Tôn giả ĐẠI CA DIẾP

Tôn giả ĐẠI CA DIẾP
(Mahakasyapa – Mahakassapa)
(Vị trưởng lão tu khổ hạnh mẫu mực nhất)

1.- VĨ NHÂN RA ĐỜI NƠI GỐC CÂY:

Giả như có người ra đời từ hơn 2500 về trước mà vẫn giữ nhục thân còn sống mãi cho tới ngày nay, thì người ấy phải là tôn giả Đại Ca Diếp, vị đệ tử thượng thủ của Phật, đã từng nổi tiếng là người tu hạnh đầu đà đứng hàng đầu trong tăng đoàn thuở đó.

Trước đây không lâu, một vị bác sĩ người Pháp, ông Bá Cách Sâm, đã có lần du hành đến núi Chân Gà (Kukkutapadagiri, tức Kê Túc Sơn, một quả núi trông giống như hình chân gà, nằm cách Già Da – Gaya, hơn 25 cây số về hướng Đông Bắc, tức phía Tây Nam của thành Vương Xá; nhưng cũng có sách cho rằng, núi này là một ngọn của núi Linh Thứu, ở phía Đông Bắc thành Vương Xá. – Chú thích của người dịch) ở Ấn Độ. Tại đó ông dã được may mắn tham kiến tôn giả Đại Ca Diếp và sau đó đã xin qui y với tôn giả.Cuộc đời của vị thánh mang tính chất truyền kì này, nếu được đem giới thiệu lên thì quả là một câu chuyện thật đẹp đẽ. Vậy chúng tôi xin thuật từ đầu khi tôn giả vừa được sinh ra đời.

Hơn 2500 năm về trước, ở ngoại ô kinh thành Vương Xá (Rajagrha – Rajagaha) của vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha), thuộc miền Trung Ấn Độ, có một ngôi làng tên là Ma Ha Sa La Đà (Mahatittha). Trong làng này có một vị trưởng giả thuộc chủng tộc Bà la môn tên là Ni Câu Lô Đà Yết Ba, giàu sang tột bậc. Tương truyền rằng, tài sản của ông còn nhiều hơn của vị quốc vương nước Ma Kiệt Đà đương thời là vua Tần Bà Sa La (Bimbisara). Tôn giả Đại Ca Diếp đã được sinh ra trong gia đình cự phú đó!

Sự ra đời của tôn giả cũng kèm theo những sự việc lạ lùng, có thể nói, gần giống như sự giáng trần của Phật. Thân mẫu của tôn giả, trong ngày lâm bồn, lúc đang đi dạo trong sân nhà thì bỗng cảm thấy người bần thần mỏi mệt, liền ngồi xuống nơi gốc cây Tất bát la để nghỉ ngơi. Đột nhiên, áo trời không biết từ đâu bay đến, là đà đáp xuống cành cây, tức thì bà nghe tiếng khóc chào đời của em bé … Bởi vậy, ngay lúc đó bé đã được đặt cho tên tục là Tất Bát La Da Na (Pippalayana), có nghĩa là hạ sinh nơi gốc cây.

Càng lớn lên, cậu bé Đại Ca Diếp càng trắng trẻo, mập mạp, và có gần đủ 32 tướng tốt của Phật, vì là người con duy nhất trong một gia đình giàu sang địch quốc, nên sự yêu quí cưng chiều của cha mẹ đối với cậu như thế nào, thiết tưởng không cần phải diễn tả. Có đến bốn bà vú để chăm sóc cho cậu, ngoài ra, số người suốt ngày ở bên cạnh để hầu hạ và chơi đùa với cậu thì rất nhiều.

Khi được tám tuổi, theo luật lệ Bà la môn, cậu bé Đại Ca Diếp được cha mẹ mời danh sư về nhà dạy học. Các môn học tuần tự gồm có từ cách thức tế tự, đọc, viết, vẽ, toán, văn chương, ngũ minh, bốn kinh Vệ Đà, cho đến âm nhạc, ca múa, sự vận hành của tinh tú, âm dương tốt xấu, sấm sét, động đất v.v… vì vốn có trí thông minh thiên bẩm, cho nên không có môn học nào là cậu không thấu suốt triệt để.

Có điều rấ kì lạ, từ nhỏ cho đến khi khôn lớn, Đại Ca Diếp đã tỏ ra không giống với bao nhiêu trẻ em hay thiếu niên khác: cậu rất nhàm chán những hoan lạc của thế gian, khinh bỉ tình dục, ghét những gì bất tịnh, thường thường chỉ muốn ở một mình, ngay cả dù có ở xa cha mẹ, cậu cũng hề nhớ nhung đến.

2.- VỢ CHỒNG KHÔNG CHUNG GIƯỜNG:

Ngày tháng qua mau, Đại Ca Diếp giờ đã trưởng thành, trở nên một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Cha mẹ vui vẻ vô cùng, bèn bảo cho chàng biết là ông bà sẽ cưới cho chàng một cô vợ thật xinh đẹp, đoan trang, thùy mị. Ngờ đâu khi vừa nghe thế thì chàng đã hốt hoảng, vội vàng từ chối:

– Thưa cha mẹ! Trăm ngàn làn cũng không thể được! Hi vọng duy nhất của con là được cha mẹ cho phép con đi tu mà thôi. Nếu có vợ con thì sự tu hành của con sẽ bị trở ngại.

Đương nhiên là ông bà nhất quyết không chiều ý chàng trong trường hợp này. Chàng đã suy nghĩ nhiều, và cuối cùng thì tìm ra được một cách để từ chối việc lập gia đình. Chàng lập tức nhờ một nhà điêu khắc nổi tiếng, dùng vàng để đúc nên một bức tượng mĩ nữ tuyệt đẹp, rồi đem bức tượng ấy thưa với song thân:

– Thưa cha mẹ! Nếu cha mẹ nhất định muốn con phải cưới vợ thì xin cha mẹ hãy tìm cho được cô gái nào giống hệt như bức tượng mĩ nữ này thì con mới chịu; còn không thì con nhất định suốt đời không lấy vợ.

Nghe lời yêu cầu của chàng, ông bà rất lấy làm khó xử. Lúc đó có một thầy Bà la môn rất thân cận, thường ngày vẫn hay tới lui nhà ông bà, đã hứa giúp cho ông bà thế nào cnũg sẽ tìm ra cô gái xinh đẹp giống hệt như bức tượng mũ nhân bằng vàng kia. Ông ta bèn biến bức tượng ấy thành một một tượng nữ thần, để lên kiệu, có lọng che tôn nghiêm, rồi cho người khiêng đi từ làng này sang làng khác, hết thành phố nọ đến thành phố kia, có chỗ nào có đông người tụ tập đến xem thì ông bảo: “Các cô thiếu nữ có ước muốn điều gì thì hãy đến cúng dường cầu khẩn vị nữ thần này, nhất định các cô sẽ được toại nguyện”. Khởi đầu từ kinh thành Vương Xá, ông đem tượng nữ thần tuần du. vượt qua sông Hằng tiến về phương Bắc, dần đến kinh thành Tì Xá Li.

Ở ngoại ô thành Tì Xá Li có một ngôi làng tên Ca La Tì Ca. Trong làng có một vị trưởng giả Bà la môn thuộc hạng đại phú hào, tên là Ca Tì La (Kapila). Ông có một cô con gái tên Diệu Hiền (Bhadda), thật là sắc nước hương trời, một mĩ nữ thời danh, khắp vùng không ai là không biết tiếng.

Hôm ấy đúng vào tiết “đốt lửa”, là dịp cho các thanh niên nam nữ vui đùa thỏa thích. Diệu Hiền nhân dịp này, đã rủ bạn bè cùng đi chiêm bái tượng nữ thần. Khi vừa đứng trước bức tượng vàng, sắc đẹp “hoa nhường nguyệt thẹn” của Diệu Hiền đã làm cho bức tượng bỗng dưng biến sắc. Thầy Bà la môn thấy thế thì mừng lắm, lập tức đến thăm gia đình nàng, và đem câu chuyện “kén vợ” của Đại Ca Diếp thuật rõ đầu đuôi với phụ thân nàng. Trưởng giả Ca Tì La biết được gia đình Đại Ca Diếp vừa có danh vọng, vừa giàu sang cực phẩm thì thỏa mãn lắm, liền nhận lời làm thông gia.

Sau lễ đính hôn, họ chọn ngày lành tháng tốt để đưa cô dâu về nhà chồng.

Ngày đưa dâu đã đến, Diệu Hiền mặc áo gấm, đeo ngọc anh lạc. Dáng vẻ xinh đẹp, kièu diễm của nàng, sợ rằng đến ngay cả các vị thiên nữ cũng không sánh bằng!

Nhưng thật là kì quái! Cô dâu tuy có sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” như thế, nhưng lại rèm mi ủ dột, như có nỗi buồn gì đang trĩu nặng trong lòng …

Tiếng trống, tiếng nhạc trổi lên; lời ca nhịp nhàng với điệu múa; hôn lễ bắt đầu được cử hành …

Sau khi lạy trời đất, Đại Ca Diếp và Diệu Hiền được đưa vào làm lễ động phòng. Cả hai vợ chồng, trong đêm tân hôn, không ai có một nụ cười. Không ai nhìn mặt ai, mỗi người đều mang tâm sự riêng, mắt buồn xa vắng; rồi mỗi người một góc, trầm mặc tĩnh tọa … Đêm động phòng hoa chúc cứ như vậy trôi qua; canh một, canh hai, canh, canh tư, rồi canh năm, hừng đông ló dạng, cặp vợ chồng mới cưới ấy vẫn tuyệt nhiên im lặng, không ai nói một lời nào! Đến khi mặt trời hoàn toàn sáng rỡ, bấy giờ chú rể mới cất lời nhỏ nhẹ hỏi cô dâu?

– Cô nương có tâm sự gì buồn chăng?

Diệu Hiền khẽ chớp vành mi, nhưng vẫn im lặng không trả lời.

– Có việc gì xin cô nương cứ nói. Dù gì đi nữa thì chúng ta cũng vẫn có thể chia sẻ cùng nhau được mà!

Diệu Hiền liền chảy nước mắt, nhưng vẫn im lặng. Đại Ca Diếp liền to tiếng hơn, làm như là bực bội lắm:

– Có việc gì đau lòng lắm thế, hãy nói cho tôi biết có được không?

Đại Ca Diếp hỏi đến ba lần, vạn bất đắc dĩ, bấy giờ Diệu Hiền mới trả lời, nhưng với một giọng đầy ai oán:

– Ông đã phá hoại chí nguyện của tôi! Tôi vốn nhàm chán ngũ dục, chỉ mong được ở yên để tịnh tu phạm hạnh; nhưng vì cha tôi bị mê hoặc bởi cái bả giàu sang của gia đình ông mà đã đem tôi gả bán cho ông, làm tiêu tan cái chí nguyện tu hành của tôi!

Đại Ca Diếp nghe mấy lời thì như mở cờ trong bụng, mừng rỡ vô cùng, vội vàng bảo cho Diệu Hiền biết, mình cũng có cùng một chí nguyện như vậy, cũng chán ghét ái dục ở đời, và chỉ mong được thanh tịnh tu hành.

Ôi, vưi mừng kể sao cho xiết! Đây quả là một sự sắp đặt khéo tuyệt của hóa công! Vậy là cả hai người đề có thể thực hiện chí nguyện của mình một cách tự tại. Họ bèn đồng ý nhau, kê hai cái giường riêng biệt, tuy trên danh nghĩa vẫn là vợ chồng, nhưng không bao giờ nằm chung một giường.

3.- MƯỜI HAI NĂM KIÊN TRÌ CHÍ NGUYỆN:

Đã là vợ chồng, nhưng hai người không bao giờ nằm chung giường; điều đó rồi cũng đến tai song thân chàng. Cho nên, một hôm nọ, ông bà trưởng giả bất thần vào phòng ngủ của vợ chồng chàng xem xét. Quả nhiên, ông bà trông thấy hai người nằm ở hai giưòng riêng biệt. Ông trưởng giả giận lắm, bảo:

– Hai đứa mày đã kết hôn, đã thành vợ chồng với nhau mà lại kê hai chiếc giường nằm riêng biệt thì đâu có phải là điều tốt! Tao phải gọi người chẻ bỏ đi một cái mới được!

Đại Ca Diếp không dám phản đối cha mẹ, nhưng lại kiên quyết giữ tròn chí nguyện của hai người. Chàng đề nghị với vợ:

– Dù gì đi nữa thì chúng mình cũng không được nản chí. Bây giờ chỉ còn một cái giường thì chúng mình thay phiên nhau dùng. Đầu hôm đến nửa đêm thì em ngủ, còn anh thì kinh hành hoặc tĩnh tọa; đến cuối đêm thì anh ngủ, trong khi thì em kinh hành hoặc tĩnh tọa.

Diệu Hiền tán đồng lời đề nghị của chồng, và nói thêm:

– Sao chúng mình không sớm tìm đường đi xuất giá! Ngũ dục ở thế gian thật là đáng sợ, chỗ nào cũng có chúng nó mai phhục, lỡ ra chúng mình bị mê hoặc rồi đọa lạc làm sao!

Đại Ca Diếp an ủi vợ:

– Anh cũng đã có ý nghĩ như vậy, ngặt vì song thân vẫn còn tại đường mà anh lại là con một, đâu có thể bỏ mặc ông bà được! Em hãy kiên nhẫn đi, lí tưởng và chí nguyện của chúng mình thế nào cũng có ngày thực hiện được.

Ngày tháng trôi qua, hai vợ chồng chàng sống an ổn như vậy, tuy ở chốn hồng trần mà tâm luôn luôn thanh tịnh, an vui trong đạo vị. Một đêm kia, như thường lệ, trong lúc Diệu Hiền ngủ trên giường thì Đại Ca Diếp đi kinh hành trong phòng. Bỗng chàng trông thấy một con rắn đen, loại cực độc, đang nằm dưới giường, trong khi đó, trong cơn ngủ thật say, cánh tay phải của Diệu Hiền để thòng xuống khỏi giường, và chỉ cách con rắn trong gang tấc. Trong thời khắc mười phần nguy cấp đó, chàng lập tức lấy áo bao bọc tay mình lại, rồi nhè nhẹ cầm cánh tay của nàng đặt lên giường. Dù chàng cử động thật nhẹ, nhưng cũng đã làm cho nàng giật mình thức giấc. Thấy chàng trong trường hợp ấy, nàng hết sức kinh ngạc, liền ngồi bật dậy, giọng đầy trách móc hỏi:

– Anh đã làm gì vậy? Chuyện gì đã xảy ra?

Đại Ca Diếp liền chỉ con rắn cho nàng thấy và nhỏ nhẹ giải thích cho nàng biết về việc làm của mình vừa rồi. Nghe thế nàng mới yên lòng và tỏ ra vô cùng cảm kích đối với chàng.

Cuộc sống thanh tịnh của hai vợ chồng cứ như vậy trôi qua, tính ra đã được mười hai năm.

4.- XUẤT GIA TU HÀNH:

Có hợp thì có tan, có sinh thì có tử, đó là đạo lí nhất định của thế gian. Năm ấy, hai đấng sinh thành yêu quí của Đại Ca Diếp đều lần lượt qua đời! Sau đó không lâu, một hôm, Diệu Hiền bảo mấy người nô bộc ép dầu mè. Nguyên trong mè có rất nhiều mọt, và trong khi ép dầu, bỗng Diệu Hiền nghe thoáng mấy người nô bộc nói với nhau: “Ép thế này làm chết biết bao nhiêu là sinh vật, không biết rồi đây sẽ phải chịu quả báo đến thế nào! Nhưng không sao, đây đâu phải là tội của bọn mình, mà chỉ là làm theo mệnh lệnh của chủ thôi”. Vừa nghe họ nói thế thì nàng liền thấy tâm thần rúng động, kinh hoàng, vội bảo họ ngưng việc ép dầu, rồi lập tức chạy nhanh vào phòng ngủ, đóng cửa lại, yên lặng ngồi quán niệm …

Cũng cùng trong ngày ấy, Đại Ca Diếp từ sáng sớm đã ra ruộng coi nông phu cày bừa. Trong lúc quan sát, chàng đã thấy được nỗi khổ sở của những con trâu cày, sự vất vả mệt nhọc của những bác nông phu; rồi còn vô số côn trùng ở trong đất, nào lưỡi cày đi qua, nào chân người dẫm đạp, đã làm cho chúng lớp thì chết, lớp bị thương, cảnh tượng vô cùng thê thảm! Nhìn cảnh tượng ấy chàng lại càng chán nản đối với cuộc sống của thế gian, chàng nghĩ, chỉ vì cuộc sống của chính bản thân mà người đời khó tránh được gây đau khổ cho người khác cũng như cho mọi loài sinh vật. Bất luận là hạng người nào, dù muốn ăn món gì thì cũng không ăn hơn một đấu; dù muốn ngủ thế nào thì giường nệm cũng không dài quá hai tầm tay. Vậy mà người ta đã tiêu phí quá xả xỉ, thừa thãi đối với các nhu yếu hàng ngày; và chính vì những thứ xài phí xa xỉ vô ích ấy mà họ đã làm khổ biết bao nhiêu người cũng như tàn hại biết bao sinh vật. Hoàn toàn bất công! Hoàn toàn phi lí! Suy nghĩ như vậy, chàng bèn bỏ về nhà. Khi vào phòng riêng, chàng thấy vợ cũng đang mặt mày ủ dột. Hai vợ chồng lại đem tâm sự của mình nói cho nhau nghe, và lại cùng than thở về những bất hạnh, những đau khổ của thế gian. Đại Ca Diếp bèn bảo vợ:

– Bây giờ thì anh quyết định vất bỏ cái nhà này để đi tu. Ở đây chẳng khác gì đang ở trong lao ngục, bị đủ thứ trói buộc, đủ thứ phiền muộn! Ngày nào chúng ta còn bám vào cái gia sản này thì ngày ấy chúng ta còn tạo nghiệp xấu. Chi bằng hãy vất bỏ nó đi để tìm cầu cái chân thật của đời người. Chúng ta vào chốn rừng núi để tu hành thì không còn sợ bị thứ gì làm chướng ngại, cũng giống như đi lại giữa hư không. Vậy để anh ra đi trước, em tạm ở nhà chờ đợi. Khi nào tìm được minh sư, anh sẽ trở về đưa em cùng đi xuất gia. Trong khi chờ đợi, em hãy đem hết tài sản của mình mà ban phát cho người nô bộc trong nhà cùng giúp đỡ những người nghèo khó. Em đợi nhé! Nhất định anh sẽ sớm đem tin lành về báo cho em.

Diệu Hiền nghe thế thì càng kính phục chồng, đồng thời cũng rất cảm động về sự quan tâm của chồng đối với chí nguyện của mình. Chí nguyện xuất gia của hai vợ chồng vốn đã có từ lâu, nhưng vì phải phụng dưỡng cha mẹ mà đã phải đợi chờ một thời gian dài đến mười mấy năm. Bây giờ thì chí nguyện đó đã thực sự được bắt đầu thực hiện, lòng họ vui vẻ lạ thường …

5.- TRỞ THÀNH ĐỆ TỬ PHẬT:

Năm ấy, Đại Ca Diếp đã trên ba mươi tuổi. Theo truyền thuyết, ngày ông lìa nhà ra đi tìm thầy học đạo cũng chính là ngày đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo nơi gốc cây bồ đề.

Ông đã đi đông, đi tây, đi nam, đi bắc để học đạo nhưng không mãn nguyện với một vị thầy nào cả. Hai năm sau, khi ông đang chu du ở nước Ương Già (Anga), thì có người đến mách với ông rằng, Phật Thích Ca Mâu Ni chính là đấng đại giác hiện thời; Ngài cùng với giáo đoàn của Ngài gồm các vị đệ tử tài đức như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (Uruvila Kasyapa – Uruvela Kassapa) v.v… cả ngàn người, đang mở đạo tràng tại tu viện Trúc Lâm (Venuvana). Ông nghe thế thì vui mừng không kể xiết, lập tức trở về Vương Xá và tìm tới tu viện Trúc Lâm.

Tu viện Trúc Lâm nằm ở ngoại ô về hướng Bắc của kinh thành Vương Xá, là cơ sở đạo tràng đầu tiên được tổ chức chu đáo, có qui củ, dùng làm nơi cư trú và hành đạo cho Phật và giáo đoàn của Ngài. Khi đến thành Vương Xá, Đại Ca Diếp đã không trực tiếp tiếp kiến Phật, mà chỉ hàng ngày đi theo các thiện nam tín nữ ở trong thành đến tu viện để nghe Phật thuyết pháp. Sở dĩ như thế là vì ông còn thử xem, nếu như đó không phải là một bậc đạo sư thực sự thì ông nhất định không theo.

Sau nhiều lần đi nghe thuyết pháo như vậy, trí tuệ cùng oai đức của Phật đã dần dần đánh thức tâm trí ông. Thế rồi một hôm kia, như thường lệ, sau khi nghe pháp xong, ông trở về nơi trú ở trong thành. Khi còn cách cổng thành không xa lắm nơi đó có nhiều ngôi tháp, chen giữa những ngôi tháp ấy là một cây đại thọ, tàng lá chi chít; và lạ lùng làm sao, ông trông thấy Phật đang tĩnh tọa nơi gốc đại thọ ấy. Rõ ràng là khi ông rời tu viện thì Ngài vẫn đang ngồi trên tòa pháp vương kia mà, sao bây giờ Ngài lại ở đây? Ông cố nhìn đi nhìn lại thật kĩ, quả đúng là Phật! Tự dưng, ông cảm thấy sợ sệt trước cái dáng vẻ thật trầm lặng và thật oai nghiêm của Phật; và như bị một sức mạnh nào đó cuốn hút, ông bỗng cúi đầu sụp lạy, rồi thành khẩn cầu xin:

– Kính lạy đức Thế Tôn, bậc đạo sư của con! Xin hãy cho con quay về nương tựa nơi Ngài. Từ nay Đại Ca Diếp này đã là đệ tử của Ngài.

Biết chắc Đại Ca Diếp đã phát khởi lòng tin vững chắc và trọn vẹn, Phật khai thị:

– Này Đại Ca Diếp! Ông đã đích thực là đệ tử của Như Lai; và Như Lai cũng đích thực là vị đạo sư của ông. Nếu trên thế gian này không có vị giác ngộ vẹn toàn thì không ai có thể làm thầy của ông được. Ông hãy đi theo Như Lai!

Phật từ từ đứng dậy và khoan thai đi về hướng tu viện. Đại Ca Diếp đi theo sau, lòng tràn ngập niềm vui, vừa cung kính vừa cảm động, bất giác chảy nước mắt …

Đang đi, bỗng Phật quay ra sau nhìn Đại Ca Diếp, rồi Ngài nói:

– Như Lai nghe nói về ông đã lâu. Như Lai biết rằng, rồi đây thế nào ông cũng đến đây xin theo Như Lai tu học, và hôm nay chính là ngày ông được mãn nguyện. Sự lưu truyền Phật pháp trong tương lai sẽ cần tới ông rất nhiều. Vì chúng sinh và cũng vì chính ông, ông hãy cố gắng!

Về đến Trúc Lâm, Phật thế độ cho Đại Ca Diếp, rồi giảng nói các giáo pháp Bốn Sự Thật, Mười Hai Nhân Duyên v.v… Tướng tốt và oai đức của Phật, âm thanh hiền hòa và thân thiết của Phật, có thể nói, cái bầu khí chứng ngộ lúc đó đã hoàn toàn bao quanh Đại Ca Diếp, khiến cho ông như ruộng hạn gặp mưa; cho nên chỉ tám ngày sau, ông hoàn toàn khai ngộ.

6.- HOÀN THÀNH LỜI ƯỚC HẸN VỚI NGƯỜI XƯA:

Sau khi Đại Ca Diếp xuất gia được một năm, – tức là năm thứ ba sau ngày Phật thành đạo – Phật đã trở về quê hương là kinh thành Ca Tì La để thăm phụ vương cùng hoàng tộc. Một số đông tăng chúng đã tháp tùng Phật trong chuyến đi này, trong đó có tôn giả Đại Ca Diếp. Nhân dịp này, nhiều vị vương tử, vưong tôn trong hoàng tộc đã xin được xuất gia theo Phật. Về sau, bà dì mẫu của Phật là thái hậu Kiều Đàm Di, (Gautami – Gotami – tức Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Mahaprajapati – Mahapajapati) cũng được Phật cho phép xuất gia và lập nên chúng Tì kheo ni. Về phần Đại Ca Diếp, tôn giả vẫn luôn nhớ đến lời hẹn ước với Diệu Hiền ngày xưa, nhưng vì từ trước chưa có lệ cho phái nữ xuất gia, nên tôn giả không biết làm cách nào. Nay nhân chúng Ti kheo ni đã được phép thành lập, tôn giả liền quyết định hoàn thành lời hẹn ước ấy.

Từ ngày tôn giả rời nhà ra đi, đến nay cũng đã năm năm rồi. Trong thời gian năm năm ấy, chẳng biết tình hình của Diệu Hiền ở nhà ra sao. Tôn giả bèn nhập định để quan sát, thì mới hay Diệu Hiền bây giờ đang là đệ tử của ngoại đạo, ở bên bờ sông Hằng.

Nguyên lai, từ ngày Đại Ca Diếp bỏ nhà chu du tìm thầy học đạo, Diệu Hiền vẫn ở nhà một mình để trông ngóng tin tức của chồng. Ngày tháng cứ trôi qua như dòng nước chảy, một tháng, rồi hai tháng, một năm rồi hai năm … vẫn không có tin tức gì của chồng cả. Sốt ruột quá, không thể chờ đợi được nữa, nàng bèn quyết định tự mình đi xuất gia. Sau khi đã quyết chí như vậy, nàng đem tất cả tài sản cất chứa trong kho phân phát cho mọi người, từ những người trong thân tộc, những gia nhân, cho đến những người nghèo khó trong làng xóm, rồi một mình tìm đến bờ sông Hằng, lễ bái một vị đạo sĩ thuộc phái Lõa Hình xin làm đệ tử.

Sau khi làm đệ tử phái Lõa Hình, do vì sắc đẹp phi phàm của nàng mà lắm phen nàng phải bị lăng nhục, và rất trông mong được chồng đến tiếp cứu. Đó cũng chính là lúc tôn giả Đại Ca Diếp nhập định quan sát, biết rõ được tình cảnh của nàng và rất nôn nóng đem Phật pháp đến giáo hóa để đưa nàng về với chánh đạo. Tôn giả bèn đem sự tình nói rõ cho một vị tì kheo ni và nhờ vị này đi cứu Diệu Hiền. Ni sư rất hoan hỉ nhận lời ra đi, và chẳng bao lâu, ni sư đã đưa Diệu Hiền cùng về ni viện. Tại đây, Diệu Hiền được phép xuất gia và nhập chúng tì kheo ni.

Nhưng rồi ở nơi đây, cũng chính vì cái nhan sắc quá ư diễm lệ của mình, mà dù nay đã là một vị tì kheo ni tu học nghiêm túc, ni sư Diệu Hiền vẫn trở thành đề tài cho người ta dựng chuyện phao vu này nọ. Bị bêu rêu như vậy, ni sư rất lấy làm hổ thẹn, thường buồn phiền than thở về nỗi bất hạnh của mình đã phải sinh làm thân đàn bà! Từ đó ni sư không đi khất thực nữa, sống xa đại chúng, và không bao giờ xuất hiện ở chỗ đông người.

Tình huống đó lại làm cho tôn giả Đại Ca Diếp rất xót xa. Tôn giản bèn xin Phật cho phép, mỗi ngày được chia cho ni sư nửa phần cơm do mình khất thực được. Sự việc này rồi cũng đến tai ni sư Du Lan Nan Đà, một người rất nổi tiếng hay nói chuyện thị phi trong chúng tì kheo ni. Không biết vì ganh ghét hay vì gì khác, vị ni sư này đã đồn đại ra rất nhiều điều không tốt, như nói: “Hai người ấy cứ khoe là hồi ở nhà đã từng mười hai năm không hề ngủ chung giường, nhưng hiện thời thì mỗi ngày họ đều chia cơm sẻ áo một cách thân thiết như thế đó, nhất định là phải có tư tình như thế nào rồi!” Đối với tâm hồn khoát đạt của bậc thánh như tôn giả Đại Ca Diếp thì những điều tiếng ấy không có nghĩa gì cả, nhưng vì muốn giúp Diệu Hiền phát tâm thật dũng mãnh để phấn đấu với trở lực, hầu chóng đạt được kết quả trên đường tu học, từ đó tôn giả làm ngơ, không quan tâm đến Diệu Hiền nữa. Quả nhiên, những điều tiếng thị phi kia đã trở thành chất kích thích mạnh mẽ, giúp cho Diệu Hiền khởi lên ý chí mãnh liệt. Ni sư bèn tự hạ quyết tâm tu hành nghiêm mật, thâu đêm không ngủ, phát lồ sám hối, điều phục tâm ým và cuối cùng thì đạt ngộ. Bấy giờ ni sư tự nhủ: “Những sợi dây trói buộc đã bị chặt đứt cả rồi, hạnh thanh tịnh đã hoàn thành, những gì cần làm thì bây giờ ta đã làm xong!” Sau khi đạt ngộ, ni sư đã được Phật khen ngợi: “Trong chúng tì kheo ni, Diệu Hiền là người thông suốt về túc mạng bậc nhất!”.

7.- TÔN GIẢ XÁ LỢI PHẤT THAM VẤN:

Có một lúc hai vị tôn giả Đại Ca Diếp và Xá Lợi Phất cùng tu trong núi Kì Xà Quật (Grdhrakuta – Gijihakuta) ở ngoại ô kinh thành Vương Xá. Bấy giờ có những người ngoại đạo đã tìm đến và đưa ra nhiều câu hỏi hóc búa yêu cầu tôn giả Xá Lợi Phất trả lời. Những câu hỏi quan trọng nhất là: Sau khi chết, Như Lai vẫn còn có sinh tử phải không? – Hay không còn có sinh tử? Hay vừa còn có sinh tử vừa không còn có sinh tử? – Hay vừa không phải còn có sinh tử, vừa không phải không còn có sinh tử?

Những lời giải đáp của tôn giả Xá Lợi Phất cho bốn vấn nạn này đã không làm hài lòng những người ngoại đạo. Họ bèn riễu cợt: “Ông ấy đã không giải đáp thỏa đáng những câu hỏi này của chúng ta thì sao lại dám xưng mình là vị thượng tọa trong tăng đoàn Phật Giáo! Lại còn là vị trí tuệ bậc nhất nữa chứ! Thật không khác một đứa con nít!” Họ cười cợt xong rồi bỏ đi. Đợi cho họ đi khuất rồi, tôn giả Xá Lợi Phất bèn đi đến hang đá gần đó, nơi tôn giả Đại Ca Diếp đang tĩnh tu, để xin tham vấn. Trước tiên, Xá Lợi Phất đem những vấn nạn của ngoại đạo thuật lại cho Đại Ca Diếp nghe, rồi hỏi:

– Sư huynh! Tại sao đức Thế Tôn chưa bao giờ giảng giải cho chúng ta những vấn đề như vậy?

Đại Ca Diếp đáp:

– Đức Thế Tôn đã dứt tuyệt mọi ái chấp, tâm không còn phiền não, vĩnh viễn giải thoát. Sự chứng ngộ của Người thật là sâu xa, rộng lớn, mà những câu vấn nạn kia thì chỉ là biểu hiện của tâm mê muội, tranh chấp, cho nên đâu có thể coi là câu hỏi chính đáng được! Vả lại, đối với những vấn đề như vậy, đâu có thể dùng ngôn từ mà giải thích; bởi vậy, tốt hơn hết là đừng nên bao giờ đặt ra những vấn nạn như thế. Đức Thế Tôn đã không bao giờ giảng giải cho chúng ta những vấn đề này là chính vì vậy.

Tôn giả Xá Lợi Phất nghe xong, rất lấy làm hoan hỉ, bèn từ tạ tôn giả Đại Ca Diếp và trở về chỗ cũ.

8.- BÀ LÃO NGHÈO ĐƯỢC SINH LÊN CÕI TRỜI:

Một lần nọ, khi Phật bố giáo ở thành Xá Vệ thì công việc hoằng pháp ở khu vực thành Vương Xá đã do tôn giả Đại Ca Diếp chủ trì. Mỗi khi đi khất thực, tôn giả chỉ tìm đến những nhà nghèo chứ không bao giờ đến những nhà giàu, vì tôn giả quan niệm rằng, giàu nghèo gì cũng đáng thương cả, nhưng người nghèo thì mỗi ngày đều bị cái nỗi khổ về sinh kế làm cho lo rầu, nên phải đáng thương hơn. Hạng người nghèo khó, vì nghèo mà không bao giờ được an hưởng vui trần thế, tuy có được nghe chánh pháp, nhưng không có điều kiện để bố thí hầu hưởng được hạnh phúc của sự bố thí. Do đó, giống như dòng nước chảy, lòng từ bi của tôn giả luôn luôn tuôn đổ vào lớp người nghèo khổ đáng thương kia.

Trong kinh thành Vương Xá có một bà lão cực kì nghèo khổ, đã không có thân thích mà cũng chẳng có một túp lều để ở. Ban ngày thì lang thang từ phố đông sang chợ tây, đêm đến gặp xó hẻm nào thì nằm ngủ ở đó. Y phục của bà chỉ là một mớ lá tre chằm lại, không đủ để che kín thân thể. Đã thế, một ngày nọ lại bị bịnh trầm trọng, bà phải trốn một nơi chờ chết. Lúc đó, một người nô lệ của một nhà giàu nọ đem nước vo gạo đến đổ bên cạnh chỗ bà nằm. Bà lập tức lấy cái bát bể hứng lấy nước gạo ấy để uống đỡ đói.

Biết được bà lão đang trong tình trạng như vậy, Đại Ca Diếp lập tức tìm đến thăm bà. Từ khi bị bịnh nằm ở đây, chưa hề có ai đến thăm hỏi bà. Nay vừa có nghe tiếng động, bà liền ngồi dậy nhìn, thì ra là một vị tì kheo đi xin ăn, “Có lẽ vị tì kheo này lại còn nghèo hơn mình?” Nghĩ vậy nên bà nói:

– Thưa bà! Trên thế gian này, người đáng tôn quí nhất, người có lòng nhân từ nhất, chính là Phật, và sau đó là những người được gội nhuần ơn giáo hóa của Người. Hôm nay tôi đến đây xin ăn là để cứu giúp cái nghèo khổ sở của bà. Tôi cũng đã nghĩ tới việc đem của cải vật chất đến giúp đỡ bà, nhưng làm như thế thì chỉ giúp bà đỡ khổ trong chốc lát, rồi sự bần cùng lại càng gia tăng, chẳng ích lợi gì, chi bằng, hiện giờ bà có được bất cứ chút ít gì, xin hãy đem bố thí cho tôi, thì nhờ công đức ấy mà bà sẽ hưởng được hạnh phúc giàu sang trong kiếp sau, hoặc còn hơn thế nữa, bà sẽ được sinh lên các cõi trời, hưởng thọ phước báo dài lâu.

Bà lão chăm chú lắng nghe và cảm thấy được trong lời nói của tôn giả có chứa đựng một sự khuyên dạy tràn đầy tình thương, cho nên lòng rất xúc động, nhưng bà tìm mãi bên mình mà đâu thấy có thứ gì để cúng dường! Bà rất tủi thân, vừa khóc vừa nói:

– Kính bạch vị sa môn cao thượng! Lời dạy bảo quí báu của đại đức tôi xin khắc ghi vào tâm khảm, nhưng thưa đại đức, như ngài thấy đó, tôi là một kẻ hạ tiện nghèo khổ, một chút thức ăn cũng không có sẵn bên mình, quần áo cũng không có một manh lành lặn, muốn cúng dường ngài mà đâu biết phải làm sao!

– Thưa bà! Người đã có ý muốn bố thí tức không còn phải là người nghèo; người có tâm biết hổ thẹn thì tức là đã mặc được pháp y. Đó là hai vật báu hiếm có trên đời , mà hiện tại bà đã có được thì chắc chắn bà không phải là kẻ hạ tiện nghèo khổ nữa rồi! Bà biết không? Ở trên thế gian này, những người giàu có, vàng bạc châu báu ê hề, mà không biết gì là bố thí, là hổ thẹn, thì họ mới chính là những kẻ hạ tiện nghèo khổ.

Một lần nữa bà lại cảm thấy niềm pháp hỷ dâng lên tràn đầy. Bà bỗng quên mất sự nghèo khổ dơ dáy hiện tại của mình, lập tức lấy chỗ nước gạo vừa hứng được dâng lên cúng dường tôn giả Đại Ca Diếp. Tôn giả cung kính tiếp nhận và đưa lên miệng uống hết ngay. Cử chỉ chân thành ấy của tôn giả đã làm cho bà vui mừng cùng cực.

Sau đó không bao lâu, lão bà từ trần, được vãng sinh lên cõi trời Đao Lợi, và trở thành một vị thiên nữ diễm lệ. Một hôm, nhân nhớ lại tiền kiếp của mình, để đáp đền ơn đức của tôn giả Đại Ca Diếp, vị thiên nữ ấy đã hạ giáng, tung rải hoa trời khắp người tôn giả để cúng dường.

9.- MỘT TRƯỜNG HỢP KHÔNG HÀI LÒNG:

Một lần nọ, tôn giả vâng mệnh Phật đến xem xét tình hình sinh hoạt của tăng chúng ở thành Khoáng Dã. Buổi sáng hôm âý tôn giả y áo chỉnh tể, tay ôm bình bát, oai nghi nghiêm túc, đi vào thành khất thực. Tôn giả đi ngang qua mấy con đường trong phố thì phát hiện ra rằng, nhà nào vừa trông thấy bóng tôn giả từ đàng xa là vội vàng đóng chặt cửa lại. Tôn giả liền ra khỏi thành và đi vào một làng nhỏ thì sự việc xảy ra cũng giống y hệt như vậy. Tôn giả rất lấy làm lạ. Trước đây Phật pháp ở vùng này rất hưng thịnh, sao bây giờ dân chúng đối với tăng đoàn không còn chút gì kính trọng? Tôn giả cố đi tìm cho một người quen biết ngày trước để hỏi thăm:

– Đức Thế Tôn rời thành Khoáng Dã này cũng chưa lâu lắm, nơi đây cũng vẫn có chúng tăng đang hành hóa, thế tại sao mọi người lại mất đi lòng cung kính đối với Tam Bảo, không cúng dường cho chư tăng đi khất thực?

Vị thí chủ đó trả lời:

– Thưa đại đức! Sau khi đức Thế Tôn rời thành này, trong vài năm nay, chư tăng ở đây phát khởi phong trào xây cất. Họ đua nhau xây dựng nhà cửa, phòng ốc, nói là đã được Thế Tôn cho phép. Nói cho ngay, nếu chư tăng xây cất tịnh xá, giảng đường để làm nơi hoằng pháp và tu tập cho tăng đoàn thì bọn cư sĩ chúng con phải hết lòng ủng hộ, đàng này họ chỉ lo xây cất toàn những nhà cửa nhỏ bé dùng làm nơi nhàn lạc riêng tư; nào gỗ đá, gạch ngói, dây nhợ, chuyên chở các thứ; nay gọi tín chúng hoan hỉ việc này, mai bảo tính chúng hỉ xả việc nọ. Dần dần dân chúng đều cảm thấy hoang mang lo ngại, chẳng biết tình trạng này rồi sẽ kéo dài cho đến bao giờ mới chấm dứt! Họ đâm ra nản lòng, cả trong thành, ngoài thành, hễ trông thấy chư tăng là họ liền đóng cửa cài then để khỏi bị hình dịch. Ôi, càng nói ra chúng con càng cảm thấy có lỗi với đức Thế Tôn!

Thấy được tình hình không ổn, tôn giả liền trở về thành Vương Xá ngay để trình mọi việc lên đức Phật. Nghe xong, Ngài liền cùng với tôn giả trở lại thành Khoáng Dã, nhóm họp chư tăng lại, dạy họ không nên lợi dụng lòng tin của tín đồ. Phật dạy:

– Chánh pháp của Như Lai được lưu truyền là nhờ vào sự thanh tịnh và cao thượng của tăng đoàn. Khi người tu học đạt đến chỗ vô cầu thì phẩm cách của họ tự nhiên dâng cao. Cho nên quí thầy không nên cứ đòi hỏi tín chúng phải cung cấp thức này vật nọ; mà trái lại, quí thầy lúc nào cũng phải nghĩ tới việc phụng sự chúng sinh. Quí thầy đừng bao giờ làm cho tín chúng khởi tâm niệm bất mãnh đối với tăng đoàn. Nhiệm vụ trọng yếu của qưí thầy là hoằng pháp độ sinh chứ không phải là việc tính toán lo liệu về chỗ ở riêng tư. Nếu quí thầy muốn xây cất tịnh xá, giảng đường để làm cơ sở tu học và hoằng pháp cho tăng đoàn thì điều đó nên làm, Như Lai hoan hỉ chấp nhận. Quí thầy nên biết, nếu mỗi thầy đều lo xây cất tăng xá riêng cho mình thì lực lượng của giáo đoàn tức khắc bị phân tán; vì rằng, tăng xá này sẽ đối lập với tăng xá kia, mỗi vị sẽ tự cô lập mình, và đoàn thể sẽ không còn nữa!

Dạy bảo chư tăng xong, Phật trở về Vương Xá và lưu tôn giả ở lại đó để lo chấn chỉnh lại mọi sinh hoạt tu học của tăng chúng địa phương, hầu lấy lại lòng tin của tín đồ. Sau khi mọi việc đã trở lại bình thường, tôn giả liền rời Khoáng Dã để trở về trú xứ tiếp tục tu tập.

10.- TÔN GIẢ AN NAN TẶNG BÌNH BÁT:

Tôn giả Đại Ca Diếp rất được Phật tín nhiệm. Phật lúc nào cũng ái hộ tôn giả, cho cả đối với những sự việc thật nhỏ nhặt.

Trong giáo đoàn của Phật có nhóm tì kheo Mãn Túc (Punarvasu), gồm sáu vị, thường được gọi là “lục quần tì kheo” (sadvargikabhiksu – chabbaggiyabhikkhu). Họ kết bè đảng với nhau để phá rối, làm các điều tệ hại. Sở dĩ Phật đã chế ra nhiều giới luật là cũng vì mấy vị này. Có một lúc tại tu viện Kì Viên, nhóm tì kheo này đã đua nhau cất chứa bình bát. Thời bấy giờ, một cách tổng quát, bình bát có hai loại: loại bằng thiếc và loại bằng sành. Nhưng thật ra tùy theo chất liệu, màu sắc và địa phương chế tạo mà người ta đã phân ra có sáu loại bình bát khác nhau: bát thiếc, bát tô ma (sản xuất ở nước Tô Ma), bát ô già (nước Ô Già), bát ưu già (nước Ưu Già), bát đen, và bát đỏ. Trong những loại bình bát này, nhóm “lục quần tì kheo” chuyên sưu tầm những bát thật tốt, thật quí để cất chứa. Họ bày thật nhiều bình bát, đủ kiểu, trong phòng riêng của họ, trông giống như một cửa tiệm bán đồ gốm. Từ sáng đến tối họ không để tâm đến việc tu học mà chỉ lo làm những việc tương tự như vậy mà thôi. Giáo đoàn của Phật là giáo đoàn khát sĩ, chỉ đi khất thực để sống, cho nên việc cất giữ tiền bạc vàng ngọc tuyệt đối bị cấm chỉ, ngay cả vải vóc, lúa gạo cũng không được tích trữ; bởi vậy nhóm tì kheo này mới chuyển hướng ham thích của họ sang việc sưu tầm và cất chứa bình bát quí! Khi Phật biết được điều đó, bèn chế ra điều giới, cấm tăng đoàn không được tích trữ bình bát.

Chính vào hôm Phật cho ban bố điều giới này thì tôn giả A Nan cũng vừa có được một bình bát tô ma rất quí và muốn cúng dường tôn giả Đại Ca Diếp; nhưng không may cho A Nan là lúc ấy tôn giả Đại Ca Diếp đang hành hóa ở xứ khác, không có mặt tại Xá Vệ. Nếu y theo điều giới trên thì tôn giả A Nan không được phép giữ lại chiếc bát đó dù là chỉ trong thời gian ngắn cho đến khi tôn giả Đại Ca Diếp trở về. Chẳng biết làm sao hơn, A Nan bèn đem chuyện ấy trình lên Phật. Phật hỏi:

– Chừng nào thì thầy Đại Ca Diếp về đến Xá Vệ?

– Bạch Thế Tôn! Khoảng mười ngày nữa.

Phật bèn triệu tập đại chúng, giảng nói về phương pháp chánh đáng và nghiêm túc của người tu hạnh đầu đà, và khen ngợi tôn giả Đại Ca Diếp như là một vị tu hạnh đầu đà mẫu mực, không hề có khuyết điểm nào, Phật lại bảo quí vị trong nhóm “lục quần tì kheo” hãy theo học hạnh đầu đà với Đại Ca Diếp. Sau đó, do sự việc cúng dường bình bát của tôn giả A Nan, Phật lại đặc biệt châm chế cho phép điều giới trên sẽ có hiệu lực sau mười ngày kể từ hôm ấy.

11.- CHỈ CHUYÊN TU KHỔ HẠNH:

Đại Ca Diếp suốt đời tu tập, chỉ tu hạnh đầu dà. Một lòng chuyên nhất, dù ở trong tình huống nào, dù có ai khuyên bảo, tôn giả vẫn không thây đổi chí hướng. Người tu khổ hạnh như vậy, phải giữ 10 điều như sau: 1) Thường ở chỗ hoang vắng; 2) Thường ở một chỗ; 3) Thường ở nơi bãi tha ma; 4) Xin ăn để sống; 5) Xin ăn không được chọn lựa nhà giàu nhà nghèo; 6) Chỉ ăn một ngày một bữa; 7) Chỉ giữ bên mình ba chiếc áo, một tọa cụ và một bình bát; 8) Áo mặc phải là một tấm vải gồm nhiều mảnh giẻ rách người ta bỏ đi, lượm và chắp lại; 9) Thường ngồi tư duy ở dưới gốc cây; 10) Thường tĩnh tọa nơi đồng trống.

Một người chỉ chuyên cần với nếp tu tập khổ hạnh như tôn giả Đại Ca Diếp, chỉ thích ở riêng một mình, rất ít khi giáo hóa độ sinh, nếu so sánh với những vị tì kheo tiến bộ, tích cực, thì tôn giả hoàn toàn khác biệt. Tuy lòng từ bi vi người của tôn giả vẫn có đủ để được mọi người kính ngưỡng, nhưng nhiệt tình của tôn giả đối với công cuộc hoằng pháp thì rõ ràng là thiếu sót.

Trong thời kì Phật và hai vị đệ tử lớn là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên còn tại thế, phải nói rằng, trách nhiệm giáo hóa chúng sinh cũng như việc đối phó với ngoại đạo, trừ Phật ra thì chính hai vị tôn giả ấy đã gánh vác phần lớn; còn tôn giả Đại Ca Diếp thì chỉ chuyên tâm tu tập, thỉnh thoảng lắm mới có một lần thuyết pháp chúng tại gia nghe. Sau khi Phật nhập diệt thì tôn giả tự nuôi lớn thực lực và trở thành người có đầy đủ khả năng và tư cách nhất để thay thế Phật nắm vững giáo đoàn. Lúc bấy giờ thì tôn giả giống như một quả chuông đại hồng, lúc trầm mặc thì thật là trầm mặc, nhưng lúc hữu sự thì phát tiếng ngân vang khắp chốn.

Trước kia cũng đã có lần hai vị tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên khuyên tôn giả hãy quên mình đi và phát tâm bồ đề, nhận lãnh sứ mạng hoằng pháp lợi sinh, xiển dương chân lí, nhưng trước sau tôn giả vẫn một mực giữ vững chí hướng của mình. Tôn giả nói:

– Tôi không dám nhận lãnh trách nhiệm hoằng dương chánh pháp, giáo hóa chúng sinh. Việc giáo hóa cho những kẻ không có lòng tin hoặc những ác tâm thì tôi thật sự không có đủ can đảm và nghị lực. Điều mà tôi cố gắng thực hiện tối đa trong nếp sinh hoạt tu học của riêng tôi là dựng nên một khuôn mẫu tu hành gian khổ để cho người đời sau trông thấy và biết tôn trọng cùng thực hành nếp sống thiểu dục tri túc của người tu hạnh đầu đà. Hoằng pháp lợi sinh là nhiệm vụ vô cùng trọng đại, xin hoàn toàn trông cậy ở hai sư huynh.

Tuy thế, hai vị tôn giả ấy vẫn không lấy đó làm thất vọng, trái lại còn xưng tụng:

– Đúng ra thì Phật pháp bao gồm nhiều phương diện, mỗi người nên theo đuổi cái lí tưởng thực tiễn của riêng mình. Sư huynh có đủ khả năng và nghị lực để dương ngọn cờ chánh pháp ở một phương diện, thì đó cũng là một công phu lớn lao phi thường. Chúng tôi vô cùng hoan hỉ.

Tôn giả Đại Ca Diếp không thích cái nếp sống tập thể tại các tu viện như Trúc Lâm hay Kì Viên, và thậm chí còn ghét những nơi nào có cái không khí vui vẻ, tươi mát; triá lại, tôn giả chỉ thích tĩnh tọa ở những nơi trống vắng, hoặc ngồi quán tưởng xác chết nơi các gò mả, hay nghỉ ngơi vá áo dưới gốc cây. Tôn giả nhận thức rằng, chính những tử thi hôi thối hoặc những hài cốt trơ vơ kia mới thực sự giúp ích cho công phu thiền quán, nhất là những phép quán về vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh v.v… Tôn giả không hề sợ mưa to gió lớn, sương nắng ngặt nghèo. Dù về già thân thể khô gầy, tôn giả vẫn cứ sống một mình trong núi sâu rừng rậm, hoặc ở các bãi tha ma đầy dẫy xương khô; đối với nếp tu tập đầu đà khổ hạnh, dù bất cứ ai khuyên bảo, tôn giả vẫn không bỏ dở.

12.- ĐỨC PHẬT CHIA HAI CHỖ NGỒI:

Càng về già, Đại Ca Diếp càng tinh nghiêm hơn trong nếp tu tập hạnh đầu đà. Thấy tôn giả tuy đã tuổi già sức mỏi nhưng cứ vẫn một mực dầm sương dãi nắng, vẫn can trường với gió thét mưa gào, Phật cũng lấy làm ái ngại, muốn khuyên tôn giả nên đình chỉ lối tu ấy.

Bấy giờ Phật đang ngự tại giảng đường Lộc Mẫu (Mrgaramatr – Migaramata – gần tu viện Kì Viên, thành Xá Vệ). Một hôm Phật cho người đi mời tôn giả. Tôn giả mặc áo chằm, râu tóc dài ngoằng, chân bước khập khiểng, đến hầu Phật. Những vị tì kheo mới tu đâu có biết tôn giả là ai, thấy nghi dung tiều tụy như vậy, thì chỉ nhìn tôn giả bằng cặp mắt khinh rẻ; thậm chí có vị còn cản trở không cho tôn giả đến gần Phật. Phật thấy rõ cái tâm lí ấy của họ, cho nên từ xa đã vẫy gọi:

– Hãy lại đây, thầy Đại Ca Diếp! Như Lai đã chừa sẵn một nửa chỗ ngồi ở đây, thầy hãy đến cùng ngồi với Như Lai!

Nghe Phật bảo thế, quí vị tì kheo kia liền run sợm, vì lúc đó họ mới biết vị trưởng lão kia chính là tôn giả Đại Ca Diếp, tiếng tăm lừng lẫy trong giáo đoàn mà họ đã từng nghe danh nhưng chưa biết mặt.

Tôn giả lạy Phật xong, bước lui vài bước, rồi thưa:

– Bạch Thế Tôn! Con chỉ là người đệ tử hèn mọn của Thế Tôn. Con không dám ngồi chung chỗ ngồi với Thế Tôn.

Phật liền hướng về đại chúng, nói rõ cho họ biết về oai đức rộng lớn vô biên của Đại Ca Diếp cũng như lịch trình tu hành của tôn giả thật giống như Phật; và rằng giả sử đời này dù không gặp Phật thì tôn giả tự mình tu tập cũng đạt được giác ngộ, chứng được quả vị Độc giác. Vì vậy mà không ai ngạc nhiên khi thấy Phật đặc biệt coi trọng tôn giả và đã dành cho tôn giả một địa vị trọng yếu trong tăng đoàn. Hôm ấy Phật cũng nhân tiện khuyên tôn giả không nên tiếp tục nếp sống khổ hạnh mà trở lại nếp sống bình thường để cho tuổi già đỡ phải chịu lao khổ thái quá. Dù thâm cảm đối với sự ân cần của Phật, tôn giả vẫn không chịu thay đổi nếp sống khổ hạnh của mình. Tôn giả thưa:

– Bạch Thế Tôn! Nếp sống khổ hạnh đối với con không có gì là khổ sở thái quá cả, trái lại con là một nếp sống vô cùng an vui. Con không phải lo lắng gì về cơm ăn áo mặc, không liên quan gì đến sự được mất của người đời, thật là một nếp sống hoàn toàn thanh tịnh, tự do và giải thoát. Bạch Thế Tôn! Lẽ dĩ nhiên là người ta sẽ cho rằng con sống như vậy là chỉ sống cho riêng mình, không như các sư huynh con là Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên, v.v… từng gánh vác trách nhiệm hoằng dương Phật pháp, không sợ khó khăn, không tiếc thân mạng, chỉ cốt làm sao cho bánh xe pháp được quay mãi, cho mọi chúng đều được thấm nhuần pháp vị, đều được ân hưởng pháp lạc, nhưng dù không đủ nhiệt tình đối với công việc hoằng pháp, con vẫn không bao giờ quên được ân đức của Thế Tôn đối với con; và vì để báo đền ân đức ấy của Thế Tôn mà con càng cố giữ nếp tu tập khổ hạnh. Con trộm nghĩ, chúng sinh được cứu độ là còn nhờ vào sự giáo hóa của tăng đoàn. Những vị làm công tác hoằng pháp sẽ trở thành những vị pháp sư gần gũi nhất của dân chúng; cho nên, trước hết tự bản thân họ – cũng tức là tự bản thân của tăng đoàn – phải được kiện toàn thì công việc hoằng pháp mới hoàn toàn ích lợi. Nhưng bản thân của tăng đoàn cần phải được kiện toàn như thế nào? Con nghĩ, chỉ có một cách duy nhất là tăng đoàn phải có một nếp sinh hoạt thật nghiêm túc để từ đó mà nồi dưỡng đức hạnh cho cá nhân mình. Trong giáo pháp của Thế Tôn thì hạnh đầu đà là một phương thức sinh hoạt nghiêm túc nhất. Phải tu tập nếp sống này thì mói chịu được khó nhọc, mới có thể nhẫn nại, mới có thể sống đạm bạc, mới có thể nhất tâm nhất đức và vì pháp vì người. Bạch Thế Tôn! Con cũng vì muốn góp phần trực tiếp củng cố tăng đoàn và đồng thời gián tiếp làm lợi lạc cho chúng sinh nên con vẫn hoan hỉ tiếp tục nếp sống khổ hạnh. Xin Thế Tôn tha thứ cho tội cố chấp của con!

Phật rất hoan hỉ nhìn Đại Ca Diếp, rồi nhìn xuống đại chúng nói:

– Quí thầy đã nghe rõ những lời của trưởng lão Đại Ca Diếp chưa! Trong tương lai, nếu chánh pháp của Như Lai bị hủy diệt thì không phải là do thiên ma hay ngoại đạo phá hoại, mà chính là do tăng đoàn hủ hóa, băng hoại! Đại Ca Diếp đã nói rất đúng. Muốn hoằng dương Phật pháp để cho ánh sáng chân lí vĩnh viễn rọi chiếu ở thế gian thì điều tiên quyết là tăng đoàn phải được củng cố; mà muốn củng cố tăng đoàn thì mọi người phải sống nếp sống thật nghiêm túc. Chánh pháp của Như Lai, phải có những vị như Đại Ca Diếp mới có đủ khả năng và tư cách để chủ trì.

Hướng về tôn giả Đại Ca Diếp, Phật bảo:

– Đại Ca Diếp! Vậy thì thầy hãy trở về chỗ ngụ để tiếp tục tu tập theo con đường thầy đã chọn. Như Lai không ép thầy nữa. Bất cứ lúc nào muốn gặp Như Lai, thầy cứ tùy tiện đến vói Như Lai!

13.- KẾ THỪA Y BÁT CỦA PHẬT:

Thời gian qua mau, bấy giờ Phật đã 80 tuổi thọ. Duyên hóa độ của Phật ở thế gian cũng đã mãn. Tin Phật sắp nhập niết bàn đã được truyền khắp nơi cho chư tăng ni biết. Trước đó, tôn giả Mục Kiền Liên đã tuẫn giáo, và tôn giả Xá Lợi Phất cũng nối tiếp nhập diệt. Giờ đây, trước khi nhập niết bàn, Phật cũng đã nghĩ đến việc chọn người thừa kế để chủ trì công cuộc hoằng pháp cũng như để lãnh đạo giáo đoàn. Chỉ còn hai vị có thể được chọn: lớp già thì có Đại Ca Diếp, lớp trẻ thì có A Nan. Trong hai vị này thì tôn giả Đại Ca Diếp đã từng được trao cho “kho tàng của cái thấy mầu nhiệm” (chánh pháp nhãn tạng) ở pháp hội Linh Sơn thuở nọ, cho nên đã mặc nhiên được Phật chấp nhận là người thừa kế tôn vị của Phật.

Phật nhập niết bàn tại thành Câu Thi Na (Kusiangara – Kusinara). Hôm ấy tôn giả Đại Ca Diếp không có mặt. Tôn giả đang hướng dẫn tu học cho năm trăm vị tì kheo ở tận phương Bắc, nước Đạc Xoa Na Kì. Vừa được tin, tôn giả quá đau thương, tức tốc dẫn theo năm trăm vị ấy, đi ngày đêm không nghỉ để về Câu Thi Na. Đến nơi, tôn giả thấy có vị thì mặt buồn ngồi yên lặng, có vị thì nằm lăn ra đất khóc lóc thảm thiết, nhưng có vị trong nhóm “lục quần tì kheo” thì lại đang hân hoan nói:

– Quí vị làm gì mà phải khóc thương như vậy? Phật nhập niết bàn rồi chúng ta mới được tự do. Lúc còn sống thì ông già ấy nói năng gì cũng cốt để bó buộc chúng ta, kềm chế chúng ta. Ông ấy cứ hay nói cái này không tốt, cái kia không đúng. Ông ấy nói nhiều quá, làm phiền chúng ta quá! Bây giờ ông già ấy đã nhập diệt rồi, chúng ta được nhẹ nhàng, thoải mái biết mấy!

Một vì tì kheo muốn đuổi vị ấy ra khỏi phạm vi hỏa đàn, nhưng tôn giả ngăn lại, bảo vị “lục quần tì kheo:

– Đức Thế Tôn đã nhập diệt niết bàn, mọi người đều đau buồn vì mất nơi nương tựa. Sao thầy lại dại dột cười vui và nói lên những lời sai quấy như vậy!

Hôm ấy đã là ngày thứ bảy sau ngày Phật nhập diệt. Hỏa đàn và mọi thứ chuẩn bị cho lễ trà tì đều đã sẵn sàng. Tôn giả vào đến chỗ đặt kim quan thì một chân của Phật thò ra khỏi kim quan. Tôn giả không cầm được nước mắt, vội vàng đảnh lễ và bạch:

– Kính lạy Thế Tôn! Xin Thế Tôn yên tâm. Chúng con sẽ nương theo bước chân của Thế Tôn mà đi tới.

Tôn giả nói xong thì chân Phật thu trở lại vào kim quan, và hỏa đàn liền tự nhiên bốc cháy. Từ đó, trách nhiệm lưu truyền chánh pháp đã do tôn giả gánh vác.

14.- KẾT TẬP THÁNH ĐIỂN:

Chín mươi ngày sau khi Phật diệt độ, đại hội kết tập pháp tạng được cử hành.

Trướ hết, việc chọn lựa địa điểm và lo những chi phí cho đại hội đã là những việc khó nhọc cho tôn giả Đại Ca Diếp. Các tu viện Trúc Lâm và Kì Viên đều quá rộng lớn, hơn nữa, lại có rất nhiều quí vị tì kheo chưa chứng quả li dục. Cuối cùng, tôn giả đã quyết định chọn Tất Bát La (Pippaliguha), một hang đá thật rộng rãi, ẩn kín, ở phía Đông Nam thành Vương Xá, để làm địa điểm kết tập. Trong đại hội này, năm trăm vị A La Hán đệ tử xuất sác của Phật đã vân tập và đã suy tôn quí vị tôn giả Đại Ca Diếp, A Nan, A Na Luật, Ưu Ba Li và Phú Lâu Na lên hàng thượng thủ. (Lúc này quí vị đệ tử lớn khác của Phật như Kiều Trần Như, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, La Hầu La, đều đã nhập niết bàn; còn Tu Bồ Đề và Ca Chiên Diên thì không thấy vết tích.- Chú thích của người dịch).

Trước tiên, với tư cách thủ tọa, tôn giả Đại Ca Diếp đã trách cứ tôn giả A Nan ngay trước mặt đại chúng về sáu khuyết điểm, mà quan trọng nhất là cho tới giờ phút đó tôn giả A Nan vẫn chưa chứng thánh quả A La Hán. Lời trách cứ của tôn giả thật oai nghiêm không thua gì Phật, khiến cho tôn giả A Nan không dám nói năng, chỉ biết nhận lãnh để thi hành. Từ ngày thứ hai của đại hội trở đi, lần lượt, tôn giả A Nan tụng lại các kinh, tôn giả Ưu Ba Li tụng lại các giới luật, và tôn giả Phú Lâu Na tụng lại các điều nghị luận, hoàn thành ba kho tàng quí báu của Phật pháp. Pháp vũ cam lộ của Phật, kho thánh điển rộng lớn như biển cả mà chúng ta còn được thừa hưởng ngày hôm nay, chính là do ân đức của tôn giả Đại Ca Diếp vậy.

Khi Phật còn tại thế, trong khi quí vị tôn giả anh tài vốn là các đệ tử thủ túc của Phật, như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, hoạt động rất tích cực ở trong cũng như ngoài giáo đoàn, thì tôn giả Đại Ca Diếp chỉ lặng lẽ tu khổ hạnh; thỉnh thoảng lắm mới có vài hoạt động bố giáo. Nhưng từ sau khi hai vị tôn giả kia và Phật lần lượt nhập diệt thì tôn giả mới lộ rõ ra là một người có đầy đủ khả năng và oai đức để lãnh đạo giáo đoàn. Lúc bấy giờ, tôn giả quả thật là khối đá tảng của đạo pháp.

Thái độ của tôn giả rất là bảo thủ, không giống với tinh thần cấp tiến của hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Cho nên những phong cách tu hành ẩn dật, rừng núi, khổ hạnh và bảo thủ của Phật giáo ngày nay, đã chịu ảnh hưởng phần lớn từ tôn giả Đại Ca Diếp, điều đó không thể phủ nhận được.

15.- HẸN GẶP NHAU Ở PHÁP HỘI LONG HOA:

Khoảng hai ba mươi năm sau ngày Phật nhập niết bàn, tôn giả Đại Ca Diếp bỗng nảy sinh niệm chán đời.

Tôn giả nghĩ: “Đức Thế Tôn là bậc Đạo Sư của ta. Như cha mẹ thương cho nên, ân đức của Người đối với ta sâu rộng như biển. Để báo đền phần nào ân đức ấy, ta đã tận lực hoằng truyền chánh pháp, mong được trường tồn mãi đến ngàn sau. Bây giờ thì ta đã già nua quá rồi, yếu đuối quá rồi, đâu còn làm gì được nữa; chi bằng ta nhập niết bàn thì có phải là đúng lúc không!”. Năm ấy tôn giả đã trên một trăm tuổi thọ.

Suy nghĩ như vậy, tôn giả liền tìm đến tịnh thất của tôn giả A Nan, phó chúc pháp tạng cho A Nan thừa kế rồi lần lượt đến từng ngôi tháp thờ xá lợi Phật cúng dường lễ bái. Sau đó tôn giả trở về thành Vương Xá để từ biệt vua A Xà Thế, nhưng quân cận vệ cho tôn giả biết là nhà vua đang ngủ. Tôn giả bèn rời thành Vương Xá đi về hướng núi Chân Gà, cách thành hơn tám dặm về phía Tây Nam. Núi này gồm có ba ngọn cao chót vót, làm thành hình chân gà. Từ lưng chừng núi trở xuống toàn là cỏ rậm, lưng chừng núi trở lên thì toàn là rừng cây sầm uất. Khi tôn giả lên đến núi thì cả ba ngọn tự nhiên đồng mở ra, để lộ một chỗ ngồi. Tôn giả liền lấy cỏ lót thành một chiếc đệm và ngồi xuống, rồi tự nói với mình: “Nay ta phải lấy chiếc áo chằm để che chở và dùng sức thần thông để giữ gìn thân xác này, đợi đến sáu triệu bảy trăm ngàn năm sau, khi đức Bồ Tát Di Lạc giáng trần thành Phật thì ta lại tìm đến bái kiến và trợ giúp Người giáo hóa chúng sinh”. Tôn giả nói xong thì cả ba ngọn của núi Chân Gà liền khép lại, giấu kín nhục thân của tôn giả.

Vua A Xà Thế khi biết được tin tôn giả nhập diệt thì buồn thưong không kể xiết, lập tức tìm đến bái kiến tôn giả A Nan và mời cùng đi lên núi Chân Gà. Khi hai vị đến nơi thì ba ngọn núi lại đồng loạt mở ra, để lộ cho họ thấy tôn giả Đại Ca Diếp đang ngồi ngay ngắn trong tư thế thiền định. Hai vị liền cúng dường lễ bái rồi lui xuống, tức thì ba ngọn núi đóng lại như cũ

Les commentaires sont fermés.