TRÍ TUỆ VÀ SỰ GIÀU SANG

Phan Minh Đức

Có người chỉ thích làm phước, gieo nhân giàu sang sung túc chứ không thích gieo nhân trí tuệ. Bởi họ nghĩ rằng gieo nhân giàu sang thì dễ làm hơn gieo nhân trí tuệ, chỉ cần bỏ tiền của ra bố thí, làm các việc từ thiện thì sẽ được phước báo về tài sản, còn muốn có trí tuệ thì phải học, phải tu, phải trau dồi kiến thức, siêng thực hành Văn, Tư, Tu. Do nhận thức như thế mà chỉ lo gieo trồng ruộng phước để trong hiện tại và tương lai có được tài sản của cải, đời sống vật chất sung mãn. Quan niệm như thế rất thiếu sót. Có thể trong đời trước hoặc nhiều đời trước người đó đã gieo những nhân tạo phước báo to lớn mà đời này được giàu sang dù người đó không thông minh, không giỏi giắn, không có trình độ học vấn, không có tài năng, bản lĩnh gì cả, người ấy nhờ gặp cơ hội, dịp may (do nhân duyên phước báo mà có), hoặc nhờ thừa hưởng tài sản của cải của ông bà cha mẹ để lại, hoặc nhờ người khác giúp đỡ mà được giàu sang (cũng do nhân duyên phước báo mà có). Tuy nhiên, muốn giữ được cơ ngơi, sự nghiệp, muốn giữ được tài sản đó lâu bền thì cần phải có trí tuệ.

Không có trí tuệ mà có được phước báo lớn, trường hợp này không nhiều. Phần lớn người có trí tuệ mới có phước báo, bởi vì có trí tuệ mới biết cần nên gieo nhân nào, cần có những duyên gì hỗ trợ mới có được phước báo như mình mong muốn, và làm cách nào để giữ được phước báo đó lâu bền. Người giàu sang lâu bền không phải chỉ nhờ phước báo đời trước hay phước báo trong quá khứ đời này, mà chủ yếu do người ấy có trí tuệ, biết tiếp tục gieo nhân, gieo duyên để ruộng phước ngày càng sinh sôi nảy nở, chẳng hạn như họ biết cúng dường, bố thí đúng pháp để tạo phước, biết chăm chỉ học tập cầu tiến, cần mẫn siêng năng làm việc, biết giữ gìn tiền của, chi tiêu hợp lý, không tiêu xài hoang phí, khéo tính toán làm ăn để cho đồng tiền sinh lợi, và làm ăn hợp pháp để sự nghiệp vững bền v.v.. Nếu như không có trí tuệ làm sao biết cách tạo ra tiền một cách hiệu quả và hợp pháp, biết cách làm giàu và duy trì sự giàu sang đó. Không có trí tuệ họ sẽ không biết những nhân nào, duyên nào nên gieo; những nhân nào, duyên nào không nên gieo, người đó sẽ gieo nhân phá sản, ví dụ như tiêu tiền hoang phí, làm ăn thất bại, thua lỗ do thiếu kinh nghiệm, hiểu biết, không có trình độ chuyên môn, không có kế hoạch, sách lược, không nắm bắt tình hình thời cuộc, không nâng cao trình độ, tay nghề để đáp ứng nhu cầu công việc trong tình hình mới… Hoặc họ gieo nhân gây ảnh hưởng, trở ngại cho sự giàu sang, chẳng hạn như cờ bạc, rượu chè, hút sách, ăn chơi trác táng, nghiện ngập khiến cho hao tán tiền của, cơ thể bệnh tật vừa không thể làm việc lại phải mất nhiều tiền cho chi phí thuốc men; chơi với bạn bè xấu nên bị lừa gạt, chiếm đoạt của cải, bị xúi giục làm bậy khiến cho lâm cảnh tổn tài, phá sản, tù tội v.v..

Người có phước báo mà không có trí tuệ đôi khi tự làm hại chính bản thân mình, họ làm cho cái phước báo mà họ có được trở thành tai hoạ mà họ không ngờ. Ví dụ có nhiều tiền của không cần phải lo nghĩ nhiều thường sinh tâm thụ hưởng, tiêu xài phung phí vì không phải làm lụng cực khổ tạo ra tiền, dễ dàng có được tiền của nên không biết quý trọng; Có lắm của nhiều tiền dễ sinh những thói hư tật xấu nếu như không biết kềm chế bản thân, không thường kiểm điểm mình, không quan tâm trau giồi phẩm chất đạo đức; Có lắm của nhiều tiền thường dễ sinh tâm ỷ lại, ý chí, nghị lực cùn mòn. Còn trường hợp người kém phước báo? Người kém phước báo nhưng có trí tuệ vẫn có được an vui hạnh phúc nếu khéo sống, khéo tu tập, nếu có quan niệm sống và lối sống tích cực. Tuy nhiên, muốn có một đời sống lý tưởng, có nhiều cơ hội để tu tập và tạo thêm nhiều công đức, phước báo cho mình, muốn phát huy bản thân và làm lợi ích cho nhiều người, lợi ích cho nhân quần xã hội, cho chúng sinh thì cần phải có cả trí tuệ và phước báo. Nếu chỉ có một trong hai thì khả năng bị giới hạn, đời sống mất đi nhiều giá trị, ý nghĩa. Ví dụ như khi gặp một người đang đói khát trên đường đi mà chúng ta không có tiền trong túi, cũng không có thức ăn mang theo bên mình, thì chúng ta không thể giúp người đó vượt qua cái khổ đói khát. Chúng ta có thể dùng lời nói khéo léo để thuyết phục người khác giúp người đó, hoặc tự mình kiếm ra tiền hay thức ăn để giúp người đó, nhưng phải mất một thời gian. Nhưng nếu trong túi chúng ta có sẵn tiền thì ta có thể mua thức ăn giúp người đó no bụng tức thì. Trong lúc họ đang đói khát, đang cần thức ăn thức uống, chúng ta không thể khuyên họ học tập, tu hành, không thể khuyên họ làm phước, bố thí để gieo nhân giàu sang, để trong tương lai được an lạc hạnh phúc. Phải giúp họ no trước đã, sau đó mới khuyên họ học tập, làm việc, khuyên họ tu hành, làm các việc thiện. Nếu không có điều kiện về vật chất, chúng ta sẽ bị hạn chế khi hành các thiện pháp, chúng ta khó thực hành đầy đủ, trọn vẹn các pháp bố thí gồm có tài thí, pháp thí và vô uý thí; chúng ta không thể cúng dường, ấn tống kinh sách, dựng chùa, tạo tượng, xây dựng các đạo tràng tu học, ủng hộ tứ sự cho Tăng Ni tu hành, trợ duyên cho Tăng Ni hoằng pháp; chúng ta không thể tạo dựng hoặc đóng góp về vật chất cho các chương trình từ thiện, các công trình công ích, an sinh xã hội. Ngay cả các bậc xuất gia tu hành là những người có đời sống giản dị, đạm bạc, hạn chế tối đa các nhu cầu vật chất, nhưng nếu quá kém phước (do đời trước không quan tâm tu phước, không quảng kết thiện duyên) cũng gặp nhiều khó khăn trở ngại. Chẳng hạn như ốm đau bệnh tật không có người chăm lo, không có thuốc men chữa trị; thiếu thốn thức ăn thức uống, y phục, chỗ ở, điều kiện tu hành v.v..

 

Nhiều người có suy nghĩ cực đoan cho rằng: “Tu là tu cái tâm chứ đâu phải tu cái thân, đâu cần những điều kiện vật chất”. Quan niệm như thế là sai lầm. Người tu không nên nâng niu chiều chuộng xác thân, không nên tham đắm xác thân, nhưng cần chăm sóc, bảo quản xác thân vì nó là phương tiện giúp chúng ta tu hành, thực hiện chí nguyện, hoài bão của mình. Thân và tâm có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu kém phước, thân thể đau yếu bệnh tật, thiếu áo đói cơm, gặp quá nhiều chướng duyên thì sự tu hành cũng gặp nhiều trở ngại. Khi mang thân tứ đại, ngũ ấm thì chúng ta ít nhiều bị chi phối bởi nó. Ngay cả các bậc chứng đạo, dù tâm luôn an ổn trong mọi hoàn cảnh, không bị ngoại duyên tác động chi phối, nhưng khi còn mang thân tứ đại để tu hành cho công viên quả mãn, hoặc thực hiện bi nguyện độ sinh, thì các Ngài vẫn phải trải qua cảnh sinh, già, bệnh, chết, vẫn phải ăn khi đói, uống khi khát, điều trị và sử dụng thuốc men khi ốm đau bệnh tật, cơ thể cũng phải chịu cảnh nóng lạnh…Như Đức Phật là một bậc Thánh xuất thế, nhưng khi mang thân tứ đại cũng phải chịu cảnh già yếu, ốm đau…Đức Phật và tăng đoàn cũng cần có y sĩ Kỳ Bà (Jìvaka) chăm lo sức khoẻ, khám bệnh bốc thuốc mỗi khi đau bệnh. Khi Đức Phật bị những cơn đau nhức do bệnh hoành hành, Ngài phải nhập định để điều phục. Còn phàm phu chúng ta, trí tuệ kém cỏi, công phu tu hành chưa được bao nhiêu, không phải dễ dàng dùng định lực khống chế khổ thọ. Vì vậy không nên có suy nghĩ cực đoan, duy ý chí, cho rằng tu tâm chứ không tu thân. Nghĩ như thế thì chẳng những gặp nhiều trở ngại trong quá trình tu tập mà cũng bị hạn chế trong việc làm lợi ích chúng sinh. Cần nên nhớ các pháp do duyên sinh mà thành.

Một người đang trên bước đường tu học, nếu bệnh hoạn mà không có tiền chạy chữa thuốc men, ăn uống kham khổ, không điều độ (khi sớm khi trễ; khi có thức ăn, khi không có thức ăn…), lại thức khuya dậy sớm,  làm việc cực nhọc đến mức sức khoẻ kiệt quệ, tinh thần sa sút, thân thể gầy mòn, thì liệu trong một thân thể yếu đuối, tinh thần bạc nhược như thế, người đó có thể tu tập và làm được việc lợi ích gì cho người khác? Ngược lại, nếu có phước báo mà không có trí tuệ thì cũng bị giới hạn nhiều mặt. Ví dụ lúc chúng ta gặp những khó khăn trong đời sống mà đó là những khó khăn trong công việc, trong giao tiếp ứng xử, trong quan hệ tình cảm giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa bạn bè, đồng nghiệp với nhau, những khó khăn đòi hỏi phải có kiến thức hiểu biết, đòi hỏi phải có kỹ năng làm việc, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng sống v.v.. thì dù cho có tiền của nhiều cũng không giải quyết được, vì không phải chuyện gì cũng có thể giải quyết bằng tiền bạc. Trong đạo Phật thường khuyên chúng ta nên trang bị cho mình đầy đủ trí tuệ và phước báo, đó là tư lương, là hành lý cần thiết. Các vị Phật và Bồ- tát đều có đầy đủ trí tuệ và phước báo, chính vì thế mà các vị ấy có khả năng rộng độ chúng sinh.

Đức Phật không chỉ khuyên các đệ tử chăm lo tu huệ (trí tuệ), mà còn khuyên các đệ tử chăm lo tu phước, đó là phước huệ song tu. Mỗi ngày Ngài đi trì bình chính là muốn tạo nhân duyên lành với chúng sinh, muốn tạo cơ hội cho chúng sinh gieo trồng ruộng phước, đồng thời tùy duyên thuyết pháp hóa độ. Đức Phật dạy ba môn học Giới, Định, Tuệ (Giới pháp, những điều đạo đức, căn bản phạm hạnh,Thánh hạnh-Thiền định-Trí tuệ), dạy Văn, Tư, Tu để trau giồi trí tuệ, dạy hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Bên cạnh đó Đức Phật cũng dạy nhiều bài kinh giúp hàng đệ tử tu phước.

Trong Tăng Chi Bộ kinh I, chương V, phẩm Sumanà có ghi lại cuộc vấn đáp giữa Đức Phật và một vị công chúa như sau: Vị công chúa tên Sumanà bạch hỏi Phật rằng, nếu có hai đệ tử của Phật có niềm tin chơn chánh, thanh tịnh (tín), có giới đức (giới) và trí tuệ ngang bằng nhau, nhưng một người có hành hạnh bố thí, một người không có hành hạnh bố thí. Sau khi thân hoại mạng chung, cả hai vị ấy được sinh lên cõi trời hoặc sinh trở lại cõi người, thì giữa hai vị ấy có sự khác biệt gì không? Đức Phật đã trả lời rằng: Có sự khác biệt. Đó là, dù sinh lên cõi trời hay sinh trở lại cõi người, thì người có tu hạnh bố thí vẫn vượt trội hơn người không có tu hạnh bố thí về thọ mạng, nhan sắc, an lạc hạnh phúc, danh xưng và tăng thượng (tăng lên, thêm hơn những điều tốt lành, những phước duyên; gặp những điều kiện nhân duyên giúp cho đời sống đã tốt đẹp lại càng thêm tốt đẹp; gặp nhiều thuận lợi, nhiều cơ hội, dịp may, được nhiều người ủng hộ, giúp đỡ, quý mến, đem đến cho mình những điều tốt đẹp.Trong quá trình tu tập người này cũng dễ thành tựu các thiện pháp).

Tóm lại, phước huệ song tu là biện pháp trang nghiêm tự thân để đời sống hiện tại và tương lai được nhiều an lạc hạnh phúc. Không nên có quan niệm chỉ cần tu phước hoặc chỉ cần tu huệ, vì như thế là tự mình đánh mất cơ hội làm cho đời sống có đầy đủ ý nghĩa và hữu ích đối với tự thân và tha nhân, đối với xã hội, chúng sinh, đánh mất cơ hội tạo nguồn hạnh phúc vững bền cho hiện tại và tương lai của mình và mọi người.

Les commentaires sont fermés.