Kinh Báo Ân Cha Mẹ

Kinh Báo Ân Cha Mẹ
(HT. Thích Trí Quang dịch và hiệu chỉnh lại bản dịch cổ, 1994)

Kinh này tôi nghe Đức Thế Tôn dạy trong thời gian Ngài cùng với rất nhiều các vị đại tỷ kheo và đại bồ tát ở nơi tịnh xá Kì hoàn, thuộc nước Xá vệ.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn cùng với đại chúng đi về phía nam tinh xá, thấy một đống xương khô. Ngài liền lạy sát đất. Tôn giả A nan thấy vậy thì thưa rằng : “Bạch đức Thế Tôn, Ngài là đại sứ của chúng sinh, là từ phụ của muôn loài, ai cũng tôn kính, tại sao lại lạy đống xương khô này một cách cung kính như vậy ?”

Đức Thế Tôn dạy : “A nan, tôn giả tuy là đệ tử thượng túc của Như Lai, nhưng kiến thức còn khiếm khuyết. Đống xương khô này hoặc là tổ tông kiếp trước, hoặc là cha mẹ nhiều đời của Như Lai, nên Như Lai chân thành kính lạy.

Tôn giả hãy đem đống xương khô này chia ra hai phần : nếu là nam thì xương trắng mà nặng, nếu là nữ thì xương đen lại nhẹ”. Tôn giả A nan thưa : “Bạch đức Thế Tôn, nam và nữ khi còn sinh tồn thì nhờ hình dáng mà nhận biết, nay chết rồi thì chỉ một đống xương khô như nhau, làm sao phân biệt ?” Đức Thế Tôn dạy : “A nan, người nam khi sống tinh tu phạn hạnh, đa văn thiền quán, nên xương trắng và nặng. Người nữ sinh sản, huyết sữa hao tổn, mệt nhọc lao khổ, nên xương đen mà nhẹ”.

Tôn giả Anan nghe Đức Thế Tôn dạy như vậy thì đau lòng rơi lụy, thưa Ngài : “Bạch đức Thế Tôn, ân đức cha mẹ thế nào ? Làm sao báo đáp ?”. Đức Thế Tôn dạy : “A nan, hãy nghe cho kĩ.. Như Lai sẽ nói cho tôn giả.

A nan, mười hai tháng mang thai, mẹ rất khổ sở. Thai mang một tháng mới như hạt sương rơi trên cỏ, tụ tán mong manh. Hai tháng mới như váng sữa. Ba tháng mới như huyết đọng. Bốn tháng mới tụ hình người. Năm tháng mới có đầu, hai tay và hai chân. Sáu tháng các giác quan mới khai tượng. Bảy tháng gân cốt lông da mới có. Tám tháng mới có lục phủ ngũ tạng. Chín tháng mới thành thai nhi, hấp thụ nguyên khí củamẹ mà sống. Qua tháng thứ mười mới khởi sự chuyển sinh. Nếu là hiếu thuận thì hài nhi xuôi tay mà ra, không thương tổn mẹ. Nếu là ngỗ nghịch thì cào cấu đạp phá thai bào, làm mẹ đau đớn vạn trạng. Nên thân này sinh được thật là may mắn phước đức.

A nan, ân Đức cha mẹ có mười điều sau đây:

“MỘT là thai mang giữ gìn. Vì nghiệp lực nên chúng sinh thác thai mẹ. Mẹ lâu ngày khổ sở, chín tháng cưu mang, nặng nhọc như đội đá, đi đứng ngại gió mưa, quần áo không sửa soạn, trang điểm còn kể chi.

HAI là sinh sản khổ sở. Đến tháng thứ mười, gần ngày sản nạn, thì đêm đêm như bịnh nặng, ngày ngày tợ hoàng hôn. Khiếp hãi lo nghĩ, lệ sầu tuôn rơi, chỉ sợ tử thần không dung tánh mạng.

BA là sinh rồi quên lo. Trong khi sinh đẻ, gan ruột từ mẫu tuồng như xé rách, đau đớn mê man, máu huyết dầm dề. Nhưng nghe con an toàn thì vui mừng quên hết. Song vui đó lại buồn đó, lo nghĩ xiết ruột gan.

BỐN là nuốt đắng nhổ ngọt. Tình thương cha mẹ thật sâu nặng, thương mến có bao giờ lạt phai. Nhổ ngọt không tiếc nuối, nuốt đắng nào phiền hà. Thương mến càng sâu đậm, bi sầu càng tăng thêm. Miễn sao con no ấm, đói khát mẹ nào từ.

NĂM là nhường khô nằm ướt. Mẹ nằm chỗ ướt át, nâng con chỗ ấm khô. Đôi vú no đói khát, hai tay che gió sương. Yêu thương quên ngủ nghỉ, sủng ái hết giá lạnh. Chỉ mong con yên ổn, mẹ hiền không cầu an.

SÁU là bú mớm nuôi nấng. Mẹ hiền ơn hơn đất, cha nghiêm đức quá trời. Che chở ơn cao dày, cha mẹ nào tính toán. Không hiềm không mắt mũi, không ghét què chân tay. Con sinh ra từ bụng mẹ, còn đổi dạ thương ai.

BẢY là tắm rửa săn sóc. Không nghĩ thân phận mình, chỉ lo con bệnh tật, cho nên hết lòng tắm rửa săn sóc. Aquần lo cho con, rách rưới mẹ cam chịu. Thân con được ấm áp là lòng mẹ ấm áp.

TÁM là xa cách thương nhớ. Chết mà từ biệt, đã đành khó nhẫn ; sống mà biệt ly, lại càng thương nhớ. Con đi đường xa cách, lòng mẹ bóng theo hình. Ngày đêm không thư dạ, sớm tối nào tạm quên. Khóc như khóc vượn nhớ con, thương nhớ nát can trường.

CHÍN là vì con làm ác. Lao khổ đủ muôn bề, bữa ăn rất khó kiếm. Vì muốn con no ấm, việc ác mẹ khó từ. Nuôi khôn lớn, lo gầy dựng. Lo cơm áo, sợ cơ hàn. Kho nấu bao sinh vật, cũng vì ngon miệng con.

MƯỜI là thương mến trọn đời. A⮠đức của cha mẹ cao sâu hơn trời đất. Hi sinh hết tất cả, vẫn thấy chưa vừa lòng. Mẹ già hơn trăm tuổi còn thương con tám mươi. Tình thương có ngừng chăng, chỉ hơi thở cuối cùng.

Đức Thế Tôn lại dạy : “A nan, Như Lai xét thấy chúng sinh tuy làm thân người, tâm trí vẫn còn tối tăm. Không biết ân đức cha mẹ cao dày. Không biết kính trọng, vong ân bội nghĩa. Không lòng mến thương, bất hiếu bất mục. Từ mẫu mang thai trong mười tháng tròn, đứng ngồi không yên, như gánh gánh nặng, ăn uống không xuống, như bệnh lâu ngày. Khi đủ ngày tháng, sắp sửa sinh con, thì đủ khổ sở, khiếp sợ tử thần, tánh mạng mong manh. Như vật bị hại, huyết chảy tràn đất : mẹ khổ đến thế mới sinh ra ta. Sinh rồi nuớt đắng nhổ ngọt, bồng ẵm nuơi nấng, không kể mệt nhọc, chịu nắng chịu mưa, không từ cay đắng. Chỗ khô con nằm, chỗ ướt mẹ lăn. Suốt trong ba năm, nhờ huyết sữa mẹ mới thành đứa bé. Đến khi khôn lớn, lo việc giáo dục, lo việc hôn nhân, kinh doanh sản nghiệp, tận tụy lao khổ. Khổ nhọc suốt đời, không kể công khó. Con cái tật bệnh, cha mẹ bệnh theo, bịnh con nếu hết, cha mẹ mới lành.

Thế mà trưởng thành lại bất hiếu. Nói với cha mẹ lời tiếng hỗn hào, trợn mắt trừng ngươi. Khinh khi chú bác, đánh đập anh em. Phỉ nhục bà con, không có lễ nghĩa. Thầy dạy không tuân, cha mẹ răn bảo, toàn không y cứ. Đối xử anh em cố tình gây gổ. Đi ở ra vào không cần cha mẹ. ngôn hạnh thô bỉ, tự chuyên manh động. Cha mẹ quở trách, chú bác răn đè, thì sing sân hận, chống trả phản nghịch. Mặc dầu chính ta do cha mẹ sinh ra, do cha nuôi lớn. Ruồng bỏ bạn tốt, tríu mến kẻ xấu. Huân tập thành tánh, bèn thành cuồng bạo. Thoát ly gia đình, giang hồ mông lung. Hoặc chinh chiến xâm lược, hoặc biếm truất tù đày, hoặc khốn khổ đói khát, hoặc tai nạn hiểm nguy. Vì vậy thân chết, thây phơi gió sương, xương trắng bộc lộ. Để cho cha mẹ nhớ thương sầu khổ, khóc đến loè mắt, bi ai thành bệnh. Có khi buồn khổ, đến nỗi tử vong.

Hoặc thấy con cái mê tín dị đoan, không lo học tập, xao lãng nghề nghiệp, làm cho cha mẹ lại càng u buồn. Thế nhưng con cái lại còn cờ bạc, hoang đãng phóng túng. Tội lây cha mẹ, họa đến bà con. Trong khi cha mẹ đau đớn không hay, đói lạnh không biết. Thấy cha như thấy nợ, thấy mẹ như thấy khách, không hỏi han, chẳng đoái hoài. Cha mẹ buồn tủi, cô đơn lạnh lùng, ngủ phải ngủ nhờ, ăn phải ăn xin, ngày đêm than thở, bi thảm muôn vàn, con cái vẫn không hay không biết. Cho dẫu hay biết lại thấy xấu hổ. Xấu hổ hơn nữa, khi thấy cha mẹ, vì tuổi tác cao vì buồn khổ nhiều, mà phải thân hình gầy ốm xấu xí, thì sinh ra bực tức mắng nhiếc liên tục. Cha mẹ cao cả, đáng dâng xương thịt, nhưng cho một bữa lại thấy hổ ngươi, sợ người chê cười. Còn với vợ con, cù đày phục dịch, trút hết mồ hôi, đổ hết gia sản mà vẫn cam tâm. Thê thiếp sai bảo, nhất thiết thi hành, cha mẹ khuyên răn không thèm đếm xỉa. Nếu là con gái thì khi chưa chồng, có thể hiếu thuận, nhưng khi lấy chồng rồi, lại sinh bất hiếu. Cha mẹ hơi sân lại sinh oán giận, còn chồng đánh mắng lại cam chịu đựng. Khác họ khác dòng mà tình nặng nghĩa sâu, xương mình thịt mình lại coi như nước lã. Mê theo chồng con quên ngày quên tháng, bỏ quên cha mẹ không tin không hỏi.

A⮠đức cha mẹ vô lượng vô biên, tội lỗi bất hiếu vô cùng vô tận. Nói không bao giờ hết, tả không bao giờ cùng.

Toàn thể đại chúng nghe Đức Thế Tôn kể ra ân đức vô lượng như vậy, thì toàn thân rúng động, hơi thở ngừng lại, mồ hôi toát ra, lặng đi một lát, mới cao tiếng mà than, rằng chúng ta kẻ khốn nạn đáng trách. Hồi nào đến giờ mù mờ như kẻ đi đêm, ngày nay mới biết việc mình làm sai lầm tội lỗi. Lòng dạ đau thương, tâm can thống liệt, cùng nhau mà thưa “Bạch Đức Thế Tôn, ân Đức cha mẹ cao sâu như vậy, đệ tử chúng con làm sao báo đáp ?”

Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng tiếng Phạn âm như tiếng hải triều, nói với đại chúng :

“Giả như có người vai trái cõng cha, vai phải mang mẹ, cắt da đến xương, nghiền xương thấu tủy, máu đổ thịt rơi vẫn không thể báo đáp ân sâu của cha mẹ. Giả như có ai, gặp lúc đói khát, hủy thân thể, cung phụng cha mẹ, cũng không báo được ân đức cha mẹ. Trăm kiếp ngàn đời thích tròng con mắt, cắt đến tim gan, dao sắt xuất nhập khắp cả châu thân, cũng không trả nổi ân đức cha mẹ. Và dẫu cuối cùng, vì cha vì mẹ, lấy thân làm đèn, hiến cúng Như Lai, cũng không báo được hồng ân cha mẹ”

Đại chúng nghe nói lòng càng đau đớn, đồng thanh mà thưa :”Bạch Đức Thế Tôn, như vậy làm sao mới báo được ân đức cha mẹ ?”

Đức Thế Tôn dạy : “Chư vị Phật tử ! Các người muốn báo ân cha nghĩa mẹ thì phải thân hành sao chép trì tụng, thực hành kinh này. Phải biết sám hối tội lỗi cha mẹ, bằng cách khuyến khích cha mẹ thực hành chánh pháp tối thượng. Phải vì cha mẹ mà giữ tịnh giới, mà làm bố thí, làm hạnh lợi tha. Làm được như vậy mới là hiếu tử. Không là hiếu tử là người địa ngục.

A⮠đức cha mẹ cao cả ngần nào, tội báo bất hiếu nặng nề ngần ấy. Cho nên những kẻ bất hiếu phản bội, tội khổ vô cùng, không chi sánh bằng, không thể nói hết”

Những ai quảng bá, thực hành kinh này, mới là chân chính báo đáp thâm ân của cha của mẹ. Vì muốn báo đáp thâm ân của cha mẹ mà ấn hành kinh này, thì cứ mỗi cuốn là như gặp được một Đức Như Lai. Và do uy lực của chư Như Lai, hợp với phước đức của người trì tụng, thực hành kinh này, làm cho cha mẹ người ấy phước lạc vô biên, cho đến dần dần thực hiện giải thoát.

Bấy giờ đại chúng nghe Đức Thế Tôn dạy bảo như vậy, đều phát thệ nguyện, nguyện rằng : “Từ nay cho đến tận cùng thờì gian vị lai, dù cho sắt nóng lăn quay trên đầu, chúng con cũng nguyện không trái huấn dụ của Đức Thế Tôn”

Tôn giả A nan thưa ngài : “Bạch Đức Thế Tôn, kinh này nên gọi là gì ? Chúng con làm sao phụng trì kinh này ?” Đức Thế Tôn dạy : “Anan, kinh này tên là kinh Báo A⮠Cha Mẹ. Các người cứ phụng trì đúng như danh hiệu ấy.”

Khi Đức Thế Tôn dạy xong kinh này, tất cả đại chúng hoan hỉ phụng hành.

Les commentaires sont fermés.