Tôn giả A NA LUẬT

Tôn giả A NA LUẬT
(Aniruddha – Anurauddha)
(Mắt trời thấy suốt, không gì chướng ngại)

1.- TUỔI THƠ KHÔNG LO LẮNG:

Trong 16 vị A La Hán được ghi trong kinh A Di Đà, có một vị tên là A Nậu Lâu Đà, đó chính là tôn giả A Na Luật vậy.

A Na Luật đã được sinh ra trong vương tộc, vốn là em chú bác ruột của Phật. Sau khi vua Tịnh Phạn (Suddhodana, phụ hoàng của đức Phật) thăng hà, người lên ngôi kế vị là đại tướng Ma Ha Nam (Mahanama). Ông này chính là anh ruột của tôn giả A Na Luật. (Ma Ha Nam là cháu kêu vua Tịnh Phạn bằng bác ruột. Có thuyết cho rằng, ông Ma Ha Nam này với tì kheo Ma Ha Nam, một trong năm vị đệ tử A La Hán đầu tiên của đức Phật, là một người. Theo đó, sau khi vua Tịnh Phạn băng, vì xét thấy cả Nan Đà và La Hầu La không có khả năng kế vị, nên đức Phật đã cho phép Ma Ha Nam hoàn tục để kế thừa trị vì vương quốc Thích Ca. Thuyết này có lẽ không đúng. Ma Ha Nam ở đây với A Na Luật là hai anh em ruột. Gia đình chỉ cho phép một trong hai người đi tu, cho nên A Na Luật đã đi tu thì Ma Ha Nam phải ở nhàn để quản lí việc nhà. Ông là một cư sĩ thuần thành, thường cúng dường cơm áo và thuốc men cho tăng chúng. Tì kheo Ma Ha Nam trong nhóm Kiều Trần Như là một người khác, còn có tên là Ma Ha Nam Câu Lị – Mahanamakoliya – Chú thích của người dịch).

Từ thuở ấu thơ, A Na Luật đã là một cậu bé hết sức chân thật, nhưng cũng rất thông minh, mẫn tiệp và hoạt bát; đối với âm nhạc, ca múa thì lại càng tỏ rõ là có thiên tài. Lúc bảy, tám tuổi, cậu đã từng cao giọng ca hát, cũng như từng biểu diễn nhiều trò vui nho nhỏ một cách rất tự nhiên trước mọi người; cho nên ai cũng yêu mến cậu. Suốt ngày cậu chỉ quanh quẩn bên cạnh các cung nữ hầu cận hoặc các vương tử cùng trang lứa khác, hết ăn uống lại nô đùa, nô đùa xong lại ăn uống. Trò chơi thích thú nhất của cậu là đánh cuộc ăn thua. Trong cung lúc nào cũng sẵn bánh kẹo. Mỗi lần chơi thua ai thì cậu lấy bánh chung cho người đó. Có ngày cậu thua đến năm, sáu lần, và cứ phải làm nũng để xin mẹ cho bánh.

Một hôm, khi cậu bị thua đến lần thứ tư, chạy đến xin bánh mẹ thì bà bảo: “Đã hết rồi!”, nhưng vì tình tình còn quá chơn chất, cậu không hiểu câu “Đã hết rồi”, có ý nghĩa gì, bèn chẩu mõ lên nũng nịu:”Thì mẹ cho con cái bánh ‘đã hết rồi’ ấy đi!” Bà mẹ chỉ biết bật cười, đưa cái đĩa trống không cho cậu thấy, để cậu biết là bánh ngày hôm ấy đã hết. Nhưng thật là kì lạ, không biết do phước báo gì của A Na Luật, khi bà mẹ vừa mở cái nắp đậy ra thì trong đĩa lại có đầy bánh. Cậu mừng lắm. Thế là hôm ấy cậu đã có được rất nhiều cái bánh “đã hết rồi”, tha hồ mà chung cho chúng bạn.

Từ sau khi sự việc lạ lùng này xảy ra, mẹ của A Na Luật không còn coi con mình là một đứa bé tầm thường nữa. Bà thấy rằng, con mình chắc phải có một lai lịch bất phàm, trong tương lai thế nào cũng có nhiều phước báo.

A Na Luật tuy rất thông minh, nhưng vì được nuôi nấng quá kĩ càng, suốt ngày cứ quanh quẩn trong cung điện, cho nên mãi đến tuổi mười lăm mà cậu vẫn không biết được một chút gì về cái thế giới của xã hội ở bên ngoài vương cung. Một hôm, A Na Luật, Bạt Đề (Bhaddiya) và Kiếp Tân Na (Kalpina – Kapphina), nhân lúc cùng chơi đùa với nhau, họ đố nhau rằng: “Gạo từ đâu mà có?” Kiếp Tân Na trả lời trước:

– Gạo từ trong cái chậu vo gạo mà có. Chính mắt tôi đã một lần trông thấy cung nữ vo gạo.

Bạt Đề xua tay cho rằng Kiếp Tân Na nói không đúng, và bảo:

– Gạo có từ trong nồi. Chính mắt tôi đã thấy cung nữ xới cơm ra từ cái nồi.

A Na Luật, liền chê cả hai người, nói với vẻ đầy hiểu biết và tự tin:

– Gạo đã từ trong cái bát vàng mà ra.

Mỗi lần tôi ăn cơm, chính cung nữ đã lấy cơm cho tôi từ trong cái bát bằng vàng.

Đấy! Đại khái là kiến thức về xã hội của các vương tử, vương tôn ấu trĩ đến như thế! Các vương tử, vương tôn con này không hề biết gì về các điều thường thức của đời sống xã hội, nhưng những hưởng thụ vật chất như cơm ăn, áo mặc, nhà ở thì sang quí tột bậc; mọi thứ đều được dâng đến tận tay, không bao giờ phải lo nghĩ gì cả.

Kiến thức của các cậu bé vương tộc ấy nông cạn như thế là vì sao? Nguyên vì lúc trước, thái tử Tất Tạt Đa, sau khi dạo chơi bốn cửa thành, trông thấy các cảnh khổ của sinh già bệnh chết rồi than thở chán chường, đến nỗi đã bỏ cả việc thừa kế để đi xuất gia học đạo; từ đó, vương cung ra luật lệ, nghiêm cấm các vương tử, vương tôn không được phép ra ngoài thành du ngoạn, cứ phải sống kín cổng cao tường trong cung vi; cho nên dù có thông minh đĩnh ngộ, các cậu bé ấy cũng không có chút hiểu biết nào về thế giới bên ngoài.

2.- NÓNG LÒNG MUỐN XUẤT GIA:

Vài năm sau khi thành đạo, đức Phật về cố hương Ca Tì La Vệ để thăm hoàng tộc và giáo hóa chúng sinh. Sức cảm hóa của thật mạnh mẽ, cho nên chẳng bao lâu, đã có rất nhiều thanh niên trong hoàng tộc xin xuất gia theo Phật. Trước hết là thái tử Nan Đà (Nanda, người sẽ thừa kế ngôi vua của vua Tịnh Phạn), rồi kế tiếp là hoàng tôn La Hầu La (Rahula), và sau nữa là các thanh niên khác của hoàng tộc.

Lúc bấy giờ vương tử A Na Luật đã trưởng thành. Chàng không còn là một cậu bé “không biết gì” của tuổi ấu thơ nữa, mà đã trở nên là một thanh niên chững chạc, nghi hiểu đường đường, có được những hiểu biết chín chắn về cuộc sống thế gian. Phong trào xuất gia của các thanh niên trong hoàng tộc đã làm cho tâm hồn chàng bị chấn động. Chàng cũng lập chí xuất gia, bèn nói anh là Ma Ha Nam:

– Anh ạ! Vừa rồi Phật về thăm hoàng cung, đã có nhiều anh em trong dòng họ Thích Ca theo Phật xuất gia. Em nghĩ, làm một vị sa môn, đem pháp cam lồ của Phật truyền bá bốn phương, thì cuộc sống ấy có ý nghĩa biết bao! Thái tử Nan Đà đã bỏ người vợ sắp cưới vô cùng xinh đẹp là Tôn Đà Lị để đi xuất gia; vương tôn La Hầu La tuổi nhỏ như vậy mà cũng biết theo Phật tu học. Nếu hai anh em mình không có một người đi xuất gia thì khó coi lắm ý anh thế nào?

Ma Ha Na lúc bấy giờ đã là một tướng quân anh dũng của triều đình vua Tịnh Phạn, nghe A Na Luật nói thế thì trả lời:

– Em nói rất hợp ý anh. Chính anh cũng muốn gặp em để bàn chuyện này. Trong hai anh em mình, nhất định phải có một người đi xuất gia. Vậy thì sự hiếu dưỡng cha mẹ trong lúc tuổi già xin nhờ em gánh vác, để cho anh được yên tâm xuất gia theo Phật tu học nhé!

A Na Luật lắc đầu lia lịa:

– Anh đi xuất gia không được đâu! Quốc gia đang rất cần những người như anh. Em thì lại khác. Võ học em thua kém anh rất xa. Vả lại, hiện giờ em rất nhàm chán nếp sống vương giả và chỉ thích nếp sống thanh tịnh của tăng đoàn. Xin anh thương, để cho em được xuất gia.

Thấy ý chí xuất gia của em mình quá mạnh, Ma Ha Nam đành chiều theo, để cho A Na Luật đi xuất gia. Nhưng lúc đó Phật đã qui định, những người trẻ tuổi còn cha mẹ, muốn đi xuất gia phải có sự chấp thuận của cha mẹ; cho nên A Na Luật cũng phải xin phép cha mẹ. Nhưng vì lòng thương con quá nặng, đã ba lần chàng xin phép đều bị cha mẹ từ chối cả ba. Cuối cùng, vì sợ chàng làm liều, mẹ chàng đành phương tiện bảo:

– Con hãy đến rủ vương tử Bạt Đề, nếu nó cũng thích xuất gia thì mẹ sẽ cho con cùng đi với nó. Nếu nó không chịu thì con đừng có hi vọng gì nữa.

Sở dĩ bào bảo thế là vì bà nghĩ, việc Bạt Đề đi xuất gia là một việc không thể nào xảy ra được. Số là, sau khi cả Nan Đà và La Hầu La đều theo Phật xuất gia thì vua Tịnh Phạn đã chọn Bạt Đề lập làm thái tử, sẽ thừa kế ngôi vị quốc vương sau này khi nhà vua thăng hà. Như vậy thì chắc chắn Bạt Đề không thẻ nào đi xuất gia được! Nhưng A Na Luật nào để ý đến điều đó. Khi nghe mẹ bảo thế thì mừng lắm, bèn chạy ngay đến vương phủ của Bạt Đề, bày tỏ ý chí của mình, đồng thời thuyết phục Bạt Đề cùng đi xuất gia. Nói xong, chàng cứ ngồi đó chờ đợi Bạt Đề trả lời.

Trái lại với A Na Luật, Bạt Đề cảm thấy việc xuất gia thật khó thực hiện vô cùng. Làm sao chàng có thể bỏ được bao nhiêu dục lạc và vinh hoa phú quí của thế gian để đi xuất gia làm sa môn! Nhưng đối với một người bạn chí thân và đáng quí mến như A Na Luật thì từ chối cũng không đành. Sau một hồi lâu suy nghĩ, chàng miễn cưỡng nói:

– A Na Luật! Một khi đã xuất gia làm sa môn thì không còn có thể luyến ái dục lạc ở thế gian. Chúng ta tuổi còn rất trẻ, làm sao đủ nghị lực chịu đựng điều đó! Thôi thì bạn hãy gắng đợi thêm bảy năm nữa đi, để cho tôi tận hưởng hoan lạc rồi chúng mình sẽ cùng nhau đi xuất gia.

Tuy biết Bạt Đề có ý chối từ, nhưng A Na Luật vẫn cố gắng thuyết phục bạn bằng cách trưng ra nhiều lí lẽ để chứng minh nếp sống xuất gia cũng rất sung sướng, rất ích lợi. Chàng nói năng khéo léo đến nỗi, từ bảy năm Bạt Đề giảm xuống còn một năm; từ một năm giảm xuống còn một tháng; rồi từ một tháng giảm xuống chỉ còn bảy ngày! Hai người bạn thân thiết đồng ý với nhau là bảy ngày nữa thì cả hai cùng di xuất gia. Lúc bấy giờ A Na Luật mới chịu vui vẻ chào bạn trở về nhà.

Thời hạn bảy ngày đã qua. Hôm ấy, A Na Luật và Bạt Đề cũng rủ thêm A Nan (Ananda), Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), Kiếp Tân Na, Bà Sa (Vaspa – Vappa) và Nan Đề (Nandi), cả thảy bảy vị vương tử cùng nhau hân hoan rời nhà ra đi. (Có sách nói, trong bảy vị vương tử thì Nan Đà, đã xuất gia ngay khi đức Phật còn ở Ca Tì La Vệ, cho nên lần đi này chỉ có sáu người là A Na Luật, Bạt Đề, Đề Bà Đạt Đa, A Nan, Bà Cữu – Bhagu, và Kim Tì La – Kimbila – Chú thích của người dịch). Họ lại còn dẫn theo chàng thanh niên làm nghề thợ cạo tên là Ưu Ba Li (Upali) cùng đi xuất gia với họ.

Họ dõi theo bước chân hành hóa của Phật và đi thẳng đến đó. Khi đến rừng A Nậu (Anupiya) thuộc ấp Di Na, họ cởi bỏ y phục vương tử, nhờ Ưu Ba Li cạo sạch tóc, tự mặc áo ca sa, rồi cùng đến ra mắt Phật, Nhưng Phật đã không chấp nhập cho họ gia nhập vào tăng đoàn ngay lúc đó, mà bảo họ ở riêng trong một phòng trống, tĩnh tọa quán tưởng bảy ngày để quên hẳn cái thân phận vương tử tôn quí của mình đi, bấy giờ họ mới chính thức được Phật cho lễ xuất gia.

3.- CỰ TUYỆT LỜI CẦU HÔN CỦA MỘT THIẾU NỮ:

Sau khi xuất gia, A Na Luật chỉ chuyên việc học kinh nghe pháp, sống đời đạm bạc, luôn luôn vui vẻ thực hành các điều Phật dạy. Trong lòng vị tì kheo trẻ tuổi ấy lúc nào cũng đầy ắp một niềm pháp lạc. A Na Luật cho rằng, việc Phật chấp thuận cho mình xuất gia là một ân đức rất lớn lao, cho nên dù chưa chứng quả thánh, tôn giả cũng muốn tham gia công tác hoằng pháp để báo đền ân đức của Phật, Đối với những đệ tử có nhiệt tâm trong việc hoằng pháp lợi sanh như vậy, Phật rất hoan hỉ và luôn luôn khuyến khích; vì do công tác hoằng pháp lợi sinh mà đức tin nơi họ được trưởng dưỡng, mà đức tin càng được nâng cao, vững chắc, thì sự khai ngộ, chứng quả mới dễ đạt thành.

Tôn giả A Na Luật có nước da vàng, có chiếc mũi giống như mỏ chim anh vũ, có cái nghi biểu trang nghiêm, một phong thái đẹp đẽ, đoan chính. Do vậy, trên đường hoằng hóa, đã một lần tôn giả bị một thiếu nữ theo đuổi. Hôm ấy tôn giả từ tu viện Kì Viên định đi về các thôn xóm trong nước Kiều Tát La để giáo hóa. Rủi thay, trên suốt dọc đường không một nơi nào có am cốc tự viện gì cả. Không có cách nào khác, tôn giả đành tìm đến đến nhà dân chúng để xin tá túc qua đêm. Đến một thôn trang hoang dã kia, nhà cửa không nhiều, tôn giả vào một ngôi nhà xin ngủ nhờ. Ngôi nhà này lớn lắm, rộng thênh thang, nhưng oái ăm thay, hôm đó lại không có ai ở nhà, ngoại trừ một cô gái trẻ. Thật là một điều ngoài ý muốn! A Na Luật do dự. Một vị tì kheo ở trong một căn nhà với chỉ một cô gái, nên hay không nên? Vì lúc bấy giờ, trong giáo chế của Phật, không có điều nào đề cập đến điểm này. Đã vậy, lúc đó trời bỗng nhiên mây đen vần vũ, hứa hẹn một cơn giông gió dữ dằn sắp đổ ập xuống trong giây lát, tôn giả không còn chọn lựa nào khác, đành ở lại đó.

Một lát sau, lại có một cụ già vào xin tá túc, nhưng cô gái lại không cho vào. Cô gái đối xử với người già như thế, làm cho tôn giả rất lấy làm bất nhẫn. Trong khi đó thì cô đối đãi với tôn giả thật là ân cần, hết bưng trà nước lại hỏi han chuyện trò, nhưng tôn giả chỉ một mực ngồi im lặng, nhiếp tâm quán tưởng niệm Tam Bảo, trông cho mau sáng để lên đường …

Đến nửa đêm, ánh sáng của ngọn đèn dầu đã bắt đầu yếu ớt. Chợt trong vùng ánh sáng chập chờn ấy, bóng dáng cô gái từng bước ẻo lả tiến đến trước mặt A Na Luật. Với giọng nói ngọt ngào, nàng thỏ thẻ:

– Chàng quả là một vị sa môn! Em biết rằng, có ý tưởng không phải đối với một vị sa môn là tội lỗi lớn, nhưng từ lúc em trông thấy chàng thì em yêu chàng ngay. Em muốn đè nén tình yêu ấy xuống mà không thể nào làm được. Xin chàng hãy tin em. Em không phải là loại gái trăng hoa mất nết. Đã có nhiều vị công tử tài danh đến đây cầu hôn mà em không chịu ai hết. Vậy mà hôm nay nhìn thấy dung mạo thanh tú và cử chỉ đoan chính của chàng, em liền cảm thấy yêu thương rạo rực. Hiện tại em thấy không có gì xấu hổ mà xin tự nguyện hiến thân cho chàng. Xin chàng từ nay hãy ở luôn tại đây vói em, cha mẹ em chắc chắn sẽ rất vui mừng.

A Na Luật vốn là một thanh niên anh tú, lại là một vương tử, xuất thân, nhưng đối với tình yêu trái gái thì chàng hầu những không có kinh nghiệm gì, đứng trước sự tỏ tình của các cô thì rất nhút nhát. Khi chưa xuất gia, vì nổi tiếng là vương tử đẹp trai, tôn giả đã được không thiếu gì các thiếu nữ trong hoàng tộc bu quanh để cầu hôn, nhưng tôn giả đã sớm biết rằng dục tình chỉ là khổ đau chứ không phải là niềm vui chân thật; traí lại, sự tu hành an tịnh mới chính là niềm vui chân thật. Trong giờ phút hiện tại này, khi lửa dục đã dâng cao trong người con gái thì không dễ dàng gì mà dập tắt được. Biết vậy, A Na Luật chỉ ngồi nhắm nghiền đôi mắt, tỏ ý không thèm quan tâm tới nàng, như vậy thì hi vọng nàng tự biết xấu hổ mà bỏ đi. Nhưng khốn nỗi, cô gái lại hiểu nhầm thâm ý của tôn giả. Cô nghĩ rằng, vì cô chỉ nói suông nên tôn giả không vui lòng; bởi vậy, cô liền tới sát hơn và nắm lấy hai tay tôn giả! Nhưng tôn giả vẫn ngồi sừng sững như núi cao, uy nghiêm bất động. Thấy vậy, cô gái lại tấn công mạnh bạo hơn, ôm chặt lấy tôn giả! Không nhịn được nữa, tôn giả liền mở mắt ra, nghiêm nghị mắng:

– Cô nương! Sao cô không biết xấu hổ! Những người đoan chính đâu có cử chỉ suồng sả như thế! Huống chi tôi là một người đã xuất gia làm tì kheo, cô đối với tôi như vậy thật là quá vô lễ! Cô nên biết, dục tình ở thế gian chính là nguồn gốc của khổ đau, sinh tử. Tất cả những thị phi, phiền lụy ở thế gian đều do dục tình mà gây ra. Nếu biết được như vậy, giờ đây xin cô hãy ngồi xuống, tự quán sát tâm niệm mình, và cố gắng dập tắt ngọn lửa dục đang hực cháy trong lòng mình đi!

Cô gái như bừng tỉnh! Lời lẽ nghiêm khắc của A Na Luật đã làm cho cô thực sự thấy hổ thẹn. Cô cúi đầu thật thấp để ăn năn tội lỗi. Sau cùng, cô khẩn thiết xin tôn giả hướng dẫn cho cô qui y Tam Bảo và cô trở thành một vị nữ cư sĩ của giáo đoàn. Từ lần đó trở về sau, A Na Luật không bao giờ còn dám xin ngủ lại đêm ở nhà dân chúng nữa.

4.- ỐC NẰM TRONG VỎ CHỈ THÍCH NGỦ:

Trực diện với sự cám dỗ mạnh bạo của nữ sắc mà không hề bị loạn động, điều đó chứng tỏ cái tâm đạo của A Na Luật sáng rỡ, kiên cố biết chừng nào! Vậy mà có một lần, vì cái tật mê ngủ mà tôn giả đã bị Phật quở tránh nặng nề.

Hôm ấy, trong một thời giảng kinh của Phật, vì quá mệt mỏi và buồn ngủ, tôn giả đã ngồi ngủ gục trong pháp hội. Phật nhìn xuống trông thấy liền quở:

– Ôi, thầy A Na Luật! Sao mà mê ngủ như vậy! Rồi cũng giống như ốc nằm trong vỏ, ngủ vùi một giấc cả ngàn năm, đến cả một danh hiệu của Phật cũng nghe thấy được!

Một vị ngồi bên cạnh phải lay mãi, tôn giả mới tỉnh ngủ. Phật lại hỏi:

– A Na Luật! Thầy vì sợ phép nước hay trộm cướp mà đi xuất gia phải không?

Tôn giả liền đứng dậy thưa:

– Bạch Thế Tôn!, không phải như vậy!

– Vậy thì vì lí do gì mà thầy đi xuất gia?

– Bạch Thế Tôn, vì con muốn được giải thoát khỏi những ràng buộc, những khổ đau của sinh già bịnh chết.

– Tất cả đại chúng đều khen ngợi thầy có phẩm hạnh thanh cao, bị nữ sắc cám dỗ mà giới thể không hề hoen ố; thầy cho như thế đã là đầy đủ rồi phải không? Nếu không thì tại sao trong khi Như Lai nói pháp mà thầy vẫn ngủ?

Tôn giả sợ quá, vội vã quì ngay xuống, chắp tay thưa một cách cương quyết:

– Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn từ bi tha thứ cho cái tội lười biếng ngu si của con. Từ nay cho đến suốt đời, con nguyện sẽ không bao giờ ngủ gục nữa.

Thấy tôn giả thành tâm hối lỗi, Phật rất hoan hỉ và khuyên bảo tôn giả nên cố gắng tu tập. Nhưng cũng từ đó, tôn giả đã lập hạnh “không ngủ”! Suốt ngày, suốt đêm, tôn giả chỉ cố công tu tập, không giờ phút nào chịu ngủ nghỉ. Một ngày, rồi hai ngày … tôn giả cứ cố chịu đựng như thế, cho đến một hôm thì hai mắt của tôn giả sưng vù!

Khi được tin này, Phật lo lắng lắm, bèn đến khuyên bảo:

– Này A Na Luật! Trong việc tu hành, sự bất cập cố nhiên là không được, nhưng sự thái qua thì cũng không phải là điều tốt. Thầy nên bỏ cái cách tu ấy đi!

– Bạch Thế Tôn! Nhưng con đã có lời nguyện kiên quyết với Thế Tôn trong pháp hội.

– Thầy không nên câu nệ điều đó. Chính cặp mắt của thầy mới thật là quan trọng.

Tôn giả vẫn không chịu. Phật phải bảo tiếp:

– A Na Luật! Tất cả chúng sinh đều phải cần thức ăn để sống. Con mắt cũng phải có thức ăn mới sống; thức ăn đó là giấc ngủ. Vậy thầy không nên nghĩ ngợi gì khác mà bây giờ nên ngủ đi! Thầy phải biết rằng, chính niết bàn cũng vẫn cần có thức ăn!

– Thức ăn của niết bàn là gì, bạch Thế Tôn!

– Thức ăn của niết bàn là sự không buông lung. Phải không buông lung thì mới đạt tới cảnh giới niết bàn.

Tuy A Na Luật rất cảm kích đối với lòng ưa ái của Phật, nhưng lại không muốn làm ngược lại lời nguyện của mình, nên vẫn nhất định không chịu ngủ nghỉ. Thấy cặp mắt của tôn giả càng lúc càng trở nên trầm trọng, Phật cho người mời y sĩ Kì Bà (Jivaka) đến chữa trị. Kì Bà khuyên tôn giả nên ngủ nghỉ trở lại bình thường thì cặp mắt sẽ lành, nhưng tôn giả cũng không chịu. Chẳng bao lâu sau thì cặp mắt của tôn giả bị mù!

5.- PHẬT GIÚP VÁ ÁO:

Sau khi bị mù mắt, cuộc sống của A Na Luật trong tăng đoàn thật là khó khăn, bất tiện, nhất là đối với việc khất thực và may vá. Dù sao, trong tăng đoàn đã có lệ, quí vị tì kheo mạnh khỏe, mỗi khi đi khất thực về thì chia thức ăn cho quí vị tì kheo bịnh hoạn không đi khất thực được. Cho nên về sự ăn uống, tôn giả đã có quí vị khác giúp đỡ, khỏi phải lo lắng gì cả. Trái lại, vị bị mù lòa, không còn trông thấy ngoại cảnh thì đỡ phải bị ngoại cảnh làm cho tâm loạn động; điều đó càng giúp cho tôn giả tinh thục hơn, chuyên nhất hơn trong sự tu hành. Tuy thế, về y phục, đối với tôn giả vẫn còn là một trở ngại lớn.

Áo của tôn giả đã rách, muốn vá nhưng không biết làm thế nào để vá, cho đến khi cả ba chiếc áo đều rách hết mà tôn giả vẫn đành chịu. Một hôm, tôn giả A Nan, nhân đi ngang qua chỗ ngụ của tôn giả, thấy thế liền nhắc:

– Sư huynh A Na Luật! Áo của sư huynh không vá không được. Đức Thế Tôn thường dạy, y phục của tì kheo, mới cũ không thành vấn đề, nhưng phải luôn luôn lành lặn và sạch sẽ.

– Sư huynh A Nan a! Tôi cũng đã thử vá mấy chiếc áo rách này, nhưng vì mù lòa, cứ cố xâu chỉ mà không thể nào xâu được. Vậy nếu sư huynh có thì giờ, xin xâu chỉ giúp tôi!

Tôn giả A Nan rất hoan hỉ, hứa sẽ trở lại ngay để giúp tôn giả. Nhưng khi Phật trông thấy A Nan thì đã đoán biết được sự việc. Ngài hỏi:

– A Nan! Thầy muốn tìm người giúp thầy A Na Luật vá áo phải không! Sao thầy không nhờ Như Lai giúp cho?

Tôn giả A Nan giật mình, vội thưa:

– Bạch Thế Tôn! Thế Tôn là bậc chí tôn chí quí, còn đây chỉ là việc nhỏ nhặt của chúng con, chúng con đâu dám làm phiền đến Thế Tôn!

– Thôi thầy đừng nói thêm gì nữa, Như Lai muốn tự mình giúp cho A Na Luật. Như Lai sẽ cùng với thầy đi đến đó.

Lòng từ ái của Phật đã làm cho A Nan và quí vị đứng quanh đó rất cảm động.

Khi đến nơi, Phật bảo:

– A Na Luật! Thầy hãy lấy kim chỉ ra, Như Lai sẽ giúp thầy vá áo!

Nghe tiếng của Phật, A Na Luật vô cùng sửng sốt. Trong đôi mắt mù ấy người ta trông thấy có những giọt nước mắt chảy ra vì quá xúc động. Tôn giả chỉ biết im lặng mà không nói được nên lời … Và chỉ trong ngày ấy, Phật đã giúp A Na Luật vá xong ba chiếc áo.

6.- NGUYÊN NHÂN ĐỌA LẠC CỦA PHÁI NỮ:

A Na Luật tuy mắt đã bị mù, nhưng tâm trí thì vẫn rất sáng suốt. Mặc dù vậy, đối với mọi sinh hoạt của đời sống, một người không thấy đường như thế thì cũng có lắm điều không như ý. Riêng Phật thì thương xót tôn giả vô cùng. Từ sau khi giúp tôn giả vá áo. Phật thường ngày dạy cho tôn giả tu tập phép thiền định gọi là “Kim Cang chiếu sáng”, và chẳng bao lâu thì tôn giả chứng được thiên nhãn thông! Kết quả đó đã làm cho tôn giả vô cùng hoan hỉ, và Phật cũng chia sẽ niềm hoan hỉ ấy với tôn giả.

Dĩ nhiên là có nhờ vào oai lực từ bi của Phật, nhưng cũng chính là do sự quyết tâm, trì chí và nổ lực của riêng mình, cho nên tôn giả mới đạt được kết quả cao quí như thế. Bởi vậy tôn giả đã được mọi người trong tăng đoàn hết sức ái mộ và kính trọng. Từ đó, những công việc thường ngày như vá áo, rửa bát, v. v… đã không còn làm cho tôn giả bối rối nữa. Với thiên nhãn thông này, tôn giả có thể trông thấy bất cứ ở đâu, dù xa, dù gần, dù trong, dù ngoài … Những gì mọi người không thể trông thấy được, tôn giả đều có thể thấy. Trong kinh A Di Đà, danh hiệu của tôn giả được sáp vào hàng thánh chúng (tức là A Nậu Lâu Đà), để chứng minh rằng, vì nhờ có thiên nhãn thông mà tôn giả có thể thấy được thế giới Cực Lạc, làm cho vững chắc thêm lòng tin nơi chúng sinh về cõi Tịnh Độ của Phật A Di Đà.

Không những thấy được thế giới Cực Lạc, mà với thiên nhãn thông, tôn giả còn thấy cả mọi sự việc nơi chốn địa ngục. Một ngày nọ, nhân thấy trong địa ngục có quá nhiều phụ nữ bị đọa lạc, tôn giả bèn thỉnh ý Phật:

– Bạch Thế Tôn! Hôm nay con thấy có nhiều phụ nữ bị đọa vào địa ngục. Theo con nghĩ, người đàn bà thường nhân từ hơn người đàn ông, và họ tín phụng Phật pháp cũng hết sức dễ dàng. Vậy thì tại sao họ lại đọa lac vào địa ngục nhiều như thế?

– A Na Luật! Đối với giáo pháp của Như Lai, người đàn bà tín phụng hết sức dễ dàng, đó là sự thật; nhưng người đàn bà tạo các tội nghiệp cũng hết sức dễ dàng, và đó cũng là sự thật! Nơi người đàn bà, lòng tham lam, ghen ghét và dục vọng rất nặng nề, hơn hẳn người đàn ông, nên rất dễ gây nên lỗi lầm, và đó là nguyên nhân của sự đọa lạc.

Tôn giả A Na Luật đã thành tựu quả thánh, lại chứng được thiên nhãn thông, cho nên đã trở thành một trong các vị đệ tử cao cấp của Phật. Mặc dù vậy, trong một lần đàm đạo cùng trưởng lão Xá Lợi Phất, tôn giả vẫn bị trưởng lão Xá Lợi Phất quở trách một cách thẳng thắn. Câu chuyện như sau:

Hôm đó, tôn giả hỏi trưởng lão Xá Lợi Phất:

– Thưa sư huynh! Với thiên nhãn thanh tịnh, tôi có thể trông thấy khắp cả ba ngàn thế giới. Tôi luôn luôn tinh tấn, sống trong chánh niệm không bao giờ quên lãng. Hiện tại tôi cảm thấy như thân thể tôi đang vân du thanh thoát trong cõi đất trời vắng lặng. Tâm tôi đã xa lìa mọi sự chấp trước, không còn bị lung lạc. Thưa sư huynh, có phải như thế là tôi đã dứt trừ mọi phiền não và được giải thoát rồi không?

Với tư cách là vị thượng thủ cao cấp nhất của tăng đoàn, trưởng lão Xá Lợi Phất đáp lời tôn giả:

– Sư huynh A Na Luật! Vừa rồi sư huynh bảo là sư huynh đã chứng được thiên nhãn thông và thấy rõ cả ba ngàn thế giới, đó là tâm ngã mạn, sư huynh bảo là sư huynh sống trong chánh niệm không bao giờ quên lãng, đó là tâm cuồng vọng, sư huynh bảo là sư huynh đã xa lìa mọi sự chấp trước, không còn bị lung lạc, đó là tâm giao động. Theo chỗ tôi hiểu về những lời dạy của đức Thế Tôn, chúng ta phải diệt trừ được tâm ngã mạn, tâm cuồng vọng, và tâm giao động thì mới không còn phiền não và được giải thoát!

7.- NIỀM AN LẠC NƠI NÚI RỪNG TĨNH MỊCH:

Lúc bấy giờ Phật đang của trú tại Câu Thiểm Di (Kausambi – Kosambi). Một hôm nọ, một cuộc tranh chấp mãnh liệt bỗng xảy ra trong đại chúng. Phật đã đem câu chuyện về đức nhẫn nhục của vua Trường Thọ kể cho đại chúng nghe, hầu chấm dứt cuộc tranh luận. Phật bảo: “Dùng oán hận để diệt oán hận thì oán hận không bao giờ có thể diệt được. Chỉ có dùng đức từ bi và lòng nhẫn nhục mới có thể tiêu diệt được lò lửa oán hận mà thôi”.

Tuy lời khuyên bảo của Phật đã có hiệu quả với phần đông đại chúng, nhưng một số ít người vẫn bướng bỉnh, đã không chịu nghe lời Phật, lại còn tiếp tục làm cho cuộc tranh cấp càng gay gắt thêm. Thấy vậy, Phật bỗng nhớ tới con người rất mực khiêm cung, nhường nhịn, là A Na Luật, lúc ấy đang hành đạo tại rừng Ba Lị Da, nước Bạt Kì. Phật liền một mình đi đến đó để thăm A Na Luật.

Tại rừng Ba Lị Da, ngoài tôn giả A Na Luật ra còn có hai vị khác cùng tu là Bạt Đề và Kiếp Tân Na. Cả ba vị vốn là anh em họ với nhau. Lúc còn tại gia họ rất thương mến nhau, và sau khi xuất gia làng càng thương mến nhau hơn, cùng giao ước với nhau là chỉ một lòng y chỉ nơi Phật và nhất thiết đều tuân theo lời Phật dạy để tu hành. Cả ba vị đều đã chứng quả thánh. (Danh sách ba vị này, ngoài A Na Luật ra, hai vị còn lại đã có nhiều sách nói khác nhau: có chỗ thì Bà Cữu và Nan Đề; có chỗ thì Kim Tì La và Nan Đề. – Chú thích của người dịch). Cuộc sống của họ tại đây thật tịch tĩnh, hòa thuận và an lạc. Hàng ngày, buổi sáng mọi người đều vào làng khất thực. Ai khất thực xong về trước thì tự động trải chỗ ngồi cho cả ba người, rồi đi lấy nước uống, nước rửa cùng khăn lau để sẵn. Khi ăn xong, thức ăn còn dư lại thì đem để chỗ mát và trống trải hoặc trong nước sạch. Như vậy, người đi khất thực về sau, nếu thiếu thức ăn thì có thể dùng thức ăn còn lại ấy của người trước. Mọi việc dọn dẹp xong xuôi, vị ấy rửa tay chân, chỉnh đốn y áo, rồi về chỗ của mình để thiền tọa. Người đi khất thực về sau, cũng cứ như thế mà hành trì, Buổi thiền tọa có thể kéo dài tới chiều. Ai xuất thiền trước thì cũng cứ tự động đi kiểm soát xem, việc gì đáng làm thì làm, như quét dọn, lấy nước chẳng hạn. Việc gì nhắm làm một mình không nổi thì nhờ hai vị kia cùng giúp. Tất cả mọi việc đều được làm trong yên lặng. Họ nói năng rất ít. Cứ năm ngày thì họ họp một lần để chia sẽ với nhau về kinh nghiệm tu tập hoặc trù liệu các chương trình sinh hoạt mới. Cứ thế, họ sống với nhau thật hòa thuận và an lạc trong khu rừng u tĩnh ấy.

Khi Phật vừa đến phía ngoài khu rừng thì người giữ rừng liền chận Phật lại. Ông ta từ trước đến giờ chưa từng trông thấy Phật, nên không biết. Ông thưa:

– Xin ngài đừng vào rừng, vì trong ấy có ba vị thánh tăng đang tu hành.

Phật mỉm cười bảo:

– Xin ông vui lòng vào báo với ba vị ấy là có người đến thăm. Chắc chắn là ba vị ấy sẽ rất vui vẻ đón tiếp tôi.

Người giữ rừng liền vào trong thông báo. Ba người nhìn ra thì biết ngay là Phật quang lâm, nên rất hân hoan, đồng ra bìa rừng nghênh đón. A Na Luật thì tiếp lấy y bát của Phật; Bạt Đề thì lo sửa soạn chỗ ngồi; còn Kiếp Tân Na thì đi lấy nước rửa chân cho Phật. Phật hỏi thăm về nếp sống cũng như sự tiến triển tu tập của họ. Ba vị đều cứ như thật trình bày. Nghe họ nói cũng như nhìn thấy nếp sống chung của họ, Phật rất vừa lòng. Ngài khen ngợi:

– Quí thầy cùng thờ một thầy, cùng tu một đạo, đồng tâm nhất trí, đang sống chung với nhau trong một nếp sống an lạc, hòa hợp với nhau như nước với sữa. Nếp sống tốt đẹp đó của quí thầy thật ít ai có thể so sánh được!

Nhân đó Phật bèn kể lại lịch trình tu hành của mình trong những tiền kiếp xa xưa để khuyến khích thêm ba vị. Từ một nơi đầy tranh chấp đến đây và chứng kiến được một nếp sống hòa thuận tốt đẹp của ba vị tại đây, Phật rất lấy cảm kích và hoan hỉ vô cùng. Trong khi đó, A Na Luật và hai bạn đồng tu, được Phật đến tận nơi xa xôi hẻo lánh này để thăm hỏi, cũng cảm động vô cùng, lòng dâng lên một niềm vui khó tả. (Chính tại khu rừng này, lấy ba vị thánh tăng trên làm đối tượng, đức Phật đã ban bố pháp chế “Lục hòa” nhằm xây dựng một nếp sống hòa hợp, an lạc trong tăng chúng. – Chú thích của người dịch).

8.- TRỘM CƯỚP QUI Y TAM BẢO:

Nhưng không phải tôn giả A Na Luật chỉ biết ẩn mình mãi mãi nơi chốn núi cao rừng rậm. Tôn giả thường nghĩ: “Sỡ dĩ mình có được niềm pháp lạc như ngày nay là đều do ân điển của đức Thế Tôn. Muốn báo đáp ân điển đó, mình phải ra sức hoằng pháp lợi sinh. Những nơi nào chưa có người đến giáo hóa thì mình hãy đến …” Con người trông bề ngoài có vẻ rất lạnh lùng ấy, thực ra, trong lòng rất là nhiệt tình. Bởi vậy, từ cung vua, hoặc phủ đệ của các vị quí tộc, cho đến những nơi núi rừng, làng quê hẻo lánh, không chỗ nào là không in dấu bước chân hoằng hóa của tôn giả.

Tôn giả rất hay đi thăm những người bị bệnh. Ở nước Chiêm Ba (Campa) có một người tên là Ma Na Đề Na, bị bệnh nặng, chỉ nghe tôn giả thuyết pháp, rũ bỏ âu lo phiền muộn, liền khỏi bệnh. Nhiều trường hợp tương tợ như vậy, đối với các người bệnh, tôn giả chỉ cần nói pháp, an ủi là bệnh thuyên giảm. Bởi vậy, tất cả những người đang bị bệnh, biết được có tôn giả tới đều rất vui mừng. Không những có một phương pháp chữa bệnh rất đặc biệt, tôn giả còn có cách khéo léo riêng để chuyển hóa tâm tính của dân trộm cướp.

Trong một đoạn trước chúng ta đã biết, có một hôm tôn giả bị lỡ đường, phải vào một ngôi nhà vắng bên đường xin tá túc qua đêm. Đến nửa đêm thì tôn giả bị cô gái chủ nhà trêu ghẹo; và từ đó tôn giả nguyện không bao giờ còn dám ban đêm vào nhà dân gian xin ngủ nhờ nữa. Lần này, tôn giả cũng đang đi hành hóa ở một thôn trang nọ thì trời tối. Tôn giả bèn ra khu rừng ở bên ngoài làng để tĩnh tọa chờ sáng. Ánh trăng tỏa chiếu mông lung, bóng cây lờ mờ huyền ảo. Gió thổi nhè nhẹ. Thỉnh thoảng một vì sao băng vụt qua khoảng trời không …

Bấy giờ đêm đã về khuya, không gian hoàn toàn vắng lặng. Bỗng chập chờn một đám đông bóng người, từ xa đang di động dần về phía tôn giả. Tôn giả muốn ho lên một tiếng, nhưng đám người đã dừng lại phía trước tôn giả không xa lắm. Tôn giả dùng cặp mắt thần để quan sát thì thấy rõ ràng đó là bọn người trộm cướp. Họ dừng lại đó để chia nhau những của cải vừa ăn trộm được. Tôn giả bèn buông một tiếng thở dài thật lớn. Bọn trộm biết là có người trông thấy, tức thì vũ lộng binh khí sáng ngời. Một người trong bọn xẵng giọng:

– Ai đó, Hãy ra đây cho bọn tao thấy mặt, đồ khốn kiếp! Không thì bọn tao giết chết bây giờ! Tôn giả nói thật lớn:

– Các người muốn giết ta, cứ việc đến! Các ngươi giết ta thì tức khắc sẽ có người giết các ngươi!

Bọn trộm nghe thế thì hoảng kinh, ngó nhìn giáo giác, chẳng biết nên làm thế nào. Tên thủ lãnh liền lên tiếng:

– Ông bạn là ai! Đang đêm lại muốn phá hoại công việc tốt của chúng tôi!

A Na Luật nghiêm giọng trang nghiêm đáp:

– Tôi là một thầy tu, đang tĩnh tọa tại đây. Nếu bảo rằng tôi thấy các ông đang làm việc quấy thì đúng, nhưng bảo rằng tôi phá hoại việc tốt của các ông thì không đúng!

– Ông muốn tố cáo chúng tôi với quan phủ phải không?

– Tôi không có ý tố cáo các ông với quan phủ. Tôi chỉ muốn nói với các ông điều này: Hành vi sai quấy của các ông, quan phủ có thể sẽ không bao giờ biết được, nhưng luật nhân quả báo ứng thì sẽ không tha thứ cho các ông đâu! Tôi vì nghĩ đến cái tương lai buồn thảm đang chờ đợi các ông mà cảm thương các ông vô cùng!

Lời nói của tôn giả quả đã làm lay động được lòng trắc ẩn của đám người trộm cướp. Trong phút chốc họ dứt bỏ hẳn tâm hung ác; và tính lương thiện, giờ đây được cơ hội phát hiện. Họ thành tâm sám hối mọi lỗi lầm đã qua. Nghe theo lời chỉ dạy của tôn giả, trước hết, ngay sáng hôm sau, họ đem tất cả đồ vật đã lấy trộm trong đêm trước, hoàn trả lại cho các khổ chủ; sau đó, nhờ sự giới thiệu của tôn giả, họ được đến yết kiến Phật để xin qui y. Từ đó, họ quyết chí thay đổi hoàn toàn từ tâm ý, nói năng cho đến mọi hành vi cử chỉ, trở thành những người lương thiện trong xã hội.

9.- TU TẬP TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ CỦA CÁC BẬC ĐẠI NHÂN:

Tôn giả A Na Luật, một mặt cần cù trong việc hoằng pháp lợi sinh, một mặt vẫn tinh tấn trong công phu tu học. Một hôm, trong lúc thiền tọa tại một làng nọ thuộc nước Chi Đề (Cedi), tôn giả quán niệm rằng: “Không phải do tham dục mà đạt được Đạo, mà chính là do tâm biết đủ (tri túc); không phải ờ nơi ồn ào náo nhiệt mà tìm được Đạo, mà chính là ở nơi vắng lặng tịch mịch; muốn thấy được Đạo cần phải siêng năng, thường xuyên có chánh niệm, lại còn phải đa văn và rèn luyện trí tuệ”.

Bấy giờ Phật đang ngự tại một khu vườn ở nước Bà Kì Dũ. Trong lúc A Na Luật quán niệm những điều như trên thì Phật thấy rõ được tâm ý ấy của tôn giả, bèn đến tận nơi để khen ngợi và khích lệ. Lại được Phật quang lâm thăm hỏi, tôn giả xúc động vô cùng. Nhân đó tôn giả đem tư tưởng của mình trình bày lên, xin Phật ấn chứng, và thưa hỏi thêm:

– Bạch Thế Tôn! Theo tinh thần “Sáu nguyên tắc sống chung hòa hợp” (Lục hòa), mỗi cá nhân trong tăng đoàn phải quên đi những gì riêng tư, phải quên đi cái bản ngã nhỏ mọn của mình; đối với chúng sinh thì phải tuyệt đối dùng đức từ bi và lòng nhân ái để đối xử; những điều đó chúng con phải hiểu biết và phải thực hành trọn vẹn. Nhưng, bạch Thế Tôn các tín đồ tại gia thì rất đông, và các vị đệ tử xuất gia của Thế Tôn thường xuyên gần gũi với xã hội để hoằng pháp lợi sinh cũng rất đông; đối với những vị này, muốn cầu được giác ngộ và chứng nhập niết bàn thì làm thế nào, xin Thế Tôn từ bi khai thị.

– Thầy A Na Luật! Câu hỏi của thầy thật hữu ích! Những điều thầy đề cập tới đúng là những điều cần thiết của những người muốn tu học theo hạnh nguyện bồ tát. Thầy A Na Luật! Có tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân mà bất cứ là đệ tử của Như Lai, bất luận ngày đêm, đều phải tinh tấn hành trì:

– Điều thứ nhất: Phải thường xuyên quán chiếu để thấy được những tính cách vô thường, giả tạm, đau khổ, không thanh tịnh, không có tự ngã của thế gian. Phải quyết chí xa lìa sinh tử thì được giác ngộ.

– Điều thứ hai: Phải thường xuyên quán chiếu để thấy được tâm tham dục và bám chặt thế gian chính là nguồn gốc của mọi khổ đau. Phải sống một cuộc sống thiểu dục, vô vi, thì thân tâm sẽ được tự tại.

– Điều thứ ba: Phải thường xuyên quán chiếu tâm mình để thấy rằng, suốt ngày nó chỉ một mực lo tham cầu và tạo tội lỗi, không biết nhàm chán. Phải biết an vui trong nếp sống đạm bạc, biết đủ, để có thể hoàn thành sự nghiệp trí tuệ.

– Điều thứ tư: Phải siêng năng làm các việc lành, không từ chối bất cứ việc gì làm lợi ích cho người, diệt trừ phiền não, hàng phục các ma chướng; có thế thì mới mong vượt thoát được ngục tù của năm ấm và ba cõi.

– Điều thứ năm: Phải biết rõ rằng, sự ngu si thật là đáng sợ. Cho nên, đối với tất cả mọi ngành học thuật đều phải để tâm nghiên cứu và học hỏi; rồi lại phải phát tâm đem những điều đã học hỏi mà giáo hóa chúng sinh, khiến cho mọi loài đều được an vui.

– Điều thứ sáu: Phải thấy rõ rằng, vì nghèo khổ mà người ta sinh nhiều oán hận. Người tu học theo hạnh bồ tát phải biết giúp đỡ họ về mặt vật chất cũng như an ủi họ về mặt tinh thần, dù ai xử tệ với mình cũng không nên khởi niệm oán hận.

– Điều thứ bảy: Dù phải sống ở trong thế gian cũng không bao giờ để cho năm thứ dục vọng của thế gian làm chủ mình. Dù là người xuất gia hay tại gia, không bao giờ để bị nhiễm ô bởi các thứ dục lạc của thế gian. Nhất mực phải sống cuộc đời cao thượng.

– Điều thứ tám: Không nên cầu sự an lạc cho riêng bản thân mình. Phải phát tâm đại thừa, cứu độ tất cả chúng sinh xa lìa đau khổ, cùng được an lạc.

Nhân lời thưa hỏi của tôn giả A Na Luật mà Phật khai thị tám điều tu tập của hạnh bồ tát. Rất nhiều người đã nương theo đó mà tu tập, cải thiện được đời sống, làm cho thân tâm được tự tại an lạc.

10.- TUỔI GIÀ:

Trong cuộc đời tu học và hành đạo của tôn giả A Na Luật chắc chắn là có nhiều sự tích huy hoàng, và kì vĩ, nhưng rất tiếc là đã không còn chứng liệu gì lưu lại để có thể truy cứu được. Chúng ta chỉ biết được ràng, tôn giả là một trong các vị đệ tử lớn của Phật, địa vị ngang hàng với các tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v… Tôn giả viên tịch tại đâu, vào lúc nào, cũng không biết được; có điều chắc chắn rằng, trong giờ phút Phật nhập niết bàn ở rừng Câu Thi Na thì tôn giả cùng với tôn giả A Nan đều có mặt và luôn luôn túc trực bên cạnh Ngài. Trong đêm Rằm tháng Hai năm ấy, ánh trăng sáng tỏ chiếu khắp trời không, trong rừng cây Sa la, giữa cái không khí trang nghiêm, vắng lặng và đầy buồn thương, Phật bấy giờ đã 80 tuổi, đối trước đông đúc đệ tử ngồi vây chung quanh, đang dạy những lời cuối cùng về việc giữ giới, nhẫn nhục, siêng năng, giữ gìn tâm ý, v.v… Sau hết Ngài nói:

– Này quí thầy! Đối với những pháp môn Như Lai đã dạy, quí thầy hãy ghi nhớ lấy, đừng để cho quên mất! Như Lai cũng như ông thầy thuốc, chẩn bệnh và cho thuốc, còn uống thuốc hay không là do người bệnh; Như Lai cũng như người chỉ đường, chỉ rõ con đường đúng, còn đi hay không đi thì không phải là do lỗi của người chỉ đường. Này quí thầy! Những giáo pháp về Bốn sự thật, Mười hai nhân duyên v.v… mà Như Lai đã đạy, đều là những chân lí mà Như Lai đã chứng ngộ, là cây đèn sáng của thế gian, là chiếc thuyền từ trên biển khổ. Những người đã hiểu rõ và tin tưởng vào chúng thì chúng chính là cánh cửa đưa họ vào đường giải thoát. Giờ đây Như Lai sắp nhập niết bàn, đối với các giáo pháp ấy, nếu ai còn chỗ nào nghi ngờ thì hãy nên bày tỏ ra ngay để Như Lai giảng giải lại.

Phật bảo đến ba lần như vậy, đại chúng vẫn ngồi yên lặng, chứng tỏ tất cả đều không có điều gì nghi ngờ. Sau khi quán sát tâm ý của đại chúng, tôn giả A Na Luật thưa:

– Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng con không có điều gì nghi ngờ về các giáo pháp Bốn sự thật, Mười hai nhân duyên v.v… Đó là chân lí của vũ trụ nhân sinh, Trên thế gian này, mặt trời có thể trở thành lạnh, mặt trăng có thể trở thành nóng, núi Tuyết có thể trở thành biển lớn, cõi đất có thể trở thành gò hoang, nhưng giáo pháp của Thế Tôn đã dạy thì không gì có thể làm cho thay đổì được!

Sau khi Phật đã nhập niết bàn, trong kì kết tập kinh điển trong hang núi Kì Xà Quật (Gijihakuta) của 500 vị A La Hán, chắc chắn là có mặt tôn giả A Na Luật. (Trong chương nói về tôn giả Đại Ca Diếp, tác giả nói rằng, kì kết tập kinh điển lần đầu tiên này đã được tổ chức tại hang núi Tất Bát La nằm ở phía Đông Nam thành Vương Xá, khác với núi Kì Xà Quật được tác giả nói ở đây, nằm ở phía Đông Bắc thành Vương Xá. Phật Quang Đại Từ Điển – do tác giả làm chủ biên – cũng nói hang Tất Bát La là nơi kết tập kinh điển lần đầu tiên. Hang Tất Bát La, cũng gọi là hang Thất Diệp – Sapta Parnaguha, một động đá nằm trong núi Tì Bà La (Vebraha), là một trong năm tu viện ở vùng Vương Xá – Chú thích của người dịch) Nhưng dấu vết về sau đó của tôn giả thì hoàn toàn không được lưu truyền. Thật là đáng tiếc!

Tôn giả A Na Luật là người có chí khí kiên cường, chỉ vì cái bệnh mê ngủ mà thành ra mù lòa. Dù vậy, với sự tinh tấn không ngừng, từ chỗ bị mù lòa tôn giả lại chứng được thiên nhãn thông, tu hành và hoằng hóa một cách an tường tự tại, được mọi người đều xưng tán, thật không hổ là một bậc thượng thủ của giáo đoàn!

Les commentaires sont fermés.