng quả hạnh, lạc,

Ở trong ba cõi

Mà chẳng do nhân

Tạo phúc lợi đến

Cho các chúng sinh ?

79. Tất cả khổ đau

Thọ báo địa ngục

Súc sinh, ngạ quỷ,

Đều là do quả

Tổn hại chúng sinh.

80. Đói, khát, tranh chấp

Không ngừng, khổ đau

Dày vò không dứt,

Không chịu đựng nổi :

Tất cả do quả

Não hại chúng sinh

81. Một bên chư Phật

Và chư Bồ Tát

Cùng quả an vui,

Ngược lại là các

Thọ báo ác đạo —

Do đó phải hiểu

Chia hai loại quả

Chín mùi từ nghiệp

Chúng sinh tạo tác

82. Che chở chúng sinh

Như là thân mình,

Phụng sự chúng sinh

Bằng đủ mọi thứ,

Hãy trừ bỏ tâm

Thờ ơ chẳng xót

Cảnh khổ chúng sinh

Như là độc dược

83. Chẳng phải chính là

Chư Thanh Văn đã

Kẹt trong quả thấp

Vì thiếu lòng thương

Đến các chúng sinh ?

Ngược lại, chư Phật

Đắc quả tối thượng

Giác ngộ, là vì

Chẳng quay lưng lại

Buông bỏ chúng sinh.

84. Sau khi quán xét

Quả do tạo phúc

Hay là tạo ác,

Làm sao có thể

Dầu trong giây phút

Khư khư làm lợi

Riêng đến thân mình ?

85. Từ cây Bồ Đề,

Bám chắc trên rễ

Của lòng từ bi,

Sanh quả duy nhất

Tạo phúc chúng sinh.

Do đó, Phật tử

Thiền định Bồ Đề.

86. Thiền định vững rồi,

Bồ Tát quán khổ

Của các chúng sinh

Từ bỏ an lạc

Của Tam Ma Đề,

Xuống ngục Vô Gián

Cứu khổ chúng sinh.

87. Thù thắng, kỳ diệu —

Thánh đạo tối thượng !

Xả thân, tiền của

Tuy thế, mà chưa

Phi thường chút nào.

88. So với chứng đắc

Tánh Không các pháp

Mà vẫn tuân thủ

Theo luật nhân quả —

Thì còn kỳ diệu

Hơn cả kỳ diệu

Lại còn phi thường

Hơn cả phi thường.

89. [Bồ Tát] vì muốn

Che chở chúng sinh,

Dù sinh trong bùn

Của cõi Ta Bà,

Mà không dính nhiễm,

Như sen tôn quý

Mọc trong ao bùn

Chẳng nhiễm mùi bùn.

90. Như là Bồ Tát

Phổ Hiền, đốt hết

Củi của phiền não

Bằng lửa trí tuệ

Của chính tánh không,

Mà vẫn thấm nhuần

Tánh của từ bi

91. Dưới lực bi tâm,

Chư vị thị hiện

Hạ sinh, thọ lạc,

Xả ly, khổ hạnh,

Đắc quả giác ngộ

Chiến thắng ma vương.

92. Chuyển bánh xe pháp;

Dẫn dắt chư thiên

Vào đạo giải thoát,

Rồi lại thị hiện

Vào trong Niết Bàn.

93. Chư vị hoá thân

Phạm Thiên, Đế Thích

Vi Nữu, Thủ La

Cùng nhiều thân khác.

Thị hiện vũ điệu

Của lòng từ bi

Qua các hành nguyện

Dẫn dắt chúng sinh

Vào trên đường đạo.

94. Vì muốn an ủi

Những người chán nản

Tam giới luân hồi,

Giúp họ đi vào

Con đường đại thừa,

Chư tôn tuyên dạy

Giáo lý nhị trí ,

Nhưng đó chẳng phải

Là tối thắng nghĩa.

95. Thanh Văn La Hán

Trụ trong tuệ thân

Đắm nhiễm thiền duyệt

Phải đợi chư Phật

Thức tỉnh Bồ đề.

96. Khi thức tỉnh rồi

Chư vị hoá thân

Dưới muôn vàn dạng,

Hành hoá từ bi

Cho các chúng sinh.

Tư lương, phước, tuệ

Tích tụ đủ rồi

Chứng đuợc Phật quả

Tối thượng bồ đề.

97. Vị nào còn mắc

Hai loai tập khí,

Đó là chủng tử.

Tích đủ nhân duyên,

Nảy mầm luân hồi

Tái sinh tam giới.

98. Chư Tôn Độ Trì

Ban nhiều pháp môn

Khế hợp căn cơ

Phương tiện giáo hoá

Tuỳ thuận hữu tình.

99. Giáo lý muôn dạng

Thâm diệu, quảng đại

Hoặc chứa cả hai.

Tùy duyên tuyên thuyết

Nhưng tựu chung là

Chẳng lìa tánh Không.

100. Các câu chân ngôn

Các địa chứng đắc

Trí tuệ bát nhã —

Của quả giác ngộ

Đấng Toàn Trí thuyết :

Tất cả đều khởi

Từ Bồ Đề Tâm.

101. Những vị luôn tạo

Phúc lạc chúng sinh

Bằng thân, khẩu, ý,

Chư vị biện chứng

Diệu lý tánh Không —

Chẳng thể bảo rằng

Như thế là theo

Chủ thuyết đoạn diệt.

102. Chư tôn Đại sĩ

Không trụ Ta Bà

Chẳng trụ Niết Bàn.

Thế nên Chư Phật

Đã thuyết giảng về :

“Vô trụ” Niết Bàn

103. Những vị thành tựu

Tự lợi, lợi tha —

Uống nước từ bi

Trong vị duy nhất

Là công đức, và

Tánh Không mang vị

Tối thắng [Trí tuệ] —

Đều là Bồ Tát

Con của chư Phật.

104. Kính lễ chư vị,

Với toàn thân tâm,

Trong ba cõi này

Chư vị xứng đáng

Gọi là Ứng Cúng.

Đạo sư thế gian

Kế vị trụ thế

Trưởng tử chư Phật.

105. Bồ Đề được dạy

Là pháp tối thắng

Của đuờng Đại Thừa

Hãy nên tinh tấn

Hành trì thiền định

Phát Bồ Đề tâm.

106. Ngoài Bồ Đề Tâm

Chẳng còn cách khác

Trong thế giới này

Để mà thành tựu

Tự lợi lợi tha —

Chư Phật thấy rõ

Chẳng có pháp khác.

107. Chỉ do thành tựu

Phát tâm Bồ Đề

Tạo khối công đức

To lớn vô lượng

Nếu có hình thể

Thì đầy hư không

Vẫn không chứa hết

108. Vị nào thiền định

Vào Bồ Đề Tâm

Dù trong giây phút

Cũng tạo công đức

To lớn vô cùng

Dù là chư Phật

Cũng không lượng được !

109. Tâm Bồ Đề này

Trân quý vô nhiễm

Châu báu duy nhất,

Không bị tổn hại,

Chẳng bị cướp mất

Bởi giặc (phiền não).

110. Như cõi Ta Bà,

Chư Phật, Bồ Tát

Luôn luôn khấn cầu

Để phát đại nguyện,

Thế nên chúng ta

Cũng phải tập luyện

Tâm thức của mình

Phát nguyện Bồ Đề.

111. Đó thật mầu nhiệm;

Phải nên tinh tấn

Như đã giảng trên

Sau tự thành tựu

Công hạnh Phổ Hiền.

112. Qua các công đức

Thù thắng vô song

Tích tụ đến giờ

Nhờ tán thán đến

Bồ Đề Tâm này

Cũng đã từng được

Chư Phật tán thán,

Xin nguyện chúng sinh

Dập vùi bể khổ

Trong sóng luân hồi

Bước lên tinh tiến

Trên con đường đạo

Của chư Thế Tôn.

Đến đây chấm dứt văn bản Bodhichittavivarana, Thích Bồ Đề Tâm Luận, trước tác bởi Tổ Long Thọ Bồ Tát.

Bản dịch này do học giả Ấn Độ Gunakara và dịch giả Tây Tạng Rabshi Shenyen soạn. Sau đó, bản dịch đã được hiệu đính bởi học giả Ấn Độ Kanakavarman và dịch giả Tây Tạng Patsab Nyima Drak.

Bản này đã được dịch theo văn bản Namshe Norbu Trengwa, là bài chú giải Thích Bồ Đề Tâm Luận viết bởi Dagpo Gomchen Ngawang Drakpa.

Bản Anh ngữ do dịch giả Wulstan Fletcher biên soạn.

Bản dịch Việt ngữ do Sonam Nyima Chân Giác (Canada) và Diệu Hạnh Giao Trinh (France) biên soạn, chuẩn bị cho pháp hội thuyết giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nantes tháng 8, 2008 với sự tham khảo các bản sau đây:

1. Bản dịch Anh ngữ do Dr. Thupten Jinpa, Montréal, Canada.
2. Bản dịch Hán ngữ Thích Bồ Đề Tâm Luận do nhóm dịch giả của nhóm Bi Trí Học
Phật Hội (Compassion & Wisdom Buddhist Association) phiên dịch.

© Ly Bui & Giao Trinh Vo – 2007

[1] Chuẩn bị cho pháp hội thuyết giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nantes tháng 8, 2008. Bản dịch Việt ngữ do Sonam Nyima Chân Giác và Diệu Hạnh Giao Trinh biên soạn, phối hợp với các từ ngữ dùng trong bản dịch Hán văn của Bi Trí Học Phật Hội (Compassion & Wisdom Buddhist Association).

[2] Năng thức là cái chủ thể nhận thức (người). Sở thức là cái đối tượng nhận thức (vật).

[3] Guhyasamaja.

[4] Năng y là cái chủ thể có khả năng cho nương tựa. Sở y là cái đối tượng nương nhờ vào chủ thể.

[5] Tác giả là chủ thể của cái ngã. Nó cũng là một pháp (phenomenon) ở trong thế gian.

[6] Vật thể nào còn có tác dụng thì chỉ là một pháp hữu vi sinh diệt, vô thuờng. Như cái bình làm nhiệm vụ chứa nước, sẽ có lúc bị vỡ.

[7] Năng là chủ thể, sở là đối tượng.

[8] Giới là dhatus.

[9] Chấp vào chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức.

[10] Năng duyên là chủ thể tạo các nhân duyên.

[11] Sanh giả và sanh tính (nói là có người tạo và quả sinh ra) đều phi lý.

[12] Nói đầy đủ là “hữu phương phần cực vi”, nghĩa là “phần tử có phương hướng cực nhỏ”, cho nên còn có thể chia chẻ theo sáu phương hướng.

[13] Chấp là chủ thể nhận thức (năng) và đối tượng nhận thức (sở) đều có thật.

[14] Là tâm thức phân biệt.

[15] Cũng là tâm – Bản tiếng Hán dịch là tâm.

[16] Cả ba gọi là Tam Tự Tánh.

[17] Tự chứng phần là sự tự nhận biết sự vật của tâm, từ vô thỉ đã có sẵn.

[18] Sát na thường chuyển nên chẳng thể trụ vào đâu.

[19] Năng kiến là chủ thể của nhận thức – nghĩa là người thấy. Sở kiến là đối tượng của nhận thức – nghĩa là vật bị thấy. Thật tướng của các pháp chẳng như là cái ta nhìn thấy. Còn cái ta nhìn thấy thì lại chẳng phải là tướng của mọi pháp.

[20] Dư y thức là cái thức còn dư lại làm nơi nương tựa của tánh biết.

[21] Tạng thức còn gọi là A lại gia thức, tàng chứa mọi chủng nghiệp.

[22] Tự chứng tánh là tánh tự biết mọi vật của tự chứng phần, xem chú thích số 17.

[23] Năng tri là chủ thể nhận thức (người nhận biết sự vật). Sở tri là đối tượng nhận thức (vật bị nhận biết).

[24] Năng chấp là chấp vào mình. Sở chấp là chấp vào đối tượng.

[25] Chủ thể và đối tượng nhận thức.

[26] Bất khả thuyết.

[27] Là nền tảng (của chư pháp), là chỗ để y theo.

[28] Chấp trong khái niệm.

[29] Sở duyên cảnh là cảnh giới đối tượng gây ra duyên.

[30] Sở tác là cái ta làm (tạo tác), đối nghịch với vô tác. Còn có chỗ sở tác thì còn vô thường.

[31] Thói quen tích lũy.

[32] Nghĩa là tánh không.

—o0o—
Trình bày: Phổ Trí
Cập nhật: 01-12-2007

Les commentaires sont fermés.