38 Pháp (voies) Hạnh Phúc (Bonheur)

HẠNH PHÚC I – Bonheur 1 

Không thân cận với kẻ ác (Asevanā ca bālāna ) : Ne pas suivre les êtres animés de l’état de cruauté et de méchanceté

Il existe deux sortes d’êtres dans ce monde :

  • 1er Bālā: Là ác – êtres animés cruels
  • 2e Pa ita: Là thiện tri thức – êtres

Phật dạy chúng sanh cần phải học để biết người ác đặng lánh xa, vì khi ta thân cận với người ác rồi, thì không thể nào chạy khỏi quả báo đau khổ trong bốn con đường ác.

Vì vậy người ta nên học để hiểu rõ thái độ và cách cư xử của người ác cho rõ ràng để tránh xa. Trước hết chúng ta phải biết rằng, người ác họ không khác gì ta ở thể chất, hình tướng hoặc dong mạo! Người ác không phải chỉ là hạng người côn đồ, cướp bóc, hay nghèo khó, thất học hoặc bệnh tật; mà có khi họ là người cao sang, quyền quý, học thức, thượng lưu trong các giai cấp xã hội. Người ác ở khắp mọi nơi, mọi giai cấp, giai tầng, giàu nghèo, trí ngu gì đều có thể có người ác. Muốn tìm biết, xác định và nhận diện một người ác, là một chuyện không phải dễ dàng vậy.

+ Trong kinh Phật có dạy hai cách thức để ta có thể nhận ra người ác là:
1. Cách thức của các bậc trí thức giàu kinh nghiệm, từng trải việc đời – họ hiểu rõ tâm lý của người ác.
2. Cách thức của đấng Giác Ngộ, ngài hiểu rõ tâm địa của kẻ ác bằng trí tuệ.

Mặc dầu là đấng Giác Ngộ hay các bậc trí thức, hai cách thức ấy chung quy đều dạy tâm lý của con người ác để chúng ta biết mà lánh xa, ví như khoa học dạy chúng ta biết chứng bệnh của người bệnh và tìm cách tránh xa căn bệnh ấy.

Vậy, thiết tưởng chúng ta cũng nên học cho biết rõ hai cách thức để lánh xa người ác ấy.

Trước hết xin giải về cách nhận thức kẻ ác theo lời giảng giải của các bậc trí thức.

Đây tôi xin nhắc lại tích xưa tiền thân của đức Phật Thích Ca trong bộ Túc sanh truyện để quý vị dễ nhận thức:

“- Thời quá khứ, có một vị trưởng giả ở thành Ba-la-nại (Bārā asī) tên là Akitta. Sau khi cha mẹ quá vãng, ông nhận thấy đời là vô thường, khổ não, vô ngã; khi mà ba tấc hơi chấm dứt rồi, thì mọi vật ở đời, cho chí bản thân đều không thể mang theo được. Vì nghĩ vậy nên ông mới bố thí hết của cải, tài sản – không biết số lượng bao nhiêu mà kể – rồi xuất gia làm đạo sĩ ở trong rừng sâu tuyết lãnh.

Đạo sĩ Akitta hành theo hạnh tri túc, chỉ ăn lá cây và trái cây rụng ở gần bên mà thôi. Pháp hành cao thượng như thế của đạo sĩ đã làm cho tảng đá ngai vàng của đức Đế Thích nóng rực lên. Khi ấy Thiên vương mới hiện xuống và nói với ngài:

– Bạch đạo sĩ, tôi lấy làm trong sạch với hạnh tri túc của ngài. Vì vậy tôi hiện xuống đây và xin hứa với ngài rằng: Ngài mong ước điều gì, có sở nguyện như thế nào, tôi xin vui lòng giúp ngài đạt thành như ý!

Đạo sĩ Akitta đáp rằng:

– Tâu Thiên chủ! Lời hứa của ngài thật là quý giá, nhưng sự mong ước của bần đạo không có gì khó.

– Tôi biết rồi – Thiên vương nói – Đạo sĩ có một đời sống tri túc và dị giản; chẳng lẽ sở nguyện của ngài cũng tương tợ như lá cây, trái cây rụng này chăng?

Đạo sĩ nói:

– Tâu Thiên vương! Hiện giờ lá và trái cây vẫn còn, bần đạo không mong ước điều đó! Nếu đại vương có lòng từ bi thì hãy ban bố một pháp hạnh phúc cho bần đạo…

Đức Đế Thích nói:

– Đạo sĩ cứ nói, chẳng cần phải dè dặt gì cả! Cứ thật tình mong ước điều chi, ví như thuốc men, y phục… chẳng hạn – tôi sẵn lòng tuân theo sự sai bảo của ngài…

Đạo sĩ lắc đầu:

– Không! Tôi không cần những thứ ấy.

Đức Đế Thích nóng lòng hỏi:

– Vậy ngài cần thứ gì?

Đạo sĩ Akitta chậm rãi:

– Điều cần thiết nhất là “Xin cho tôi đừng gặp kẻ ác, không bao giờ làm công chuyện gì có kẻ ác nhúng tay vào”.

Đức Đế Thích hỏi lại cho kỹ:

– Vậy, lời thỉnh cầu của ngài là không bao giờ muốn gặp kẻ ác! Điều ấy còn có nghĩa là, dẫu tin tức của kẻ ác cũng xin không muốn nghe đến, nhắc đến?

Đạo sĩ gật đầu:

– Phải đúng như vậy!

Đức Đế Thích tò mò hỏi:

– Bạch đạo sĩ! Xin ngài có thể cho tôi được biết, là người ác đã từng làm gì đối với ngài trong quá khứ, để ngài phải sợ hãi dường vậy?

Đạo sĩ đáp:

– Thôi đi, thưa Thiên chủ! Đừng bắt tôi nói lại chuyện đã qua của kẻ ác! Nhưng tôi có thể nói sơ lược hành động của kẻ ác là:

* Kẻ ác hằng rủ người khác làm điều sai lầm.

* Kẻ ác làm những chuyện không phải phận sự của mình.

* Kẻ ác thường nhận thức sai lầm, cho quấy là phải!

* Kẻ ác, mặc dầu chúng ta nói ra sự chân thật, lời hay lẽ phải, nó cũng không đúng đắn nhận thức, lại còn hờn giận, chuốc oán, gây thù nữa.

* Kẻ ác không chịu hành theo luật lệ hoặc luật pháp của một nơi chốn, một xứ sở, một quốc độ.

Thưa Thiên vương, xét rằng người ác thường hay có những điều xấu xa như thế, nên ở gần chúng, gặp mặt chúng, nghe tin tức về chúng, tôi đều không muốn, đều nguyện được lánh xa! Vậy, với oai lực của đấng Thiên chủ, xin ngài hãy cho tôi được thỏa nguyện ước vọng ấy!”

Câu chuyện chấm dứt ngang đó, nhưng có lẽ tất cả chúng ta đều biết rằng, dẫu với oai lực của trời Đế Thích, ông ta cũng đành chịu, không thể nào thỏa mãn được ước nguyện cao vợi, tối thượng của bậc Đại chúng sanh!

+ Dưới đây tôi xin giải 5 loại hành động của người ác theo quan niệm của vị đạo sĩ ấy.

1- Anaya nayati dummedho [i]: Kẻ ác thích rủ rê, xúi giục kẻ khác làm điều ác, tức là kẻ ác hằng rủ người làm điều xấu quấy, sai lầm.
Khi muốn biết một người là thiện hay ác, chúng ta nên để tâm xem coi người ấy rủ rê, xúi giục ta làm những việc gì, điều gì; mà việc ấy, điều ấy là tốt hay xấu, thiện hay ác?

Ta chớ nên quên rằng: Người ác bao giờ cũng có ý định rất khác thường, là làm cho người khác đau khổ. Như ta đã biết, không phải người ác toàn là những hạng mà ta gọi là côn đồ, du đãng; trái lại lắm khi người ác lại là người mà ta tưởng là hạng trí thức, giàu sang, vinh dự; và cũng có khi chúng ta tin tưởng, sùng kính xem họ như bậc tu hành chơn chính, là vị đại đức xứng đáng với sự lễ bái, cúng dường của chúng ta, hoặc ta xem họ là người nối chí từ bi của đức Từ Phụ để tế độ chúng sanh. Vì vậy, chúng ta không nên tin càn, tưởng quấy thiếu suy xét, mà chúng ta phải dùng trí tuệ mà nhận định kẻo sai lầm – như tích vua A-xà-thế dưới đây:

“- Ông Đề-bà-đạt-đa là một vị đệ tử của Phật, người bấy giờ lầm tưởng là đấng có giới đức trang nghiêm; nhưng thật sự ông ta là người rất là ác, đã dụ dỗ, xúi giục vua A-xà-thế tin tưởng nơi ông – vì ông là một nhà sư mang lá cờ của Phật. Hơn nữa, nhà vua tuy có nhiều đức tin nhưng thiếu trí tuệ – bị Đề-bà-đạt-đa rủ rê xúi giục mới phạm tội trọng giết cha”.

2- Adhirāya niyuñjati: Kẻ ác thường làm những chuyện không phải là phận sự, là trách nhiệm của mình.
Trường hợp này, có nghĩa là kẻ ác thường hay can thiệp vào việc làm của người khác, ở gần bên mình hay với mọi người, chỉ khiến cho người ta bực mình, khó chịu, đau khổ. Để tránh nạn can thiệp nguy hại ấy, khi chúng ta làm việc gì đang trôi chảy mà có kẻ khác chen vào, gợi ý việc này, bày mưu điều nọ, chúng ta nên cẩn trọng, suy nghĩ cho kỹ, không nên vội tin cho rằng kẻ ấy có thiện chí đối với ta, giúp ta.

Tiện đây tôi xin kể một câu chuyện để quý vị suy gẫm:

“- Có một vị trưởng giả, ruộng đất cò bay thẳng cánh, bề làm ăn rất phát đạt, tấn tới – nhờ tá điền và người làm công đối với ông hết lòng thành thật. Ông trưởng giả ấy có nuôi một bầy chó thật dữ để giữ nhà.

Đột nhiên, về sau, lợi tức của ông ngày càng suy giảm, kém đi trông thấy. Ông ta lấy làm lạ, vì số ruộng và người làm công đều như cũ, và cũng không có ai thiếu công, mắc nợ. Ông hỏi lại người quản gia thì đâu đâu cũng không có gì sai sót. Điều tra mãi không ra duyên cớ, ông mới hỏi người chăn bầy trâu bò của ông, chừng ấy mới vỡ lẽ ra rằng: Bầy chó dữ của ông không giữ nhà, mà hằng ngày nó đi cắn trâu bò làm cho chúng không ăn uống gì được, vì vậy mà chúng ốm đói, gầy yếu nên không có sức lực để cày ruộng hoặc kéo xe nữa! Lợi tức bị sút giảm là do vậy!

Biết vậy, ông trưởng giả đem bầy chó nhốt lại – từ ấy lợi tức về đồng áng của ông mới trở lại mức bình thường”.

Qua câu chuyện ấy, ta thấy bầy chó đã không làm phận sự giữ nhà mà đi làm chuyện ngoài phận sự của mình, nên đem tai hại cho chủ như thế.

Xin nhắc thêm một tích nữa, tuy hơi ngây ngô, nhưng cũng gợi cho chúng ta một bài học nào đó liên hệ đến chủ đề:

“- Có một người làm vườn của vua Ba-la-nại (Bārā asī), y tính đi xem lễ bèn gọi người phụ tá lại bảo:

– Ta định đi xem lễ trong vài ngày, vậy các người ở nhà lo chăm sóc vườn, lo tưới cây, đừng bỏ quên nghe.

Khi người làm vườn đi xong, người phụ tá ấy mới gọi những người làm công trong nhóm, bảo rằng:

– Người làm vườn đối với ta thật là tốt. Vậy chúng ta thay anh ấy tưới cây, nhưng trước khi tưới chúng ta hãy nhổ hết cây lên coi rễ ăn xuống bao sâu, đặng tưới cho vừa sức nó.

Tất cả những người kia vâng lời, làm y như lời dạy bảo, những cây bị nhổ lên, đều héo và chết hết”.

Đức Bồ Tát, tiền thân của Phật Thích Ca, nghe thấy chuyện này, ngài mới nói rằng: “Những kẻ ngu muội không hiểu việc làm của mình, đành hanh suy nghĩ việc làm ngoài phận sự cho phép nên đem tai hại đến cho mình và cho người khác”.

Khi ấy ngài mới đọc câu kệ với nghĩa là: Người ngu muội dầu cố làm điều lợi ích để tìm sự an vui cũng không kết quả được, trái lại bị hư hại cũng như những người làm vườn kia vậy.

3- Dunnayo seyyaso hoti: Kẻ ác thường nhận thức sai lầm, cho quấy là phải.
Theo câu Pāḷi nầy, ta thấy sự nhận thức nầy có hai điều tương quan, liên hệ với nhau là: Nhận thức sai lầm và hành động sai lầm – đều bắt nguồn ở nơi tâm là thích điều quấy.

Nguyên người ác thường thích điều hung ác, xấu xa như hiếp đáp, cướp giựt, hành hung kẻ khác. Ai ai cũng thấy các điều đó thật là đáng ghê, đáng ghét. Nhưng kẻ ác thì trái lại, cho các điều đó là cử chỉ anh hùng, là hay, là giỏi – nên có khi còn đem những hành vi xấu ác ấy khoe khoang và lấy làm tự đắc.

+ Người ác thường có ba đặc điểm để cho ta nhận thức được dễ dàng:

a- Người ác thích quấy.
b- Tự mình làm điều ác, mà không biết ăn năn, trái lại thỏa thích và đem khoe với người khác.
c- Thấy kẻ khác làm ác thì rất thích thú và khi nghe người khác làm ác như mình, lại càng thích.

Những người ác ấy luôn thù ghét người lương thiện, coi người lương thiện là đối thủ của họ, mặc dù người lương thiện vẫn sợ họ và hay nhường nhịn họ trong mọi việc, mọi lúc, mọi khi.

4- Sammāvutto pi kuppati: Kẻ ác, mặc dù chúng ta nói lời chơn chất hay nói đúng sự thật, chúng cũng tức giận.
Tâm lý của người ác, theo câu nầy, khỏi phải giải nhiều cũng dễ hiểu. Đã là người ác thì họ không bao giờ chịu nhận lẽ phải, hay là sự chân thành của người khác đối với họ. Mặc dù người nói lời chân thật ấy với tấm lòng từ bi, hay người nói ấy là thầy tổ, cha, mẹ, là quyến thuộc hoặc vợ chồng – họ cũng đều không bao giờ nghe theo.

Họ không chịu nhận sự thật, không chịu phục thiện.

5- Vinaya so na jānāti: Kẻ ác không chịu hành động theo luật lệ, luật pháp.
Kẻ ác không bao giờ chịu hành động theo luật lệ, luật pháp của quốc độ hoặc của tôn giáo nào, mà chỉ biết làm theo bản tánh ác của chúng mà thôi.

Luật lệ của làng xã hoặc luật pháp của một quốc gia thường bảo đảm phần nào hạnh phúc cho con người – vì luật lệ, luật pháp ấy bảo vệ quyền lợi cá nhân, không cho người nầy làm hại kẻ khác.

Kẻ ác thì không chịu câu thúc theo luật lệ, luật pháp ấy, lại cứ muốn phóng túng vượt thoát ra ngoài để thỏa mãn ác tâm của mình và gây tổn hại cho người khác.

Năm điều vừa kể ở trên, kẻ ác được mô tả theo nhận định của bậc trí thức, còn dưới đây thì đức Phật phân tích kẻ ác theo tuệ giác của ngài.

Trong Tam tạng, đức Thế Tôn có dạy điều ấy trong đoạn kinh

Uparipaññāsaka – bài kinh Bālapa itasutta rằng: Nầy các thầy tỳ-khưu! Người ác có ba thái độ thấy rõ là:

1. Duccintācinti : Suy nghĩ ác
2. Dubbhāsitabhāsī : Nói lời ác
3. Dukkata kārī: Làm điều ác.

Nói một cách khác thì, theo lời Phật dạy, thái độ của người ác là suy nghĩ ác, nói ác, mà làm cũng ác; nghĩa là thân, khẩu, ý đều ác.

Thế nào gọi là suy nghĩ ác? Nói ác? Làm ác?

Lời chú giải trong kinh có dạy rằng:

* Suy nghĩ ác: Có ba điều là tham lam thái quá, mưu hại kẻ khác, oán thù và tà kiến; là không tin nghiệp báo, nhân quả và luân hồi.

* Nói ác là: Nói dối, nói đâm thọc, chửi rủa, mắng nhiếc, nói biếm, nói lời vô ích.

* Làm ác: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Ba hành động ấy có khi ở ẩn trong tâm chúng sanh, có khi phát hiện ra ngoài mặt; nên trong bộ chú giải 38 điều hạnh phúc, ba thái độ ấy chia ra làm hai hạng là:

a. Ác bên ngoài: Trong thế gian, ác bên ngoài này có thể phân làm hai loại là:

– Adhabāla [ii]: Ác ôn, nghĩa là hạng người nầy rất hung dữ, khiến người ta sợ như là bệnh ôn dịch, họ có thể giết người bằng mọi cách, hoặc bằng vũ lực, hoặc bằng mưu kế, miễn là hại được người mới vừa lòng. Hạng người này phạm đủ thập ác, chúng không tránh một điều nào, không trừ một tội lỗi nào mà không làm!

– Kalyā abāla [iii]: Kẻ ác, nhưng vẫn còn điểm thiện tâm, nghĩa là đôi khi cũng làm lành, hoặc giúp đỡ người nghèo khó, bệnh tật… Vì lòng nông nổi mà họ làm ác, nhưng lúc nào đó, họ lại ăn năn, mặc dầu không ai dạy bảo. Như vậy là hạng người nầy có ngày lo tu hành, không hoàn toàn theo thập ác.

b. Ác bên trong: Ý nói ác tính trong lòng của ta. Cũng ngụ ý nói ác tính trong lòng của chúng sanh chưa dứt trừ hẳn phiền não. Ác tính ấy là 26 điều ác của tâm, đấy là 14 bất thiện tâm sở(akusalacetasikā) và 12 bất thiện tâm (akusalacitta)[iv].

Những ác tính kể trên có tính cách xấu xa khác nhau, làm cho thiện tâm lu mờ và yếu hẳn đi, không đủ khả năng nhận định được lẽ phải quấy, nên tâm hằng phóng túng hoặc dã dượi buồn ngủ. Mặc dầu tâm ấy không thật là ác nhưng cũng không phải thiện, không tham thiền, bố thí được [v].

+ Ba trường hợp ác trên đây sẽ đem lại cho chúng sanh 08 điều tai hại trong kiếp nầy và vị lai:

1. Làm mất lợi ích kiếp nầy và vị lai của mình cũng như với người thân thuộc.
2. Thân, khẩu, ý của mình bị nhơ đục.
3. Làm cho tên tuổi xấu xa hay càng ngày càng lu mờ đi, trong xã hội không ai nhắc tới.
4. Bậc trí thức và tất cả ai cũng ghê tởm như một món đồ bẩn thỉu.
5. Ai cũng cố xa lánh không dám gần hoặc kinh sợ, như sợ một tai họa; nói theo ngôn ngữ chiến tranh bây giờ, thì sợ một quả bom nổ chậm.
6. Kẻ ác tâm không được sáng suốt để phán đoán điều phải lẽ quấy, tâm không có an lạc.
7. Kẻ ác làm cho thanh danh trong họ hàng bị lu mờ hay bị người đời xóa bỏ đi.
8. Kẻ ác sau khi chết sanh vào bốn đường ác.

+ Vì vậy, muốn được lợi ích, chúng ta phải hành theo 06 điều sau đây:

1. Không đến gần kẻ ác
2. Không ngồi gần kẻ ác.
3. Không nghe kẻ ác.
4. Không chơi với kẻ ác.
5. Cố càng xa kẻ ác càng hay.
6. Cố tâm trì giới, bố thí, tham thiền.

+ Người không thân cận với kẻ ác sẽ được 12 quả báo lành là:

1. Người không gần gũi với kẻ ác là người được hạnh phúc ưu thắng.
2. Người không chơi với kẻ ác là người đi trên chánh đạo.
3. Người không chơi với kẻ ác là đã gieo trồng giới, định, tuệ.
4. Người không thân cận với kẻ ác là đã đi theo pháp học, pháp hành và pháp thành.
5. Người không chơi với kẻ ác là không cắt đứt những điều lợi ích quá khứ, hiện tại và vị lai của mình. Nghĩa là: Khi thân thiện với kẻ ác là tự mình chuốc lấy lầm lỗi, tai họa, đôi khi làm điều tội lỗi; lại không làm lành, thì quả lành của mình có từ kiếp trước không thể trả quả được. Ví như đức vua A-xà-thế do thân cận với Đề-bà-đạt-đa để cho ông ta xui giết cha, hại Phật, phạm ngũ nghịch đại tội nên không thể đắc đạo quả được, mặc dầu vua có duyên lành từ kiếp trước.
6. Người không chơi với kẻ ác là người ở trong thiện pháp.
7. Người không chơi với kẻ ác là người hằng được các bậc thiện trí thức ngợi khen.
8. Người không chơi với kẻ ác hằng được thạnh lợi
9. Người không chơi với kẻ ác được bậc đạo đức, trí thức yêu mến.
10. Người không chơi với kẻ ác thì không đi vào đường tội lỗi.
11. Người không chơi với kẻ ác sẽ được sanh về cõi trời
12. Người không chơi với kẻ ác thì hạnh phúc đến với họ hằng ngày, không lo sợ tai họa gì do người ác gây nên.

Theo đây, tôi xin nhắc lại một vài tích xưa trong Túc sanh truyện, để mình học lời dạy của đức Phật về sự thân cận với kẻ ác, người thiện sẽ như thế nào.

Chuyện Chim Két
“- Khi xưa trên một ngọn đồi gần rừng Tuyết Lãnh, trong một ổ két có hai con két con. Ngày nọ, do bão tố, két bị lạc mỗi con một nơi. Một con rơi vào nơi cư ngụ của các đạo sĩ, một con lại rơi vào làng của kẻ cướp. Hai con chim đều được hai nơi nuôi dạy tử tế.

Hôm kia, đức vua xứ Pañcala tên Pacala ngự đi săn, vì bị lạc đường nên ngài mới nằm nghỉ trưa dưới một cội cây bên bờ suối gần làng bọn cướp. Két của bọn cướp trông thấy đức vua trang sức vàng ngọc, mới gọi bọn cướp và bảo rằng:

– Chúng ta hãy đến giết người kia để cướp của!

Nhà vua nghe được kinh sợ, lật đật chạy trốn. Ngài lại đi lạc vào nơi cư ngụ của chư vị đạo sĩ. Két của đạo sĩ trông thấy đức vua mới nói:

– Người ơi, từ xa người đến đây chắc là mệt nhọc lắm, xin mời người vào ngồi nghỉ, nơi đây là đất lành không có gì đáng phải sợ hãi cả đâu.

Đức vua lấy làm trong sạch với két và nghĩ thầm rằng:

– Cùng một loài két với nhau, một con ở với bọn cướp thì hung ác, đáng sợ; còn con ở với bậc chơn tu thì thật là thiện lương, dễ mến làm sao!”

Tích nầy cho chúng ta thấy rằng, mặc dầu là loài điểu thú nhưng chúng bị ảnh hưởng cái ác và thiện của con người nuôi. Thế thì con người làm sao thoát khỏi ảnh hưởng của cái ác và điều thiện khi sống chung lẫn giữa thế gian.

Chuyện Cây Xoài

“- Ngày xưa, đức vua Dadhivāhana ngự đi tắm dưới sông, sau khi bảo quân lính phải giăng lưới quanh nơi ấy để phòng ngừa tai nạn. Trong khi ấy có một trái chín trôi từ rừng Tuyết Lãnh, mắc vào lưới, quân hầu vớt được mới đem dâng cho vua. Ngài thấy trái lạ mới cho gọi tất cả thợ rừng để hỏi là trái chi. Những người ấy bảo rằng đó là trái xoài, một thứ trái có vị ngọt và mùi thơm. Nhà vua bèn ăn thử và cảm nhận trái xoài ấy có vị ngon ngọt, thơm lựng hiếm có! Ngài mới truyền lấy hột đem về trồng nơi thượng uyển và dạy phải chăm nom kỹ lưỡng và đặc biệt tưới bằng sữa tươi. Ba năm sau cây xoài sanh được trái, mùi vị thơm tho. Đức vua đem biếu tặng lân bang để khoe trái quý của xứ mình; nhưng trước khi đem biếu, ngài dạy phải lấy dùi nhọn đâm thủng mầm non của trái xoài. Vì vậy các nhà vua lân quốc lấy hột đem trồng nhưng không nẩy mầm, cây không mọc được.

Lần sau, khi được biếu xoài, vị vua kia liền cho lấy hột xoài lên để tìm xem duyên cớ, thì mới thấy cái mầm trong hột đã bị đâm hư rồi. Vị vua ấy hiểu được ác ý của vua Dadhivāhana, liền nghĩ ra kế độc, bèn sai một người làm vườn tin cậy đến xin vào làm vườn của đức vua Dadhivāhana.

Người làm vườn ấy đến tâu cùng vua Dadhivāhana rằng:

– Tâu Hoàng thượng, hạ thần là người chuyên môn về nghề trồng cây và hoa, đã từng làm nhiều nơi và phục dịch cho nhiều nhà vua rồi, ai cũng hài lòng. Hôm nay, hạ thần đến đây xin được phục dịch bệ hạ.

Đức vua lấy làm vừa ý, bèn thâu nhận.

Khi được vào làm, người ấy mới đem dây thần thông trồng ở nơi gốc xoài và trồng cây sầu đâu gần đó. Lúc thấy cây thần thông bò trên thân cây xoài, còn cây sầu đâu lớn lên giao nhành với cây xoài – người làm vườn tự biết là mình đã thi hành xong phận sự phá hoại, nên lanh lẹ trốn đi.

Ngày nọ, vua Dadhivāhana ngự vào vườn thượng uyển, truyền quân hầu bẻ xoài cho ngài dùng. Lạ lùng làm sao, màu sắc xoài không còn vàng óng, tươi mọng; và vị xoài lại trở nên đắng chát, chẳng còn thơm ngọt như trước. Đức vua mới phán hỏi vị quốc sư ở gần bên rằng:

– Nầy hiền khanh, tại sao mùa nầy xoài trở nên đắng hôi, mầu không đẹp như trước?

Vị quốc sư – vốn là bậc trí – quan sát kỹ cây xoài, từ gốc lên ngọn, phát giác sự việc, thấy rõ nguyên do, nói rằng:

– Tâu Đại vương, cây xoài nầy trước kia được vun trồng chu đáo, tưới sữa tươi, hiện giờ bị dây thần thông và cây sầu đâu là loại đắng quấn nhau và giao nhành đã làm cho cây mất mùi vị của xoài.

Xong, vị quốc sư mới ngâm câu kệ rằng:

“- Va agandharasupeto

Amdaya ahuva puri

Tameve puja labhamāno

Kehamb kutukapphalo

Pucinanda parivāro

Ambote dadivāhana

Mula mulenasanlattha

Sākhāsākha nisevare

Asatasannivāsene

Tenambo katukapphalo”(?)[vi]

Nghĩa là: Cây xoài nầy trước đây có màu, mùi, vị – đẹp, thơm, ngon – nhờ được chăm sóc chu đáo. Nhưng tình trạng hiện giờ như thế nào? Tâu Hoàng thượng! Cây xoài của ngài bị cây sầu đâu và cây thần thông ở chung, rễ và rễ xen lẫn nhau, nhành với nhành giao nhau. Vì mọc chung chạ với dây thần thông và sầu đâu nên xoài của ngài không còn vị ngon ngọt, mà trở nên đắng chát khó chịu như thế”.

Tích nầy chỉ cho ta thấy rằng: Sự thân cận chung lộn có ảnh hưởng như thế.

Nếu ở với người lành thì được an vui, ở với kẻ ác thì phải đau khổ, như câu tục ngữ Việt Nam: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Hoặc: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài!”

Cây xoài là vật vô tri, vô giác mà còn bị ảnh hưởng như thế. Vậy chúng ta nên lấy đó làm gương, phải biết thương mình, nên xa lánh kẻ ác, dầu người ấy là thân bằng, quyến thuộc chăng nữa. Chúng ta thường sợ kẻ ác hơn thương mình, vì vậy thường hay xu hướng theo kẻ ác để lao vào con đường rượu trà, cờ bạc, đàng điếm – đã hư thân, mất nết mà còn tạo tác thêm ác nghiệp. Đừng dại khờ bị kẻ khác xúi giục! Đừng nghĩ, nếu không theo họ thì sợ họ buồn! Cũng đừng ngại người ta cười chê là mình không biết xã giao, không biết vui chơi với bằng hữu! Nguy hiểm lắm đó! Lửa địa ngục đấy!

HẠNH PHÚC II

Pa itanañca sevanā: Thân cận với bực thiện trí thức

Thiện trí thức là người tương phản với người ác.

+ Trí thức mà chúng ta thường hiểu, có hai hạng khác nhau là:

1. Trí thức theo quan niệm của người đời: Hạng nầy là những người học cao, hiểu rộng, có bằng cấp, học vị… ví như bác học, triết gia, nhà nghiên cứu, nhà văn, giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư…

2. Trí thức theo quan niệm Phật giáo: Họ có thể là trí thức như quan niệm của người đời; và cũng có thể không cần thiết phải có bằng cấp, học hành gì ghê gớm! Trí thức, thiện trí thức – theo quan điểm của Phật giáo – họ là người hoàn toàn trong sạch, không làm tội lỗi do thân, khẩu, ý.

Như vậy, thiện trí thức là bực có thiện tâm, thiện trí – không phạm vào thập ác, mà có những thái độ như lời Phật dạy trong câu kệ Pháp cú sau đây:

“- Di he dhamme ca yo attho

Yo attho samparayiko

Atthabhisamaya dhiro

Pa itoti pavuccati”[vii].

Nghĩa là: Người hiểu lợi ích đời hiện tại, lợi ích đời vị lai và lợi ích cao quý nhứt, đó là trí thức.

Hiểu lợi ích đời hiện tại là không hành theo tà pháp, không làm trái luật của quốc độ, không làm phiền người bên mình, tức là thọ trì giới luật của Phật.

Hiểu lợi ích của vị lai là hiểu rằng đời người không bền vững, của cải, tài sản không đem theo được xuống mồ, nên không bỏn xẻn, ích kỷ, dám đem tiền của ra giúp đỡ người đời, bố thí cơm áo cho những người đói khổ được nhờ.

Hiểu lợi ích cao quý nhứt là do tu hành theo giới, định, tuệ trong kiếp hiện tại nầy để mau giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Lời Phật dạy đó có thể giải một cách thiết thực để chúng sanh hành trì cho đúng. Bực thiện trí thức theo Phật ngôn đó, phải là người:

– Phân biệt được lẽ phải, lẽ trái.

– Biết cúng dường, làm phước (bố thí).

– Hiểu rõ nguyên nhân phát sanh điều lợi lạc và nguyên nhân phát sanh điều tai hại.

+ Hơn nữa, bậc trí thức còn thực hành theo bốn điều lợi ích khác là:

1. U hānasampadā: Siêng năng làm phận sự của mình. Một là siêng năng làm công việc có tiền phụng dưỡng mẹ cha, giúp đỡ vợ con và quyến thuộc; nhưng việc làm ấy không thuộc về tà mạng và tà nghiệp. Hai là siêng năng trau giồi thân, khẩu, ý cho trong sạch.

2. Rakkhāsampadā: Hết lòng gìn giữ của cải đã có, về vật chất cũng như tinh thần.

Về vật chất: Đừng dễ duôi để mất và tiêu phí tiền của, gia sản vào những việc như cờ bạc, rượu chè…

Về tinh thần: Ráng lo tu trì giới hạnh của mình đã có – vì đây là của cải, tư lương rất quý báu ta có thể đem theo về ngày vị lai…

3. Kalyā amittata: Có bạn lành, nghĩa là nên thân cận với các bậc trí thức, bực có giới đức trang nghiêm để học hỏi điều hay lẽ thiệt và cả các pháp giải thoát.

4. Sammājīvita: Nuôi mạng chân chính, nghĩa là làm những nghề nghiệp nuôi mạng mà không phạm với luật đời và luật đạo.

+ Ngoài bốn điều lợi ích kể trên, người gọi là trí thức còn phải hành theo những pháp sau đây:

1. Saddhā: Có đức tin – tin nhân quả và nghiệp.

2. Sīla: Trì giới – người trí thức, nếu là tại gia cư sĩ, ít nhất phải có ngũ giới trong sạch, trên nữa là bát quan trai.

3. Cāga: Bố thí (dứt bỏ).

4. Paññā: Có trí tuệ để nhận định lối tà, nẻo chánh và biết quán chiếu để thấy rõ ba tướng vô thường, khổ não và vô ngã.

+ Trong bộ chú giải 38 pháp hạnh phúc còn có dạy rằng: Phàm người trí thức còn có mười đức tính để chúng sanh có thể nhận biết được, là:

1. Dhīro: Người thông minh, hiểu biết (người sáng trí).

2. Paññā: Người có trí tuệ thấy rõ, biết rõ vô thường, khổ não, vô ngã.

3. Bahusuto: Người nghe nhiều, hiểu rộng về pháp học.

4. Dhorayho [viii]: Người hết lòng tinh tấn hành theo pháp hành là chỉ tịnh và quán minh.

5. Sīlasampatti: Người có giới đức trong sạch.

6. Vatavanto [ix]: Bực có đức hạnh thanh cao, nếu là bực xuất gia thì hằng giữ hạnh đầu-đà, nếu là cư sĩ thì hành hạnh tri túc.

7. Ariyo: Bực xa kẻ thù, nghĩa là xa phiền não (Bậc cao thượng – thánh nhân)

8. Sumedho: Bực có trí tuệ nghĩa là người ráng lo bồi đắp thánh tuệ là tuệ giải thoát.

9. Tadiso [x]: Người có đức tin bất động – nghĩa là người có niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo, không có gì có thể làm xao động, lay động được – mặc dầu là những miếng mồi cao quý đến đâu.

10. Sappuriso [xi]: Bực có thân, khẩu, ý trọn lành.

+ Khi thân cận với các bậc trí thức, phải thực hành như thế nầy thì mới có kết quả tốt:

1. Đến ở gần bên người.

2. Ngồi bên người để nghe giảng dạy.

3. Chú tâm nghe lời giảng.

5. Cố nhớ pháp đã nghe

6. Cố suy nghĩ về pháp đã nghe.

7. Khi suy nghĩ thấy rõ và biết rõ đó là chánh pháp thì nên hết lòng hành theo.

8. Tinh cần thực hành thiện pháp.

9. Phải làm cho 3 điều thanh tịnh được hiển lộ, đó là:

– Sīlavisuddhi: Giới thanh tịnh

– Cittavisuddhi: Tâm thanh tịnh

– Paññāvisuddhi: Tuệ thanh tịnh.

10. Cố hành cho mau đắc đạo quả Niết-bàn.

+ Sự thân cận với các bậc trí thức có những kết quả sau đây:

1. Được thông hiểu pháp học, pháp hành và pháp thành.

2. Được làm ba điều lành là bố thí, trì giới, tham thiền.

3. Được giác ngộ sáu điều mà đức Phật gọi là cao thượng:

– Dassanānuttariya: Thấy cao thượng

– Sotānuttariya: Nghe cao thượng

– Lābhānuttariya: Được cao thượng

– Sikkhānuttariya: Học cao thượng

– Paricara ānuttariya: Hầu hạ cao thượng

– Anussatānuttariya: Niệm (tùy niệm) cao thượng

4. Được hành theo pháp của các bậc trí thức.

5. Không sợ có sự tai hại và oan trái.

6. Biết rõ đường sanh về nơi an lạc là cõi trời và người; biết ác đạo mà lánh xa.

7. Tự mình được an vui.

8. Được sự khen ngợi của quần chúng nhứt là của bậc có đạo hạnh thanh cao.

9. Có danh thơm đồn đãi đi mọi nơi.

10. Không bị đọa vào ác đạo.

11. Được an vui trong kiếp nầy và phước báu cõi trời trong kiếp sau.

+ Sự thân cận với các bậc trí thức thật là hữu ích, mặc dầu chỉ gần các ngài trong một thời gian thôi.

Huyển Ba Hoàng hậu Mallikā của vua Ba-tư-nặc

Các bậc trí thức ở nơi nào đều đem sự an lành đến nơi ấy. Hơn nữa các vị còn tùy lúc, tùy thời cứu nguy cho kẻ khác nữa; như tích của bà Hoàng hậu Mallikā của vua Ba-tư-nặc (Pāsenadi) có giải trong bộ kinh Pháp cú quyển 3 [xii] như vầy:

“- Đêm nọ, đức vua Ba-tư-nặc nghe bốn tiếng la thật to là: “Du, Sa, Na, So” làm ngài lấy làm kinh sợ. Sáng ngày lâm trào, đức vua cho thỉnh các vị bà-la-môn chuyên về đoán điềm lành dữ vào triều kiến và phán hỏi nguyên do.

Các thầy bà-la-môn ấy mới nói rằng:

– Tâu đại vương, đây là điềm bất thường, có hại đến ngai vàng và bệ hạ nữa, nếu ngài không tế thần lửa.

Cách thức tế thần lửa ấy thật là dã man. Trước hết phải tìm cho đủ một trăm giống thú đực và cái, trăm đồng nhi nam và đồng nhi nữ. Rồi đào một cái hầm thật to, đốt lửa cháy hừng hực xong mới giết cả thú và người, lấy máu đổ vào lửa.

Đức vua nghe lời tấu trình của chư vị bà-la-môn, lấy làm kinh sợ, mới truyền lệnh phải lập đàn tràng để tế thần lửa ngay tức khắc. Trong khi sắp làm lễ, thì đồng nhi nam nữ kêu gào, la khóc, những con thú bị nhốt cũng sợ hãi kêu rống. Những âm thanh ấy làm náo loạn, vang động cả không gian. Bà hoàng hậu nghe được, lấy làm lạ, mới vào hầu vua và hỏi tự sự. Đức vua mới thuật chuyện ấy cho bà nghe, bà mới tâu rằng:

– Thật Hoàng thượng không thông minh chút nào cả. Một khi gần bên ta có đức Giác Ngộ là Thiên Nhơn Sư, là bậc Đại Trí Thức, mà không hỏi, lại đi hỏi các thầy bà-la-môn ấy.

Đức vua tỉnh ngộ mới vào hầu Phật và hỏi về bốn tiếng lạ ấy. Đức Thế Tôn dạy rằng:

– Bốn tiếng “Du, Sa, Na, So” ấy là của bọn ngạ quỷ, vốn là quyến thuộc của ngài, đã chịu đói lạnh từ mấy kiếp Phật đến nay; biết ngài sanh làm vua, muốn kêu cầu cứu ngài, để ngài làm phước hồi hướng phước cho chúng thôi.

Đức vua nghe vậy lấy làm trong sạch, khi về đến hoàng cung, ra lệnh thả hết người và thú sắp tế lễ. Ngày hôm sau, tổ chức buổi bố thí, cúng dường lớn đến đức Phật và chư tăng để hồi hướng đến cho ngạ quỷ thân thuộc nhiều đời kiếp. Nhờ vậy, chúng ngạ quỷ kia được thoát khổ và được sanh thiên.

Từ đó, tất cả mọi người, ai ai cũng đều tán dương ân đức của hoàng hậu Mallikā”.

Nhắc tích nầy cho ta thấy rằng các bậc thiện trí thức hằng đem lợi ích đến cho tất cả mọi người – như trong trường hợp trên thì được thoát khỏi sự ác độc của các thầy bà-la-môn – thường làm cho chúng sanh kinh sợ. Chúng ta nên nhớ rằng, trí thức thật sự – không hẳn là người học nhiều, hiểu rộng, có bằng cấp, học hàm, học vị hoặc khoác bên ngoài một bộ đồ tu! Cần phải có trí tuệ để suy nghĩ và quan sát như những đoạn kinh dạy về thiện và ác ở trên – mới phân biệt được kẻ ác và người thiện qua hành động, việc làm và tính cách của họ.

HẠNH PHÚC III

Pūjāca Pūjanīyāna : Cúng dường đến bậc đáng cúng dường.

Những nhà nông chuyên nghiệp, lúa đã về đến sân nhà rồi, ấy cũng chưa phải là xong chuyện, còn phải làm thêm ba việc cần yếu nữa là:

1. Phải sàng sảy, xả bỏ tất cả lúa lép.

2. Lấy phần lúa hạt chắc, phơi khô rồi cất vào bồ.

3. Lựa loại hạt lúa tốt nhất để làm giống cho mùa sau.

+ Người đã tu theo Phật cũng phải biết bắt chước như “lão nông tri điền” kia:

1. Phải xa kẻ ác, như nhà nông sàng bỏ lúa lép (Đã làm rồi – hạnh phúc I)

2. Thân cận với bậc trí thức, như nhà nông chọn hạt lúa chắc cất vào bồ để dành (Đã làm rồi – hạnh phúc II).

3. Cúng dường đến các bậc đáng cúng dường, cũng như nhà nông lựa chọn giống lúa tốt để làm mùa sau (Đang làm – hạnh phúc III).

Phần đông chúng ta chỉ hiểu rằng, cúng dường là lo sắm sửa nhang đèn, bông hoa dâng trước tượng Phật, hay dâng đến chư đại đức. Hiểu như vậy cũng đúng, nhưng chưa rốt ráo, chúng ta còn cần phải hiểu rõ thêm nữa là:

– Ý nghĩa của cúng dường.

– Nhân vật nào đáng cho ta cúng dường?

– Nguyên nhân cúng dường.

Cúng dường đúng lời Phật dạy có một ý nghĩa cao sâu, mầu nhiệm vô cùng. Người có tâm trong sạch, đem lễ vật vào chùa cúng Phật hoặc Tăng, người ấy là tốt đấy, là Phật tử thuần thành đấy – nhưng chưa thông đạt rốt ráo ý nghĩa lời dạy của đức Toàn Giác.

Ở đầu sách này, dưới mục “Nguyên nhân có pháp hạnh phúc” chúng ta đã phân biệt 38 pháp hạnh phúc, chia làm hai loại:

– Một loại của người trí thức học nhiều hiểu rộng – quan niệm như thế nào rồi tự tin, tự thực hành như thế ấy.

– Loại thứ hai là của đức Phật, dựa vào sự thấy biết của ngài, qua kinh nghiệm tâm linh tu chứng mà ngài đã giác ngộ dưới cội Bồ-đề, sau bao nhiêu A-tăng-kỳ kiếp.

Tôi xin nhắc lại trong 38 pháp hạnh phúc – đức Phật đã hành trì, đã chứng nghiệm nên ngài đã thuyết ra 38 cách thức, trường hợp và thứ loại khác nhau. Sự cúng dường là một chi, trong 38 chi, hay làmột hạnh, trong 38 hạnh mà Phật tử phải hành theo.

Trước hết nên hiểu rõ tiếng pūjā (cúng dường) nghĩa là gì? Chúng ta thường lầm lẫn sự cúng dường ấy tương tợ chữ dāna, nghĩa là bố thí, trong pháp hạnh phúc thứ 15. Sự cúng dường trong ngụ ý ở lễ bái, ở đây, phải được thể hiện một cách trang trọng và long trọng hơn. Vì sự kính trọng, tôn kính như thế mới được gọi là cúng dường.

Theo sách chú giải, sự cúng dường ấy, được gọi là pūjā thì phải có đầy đủ ba tánh chất sau đây:

– Pagga ha: Ca tụng, tán dương.

– Sakkāra: Vật để cúng dường phải trân trọng.

– Sama a: Nhân vật đáng kính trọng

1- Pagga ha: Ca tụng – nghĩa là tán thán, ca tụng nhân vật mà ta cúng dường, như ta ca tụng ân đức Tam Bảo theo kinh Tam Bảo. Hoặc như ta tán thán rằng, Phật là đấng Đại từ bi, thực hành trọn đủ ba-la-mật để tìm đường giải thoát tế độ cho chúng sanh. Pháp là con đường đức Thế Tôn đã đi đến nơi vô sanh bất diệt. Tăng là bậc đã lìa xa thế tục, bỏ mọi dính mắc, đam mê, bỏ cả chính bản thân mình để cần cầu giải thoát; là bậc thấy biết rõ rệt vô thường, khổ não, vô ngã – và cố hành trì tu tập để ra khỏi luân hồi; là bậc đáng thay mặt đấng Giác Ngộ dắt dẫn chúng ta ra khỏi bể khổ trầm luân.

2- Sakkāra: Vật cúng dường, đây là những vật dụng đem đi cúng dường cho nhân vật mà mình muốn cúng dường, thể hiện lòng sùng bái của ta đối với nhân vật ấy và cũng thể hiện hạnh bố thí của ta.

3- Sama a: Kính trọng, là kính trọng một nhân vật nào mà ta đem lễ vật đến dâng, nhưng ta không có tâm mong muốn một tư lợi nào do người ấy ban bố cho ta.

Tóm lại, sự cúng dường phải có đủ ba tính chất do sự ca tụng, vật cúng dâng và nhân vật thọ nhận sự cúng dường.

Sự cúng dường cũng như cái ăn. Ta chẳng nên nghĩ rằng ăn gì cũng được miễn là no bụng thôi. Nghĩ vậy là sai lầm. Ta cần ăn, nhưng phải là món ăn bổ ích cho cơ thể ta, nếu không bổ ích cũng không phương hại đến sức khỏe ta. Sự cúng dường cũng vậy, ta phải biết chọn lễ vật thích đáng để cúng dường.

Nhân vật mà ta cúng dường là ai?

– Người.

– Lời giảng dạy.

– Và một số người.

Người thọ cúng là một vị nào, một đấng thiêng liêng hoặc một vị giáo chủ nào hay là một bậc có công đức đối với chúng ta? Như cha mẹ và đức Phật là hai bậc đáng cho ta cúng dường.

Lời giảng dạy tức là Pháp bảo, tức là lời giảng dạy của đức Phật, cũng là con đường mà chư Phật tử đang noi theo để đi đến cõi người, trời và Niết-bàn.

Và một số người, cùng một nhóm người – tức thị chư Tăng, là bậc có giới đức thanh cao, người thoát khỏi vòng của sắc tài, danh lợi, là người giương cao ngọn cờ của Phật giáo, là người có thể thay thế Phật để dạy tín đồ, là vị có chí hướng thanh cao, có đức từ, bi, hỉ, xả.

+Có hai hạng người xứng đáng thọ cúng dường là:

1. Người có công đức cao vợi và vô lượng như đức Phật, là đấng có đủ trí minh, hạnh minh; là đấng tìm ra con đường giải thoát, giáo hóa chúng sanh không nài cực nhọc.

2. Người có công sanh dưỡng là cha mẹ; và người có công chỉ dạy con đường giải thoát cho ta là chư tăng và các bực thầy tổ.

Nói tóm lại, sự cúng dường và sự đền ơn khác nhau. Ta có thể cúng dường chư Phật, vì chư Phật dạy đời không vì tư lợi hay bởi danh vọng, cũng không mong được chúng sanh kính nể, mà chỉ dạy đời với tất cả tấm lòng từ bi, thương xót chúng sanh phải luân hồi khổ não, chẳng khác nào người mẹ hiền thương con dạy con với tấm lòng như trời như biển.

Còn cha mẹ nuôi con cũng chẳng cần sự đền đáp, mà cũng không bao giờ kể công với con. Cha mẹ là đức Phật đối với con. Người không phụng thờ cha mẹ mà cúng dường đến đức Phật, thật không bổ ích vào đâu cả, đúng với câu: “Phật trong nhà không thờ, đi thờ Thích-ca ngoài đường”.

Như vậy, ngoài hai đối tượng trên mới xứng đáng được gọi là cúng dường; còn trên thế gian, những người giúp đỡ ta, có ân với ta thì ta chỉ nên đền đáp – vì nhớ ơn chứ không phải cúng dường!

+ Cúng dường có nhiều ý nghĩa như là:

1. Cúng dường có nghĩa là, đệ tử đem lễ vật đến dâng cho thầy tổ để tỏ lòng biết ơn các ngài đã chỉ dạy cho mình con đường giải thoát.

2. Cúng dường có nghĩa là, kính trọng các bậc có ân đức cao thượng, là có tuệ giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.

3. Cúng dường theo ý 38 điều hạnh phúc của đức Phật đã dạy là: Khi mình đã hiểu ra nhân vật mà mình hiểu, hiểu rằng nhân vật ấy là bậc thánh nhân, còn nếu không phải là thánh nhân chăng nữa, cũng là người đang thực hành con đường đến nơi giải thoát. Hiểu như thế rồi ta hết lòng kính trọng, hành theo lời giảng dạy của đức Thế Tôn – vì hành theo thánh đạo để tự giải thoát cho mình cũng là cúng dường cao thượng mà chư Phật và chư thánh nhơn thường lấy làm hoan hỷ.

4. Cúng dường cũng có nghĩa là lễ bái với tất cả tấm lòng cung kính đến đấng có ân đức cao thượng là:

– Paññāgu a: Ân đức là trí tuệ (Tuệ đức).

– Karu āgu a: Ân đức là tâm bi mẫn (Bi đức)

– Visuddhigu a: Ân đức là trọn lành (Tịnh đức).

+ Cúng dường có hai thể cách:

– Amisapūjā: Cúng dường bằng vật dụng, như là cơm, nước, y phục, chỗ ở và thuốc men.

– Pa ipattipūjā: Cúng dường bằng sự hành đạo để mau tới nơi giải thoát, như người tại gia cư sĩ, khi tin theo lời Phật dạy thì quy y Tam Bảo, hành theo ngũ giới, bát quan trai giới; lại có thể cố gắng tham thiền để mau dứt trừ hoặc lắng yên phiền não. Đây gọi là cách cúng dường cao thượng đến chư Phật.

Sự tích của một phụ nữ nghèo cúng dường đến đại đức Ca-diếp

Đây, để giải rộng về hai thể cách cúng dường ấy, tôi xin nhắc lại sự tích của một phụ nữ nghèo cúng dường đến đại đức Ca-diếp…

“- Gần thành Rājagaha có một hang động tên Pipphali. Trong hang động ấy có đại đức Ca-diếp nhập đại định bảy ngày. Sau khi xả định, ngài dùng thiên nhãn xem thử người nào có duyên với ngài. Xét thấy một cô gái rất nghèo đang canh giữ ruộng bắp là hữu duyên – nên ngài ôm bát khất thực đi đến nơi ấy. Khi trông thấy đại đức Ca-diếp, cô liền phát tâm kính thành và rất trong sạch, thầm nghĩ rằng:

– Nhiều khi ta có vật cúng dường lại không gặp đươc ngài; đôi khi gặp được ngài lại không có vật để cúng dường! Hôm nay, thật là hy hữu, ta có vật cúng dường lại gặp được ngài! Ôi! Thật là quý hóa biết chừng nào!

Vật mà cô ấy hiện có là hột nổ (bắp rang). Cô liền đem một bát hột nổ ấy dâng cúng đến ngài Ca-diếp rồi phát nguyện rằng:

– Bạch ngài, duyên lành của đệ tử gieo trồng hôm nay, xin cho đệ tử đắc những pháp mà ngài đã đắc!

Rồi ngài ra về. Cô giữ ruộng bắp được làm phước trong lòng vui thích vô cùng. Khi ấy, vì vô ý cô lại đạp nhằm một con rắn độc, cô bị rắn cắn chết liền tại chỗ. Vì trong khi chết tâm cô vui với phước, cô được sanh về cõi trời Đao Lợi; ví như người đang ngủ giựt mình tỉnh dậy, cô thấy cô đang ở trong một tòa lâu đài bằng vàng”.

Tích nầy còn dài hơn nhưng chỉ nhắc sơ lược để chúng ta dễ nhớ và thấy rằng, sự cúng dường đến các bậc đáng cúng dường có được nhiều hạnh phúc như vậy. Sự tích cô giữ bắp còn cho ta thấy rằng, sự bố thí hay cúng dường của ta không quá thiên trọng về vật chất (vật ấy tốt, nhiều, có giá trị) – mà quý ở tấm lòng trong sạch và sự thành kính của chúng ta. Chúng ta không nên nghĩ rằng, giàu hay nghèo – phải tùy theo hoàn cảnh của mỗi người – chính tấm lòng trong sạch và sự thành kính của mình lúc cúng dường mới là điều đáng quý.

Sự cúng dường vật dụng bằng tấm lòng trong sạch đã cao quý như thế, nhưng sự cúng dường bằng hành đạo giải thoát còn vô cùng cao quý hơn thế nữa.

Cúng dường đến đức Phật, cao thượng hơn hết là quyết tâm thọ trì giới hạnh cho tinh nghiêm, hành thiền định cho tinh tấn, dùng trí tuệ quán xét ba tướng để giải thoát sinh tử.

Khi đức Thế Tôn sắp nhập diệt dưới cội Sālā, chư thiên, phạm thiên đem các kỳ hoa dị thảo lại cúng dường đức Phật, chất cao như núi, rải đầy cả mặt đất. Đức Thế Tôn trông thấy như vậy mới gọi tôn giả Ānanda đến mà dạy rằng: “Sabbaphāli phulla kho ānanda yamakasālā alakapuppehi tathāgatassa sarira okiranti…”

– Nầy Ānanda! Hai cây Sālā trổ bông sái mùa và rụng trên mình Như Lai, đó là tỏ ý cúng dường Như Lai. Bông Mandārava (Tàu âm là hoa Mạn-thù) từ trên không rơi xuống trên mình Như Lai cũng tỏ ý cúng dường Như Lai. Những tiếng đờn ca, kèn trống ở trên không, đều là những phẩm vật cúng dường Như Lai cả. Nhưng mà nầy Ānanda! Như Lai không cho rằng cúng dường trọng thể như vậy là kính mến Như Lai đâu! Nầy Ānanda! Nếu các đệ tử trong hàng tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận sự nam, cận sự nữ là người cố gắng hành đúng theo lời dạy bảo của Như Lai, ấy mới gọi là người kính mến, yêu thương và cúng dường trọng thể đến Như Lai. Vậy, ai là những đệ tử sống trong giáo pháp của Như Lai nên học thuộc lòng rằng: “Chúng ta tôn trọng chánh pháp – thì phải hết lòng thực hành chánh pháp không dám dễ duôi, phóng dật!” Các người nên nhớ như vậy!

Đức Thế Tôn còn dạy thêm rằng:

– Ānanda nầy! Như Lai không phải là đấng để chúng sanh cúng dường bằng các vật cúng dường như vậy. Những công đức mà Như Lai đã phát nguyện dưới chân của các đấng Giác Ngộ, nhất là đức Phật Nhiên Đăng – không phải là để ước muốn những vật cúng dường tầm thường ấy!

Do vậy, trong Nikāya, kinh Parinibbāna, đức Phật có dạy rằng: “Như Lai không phải là đấng cho mọi người cúng dường hương hoa cũng như các lễ phẩm nào khác!”

Lời dạy trên đây về sự cúng dường, mới nghe qua, tựa hồ như không nhất quán với nhiều lời dạy khác rải rác ở trong Tam tạng – về quả báo của sự cúng dường! Ví như có đứa trẻ cúng dường đến đức Phật một nắm đất sau được quốc gia, lãnh thổ – như vua Asoka! Ví như rất nhiều người khác, với vật thí nhỏ mọn không đáng kể, nhưng với tâm tín thành, trong sạch, dâng cúng đến đức Phật đã có được phước báu vô lượng! Thật ra, những lời dạy sai khác, cho nhiều căn cơ trình độ khác nhau, tùy lúc, tùy hoàn cảnh, tùy căn cơ – chúng không những không mâu thuẫn mà còn bổ túc cho nhau hoặc từ nghĩa cạn đến nghĩa sâu của sự cúng dường vậy. Ta nên biết rằng, mọi hương hoa, lễ phẩm hoặc cho đến tối thượng của tài thí chỉ đưa đến phước báu nhân thiên; nhưng sự cúng dường bằng cách thực hành pháp, không những có phước báu nhân thiên mà còn chứng đắc tứ quả, tứ thánh và Niết-bàn. Vậy, đâu cạn, đâu sâu, đâu cao thượng hơn, chúng ta thấy biết tức khắc! Còn nữa, sở dĩ đức Phật dạy đi, dạy lại như thế là vì tâm từ bi vô lượng vô biên của ngài – muốn chúng sanh cúng dường ngài bằng công đức tu hành của mình chứ không phải bằng lễ phẩm vật chất. Và đây cũng là bài học còn nóng hổi, còn giữ nguyên vẹn giá trị trong thời đại chúng ta. Biết bao nhiêu thầy tỳ-khưu hiện nay không chịu tu tập giới định tuệ, mà chỉ lo chỉ bày cho thiện nam tín nữ cúng dường vật này, vật nọ; xây dựng muôn nghìn cái tháp, mấy triệu cảnh chùa để chứng tỏ Phật giáo đang thạnh hành! Chỉ có những thiện trí thức thực sự, những bậc tu hành chân chính mới nhận thức đúng đắn lời dạy bảo của đức Phật: Thực hành theo chánh pháp, hướng dẫn muôn người thực hành theo chánh pháp – thì lúc ấy Phật giáo mới thực sự hưng thịnh, mới trường tồn!

Lời dạy về sự cúng dường trên đây có nhiều lợi ích là:

– Tín đồ tuân thủ thực hành theo chánh pháp để mau giải thoát.

– Khi thực hành đúng theo kinh luật thì Phật giáo không bị suy đồi, tàn mạt.

– Các vị tỳ-khưu không thể lợi dụng sự lập chùa, đúc tượng… để thủ tư lợi.

Đức Thế Tôn dạy cúng dường cao thượng như thế chỉ có một ý cao sâu mầu nhiệm, là ngài muốn chúng sanh phải ráng lo tu hành, mau giải thoát khỏi luân hồi và không muốn để các vị tỳ-khưu bất chính khai thác lòng tín ngưỡng của tín đồ, để mưu lợi riêng cho cá nhân mình. Sự thật, khi tín đồ hiểu thông lý đạo, thì dầu chư Tăng có cấm họ cúng dường, họ vẫn cúng dường như thường, vì họ nhận thấy rằng đó là phận sự của cư sĩ tại gia – đồng thời, nó cũng là một phương pháp đối trị và diệt trừ phiền não là lòng tham lam trong chính họ.

Đức Thế Tôn không khen ngợi sự cúng dường bằng vật dụng tài thí ấy, ngài lại khen cúng dường bằng sự hành đạo rằng:

– “Nầy Ānanda! Trong hàng tứ chúng, có một người nào hành đúng theo phận sự của mình, người ấy gọi là người cung kính và cúng dường đến Như Lai. Vì lẽ ấy, các người hãy lo thực hành theo chánh pháp” (Dīghanikāya, kinh Parinibbāna).

Những lời Phật dạy trên đây thật là quý báu vô cùng! Giờ phút nhập diệt đã kề rồi, mà ngài vẫn không quên những đứa con nhỏ dại, đang ở trong những cảnh ngộ giữa nhiều cám dỗ và cạm bẫy của ma vương, nên ngài có dặn lại câu cuối cùng như thế. Chúng ta là hàng Phật tử chân chánh nên nhớ câu nầy mà chăm chuyên hành đạo để khỏi phụ ân ngài.

Ngày rằm tháng giêng đức Thế Tôn cho các hàng đệ tử hay rằng còn ba tháng nữa ngài sẽ nhập diệt. Các vị tỳ-khưu còn tâm phàm cất tiếng than khóc, tiếc thương. Duy có một vị đại đức tên là Tissa không đau buồn, thở than gì cả vì ngài nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn sẽ nhập diệt vào ngày rằm tháng tư mà tâm ta vẫn còn nhiều phiền não, vậy ta phải đạt cho kỳ được A-la-hán quả trong khi ngài còn hiện tiền”.

Rồi tỳ-khưu Tissa kiếm nơi vắng vẻ, an tịnh để gia công tu tập thiền quán.

Chuyện ấy thấu đến tai đức Thế Tôn, ngài cho mời vị ấy lại và hỏi sự thật như thế nào?

Vị đại đức bèn thưa rằng:

– Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử xuất gia đã lâu nhưng chưa đắc đạo quả gì cả, nên tự xét rằng, đệ tử không xứng đáng là Phật tử biết kính thương đức Từ Phụ.

Đức Thế Tôn đáp:

– Lành thay! Nầy các thầy tỳ-khưu! Người nào thật biết kính thương Như Lai, kẻ ấy nên thực hành như Tissa, vì những người cúng dường ta bằng vật phẩm, tràng hoa… không gọi là cúng dường ta, chỉ có người thực hành theo chánh đạo mới gọi là người cúng dường Như Lai một cách xứng đáng, một cách rất chơn chánh vậy.

Rồi ngài thuyết câu kệ:

“- Pavivekarasa pipvā

Rasa up asamassa ca

Nyddaro hopi nippāpo

Dhammappitirasa pivampi”[xiii].

Nghĩa là: Các bậc thánh nhơn hưởng vị của thanh tịnh, vị của vắng lặng, vị của hỷ lạc trong thiện pháp (đạo quả và Niết-bàn), các ngài biết rõ sự nóng nảy của phiền não không còn nữa, hoàn toàn trong sạch và vô tội.

Tóm lại, sự cúng dường cao quý nhất trong Phật giáo là thực hành đúng theo chánh pháp để giải thoát cho bản thân mình. Nếu tất cả hàng tứ chúng đều hành theo lời Phật dạy, thì Phật giáo sẽ còn hưng thạnh đến năm ngàn năm.

[i] Anaya: vô phúc, bất hạnh; nayati: hướng dẫn; dummedho: điên rồ.

[ii] Adha: Mù quáng.

[iii] Kalyā a: Mỹ lệ, yêu kiều, hạnh kiểm tốt.

[iv] 12 bất thiện tâm: 8 tham, 2 sân, 2 si. 14 bất thiện tâm sở: Si, vô tàm, vô quý, trạo cử, tham, tà kiến, mạn, sân, tật, xan, hối, hôn trầm, thụy miên, nghi.

[v] 12 bất thiện tâm và 14 bất thiện tâm sở là nguồn gộc của mọi tội ác, tội lỗi, xấu xa trên trần đời. Còn tâm không tham thiền, không bố thí được hàm chỉ khi tâm bị lu mờ, bị che khuất bởi những triền cái; ở đây chính là hôn trầm, thụy miên, trạo cử, phóng dật…

[vi] Không tìm ra nguồn, câu chữ Pāḷi sai trật.

[vii] Không tìm thấy trong Pháp cú.

[viii] Dhorayha: Có thể mang vác, gánh vật nặng (trách nhiệm).

[ix] Vatavantu: Thọ trì phận sự của tôn giáo.

[x] Không tìm ra nghĩa như đã giải thích. Có một từ gần giống tự dang: Tādisa: Như vậy, với khả năng như vậy.

[xi] Suppuriya: Đôi nơi dịch là thiện nam tử (người nam tốt, lành; người nam hiền thiện.

[xii] Không tìm thấy trong Pháp cú 3.

[xiii] Không tìm ra nguồn, Pāḷi sai trật.

HẠNH PHÚC IV

Patirūpadesa vāso: Ở trong xứ nên ở

(Ở trú xứ thích hợp)

Đức Phật đã dạy 38 pháp hạnh phúc chia ra từng giai đoạn rải rác trong nhiều câu kệ và đôi khi trong mỗi câu kệ có 3 hay 4 pháp hạnh phúc. Chúng ta chỉ xem qua vội vàng không quan tâm đến dụng ý của đức Phật, nên ta không nhận thấy cái thâm thúy trong sự sắp đặt mỗi giai đoạn của từng câu kệ. Đó không phải là sự ngẫu nhiên mà là sự dụng tâm cấu tứ trong phương pháp giảng huấn, căn cứ vào kinh nghiệm của ngài và tâm lý của chúng sanh. Cho nên khi hành theo 38 pháp hạnh phúc thì ta phải đi đúng theo từng giai đoạn, như câu kệ ngôn I dạy:

1. Xa kẻ ác.

2. Thân cận với bậc trí thức.

3. Cúng dường đến các bậc đáng cúng dường.

(Không gần gũi kẻ ác,

Thân cận bậc trí hiền,

Đảnh lễ người đáng lễ,

Là phúc lành cao thượng)[i]

Thì ta phải hành theo những điều tuần tự như thế mới hoàn toàn đem sự an vui đến cho ta.

Câu kệ ngôn II cũng có 3 điều hạnh phúc. Có điều ta cần chú ý là nội dung kệ ngôn I và nội dung kệ ngôn II nhằm hai đối tượng khác nhau. Câu kệ ngôn I dạy tổng quát về phần vật chất hay bên ngoài; còn câu kệ ngôn II dạy về phần tâm hay bên trong. Câu kệ ngôn thứ I ví như người nông phu biết quan sát coi đất nầy có thuận lợi không? Có nước không? Coi mùa này phải trồng cây thứ giống nào? Rồi mới gieo trồng. Chúng ta có thể đem so sánh ba điều hạnh phúc trong câu kệ ngôn thứ I với ba điều của nhà nông nhận định về việc gieo trồng đó.

+ Trong kệ ngôn II Phật dạy thêm 3 hạnh phúc số 4 -5 -6 chúng ta cũng phải tuần tự thực hành ba pháp nầy, không thể bỏ một pháp nào. Ba pháp hạnh phúc 4-5-6 ấy là:

4. Ở trong xứ nên ở.

5. Người đã làm những việc lành để dành khi trước.

6. Giữ mình theo lẽ chánh.

( Ở trú xứ thích hợp,

Công đức trước đã làm,

Chơn chánh hướng tự tâm,

Là phúc lành cao thượng)[ii]

+ Theo chú giải về 38 điều hạnh phúc – thì ở trong xứ nên ở là ở trong xứ nào có đủ ba điều kiện:

a) Có các hàng trí thức là tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, thiện nam và tín nữ.

b) Có “puññakiriyāvatthu”[iii], nghĩa là có nơi thuận tiện cho mình làm được 10 điều phước thiện như bố thí, trì giới…

c) Có lời giảng giải của chư Phật, nghĩa là có Pháp bảo, nếu trong thời kỳ không có Phật pháp – thì ít ra cũng phải có lời giảng giải của các bậc trí thức.

Suy nghĩ rộng, thì câu hạnh phúc nầy có ý dạy rằng: Xứ nào mà có bậc trí thức dạy chúng ta tìm được hạnh phúc trong kiếp nầy và vị lai, hoặc giả khi ta ở xứ ấy, ta có thể gặp được sáu điều cao thượng sau đây:

1-.Dassanānuttariya: Thấy cao thượng, thấy đây không phải là thấy những vật lạ như bạch tượng, hoặc vật trân quý như hột xoàn … mà, thấy cao thượng ở đây chính là thấy rõ pháp vô thường, khổ não, vô ngã, rồi ráng lo tu hành để mau giải thoát.

Sự tích khi đức Phật còn tại thế để suy gẫm về sự thấy cao thượng và sự thực hành chánh pháp

Đến đây tôi xin nhắc lại một tích khi đức Phật còn tại thế để suy gẫm về sự thấy cao thượng và sự thực hành chánh pháp – như trong kinh Pháp cú:

“- Khi đức Phật còn tại thế, có một thầy bà-la-môn tên là Vakali – thấy đức Thế Tôn có thân hình rất đẹp, ông cứ lẻo đẽo theo bên để ngắm nhìn ngài cho thỏa lòng ưa thích. Nhưng rồi cũng không được thỏa mãn, vì vậy nên ông đã xin xuất gia để có nhiều thì giờ và nhiều cơ hội ngắm nhìn hơn. Một ngày nọ, đức Thế Tôn mới dạy rằng:

– Nầy Vakali! Ngươi xuất gia để giải thoát, chứ không phải để đi theo ngắm nhìn sắc thân của Như Lai. Người gần Như lai để ngắm nhìn sắc thân nầy không phải là cao quý đâu. Phải thực hành theo pháp mà Như Lai đã dạy bảo mới là cao quý.

Mặc dầu đức Thế Tôn dạy thế, thầy không lấy đó để sửa mình, lại còn giận Phật, nên leo lên núi cao để tự tử – vì thầy nghĩ rằng: Mình bỏ cả gia đình xin xuất gia, những mong chiêm ngưỡng kim thân của ngài, mà ngài lại còn rầy la mình, tủi thân ta quá! Thôi, sống làm gì nữa, chết quách cho xong!

Khi ông vừa gieo mình tự vẫn, thì đức Thế Tôn hiện ra, dùng thần thông làm cho ông ta không bị rơi xuống; rồi bảo rằng:

– Như Lai nói vậy mà ông lại giận Như Lai chăng?

Thầy Vakali nghe vậy lấy làm cảm động, trong lòng hỉ lạc phát sanh.

Đức Phật lại dạy minh sát tuệ cho ông rồi đọc kệ ngôn với ý rằng:

– Người nắm lấy chéo y của Như Lai mà không hành theo chánh pháp, là ở xa Như Lai muôn dặm. Người dẫu ở xa Như Lai nhưng hành theo pháp của Như Lai là người ở sát bên Như Lai vậy.

Thầy tỳ-khưu Vakali sau đó đắc đạo quả A-la-hán”.

Tích nầy cho thấy rõ ràng dầu người ở gần Phật cả đời, mà không hành đạo cũng vô ích. Cần nhất phải hành theo chánh pháp, mới gọi là thấy cao thượng.

2- Sotānuttariya: Nghe cao thượng, không phải là nghe lời ca, tiếng hát, đờn kèn thánh thót mê ly – vì sự nghe ấy không đưa ta đến nơi giải thoát mà trái lại càng làm cho ta chìm đắm, mê man trong âm hưởng mộng mị ấy. Nghe cao thượng là nghe Pháp bảo, mới là tiếng lời chân chính, đúng đắn đưa người thoát khỏi luân hồi. Nếu không được là vậy, thì ít nhất, tiếng lời của Pháp bảo cũng làm cho ta kinh sợ tội lỗi, nhứt thời không dám làm điều ác, không dám phạm đến nghiệp dữ.

Chuyện cha con ông tiều phu đang đốn củi

Tôi xin nhắc sơ lược chuyện của cha con ông tiều phu đang đốn củi, nghe câu hát của cô gái hái hoa sen mà tỉnh ngộ, đắc quả Phật Độc Giác – để hiểu đâu là tiếng lời ẩn chứa sự vi diệu của Pháp bảo:

“- Có một cô gái đang lội bùn để hái sen, vừa hái, cô ta vừa hát rằng:

– Hoa sen sớm nở chiều tàn.

Sắc hương phai nhạt, nhụy vàng rụng rơi!

Gẫm hoa nào khác kiếp người.

Mong manh thân phận, rã rời diệt sinh!

Hai cha con ông tiều phu đang đốn củi gần đấy, nghe được câu hát, xúc động sâu xa – cảm nhận thấm thía và sâu sắc rằng: Cái thân mình đây cũng không bền vững, sống rồi chết, sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, luân hồi mãi mãi trong cõi đời đầy đau khổ nầy. Vì suy nghĩ như vậy, chiêm nghiệm như vậy, quán tưởng như vậy – nên giây khắc ấy, cả hai cha con đoạn tuyệt tất thảy mọi phiền não, đắc quả Phật Độc Giác”.

Tích nầy cho ta thấy rõ rằng, nếu nghe được chân lý hoặc ý nghĩa nào đó liên hệ đến sự thật – rồi chiêm nghiệm, quán xét bằng trí tuệ là có thể chấm dứt phiền não, giải thoát được.

Nghe như hai cha con vị tiều phu mới được gọi là nghe cao thượng. Ta ở xứ nào mà nghe được những lời lành, những lời làm cho tâm ta kinh sợ tội lỗi, lánh xa điều ác, nhất tâm hướng thiện – thì nơi ấy là xứ ta nên ở.

3- Labhānuttariya: Được cao thượng. Được tiền của, châu ngọc, người đời cho là quý báu, nhưng đối với Phật giáo thì đó không phải là cao thượng; vì những vật ấy sẽ đem lại sự cực lòng, phải lo chăm sóc, cất giữ, lo sợ mất mác hoặc sợ bị cướp bóc… Nếu không lo sợ những điều ấy, thì ta vẫn còn một điều lo sợ nhất, là ta mến tiếc nó, lưu luyến nó – khiến cho tâm ta bao giờ cũng phiền não, bất an, dính mắc. Vì vậy nên tiền của, châu ngọc không phải là cái đem đến an lành, hạnh phúc thật sự. An lành, hạnh phúc chơn chính là không còn lo sợ, bất an, hay thao thức, trằn trọc nữa…

Được cao thượng là có được đức tin. Người đời ít ai có được đức tin chân chánh (Tin Tam Bảo, tội phước, nhân quả, nghiệp báo) nên không biết làm việc thiện, không biết bố thí giúp đỡ kẻ nghèo; mà trái lại, chỉ muốn thâu góp, tích trử, vơ vét thêm cho nhiều, cho đầy kho, đầy lẫm, đầy hòm, đầy rương! Nhưng đáng thương thay, những người ấy khi chết không đem theo cho mình được gì cả! Những người ấy khó thấy được thiện pháp, khó đắc được đạo quả; cứ sống mãi trong chốn mê lầm tăm tối, luân hồi tử sinh thống khổ mãi. Người có được đức tin, mới gọi là được caothượng. Đức tin là chiếc thuyền đưa một người từ bờ mê đến bờ giác, đức tin là căn bản của người tu, nhờ có đức tin con người mới hành đạo được.

Vì vậy đức Phật dạy chúng ta, xứ nên ở là xứ nào có thể làm cho ta có được đức tin.

4- Sikkhānuttariya: Học cao thượng, tức là học các pháp hành, như học cách thức trì giới, tham thiền, niệm Phật, niệm Pháp, hoặc học tu chỉ tịnh, quán minh… Nói tóm lại, học cao thượng là học những phương pháp để đánh đuổi phiền não ra khỏi tâm. Còn tất thảy mọi pháp học của thế gian chỉ để tích lũy bản ngã, tham vọng, danh lợi… nên không được gọi là học cao thượng vậy.

5- Paricara ānuttariya: Sự hầu hạ cao thượng, nghĩa là nên thân cận Tam Bảo nhứt là Tăng bảo để nghe các ngài dạy điều hay lẽ thiệt, đâu phải, đâu không phải, phân biệt đâu tà, đâu chánh, đâu khổ, đâu vui để tu tập mang đến hạnh phúc cho mình và cho người khác. Ta cũng nên tìm cách gần gũi, hầu hạ các bậc có gới đức, định đức, tuệ đức, các bậc thiện trí thức để có thêm phước báu và hoạch đắc nhiều lợi lạc tinh thần.

6- Anussatānuttariya: Niệm (tùy niệm) cao thượng – Tức là niệm cái gì, niệm pháp nào để cho tâm ta khắng khít với pháp lành làm cho phiền não không len thấm vào được. Ngoài ra, lúc tâm ta niệm niệm liên tục – sẽ có hai lợi ích. Một là, tâm ta sẽ lắng dịu sự ham muốn ngũ trần, các tội lỗi và ác nghiệp không thể nẩy sanh được. Hai là có thể đạt đến cận hành định – những cáu bợn phiền não, kiết sử không có cơ hội đâm chồi, mọc rễ được – đồng thời, ta sẽ đạt được hạnh phúc lạc định rất là thù thắng vậy. Nếu không được như thế thì ta cũng có được phước báu sanh về các cõi trời, người với hạnh phúc sang cả.

Đức Phật có dạy sáu điều niệm, tùy niệm cao thượng [iv]:

* Buddhānussati: Niệm ân đức Phật (Niệm Phật). Có thể lựa chọn 01 trong 09 hồng danh của đức Phật để niệm, ví dụ: Buddho, Araha … Cũng có thể niệm tưởng những ân đức của đức Phật như giải thoát đức, tuệ đức, định đức, giới đức, từ đức, bi đức… của ngài.

* Dhammānussati: Niệm ân đức Pháp (Niệm Pháp). Pháp có 5 đặc tính, cần phải niệm tưởng, ví dụ như: Thiết thực hiện tại, đến để mà thấy…[v]

* Saghānussati: Niệm ân đức Tăng (Niệm Tăng). Tăng có 4 đức tính cần phải niệm tưởng, ví dụ như: Thiện hạnh, chánh hạnh, trực hạnh, phạm hạnh…

* Silānussati: Niệm tưởng giới luật (Niệm giới). Niệm tưởng giới của mình thọ trì, coi có trong sạch hay không và nếu không trong sạch, cố làm cho trong sạch; bằng đã trong sạch, càng làm cho trong sạch thêm lên, không xao lãng, không để cho nó bị lủng, bị rỗ, bị đứt, bị vá…

* Cāgānussati: Niệm tưởng bố thí (Niệm thí). Luôn luôn quan sát coi trong ngày chúng ta có làm được việc lành nào chưa, nhứt là sự bố thí; vì bố thí là hạnh dễ làm nhất của người tại gia cư sĩ. Ngoài ra, ta còn cần phải niệm tưởng rằng, bố thí là phước điền, bố thí năng sanh thiện pháp, bố thí nhằm để đối trị bỏn xẻn, xan tham; bố thí nhằm để xả ly, dứt bỏ, bố thí làm cho tâm ta càng ngày càng vắng lặng, trong sạch…

* Devatānusati: Niệm tưởng chư thiên (Niệm thiên); vì chư thiên có năm thiện pháp, mà chúng ta nên thực hành theo là:

– Saddhā : Đức tin

– Sīla : Giới đức

– Suta : Đa văn (nghe pháp, đọc kinh sách)

– Cāga : Bố thí (dứt bỏ)

– Paññā : Trí tuệ

Đó là năm pháp (Tín, giới, văn, thí, tuệ) làm cho các vị được sanh làm chư thiên. Khi ta hành động theo các vị thì ta được sanh về cõi trời, bằng ta thực hành cao thượng hơn năm pháp ấy, hành trì thâm sâu và miên mật hơn – nhất là chỉ tịnh và quán minh thì chúng ta có thể đắc các tầng thiền hoặc tứ đạo, tứ quả và Niết-bàn.

Tóm lại, xứ nên ở là xứ có Phật pháp, nếu không có Phật pháp, ít nhất cũng phải có các bậc thiện trí thức chỉ dạy con đường lành cho mọi người, có điều kiện thuận tiện cho ta thực hành được bảy điều hạnh phúc căn bản:

1. Có dịp để mình làm việc lành.

2. Được học ba pháp (Pháp học, pháp hành và pháp thành)

3. Được sáu điều cao thượng (Như đã nói ở trên)

4. Được trở nên người không dễ duôi, không giải đãi, buông lung, phóng dật…

5. Được chỗ nương nhờ cao quý cho bản thân mình.

6. Được hưởng “Thất bảo”[vi] của nhà Phật.

HẠNH PHÚC V

Pubbe ca katapuññatā

Tánh cách người có việc lành để dành từ trước

(Công đức trước đã làm)

Câu này dạy rằng: Người đã làm phước trong kiếp trước, ngày hôm nay được thọ hưởng phước ấy.

Khi được lợi lộc hay thoát khỏi một tai nạn, người ta thường cho rằng đó chỉ là tình cờ, hay là sự may mắn. Sự thật, ấy là quả báo của việc lành mà người ấy đã làm trong nhiều kiếp trước, nay đến lúc trổ quả. Người có ít nhiều đức tin và tâm đạo thì cho rằng đó là do phước.

Phước là gì? Phước là những thành tựu đưa đến những lạc thú ở đời, kinh gọi là hỹ mãn ngũ dục như giàu sang, quyền quý, chức tước, danh vọng… [vii] Theo quan niệm thông thường, nếu đem phước ra phân tách thì chúng ta thấy nó có ba nhân tố, ba yếu tố cần và đủ; đấy là:

1- Nhân của phước: Là điều, là việc mà mình đã làm với sự trong sạch của thiện tâm, tức là do vô tham, vô sân, vô si; mà sau khi làm xong, mình không hề ăn năn hối tiếc, trái lại thấy trong lòng hân hoan, vui vẻ, thỏa thích.

2- Quả của phước: Là sự đầy đủ, thỏa mãn từ vật chất đến tinh thần mà mình đang hưởng thụ như giàu sang, quyền chức, danh vọng, địa vị…

3- Lý của phước: Là sự may mắn thoắt đến, chợt đến cho ta, và khiến ta tránh khỏi tai nạn hoặc thoát được một hoàn cảnh hiểm nghèo. Cái lý ấy, người không tu Phật thường không suy gẫm sâu về nhân quả nên họ gọi là sự tình cờ, ngẫu nhiên. Thí dụ như mình đi trễ chuyến xe sáng, nhưng sau đó, chiếc xe ấy bị tai nạn giữa đường. Chuyện này chỉ như là tình cờ, ngẫu nhiên mà mình thoát khỏi tai nạn; nhưng thật ra, đấy là do phước, do phước bảo trợ nên nó xúi ta đi trễ chuyến xe. Phước này không có được từ hiện tại, mà do ta đã để dành sẵn từ kiếp trước. Tạm coi như đấy là lý của phước[viii].

+ Có ba nguyên nhân sanh phước:

– Tâm trong sạch.

– Ba cửa (thân, khẩu, ý) thanh tịnh.

– Tâm biết rung động, biết kinh sợ tội lỗi [ix]

1- Tâm trong sạch: Là tâm không lẫn lộn với tội ác như tham lam, sân hận, si mê, và tâm hằng nhớ đến ân đức Tam Bảo.

Chuyện thanh niên Ma aku ali

“- Trong kinh Pháp cú có chuyện thanh niên Ma aku ali là con của một ông trưởng giả, có tiếng là keo kiệt nhất trong xứ. Khi Ma aku ali bệnh, ông trưởng giả không rước thầy coi bệnh cho thuốc, mà lại hỏi thầy thuốc bệnh thế ấy uống thuốc gì? Thầy thuốc biết ông ta bỏn xẻn, keo kiệt không chịu bỏ tiền mua thuốc, muốn tự tay mình lên rừng kiếm thuốc cho đỡ tốn kém, nên ghét, chỉ thuốc không đúng căn bệnh làm cho con ông càng ngày càng đau nặng. Ông trưởng giả thấy con bệnh nặng, sắp chết, sợ để trong nhà quyến thuộc đến thăm phải tốn kém này nọ, nên ông đem cho con ông nằm ngoài hàng ba. Vì thanh niên Ma aku ali là người đã tạo nhiều duyên lành để lại từ kiếp trước, nên đêm ấy đức Thế Tôn dùng tuệ quan sát thấy chàng có duyên; nên sáng ngày mai, ngài ngự đến ngay trước nhà của ông trưởng giả. Lúc ấy, Ma aku ali lại nằm quay mặt vào trong nên đức Phật lại hiện hình trên vách. Trông thấy đức Thế Tôn tướng hảo quang minh, chàng thanh niên Ma aku ali lấy làm trong sạch và nghĩ rằng: Ta vô phước sanh làm con của người keo kiệt không được làm việc lành. Hôm nay ta không thể ngồi dậy, đứng lên hoặc chấp tay đảnh lễ Phật được. Thôi chỉ có tấm lòng thành kính, trong sạch này, con xin làm lễ đức Thế Tôn.

Hướng đến đức Phật, suy nghĩ thế xong thì tắt hơi, thanh niên Ma aku ali được sanh về cõi trời do nhờ tâm ông kính thành và trong sạch”.

2- Ba cửa thanh tịnh: Là thân, khẩu, ý thanh tịnh. Thân thanh tịnh là không sát sanh, không trộm cướp và không tà dâm. Khẩu thanh tịnh là không nói dối, không nói đâm thọc, không chửi rủa mắng nhiếc và không nói lời vô ích. Ý thanh tịnh là không oán thù, không tham lam, không tà kiến. Nói tóm lại, ba cửa thanh tịnh chính là 10 nghiệp lành.

3- Tâm biết rung động, biết kinh sợ tội lỗi: Nguyên chúng sanh còn say mê theo tài sắc, danh lợi; tâm ác của họ không bao giờ biết rung động, biết ghê sợ, biết kinh sợ trước tội lỗi mà chính mình đã làm. Trong lúc say mê theo tài sắc, lợi, danh; họ đâu biết, đâu nghĩ rằng, khi tử thần gõ cửa, họ sẽ ra đi với hai bàn tay trắng! Thậm chí như khi cha, mẹ, anh em thân bằng quyến thuộc, người này, người kia bỏ họ ra đi về cảnh giới khác, họ cũng chẳng hề nao núng và chẳng thể nghĩ rằng: Ngày nào đây họ cũng sẽ bỏ những gì mà họ đã có, ra đi với hai bàn tay không cùng một khối tội lỗi nặng nề đè trên tâm hồn họ. Người không biết rung động, biết kinh sợ tội lỗi thì không hề biết tu hành, vì vậy nên không bao giờ có được một giây phút thoải mái, những khoảnh khắc an lành. Vậy ta nên để tâm rung động, ghê sợ trước những việc ác, những nhân tố đưa đến đau khổ; ráng lo tu hành để được hạnh phúc trong kiếp này và sẽ được giải thoát muôn vạn phiền não trong ngày vị lai.

Sự tích của đại đức Yasa

Theo đây tôi xin nhắc tích của đại đức Yasa, người biết ghê sợ, kinh tởm đời sống ngũ dục.

“- Sau khi chuyển pháp luân tại vườn Lộc uyển Bārā asī, Đức Thế Tôn tạm ở với 5 vị Kiều Trần Như. Lúc ấy tại thành Bārā asī có chàng thanh niên Yasa, con của một vị trưởng giả, được cưng chiều như viên ngọc quý. Chàng ở trong ba tòa lầu để trong ba mùa, ngày đêm yến tiệc linh đình, tiếng ca hát không bao giờ dứt. Đêm nọ, Yasa đang xem mỹ nhân múa hát, chàng phát chán rồi bỏ đi ngủ. Khuya lại, tỉnh giấc, Yasa thấy những mỹ nhân đang ngủ, mồ hôi xông ra mùi khó thở, có cô nước miếng chảy ra, có cô ngáy om sòm, chàng cảm thấy đó là những tử thi và tưởng như mình đang đứng giữa bãi tha ma. Lấy làm kinh sợ, Yasa thốt rằng: “Thế gian bẩn thỉu quá”! Ý chàng muốn nói thế gian nầy toàn là những vật nhơ nhớp, người bị nhốt trong vòng tỏa của sự đau khổ, không biết nương tựa vào đâu được. Rồi Yasa bỏ lầu ra đi về hướng vườn Lộc Giả. Đức Thế Tôn biết duyên lành của Yasa đã đến, nên ngồi chờ chàng tại một nơi. Nơi đó, Yasa vừa đi vừa lập lại câu: “Thế gian bẩn thỉu quá!”. Đức Thế Tôn gọi Yasa và nói rằng: “Đây không bẩn thỉu, không bực bội, ngươi hãy đến đây”. Yasa mới đến gần và đảnh lễ đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn mới thuyết về Anupubba cho ông nghe. Sau khi nghe xong thời pháp, Yasa đắc quả Tu-đà-hoàn đến sáng ngày chàng đắc A-la-hán quả sau 5 thầy Kiều Trần Như. Và thanh niên Yasa là vị A-la-hán thứ sáu trong Phật giáo”.

Nhơn đó đức Phật dạy cho đệ tử nghe rằng: Kiếp trước Yasa là người làm nghề thiêu tử thi. Có ngày nọ ông thiêu tử thi của một người đàn bà có thai. Khi đốt tử thi cháy, ông thấy đứa trẻ lòi ra trông rất ghê tởm. Ông phát tâm chán sợ về sự nhơ nhớp của xác thân, đó là cái nhân. Đến kiếp nầy ông thấy mỹ nữ là những tử thi.

+ Đây tôi xin nói tóm về pháp Anupubba (thuận thứ) của đức Phật đã thuyết cho đại đức Yassa là pháp hành theo tuần tự 5 điều:

1. Dāna: Dạy về bố thí

2. Sīla: Dạy về trì giới

3. Sagga: Nói về sự an vui trong các cõi trời

4. Kāmādīnava: Nói về tội ngũ trần

5. Nekkhammanissanda: Dạy về cái quả của sự xuất gia

Sở dĩ pháp đó gọi là pháp đi theo tuần tự (thuận thứ), từ thấp lên cao – là vì trước hết đức Phật dạy về bố thí, thứ nhì là trì giới, sau ngài mới nói về an lạc cõi trời, tiếp theo là nói đến cái hại của ngũ trần sau đó mới nói đến kết quả của sự xuất gia, là con đường chấm dứt tất cả mọi khổ ách.

Nếu ta hành được pháp tuần tự đó thì tạo được nhân sanh phước và ta tạo được phước lành trong kiếp trước, thì chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng phước trong ngày vị lai.

Có người hỏi: Có ai có thể cướp được hạnh phước báu của ta chăng?

Đức Thế Tôn dạy: Phước ấy theo ta như bóng với hình, không ai có thể trộm cắp hay cưỡng bách hoặc lập mưu kế gì để cướp giật phước báu ấy được, chẳng khác gì hột ngọc Siri trong sự tích sau đây.

Sự tích ông trưởng giả Cấp Cô Độc làm phước bố thí cho đến khi nghèo

“- Khi đức Thế Tôn còn tại thế, ông trưởng giả Cấp Cô Độc làm phước bố thí cho đến khi nghèo. Ông làm chùa Kỳ Viên, mua vườn xoài của hoàng thân Kỳ-đà bằng cách trải vàng đầy mặt đất. Vì vậy chùa Kỳ Viên cũng có tên là Bố Kim Tự (Chùa trải vàng). Ngoài ra ông còn làm phước bố thí nhiều không kể hết. Ông làm phước cho đến lúc chỉ còn cháo tấm và bột chua. Nhưng về sau ông giàu trở lại. Có thầy bà-la-môn tìm hiểu coi tại sao ông giàu, rồi lại nghèo, trở lại giàu! Sau nhiều lần quan sát, thầy bà-la-môn thấy trên đầu một con gà trống ở nhà ông trưởng giả có viên ngọc Siri. Biết đây là nguyên nhân sanh phước, ông bà-la-môn liền đến xin con gà ấy và thầy tin chắc rằng ông trưởng giả sẽ cho vì thầy viện lẽ rằng, nhà thầy có gà, nhưng toàn là gà gáy sai canh, cần một con gà gáy đúng canh để học trò dậy học bài. Ông trưởng giả vốn là người giàu lòng bố thí, thì con gà đối với ông không có nghĩa lý gì, nên ông cho liền. Khi ông trưởng giả bằng lòng cho con gà thì cái Siri lại bay qua đậu trên cây gậy của ông trưởng giả; thầy bà-la-môn xin luôn cây gậy, ông cũng cho, thì Siri bay lên đậu trên đầu của bà trưởng giả.

Thấy hiện tượng ấy, thầy bà-la-môn biết rằng, vật ấy, viên ngọc Siri, viên ngọc may mắn ấy thường đi liền với chủ, không ai có thể xin mượn hay cướp giật được, bèn thú nhận: “Tôi xin trả lại con gà trống trắng và cây gậy lại cho ông. Thật ra tôi thấy cái Siri của gia đình ông ở trên đầu con gà, nên tôi mới xin nó, không dè ngọc Siri lại bay đậu trên cây gậy của ông, rồi tôi xin cây gậy thì cái Siri ấy lại bay đậu trên đầu bà. Cái viên ngọc Siri may mắn và quý báu ấy là vật sở hữu của ông, thật không ai có thể lấy được”.

+ Vậy khi có phước thì không ai làm thể nào cướp lấy được phước của ta. Muốn tạo ra phước, ta có ba pháp phải hành:

– Bố thí trừ tham lam.

– Từ bi để diệt lòng sân hận.

– Tham thiền theo hai pháp: Chỉ tịnh (định) và quán minh (tuệ, minh sát tuệ) để trừ si mê và tà kiến.

Nhưng phải hành ba pháp đó bằng tâm trong sạch, sốt sắng, quyết định, thì quả phước đến cho ta mau lẹ. Trái lại nếu ta làm chần chờ, giải đãi, dụ dự thì quả lành cũng đến chậm chạp. Lẽ cố nhiên, mỗi khi ta muốn làm một việc gì quấy, thì cả trăm tâm ác xô đẩy xúi giục ta mau thi hành việc quấy ấy; còn khi nào ta muốn làm lành như bố thí, thì hằng ngày cái tâm ác kéo lại không cho ta thực hành.

+ Phước đem lại rất nhiều lợi ích an lành cho ta như là:

1. Ajeyya: Không ai dành lấy được – vì không gì có thể thắng nổi phước.

2. Anugaminī: Theo dính bên mình ta, nó theo vào, đi liền với ta như bóng không lìa hình.

3. Eta adaya gacchati: Khi người bỏ xác thân này không đem gì theo được, ngoài nghiệp nhân mà mình đã gieo.

4. Asādhāra a: Riêng biệt, không phải công cộng. Nghĩa là, phước không phải là của chung, của ai tạo thì người ấy hưởng, chớ không phải của người này tạo mà người kia hưởng được, cho dù là quyến thuộc.

5. Acoro: Kẻ trộm không thể trộm được.

6. Sabbakammaddā: Phước ấy trả quả cho người đã tạo được an vui và đắc kỳ sở nguyện. Được thọ lãnh trọn vẹn kết quả nghiệp lành mà mình đã tạo.

7. Ya ya devahipatthanni (?) [x]: Nguyện vọng gì đều được kết quả như ý.

8. Suva atā: Có làn da đẹp

9. Sussaratā: Có tiếng nói dịu dàng, nghe rất hay.

10. Susa hāna: Có tướng tốt.

11. Surūpatā: Có thân hình đẹp, sắc tướng tuyệt mỹ.

12. Adhipaccam: Được chức phận lớn

13. Parivāro: Được nhiều người tâm phúc, nhiều kẻ tùy tung, hầu hạ.

14. Padesarajjam: Được quyền uy trong một xứ, một địa phận.

15. Issariyam: Được độc lập, nghĩa là không dưới quyền ai; nhiều của cải, tài sản.

16. Cakkavattī: Được làm vua Chuyển luân vương.

17. Devarajjampi: Được làm Thiên vương

18. Manussika: Được sanh làm người giàu sang

19. Devaloke: Được sanh vào cõi trời

20. Nibbānasampatti: Đắc được quả vô thượng là Niết-bàn

21. Mittasampadamagamma: Được có nhiều bạn lành

22. Vijjāvimutti: Đắc giải thoát do nhờ trí minh

23. Pa isambhidā: Đắc tuệ phân tích

24. Vimokkha: Được giải thoát

25. Savakaparamī: Đắc được Ba-la-mật của bậc Thanh văn đệ tử Phật

26. Paccekabodhi: Đắc được quả Độc Giác Phật

27. Buddhabhūmi: Được căn bản của trí Phật

28. Sukhana nidāna : Có được phương tiện (nhân) để đưa đến hạnh phúc, an vui.

29. Sampattina mūlam: Là gốc rễ của sự may mắn, thành tựu, an vui, giác ngộ, giải thoát.

30. Bhogana mūla : Là nguồn gốc có được những sở hữu tài sản.

31. Visamagatassatnam (?) : Phước là vật vô tri cho người còn luân hồi.

32. Dānasadiso avassayo: Phước giống như sự nương nhờ.

33. Sīhasadisa : Phước giống như (hang) sư tử, nghĩa là nơi mà các con thú khác không dám leo đến, người có phước không bao giờ gặp tai nạn của kẻ ác gây nên.

34. Papahapa havī sadisa : Phước giống như quả địa cầu chở người có phước.

35. Rajjudisa : Phước giống như sợi dây cột tâm lại không cho đi lầm đường.

36. Navasadisa : Phước giống [xi] như thuyền chở người qua bể khổ.

37. Sagāmasuro: Phước ví như vị tướng tài can đảm đánh tan quân thù nơi trận địa [xii].

38. Susakhatanagara : Phước ví như kinh thành hay phố thị mà người ta trang điểm huy hoàng.

39. Padumasadisa : Phước giống như hoa sen – không hôi tanh mùi bùn, nghĩa là không hề đưa người đi vào đường tội lỗi, xấu ác.

40. Aggisadisa : Phước ví như lửa – đốt cháy phiền não trong tâm

41. Asīvissadisa : Phước ví như rắn độc vì nó cắn chết tội.

42. Sīhasadisa : Phước ví như sư tử rất can đảm khi đứng trước kẻ thù là tội lỗi [xiii].

43. Seta-usabhasadisa : Phước ví như bò Usabha, vì bò này quý nhứt thế gian [xiv].

44. Hatthīsadisa : Phước ví như bạch tượng – là thú quý nhứt.

45. Vahassarāja: Phước ví như thiên lý mã [xv] chở người bay qua bể khổ luân hồi.

46. Gatamagga : Phước là con đường đi của các bậc thánh nhơn.

47. Buddhavansa : Phước là dòng của Phật, nghĩa là muốn đắc quả Phật thì phải tạo nhiều phước.

Phước còn đem lại cho ta nhiều hạnh phúc, như là: Phước là vật thực trong đời vị lai của người chưa đi đến Niết-bàn.

Phước là nguyên nhân cho chúng ta được ba điều an lạc là: Nhân, thiên, và Niết-bàn.

HẠNH PHÚC VI

Attasammāpa īdhi: Giữ mình theo lẽ chánh

(Chơn chánh hướng tự tâm)

Atta nghĩa là mình, là ta, và ngụ ý sâu rộng hơn là chữ tâm, vậy câu này nghĩa là: Hướng tâm mình theo lẽ chánh.

Câu này dạy rằng: Giữ mình theo lẽ chánh, vì ngụ ý có chánh, là có tà, mà tà là ác. Mà ác là phiền não, mà phiền não thì đưa ta vào vòng luân hồi mãi mãi, vì vậy nên đức Phật dạy: “Người nên giữ mình theo lẽ chánh, đem tâm mình ra khỏi các pháp phiền não là tham lam, sân hận và si mê – để ra khỏi vòng luân hồi.”

Từ vô số kiếp đến giờ phút này, tâm ta không ở trong thiện pháp, nghĩa là không ở trong lẽ chánh, dầu có chăng cũng chỉ là thoáng qua; trong một phần rất lớn của những ngày luân hồi của chúng ta, tâm ta thường mải miết trong ác pháp, làm những điều tội lỗi xấu xa; vì vậy hôm nay chúng ta vẫn còn luân hồi trong vòng thống khổ. Cho nên đức Phật dạy, hãy đưa ta, hay tâm ta thoát khỏi vòng trầm luân, nghĩa là cho tâm ta giải thoát khỏi tam độc, đưa tâm vào pháp bố thí, trì giới và tham thiền.

Ý câu này đức Phật dạy ta phải uốn nắn dạy tâm, hay chùi rửa, sửa trị tâm theo chánh đạo.

Theo bộ chú giải, giảng về điều hạnh phúc thứ VI nầy thì mình phải để tâm mình vào những pháp là:Đức tin, trì giới, nghe pháp, bố thí, trí tuệ [xvi]. Năm pháp này gọi là Saradhamma nghĩa là pháp có lõi, ngụ ý nói pháp này cứng rắn, có khả năng đối trị với phiền não – giúp cho người thọ trì, hành theo năm pháp ấy là người đang tạo cho mình một thành trì kiên cố chống kẻ thù địch là phiền não, không có phiền não xâm nhập vào mình được. Là người đã ở một nơi rất kiên cố, tránh khỏi kẻ thù phiền não.

Giữ mình (hay hướng tâm mình) theo lẽ chánh còn có nghĩa là dẫn dắt tâm hành theo minh sát tuệ. Khi người nào thường thiền quán, tu tập minh sát, thì chắc chắn tâm người ấy cứng rắn, không bị xao động vì phiền não; và đó là một pháp đưa ta ra khỏi luân hồi, chống đối phiền não khi chưa hoàn toàn giải thoát. Vì chăng, xưa nay tâm ta thường cột oan trái oán thù làm hại kẻ khác. Khi ta đã hiểu đạo, nhận thấy đó là những điều ác, là nguyên nhân đưa vào đường sanh tử luân hồi, thì ta phải đưa tâm ta ra khỏi những điều tội lỗi ấy và để tâm ta vào nơi trong sạch, tức là giữ mình theo lẽ chánh. Người vì không để tâm theo lẽ chánh, nên hằng bị luân hồi, trái lại để mình theo lẽ chánh, thì người được những quả báo sau đây:

1. Là nhân đưa sự an lành đến.

2. Là người không dễ duôi

3. Là người thực hành theo lẽ chánh pháp

3. Là người không có lỗi, nghĩa là người không bị chi phối vì hoàn cảnh bên ngoài.

5. Là người có tam học trong tâm (Giới, định, huệ).

6. Là người đã chuẩn bị mọi việc trước khi chết, ý nói là người đã chuẩn bị sẵn những phương tiện để đi đến nơi an lạc.

7. Là người hộ trì Pháp bảo.

8. Là người đi đến đâu cũng đến được sự an lành.

9. Là người có hy vọng được sanh về cõi người, trời và đắc quả Niết-bàn.

10. Đáng gọi là người cúng dường cao quý Tam Bảo.

11. Là lương dân của chánh phủ.

12. Là người đang làm khuôn mẫu cho người đời noi theo.

13. Là người đóng cửa ác đạo.

Sự tích có thầy bà-la-môn tên Bharadvājagotra là người tà kiến

Sự tích dưới đây cho thấy rằng người biết hướng tâm theo lẽ chánh thì được an lành và đắc đạo quả.

“- Khi đức Thế Tôn ngự tại Xá-vệ, có thầy bà-la-môn tên Bharadvājagotra là người tà kiến, khi nào y nghe tới tiếng Phật pháp, thì y bịt tai lại lập tức. Vợ y là vị Tu-đà-hoàn đệ tử Phật; khi nào bà nhảy mũi hay làm gì giựt mình, thì bà niệm Phật.

Ngày kia ông chồng muốn làm lễ cúng dường 500 vị bà-la-môn, mới yêu cầu bà đừng niệm Phật trong khi cúng dường cho các thầy; vì họ không ưa nghe tiếng niệm Phật, và không bao giờ chịu thọ thực tại nhà của Phật tử.

Bà vợ nói: “Ông muốn cúng dường ai cũng được, tôi vui lòng làm cho, nhưng xin thưa, là tôi không thể không niệm Phật được”.

Ông ấy nói: “Nếu bà không nghe tôi, thì tôi sẽ chặt cổ bà bằng cây đao này”.

Bà liền đáp: “Nếu ông có bằm nhỏ tôi ra thì tôi cũng chẳng màng. Thật ra, dù chỉ một khoảnh khắc, tôi cũng không thể lãng quên hay lìa xa Tam Bảo được”.

Sáng ngày các thầy bà-la-môn đến thọ thực nơi nhà họ. Bà vợ vâng lời chồng đi dâng cúng cho các vị bà-la-môn, chẳng may bị vấp bà liền niệm Phật. Mấy thầy bà-la-môn nghe được lấy làm tức giận bỏ ra về, sau khi mắng chửi thí chủ.

Thầy bà-la-môn gia chủ tà kiến ấy lấy làm tức giận, muốn giết vợ nhưng không giết được, nên vào chùa gây sự với đức Phật. Thầy mới hỏi: “Người diệt được gì mới ngủ yên giấc? Người diệt được gì mới không sầu? Này thầy Cồ Đàm! Thầy thích diệt pháp gì?”

Đức Phật đáp: “Người diệt được lòng sân hận mới không sầu khổ. Nầy thầy bà-la-môn! Các bậc thánh nhơn thường diệt lòng sân hận, vì lẽ lòng sân hận có chất thật độc (là sự khổ), ngọn nó có vị ngọt (ý nói khi làm hại kẻ thù được thì lòng rất vui vẻ, thỏa mãn). Khi người diệt được lòng sân hận xong thì không bị sầu khổ nữa”.

Khi nghe xong câu kệ, thầy bà-la-môn liền phát sanh trong sạch, có đức tin xin xuất gia theo Phật và ráng lo hành đạo đắc quả thánh”.

Tích này chỉ cho quý vị thấy con người sầu khổ cũng vì lòng sân hận, khi đã diệt được lòng sân hận thì được an lạc gọi là người được nhiều sự an lành cũng nhờ để tâm theo lẽ chánh hay là giữ mình theo lẽ chánh.

Xin nhắc lại một lần nữa rằng: “Chúng ta là Phật tử, tức là người mong được giải thoát, hãy xin quan sát tâm, coi tâm ta ở trong chánh pháp hay tà pháp và nên đem tâm mình ra khỏi tà pháp để vào chánh pháp”.

[i] Đại sư Viên Minh dịch – in trong Kinh tụng Huyền Không, phát hành nội bộ.

[ii] Ghi chú 14.

[iii] Nơi, chỗ, xứ để làm việc phước thiện.

[iv] Thật ra , nếu nói đầy đủ thì phải là thập tùy niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm sự chết, niệm tịch tịnh (Niết-bàn), niệm thân, niệm hơi thở.( 8 đề mục đầu chỉ đưa đến cận định, 2 đề mục sau thì có khác – như niệm thân có thể đắc đến tứ thiền; niệm hơi thở thì đến tứ thiền, đạo quả và Niết-bàn). Tuy nhiên, trong một buổi giảng nói, có lẽ pháp sư không đi sâu vào chi tiết, chỉ nói những cái khái quát.

[v] Cho đầy đủ là: Sandi hiko: Thiết thực hiện tại; Akāliko: Vượt thời gian; Ehipassiko: Đến để mà thấy; Opanāyiko: Có khả năng hướng thượng (chú tâm, chánh niệm); Paccatta veditabbo viññūhi: Bậc trí tự mình giác hiểu.

[vi] Chưa rõ “thất bảo”hàm chỉ vật trân quý gì. Có thể là 7 thánh sản : Tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ? Hay là thất giác chi: Niệm, trạch pháp, tấn, hỷ, an, định, xả? Theo tôi, có lẽ là 7 thánh sản.

[vii] Trong Nikāya, Hòa thượng Minh Châu dịch là “ngũ dục công đức”, do phước báu thù thắng nên thọ hưởng sắc, thanh, hương, vị, xúc hơn người.

[viii] Đây là sự phân tích, kiến giải riêng của Pháp sư!

[ix] Có lẽ Pháp sư muốn giảng rộng cho đại chúng hiểu; chứ thật ra, tâm trong sạch chính là thân khẩu ý trong sạch; và câu cuối có lẽ là nói phải có tàm (hổ thẹn tội lỗi) và quý (biết ghê sợ tội lỗi).

[x] Những dấu hỏi này (cả quyển sách) là do người hiệu chính chưa tìm ra nghĩa, có lẽ trước đây đánh máy sai hoặc pháp sư trích quá tóm tắt. Thành thật xin cáo lỗi.

[xi] Các câu 33, 34, 35, 36 đều có từ Sadisa, có nghĩa là giống nhau, như nhau, ngang bằng nhau.

[xii] Sura còn có nghĩa là vị thần, vị thiên.

[xiii] Câu 42 này và câu 33 – giống nhau.

[xiv] Seta là màu trắng, Usabha là bò chúa; vậy có lẽ là ngưu vương, bạch ngưu.

[xv] Assarāja: Vua của loài ngựa.

[xvi] Tức là tín, giới, văn, thí, tuệ.

KỆ NGÔN III

HẠNH PHÚC VII

Bāhusacca: Nghe nhiều, hiểu rộng

(Đa văn, uyên bác)

Có hai loại nghe nhiều, hiểu rộng.

– Nghe nhiều, hiểu rộng của người tại gia, tức là kiến thức thu lượm được giữa thế gian, của người đời.

– Nghe nhiều, hiểu rộng của người xuất gia tức là kiến thức tích lũy được khi nghe đạo, học pháp.

Người đời vì phải sanh sống, cần phải nghe và học nhiều để tìm việc làm nuôi mình và gia đình.

Người tại gia cư sĩ là người còn lăn lộn trong đời, nên ai ai cũng mong cầu an vui hạnh phúc, bằng cách tạo lập tài sản và ngăn đón những điều khổ não hay là tai nạn; vì vậy người ta cần phải biết nhiều hiểu rộng, phải có kiến thức thích nghi với hoàn cảnh xã hội. Kiến thức là nấc thang giúp người ta leo lên khỏi bậc đói nghèo, tiến tới chỗ ấm no; kiến thức còn là chìa khóa để mở cửa kho bảo vật có tánh cách vật chất như danh lợi, tước quyền và bảo vật có tách cách tinh thần như an vui và hạnh phúc.

Sanh ra ai cũng như ai, đều là dốt nát từ buổi ban sơ, nhờ học với trường và học trong đời mà người ta mới có kiến thức. Ai bền tâm học hỏi thì kiến thức được nhiều, nghĩa là cái tâm tạo nên kiến thức, nó cũng tạo nên trí tuệ. Người nào biết dùng trí tuệ mở rộng cái tâm để thâu thập kiến thức, thì kiến thức được chánh đại.

Trong pháp hạnh phúc thứ VII này, đức Phật dạy ta phải nghe nhiều hiểu rộng để làm lợi ích cho mình.

Trong tạng kinh có nhiều đoạn đức Phật dạy chúng sanh phải nghe nhiều hiểu rộng để làm lợi ích cho mình.

Trong bộ Dīghanikāya, có một bài kinh đức Thế Tôn có dạy rằng: Cha mẹ có 5 phận sự với con, mà một phận sự là cha mẹ phải lo cho con ăn học cho thành tài.

Cũng trong kinh ấy, ngài còn dạy: Bực thầy đối với trò cũng có 5 phận sự, mà một phận sự là thầy phải dạy học trò cho châu đáo.

Trong kinh Anguttaranikāya, đức Phật có dạy 6 điều [1] nên tôn kính, mà điều thứ 4 là tôn kính điều học (Sikkhagāravatā).

Cũng trong kinh ấy, ngài lại dạy về thất bửu [2]của nhà Phật mà vật báu thứ 5 là Bāhusacca,nghĩa là nghe nhiều hiểu rộng.

Trong kinh Anguttaranikāya, chỗ dạy 10 pháp tạo thành chỗ nương nhờ [3], nương tựa(Nāthakara adhamma) thì pháp thứ 2 là Bāhusacca – tức là phải đa văn, nghe nhiều, hiểu rộng.

Bao quát hơn, đức Phật dạy tín đồ về tam học là giới, định và tuệ, để nghe nhiều học rộng cho chơn chánh để hiểu rõ chân lý của ngài mà hành theo, hầu thoát khỏi trầm luân.

Người ta có thể hỏi: Chúng ta nên học những gì?

Trong đời này có nhiều môn để chúng ta học, Phật dạy người nên chọn một nghề nào mà mình thích và có khả năng học được. Nghề nào cũng chẳng hèn, miễn là nghề ấy là nghề vô tội, hay nói theo bát chánh đạo, là phải chánh mạng.

Tóm lại: Người tại gia cư sĩ học gì cũng được, miễn là chánh nghiệp và chánh mạng. Còn bậc xuất gia thì phải học ba điều sau đây để làm kiến thức căn bản:

– Pariyattisuta: Nghe nhiều hiểu rộng có từ Tam tạng.

– Pa ipattisuta: Nghe nhiều học rộng về pháp hành và hành theo chánh đạo để đạt Niết-bàn.

– Pa ivedhasuta: Nghe nhiều học rộng về pháp thành, là hiểu rõ pháp giải thoát và hành cho đến nơi giải thoát [4].

Bậc gọi là nghe nhiều hiểu rộng phải có đủ 5 điều kiện [5] là:

1/- Bāhusuta: Được nghe nhiều.

2/- Dhatā: Thuộc rõ ý nghĩa của các pháp [6].

3/- Vacasā paricitā: [7] Thuộc làu và có thể giảng giải và ví dụ cho người nghe hiểu rõ rệt những pháp mà mình giảng.

4/- Manasānupekkhitā: [8] Hằng suy nghĩ nghiên cứu các pháp, nghĩa là hằng theo pháp mà mình đã học hiểu rồi, và nhận thấy lợi ích của sự học nhiều hiểu rộng.

5/- Di hiyā supa ividdhā: [9] Hiểu thấu bằng trí tuệ, nghĩa là dùng minh sát tuệ quan sát cho thấy rõ ngũ uẩn và đắc được đạo quả Niết-bàn.

+ Những người Phật tử nghe nhiều hiểu rộng có được nhiều sự hạnh phúc là:

1. Hiểu rõ ý nghĩa của Tam tạng.

2. Được phước cao quý.

3. Hiểu thông pháp học và pháp hành.

4. Đối đáp rất giỏi khi bị cật vấn.

5. Nói năng hoạt bát.

6. Hộ trì pháp.

7. Không dễ duôi.

8. Được hưởng hương vị của pháp.

9. Sẽ được hưởng an lạc trong cõi người, trời hay Niết-bàn ngày vị lai.

10. Diệt từ từ được tam độc.

11. Được lợi lộc, danh dự, quyền chức, ngợi khen và hạnh phúc.

12. Dứt hết nhân quả và không còn luân hồi nữa.

Chính đức Phật (còn Bồ Tát) đã dùng trí tuệ [10] để hiểu biết và cứu độ chúng sanh, chẳng hạn như sự tích sau đây:

“- Thời quá khứ, đức Bồ Tát sanh vào dòng bà-la-môn và giữ chức quân sư của vua xứ Bārā asī, tên là Senāka, nổi danh là bậc trí thức nghe nhiều hiểu rộng. Ngài thường đăng đàn thuyết pháp ngày mùng 8, rằm, 23 và 30; thường dạy người bỏ dữ về lành, thực hành theo thiện pháp, như thọ ngũ giới hay bát quan trai. Đây là sự thực hành trí tuệ ba-la-mật của ngài.

Lúc ấy, có một thầy bà-la-môn ăn xin chuyên nghiệp, ông ta dành dụm được một trăm đồng tiền vàng rồi đem gởi cho một người bạn thân.

Ví túng quẫn, người bạn của của ông ta đã xài hết số tiền ấy nên phải đem con gái gả cho thầy bà-la-môn ăn xin ấy để trừ khoản nợ.

Khi được vợ trẻ đẹp, thầy bà-la-môn không còn biết trời đất là gì nữa, chỉ có bà vợ thôi. Vợ ông sai ông đi ăn xin một nơi xa để có nhiều tiền cho cô tiêu dùng. Nhân dịp ông chồng già đi vắng, cô lại tư tình với một thầy bà-la-môn trẻ tuổi. Thầy bà-la-môn già đi xin xứ xa lâu ngày, để dành được một số vốn lớn là 700 đồng tiền vàng, lật đật trở về thăm vợ. Khi về gần tới nhà, thầy đến ngồi dưới cội cây to có bộng, mở bị ra lấy cơm ăn rồi xuống mé sông uống nước. Lúc ấy có một con rắn độc chui vào bị của ông. Khi uống xong, lên cột bị lại rồi mang lên vai ra đi, ông không hề biết rằng có một con rắn độc đã nằm trong bị. Vị thọ thần ở trên cây ấy thấy vậy thương hại ông nên nói rằng: “Thầy bà- la-môn ơi! Nếu thầy chưa về tới nhà đêm nay, thì thầy sẽ chết dọc đường, bằng về tới nhà thì vợ thầy chết”. Thầy bà-la-môn lấy làm kinh sợ vì thầy không muốn chết, mà cũng không muốn cho vợ mình chết, ông khóc lóc không dám về nhà mà đi vào thành. Ngày ấy, nhằm ngày giới, đức Bồ Tát Senāka có thuyết pháp tại tư dinh của ngài nên người trong thành đem hương hoa đến dâng cúng và để nghe pháp. Thầy bà-la-môn ăn xin biết tin ấy, nên ông liền theo đoàn người đi nghe thuyết pháp, và nghĩ rằng: “Biết đâu, nhờ nghe pháp mà lòng ta được yên tĩnh trở lại!”. Khi đến nơi, thầy bà-la-môn với dáng bộ thiểu não, nước mắt còn dàn dụa. Thấy vậy, đức Bồ Tát mới hỏi và biết tự sự nguồn cơn. Do trí suy luận sắc bén, ngài hỏi: “Thế khi thầy ăn cơm xong, thầy có bỏ đi đâu không?”. Lão đáp: “Dạ, có đi, có xuống mé sông uống nước!”. Bồ Tát nhíu mày rồi hỏi tiếp: “Vậy khi đi, cái bị kia có cột lại không?”. Lão thưa: “Dạ không!”

Vậy là chỉ vài câu vấn đáp, đức Bồ Tát đã biết ngay rằng, trong khi xuống mé sông uống nước, bị không cột nên đã có một con rắn độc bò vô trong bị của thầy. Vị thọ thần chứng kiến điều ấy nên thương hại mách bảo cho. Chuyện đương nhiên sẽ xẩy ra nằm trong hai trường hợp sau: Nếu thầy mở bị ra ăn cơm chiều thì rắn ấy sẽ cắn thầy, thầy sẽ chết; bằng về nhà, bà vợ tham lam sẽ tự tay mở bị ra rồi bà sẽ bị rắn độc cắn chết.

Thấy rõ điều này, Bồ Tát mỉm cười, trấn an thầy bà-la-môn: “Ta sẽ cứu ông thoát chết mà bà vợ trẻ của ông cũng không chết, được chưa nào!” Mọi người vui cười, đổ xô quây quần lại, tò mò xem chuyện lạ! Sau đó, Bồ Tát cho mời một thầy rắn đến rồi bảo thầy bà-la-môn nới lỏng sợi dây cột bị ra! Lát sau, một con rắn độc chui ra khỏi khoảng hở, bò ra ngoài, thầy rắn bèn thò tay bắt rồi bỏ vào đãy của ông ta một cách dễ dàng. Những người có mặt nơi ấy đều hoan hô trí tuệ và công đức của Bồ Tát.

Chuyện chưa thôi. Bồ Tát ngắm nhìn lão bà-la-môn, thấy phong trần, già nua nhưng toát ra cái vẻ thật thà, chất phác, hiền lành nên khởi tâm bi mẫn, muốn giúp ông ta cho đến nơi đến chốn. Nghĩ vậy, ngài mới cho thầy ấy thêm ba trăm đồng nữa hiệp với bảy trăm của thầy xin được cho đủ ngàn; và dạy thầy bà-la môn ấy rằng: “Ngươi đem của này về chôn giấu một nơi nào xong rồi hãy vào nhà; cứ làm như lời ta dặn – thì sẽ phát sanh chuyện lạ!”

Thầy bà-la-môn bái tạ đức Bồ Tát rồi đem giấu tiền vào một chỗ kín rồi mới vô nhà. Vợông lo nước cho ông tắm rửa rồi hỏi ông đi xin được bao nhiêu tiền bạc. Ông nói thật số tiền đã xin được là một ngàn đồng vàng và cho biết số tiền hiện giấu ở chỗ nọ. Vợ ông liền cho nhơn tình biết chỗ giấu tiền. Người nhơn tình đến nơi ăn cắp số tiền giấu đó. Sáng hôm sau, thầy bà-la-môn đến nơi mình chôn tiền để lấy về, mới thấy số tiền đã mất; ông khóc lóc và đến nhà đức Bồ Tát thuật lại tự sự.

Đức Bồ Tát dường như biết rõ chuyện ấy sẽ xẩy ra nên lấy tiền khác cho thầy và dạy rằng: “Đừng lo! Nếu nghe lời ta thì tiền ấy không mất đâu! Thầy hãy lấy số tiền này về làm lễ cúng dường 7 ngày cho các thầy bà-la-môn để hồi hướng phước báu cho cha mẹ thầy. Nhưng nên nhớ, phần thầy phải mời 7 vị bà-la-môn và phần vợ thầy cũng phải mời đủ 7 vị. Rồi mỗi ngày, mỗi bên phải bớt đi một người cho đến ngày thứ bảy, sẽ chỉ còn hai người, bên thầy một và bên vợ thầy một, lúc ấy sẽ báo cho ta biết!”

Thầy vâng lời làm theo, đến ngày thứ bảy, bên thầy còn lại một bà-la-môn già còn bên vợ thầy còn một thầy bà-la-môn trẻ tuổi. Thầy liền đến báo cho đức Bồ Tát biết, ngài bèn ra lệnh bắt thầy bà-la-môn trẻ tuổi ấy đến để thẩm vấn trong phòng riêng.

Ngài hỏi:“Tại sao ngươi trộm tiền của thầy bà-la-môn già nua tội nghiệp nầy?”

Ông ta bèn chối: “Thưa ngài đại trí thức! Tôi nào có ăn cắp gì của lão đâu”.

Đức Bồ Tát nghiêm mặt nói: “Đừng chối quanh! Những việc làm ám muội của ngươi, ta biết rõ từng chi tiết một. Khôn hồn hãy khai đi! Nếu không, ta sẽ tuyên bố cả bàng dân thiên hạ cả cái tội tư tình lén lút, xấu xa của ngươi nữa!”. Vì kinh sợ, nên thầy bà-la-môn trẻ tuổi ấy bèn cung khai hết mọi việc.

Người bà-la-môn già lấy lại được tiền; và từ đấy cô vợ trẻ cũng không dám ngoại tình nữa”.

Sau khi thuyết tích nầy xong, đức Thế Tôn mới dạy rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Trong khi Như Lai sanh làm vị đại trí thức Senāka ấy, Như Lai trông thấy rõ nguyên nhân của chuyện ấy bằng trí tuệ thế gian – là một loại trí tuệ giả đoán, phân tích, suy luận – nên đã giải khổ cho thầy bà-la-môn ấy và còn cho rất nhiều người khác nữa!”

Người đã biết rộng hiểu nhiều còn cần phải có thêm trí tuệ thì kiến thức mới có lợi lạc. Mà muốn có trí tuệ, thì phải hành theo pháp Phật và trước hết phải biết những nguyên nhân nào làm cho trí tuệ được phát sanh và tiến triển.

+ Có 4 nguyên nhân phát sanh trí tuệ [11]:

1. Sappurisasa seva: Thân thiện với các bậc trí thức.

2. Sadhammassavana: Nghe pháp (lời dạy bảo) của bậc trí thức như là:

a. Saddha: Có đức tin, tin nhân quả.

b. Sīla: Trì giới (Ngũ giới, bát quan trai hay cụ túc giới).

c. Hiri: Có sự hổ thẹn tội lỗi.

d. Ottappa: Có sự ghê sợ tội lỗi.

đ. Bāhusacca: Đa văn

e. Cāga: Bố thí (Dứt bỏ)

g. Paññā: Có trí tuệ.

3. Yonisomanasikāra: Khi được nghe pháp của các bậc trí thức xong phải nghiệm xét cho chu đáo rồi hãy hành theo.

4. Dhammānudhammapatipatti: Hành đúng theo những pháp của các bậc trí thức đã dạy cho cao thượng.

HẠNH PHÚC VIII

Sippa: Có nghề [12]

(Nghề nghiệp giỏi – tiểu công nghệ)

Đức Thế Tôn dạy rằng nghề nghiệp đem hạnh phúc đến cho ta. Vậy ta cần hiểu biết:

– Nghề nghiệp là gì?

– Nghề nghiệp đem điều hạnh phúc gì lại cho ta?

– Làm sao ta có nghề?

Chú giải có dạy: Sippa nāma anagariyava (?) sena duvidha hatthakusala :

– Nghề nghiệp là sự việc làm bằng tay chân hoặc trí óc và có hai nghề:

1. Nghề của người tại gia.

2. Nghề của hạng xuất gia

Pháp hạnh phúc thứ VII dạy ta cần biết rộng hiểu nhiều, nghĩa là dạy ta thâu thập cho nhiều kiến thức về giáo lý, về lý thuyết. Còn pháp hạnh phúc thứ VIII nầy thì dạy ta thực hành, đem kiến thức ấy mà áp dụng cho lợi lạc vì nghề nghiệp nào cũng cần có kiến thức làm căn bản. Vậy nghề nghiệp là kiến thức đem ra thực hành. Người không có kiến thức thì khó làm được nghề nghiệp tốt.

Người có nghề nghiệp giỏi đi tới nơi nào cũng được an vui, không thiếu thốn, đúng như câu cách ngôn: “Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh”. Trong đời có nhiều nghề khác nhau, nghề mà người Phật tử còn tại gia cần phải lựa là nghề nào vô tội, gọi là chánh nghiệp [13]. Đức Thế Tôn có dạy con người khi còn trẻ nên học một nghề gì cho giỏi thì nghề ấy sẽ đưa sự an vui đến cho, như nghề anh chuyên môn búng sạn sau đây.

“- Khi xưa tại kinh đô Ba-la-nại (Bārā asī) có một người què nhưng có tài búng sạn rất giỏi. Những kẻ trong thành thường đẩy xe cho anh ra ngoài cửa thành, để anh dưới cội cây to, đem sạn đến và biểu anh dùng sạn búng lá cây thành hình thú nầy thú nọ kia coi chơi rồi cho anh tiền.

Ngày nọ nhà vua ngự chơi vườn thượng uyển, đi ngang qua chỗ ấy, những đứa trẻ kinh sợ bỏ chạy, chỉ còn mình anh què ở lại. Nhà vua trông thấy bừa bãi dưới đất những lá cây lủng lổ chổ có những hình thú rất ngộ, mới phán hỏi quan cận thần. Vị ấy tâu tự sự.

Nhà vua mới bảo anh què đến và hỏi: “Nầy cậu kia! trẫm có một vị quân sư có tật ham nói, khi trẫm muốn nói điều chi thì quân sư cướp lời hết, trẫm không nói gì được. Ngươi có phương kế chi làm ông ấy không nói gì nữa được chăng?

Anh què đáp: “Tâu Hoàng thượng! Nếu có vài cân phẩn dê thì hạ thần có phương thế làm được”.

Nhà vua bèn đem anh què về, để anh ngồi sau một tấm màn có khoét lỗ và để gần bên anh một cân phẩn dê khô. Đoạn ngài hội trào thần lại để bàn việc quốc gia.

Vị quân sư quen tật cướp lời nói của mọi người, vừa hả miệng toan cướp lời vua thì liền bị anh què sau lỗ màn búng một viên phẩn dê khô vào miệng. Ham nói quá, ông nuốt riết viên phẩn dê để nói. Mỗi lần ông hả miệng là bị một viên phẩn lọt vào, mà ông cứ nói không ngưng.

Đến khi vua trông thấy anh què đã búng hết phẩn. Ngài mới bảo quân sư rằng: “Nầy quân sư, vì tật ham nói, nên khanh nuốt hết một cân phẩn dê khô, mà vẫn chưa biết. Dạ dày của khanh không thể tiêu hóa được cân phẩn ấy, vậy khanh về uống thuốc xổ ra đi”. Vị quân sư cả thẹn ra về. Từ đấy ông không dám nói nhiều nữa.

Nhờ anh què mà lỗ tai vua đỡ bực, nên ngài ban cho anh què ấy thâu thuế bốn thôn được ước độ mười muôn dân.

Có một vị đại thần thấy thế mới tâu rằng: “Tâu Đại vương! Trong đời nầy dù người nào, nghề nào cũng cần phải học. Nghề búng sạn của anh què cũng được Hoàng thượng ban thưởng”.

Rồi vị ấy mới nói câu kệ:

“- Sādhu kho sippa nāma

Api yadisakīdisa (?)

Passa ajapphārena

Laddhagāmā catudisā “[14].

Nghĩa là: Đã gọi là nghề dầu là nghề gì cũng làm cho ta được hưởng được lợi ích của nó.

Người biết nghề đành là có phần lợi lạc, mà cần phải biết áp dụng và áp dụng đúng lúc, đúng chỗ thì mới mang đến kết quả tốt đẹp; bằng áp dụng không thích nghi, không lựa nơi, lựa chỗ thì lại đem cái khổ đến cho mình – như sự tích của người học trò của anh què búng sạn trên kia.

“- Có một người học nghề búng sạn với anh què nọ. Sau khi học rành nghề, người ấy mới định thử tài của mình; thầm nghĩ: Nếu mình búng sạn thử vào bò, heo, dê… thì chủ họ sẽ bắt mình đến và bị phạt, bồi thường! Nếu búng sạn thử vào bất kỳ một người nào thì cha mẹ, họ hàng quyến thuộc của họ sẽ đập chết ta hoặc sinh ra kiện cáo lôi thôi!

Một hôm gặp đức Phật Độc Giác đang đi trì bình khất thực, anh chàng thầm nghĩ: Vị sa-môn này hoàn toàn cô độc, không nhà cửa, không gia đình, ta thử tài của ta thì thật là vô tội vạ! Tức thì anh liền búng một viên sạn vào lỗ tai của đức Phật Độc Giác, viên sạn đi xuyên từ lỗ tai bên này sang bên kia. Nếu là người thường thì chết liền tại chỗ vì viên sạn đó, nhưng đức Phật Độc Giác dùng thiền định chế ngự được thương tích nên về đến am thất, ngài mới nhập diệt.

Anh nọ lại tìm đến am thất của ngài, thấy tín đồ đang lo hỏa táng và than khóc, anh mới khoe: “Mấy người biết không? Người chết đây là do tài búng sạn của tôi đó!”

Tưởng khoe như vậy là người ta kính nể và khen mình, nào ngờ tín đồ nổi giận, lôi anh ra đánh chết. Vì tội giết đấng cao cả nên sau khi chết anh sanh vào địa ngục A-tỳ”.

Vậy người Phật tử chân chính nên chọn lấy một nghề gọi là chánh nghiệp ( phải là chánh mạng) mới được hạnh phúc.

Nhưng làm sao cho ta có nghề? Điều rất giản dị là muốn có nghề, thì phải cố học.

Về nghề của bậc xuất gia, đức Thế Tôn có dạy rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Thầy tỳ-khưu trong Phật đạo phải siêng năng giúp nhau hành Tăng sự dù mọi việc lớn hay nhỏ.

Nên dùng trí tuệ quan sát mọi việc coi nên làm hay không?”[15]

Vậy các bực xuất gia phải có nghề trong phạm vi của bực xuất gia, mà nghề của bực xuất gia là Tăng sự, như: Lễ xuất gia, lễ nhập hạ, lễ dâng y, lễ ra hạ, lễ phát lồ… thầy tỳ-khưu phải thông hiểu.

+ Hơn nữa, thầy tỳ-khưu còn nên học thông 8 điều cũng thuộc vào nghề của mình là:

1. Rakkhāndriyasippa : Nghề giữ lục căn thanh tịnh.

2. Sādhukasippa : [16] Nghề biết ba điều lợi ích [17].

3. Nānābhāsākovidhasippa : [18] Nghề hiểu thông nhiều thứ tiếng là Bắc phạn và Nam phạn.

4. Dhammaratasippa : [19] Nghề biết thỏa thích. Có 10 pháp nương nhờ:

a. Sīla: Trì giới trong sạch

b. Bāhusucca: Học nhiều hiểu rộng.

c. Kalyā amitta: Có bạn lành

d. Sovacassatā: Tư cách biết vâng lời, dễ dạy

đ. Dakkhatā: Tư cách người siêng năng, khéo léo, thông thạo, có khả năng.

e. Dhammakāmatā: Tư cách người ưa thích pháp

ê. Viriya: Tư cách người có tinh tấn hành đạo

g. Santosa: [20] Có trí thức

h. Sati: Có trí nhớ (có niệm).

i. Sukhasikkhāsippa : Học biết 7 điều an lạc là:

– Manussasukha : An vui trong cõi người

– Divasukha : An vui trong cõi trời

– Jhānasukha : An vui của thiền định

– Vipassanāsukha : An vui của minh sát tuệ

– Maggasukha : An vui của đạo

– Phalasukha : An vui của quả

– Nibbānasukha : An vui của Niết-bàn

5. Nānāsippanvisada: Nghề hiểu rõ các chi tiết của nghề.

6. Kulasīlasippa : Nghề hiểu rõ phận sự của người còn ở trong gia đình.

7. Bhītasippa : Nghề hiểu rõ hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi là nguyên nhân sinh ra những học giới để ngăn ngừa, rào đón chúng ta khỏi sanh vào ác đạo.

8. Buddhasippam: Nghề hiểu rõ pháp bảo là Tam tạng.

+ Người có nghề nghiệp giỏi [21] thì được những hạnh phúc nầy:

– Trở nên người lành.

– Làm cho mình hơn người bên mình.

– Làm cho mình giỏi hơn người khác.

– Làm cho mình tốt hơn người khác.

– Làm cho mình cao thượng hơn người khác.

– Làm cho mình cao cả hơn người khác.

– Tự mình sinh sống được dễ dàng hơn.

– Làm cho mình trở nên người khôn ngoan hơn kẻ khác.

– Làm cho mình giàu hơn người khác

– Làm cho mình có an vui hơn người khác.

– Làm cho mình trở nên người có giá trị hơn người khác.

– Làm cho xã hội được tiến hóa.

HẠNH PHÚC IX

Vinayo ca susikkhito: Học thông được luật
(Khéo học tập, thông suốt luật nghi)

Muốn học thông luật cần phải phân tách 3 điểm trong luật:

1. Trạng thái của luật

2. Sự quan trọng của luật

3. Luật là nguyên tắc sống đẹp, lành mạnh để người hành theo.

Ai ai cũng biết rằng luật [22] là những điều cấm không cho người vi phạm, do nơi nhiều vị trí thức hợp đồng soạn thảo ra, để mọi người trong một xã hội thực hành theo, để đem an vui lại cho xã hội. Do vậy, luật không phải do một người có toàn quyền quyết định trong một nhóm, phe phái hay một xã hội độc tài chuyên chế nào đó với những điều lệ hay những pháp lệnh độc đoán.

Ai ai cũng biết rằng chúng ta mỗi người đều có thể có 2 lối đi là: Đường đời và đường đạo – vì mỗi người trong chúng ta có hai thành phần quan trọng là thân và tâm. Thân nầy sanh ra trong đời và sống trong đời, trưởng thành trong đời và sống trong đời. Tâm của chúng ta cũng vậy. Nhưng tâm phải sống trong khuôn khổ của luân lý, đạo đức là luật của đạo, của đức lý chung chung; còn như thân thì phải tùy thuộc kỷ luật, pháp luật – tức là luật của đời.

Tất cả nhân loại sanh ra trong cõi ta-bà nầy đều phải bị chi phối bởi nhiều luật tắc. Nếu là người tại gia cư sĩ, thì phải tuân theo mọi quy định của pháp luật nơi quốc độ mà mình đang sống. Nếu là người có tôn giáo thì còn tuân theo luật tắc, giới điều của tôn giáo ấy nữa. Riêng với Phật giáo – thì giới điều dành cho những cư sĩ tại gia là ngũ giới hay bát quan trai giới. Nếu người nào chỉ biết giữ theo luật của chánh phủ, nhưng không biết luật của tôn giáo – thì người ấy được gọi là người vô tín ngưỡng; có thể họ là người sống theo duy vật, theo chủ thuyết hư vô hoặc đoạn diệt luận! Riêng đạo Phật, nếu họ sống theo luật đời, chấp hành, tuân thủ luật đời mà không tin Phật, tu Phật thì người ấy có thể tránh được cho mình những điều phiền lụy về thể xác, phần thân; nhưng họ sẽ không có được đời sống tinh thần thanh cao, hướng thiện, hướng thượng trong kiếp nầy và luôn cả kiếp vị lai.

Vì vậy nên có câu Phật dạy rằng:

“- No ce assa buddhi

Vinayo vā susikkhito

Vane andhamahīsova

Careyya bāhuko naro”

Nghĩa là: Thái độ sống, mọi hành động của nhân loại mà không có luật bắt buộc họ phải thực hành theo, thì không khác nào bầy bò đui mà đi trong rừng rậm.

Nơi đây tôi xin đề cập riêng về luật của đạo. Theo Tam tạng kinh của đức Thế Tôn đã giáo truyền thì luật ấy được chế định chia ra làm 2 bộ:

1. Agāriyavinaya: Luật của người tại gia.

2. Anāgariyavinaya: Luật của người xuất gia.

Luật của người tại gia

Người tại gia là người còn trong gia đình chưa có thể hay là không thể bỏ gia đình để đi theo phẩm hạnh của các bậc xuất gia, nên đức Phật có ấn định giới luật cho hàng cư sĩ. Luật ấy gồm có 10 điều chế ngự thân, khẩu, ý. Mười điều luật ấy có khi gọi là thập thiện đối lại với thập ác. Thập ác là mười điều ác chia ra làm 3 loại là:

– 3 điều ác do thân tạo ra: Sát sanh, trộm cướp, tà dâm.

– 4 điều ác do khẩu tạo ra là: Nói dối, nói đâm thọc, nói ác và nói lời vô ích.

– 3 điều ác do ý (tâm) tạo ra là: Tham lam thái quá, oán thù và tà kiến.

+ Mười điều ấy xin lần lượt giảng giải theo thứ tự sau đây:

1. Sát sanh (Pā ātipātā): Là cố ý giết hay là xúi kẻ khác giết người hoặc động vật có sự sống.

Nếu giết thú nhỏ, thức tánh sơ khai – thì tội ít, còn thú lớn, thức tánh phát triển – thì tội nặng; nếu giết người thì tội càng nặng hơn. Nếu người sát sanh có đủ 5 chi phần sau đây mới gọi là sát sanh:

– Pā a: Thấy có một chúng sanh.

– Pansannīta: Biết rằng chúng sanh ấy có thức tánh (Có hơi thở, có sự sống).

– Vadhakacitta : Khởi tâm, cố ý giết hại.

– Upakkama: Cố gắng tìm cách giết chúng sanh ấy.

– Tena mara a : Đã giết chúng sanh ấy bằng nỗ lực của chính mình.

Nếu thiếu một chi phần nào, thì người giết hại không gọi là phạm tội sát sanh, nhưng giới bất sát của người ấy không được trong sạch [23].

2. Trộm cướp (Adinnādānā): Có tác ý trộm cướp khi biết rằng món đồ cướp ấy có chủ, chủ không bằng lòng cho mà vẫn cố ý cướp hay lấy về cho mình. Tội trộm cướp nặng hay nhẹ là tùy theo của ít hay nhiều, giá trị cao hay thấp; và cũng tùy theo người bị cướp ấy là kẻ xấu ác hay là người lương thiện, có giới hạnh. Dĩ nhiên là cướp của người có đạo đức, giới hạnh thì tội nặng hơn.

+ Người hoàn toàn phạm vào tội trộm cướp là khi nào người phạm đủ năm chi phần sau đây:

– Parapariggahita : Tài sản, của cải của người khác.

– Parapariggahitasannitā: Biết rằng tài sản, của cải ấy là có chủ gìn giữ.

– Theyyacitta : Khởi tâm, cố ý lấy cắp, trộm cướp vật đã có chủ ấy.

– Upakkama: Tìm mưu kế, cố nỗ lực để lấy cắp vật ấy cho bằng được.

– Tenahara a : Đã trộm cướp được là nhờ vào sự nỗ lực và mưu kế ấy.

3. Tà dâm (Kāmesumicchācārā): Dịch từ tiếng phạn là kāma [24], nghĩa là sự mơ ước. Tiếng nầy thường được dịch là trần nhưng nơi đây phải dịch là dâm. Dâm có hai trường hợp: Phạm tội, và không phạm tội.

– Sadārasantoso: Ăn ở với vợ nhà là không phạm tội.

– Paradāragamana: Ăn ở với kẻ khác (vợ người khác) là phạm tội.

Tà dâm là một điều mà các vị thiện trí thức, nhứt là đức Phật hằng chê bai là pháp thấp hèn làm cho chúng sanh tội lỗi và đau khổ trong luân hồi.

+ Phật giáo cấm phạm dâm đến 20 hạng người, gọi là Agamaniyatthāna: Người bất khả xâm phạm.

1. Māturakkhitā: Người con gái còn có mẹ giữ gìn.

2. Piturakkhitā: Người con gái còn có cha giữ gìn.

3. Mātāpiturakkhitā: Người con gái còn có cha mẹ giữ gìn.

4. Bhāturakkhitā: Người con gái còn có anh gìn giữ, nghĩa là người đã mất cha mẹ, hoặc còn mà phải ở với anh, anh có phận sự gìn giữ.

5. Bhaginīrakkhitā: Người con gái còn có chị hay em gái gìn giữ.

6. Natirakkhitā (?): Người phụ nữ có quyến thuộc gìn giữ.

7. Gottarakkhitā: Người phụ nữ còn có người trong họ hàng gìn giữ.

8. Dhammarakkhitā: Người phụ nữ có pháp gìn giữ – nghĩa là người phụ nữ xuất gia ở trong giới luật, còn có nhiều người cùng đạo gìn giữ.

9. Sārakkhā: Người phụ nữ đã có chồng hay người đi hỏi rồi – – là người đã được bảo vệ.

10. Sāpattika: Người phụ nữ phạm luật nước, nghĩa là người phụ nữ bị nhà chức trách không cho hành động theo ý muốn của mình, hoặc cho người nam đến giao tiếp.

11. Dhanakkita: Người phụ nữ đã có người mua đổi bằng tiền của, dầu nhiều hay ít.

12. Chandavāsinī [25]: Người phụ nữ theo trai, người đàn ông bằng lòng đem về nhà làm vợ.

13. Bhogavasī [26]: Người phụ nữ ưng làm vợ người vì tiền, nghĩa là người phụ nữ ấy ưng làm vợ của người nam vì một số tiền dù ít hay nhiều.

14. Pa avasī [27]: Người phụ nữ ưng làm vợ người vì y phụ nghĩa là chịu lãnh một số y phục để về làm vợ.

15. Odapattakini [28]: Người phụ nữ bằng lòng để cho người khác đem bàn tay mình để vào bàn tay người nam, rồi nhúng vào chậu nước mà nói rằng: Hai người hãy ở với nhau như nước nầy, không bao giờ chia rẽ nhau. Đây là phép cưới ngày xưa của Ấn Độ.

16. Chatakumbhatā. Người phụ nữ đội trên đầu nhờ người nam để xuống rồi người ấy đem về làm vợ.

17. Dāsī ca bhariyā ca: Người phụ nữ đã làm tớ gái mà cũng là làm vợ, nghĩa là trước kia là nô tỳ sau này lại ở với ông chủ.

18. Kammakārī ca bhariyā ca: Người phụ nữ làm công mà cũng làm vợ.

19. Dhajāha a: Người phụ nữ bị quan quân bắt về, nghĩa là nữ tù binh.

20. Muhuttikā (?): Người phụ nữ có tình với người nam (như vợ bé thời bây giờ).

Người nam không được xâm phạm đến 20 hạng nữ kể trên; còn người nữ khi biết mình thuộc về 20 hạng ấy mà còn ngoại tình thì được gọi là tà dâm.

Cũng như hai giới trước, giới tà dâm nếu phạm vào người ít đức thì tội nhẹ, bằng phạm vào người có nhiều giới đức thì tội lại nặng.

Giới tà dâm có 4 chi phần để cho người biết mình có phạm giới hoặc giới bị nhơ đục hay không.

– Aga naniyavatthu (?): Người mà ta không nên hành dâm (20 hạng phụ nữ đã kể trên).

– Tasmin sevanacitta : Tâm muốn hành dâm với người không nên hành dâm.

– Sevanappayogo: Cố gắng tìm cách hành dâm.

– Maggena maggappa ipatti adhivāsanā: Đã hành dâm được do sự cố gắng ấy.

Trong ba giới sát sanh, trộm cướp, tà dâm kể trên, tuy đều có ý tham dự – nhưng khi phân tích tội thì chúng đều thuộc về thân – thân nghiệp. Luật chưa bắt tội tâm vì nếu tâm chỉ toan tính mà điều ác chưa thi hành, thì nhân vật mà tâm tính hại ấy thực tế vẫn chưa bị hại (vì sự suy nghĩ ác của tâm).

4. Nói dối (Musāvādā): Theo chú giải thì tội nói dối không chỉ do khẩu (bằng miệng) – mà phải tính luôn khi thân, tay, chân ra dấu hiệu hoặc dùng thư từ để dối gạt người khác nữa. Ngoài ra, sau khi đã nói dối, người khác hỏi đến, do sợ tội nên tìm cách chối quanh – cũng không thoát khỏi tội nói dối; bằng thú nhận thì sợ bị hành phạt, cứ nín thính, như vậy cũng phạm tội nói dối.

Nói dối nếu hại ít người thì nhẹ tội, bằng hại nhiều người thì nặng tội.

+ Nói dối có bốn chi phần là:

– Attha vatthu: Chuyện, nhân hay vật không thật.

– Visa vāyamacitta : Tâm muốn nói sai sự thật.

– Tajjovāyama: Cố gắng nói sai sự thật theo ý muốn.

– Parassa tadatthavijānāna : Đã làm cho người khác tin theo, biết rõ chuyện không thật mà mình đã nói ấy.

5. Nói đâm thọc, ly gián (Pisu āya vācāra): Con người bị sự tham lam, sân hận, si mê làm mờ ám – thường mưu toan làm cho những kẻ đang thương yêu quý mến nhau phải chia rẽ nhau, thù oán nhau cho bõ ghét, cho đã lòng oán hận hoặc là để cầu thân với bên nầy đặng trả oán bên kia. Thái độ ấy gọi là pisu āyavācāra, tức là nói đâm thọc, ly gián nhằm chia rẽ người khác.

Lời nói đâm thọc, chia rẽ người có giới đức ít, thì nhẹ tội, bằng người có đức hạnh cao thì tội nặng. Còn nếu nói đâm thọc mà không có kết quả chi cả (tội chưa được thành lập) thì tội ít.

+ Nói đâm thọc, ly gián có bốn chi phần là:

– Bhinditabbo paro: Người có thể chia rẽ.

– Bhedapurekkhārātā vā piyakamyatā: Ý muốn chia rẽ, hoặc muốn cho một bên thân thiện với mình.

– Tajjo vāyama: Đã nỗ lực, cố gắng để chia rẽ, ly gián.

– Tadatthavijānāna : Đã có kết quả, đã làm cho hai bên biết rằng họ ghét nhau và đã thành công trong sự mưu toan ly gián ấy.

6. Ác ngữ (Pharusāya vācāya): Là nói lời cay độc, độc ác, hung dữ…

Chú giải có dạy rằng: Khi ta giận hờn nguyền rủa và trù ẻo kẻ khác cho bị tai nạn, nói những điều xấu của kẻ khác làm cho người ta mất danh giá, ấy là ác ngữ.

Riêng về phần cha mẹ chửi rủa con, không gọi là ác ngữ, vì mặc dầu ngoài miệng chửi rủa mà trong lòng thương yêu không muốn cho con bị tai nạn theo lời rủa của mình. Như có tích sau đây:

“- Có một thanh niên kia cãi lời mẹ đi chơi trong rừng, bà mẹ sợ con bị tai nạn, ngăn cản không được, mới rủa: “Mầy đi sẽ bị trâu rừng dữ rượt mầy”.

Người con vào rừng bị trâu rừng rượt thiệt. Nhắm không thể nào chạy khỏi, người ấy mới phát nguyện rằng: “Khi tôi ra đi, mẹ tôi có rủa tôi, nếu mẹ tôi có ác ý muốn cho tôi chết, tôi xin chịu chết; bằng mẹ tôi chỉ hăm dọa cho tôi sợ, xin cho tôi thoát nạn”. Người thanh niên vừa dứt nguyện, trâu rừng tự trở lui không hại người thanh niên ấy”.

Tích nầy cho thấy rằng dầu lời nói ác nhưng tâm không ác, thì không hoàn toàn là ác ngữ. Tuy nhiên, đấy là trường hợp đặc biệt mà người mẹ phải sử dụng để đối trị với đứa con cứng đầu. Bất cứ trong trường hợp nào, đã là người tu Phật thì không nên nói lời độc ác, hung dữ hoặc nhiếc mắng, nguyền rủa kẻ khác – nó chính là thuộc độc làm cho ô nhiễm tâm trí chúng ta.

Cũng tương tợ như các giới trên, ác ngữ với người thấp hèn, ngu si không có giới đức thì tội ít, bằng với người hiền lương, có giới đức thì tội rất nặng.

+ Ác ngữ có ba chi phần là:

– Akkositabbo: Có kẻ khác để ta chửi, mắng.

– Kujjhanacitta : Tâm ta giận

– Akkosanā: Đã chửi rủa xong.

7. Lời nói phù phiếm (Samphappalāpa): Tức là nói ba cái chuyện tào lao, chuyện bậy bạ, chuyện tiếu lâm, chuyện vô ích, chuyện rỗng không…

+ Giới nầy có hai chi phần là:

– Muốn nói lời phù phiếm (như trên).

– Đã nói những chuyện kể trên rồi.

Khi người phạm vào hai chi phần trên thì là phạm vào tội nói lời phù phiếm, vô ích. Nhiều người lầm tưởng rằng, giới này vô tội vạ, chỉ để giết thì giờ, để giải trí cho vui – nhưng thật ra, lâu ngày chầy tháng nó sẽ làm cho ta giảm mất tư cách và giá trị con người.

Về phần khẩu, vậy là có 4 tội: Nói dối, nói ly gián, nói độc ác và nói phù phiếm.

8. Tham lam quá (Abhijjhā) : Có hai chi là:

– Parabha a : Của cải của người khác.

– Attano parināmānam (?): Đã tìm cách thế đem những của cải về cho mình – dù chỉ mới tính quyết rằng: Ta sẽ đem của cải ấy về cho ta, nhưng chưa thực hiện thì cũng phạm vào chi phần nầy rồi.

Trái lại, nếu ta muốn được của cải, tài sản của người, nhưng tâm ta chưa quyết rằng ta chiếm cho kì được, thì chưa hẳn phạm giới.

Về khoản nầy, giới cấm rất gắt, và phải gắt như thế mới có thể đưa tâm của con người vào khuôn khổ được. Người tu muốn được giải thoát, cần phải có trí nhớ và công bằng để làm quan tòa xử tâm mình cho công minh, không thiên vị.

9. Oán thù (byāvata) [29]: Oán thù là ác tâm muốn tìm thế hại người, tìm mưu chước để làm mất lợi ích hoặc giảm uy tín của người mà họ oán ghét.

+ Oán thù có hai chi phần là:

– Parasaytto (?): Tạo nhân oán thù.

– Tasavināsacinto (?): Do oán thù nên suy nghĩ để tìm cách mưu hại kẻ khác.

Oán thù sanh lên bởi lòng nóng giận. Khi nóng giận kẻ khác mà chưa có ý nghĩ hại người, thì chưa hẳn phạm tội nầy, chừng nào tâm đã lập kế hại người, và đã hại người rồi mới gọi là phạm.

10. Tà kiến (Micchādi hi): Sự hiểu biết sai lầm, trái với sự thật, gọi là tà kiến. Ấy là sự nhận thức trái với chân lý. Ví dụ như tin tưởng rằng một khi đã phạm tội rồi, có thể yêu cầu kẻ khác rửa tội cho mình, hoặc chịu tội thế cho mình, tin rằng có kẻ khác cho ta phước, phạt ta phải chịu tội, chớ không tin rằng: Phước theo ta như bóng theo hình, hễ hình cao thì bóng dài mà hình thấp thì bóng ngắn.

+ Tà kiến có hai chi phần là:

– Vatthuni gahi akāraviparītattā: Tánh cách của sự cố chấp , chấp vào điều sai với sự thật.

– Yathā ca ta bandhati tathābhāvena tassapatthāna : Chấp với tánh cách hiểu lầm, những điều sai với sự thật, mà cho rằng đúng, không chịu bỏ.

Người tu tại gia cố tránh mười điều ác do thân, khẩu, ý, tạo ra; đồng thời ráng hành mười điều thiện. Được như vậy, mới là đúng luật của người cư sĩ tại gia.

Luật của người xuất gia

Anāgāriyavinaya: Nếu dịch đúng theo phạn ngữ là luật của người vô gia đình, mà người vô gia đình là người xuất gia. Người xuất gia không được phạm một điều nào trong 227 điều luật đã thọ trì.

227 điều ấy, gọi là cụ túc giới, nếu vị tỳ-khưu nào phạm đến, tùy theo sám hối được hay không – thì hoặc bị phạt cấm phòng hay bị hoàn tục nghĩa là bị trục xuất ra khỏi hàng Tăng-già.

+ Cụ túc giới chia ra làm 7 phần:

1. Pārājika: Bất cộng trụ.

2. Sa ghādisesa: Tăng tàn

3. Thullaccāya: Tội trọng

4. Pācittiya: Ưng xã đối trị

5. Pā idesanīya: Ưng phát lộ (Ưng đối trị)

6. Dukka a: Tác ác

7. Dubbhāsita: Ác ngữ

Thầy tỳ-khưu phạm bất cộng trụ thì bị trục xuất khỏi giáo hội; phạm tăng tàn phải bị cấm phòng, còn phạm vào năm điều sau thì có thể xin sám hối được.

Đừng nói chi đến sự phạm bất cộng trụ và tăng tàn, thầy tỳ-khưu phạm vào một điều nào của năm điều sau, tuy có thể xin sám hối được, mà lại quên không xin sám hối, thì điều tội ấy dù nhỏ, cũng ngăn con đường thiên đàng và Niết-bàn, như câu Phật dạy rằng: Sāpattikassa bhikkhaveniriya vadāmi tiracchānayoniya , nghĩa là: “Nầy thầy tỳ-khưu! Như lai thấy như thực rằng: Địa ngục hay súc sanh là cảnh giới dành để cho các thầy tỳ-khưu phạm trọng giới ”.

Đây tôi xin nhắc sơ lược sự thích của một thầy tỳ-khưu, chỉ phạm một giới rất nhỏ mà quên sám hối, rồi phải bị đọa vào súc sanh.

“- Trong thời kỳ giáo pháp của đức Phật Kassapa (Ca-diếp) có một thầy tỳ-khưu hành đạo trong rừng tám muôn năm, giới hạnh của thầy rất trang nghiêm. Ngày nọ, đi ghe theo sông Ga gā, tới chỗ nước chảy mạnh, ghe đi rất đỗi mau, ông kinh sợ, níu một bụi tranh, mọc nơi bờ, rủi đứt bụi tranh; khi trở về tịnh thất, ông quên sám hối, tưởng đó là một tội nhỏ thôi [30]. Khi sắp lâm chung, ông có cảm tưởng như có lá tranh đến quào vào cổ ông. Chừng ấy ông muốn sám hối, nhưng rủi thay, trong lúc ấy không có một vị tỳ-khưu nào đó để ông sám hối, nên ông rất ân hận rằng giới hạnh của mình không được trong sạch. Rồi ông tắt hơi, sanh làm vị Long vương tên Erakapatti – từ đời đức Phật Ca-diếp đến thời đức Thế Tôn hiện tại của chúng ta. Tuy Long vương có thọ tam quy và ngũ giới, được nghe pháp của đức Phật Gotama nhưng không thể đắc đạo quả được vì còn mang xác thân súc sanh”.

Vì lẽ ấy nên các thầy tỳ-khưu, vì dễ duôi hay vì không cố ý mà lỡ phạm vào một điều nào dầu thật nhỏ, cũng nên sám hối liền, bằng không, dầu đạo hạnh thanh cao và có tinh tấn đến đâu, sắp đắc đạo quả, cũng bị trở ngại.

“- Còn nữa, một thuở nọ, đức Thế Tôn đi ngang qua xứ Kosala, trông thấy ở lề đường có một cây cổ thụ có hoa, và trong hoa có lửa đang cháy, xem thật ghê sợ và rất nguy hiểm cho thân cây. Đức Thế Tôn liền đem hình ảnh cây cổ thụ và lửa đang đốt nó làm ví dụ để thuyết một bài pháp thật dài, dạy các thầy tỳ-khưu về lửa phiền não hằng thiêu đốt thân tâm con người.

Trong khi nghe đức Phật thuyết pháp, có 60 vị tỳ-khưu vi phạm vào giới bất cộng trụ mà giấu lỗi liền phát tâm ân hận, mửa máu tươi ra chết tại chỗ. 60 vị khác phạm tăng tàn nhưng cũng giấu lỗi, tự xét lấy mình, rằng là phạm hạnh của đức Phật dạy thật là cao quý, mà ta không thể hành được; suy nghĩ như thế rồi 60 vị ấy xin hoàn tục. Còn 60 vị nữa tự xét giới hạnh của mình thật trong sạch nên tâm thơ thới, quán tưởng ba tướng nên đắc A-la-hán quả”.

Đến đây có lẽ có người muốn hỏi: “Nếu theo thời pháp của đức Thế Tôn dạy thì 60 vị chết tại chỗ và 60 vị hoàn tục, thì thời pháp ấy có kết quả lành ít mà tai hại lại nhiều; vậy tại sao đức Phật lại thuyết? Thế lòng từ bi vô lượng của ngài ở đâu? ”

Đặt câu hỏi như vậy chỉ chứng tỏ chúng ta thấy gần nhưng không hiểu xa! Đức Thế Tôn là bậc đã hoàn toàn giác ngộ nên việc làm nào của ngài cũng rất nghiêm minh, chu đáo và lợi lạc cho chúng sanh. Nếu ngài không thuyết thời pháp ấy thì chư tỳ-khưu phạm bất cộng trụ và tăng tàn ấy tha hồ mà lợi dụng lòng tin tưởng của tín đồ. Trong tạng Luật, đức Phật đã sánh hạng tỳ-khưu ấy với một bọn cướp rất lợi hại, nhà chức trách không biết và không thể bắt được. Vì bọn cướp ấy giấu mặt, mà người không biết lại vui lòng giúp cho khí giới nữa. Thiện tín đâu biết ấy chính là các thầy tỳ-khưu phá giới nên dâng cúng bằng tất cả tấm lòng cung kính. Bởi vậy đức Phật phải thuyết thời pháp ấy, vì ngài thương hại cho các vị tỳ-khưu sợ càng giấu lỗi thì tội họ càng ngày càng nhiều, vì cướp của thiện tín thì càng bị đọa vào địa ngục. Còn 60 vị tỳ- khưu phạm tăng tàn, sau khi hoàn tục, nếu cố gắng thực hành theo hạnh người tại gia cũng có thể đắc được đạo quả. Còn nữa, nếu đức Phật không thuyết thời pháp ấy, thì các thầy tỳ-khưu ấy càng làm thêm những điều chẳng lành, làm cho ngoại đạo hay biết chuyện chẳng hay ấy, họ chỉ trích đạo Phật, làm cho đạo Phật khó truyền bá, không đi sâu được vào các giới trong xã hội nhất là các bậc thượng lưu, đạo đức, trí thức. Vì vậy nên thời pháp mà ngài thuyết rất là cao quí, vì lòng từ bi của một đấng Giác Ngộ; và cũng không phải vì thời pháp của ngài đã làm hại các thầy tỳ-khưu, mà đó chẳng qua là cái quả tu hành không chân chánh của các thầy tỳ-khưu ấy đó thôi.

+ Luật xuất gia còn gọi là luật của người vô gia đình, ngụ ý chỉ Tứ thanh tịnh giới. Tứ thanh tịnh giới ấy là:

1. Pātimokkhasa varasīla: Tàu âm là Ba-la-đề-mộc-xoa; còn được gọi là Biệt biệt giải thoát thu thúc giới hay là Cụ túc giới – tức là có cả thảy 227 giới điều [31] mà thầy tỳ-khưu phải hành theo.

2. Indriysa varasīla: Lục căn thu thúc giới

3. Ājīvapārisuddhisīla: Chánh mạng thanh tịnh giới.

4. Paccayasannissitasīla: Quán tưởng thọ vật dụng thanh tịnh giới.

I. Ba-la-đề-mộc-xoa, biệt biệt giải thoát thu thức giới là 227 giới điều của bậc tỳ-khưu phải tuân hành theo cho thật trong sạch, dầu một giới thật nhỏ cũng không cho phạm vào. Người tu phải luôn luôn trau dồi giới hạnh cho trong sạch, cũng như chỉ có một con mắt, hết sức trông nom săn sóc con mắt còn lại cho khỏi bị bệnh. Thầy tỳ-khưu biết thương yêu, quý trọng giới hạnh của mình, mặc dầu chết chứ không cho phạm giới rất nhỏ như thầy tỳ-khưu trong sự tích sau đây:

“- Có một thời tỳ-khưu hành đạo trong rừng bỗng bị một bọn cướp bắt ngài, cột trói lại bằng một sợi dây bổ thảo (?)- thứ cây như dây bình bát – rồi chúng bỏ giữa rừng, không cho ngài về thành, vì sợ ngài về mách với chánh quyền đến truy nã chớ không ác ý muốn giết hại ngài. Thầy tỳ-khưu ấy không dám làm đứt sợi dây [32], sợ phạm Ưng đối trị trong điều học làm hại thảo mộc. Thầy cam chịu bị cột và nhịn đói bảy ngày, ráng hết sức tham thiền, hết ngày thứ bảy đắc A-na-hàm quả, chết được sanh về cõi Ngũ tịnh phạm thiên.”

Nên có câu kệ ca tụng giới đức trang nghiêm rằng:

“- Pātimokkha visodhento

Appeva jīvita jahe

Paññatta lokanāthena

Nabhinde sīlasa vara ”.

Nghĩa là: Hành giả có đức tin hành theo Ba-la-đề-mộc-xoa được thanh tịnh; có đủ can đảm bỏ mình, không chịu để phạm giới mà đức Lokanātha (Đấng Cứu Thế) [33] đã giảng giải.

Xem đến tích nầy có lẽ có nhiều người cảm động vì tư cách xử sự của vị tỳ-khưu ấy, mà cũng có người cho rằng: Ngài câu nệ một giới quá nhỏ. Tôi xin bào chữa cho ngài như vầy: Người như ngài thật là người biết yêu sự giải thoát. Ngài không còn làm nô lệ cho phiền não. Ngài thắng được cái ý nhơ nhớp là không biết ghê sợ và hổ thẹn tội lỗi nên ngài đã giải thoát. Riêng chúng ta còn làm nô lệ cho phiền não và vẫn còn chưa kinh sợ khổ não của sự sanh tử luân hồi.

Gương xán lạn ấy, chẳng những hàng xuất gia mà hàng cư sĩ phải noi theo, để gìn giữ giới hạnh của mình được tinh khiết và nâng cao trình độ tinh thần của mình trên đường giải thoát.

II. Lục căn thu thúc giới: Thầy tỳ-khưu muốn lục căn thu thúc được thanh tịnh thì trước nhứt phải biết quả báo cao thượng của sự thu thúc và tai hại của sự buông lung.

Đức Phật có dạy về hai điều ấy. Một, ngài dạy rằng: Có 6 nơi sanh ra cảm xúc là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Thầy tỳ-khưu gìn giữ 6 căn ấy cho cẩn thận thì sẽ được an vui, bằng không thì sẽ khổ tâm bất tức [34]. Hai, đức Phật có dạy rằng: Các thầy tỳ-khưu thà dùng miếng sắt bén móc vào con mắt, dùng dao thật bén nạo lỗ tai, lưỡi dao thật bén cắt lỗ mũi, lưỡi, thân nầy – còn hơn là thu nạp cảnh trần vào tâm và cho rằng đó là đẹp, thơm, ngon, mềm dịu và vui sướng. Thọ những vui sướng trong trần dục ấy, khi chết thầy tỳ-khưu chắc chắn đi về một trong bốn đường ác.

Hơn nữa, trước trần dục ấy thà ngủ quên đi còn hơn, vì nếu ngủ quên thì chỉ là một tội nhỏ – bằng khi thức mà thầy tỳ-khưu suy nghĩ quấy, lâu ngày sẽ dẫn thầy tỳ-khưu ấy đi vào con đường tội lỗi.

Vậy không riêng gì bậc xuất gia, mà hàng tại gia cư sĩ cũng phải noi theo bài kinh nầy là lo thu thúc lục căn; người không thu thúc lục căn thường bị mất lợi lạc trên đường tiến hóa và thường bị tai hại trong kiếp nầy như sự tích sau đây:

“- Khi xưa, có nhiều trừu (cừu) ở trong một hang núi gần rừng Tuyết Lãnh, trong bầy ấy có một con trừu cái rất là khôn ngoan tên là Mandamātā. Gần hang ấy có một hang khác, là nơi hai vợ chồng sói ở. Sói đực tên Pātimansa, sói cái tên Veni, thường bắt trừu ăn. Bầy trừu sợ nên kéo nhau đi xa nên vợ chồng sói bắt không được thịt. Sói đực mới bàn với vợ rằng: “Nàng hãy tìm cách làm quen với con trừu cái Mandamātā. Khi đã thân thiện rồi, nàng hãy than thở với trừu: Chồng tôi đã chết nên tôi không còn một thân thuộc nào cả, chỉ có mộtmình bạn thôi, vậy xin bạn hãy đến giúp tôi an táng chồng tôi. Chừng khi trừu Mandamātā đến, tôi sẽ vật nó để chúng ta cùng ăn thịt.” Sói cái y lời, rủ rê mãi mới đem trừu cái về được. Trừu cái bẩm chất khôn ngoan nên luôn luôn cảnh giác, đề phòng mọi bất trắc. Sói đực giả bộ chết, khi nghe tiếng vợ về, sợ không rủ rê được trừu cái, ngóc đầu lên coi. Trừu cái thoáng là biết, thấy mình trúng kế, lật đật bỏ chạy về rất mau, sói cái giận mắng chồng rằng: “Ông là người khùng! Không có trí tuệ suy xét, đã giả chết mà còn ngóc đầu lên xem, không hợp thời”.

Đức Thế Tôn kết luận tích nầy bằng câu kệ:

“- Na akāle vipekkheyya

Kāle pekkheyya pa ito

Pūtimanso va jhāyati

Yo akāle vipekkhati!”

Nghĩa là: Bậc trí thức không nên xem sắc trong lúc không nên xem, mà phải nên xem cho hợp thời. Người xem không hợp thời sẽ thất vọng buồn khổ như sói Pūtimansa vậy. Đây là cái tai họa không thu thúc lục căn. Vậy người tại gia cũng như người xuất gia nên ráng thu thúc lục căn.

III. Chánh mạng thanh tịnh giới: Chánh mạng thanh tịnh giới mà được trong sạch là do nhờ sự cố gắng nuôi mạng chân chánh y theo lời Phật dạy trong bài kinh Mahāsatipatthanāsutta rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Hàng Thinh Văn đệ tử trong Phật giáo cố dứt tà mạng và nuôi mạng chân chánh. Các thầy tỳ-khưu nên thực hành như thế mới gọi là nuôi mạng chân chánh”.

Chú giải có nói thêm rằng: Tà mạng mà Phật đề cập đến, đó là phương pháp bất chánh mà thầy tỳ-khưu không nên dùng đồ tứ vật dụng được người dâng cúng mà đức Phật gọi là tà mạng, gồm có 26 điều là:

1. Giả làm tề chỉnh (Giả vờ thu thúc trang nghiêm).

2. Giả làm vui vẻ.

3. Nói ướm.

4. Giả bộ dọa hăm.

5. Được nơi nầy đem cho nơi khác.

6. Cho trẻ.

7. Cho lá cây [35].

8. Cho bông hoa.

9. Cho cây xỉa răng.

10. Cho trái cây.

11. Cho nước rửa mặt.

12. Cho vật để tắm (xà bông)

13. Cho vật thoa dồi (Khi xưa đức Phật cho phép các thầy tỳ-khưu dùng dầu để xoa (thoa) trong mùa mưa rét cho khỏi nứt da).

14. Cho đất của Tăng.

15. Tôn kính kẻ thế.

16. Thật ít dối nhiều.

17. Giữ con cho người.

18. Làm tay sai cho người.

19. Làm thầy thuốc cho người.

20. Đem tin cho người.

21. Chịu cho người điều khiển.

22. Đem cơm đã khất thực được để cho người (không phải cha mẹ) ăn trước còn mình để khất thực lần thứ nhì mà ăn.

23. Cho đi cho lại.

24. Xem thiên văn địa lý.

25. Xem ngày tháng sao hạn.

26. Xem tay, tướng và thai cho đàn bà.

Trong 26 điều tà mạng kể trên có điều thuộc về thân, có điều thuộc về khẩu, thầy tỳ-khưu nào có lòng tham muốn lợi lộc để nuôi mạng mà hành theo 26 điều kể trên, hoặc một trong 26 điều cũng gọi là tà mạng.

Các bậc thánh nhơn thà chết chớ không bao giờ để phạm vào tà mạng. Tôi xin nhắc lại tích của đức Xá-lợi-phất.

“- Một ngày nọ đức Xá-lợi-phất đau bụng. Đức Mục-kiền-liên thấy vậy mới hỏi: “Khi sư huynh chưa xuất gia, gặp cơn đau bụng như thế nầy, uống thuốc chi mới mạnh?”

– Ăn cơm đề hồ (cơm nấu với sữa tươi) thì mạnh.

Có một vị thiên nghe được lời ấy, nên hiện đến mách với bà thí chủ của đức Xá-lợi-phất. Bà nấu cơm đề hồ dâng đầy bát cho đại đức Mục-kiền-liên, cốt ý đem về cho ngài Xá-lợi-phất dùng để trị bệnh. Đức Xá-lợi-phất từ chối hẳn, không chịu thọ thực, vì tự ngài đã nói ra – thì ăn món cơm đề hồ ấy chính là tà mạng. Đức Mục-kiền-liên yêu cầu mấy lượt, đức Xá-lợi-phất đều lắc đầu, trả lời rằng: “Ruột của tôi mà có đứt ra từng đoạn hay có thể chui ra và bò như rắn trên mặt đất đi nữa, tôi cũng không thọ thực món ăn nầy, vì tôi đã nhắc đến nó đêm hôm qua”.

Theo luật, dầu đức Xá-lợi-phất có thọ món đề hồ ấy để trị bệnh cũng vô tội, song các bậc thánh nhơn thọ trì giới luật rất chơn chánh, rất đáng làm gương cho hàng hậu thế. Các bậc xuất gia nên noi theo gương cao cả ấy, cố giữ mình đừng cho phạm vào 26 điều tà mạng kể trên.

IV. Quán tưởng thọ vật dụng thanh tịnh giới: Nghĩa là khi thọ lãnh, khi dùng, lúc đang dùng và khi dùng xong vật dụng của đàn-na thí chủ dâng cúng, thầy tỳ-khưu phải quán tưởng theo những lời trong bài kinh quán tưởng bằng Phạn ngữ, bằng không hiểu Phạn ngữ thì cần học hiểu bằng tiếng mẹ đẻ để lãnh hội ý nghĩa của kinh, để ngăn ngừa không cho tâm duyên theo trần tục. (Bài kinh quán tưởng có sẵn trong quyển Luật xuất gia của ngài Hộ Tông, xin miễn giải ra nơi đây).

Từ khi đức Phật thành đạo đến 15 năm sau, các đệ tử của ngài là các bậc thánh nhơn, bằng chẳng vậy cũng toàn là các vị tỳ-khưu biết yêu kính giới hạnh của mình, nên các ngài không xao lãng về quán tưởng.

Về sau có các vị tỳ-khưu không quán tưởng vật dụng của thí chủ dâng cúng, đức Thế Tôn biết thế mới dạy rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Tứ sự mà các thầy thọ dụng cần phải quán tưởng trước rồi sẽ dùng sau”. Ngài còn dạy thêm rằng: “Các thầy tỳ-khưu thọ dụng tứ sự của người cúng dường mà không quán tưởng cũng như người uống thuốc độc”.

Thầy tỳ-khưu không nên dễ duôi mà suy nghĩ rằng: “Vật dụng nầy của con ta, em ta, chị ta, anh ta, cha mẹ ta, ta không cần quán tưởng cũng được, vì nếu ta không xuất gia những người nầy vẫn cho ta như thường”. Vị tỳ-khưu khi đã xuất gia không còn gia đình mà là người đã thuộc vào hàng tăng lữ, nhằm mục đích giải thoát mà thôi, không còn có quyến thuộc như người thế tục.

Đức Thế Tôn còn bi mẫn chỉ giáo rằng: “Thầy tỳ-khưu ăn cục sắt nướng đỏ còn hơn là thọ vật thực của thí chủ dâng cúng mà giới hạnh của mình không trong sạch và khi thọ lại không lo quán tưởng”.

Nơi đây tôi xin nhắc lại lời nói của ông sa-di Bhāgineyyasangherakkhita: Upajjhāyo mambhunjamāna sālikura sambhuta . Sabba savaparikkhīno natthidāni punabbhavo.

Nghĩa là: Tôi đang ăn cơm với các bạn rất ngon, rất thỏa thích, thầy tế độ tôi mới kêu tôi mà dạy rằng: “Nầy sa-di, người không nên tự đốt cháy lưỡi ngươi vì không quán tưởng”. Tôi nghe lời ấy lấy làm kinh sợ, tôi đắc A-la-hán quả khi còn đang ngồi chỗ ấy (nhờ sự kinh sợ và lo quán tưởng, nên đắc được quả ngay khi ấy). Tôi suy nghĩ rốt ráo, sáng rỡ như trăng trong ngày rằm; tôi đã hết phiền não, sẽ không còn tái sanh nữa.

Vì vậy nên có câu kệ:

“- Tasmā annopi dukkhassa

Patthayanto parikkhāra

Yoniso paccavekkhitvā

Pa isevethapaccave”.

Nghĩa là: Bởi vậy, các bậc hành giả muốn đi đến nơi dứt khổ, phải biết quán tưởng tứ vật dụng trước rồi hãy thọ dụng sau.

(Trên đây chỉ nói tóm tắt, không thể giải đầy đủ hơn vì ngoài phạm vi của quyển sách nầy. Vậy độc giả nào muốn tìm sâu, hiểu rộng, xin xem Luật xuất gia của ngài Hộ Tông. Nhứt là nên học cho biết rõ về tà mạng của thầy tỳ-khưu, hầu để biết rõ hành động của người thay thế đức Từ Phụ trong hiện tại và tương lai).

HẠNH PHÚC X

Subhāsitā ca yāvācā: Người nói lời ngay thật

(Chân thật)

Phạn ngữ Subhāsitā thật là khó dịch cho đúng nghĩa với Việt ngữ. Vì tiếng Subhāsitā có nhiều ý nghĩa như sau đây: Lời nói ra không hại người và cũng không hại mình, lời nói đem lợi ích cho người và cho mình, lời nói ấy không làm cho người nghe bị khó chịu (ý nói là lời dịu ngọt và hợp thời).Thiết tưởng có thể tạm dùng tiếng “Cam ngôn mỹ từ”[36] để dịch tiếng Phạn ấy.

Đức Thế Tôn có dạy trong bài kinh Subhāsitā với ý rằng: Nầy các thầy tỳ-khưu! Lời nói nào có đủ bốn chi pháp, lời nói ấy mới gọi là lời subhāsitā; lời nói như vậy không có một ai chê được, không có tội lỗi.

Lời nói có đủ bốn chi pháp, ấy là:

1- Nên nói lời chân thật (subhāsitā), không nói lời ác khẩu hay giả dối (dubhāsitā).

2- Nên nói pháp, không nên nói ngoài pháp.

3- Nói những lời mà người ưa thích, yêu mến, không nên nói lời mà người ta ghét bỏ.

4- Nói lời thành thật, không nói lời hoang đàng.

Thầy tỳ-khưu nói đúng theo bốn chi pháp trên, mới gọi là subhāsitā.

Tương tợ như thế, theo lời giải Ṭīkā của Saccakammadvārakathā thì người nói đúng bốn chi pháp sau đây mới gọi là subhāsitā:

1. Không nói đâm thọc

2. Không nói chuyện hoang đàng.

3. Không nói lời hung ác.

4. Không nói dối.

Khi giảng về subhāsitā đức Phật có dạy: Người hằng nói dối, nói vu vơ, nói hung ác, sẽ bị sanh vào bốn đường đau khổ – vì đó không phải là subhāsitā.

Lời chú giải Atthasālinī nói về khẩu nghiệp có dạy thầy tỳ-khưu nói lời subhāsitā, không nói lời đê tiện; mà nói lời vô tội, nói lời mà các bậc tri thức ngợi khen.

Để ta nhận thức khái quát toàn bộ ngữ nghĩa thế nào là lời nói subhāsitā, đức Phật có dạy trong Subhāsitāsutta rằng: Nầy các thầy tỳ-khưu! Lời nói nào có đủ năm chi pháp thì được gọi là lời nóisubhāsitā.

Năm chi ấy là gì? Năm chi ấy là:

1. Nói hợp thời.

2. Nói chân thật.

3. Nói lời dịu ngọt

4. Nói lời có ích.

5. Nói lời có năng lượng từ bi.

Thiết tưởng cần giảng giải năm chi pháp kể trên cho rõ, như sau đây:

I. Kālena ca bhāsitā hoti: Lời nói hợp thời. Người ở đời muốn nói một chuyện gì cần phải xem coi cảnh ngộ có thuận tiện cho mình nói hay không. Lắm khi nói sự thật mà sai thời (không đúng thời) sẽ có hại đến cho mình – như tích của con rùa và hai con hạc kể sau đây:

“- Xưa kia có con rùa ở một cái ao trong rừng gần thành Bārā asī. Mỗi ngày có một cặp hạc thường đến ao kiếm ăn. Rùa và hạc lâu ngày làm quen nhau và trở nên bạn thân. Rùa mới hỏi thăm chỗ ở của hạc, biết hạc ở trên rừng, tại Hy-mã-lạp sơn. Rùa muốn viếng thăm xứ bạn mà ngại đường xa, mới nghĩ ra một kế đem ra bàn với cặp hạc. Cặp hạc ngậm hai đầu của một khúc cây để rùa ngậm ở giữa, cặp hạc bay đi thì mang rùa đi. Cặp hạc bằng lòng và căn dặn rằng: “Khi nghe thấy gì lạ, anh cũng chẳng nên nói, hỏi chi cả”. Rùa đồng ý. Nhưng khi hạc bay ngang qua thành Bārā asī, trẻ con thấy lạ mới la lên rằng: “Coi con rùa biết bay”. Rùa ta quyết cải chánh rằng nó được hai bạn khiêng, chớ có bay được đâu; nhưng vừa hé miệng, nó liền té rơi xuống đất, chết ngay trước mặt nhà vua và vị quân sư”.

Vị quân sư thừa dịp, tay chỉ con rùa, kể lại vụ việc rồi nói với vua rằng: “Người nói không tùy thời thì thường bị tai hại như vậy đó”.

Sau khi nhắc sự tích nầy xong, đức Thế Tôn mới giáo giới rằng: Vị quân sư ấy là tiền thân của ngài, tùy phương tiện nhắc nhở nhà vua hãy nói cho hợp thời.

Chúng ta nên xem gương nầy mà răn mình. Đừng nói những việc không nên nói, hãy nín thinh trong trường hợp nên nín thinh, dầu biết rằng, điều mình sắp nói ra là đúng. Cho dù mình nói hơn người, nói đúng sự thật mà không hợp thời thì lời nói ấy cũng trở thành vô ích. Như chúng ta thấy rùa nói sự thật nhưng không hợp thời nên bị hại. Tôi còn nhớ câu phương ngôn Bắc phạn dạy: “Câm đi còn hơn là nói không hợp thời”.

II. Sacca ca bhāsitā hoti: Lời nói chân thật. Lời nói chân thật tuy rất nhiều, nhưng gom lại, chỉ có hai. Một là ta làm điều nào, nói điều ấy, không ngại rằng, lời nói thật ấy có thể tai hại đến ta, vậy là ta đã không nói dối. Hai, nói lời chân thật còn có nghĩa là nói pháp Tứ diệu đế.

Đức Thế Tôn có dạy: Có một sự thật ở đời mà không mấy ai nhận thấy, đấy là: Đời đầy đau khổ, nào già, nào bệnh, nào chết; chúng sanh ở trong những cảnh già, bệnh và chết mà không nhận ra rằng mình sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết; trái lại cứ tìm phương thế che đậy cái già, tưởng mình sẽ không bệnh, không chết để sống đời dễ duôi, xem thường, phóng túng trong lạc thú ngũ dục – để tử thần và trầm luân đau khổ lôi kéo vào tứ ác đạo.

Chúng sanh chìm đắm trong khổ não mà đa số không nhận chân ra sự thật – đúng như lời dạy của đức Thế Tôn.

Đức Phật thuyết tất cả 8 vạn bốn ngàn pháp môn [37], toàn là lời chân thật, tức là chân lý; cho đến ngày nay vẫn còn giá trị nguyên vẹn; và đã có rất nhiều các bậc học thức uyên thâm quan tâm khảo cứu để học hỏi và thực hành theo – quả đúng như đức Thế Tôn đã dạy: “Sacca va amattavācā: Lời nói chân thật là lời nói bất diệt”.

III. Sa ha ca vācā: Lời nói dịu ngọt. Lời nói dịu ngọt là lời nói không thô lỗ, cộc cằn, không làm cho người nghe xốn tai, khó chịu. Có hạng người nham hiểm, tuy họ không mắng chửi, không nói lời cộc cằn, thô lỗ mà lại nói lời rất dịu dàng, nghe như mật ngọt – mà ý nghĩa lại mỉa mai, cay độc làm nhức óc người nghe – lời nói như thế ấy không được gọi là lời nói dịu ngọt. Bao giờ lời nói dịu ngọt, êm ái, mà ý nghĩa lời nói không làm cho người nghe phải khó chịu, khổ đau – lời nói ấy mới đúng là nội dung của Sa ha ca vācā.

Trên đời này không ai ưa nghe lời thô bỉ, chẳng ai ưa bị mắng nhiếc và bị chọc tức. Lời nói thô bỉ, mắng nhiếc sẽ có ảnh hưởng tai hại đến người nói – như tích dưới đây:

“- Tại xứ Takkasilā, một thầy bà-la-môn có một con bò đực tên Nandavivāla, thầy thương như con. Bò lớn lên, cảm mến ơn đức của thầy bà-la-môn, muốn đáp nghĩa nên mới nói rằng: “Chủ nhân hãy đi đánh cá với một ông trưởng giả giàu có, như vầy: Bò tôi có thể kéo một trăm cỗ xe chở đầy đồ. Vậy tôi đánh cá với ông”. Thầy bà-la-môn y lời và có một ông trưởng giả kia ưng thuận đánh cá với số tiền là một ngàn đồng tiền vàng! Bắt ách con bò xong, thầy bà-la-môn mới hét to lên: “Con bò chết bầm, hãy kéo đi”. Bò Nandavivāla nghe lời nguyền rủa thô bỉ ấy cảm thấy khó chịu, bất mãn, không chịu kéo xe để ông chủ thua cá độ cho bõ tức! Thầy bà-la-môn thua cuộc, về nhà buồn rầu, xót của, khuôn mặt dàu dàu! Con bò thấy thế mới hỏi: “Tôi muốn trả ơn nghĩa cho chủ – mà tại sao chủ lại nguyền rủa tôi là đồ chết bầm!” Thầy bà-la-môn biết mình sai nên mở lời xin lỗi. Bò lại hiến kế: “Thôi, bây giờ chủ hãy cá gấp đôi, nhưng đừng dùng lời thô bỉ với tôi nữa”. Thầy bà-la-môn y lời. Bắt ách xong, thầy vuốt ve bò Nandavivāla và nói rằng: “Con ơi, con ráng kéo xe cho cha, không thì khổ cho cha lắm”. Bò nghe lời dịu ngọt như thế, phấn khởi trong lòng kéo trăm cỗ xe đi dễ dàng. Thầy bà-la- môn thắng cuộc, lấy lại cả vốn lẫn lời”.

Đức Thế Tôn nhắc xong tích nầy rồi cho biết bò Nandivivāla là tiền thân của ngài. Rồi ngài nói với đại ý là những lời nhiếc mắng, chửi rủa, nhục mạ, thô bỉ thì không một ai ưa thích. Rồi ngài đọc lên một câu kệ ngôn với nghĩa là: “Bao giờ ta cũng nên nói lời cho người khác vừa lòng, không nên nói lời làm Phật lòng thiên hạ. Khi thầy bà-la-môn nói dịu ngọt vừa lòng con bò Nandavivāla, nó liền kéo nổi xe nặng giúp thầy thắng cá độ”.

Như vậy, loài thú, nó còn không ưa thích lời thô bỉ cộc cằn thay; vậy ta không nên dùng lời thô bỉ với bất cứ ai, ta nên dùng lời dịu ngọt. Lắm lúc có người sẵn sàng giúp ích cho ta mà khi nghe ta nói lời không vừa lòng họ, họ liền đổi ý, từ chối hẳn.

IV. Atthasa hitā ca bhāsitā hoti: Lời nói lợi ích.

Lời nói lợi ích trái với lời nói vô ích. Lời nói vô ích chỉ làm mất thời giờ mà không lợi lộc cho ai, còn lời nói lợi ích là lời nói đem lại sự an vui cho người trong hiện tại và vị lai, mà không hại kẻ khác, không hại mình.

V. Mettācittena ca bhāsitā hoti: Lời nói có năng lượng của tâm từ.

Lời nói có năng lượng từ tâm là lời nói dịu dàng, mát mẻ, đã không ngụ ý biếm nhẻ, xuyên tạc lại còn thể hiện được tấm lòng không thù nghịch, oán ghét, cũng không vì tư lợi.

Vậy tiếng subhāsitā phải có đủ năm chi pháp như vừa giải ở trên mới là chân thật nghĩa. Lời nói thiếu một chi nào trong năm chi ấy không được gọi là lời subhāsitā.

Muốn cho dễ nhớ tôi xin tóm lược dưới đây:

1. Đúng thời, đúng lúc: Kāla – thời; sacca – chân thật.

2. Lời nói, phải: Sa ha – dịu ngọt; atthasa hitā – có lợi ích.

3. Tác ý lành: Mettā – tâm từ; karu ā – tâm bi (Cả hai tâm này đều mát mẻ, không hận, không sân).

Vậy là lời nói ngay thật phải có đủ tác ý lành, nội dung nói lành, hợp hoàn cảnh, còn phải vừa với trình độ và tâm lý của người nghe. Tuy nhiên, đôi lúc, lời nói có tác ý lành, có nội dung lành và hợp hoàn cảnh, đã không vừa lòng với người nghe, mà còn có thể bị hiểu lầm, bị xuyên tạc và có thể gây oán chuốc hờn – thì đây đúng là do oan cừu nghiệp báo đã có sẵn từ trước mà thôi!

Vậy chúng ta là Phật tử chân chánh nên học theo năm điều đức Phật dạy để tránh oan trái oán thù, mặc dầu không hoàn toàn tránh khỏi hết được, nhưng cũng giảm đi rất nhiều. Lời nói thuộc về khẩu nghiệp. Khẩu nghiệp ấy cũng do nơi tác ý, vậy trước khi nói ta nên để ý đến sự khởi tâm của ta đã, nó tốt hay xấu, lợi hay hại – có đủ 5 chi phần như trên hay không.

+ Lời chân thật đem đến cho ta những hạnh phúc là:

1. Lời nói chân thật thuộc về thập thiện, nguyên nhân sanh phước.

2. Lời nói chân thật là đại phúc khiến con người được an vui trong kiếp nầy và vị lai.

3. Lời nói chân thật sẽ đem đến lợi lộc, quyền chức, giàu sang, quyến thuộc và bạn lành.

4. Lời nói chân thật làm cho người gần gũi bên ta, thân cận với ta đều tin tưởng nơi ta.

5. Lời nói chân thật làm cho người hạnh phúc từ bậc thấp là người, trời đến bậc cao là Niết-bàn.

6. Lời nói chân thật đem lại cho người tất cả các sự hạnh phúc mà người ước mong.

7. Người hành theo lời chân thật là người đi theo đường của chư Phật.

[1] 6 điều nên tôn kính: 1- Tôn kính bậc đạo sư (satthugāravatā). 2- Tôn kính Pháp (dhammagāravatā). 3- Tôn kính Tăng (saghagāravatā). 4- Tôn kính điều học (sikkhagāravatā). 5- Tôn kính sự bất phóng dật (appamādagāravatā). 6- Tôn kính sự tiếp đãi – pháp – (pa isanthāgāravatā).

[2] Thất bửu: Tín (saddhā), giới (sīla), tàm (hiri), quý (ottappa), đa văn (bāhusacca), thí (cāga), tuệ (paññā).

[3] 10 pháp nương tựa: Giới (sīla), đa văn (bāhusacca), có bạn lành (kalyā amittatā), thiện xảo trong mọi phận sự (kikara īyesudakkhatā), dễ dạy (sovacassatā), tầm cầu pháp (dhammakāmatā), tinh cần (viriyarambha), tri túc (santu hī), niệm (sati), tuệ (paññā).

[4] Theo Pháp số thì 3 điều này là: Thành tựu pháp học ( Pariyattisaddhamma), thành tựu pháp hành (Pa ipattisaddhamma) và thành tựu pháp thành (Pa ivedhasaddhamma).

[5] Tức là 5 điều kiện để trở thành bậc Đa văn.

[6] Ghi nhớ điều đã nghe, đã học.

[7] Tụng đọc làu làu.

[8] Suy tư điều đã nghe, đã học.

[9] Khéo thể nhập tri kiến

[10] Đây là thế gian trí.

[11] Còn gọi là 4 pháp tiến hóa ( Vu hidhamma) hay là 4 pháp làm cho tăng trưởng trí tuệ (Paññāvu hi): Một, gần gũi bậc thiện trí (Sappurisasamseva); Hai, nghe pháp bậc thiện trí (Sadhammassavana); Ba, khéo như lý tác ý (Yonisomanasikāra); Bốn, hành theo pháp thuận thứ (Dhammānudhammapatipatti).

[12] Sippa: Dịch là nghề, nghề nghiệp – nhưng ở đây còn có nghĩa là tinh, khéo, giỏi nên tự điển ghi là nghệ thuật, mỹ thuật.

[13] Thật ra là chánh mạng (Nuôi mạng chơn chánh), còn chánh nghiệp là ba nghiệp thân khẩu ý phải trọn lành – chỉ thập thiện nghiệp! Sở dĩ phải giải thích như thế là vì tác giả hay lẫn lộn chánh nghiệp và chánh mạng!

[14] Thật ra, câu kệ này còn có nghĩa: Nghề gì cũng được, miễn là khéo giỏi, thiện xảo; ví như cái tài búng phẩn dê mà cũng được đức vua cho hưởng phước quả 4 làng!

[15] Chỗ này có ghi tên kinh, xuất xứ nhưng Pāḷi sai lẫn quá nhiều, đọc không ra, nên tôi lược bỏ!

[16] Là nghề hoàn hảo, khéo, giỏi.

[17] Không rõ là 3 điều lợi ích gì. Có thể là 3 lợi ích: Hiện tại, đời này (di hadhammikattha); tương lai, đời sau (samparāyikittha); chân đế, tối cao – hàm chỉ Niết-bàn (paramattha). Có thể là 3 lợi ích khác: Tự lợi (attattha), lợi tha (parattha) và lợi cả hai (ubhayattha).

[18] Thông hiểu nhiều loại ngôn ngữ, thổ ngữ.

[19] Thỏa thích về pháp, về giáo lý.

[20] Vui vẻ, vừa lòng.

[21] Dĩ nhiên, phải là nghề tinh, khéo, giỏi và nhất là phải chánh mạng (Tránh 5 nghề: Sát sanh, hại vật; buôn bán rượu và các chất say; buôn bán người và trẻ em; buôn bán vũ khí; buôn bán độc dược).

[22] Phải hiểu là luật pháp, hiến pháp thế gian.

[23] Đây là chi pháp mà các vị luật sư, kết tập sư đúc kết, phân tích về sau – chứ thật ra, lúc khởi tâm giết là đã tạo tác ý nghiệp sát sanh rồi; nhưng nếu đầy đủ cả 5 chi phần thì tội sát hại mới lập thành, mới có tội chứng. Vậy, thiếu một chi, hai chi trong 5 chi phần – ví dụ có khởi tâm nhưng chưa giết, tuy đã tạo ý nghiệp nhưng đối tượng chưa bị hại – thì gọi là giới ấy bị khuyết, bị thủng, bị vá, bị rổ…

[24] Ghi chú thêm để tiện nghiên cứu, so sánh: Kāma: ham thích, thỏa thích các đối tượng ngũ trần. Chanda: Ước muốn thuần túy như đói muốn ăn, khát muốn uống- chỉ là nhu cầu bình thường của cơ thể, không có tội. Ta hā: Dục ái, khát ái (Chung với mọi loại ái). Rāga: Ham muốn tình dục, mê đắm tình dục.

[25] Chanda là muốn, ước muốn; vāsinī là đang ở một nơi, cư ngụ một nơi. Có lẽ pháp sư chỉ nói tóm tắt nên từ Pāḷi không rõ nghĩa – và rất nhiều nơi khác cũng y như thế.

[26] Tương tợ như trên. Bhoga là vật sở hữu; vasī là sự cai quản, có quyền hành.

[27] Tương tợ như trên. Pa a là y phục; vasī (như trên). Cụm từ này có lẽ có nghĩa là, người phụ nữ thuận làm vợ, khi được người ta sắm sanh cho nữ trang và y phục.

[28] Cụm từ này cũng vậy. Odapatta là đặt tay vào chậu nước (bát); còn kini phát xuất từ động từ kināti nghĩa là mua.

[29] Có một từ khác, có độc tính cao hơn, ấy là hận (Pa igha).

[30] Có một dị bản hơi khác một chút nhưng khá quan trọng: Là vị tỳ-khưu ấy biết tội nên đã đi tìm một vị tỳ-khưu khác để sám hối, nhưng tiếc thay, vào mùa mưa lũ, cả vùng ấy không có vị tỳ-khưu nào – nên vị ấy sinh ra bất an nghĩ mình đã phạm tội. Chính cái tâm bất an, nóng nảy, nghĩ mình có tội ấy mà vị ấy lâm chung, thác sanh làm Long vương!

[31] Chỗ này, pháp sư ghi là điều răn, tôi nhuận lại, vì đạo Phật không có điều răn như các tôn giáo hữu thần hoặc mặc khải – mà chỉ có giới điều, giới luật, điều học… bài học để giác ngộ.

[32] Chưa tìm ra câu chuyện gốc – vì sợi dây đã bị bứt lìa để cột trói thì không được xem là còn sự sống nữa!

[33] Loka là thế gian, Lokanātha là chủ thế gian, chúa thế giới – nhưng không nên dịch là Đấng Cứu Thế (sợ hiểu lầm như tôn giáo hữu thần – như Đấng Cứu Thế của Ky Tô giáo) mà chỉ nên diễn ý là Bậc Thầy Thế Gian, Điều Ngự Thế Gian – nó ổn hơn – vì mỗi tôn giáo đều có thuật ngữ riêng, tôn danh riêng để chỉ vị Giáo chủ của mình.

[34] Tức là khổ tâm không ngưng nghỉ.

[35] Từ điều 7 đến 14 – do sợ mọi người hiểu lầm “tại sao tu hành mà ích kỷ thế”nên tôi phải có đôi lời giả thích: Thời Phật tại thế, có vị tỳ-khưu lấy vật dụng của Tam Bảo đem cho người này người kia để lấy lòng, có mưu đồ như “thả tép câu tôm”. Tăng chúng phàn nàn. Đức Phật phải cấm chế giới này, đại khái, tứ sự phát sanh đến Tam Bảo phải là của Tam Bảo – nếu đem cho kẻ thế bất cứ vật gì, dù là que tăm, cọng cỏ cũng phải được sự đồng ý của Tăng, do Tăng quyết định.

[36] Cam ngôn: Lời nói ngọt, bùi tai, êm tai. Mỹ từ: Dùng tiếng đẹp, tốt (Có lẽ tác giả muốn diễn đạt cách nói khác của ái ngữ hoặc lời nói thiện, mỹ).

[37] Đây là cách nói khái quát của các hệ kinh văn phát triển đã trở thành phổ biến. Thật ra, theo Theravāda, không có 84 ngàn pháp môn – mà là có 84 ngàn chi pháp: Abhidhamma có 42 ngàn chi pháp, Kinh có 21 ngàn chi pháp và Luật có 21 ngàn chi pháp.

KỆ NGÔN IV

HẠNH PHÚC XI

Mātā-pitu upa hāna : Nết hạnh phụng dưỡng mẹ cha

(Hiếu thuận bậc sinh thành)

Những lời Phật dạy trong 38 điều hạnh phúc được phân ra từng giai đoạn:

Mười pháp hạnh phúc đầu tiên, từ I tới X dạy ta tự sửa chữa và lo cho bản thân trở nên lành tốt hơn để tạo lấy một số vốn cho mình. Hạnh phúc thứ XI trở đi, dạy ta những pháp để biểu tỏ, biểu hiện nết hạnh tốt của mình ra ngoài bản thân. Những nết hạnh tốt đó, đức Phật đã dạy trong câu kệ thứ tư như vầy:

“- Mātā-pitu upa hāna

Putta-dārassa sagaho

Anākulāca kammantā

Eta magalamuttama ”.

(Hiếu thuận bậc sinh thành

Dưỡng dục vợ và con

Sở hành theo nghiệp chánh

Là phúc lành cao thượng)[i]

Nghĩa là: Nết hạnh phụng sự mẹ cha. Nết hạnh tiếp độ con và vợ. Nết hạnh làm những điều vô tội. Đây là ba điều hạnh phúc cao thượng.

3 điều trong câu kệ nầy dạy ta đem an vui đến cho những người ở ngoài bản thân ta, ở chung quanh ta trước sau có thứ tự, từ người nào gần ta hơn hết trước, rồi mới đến người ở xa ta sau. Mà ai là người gần nhứt? Gần ta nhứt, một là mẹ hai là cha, ba là con, bốn là vợ.

Trong điều hạnh phúc XI nầy, vô tình hay hữu ý mà đức Phật sắp xếp những người thân của ta theo thứ tự là mẹ, cha, con, rồi mới vợ?

Tại sao đức Phật lại sắp mẹ trước cha? Con trước vợ? Có phải là vì mẹ đối với con có công ơn lớn hơn nhiều so với cha hay không?

Vấn đề nầy thường gây ra tranh cãi, tranh biện giữa các tín đồ. Có người cho rằng, mẹ có công ơn lớn hơn cha, vì mang nặng đẻ đau; lại còn có công dưỡng nuôi bú mớm và chăm sóc con cái nhiều hơn cha. Hơn nữa, khi đức Thế Tôn còn tại thế là thời kỳ phụ hệ, mà ngài lại không kể ơn cha trước ơn mẹ, thì đủ thấy rằng, theo ngài, thì mẹ có nhiều công đức hơn cha! Vì vậy cho nên ngài mới thuyết pháp hằng ba tháng và thuyết toàn những pháp có ý nghĩa cao siêu, mà ta gọi là tạng Luận [ii] để độ Phật Mẫu.

Có người lại bảo rằng, cha có công đức nhiều hơn, vì nếu không có cha thì không có mẹ và cả không có con! Bằng chứng hiển nhiên là thái độ của đức Phật đối với phụ vương ngài. Lúc đức Thế Tôn biết phụ vương bệnh nặng sắp thăng hà, ngài ngự về thành thuyết pháp luôn 7 ngày đêm để độ phụ vương đắc A-la-hán quả; và sau đó, chính tự tay ngài tẩm liệm phụ vương và kề vai khiêng quan tài khi đưa ra làm lễ trà-tỳ.

Hai lập luận trên đây đều có lý, nhưng sự thật không có đoạn kinh nào đức Thế Tôn dạy rằng một vị nào trong hai vị đó có ơn nhiều hơn hay ít hơn; mà là bằng nhau cũng không nghe nói đến!

Nguyên trước khi đức Phật thuyết pháp độ hai đấng sinh thành, ngài đều dùng trí tuệ quan sát để hiểu rõ căn, cơ cũng như duyên lành của mỗi vị. Ngài biết rằng, Phật mẫu phải nghe pháp ấy mới đắc quả, mà chỉ là quả Tu-đà-hườn thôi. Lại nữa, chư thiên đồng đến thính pháp trong lúc ấy, do họ có thân sắc tế vi, các trạng thái tâm tế nhị – nên đức Phật phải thuyết tạng Abhidhamma mới đúng căn cơ của họ, mới có hiệu quả. Còn đối với phụ vương, sở dĩ đức Phật đợi vua cha khi gần thăng hà ngài mới thuyết một ngàn câu kệ ròng rã bảy ngày đêm [iii] hầu độ cha đắc quả A-la-hán, mà không thuyết pháp cho cha nghe trước khi ấy – vì vốn bậc Điều Ngự trượng phu, ngài biết rõ cơ duyên nào giúp đức Tịnh Phạn vương đắc quả! Nếu không đúng lúc, đúng thời thì dầu có thuyết đến hàng triệu câu kệ cũng bằng thừa, nên đức Phật đợi đến khi duyên lành chín muồi rồi ngài mới thuyết.

Nói tóm lại, không phải vì thuyết pháp nhiều hay ít, cao hay thấp mà bảo đức Phật đo lường công ơn của cha mẹ. Dầu độ cha hay mẹ, ngài cũng rất hết lòng làm tròn phận sự của mình. Ngay đối với chúng sanh, nếu ai có duyên, ngài cũng không thối chí ngã lòng – chẳng hạn như tên sát nhân hung tàn nhứt trong thời kỳ ấy, tên A gulimāla (Vô Não) đã rượt ngài cả ba do tuần để giết, mà ngài vẫn độ cho kỳ được. Tâm của đức Phật đối với chúng sanh rất bình đẳng, không hề phân biệt thân, thù; ngài chỉ do nơi căn cơ và duyên lành của họ mà tế độ thôi.

Đến đây, người ta có thể hỏi: Vậy tại sao đức Thế Tôn lại dạy phụng sự mẹ, cha?

Như tôi đã nói trên kia, là ta nên đem lợi ích cho người nào gần ta hơn hết. Chắc chắn ai cũng công nhận rằng, ta là người gần mẹ nhiều hơn hết, hay ngược lại, mẹ ta là người gần ta hơn ai hết. Bảo rằng ta gần mẹ, không phải ta mặc nhiên khẳng định công mẹ lớn hơn công cha. Nhưng người gần mình nhứt, là người mà mình có nhiều dịp giúp đỡ nhất. Theo ý đức Thế Tôn dạy thì không phân biệt công ơn của hai vị mà tùy trường hợp nào có thể giúp thì giúp lập tức.

Phận sự làm con phải biết công ơn cha mẹ và lo đền đáp đó là con đường đi của các bậc thánh nhơn, của Đức Phật. Đức Phật có dạy rằng, hiếu thảo là con đường đi của các bậc bồ-tát.

Trong một kiếp nọ, đức Phật sanh làm đạo sĩ có tên Sonapa ita, ngài có dạy cho một vị vua về sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Ngài dạy toàn bằng kệ ngôn, câu kệ nầy trong bộ Túc sanh truyện gọi là Sonananda, đại lược như sau: “Cha, mẹ hy sinh tất cả các sự hạnh phúc cho con. Khi bà mẹ biết rằng, trong mình thọ thai, chưa biết mặt con ra sao, trai hay gái, nhưng lòng vẫn băn khoăn lo sợ, hằng van vái thai bào được bình an. Như vậy cũng vẫn chưa vừa lòng, bà còn đi coi bói cho biết con trai hay con gái rồi coi năm tháng ngày sanh có tốt không; lại còn tìm hỏi các bậc lão thành coi khi có thai phải kiêng cử những gì, ước mong và cầu khẩn xin cho sanh quí tử”.

Những điều làm khổ cho cha mẹ nhứt là bệnh ốm nghén. Bệnh ốm nghén là bệnh rất lạ, khiến thèm những món ăn mà khi chưa có thai thường không thích.

Tôi xin nhắc lại chuyện ốm nghén của hoàng hậu đức vua Bình-sa vương (Bimbisāra), khi có thai thái tử A-xà-thế (Ajātasatthu). Bà thèm uống máu của vua, và vì biết sự thèm muốn ấy là xấu xa, bất thiện nên không dám nói ra đến đỗi sinh ra ốm gầy, suy nhược. Đức vua thấy thế, phán hỏi nhiều lần bà mới dám nói ra sự thật. Vị vua hào sảng, thương vợ thương con này chẳng lấy thế làm điều, liền rút gươm đang đeo bên mình, xẻ chút bắp vế cho ra huyết để vợ uống. Từ đó bà mới không còn thèm uống máu nhà vua nữa. Tin nầy thấu đến tai triều thần, các thầy bà-la-môn đoán điềm, biết rằng, sau nầy thái tử sẽ giết vua, nên họ khuyên vua nên giết đi hay đem quăng bỏ lúc nó vừa lọt lòng. Nhưng tấm lòng cha thương con không bờ bến, nên vua vẫn nuôi con như thường và đặt tên là “ajātasatthu”, có nghĩa là kẻ thù trước khi sanh. Đúng là sau này thái tử giết cha và giam mẹ!

Nhắc tích nầy để quí vị thấy lòng thương con của cha mẹ không có một sức mạnh nào có thể ngăn cản được. Vì vậy ta không thể phân biệt được công ơn của cha mẹ ai hơn ai.

Chẳng những bà mẹ có công đức, mang nặng đẻ đau mà thôi, bà lại có thêm cái biệt tài là biết cách nuôi dưỡng, săn sóc khi con còn nhỏ. Khi chưa biết nói mà bà đã hiểu ý muốn của nó. Nghe con khóc lật đật bồng ẵm vào lòng vỗ về chẳng luận ngày đêm, sớm khuya, trưa tối. Nếu dỗ không nín bà cho bú, hoặc tìm thế dỗ cho đến khi con nín mới thôi. Vì vậy đức Phật gọi mẹ là posenti nghĩa là người phụ nữ biết vỗ về, săn sóc, nuôi dưỡng đứa bé từ khi còn trong thai nhi đến khi lọt lòng.

Trong Majjhimanikāya có bài kinh dạy rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Cha mẹ là đấng có tâm rất lành đối với con. Bắt đầu từ khi vừa thọ thai bà mẹ đã hết sức lo bảo vệ thai bào, còn ông cha thì lo thang thuốc, cả mười tháng như vậy. Các thầy tỳ-khưu nầy! Bà mẹ hết sức lo lắng và cố gắng săn sóc con, không nài cực nhọc, không một việc nhỏ nhen nào mà bà không quan tâm tới; chính bà là người sang sớt máu huyết cho con, chẳng những lo cho con khi còn trong thai, mà mãi đến khi vừa sanh ra cho đến lúc lớn khôn, mẹ và cha hằng lo lắng, chăm sóc đến khi nào hai ông bà từ bỏ cõi đời nầy mới thôi! ”.

Mẹ và cha khi biết mình đã có con, thì hai ông bà tiết kiệm tiền của để cho con, lắm khi vì lòng thương con mà dám làm tội ác, để có tiền nuôi con, hoặc để dành cho con về sau. Khi nào con đi đâu về trễ, ông bà lo sợ, dựa cửa ngóng trông, sợ con gặp tai nạn.

Vì vậy, đức Phật dạy: Cha mẹ đối với con có bốn đức, là từ, bi, hỉ và xả. Lại có câu kệ ngôn dạy rằng: “Ubhopi ce te brahmā pubbadevā pubbacāriyā ahuneyyati ca vuccati”. Nghĩa là: Đối với hai đấng đại ân nhân ấy, đức Phật có ban cho bốn hồng danh là: Phạm thiên, chư thiên thuở đầu, vị tôn sư trước nhất và cuối cùng là bậc đáng cúng dường.

* Hồng danh thứ nhứt: Phạm thiên, có nghĩa là cao quí, ý nói cha mẹ nuôi dưỡng con được hoàn toàn không nài khó nhọc, vì cha mẹ có tứ vô lượng tâm, nghĩa là tâm cao quí không lấy gì đo lường được. Bốn tâm ấy là mettā – từ; karu ā – bi; muditā – hỉ; upekkhā – xả. Bốn tâm nầy [iv]giờ phút nào cũng ở trong cha mẹ và hằng ban bố đến con, mặc dầu con đã lớn khôn, đã nên quan to, giàu có; ví cũng như vị phạm thiên, bao giờ cũng niệm tứ vô lượng tâm không ngừng nghỉ. Vì lẽ ấy, nên đức Phật mới cho cha mẹ hồng danh là phạm thiên.

Bốn tâm vô lượng ấy phát sanh đến cha mẹ từ bao giờ?

Tâm từ phát sanh đến cha mẹ, kể từ khi bà mẹ biết mình thọ thai. Ngày từ khi ấy, cha mẹ lo lắng mong thấy mặt con, muốn biết coi con ấy là trai hay gái, đẹp hay xấu, có tật bệnh gì không. Hằng mong cho con được an vui, mát mẻ, sức khỏe tốt. Suy tư như thế gọi là tâm từ đã phát sanh.

Tâm bi có, từ khi bà mẹ vừa sanh con ra khỏi lòng. Mặc dầu trong khi ấy mẹ còn đau đớn cực nhọc, nhưng khi nghe tiếng con khóc, mẹ xót thương cho con, lo nghĩ đến con, thương con và lo sợ cho sức khỏe của con. Lòng mẹ cha thương con với tâm bi mẫn ấy thật không bờ bến nào mà kể cho xiết. Chính tấm lòng xót thương ấy chính là biểu hiện của tâm bi.

Tâm hỉ có, từ khi con vừa biết đi đứng cho đến khi lập gia đình, đến khi cha mẹ chết. Cha mẹ thấy con càng an vui càng mừng và càng cầu nguyện cho con thêm, không bao giờ cha mẹ biết ganh tị với con về hạnh phúc của con. Mặc dầu con có nuôi cha mẹ hay không, cha mẹ cũng không đòi hỏi và cũng không than van phiền trách. Chính sự mừng vui với con này là trạng thái của tâm hỷ.

Tâm xả phát sanh lên, khi con khôn lớn có gia đình giàu hay nghèo chẳng hạn, mà không lo phụng sự hoặc giúp đỡ cha mẹ, cha mẹ cũng không bao giờ buồn và không đòi hỏi chi ở con. Mặc dầu con có lầm lỗi phạm thượng cha mẹ vẫn vui lòng tha thứ, không có oán ghét gì như người dưng kẻ lạ. Đây chính là trạng thái của tâm xả.

* Hồng danh thứ nhì: Đức Phật gọi cha mẹ là chư thiên thuở đầu, bởi cha mẹ là người duy nhất cố tâm đem hạnh phúc lại cho con, không bao giờ cố chấp lỗi lầm nào của con, không muốn con mình bị tai nạn. Thời kỳ đức Phật còn tại thế, người thời ấy chỉ biết tin ở một đấng siêu việt có thể tiếp độ chúng sanh về thiên đàng, mà người thời ấy gọi là chư thiên; vì lẽ ấy nên đức Phật gọi cha mẹ là chư thiên buổi đầu của con.

* Hồng danh thứ ba: Đức Phật gọi cha mẹ là vị tôn sư trước nhứt bởi cha mẹ là thầy tổ dạy con đủ mọi việc, từ ăn, ngủ đến nhân, nghĩa, đạo đức luân thường, trước hơn tất cả các vị tôn sư sau nầy của con.

* Hồng danh thứ tư: Đức Phật gọi mẹ là bậc đáng thọ lãnh của cúng dường, vì chỉ có cha mẹ đáng thọ lãnh tất cả mọi vật dụng của con đem đến dâng cúng.

Lòng thương và lo cho con của cha mẹ không bờ bến như thế nên bổn phận làm con có phận sự phải phụng dưỡng cha mẹ cho tròn chữ hiếu. Người con nào không lo tròn đạo hiếu, thì người ấy không phải là một người đáng làm bạn, mà cũng không xứng đáng làm chồng hay vợ; cũng không thể làm một công dân tốt của đất nước, của bất cứ một quốc gia nào. Con cái mà bất hiếu thì còn thua cây gậy của cha mẹ, chẳng khác nào năm đứa con trong sự tích sau đây:

“- Theo Pháp cú kinh, thuở nọ đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá của trưởng giả Cấp Cô Độc – khi ấy có một vị bà-la môn rất giàu, ông có năm người con trai đã lập gia đình.

Sau khi vợ ông đã quá vãng, ông muốn cưới vợ bé để coi sóc gia đình, năm con dâu nghe vậy mới bàn với năm người chồng rằng: “Nay cha đã già rồi mà còn cưới vợ nhỏ về làm gì? Để chúng tôi thay phiên nhau săn sóc cho cha, không hơn sao?”

Năm người con trai mới đến hầu cha, trình bày tự sự. Ông bằng lòng chia của ra làm năm phần cho năm người con, còn ông thì ở đậu với năm con, hết đứa này đến đứa khác. Ban đầu năm cô con dâu đối với ông rất tử tế, sau lần lần phai lợt; sau cùng cả năm người con dâu đều bỏ ông, không lo săn sóc, trái lại còn xua đuổi ông. Ông không thể chịu nổi cảnh hất hủi ấy nên bỏ nhà đi xin ăn ở đầu đường xó chợ thật là khổ sở.

Ngày nọ ông gặp được một người bạn cũ, bèn thuật hoàn cảnh của ông, và xin người bạn tìm phương cứu giúp. Người bạn đáp: “Tôi không biết phương pháp nào giúp bạn được, vậy bạn hãy vào chùa Kỳ Viên, để chờ đấng Đại Bi là đức Thích Ca Mâu Ni, ngài là bậc có đủ khả năng cứu vớt tất thảy mọi người cả vật chất lẫn tinh thần”.

Đêm rằm có rất nhiều tín đồ đến nghe pháp, mà trong ấy có mặt năm người con trai của ông bà-la-môn bị hắt hủi và cả đức vua Ba-tư-nặc (Pāsenadi). Sau khi dứt thời pháp, tín đồ đứng lên đi ra. Ông bà-la-môn đứng lên nói: “Xin quý vị thiện nam tín nữ và đàn-na thí chủ, hãy tạm dừng lại để cho lão bộc bạch đôi lời. Có lẽ quí vị không quên già này, trước đây là một vị trưởng giả trong thành này. Hôm nay, già này phải đi xin ăn. Thật ra già có con, mà con của già không bằng cây gậy này; vì cây gậy này, già còn nhờ được để chống đi, ngừa lúc chân run, tay yếu, hoặc để đuổi chó, đánh mèo; còn con của già, khi được chia của cho, lại bỏ già đi xin ăn như thế này đây!”

Tín đồ, cư sĩ có mặt nơi ấy nhứt là đức vua liền hỏi ai là con ông. Ông chỉ mặt từng người. Đức vua và công chúng rất công phẫn, muốn giết hết năm người con bất hiếu nhưng ông xin tha tội cho. Năm đứa con ấy mới thấy lòng xả của cha, bèn ăn năn, xin đem ông về nuôi dưỡng. Khi ông về nhà, mấy người con dâu tỏ vẻ bất bình, nhưng năm người con trai ông nói rằng: “Nếu các người không bằng lòng thì cứ tự tiện ra đi, chứ chúng tôi không thể đê hèn, không thể vô dụng hơn cây gậy của cha chúng tôi được”.

Nhắc lại tích này, tôi muốn nhắc nhủ rằng, làm con không biết phụng dưỡng cha mẹ, hay phụng dưỡng một cách miễn cưỡng còn thua các loài ăn cỏ! Và điều thứ nhì, tôi muốn cho mọi người thấy rằng, đức Thế Tôn chẳng những cứu người khỏi vòng trầm luân sinh tử khổ mà thôi; riêng về vật chất, tuy ngài không trực tiếp giúp đỡ, nhưng đạo hạnh và uy tín của ngài cũng đủ sức cứu độ.

Đức Phật dạy rằng: “Các bậc trí thức đều kính trọng những người phụng dưỡng cha mẹ; và người biết phụng dưỡng cha mẹ sẽ gặp nhiều sự an vui là do nhờ phước quả của sự phụng dưỡng ấy”. Như sự tích Túc sanh truyện sau đây:

“- Khi xưa có một con kên kên rất hiếu thảo với cha mẹ. Cha mẹ kên kên vì già không thấy đường, không thể đi kiếm ăn được, chỉ nhờ con đi kiếm mồi về nuôi, và đem cỏ rác về làm tổ cho ở. Ngày nọ kên kên con đi kiếm mồi, rủi mắc chân vào bẫy của một anh thợ săn. Kên kên khóc. Anh thợ săn thấy vậy mới hỏi: “Người đời thường bảo rằng, kên kên có mắt rất tỏ, thấy rõ các tử thi ở rất xa, vậy tại sao ngươi lại mắc vào bẫy của ta, ngốc thế!”

Kên kên mới nói: “Nầy anh thợ săn, có hai điều mà ai ai cũng không trông thấy được: Một là tai nạn và hai là cái chết! Nó đến bên ta, ta cũng không trông thấy, mặc dầu ta có mắt thấy ngàn dặm. Còn nữa, vì tâm tôi cứ mãi lo kiếm ăn để phụng dưỡng cha mẹ mù lòa nên tôi lại càng không trông thấy cái bẫy của ông!”

Anh thợ săn nghe vậy, lấy làm kỉnh mộ và mến yêu – vì nghĩ rằng, kên kên nầy không những có trí tuệ, biết ăn nói khôn ngoan như bậc hiền triết; lại còn có tâm phụng hiếu cha mẹ nữa, thật đáng trân trọng – ben thả kên kên ra. Khi được thả, kên kên lật đật kiếm mồi về nuôi cha mẹ. Kên kên ấy là tiền thân của đức Thế Tôn.

Trong bài kinh Brāhmasutta, đức Thế Tôn có dạy với đại ý rằng: Cha mẹ là hai đấng có công ơn vô lượng vô biên đối với con. Nếu người con nào có hiếu, thâu phục năm châu bốn biển để cho cha mẹ cai trị, hưởng sự an lạc như thế là cùng tột rồi – nhưng cũng chưa gọi là đáp đền được công ơn sanh dưỡng trong muôn một. Vì người ấy chỉ lo phần vật chất cho cha mẹ, hay có thể nói là chỉ lo cho cha mẹ kiếp hiện tại thôi. Lại nữa, dẫu đế vị, vương vị là tột đỉnh cao sang, nhưng làm sao chạy khỏi tội lỗi, thoát khỏi nhân quả trả vay, sinh tử luân hồi trong 6 đường khổ? Vậy, phàm người con có hiếu phải cố gắng làm sao cho cha mẹ biết tu hành để giải thoát, hay làm sao cho cha mẹ có 4 pháp [v] này trong tâm, nghĩa là biết thực hành theo con đường tiến hóa cao thượng:

1. Saddha: Đức tin, nghĩa là tin tam bảo, tin nghiệp.

2. Cāga: Bố thí hay dứt bỏ, tức là dứt bỏ lòng tham lam, bố thí của tiền cho người nghèo khổ(đây là nguyên nhân đem lộ phí theo về ngày vị lai).

3. Sīla: Trì giới, là giữ cho thân, khẩu được an tịnh, không phạm vào năm điều xấu ác (năm giới).

4. Paññā: Trí tuệ, nghĩa là có trí tuệ để quan sát thấy thân này vô thường, khổ não và vô ngã; tức là có tu tập minh sát tuệ để quán tưởng thấy chán ngán thân này, không còn quyến luyến thương tiếc mọi việc thường phàm, dung tục trên cuộc đời này nữa.

Nếu cha mẹ đã quá vãng thì bổn phận làm con nên cố gắng làm mọi việc lành, rồi hồi hướng đến cha mẹ hằng ngày. Người con nào làm được như thế mới gọi là con có hiếu và đáp đền được công ơn sanh dưỡng trong muôn một.

Người nào có phước mới còn cha mẹ tại tiền. Người còn có cha mẹ tại tiền trong nhà, cũng như có chư thánh nhơn trong nhà vậy. Theo đức Thế Tôn, cha mẹ có thể sánh với chư thánh nhơn, bởi vậy cúng dường đến cha mẹ có phước vô lượng vô biên, cũng như cúng dường cho các bậc A-la-hán vậy.

+ Phàm người biết đáp đền công ơn cha mẹ bằng vật chất phải thực hành như thế này:

1. Phải lo phụng dưỡng cha mẹ nào là vật thực, thuốc uống, y phục và chỗ ở (là nhà). Phải quạt nồng đắp lạnh, sớm thăm tối viếng để xem sức khỏe của cha mẹ như thế nào hoặc hai thân có nhu cầu gì không – cũng như khi ta còn nhỏ cha mẹ lo cho ta vậy.

2. Phải tận tình chăm nom, săn sóc cho cha mẹ khi trái gió, trở trời, lúc bệnh hoạn, ốm đau.

3. Phải bỏ việc gia đình của mình để làm việc cho cha mẹ trước và không bao giờ nghĩ đến việc riêng của mình khi chưa làm xong công việc của cha mẹ.

+ Đền đáp công ơn cha mẹ về tinh thần là:

1. Phải hết lòng cung kính cha mẹ không bao giờ dám nói một lời nào vô lễ làm trái ý các vị.

2. Ráng hết sức giữ gìn thanh danh của gia đình, không để cho người đời coi thường, khinh bỉ; hơn nữa, phải sống làm sao cho thanh danh của gia đình càng ngày càng được mọi người quý kính, ca tụng.

3. Ráng làm cho mình ra người đáng thọ hưởng gia tài của cha mẹ để lại.

4. Khi cha mẹ ta không có đức tin với Tam Bảo, không tin tội phước, nhân quả nghiệp báo – thì phải tự mình cố gắng thuyết phục, khuyên lơn; nếu không được thì nên nhờ các

bậc trí thức giảng giải hộ hoặc chư tăng hay các bậc đại

đức thuyết pháp độ cha mẹ.

5. Ít lắm cũng phải làm sao thuyết phục được cha mẹ thọ tam qui, ngũ giới.

6. Dẫn dắt cha mẹ vào chùa nghe pháp, bố thí và học niệm Phật, tham thiền.

Người làm tròn được những điều trên đây mới gọi là con biết yêu thương cha mẹ và báo đền được trong muôn một công ơn cha mẹ.

+ Phần người con biết đền đáp công ơn cha mẹ thì được những sự hạnh phúc là:

1. Sẽ không bị mất sự lợi lạc từ vật chất cho đến tinh thần.

2. Sẽ được thoát khỏi những điều rủi ro, kinh sợ.

3. Sẽ thoát khỏi được tất cả tai nạn, họa hại.

4. Sẽ được lợi lộc do các bậc trí thức hay vua chúa ban tặng cho.

5. Sẽ được quyền cao chức lớn.

6. Hằng được sự ngợi khen của mọi người ở mọi nơi và mọi trường hợp.

7. Sẽ thoát khỏi sự ám hại của kẻ bất lương.

8. Khi có bị tai nạn cũng có chư thiên đến cứu.

9. Sau khi chết được sanh về cõi trời.

10. Sẽ được gieo duyên Niết-bàn.

11. Đi theo con đường của chư bồ-tát và chư thánh nhơn.

HẠNH PHÚC XII

Putta sagaho: Nết hạnh tiếp độ con cái

(Dưỡng dục, tiếp độ con cái)

Phạn ngữ putta có nhiều nghĩa nhưng nghĩa chánh yếu là con, con cái.

Ngoài ra, putta còn có nghĩa là, người giữ gìn không để cha mẹ đọa vào ác đạo. Ý nói làm con muốn đền công ơn cha mẹ phải cố dìu dắt cha mẹ trở nên người chánh kiến, tu hành theo hạnh bố thí, trì giới, tham thiền.

Putta còn có nghĩa là, người làm cho dòng họ của mình được lành tốt, thanh cao – nghĩa là đứa con thảo hay là con quý, là người con có đạo đức, giới hạnh.

Putta còn có nghĩa làm cho cha mẹ vui lòng, nghĩa là đứa con hiếu thảo, là người con lo phụng dưỡng cha mẹ, làm cho cha mẹ hài lòng. Putta còn có nghĩa là, đứa nhỏ mà cha mẹ hằng lo trông nom từ khi còn ở trong thai bào.

+ Trong Túc Sanh truyện kể có ba hạng con:

– Antevāsika: Đệ tử, học trò (Con tinh thần)

– Dinnako: Con nuôi, con đỡ đầu.

– Atrajo: Con đẻ.

Theo Phật giáo, các bậc xuất gia xem thầy tế độ là cha tinh thần, hết sức cung kính; và thầy cũng hết lòng lo dìu dắt đệ tử đến nơi giải thoát.

Còn con nuôi và con đẻ, ai cũng hiểu rõ. Khi người có phận sự làm cha mẹ, thì con nào cũng phải nuôi dưỡng và dạy dỗ như nhau, vì đã làm cha mẹ thì phải có tứ vô lượng tâm như vị phạm thiên.

+ Con đẻ có ba hạng khác nhau, là:

1/- Abhijātaputta: Con cao hơn cha mẹ. Ý muốn nói, đây là hạng người con có nhiều phước báu, nhiều duyên lành hơn cha mẹ. Từ khi nó sanh ra, gia đình được tăng vượng của cải, nhiều may mắn và nhiều niềm vui hơn. Khi nó lớn lên, mọi danh phận, địa vị, sự nghiệp, tài sản đều hơn cha mẹ – lại còn làm cho cha mẹ, quyến thuộc, họ hàng được thơm lây danh thơm, tiếng tốt nữa.

2/- Anujātaputta: Con ngang bằng cha mẹ. Đây là hạng người con thường thường bậc trung, không có gì xuất sắc. Phước báu, duyên nghiệp, cơ cảnh đều tương đương với cha mẹ; nó không làm cho cái gì tăng vượng hơn mà cũng không phá hại gia sản cùng thanh danh gia đình.

3/- Avajātaputta: Con thấp hơn cha mẹ. Hạng con này từ khi sanh ra đến khôn lớn, chỉ biết làm hại cha mẹ như sống vô đạo đức, như xài phá của tiền làm cho mọi người khi dể cha mẹ, họ hàng. Khi đứa con này sống tới chừng nào thì còn làm cho cha mẹ đau khổ đến chừng ấy.

Tuy nhiên, sự nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái là phận sự thiêng liêng của cha mẹ, không phân biệt con nên hay con hư; nhưng có được kết quả như thế nào là do nơi con, do nghiệp của con. Sự thật, phàm làm cho cha mẹ phải có phương pháp dạy con từ thuở còn nhỏ.

Trong Tam tạng kinh, bài Sīgālovāda-sutta (Kinh Thi-ca-la-việt) có dạy rằng, bổn phận làm cha mẹ đối với con có năm pháp là:

1. Pāpa nivārenti: Ngăn ngừa, bảo vệ, không cho con làm việc tội ác.

2. Kayane sikkhāpenti: Dạy con làm việc lành.

3. Sippa sikkhāpenti: Cho con học nghề.

4. Pa irupena dharena sannosenti: Dựng vợ gả chồng cho con với nơi xứng đáng thích hợp.

5. Samaye dayajjaha niyyadenti: Chia gia tài cho thích hợp.

(1) Ngăn ngừa không cho con làm tội: Ý nói khi cha mẹ thấy con bê tha, không lo học hành mà cứ đi theo bạn ác, thì cha mẹ phải tìm phương thế ngăn ngừa; nếu không thể được, hãy đưa con đi học một nơi nào cho xa bạn ác. Làm như vậy thật là hợp với lời Phật dạy, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có kết quả khả quan! Hiện nay, có lắm trẻ em, khi cha mẹ khuyên bảo, đã không nghe mà trái lại còn cho rằng ý kiến của cha mẹ đã lỗi thời; và không muốn cha mẹ can thiệp vào đời sống tư riêng của mình. Có lắm gia đình thấy dạy con không được, lại thối chí, bỏ mặc, không đoái hoài tới, bỏ đứa con ấy càng ngày càng đi sâu vào tội lỗi.

Tôi xin nhắc rằng, phận sự làm cha làm mẹ là phải ngăn ngừa con cái khỏi sa vào con đường tội lỗi; và muốn được vậy, cha mẹ phải trang bị cho mình một số kiến thức về giáo dục, về tâm lý trẻ. Phải biết rằng, cha mẹ và con cái thuộc hai thế hệ khác nhau nên thường có những nhận thức khác nhau, những nhu cầu khác nhau và những niềm vui, nỗi buồn cũng khác nhau. Cha mẹ có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trường đời hơn con, biết tôn trọng phong tục tập quán, quen sống trong nền đạo đức và luân lý cổ truyền. Còn con cái thì hiểu biết còn thơ trẻ, nông nổi, chưa có kinh nghiệm sống; lại bị lôi cuốn trong đời sống mới đầy cám dỗ vật chất nên dễ bị tha hóa, hư hỏng. Vậy, việc trao đổi nhận thức giữa cha mẹ và con cái là điều rất quan trọng. Đừng áp đặt chân lý, lẽ phải và bắt con cái phải tuân theo. Nên khơi mở, gợi ý để cho con cái tự nhận thức điều hay, lẽ phải hơn là thái độ gia trưởng độc đoán. Lại càng không nên la mắng, đánh chưởi dễ làm cho tâm hồn trẻ bị tổn thương gây nên phản ứng nghịch! Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phải bỏ thì giờ gần gũi con cái để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của chúng. Cha mẹ có thể sống an bần lạc đạo nhưng con cái thì không thể sống như vậy trong xã hội ngày nay. Ước mơ, nhu cầu, khát vọng mỗi thế hệ, mỗi thời đại mỗi khác. Do đó, việc giáo dục con cái đi theo đường ngay lẽ chánh không phải đơn giản như bài toán cộng trừ; nó cần một trí tuệ sáng suốt và một trái tim linh mẫn nữa vậy.

Thực tế vốn đa đoan và nhiêu khê như thế. Người con hiếu thảo thường nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ – vì nó biết rằng – cha mẹ không bao giờ mưu lợi cho mình. Dù bị la mắng nặng lời, dù giáo dưỡng thế nào thì cha mẹ cũng nhắm đến lợi ích cho con cái. Riêng những đứa con ngỗ nghịch, cứng đầu, cha mẹ phải nhẫn nại nhiều hơn, tâm từ nhiều hơn và áp dụng các phương pháp giáo dục tùy lúc, tùy khi rất linh động, uyển chuyển – mới hy vọng đem ánh sáng của kinh nghiệm mình soi đường cho con và cảm hóa con.

Sự thật thì, cho đến khi nào các cô, các cậu có gia đình, có con cái – thì khi ấy chúng mới trông thấy tấm lòng trời biển của cha mẹ. Dẫu muốn đáp đền, phụng dưỡng nhưng cha mẹ đã khuất núi rồi. Sự ăn năn, hối tiếc ấy đã quá muộn màng!

(2) Dạy con làm việc lành: Việc lành đây là các thiện pháp theo lời Phật dạy, là bố thí, trì giới… để làm cho tâm quen với các việc phước thiện.

Việc lành tạm chia có hai loại:

– Một, việc lành về mặt từ thiện xã hội như: Cứu tế, chẩn bần; giúp đỡ cô nhi, quả phụ; chia sẻ thiên tai, bão lụt; bắt tay vào các việc công ích như làm cầu, làm đường, bệnh xá, trường học…

– Hai, việc lành về tinh thần – tức là sự tu tập bản thân, khái lược là có 5 điều căn bản:

1. Mettā-karu ā: Có tâm từ bi. Từ, nghĩa là có tâm mát mẻ, không hận, không sân; mong cho tất cả chúng sanh đều được an vui, hạnh phúc. Bi là lòng bi mẫn, biết thương xót những chúng sanh có hoàn cảnh bất hạnh; khởi tâm chia sẻ từ vật chất đến tinh thần tùy theo khả năng mình.

2. Sammājivitā: Nuôi mạng chân chính. Nghĩa là lựa chọn nghề nghiếp sinh sống mà không phương hại đến người và vật, không tác hại đến nhân sinh và xã hội [vi].

3. Satisa vara: Chú niệm, thu thúc giữ tâm mình không cho sa ngã theo ngũ trần lục dục.

4. Sacca: Nói lời chân thật và luôn luôn giữ mình theo lẽ chánh, nghĩa là không dối người, dối mình.

5. Appamādo: Không dễ duôi, giải đãi trong việc làm lành, như bố thí, trì giới, tham thiền…

Lễ cố nhiên cha mẹ có phận sự lo cho con được an vui trong cõi này và ngày vị lai – nghĩa là dẫn dắt con tu hành để khỏi khổ trong kiếp này và vị lai. Cha mẹ nào đối với con như thế mới gọi là người biết thương con và mới gọi là làm tròn bổn phận cha mẹ, là người hành đúng theo Phật dạy. Như sự tích của trưởng giả Cấp Cô Độc dạy con sau đây:

“- Trưởng giả Cấp Cô Độc có một người con trai tên là Kāla. Người con này không tin Phật pháp, thiên tà kiến.

Ông tìm đủ phương thế để đưa con về chánh kiến, nhưng chưa được, ông lấy làm lo buồn. Ngày nọ, sau khi đã suy nghĩ kỹ, ông bảo con rằng: “Nếu con chịu thọ bát quan trai giới nơi đức Phật cùng với thiện nam, tín nữ – thì cha sẽ cho con một trăm đồng tiền vàng”. Người con vâng lời đến thọ giới cho có chừng rồi hí hửng về nhà lãnh tiền thưởng.

Sau khi trình bày câu chuyện với đức Phật về đứa con trai, để tiếp tục thực hiện mưu kế, lần khác, ông trưởng giả kêu con lại bảo rằng: “Nếu con chịu khó đến nghe đức Phật thuyết pháp mà con nhớ được một câu, thì ta sẽ thưởng cho con một ngàn đồng vàng”.

Người con vì ham tiền, nên bằng lòng đi nghe pháp, thầm bảo bụng rằng: “Ta chỉ cố nhớ một câu thôi rồi ta rút lui không khó gì”. Khi Kāla vào giảng đường nghe Phật thuyết pháp, cậu cố nghe và nhớ được một, nhưng khi đứng dậy ra về thì lại quên đi. Đây là do oai lực của đức Thế Tôn. Cậu lấy làm tức mình nên trở lại cố gắng chăm chú nghe, đặng nhớ một câu cho kỳ được. Hôm ấy, đức Thế Tôn nói về sự chết; ngài dạy trong ba cõi không một chúng sanh nào thoát khỏi tay tử thần. Cậu Kāla hiểu và phát tâm kinh sợ luân hồi, mắt được sáng, diệt trừ được một ít kiết sử phiền não và đắc quả vị Tu-đà-hoàn..

Về nhà, chàng nhớ đến một ngàn đống tiền vàng của cha, lấy làm hổ thẹn, vào phòng đóng cửa lại không dám ra, sợ cha nhắc đến số tiền thưởng.

Sáng ngày, nhân dịp đức Thế Tôn đến thọ thực tại nhà, ông trưởng giả mới kêu con ra lãnh một ngàn đồng vàng tiền thưởng. Đức Thế Tôn biết Kāla đang lúng túng và rất hổ thẹn trước chư tăng và cha mẹ, nên ngài dạy câu kệ với đại ý rằng:

“Tu-đà-hoàn quả cao hơn đế vị, cao hơn sự an vui trong cõi trời và cho dẫu nắm tất thảy chủ quyền trong vũ trụ – ý nói làm Chuyển luân Thánh vương – cũng không bằng được”.

Nội dung câu giáo giới rất rõ nghĩa, là không thể đem vật gì trong tam giới nầy lại sánh với quả vị Tu-đà-hoàn được. Khi đã đắc quả Tu-đà-hoàn – thì vàng bạc, ngọc ngà, châu báu đối với Kāla không còn có giá trị gì hết.

Tích này chỉ cho ta thấy rằng khi cha mẹ là người chánh kiến, thì mới dẫn dắt con đi trên đường cao quý được. Vậy bổn phận làm cha mẹ chẳng những lo cho con cái được an vui trong kiếp này, mà còn phải lo cho kiếp vị lai của chúng nữa.

(3) Cho con học nghề: Phận sự làm cha mẹ phải lo cho con học được một nghề theo chánh mạng. Cha mẹ không nên giao phó con cho nhà trường mà không quan tâm tới. Vì có lắm cậu mang sách ra đi nhưng kỳ thực thì không đến trường, mà cắp sách đi chơi thôi. Ngoài ra, trong thời gian con cái ở học đường, phải quan tâm theo dõi khả năng, khuynh hướng và cá tính riêng tư – rồi tìm cách gợi ý để hướng nghiệp cho chúng. Ví dụ, đứa hiền lành, giàu lòng nhân ái thì khuyến khích nghề lương y, bác sĩ. Ví dụ đứa chuẩn mực, đoan nghiêm, nề nếp thì khuyến khích nghề dạy học, mô phạm. Ví dụ đứa giỏi toán, giỏi lý thì chọn các bộ môn khoa học. Ví dụ đứa trầm lặng, sâu sắc, trái tim quá mẫn cảm thì nên chọn các bộ môn về văn chương, nhân văn…

(4) Dựng vợ gả chồng cho con: Điều này có hai ý nghĩa là: Cha mẹ có phận sự và cũng phải lo tròn phận sự định đoạt gia đình cho con, phải biết chọn nơi cho hợp với con mình. Chuyện vợ chồng của con cái trong thời buổi này thật là một vấn đề rất phiền phức cho phận sự làm cha mẹ. Vì có khi cha mẹ ưng ý chỗ này mà con không bằng lòng, lại muốn tự chọn ý trung nhân cho mình ở chỗ khác. Vì vậy thật là khó giải quyết. Vấn đề này có thể chia làm hai phần là:

a. Khi cha mẹ tham dự vào đời tư của con – thì việc ấy có lợi hay có hại?

b. Cha mẹ hay con là người có quyền quyết định trong việc dựng vợ gả chồng?

Về vấn đề thứ nhất, tôi thấy trong kinh, Phật có dạy cha mẹ nên lo định đoạt cho con, phải tìm chỗ xứng đáng để lựa chọn cho chúng, vì các con còn nhỏ dại, nông nổi chưa hiểu đời bằng cha mẹ.

Vấn đề thứ nhì, nên được thỏa thuận giữa cha mẹ và con. Phận sự làm cha mẹ chỉ có phận sự chỉ chỗ hại và chỗ lợi của cuộc hôn nhân, để cho con suy nghĩ lấy. Phần con phải suy nghĩ kỹ, chẳng nên vì lòng ham muốn nhứt thời của mình làm cha mẹ buồn và nhất là làm hại cho tương lai của mình. Phần nhiều thì cha mẹ luôn là người có lý.

(5) Chia gia tài cho thích hợp, đúng lúc, đúng khi: Làm con nên nhận thấy lòng thương con của cha mẹ trong giai đoạn này được thể hiện rõ rệt; và lòng thương ấy cao quý không đo lường được. Đem của cải mình dành dụm chia cho các con lúc chúng rời xa cha mẹ để tạo lập gia đình – đó là phần gia tài vật chất và cũng là gia tài tinh thần, vì trong gia tài đó, tích chứa biết bao mồ hôi, nước mắt cũng như tâm tư và công đức của cha mẹ!

+ Trong chú giải kinh hạnh phúc có dạy, làm cha mẹ phải dắt dẫn con phải thực hiện theo 5 điều là:

1. Dắt dẫn con vào chùa nghe giáo lý của đức Thế Tôn để tập cho nó tu hành khi còn trẻ

2. Tập con biết lễ Phật, tụng kinh

3. Tập con làm lành như bố thí…

4. Tập con niệm Phật, tham thiền (hoặc tu chỉ, quán)

5. Có thể nên cho con xuất gia nếu chúng muốn (tùy theo sức của con muốn xuất gia tới lúc nào có thể hành nổi) [vii].

+ Sự tiếp độ con có nhiều hạnh phúc là:

1. Tạo cho con thành người lương thiện.

2. Tạo cho con thành một công dân lương thiện.

3. Tạo cho con một đời sống đạo đức, hiền thiện gương mẫu cho cháu chắt sau này noi theo.

4. Làm cho con được hưởng hạnh phúc trong kiếp này và cả kiếp vị lai.

5. Làm cho con được hưởng ba điều lợi ích [viii].

6. Là nguyên nhân phát sanh hạnh phúc cho con mình, gia đình mình cùng các thế hệ mai sau.

7. Là người giúp cho đời bớt một công dân bất lương, và bớt một người làm khổ cho gia đình, gánh nặng cho xã hội.

8. Là người tạo cho con nên người trí thức, người có giới hạnh

9. Chư thiên ca tụng.

HẠNH PHÚC XIII

Dārassa sagaho: Tiếp độ vợ.

Vợ chồng là một vấn đề rất quan trọng trong đời người. Người mà được vui hay khổ cũng tùy thuộc thái độ cư xử, hành động của vợ và chồng. Vì vậy đức Phật dạy: Tiếp độ vợ là hạnh phúc cao thượng.

Tiếng phạn sa gaha có nghĩa là giúp đỡ, tương trợ, tế độ , tiếp độ; ý nói, khi người đàn ông đã có vợ, thì phải giúp đỡ vợ một cách tận tình, còn phải biết cách chia ngọt sẻ bùi, hướng dẫn vợ theo đường ngay lẽ chánh, phải đem đến sự lợi lạc, an vui cho vợ từ vật chất đến tinh thần! Theo ngữ nghĩa ấy, ta thấy hình như người đàn ông bị bắt buộc phải tiếp độ vợ và như vậy thì dường như người vợ không cần lo gì cho chồng. Sự thật người vợ vẫn phải có bổn phận đối với chồng. Vợ là nội tướng, lo coi mọi công việc trong gia đình. Người chồng ví như tay mặt, người vợ ví như tay trái. Vì tay mặt làm việc nặng nhọc có tiền mua cà rá, nhẫn nhưng tự mình (tay mặt) không đeo mà cho tay trái đeo. Không khác nào người chồng làm việc nặng nhọc có tiền đem về giao cho vợ. Bổn phận người vợ là phải lo săn sóc của ấy không cho tiêu hao mất mác, ấy là phận sự của nội tướng. TheoViệt ngữ, thì tiếng “chồng”và “vợ”có một nghĩa nhứt định, nôm na ai cũng hiểu. Còn trong tiếng Phạn tương đương với tiếng “chồng, vợ”của Việt ngữ thì có nhiều nghĩa tùy theo trường hợp.

Phạn ngữ có ba tiếng tương đương với tiếng chồng của Việt ngữ: Sāmī, svāmī và ayya. Tiếngsāmī (Pāḷi) hay svāmī (Sa skrit) nghĩa là chủ, chúa, thầy tổ, chồng. Tiếng ayya cũng có nghĩa là quý ông, ngài, chủ – cũng là chồng. Nhưng tiếng sāmī chỉ người chủ hiền lành, tốt bụng, bao giờ cũng thương yêu và hết lòng giúp đỡ người dưới, cũng như là giúp cho chính bản thân mình. Còn tiếngayya chỉ người chủ tính tình không cao đẹp bằng sāmī, là người chủ không được tốt lành, thường hay dùng quyền uy độc đoán làm cho người ta kinh hãi, khiếp sợ.

Phạn ngữ có nhiều tiếng tương đương với tiếng vợ của Việt ngữ: Đó là dāra, jāyā, paricārikā và bhariyā. Từ dāra và jāyā là vợ, người ta thường dùng. Từ paricārikā người ta ít dùng vì ngoài nghĩa là vợ, nó còn để chỉ vợ bé hay người hầu gái. Thường dùng nhứt là bhariyā (vợ), từ này có nghĩa là người đáng nuôi, người đáng thương hại, ý là người mà ai ai cũng yêu chuộng và muốn nuôi. Từ bhariyā này thường đi đôi với sāmī khi nói đến vợ chồng, tương đương Việt ngữ.

Theo trong bộ kinh Anguttaranikāya có đoạn đức Phật dạy có bảy hạng vợ, tức nhiên là cũng có bảy hạng chồng tương đối.

+ Bảy hạng vợ ấy là:

1. Vadhakābhariyā: Vợ như là đao phủ thủ, như kẻ sát nhân vì luôn ác độc, hung dữ với chồng.

2. Corībhariyā: Vợ như kẻ trộm – vì luôn tiêu xài hoang phí tài sản, của cải của chồng.

3. Ayyābhariyā: Vợ như chủ nhân ác ôn. Ayyā là bà chủ – nên hạng vợ này thường biếng nhác, hỗn xược, đàn áp chồng, sai khiến chồng.

4. Mātābhariyā: Vợ như mẹ. Tức là hạng vợ có lòng từ mẫn, luôn để ý chăm nom, săn sóc chồng như mẹ đối với con.

5. Bhaginībhariyā: Vợ như em gái. Là hạng vợ hiền thục, biết kính trọng, biết yêu thương, biết tùy thuận phục vụ chồng như em gái đối với anh.

6. Sakhibhariyā: Vợ như bạn. Cư xử, đối đãi rất tốt với chồng và bình đẳng, thủy chung như một người bạn tốt.

7. Dāsībhariyā: Vợ như tôi tớ, như người ở gái. Là hạng vợ biết kính sợ chồng, biết nhẫn nhục, biết hy sinh và phục vụ chồng như tôi tớ đối với chủ.

* Vợ như đao phủ thủ: Đao phủ thủ là người giết tội nhân. Người vợ thuộc về hạng này là người đàn bà nhiều sân hận, mặc dầu chồng có lo lắng, nhường nhịn đến đâu, cũng không hề biết thương hại chồng, làm sao miễn cho vừa lòng mình thôi. Người vợ này thường mắng nhiếc, chửi bới chồng, lắm khi còn đánh đập chồng là khác nữa.

Đồng thời cũng có hạng chồng như đao phủ thủ vậy.

* Vợ như kẻ trộm: Người vợ này không trung thành với chồng, thường lo việc sang đoạt, lường gạt, cướp bóc của chồng, đem tiền mua vui riêng, như rượu chè, cờ bạc chẳng hạn, theo ý thích của mình.

Đồng thời cũng có hạng chồng như kẻ cướp.

Thành thật mà nói, vợ hay chồng đều có quyền xài tiền bạc có được trong gia đình, nhưng khi đem ra tiêu dùng, cần phải có sự ưng thuận của cả hai người. Còn khi nào một người trong hai người ấy có ý chi dụng riêng cho mình, có tác ý lén lấy tiền ấy đem đi mua vui riêng, là không hợp pháp – luật đời hay luật đạo đều không cho phép. Lại nữa, sự trộm cắp giữa chồng và vợ khó mà bắt cho được, nên đây là hạng trộm cắp đáng ghê sợ nhất trong gia đình.

* Vợ như chủ nhân ác ôn: Hạng vợ này bao giờ cũng dành quyền hành và giữ tiền bạc trong gia đình. Chồng chỉ là hư vị thôi, như tôi tớ trong nhà. Hạng vợ này chỉ biết ăn, ngủ, thụ hưởng, biếng nhác, làm oai làm phách – chỉ làm hại cho gia đình và mọi người sẽ ghét bỏ mà thôi.

Đồng thời cũng có ông chồng như ông chủ ác ôn vậy.

* Vợ như mẹ: Không ai thương con và lo cho con bằng mẹ. Bà mẹ đối với con có tứ vô lượng tâm, như vị phạm thiên. Người vợ thương chồng, lo cho chồng không nề cực nhọc tấm thân miễn là chồng vui là đủ rồi. Người vợ có tâm như thế gọi là người vợ thương chồng như người mẹ thương con. Thật là hiền thê hiền nội. Quả báo này thật không nhỏ. Chết rồi được sanh vào cõi trời.

Đồng thời cũng có người chồng thương vợ, lo cho vợ, như người cha lo cho con vậy.

Gia đình nào được cảnh này chắc chắn gia đình ấy đầy hạnh phúc và vợ chồng không hề xa nhau vì một lẽ gì. Đây là pháp rất cao quý, chúng ta nên hành theo.

* Vợ như em gái: Hạng vợ này kính mến chồng như anh trai, vì như người em gái thường lo cho anh thật là đàng hoàng và chu đáo.

Đồng thời cũng có người chồng lo cho vợ như người anh lo cho em gái mình.

* Vợ như bạn: Người vợ lo chăm nom săn sóc cho chồng như người bạn lành săn sóc cho bạn mình và coi chồng như là bạn thân của mình vậy.

Đồng thời cũng có người chồng chăm lo cho vợ như bạn thân của mình.

* Vợ như kẻ tôi đòi: Đây là hình ảnh người vợ đảm đang, nhịn ăn, nhịn mặc, hy sinh mọi điều cho chồng và lo phụng sự chồng – như là người làm công lo cho ông chủ, không bao giờ để sơ thất mọi việc mà chồng đã giao cho. Phạn ngữ dùng từ dāsī (tôi tớ, người ở gái) là để chỉ hạng vợ hết lòng chăm nom mọi việc cho nhà chồng – ta không nên hiểu theo nghĩa xấu là thấp hèn, nô lệ – mà đó chính là người quản gia trung tín nhứt.

Đồng thời cũng có người chồng lo cho vợ như người quản gia lo cho chủ vậy.

Nếu gia đình nào có được bốn hạng vợ và bốn hạng chồng đã kể trên (4 hạng sau) thì gia đình ấy được an vui. Đức Phật thường dạy đời là khổ, người ở trong đời là người đang trầm luân trong bể khổ. Nhưng ngài biết chúng sanh mặc dầu biết khổ nhưng không dứt bỏ được, nên trong tám muôn bốn ngàn chi pháp của ngài dạy, có pháp xuất thế gian và pháp còn trong thế gian; những người hành theo pháp sau này sẽ được bớt khổ đi một phần nào cũng như hành theo 38 pháp hạnh phúc vậy.

Sự yêu thương giữa nam và nữ về tình dục thì không có gì gọi là cao quý. Vì loài thú cũng biết như ta vậy. Nhưng người đời cao quý hơn loài vật, là vì người ta thương nhau bằng một tình thương trong sạch, hai bên biết lo giúp đỡ cho nhau, lo lắng, chăm sóc cho nhau trong những khi hoạn nạn, bất trắc, ốm đau – được coi như sống chết có nhau; và ngoài ra còn giúp nhau đi theo con đường tiến hóa, an vui, hạnh phúc và cuối cùng là tầm cầu giải thoát như các bậc thánh nhơn nữa.

Về sự tiếp độ nhau giữa vợ chồng, đức Phật có dạy trong bộ Dīghanikāya đoạn Pātivagga rằng: Vợ chồng phải có pháp tiếp độ nhau là:

+ Chồng có 6 pháp đối với vợ là:

1. Thương mến, nể nang, hằng khen tặng và làm cho vợ được lợi ích, vừa lòng.

– Tặng đồ dùng hợp thời, nhất là quà tặng kỷ niệm những ngày vui, mừng sinh nhật.

– Dùng lời dịu ngọt đối với vợ.

2. Không khi dể vợ, nghĩa là không đối xử với vợ như kẻ ăn, người ở.

3. Không ngoại tình, không có vợ bé.

4. Giao cho vợ chủ quyền trong gia đình.

5. Tặng vật trang sức, trang điểm sang quý tùy khả năng mình.

6. Thường dẫn vợ đi xem những cuộc vui như hội chợ.

+ Vợ đối với chồng cũng phải có 5 điều là:

1. Lo thu xếp săn sóc việc trong gia đình cho chu đáo.

2. Lo giúp đỡ quyến thuộc bên chồng.

3. Không ngoại tình.

4. Giữ tiền bạc, của cải mà chồng đã giao phó.

5. Siêng năng làm công việc.

– Những pháp trên là theo đời, còn với lẽ đạo tùy trường hợp người chồng hay vợ phải thực hành theo 3 pháp là:

1. Tiếp độ hạng thấp – là dắt dẫn người bạn trăm năm của mình biết bố thí, trì giới, nghe pháp, làm lành.

2. Tiếp độ bậc trung – là dắt dẫn người bạn trăm năm của mình biết tụng kinh, niệm Phật, tham thiền.

3. Tiếp độ bậc cao thượng – là dắt dẫn người bạn trăm năm của mình học minh sát tuệ và luôn luôn nhắc nhở sự hành đạo.

+ Tiếp độ vợ con được những hạnh phúc là:

1. Làm cho tình thương yêu ấy càng ngày càng thêm đầm ấm, bền vững.

2. Làm cho tâm đầu ý hiệp.

3. Là một điều đại thiện.

4. Là nhân làm cho tiền của dồi dào.

5. Được coi là người hành đúng theo chân lý.

6. Được gọi là người không dễ duôi.

7. Làm khuôn vàng, thước ngọc cho con cháu sau này hay là làm mẫu mực cho người ở bên cạnh mình.

8. Chư thiên và phạm thiên thường ca tụng và hộ trì cho gia đình hành theo hạnh này.

Chính đức Đế Thích có nói câu kệ như vầy với vị trời Mātali rằng:

“- Ye gahatthā puññakāra sīḷavanto upāsikā.

Dhammene dāra phosenti te manussāmi mātali”.

Nghĩa là: Này Mātali! Người cư sĩ nào biết làm phước, sống đời có giới hạnh; lại còn là một thiện nam biết nuôi vợ đúng theo pháp, ta xin lễ bái người ấy.

Vị trời Mātali đáp câu kệ ấy rằng: Tâu đức Đế Thích! Ngài lễ bái kính trọng vị cư sĩ nào mà người ta thường ca tụng thì người cư sĩ ấy quả thật là cao quý trong đời. Vậy, ngài lễ bái kính trọng ai, tôi cũng xin được lễ bái kính trọng người ấy.

Đế Thích là vị thiên vương làm chúa tể trong hai cõi trời Tứ Đại thiên vương và Đao Lợi – mà ngài còn kính trọng người hành pháp theo pháp tiếp độ vợ con, thì chư thiên làm gì mà không hộ trì và kính trọng!

HẠNH PHÚC XIV

Anākulā ca kammantā: Làm xong việc của mình [ix]

(Sở hành theo nghiệp chánh)

Làm xong việc của mình, nghĩa là làm việc gì thì phải làm cho đến kết quả, không làm nửa chừng bỏ dở. Thí dụ ta như người lái xe, nhờ chiếc xe chạy được và có địa điểm cho xe tới, thì ta chạy đến chốn đến nơi. Chạy đến mục tiêu như vậy ta thành công đắc quả. Ta nên noi theo gương kiên trì của đức Phật, ngay trong việc làm của ngài từ lúc xuất gia đến khi thành đạo. Trên vũ trụ này, chỉ có một người làm việc giỏi nhứt mà lại kết quả tốt đẹp nhứt đó là đức Phật. Đã hơn 25 thế kỷ chưa có ai làm việc như ngài, việc làm của ngài thật là cao thượng, kết quả rất quý báu. Số người vâng giữ hành theo lời chỉ bảo của ngài nhiều không kể xiết.

Ta hãy đi ngược lại dòng thời gian để tìm biết việc làm của đức Phật từ khi ngài quyết chí xuất gia lìa bỏ ngai vàng, vợ đẹp con thơ, mà người đời ai ai cũng ham muốn. Ngài hành khổ hạnh suốt 6 năm giữa rừng già. Khi thấy sự hành khổ hạnh ấy không đem lại kết quả tốt, ngài liền bỏ và hành theo trung đạo mới đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác dưới cội bồ-đề. Sau khi đắc được quả vị tối cao xong rồi, ngài lại quyết định thuyết pháp độ đời suốt 45 năm, không màng cực nhọc, quyết tâm cứu độ chúng sanh.

25 thế kỷ đối với ta thật là lâu, nhưng việc làm của ngài vẫn còn sáng chói, và vẫn coi như mới tinh. Việc làm của ngài là việc làm bất diệt, đến nay vẫn còn ảnh hưởng mãnh liệt trong tâm của hàng Phật tử chân chánh khắp bốn biển, năm châu. Việc làm của ngài đi từng giai đoạn, từ sơ khởi đến kết quả, không bỏ dở dang, mặc dầu trải qua biết bao cam go, trở ngại.

Muốn làm việc cho đến nơi đến chốn, ta nên theo lời Phật dạy, phải biết phân biệt có hai loại việc làm là: Việc làm đem sự an vui đến và việc làm đem tai hại đến:

+ Việc làm đem sự an vui đến, có ba nhân tố là:

1. Anākula : Làm cho đến kết quả, không bỏ dở giữa chừng.

2. Dalaha : Làm đầy đủ không thiếu sót.

3. Sucarita : Làm với tâm trong sạch, nghĩa là việc làm không tội lỗi.

Sở dĩ người ta làm việc không tới nơi tới chốn là vì người ấy không bền chí, hay ngã lòng trước nghịch cảnh, thiếu cương quyết để làm cho đến cùng.

+ Đây là trạng thái của người làm việc hay bỏ dở công việc:

1. Kālatikamma : Thường làm mất thì giờ, thường kéo dài thì giờ. Như chuyện lẽ ra làm xong trong một giờ, mà người ấy phải làm tới hai ba giờ.

2. Appa irupakara a: Việc làm không xứng với số tiền có được, nghĩa là làm việc ít mà lương bổng nhiều.

3. Akara a: Không quan tâm đến việc làm.

4. Sithikakara a: Làm một cách lỏng lẻo, miễn cưỡng.

5. Sakaladivasabhāga supitvā: Ngủ cả ngày.

6. Rattimimhi te kattu na uttasati: Ban đêm không làm việc.

7. Niccakāla surāmatto: Say rượu cả ngày.

8. Itthī ādisu so o: Chạy theo phụ nữ.

9. Alaso [x]: Lười biếng, ngủ nướng và hay ngủ dậy trưa.

10. Leso [xi]: Đổ thừa rằng lạnh quá, nóng quá …

Theo Phật dạy, người muốn làm việc cho đến nơi đến chốn, thì phải có bốn pháp gọi làIddhipāda – bốn pháp Như Ý. Đức Thế Tôn đắc được quả vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng do nơi bốn pháp ấy.

Bốn pháp như ý là:

1. Chanda: Dục như ý (vui lòng làm việc).

2. Viriya: Tinh tấn như ý (cương quyết làm việc)

3. Citta: Niệm như ý (cố để tâm làm việc)

4. Vima sā: Tư duy như ý (suy nghĩ hiểu cách làm) [xii]

Phàm người muốn làm việc gì, phải có chương trình, kế hoạch – mà quan trọng nhứt, trước hết phải có vốn liếng là tiền bạc. Riêng theo Phật dạy, thì vốn ấy là tâm cương quyết thích làm việc mà mình định làm.

Đức Phật dạy trước nhứt phải có tâm cương quyết làm việc, vì vậy trong bốn pháp như ý, đều có nói đến tâm, và tâm là động lực chánh yếu chủ động.

– Dục như ý – điều gì mà tâm đã yêu hay thích, thì tâm chăm chú vào điều ấy rồi khiến con người cố gắng làm xong việc.

+ Tất cả mọi việc từ nhỏ đến lớn đều phải do nơi hai nguyên tắc, theo trật tự sau đây:

a. Để tâm đúng vào việc làm và yêu việc làm.

b. Bắt buộc tâm phải làm việc.

Phải có đủ hai nguyên tắc theo trật tự này, thì chắc chắn việc làm sẽ được kết quả mỹ mãn, bằng ngược lại, thì việc làm rất khó được kết quả, mặc dù là chút ít. Vì vậy đức Phật dạy trước hết phải có tâm thích nghề trong việc làm của mình tức là dục như ý túc vậy.

– Tinh tấn như ý (tôi xin tạm dịch là tâm can đảm): Pháp tinh tấn là pháp mà đức Phật thuyết rất nhiều chỗ trong các số pháp. Phật tử nghe tiếng tinh tấn thì hiểu rằng đó là sự siêng năng làm việc, cương quyết hoặc can đảm làm việc. Người mà có tinh tấn làm việc, thì làm việc gì cũng kết quả mỹ mãn. Tinh tấn không có nghĩa là đem hết sức mình mà làm việc nhứt thời, mà có nghĩa là ta làm tùy theo sức ta, nhưng không khi nào bỏ gián đoạn, không chịu thua hoàn cảnh, không chịu thua sự thất bại. Tinh tấn có nghĩa là làm từ từ, không gián đoạn, không miễn cưỡng. Hơn nữa không phải người tinh tấn là làm việc hoài không nghỉ; nhưng nghỉ theo trường hợp, đừng để sức khỏe kém dần đi đến kiệt quệ.

– Niệm như ý (tôi xin dịch là lưu ý đến công việc làm): Nghĩa là bao giờ tâm cũng nghĩ đến việc làm của mình đang làm, chú ý đến việc làm. Tâm luôn luôn suy nghĩ và nghiên cứu việc làm của mình không hề xao lãng. Người làm bất cứ công việc gì nhưng thiếu một pháp nào kể trên cũng không được, vì nếu thiếu là cầm chắc thất bại.

– Tư duy như ý: Là dùng trí tuệ để quan sát lại việc làm của mình. Nếu thiếu trí tuệ kiểm soát tâm thì không khác nào xe chạy trong đêm tối mà không đèn.

Vậy chúng ta muốn làm xong công chuyện không bị thất bại và bỏ dở thì phải có bốn pháp trên. Đó là nói về phương diện ở đời, còn về đạo đức thì phàm người tu Phật tại gia hay bậc xuất gia, khi làm một việc gì cũng phải có đủ bốn pháp như ý ấy, chẳng hạn như bố thí, trì giới, hay tham thiền…

Tôi xin nhắc tích của vị học tham thiền.

“- Thầy là người rất tinh tấn hành đạo có tiếng trong thời kỳ nọ. Nhưng khi thầy ngồi lại tham thiền, thì thầy ngủ gục, không thể nào làm cho tâm được cái thấp nhất là hỷ lạc. Mỗi lần bị buồn ngủ, thầy lấy cỏ quấn lại một nùi đội lên đầu, rồi lội xuống trầm mình dưới sông Gagā và tự bảo lấy mình rằng: “Ta đã thả trôi sự buồn ngủ rồi”. Vị ấy hành như thế đến mười hai năm mới đắc A-la-hán quả. Như thế ta mới thấy rõ vị đại đức ấy rất yêu việc làm của mình, ngài rất cương quyết tinh tấn làm cho xong việc, không chịu thua hoàn cảnh; và ngài có trí tuệ quan sát biết yếu điểm của mình là hay buồn ngủ và tìm cách khử trừ nó cho đến viên mãn.

Còn đức Thế Tôn kiếp chót là thái tử Sĩ-đạt-ta, sau khi bỏ ngai vàng xuất gia, sáu năm khổ hạnh chỉ còn da bọc xương, ngài cũng không thối chí ngã lòng. Dưới cội bồ đề, ngài phát nguyện rằng: “Nếu ta không thành đạo, dầu xương tan, thịt nát ta cũng không rời khỏi nơi này”. Rồi nhờ tấm lòng yêu đạo, cương quyết, kiên nhẫn, ngài tìm thấy con đường giải thoát và đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh. Nói tóm lại, khi người tại gia cư sĩ muốn làm việc gì, từ nhỏ đến lớn mà hành theo bốn pháp như ý – thì ngân quỹ gia đình được dồi dào, sung túc rồi nền kinh tế của nước nhà cũng thịnh vượng; và chính mình thì được bốn điều an vui sau đây:

a. An vui vì có của cải, tài sản.

b. An vui vì có đầy đủ phương tiện trong những nhu cầu sinh hoạt thường ngày.

c. An vui vì không bị nợ nần.

d. An vui vì việc làm không tội lỗi.

+ Ngoài ra còn những điều lợi lạc sau đây:

1. Người trong gia đình và quyến thuộc cùng người trong xã hội có thể nương nhờ được.

2. Có dự trữ được việc lành làm vật thực về ngày vị lai.

3. Là tự bảo vệ lấy mình.

4. Sẽ được sanh vào cõi trời.

5. Nếu duyên lành đầy đủ thì có thể đắc được đạo quả.

6. Nếu chưa đắc đạo quả trong kiếp nầy, thì việc làm ấy là duyên lành sẽ đưa người ấy được đắc quả trong ngày vị lai.

7. Không dễ duôi.

8. Được các bậc trí tuệ thường ngợi khen.

9. Không xa ba điều lợi ích [xiii].

10. Được gọi là thiện nhân là vì luôn luôn có hạnh phúc bên mình.

[i] Đại sư Viên Minh dịch – Kinh tụng, Huyền Không, lưu hành nội bộ.

[ii] Tôi cố ý để nguyên văn, sau đó, hiệu đính giải thích cho nhiều người cùng hiểu. Là giáo hệ tam tạng của Theravāda chỉ có Pháp và Luật, sau này, các vị kết tập sư mới phân ra tạng Kinh, tạng Luật và tạng Abhidhamma (Vi diệu pháp, Thắng nghĩa pháp) – chứ không có tạng Luận. Luận là những triết lý, triết luận, tư tưởng (thuộc lý trí, trí năng chứ không phải bởi tuệ giác) được sáng tác bởi chư tổ thuộc các hệ phát triển – ví dụ Trung quán luận của Long Thọ, Đại thừa khởi tín luận của Mã Minh, A-tỳ-đạt-ma câu-xá luận và Duy thức tam thập tụng của Thế Thân…

[iii] Tôn trọng nguyên văn, chưa kiểm tra được.

[iv] Tứ vô lượng tâm – là đề mục thiền định sắc giới, đòi hỏi một quá trình tu tập rất công phu, miên mật mới có thể đắc tứ định. Từ, bi và hỉ thuộc sơ, nhị và đệ tam thiền; riêng xả phải là đệ tứ thiền. Vậy, cha mẹ có Tứ vô lượng tâm chỉ là ví dụ cho mọi người tạm hiểu – rằng là cha mẹ cũng có những thuộc tính, những năng lượng của Tứ vô lượng tâm ấy.

[v] Nói 4 pháp là đủ, nhưng thật ra, nó có 5: Tín, giới, văn, thí, tuệ. Và còn lưu ý: Khi đức Phật dạy 5 pháp này cho Phật tử tại gia, theo pháp thuận thứ, thì tuệ này chỉ mới là tuệ thế gian, phân biệt phải trái, đúng sai, thiện ác; và phước báu chỉ là nhân, thiên. Còn tuệ có được từ minh sát (vipassanā) – thì nó nằm trong tín, tấn, niệm, định, tuệ – chính tuệ này mới thấy rõ Tam tướng, mới giải thoát.

[vi] Xem ghi chú 31- về tránh 5 nghề tà mạng.

[vii] Ngày nay, các nước Phật giáo Nam Tông như Thái, Miên, Lào, Myanmar… thường cho thiếu niên, thiếu nữ, thanh niên, thanh nữ xuất gia gieo duyên – hoặc nửa tháng, 01 tháng, 3 tháng, 01 năm, 03 năm tùy khả năng và hạnh nguyện.

[viii] Xem ghi chú 43.

[ix] Câu này, thật ra nó có nghĩa khác, chính xác hơn. Kammanta, thường nghĩa là việc làm, nhưng phải hiểu là sở hành, không đơn thuần là nghề nghiệp – mà còn là hành động của thân, khẩu và ý nữa. Anākula là không lẫn lộn, không vướng dính. Vậy, có lẽ ta nên hiểu đây là sở hành theo chánh nghiệp (thập thiện nghiệp) không lẫn lộn, không vướng dính ác pháp, tội lỗi – thì đúng với văn mạch hơn. Đại sư Viên Minh dịch là “Sở hành theo nghiệp chánh”.

[x] Alasa: Lười biếng.

[xi] Lesa: Duyên cớ, sự lừa phỉnh.

[xii] Tứ như ý túc, tứ thần túc: Dục như ý túc: Khởi tâm làm, mong muốn thực hiện; nung chín ước muốn ấy. Tấn như ý túc: Ráng sức, cố gắng, nỗ lực để thực hiện ước muốn của mình. Tâm như ý túc: Nhận biết việc đang làm, chú tâm nhất mực với công việc ấy, không xao lãng, không gián đoạn. Thẩm sát (quán, tuệ) như ý túc: Quán thông, sáng suốt, thấy rõ việc mình làm và cả tiến trình của nó.

[xiii] Như ghi chú ở trước – là không xác định là 3 điều lợi ích gì. Tôi dựa pháp số để chép ra đây. I/- Lợi ích hiện tại, đời này (di hadhammamikattha). II/- Lợi ích tương lai, đời sau (Samparāyikattha). Lợi ích rốt ráo – hàm chỉ Niết-bàn (Paramattha). Ba lợi ích khác: I/- Tự lợi (Attattha). II/- Lợi tha (Parattha). III/- Lợi cả hai (Ubha-attha).

KỆ NGÔN V

HẠNH PHÚC XV

Dāna : Nết hạnh bố thí

Phạn ngữ dāna – Tàu âm là đàn-na – nghĩa là bố thí (hay thí chủ) là dâng cúng cơm nước, quần áo, chỗ ở, thuốc chữa bệnh đến chư tăng hay cứu tế đến người nghèo đói, bất hạnh.

Đàn-na và bố thí hàm ý cắt đứt sự bỏn xẻn, đánh đuổi sự rít róng và cắt đứt sự tham lam ở trong lòng.

Đàn-na và bố thí còn hàm ý gìn giữ; nghĩa là tâm bố thí có công năng gìn giữ người thí chủ không cho ở trong ác pháp là tham lam, bỏn xẻn; lại còn nâng đỡ người bố thí không cho sanh vào khổ cảnh…

Cuối cùng, theo cách hiểu thông thường, đàn-na bố thí có nghĩa là đem của cải, bạc tiền dư thừa của mình đem cho người khác, hiến tặng cho người khác.

Nói đến sự bố thí hình như là ít có người hưởng ứng, đồng tình – vì người ta quan niệm thông thường rằng, con người sanh ra là để thâu vào chứ không phải là để phát ra. Và trong thực tế ai ai cũng đều ưa thâu hơn phát, ưa nhận hơn cho! Thậm chí đến khi thấy người quanh mình đang bị đói khổ thiếu thốn, những người đang bị tai nạn như cháy nhà hay bão lụt, nhà cửa không, cơm không, y phục cũng thiếu; tuy họ dư ăn dư để, nhưng có bao giờ họ tự động đem của ra cho ai đâu. Người mà được nghe tiếng bố thí nhiều nhứt là tín đồ Phật giáo, vì tiếng bố thí là tiếng đầu tiên mà người Phật tử nghe và biết. Như vậy, nết hạnh bố thí là nết hạnh phải học trước nhất trong Phật giáo, mà bố thí cũng là một pháp ba-la-mật đứng đầu trong 30 pháp ba-la-mật.

Người đời rất ưa sự tiến bộ về vật chất, nhưng người ta không nghĩ tới tinh thần. Ý tôi muốn nói, sự tiến hóa về vật chất là giàu sang, nhà cao, cửa rộng… Còn sự tiến hóa về tinh thần lại thuộc về phương diện đạo đức, tâm linh.

Nếu người đời chỉ biết đi tìm lấy một mục đích duy nhất là giàu sang, tiện nghi sung mãn… thì càng ngày thế gian nầy càng nhiều đau khổ – vì ai ai cũng tranh nhau để làm giàu không nghĩ đến người khác, không biết giúp đỡ kẻ đói nghèo, người hoạn nạn.

Còn người tiến hóa về tinh thần thì lại khác, họ lo cho bản thân mình vừa đủ, rồi còn lo giúp đỡ, san sẻ cho thân bằng quyến thuộc, mọi người xung quanh, thôn lân, xã hội – tùy

khả năng và hoàn cảnh. Đấy gọi là bố thí. Ai ai cũng có thể bố thí được tùy trường hợp, tùy lúc và tùy khi.

Đức Phật dạy pháp bố thí là đem cho đi những cái dư dả của mình, tùy theo mình có, cho người khác do mọi người xung quanh đang thiếu hụt, đang cần sự tương trợ cùng tấm lòng bi mẫn của ta. Bố thí là nguyên nhân đánh đuổi sự bỏn xẻn và dứt bỏ được lòng tham lam, làm cho tâm mình trở nên cao thượng, quý báu. Tâm con người không có được sự cao quý ấy – nên khiến cho phiền não phát sanh – tức là bị tam độc là tham lam, sân hận và si mê hoành hành, công phá. Đức Phật dạy tâm của chúng ta ví như con rắn. Loài rắn thích ở nơi ẩm thấp. Tâm cũng vậy, nó thích ở nơi thấp hèn là tối tăm, phiền não. Vì có phiền não nên tâm ta bị chìm đắm trong tài, sắc, lợi, danh. Chính tâm tham lam, luôn luôn muốn thu góp lợi tức về mình cho thật nhiều đặng mua lấy những gì mà nó thích – còn ai chết mặc ai. Vì tâm ích kỷ dục lợi nên không đem hạnh phúc lâu dài lại cho ta, có được chăng chỉ tạm bợ, nhất thời thôi. Vì muốn chúng sanh làm cho tâm mình trở nên cao thượng, quý báu, bước ra khỏi nơi ẩm thấp, tối tăm là bỏn xẻn, tham lam và ích kỷ ấy – nên đức Phật dạy ta bố thí. Bố thí là pháp đối trị của bỏn xẻn, tham lam, dục lợi ích kỷ.

+ Bố thí có hai cách, có hai ý nghĩa khác nhau:

– Cho để làm ơn

– Cho có ý làm phước, để dứt lòng tham lam, trừ bỏn xẻn và ngăn ngừa sự ích kỷ dục lợi. Đây thật là bồi bổ đức từ bi.

Người đời thường hiểu lầm rằng, cho là làm ơn, là làm phước.

Trong Phật giáo có dạy bố thí và làm ơn khác nhau. Người cho – với nghĩa làm ơn – thì muốn người thọ lãnh biết đến mình, và muốn người thọ lãnh luôn luôn nhớ lấy của cho ấy, tiếng phạn gọi làsagaha nghĩa là giúp đỡ, tiếp độ. Còn người bố thí (đàn-na) thì trong mỗi việc cho đi hoặc san sẻ nào cũng đều có tác ý là thương xót người mà mình cho đó (đó là tâm bi) và quyết định diệt lòng tham lam, bỏn xẻn trừ cả lòng ích kỷ của mình nữa.

Chúng ta – những người Phật tử học hạnh bố thí – cho ai một vật gì không muốn cho họ nhớ ơn và đền ơn mình, để tránh nguyên nhân sanh thêm phiền não. Bố thí với mục đích cố dứt bỏ phiền não ở trong lòng mình mới là quý báu, mới là cao thượng vậy.

Người làm phước nên làm bằng tác ý lành, cố tránh phiền não, và nên để lòng yêu thương người bị hoạn nạn như mình yêu thương bản thân mình hay là yêu thương con đẻ của mình – lại là thuộc tính của tâm từ. Làm như vậy mới là bố thí. Làm như vậy là ta bồi bổ thêm tâm lành của ta (cả bi và từ),diệt phiền não, bỏn xẻn, ích kỷ. Đó mới là tu, nghĩa là sửa chữa lòng mình, làm cho không còn phiền não nữa.

+ Sự bố thí hợp pháp, chơn chánh, theo Phật giáo, có 3 điều kiện là:

1. Vật bố thí trong sạch: Đồ vật đem ra bố thí ấy do nơi sự làm ăn chơn chánh mà có, nghĩa là của ấy do nơi chánh mạng tạo ra, không do sự trộm cướp hay lường gạt của người đem về làm của mình. Vả lại, không bao giờ đức Phật dạy phải bố thí nhiều hay bố thí ít, chỉ cần của ấy là của hợp pháp thôi.

2. Tác ý trong sạch: Người cho vì lòng từ ái [1] mà cho, chớ không phải cho để mong được một lợi ích nào khác, chẳng hạn như bố thí để được sanh về cõi trời hay cõi nào [2] . Hầu vun trồng tác ý cao thượng ấy, đức Phật dạy nên bố thí với tâm xả ly để diệt từ tham lam, bỏn xẻn, ích kỷ trong tâm của mình là tốt nhất, là quý nhất vậy.

3. Người thọ lãnh trong sạch: Người thọ lãnh là người có giới đức trong sạch đáng thọ lãnh của bố thí.

Nhiều người bị tánh bỏn xẻn chi phối, khi có tiền của dư dả mà thấy người nghèo khổ, hoạn nạn – họ làm lơ đi, ngoảnh mặt đi, không giúp đỡ. Với hạng người nầy thì càng được của cải bao nhiêu, càng bỏn xẻn bấy nhiêu; và vì lẽ ấy mà họ không khi nào an vui, thanh thản được, trái lại, lúc nào cũng lo âu, sợ hãi, toan tính, bận rộn, sầu não! Đành rằng bỏn xẻn ấy không hại ai, nhưng tâm bỏn xẻn không gọi là thiện được. Tuy nhiên, có những người ở đời, có tâm địa bỏn xẻn, thường tự biện minh rằng, tôi không làm gì nên tội hết! Trong thực tế, sở dĩ hạng người ấy không làm tội, có thể là do họ sợ pháp luật của chánh phủ; cũng có thể vì danh dự bản thân và gia đình. Lý suy, do trường hợp thuận tiện chưa đến, bởi nếu có dịp, chưa chắc họ không nhân cơ hội làm liền. Riêng người tu là người có phát nguyện xa tội ác, vì ghê sợ và hổ thẹn tội ác, nên không dám làm tội, mặc dầu là có làm, cũng không ai biết. Hơn nữa người tu càng cố gắng giữ lấy đức hạnh của mình, như là lo cho đời sống của mình vậy.

Đức Phật dạy: Tiền tài là món thuốc độc dành cho người kém trí tuệ, trái lại, là món thuốc bổ cho bậc trí thức.

Thật vậy người kém trí tuệ mê theo tiền tài, không hề làm một việc lành nào mặc dù rất nhỏ, lại còn hay lường gạt cướp bóc của người đem về cho mình, để rồi, chừng sắp chết họ mới tiếc nuối của cải phải bị bỏ lại dương trần, cứ muốn gìn giữ, gần gũi của cải ấy mãi. Tiếc của như vậy thật là nguy hại vô cùng – như sự tích sau đây:

“- Tại kinh đô Sāvatthī có một ông trưởng giả rất là ích kỷ, không bao giờ bố thí một đồng điếu cho người ăn xin. Người trong thành đặt tên ông là Micchāriya (bỏn xẻn). Ông có chôn rất nhiều khạp vàng. Khi sắp chết, sực nhớ lại số vàng ấy, mà ông không có dịp tỏ cho người nhà hay. Vì luyến tiếc vàng, nên ông lại sanh làm chó trong gia đình của ông. Khi chó ấy lớn lên, nó rất khôn và giữ của rất giỏi nên con ông lấy làm thương mến.

Ngày nọ, đức Thế Tôn đi khất thực ngang qua nhà con ông trưởng giả, con chó chạy ra sủa. Đức Thế Tôn với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, biết rõ kiếp quá khứ của chó nên mới nói rằng: “Trưởng giả Micchāriya! Ông vì quá keo kiệt, bỏn xẻn; khi chết rồi còn muốn ôm ấp mấy cái khạp vàng, nên đã sanh làm con chó giữ của, ông có biết thế không?”Oai lực của đức Thế Tôn làm cho chó nhớ lại tiền kiếp, lấy làm buồn rầu và trở về nhà nằm.

Khi con ông trưởng giả đi công việc về, không thấy chó chạy ra mừng như mọi khi, mới hỏi gia nhân tại sao con chó đổi tính như vậy.

Người nhà cho hay, khi nãy thầy Cồ Đàm đi ngang qua đây, không biết có nói gì mà con chó có vẻ buồn, đang nằm dưới gậm giường!

Con ông trưởng giả lấy làm tức giận, lập tức vào hỏi đức Thế Tôn. Nhân dịp này, ngài mới đến nhà, bảo ông trưởng giả cho đào đất tại chỗ con chó thường nằm thì tìm được mấy khạp vàng. Sau đó, đức Phật giáo giới đến mọi người, phải biết mở rộng tấm lòng, diệt trừ keo kiệt, bỏn xẻn. Hãy lấy chuyện con chó mà làm gương”.

Tích nầy cho thấy rằng: Lòng bỏn xẻn, sự tham lam và tâm quyến luyến của cải có hại như thế. Vậy các bậc trí thức nên dùng của cải làm việc từ thiện: Bố thí là gởi của về ngày vị lai. Người bỏn xẻn trong kiếp nầy tuy là dư ăn dư để, nhưng kiếp sau họ sẽ trơ trọi nghèo nàn. Tại sao vậy? Vì người bỏn xẻn không kết trước duyên lành với kẻ khác, không có lòng từ ái thương hại kẻ khác đang chịu thiếu thốn, bần hàn, cực khổ; vì quả của bỏn xẻn ấy, kiếp sau nghèo khó, bần hàn, thiếu hụt mọi bề, không ai giúp đỡ cho lúc cơ nhỡ, hoạn nạn.

Sau đây là một sự tích bố thí:

“- Đời đức Phật Ca-diếp, có một thanh niên xuất gia mà hằng ngày về thọ thực ở nhà cha mẹ. Ngày nọ, sau khi thọ thực xong, ra về đến gần chùa, chàng trông thấy một con chó cái mù cả hai mắt với một bầy con ốm đói vì thiếu ăn; chúng đang day day những bầu vú héo khô như tấm giẻ rách! Tình cảnh thật là bi đát. Thấy vậy, lòng thương hại (tâm bi mẫn) phát sanh, nhưng chàng không biết lấy gì cho chó ăn. Bỗng sực nhớ lại mình vừa thọ thực xong, chàng liền dùng tay móc cổ ói vật thực ra cho bầy chó ấy ăn. Nhờ bữa ăn ấy chó mới đủ sức khỏe đi ở nơi khác.

Sau khi chết, chàng thanh niên ấy được sanh thiên, hưởng sự an lạc trong các cõi trời từ thời đức Phật Ca-diếp tới đời đức Phật Thích-ca; chàng lại sanh vào một gia đình Phật tử, có đức tin trong sạch và xuất gia theo giáo pháp của đức Thế Tôn. Nhờ phước báu bố thí từ kiếp trước còn dư sót, nên người trong thành rất trong sạch với chàng, bố thí cho rất nhiều vật thực, đến đỗi dùng không hết”.

Theo câu chuyện trên đây – rõ ràng là của bố thí không cần phải là bạc nén, vàng thoi hay là cao lương, mỹ vị, chỉ cốt ở tấm lòng từ ái hay bi mẫn của mình. Nếu quý vị không muốn gặp những cảnh tượng hãi hùng như nhà cháy, bão lụt… thì nên làm việc phước thiện cho những nạn nhơn thiên tai, hỏa hoạn. Đức Phật dạy: Hễ bố thí vật vừa lòng thì hằng được vật vừa lòng. Nhân nào quả nấy. Khi ta giúp người qua khỏi cơn tai nạn, thì ta lại được phước và sẽ khỏi bị tai nạn.

+ Bố thí chia ra làm hai loại là:

1. Amissadāna: Tài thí là bố thí cơm nước, y phục, thuốc uống và chỗ ở.

2. Dhammadāna: Pháp thí, bố thí pháp

Đức Phật có dạy: “Sabbadāna dhammadāna jināti”Nghĩa là trong các sự bố thí chỉ có bố thí pháp là cao thượng hơn hết. Vì người bố thí pháp gọi là bố thí thiên đàng, phạm thiên và Niết-bàn.

Người bố thí tứ vật dụng là cơm nước, y phục, thuốc men, nhà ở, làm cho người thọ lãnh được sự an vui cấp thời về vật chất thôi. Còn bố thí pháp có thể làm cho người rất hung dữ trở nên lương thiện; chớ ta không thể đem tiền của thuê người ác trở nên thiện được. Vì vậy, bố thí pháp có phước vô lượng vô biên. Đức Phật có đưa ra ví dụ: Có người nào giàu có vô cùng tận, mời thỉnh chư Chánh Đẳng Giác, Độc Giác và chư thánh Tăng ngồi chật quả địa cầu nầy, rồi bố thí tứ vật dụng; đoạn, các ngài cầu chúc cho. Người nầy được phước không sao tả được, nhưng phước ấy không bằng một phần mười sáu phước của một vị pháp sư thuyết chỉ một nửa câu kệ ngôn thôi.

Nếu có người hỏi: Vậy thì chỉ có các vị pháp sư mới bố thí được pháp thôi, còn chúng tôi là cư sĩ thì làm sao bố thí được? Thật ra, ai cũng có thể bố thí pháp được bằng cách thỉnh chư pháp sư về nhà thuyết pháp cho bạn đồng đạo đến nghe, hay là hùn tiền để ấn tống kinh sách. Điều hay hơn hết là quý vị nhờ một vị sư nào dịch kinh hoặc viết sách Phật rồi quý vị ấn tống. Đây thật là phước cao thượng.

+ Hạnh bố thí đem đến những điều hạnh phúc sau đây:

1. Bố thí là nhân của tất cả sự an vui.

2. Bố thí là nguồn gốc của mọi tư hữu của cải.

3. Bố thí là kho chứa tài sản.

4. Bố thí là thành trì kiên cố để che chở mọi tai nạn hiểm nghèo cho thí chủ.

5. Bố thí là vật nương nhờ của ta trong ngày vị lai.

6. Bố thí ví như hang sư tử cư ngụ, tất cả các giống thú không bao giờ dám bén mảng đến gần hang ấy (Ý nói những hạng người tiểu nhân, xấu xa, độc ác sẽ sợ hãi không dám đến gần).

7. Bố thí ví như mặt địa cầu; địa cầu là nơi nương nhờ của nhân loại (Ý nói là nơi nương nhờ của những hạt giống lành).

8. Bố thí ví như sợi dây để buộc tâm con người không cho phóng túng chạy theo tội ác.

9. Bố thí ví như ghe thuyền có khả năng đưa người qua sông biển và luân hồi.

10. Bố thí ví như người chiến sĩ can đảm xông pha trong trận giặc phiền não.

11. Bố thí ví như hoa sen sanh trong bùn, nhưng không hôi tanh mùi bùn.

12. Bố thí ví như lửa thiêu đốt các ác pháp là tham lam, bỏn xẻn, ích kỷ, dục lợi.

13. Bố thí ví như rắn độc cắn chết các ác pháp.

14. Bố thí ví như tượng vương, vì tượng vương là thú có sức mạnh hơn hết, bố thí cũng có sức mạnh thắng các ác pháp.

15. Bố thí ví như thiên lý mã, có sức chạy rất mau, chạy khỏi phiền não là tham lam… và chạy tới Niết-bàn.

16. Bố thí là con đường đi của các bậc thánh nhơn nhứt là đức Phật.

17. Bố thí là một hạnh của chư Phật.

18. Bố thí kết quả cho người không thiếu thốn khi còn luân hồi trong tam giới.

19. Bố thí cho sanh làm trời Đế Thích.

20. Bố thí cho sanh vào cõi Tha hóa tự tại.

21. Bố thí được sanh làm vua Chuyển luân vương.

22. Bố thí làm cho đắc quả Thinh Văn.

23. Bố thí là cho đắc quả Độc Giác.

24. Bố thí làm cho đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác.

HẠNH PHÚC XVI

Dhammacariyā: Hành theo pháp.

Dhammacariyā nghĩa là hành theo pháp. Người hành theo pháp là người được hạnh phúc, làm cho người tiến hóa trên đường đời cũng như trên đường đạo. Chúng ta nên thực hiện như thế nào để được gọi là hành theo pháp?

+ Đây xin chia ra làm ba phần:

1. Pháp là gì?

2. Phương pháp hành theo pháp?

3. Khi thực hành theo pháp thì được những hạnh phúc gì?

Trong hạnh phúc thứ XVI nầy chỗ trọng yếu là pháp và phương pháp hành theo pháp, hành đúng pháp. Trước hết chúng ta nên biết pháp là gì đã? Nếu hỏi thế, thật khó đáp cho trúng trong mấy câu ngắn. Nhưng có thể nói rằng: Pháp là thiện ác, không thiện, không ác; là sắc thinh, hương, vị, xúc, sắc, thọ… Có người lại nói pháp là vật vô hình khó hiểu, cần phải hiểu bằng trí tuệ.

+ Tôi xin giải tóm tắt:

1. Một hành động đúng, tốt gọi là lành hay thiện – đức Phật gọi là thiện pháp.

2. Một hành động sai, xấu làm hại kẻ khác, làm cho người hay thú đau khổ, gọi là làm ác – đức Phật gọi là ác pháp.

Giảng tóm tắt như vậy thì có vị muốn hỏi: Nếu pháp mà giải dễ hiểu như thế, thì cần gì đức Thế Tôn phải dạy tám muôn bốn ngàn pháp môn? [3]

Hỏi như thế thật là chí lý, nhưng tôi lược giải như trên là tôi muốn nói cái ý nghĩa cốt yếu của pháp, chớ chưa phải là pháp môn đức Thế Tôn có 10 hồng danh [4] mà chư thiên, phạm thiên ca tụng. Trong 10 hồng danh ấy có 02 hồng danh có nghĩa từa tựa nhau là Buddho: Phật, và Bhagavā: Thế Tôn.

Phật có nghĩa là hiểu thông các pháp và phân biệt được ác hay thiện, và người hành theo pháp nào được an vui, pháp nào đưa khổ đến. Còn Thế Tôn có nghĩa là chia ý, vì tiếng phạn bhagavā nghĩa là chia từng phần [5]; đức Thế Tôn chia pháp môn ra từng phần để dễ hóa độ chúng sanh, vì chúng sanh có cơ duyên không giống nhau.

Còn một vấn đề rất khó là phải chọn lấy một con đường chân chánh để hành theo và chọn lấy pháp nào làm tiêu chuẩn để hành theo?

Muốn cho quý vị dễ hiểu, tôi xin đem pháp tiêu chuẩn mà đức Phật đã dạy để quý vị quan sát hành theo thiện pháp.

Đức Thế Tôn có dạy ba điều để người làm tiêu chuẩn, như cây thước để đo biết pháp nào ác, pháp nào thiện. Ba pháp ấy gọi là adhipati xin tạm dịch là chủ quyền [6]:

1. Attādhipateyya: Theo ý mình

2. Lokādhipatayya: Theo ý người đời

3. Dhammādhipatayya: Theo pháp

Ba điều Phật dạy trên có thể đem so sánh với những điều thường có ở đời. Theo ý mình, có thể sánh với chính sách độc đoán chuyên chế. Theo ý người, có thể sánh với chính sách dân chủ. Còn theo pháp, thì ở ngoài hai chính sách trên, vì theo pháp là nguyên nhân xuất thế gian, nghĩa là giải thoát khỏi các sự ràng buộc trong đời, xa lìa phiền não. Người hành theo pháp, thì không còn độc tài hay dân chủ. Tôi xin giải ba điều ấy.

Theo ý ta

Người theo ý của chính mình là người có tánh độc đoán, độc quyền, không chịu nghe lời ai khuyên bảo. Những người làm theo ý mình một cách độc đoán, độc quyền như vậy thường hay đi tới chỗ tai hại, và ít nhứt là cũng sai lầm.

Nếu trong xã hội mỗi người theo ý của riêng mình, thì xã hội không còn là một xã hội thuần túy an vui, vì quyền lợi của cá nhân nầy sẽ phản trái với quyền lợi của cá nhân khác và sinh ra xung đột vô tận. Tinh thần độc đoán của người này không dung nạp được tinh thần độc đoán của người kia và tự do cá nhân không có luật lệ kềm hãm, sẽ gây hỗn loạn.

Người độc đoán không làm gì nên việc, chỉ làm hại cho mình và bạn mình thôi. Gia đình nào có người chồng hay cha, hoặc vợ con như thế thật khổ cho gia đình ấy.

Làm theo ý người đời

Làm theo ý người đời, ít khi có lợi lạc, mà nhiều khi tai hại. Lợi là khi nào ý của người đời hiệp theo lẽ phải, thiên về đạo đức. Bằng trái lại, tai hại cho mình và cho cả người đời. Theo ý người đời một cách mù quáng thì chắc chắn tai hại, theo ý người đời một cách sáng suốt sao cho dung hòa được quyền lợi chung, thì mới lợi lạc. Chế độ dân chủ chơn chánh có thể tốt đẹp – khi chế độ ấy được xây dựng theo ý kiến của người đời, và có khuynh hướng, nội dung mưu đồ lợi lạc cho quảng đại quần chúng.

Đức Phật thiên về ý kiến phần đông, nên ngài dạy chư tăng nên hội họp lại làm tăng sự và hội họp lại để giải quyết những chuyện xảy ra trong tăng chúng, vì với một số ít người sẽ không giải quyết xong.

Đức Phật có giáo giới rằng, nơi hội họp nào không có bậc tri thức đều trở thành vô dụng. Chung quy lại, sự lấy theo ý kiến của phần đông cũng tùy trường hợp của nhóm người cho ý kiến, ngoài ra ta còn cần phải có trí tuệ để suy xét chu đáo, cẩn trọng xem thử có thật sự lợi lạc cho phần đông hay không.

Theo pháp

Trong đoạn trước tôi đã nói: Pháp là một cái cân hay là sự công bình, chỉ biết lẽ phải; và pháp là nguyên nhân của chánh lý, xét về mặt đời. Theo pháp có thể nói là theo lẽ phải, theo chánh nghĩa, theo luật công bình.

Về quan điểm của Phật giáo, theo pháp là sửa chữa bản thân mình cho tốt hơn, thường là thọ trì ngũ giới hay bát quan trai giới, đi chùa nghe pháp, tụng kinh, niệm Phật; và nếu có thể, xuất gia làm sa-di hay tỳ-khưu để gieo duyên, hy vọng sau này được thành tựu chánh trí, giải thoát.

+ Hành theo pháp Phật có thể chia ra làm 3 hạng:

1. Pathamacariyā: Hành theo bậc sơ cấp, là thọ ngũ giới, hay bát quan trai giới, giữ thập thiện, lễ Phật mỗi ngày, vào chùa học giáo pháp.

2. Majjhimacariyā: Hành theo bậc trung, là học tham thiền theo phương pháp chỉ tịnh.

3. Uttamacariyā: Hành theo bậc thượng, là học tham thiền theo phương pháp minh sát tuệ [7].

+ Hành theo bậc sơ cấp là dạy thân:

a. Thân không sát sanh: Giới sát sanh của Phật dạy là không giết con vật nào có sự sống, bỏ cả khí giới trong tay; nghĩa là không bao giờ trên tay cầm khí giới, phải biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi – như người kinh sợ rắn độc vậy. Ngoài ra, còn phải hết lòng từ ái giúp đỡ mọi người xung quanh mình nữa.

b. Không trộm cắp: Không lấy cắp bất kỳ vật gì của ai, dầu là cây kim, ngọn cỏ. Đây là nhằm ngăn chận lòng tham lam.

c. Không tà dâm: Tức là tránh xa hai mươi hạng người nữ như đã có giải trong hạnh phúc IX. Đây là nhân chận đứng lòng dâm dục.

+ Hành theo bậc sơ cấp về khẩu:

a. Không nói dối: Người không nói dối, đứng trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào cũng giữ được phong độ của người chân thật, thà chết chớ không bao giờ nói dối, mặc dầu người ta có cho gì cũng không màng.

b. Không nói đâm thọc: Nghĩa là không thiên về một bên nào đó, không đem chuyện mình đã nghe mà thuật lại, rồi thêm thắt cho người thứ nhì nghe, cố ý ly gián hoặc làm cho hai bên hiểu lầm nhau.

c. Không nói lời hung ác: Nghĩa là một tiếng gì xấu cũng không nói, mặc dầu có một nhóm người thích nói. Quan trọng của giới này là đừng nói lời cay chua, độc địa làm người khác phải khó chịu, đau lòng.

d. Không nói lời vô ích: Là lời nói không đem lợi ích lại cho mình và người bên mình – có tính chất rỗng không, phù phiếm.

+ Hành theo bậc sơ cấp là giữ gìn tâm ý:

a. Không tham lam: Nghĩa là không bao giờ nghĩ tới tài sản của người khác cho là đẹp, là quý rồi muốn đem về cho mình. Người tu hành chân chánh, mặc dầu còn nhiều mơ ước, nhiều sở thích cũng ráng đánh đuổi tâm tham ra khỏi lòng mình.

b. Không sân hận để làm hại kẻ khác: Nghĩa là không cột oan trái, oán thù; dầu chỉ mới khởi tâm nghĩ đến oan trái, oán thù cũng ráng diệt bỏ.

c. Không tà kiến: Nghĩa là không nghĩ sai lầm, xấu quấy – rồi còn chấp kiến, cho rằng là đúng, là tốt nữa. Người tà kiến không tin nhân quả, tội phước, thiện ác, đời này, đời kia, thiên đàng, địa ngục, luân hồi tử sanh…

+ Hành theo pháp có được những hạnh phúc:

1. Đại phước.

2. Không dễ duôi.

3. Hành theo chánh pháp.

4. Làm cho Phật giáo được thịnh hành.

5. Được an vui trong đời nầy và vị lai.

6. Không bị khiếp sợ, kinh sợ và không cột oan trái, oán thù với mọi người.

7. Không làm cho chúng sanh khác kinh hãi, khiếp sợ.

8. Đi theo con đường của các bậc trí thức.

9. Xa kẻ thù bên ngoài là người ác, và kẻ thù bên trong là phiền não.

10. Tự tạo ra thiên đàng và Niết-bàn cho mình.

+ Đây xin nhắc lại một tích để quý vị dễ nhận thức:

“- Khi đại đức Millaka chưa xuất gia, ông là một người thợ săn rất giỏi, mỗi ngày giết rất nhiều thú. Ngày nọ ăn cơm xong không có nước uống, ông mới đi tới tư thất của một vị đại đức ở trong rừng tìm nước uống. Khi dở nắp hũ nước ra thấy không có nước, ông ta nổi giận nói: “Thầy tỳ-khưu ăn cơm của tín đồ xong, lo tìm chỗ ngủ, nước để uống mà cũng không có một nhiểu để làm thuốc, thật là tệ”.

Vị đại đức nghe vậy, lấy làm lạ, nghĩ rằng: “Ta đã múc nước đầy rồi, tại sao người nầy lại nói không có?!” Ngài đến chỗ hủ nước xem coi, thấy nước vẫn còn đầy, mới lấy gáo múc cho ông thợ săn. Ông ta uống no nê. Khi uống xong ông ta suy nghĩ: “Kiếp sau của ta sẽ ra sao kìa? Ta làm nhiều tội lỗi đến đỗi hũ nước đầy mà ta cũng không trông thấy”.

Ông chán vì tội của mình đã làm nên xin xuất gia. Sau khi xuất gia xong, dầu hết sức hành đạo, nhưng ông không bao giờ an trú tâm được. Vì hễ tham thiền thì trông thấy những con thú bị ông giết bằng cách nầy, cách nọ, thật là ghê sợ. Ông cảm thấy ông không thể hành đạo được, mà ở ăn của tín đồ càng thêm tội, nên ông bèn xin với thầy thế độ cho ông được hoàn tục.

Thầy thế độ bèn dùng phương tiện, dạy rằng: “Được, nhưng trước khi hoàn tục, ông vào rừng, mang đến đây một đống cây tươi!” Lúc đại đức Millaka làm xong, ngài dạy tiếp: “Hãy dùng lửa, đốt cháy đống cây ấy giúp ta!”Ông ráng làm nhưng không thể nào đốt cây tươi cháy được.

Thầy thế độ thấy vậy mới nói: “Ngươi để đó cho ta”. Rồi ngài dùng thần thông, lấy một đốm lửa bằng con đom đóm để vào đống cây tươi ấy, trong nháy mắt, nó phựt cháy, cháy xong, đống cây tươi chỉ còn tàn tro mà thôi. Thầy thế độ nói tiếp: “Ta chỉ mượn một tí lửa ở địa ngục mà nó đã có công năng kinh khiếp như vậy đấy! Tội ác giết thú trong quá khứ của ông, hằng trăm địa ngục cũng không chứa chất nổi. Vậy, hoàn tục hay nhất tâm tu hành để thoát khỏi lửa địa ngục đốt cháy là tùy ở ông, quyền tự do chọn lựa của ông vậy!”

Khi vị đại đức sơ tu biết đó là lửa địa ngục, rất lấy làm kinh sợ, không dám hoàn tục nữa, ông quỳ xuống bên chân thầy, nguyện tu hành kiên trì và tinh tấn hơn nữa!

Từ ngày ấy, vị đại đức ráng hết sức tu hành không hề xao lãng. Khi nào tham thiền mà buồn ngủ thì ông lấy khăn nhúng nước bịt đầu, còn chơn thì ngâm trong nước.

Ngày nọ, ông đổ nước vào lu xong, còn cái bình nước, ông để trên vế; những giọt nước còn dư, nhễu xuống. Thầy thế độ thấy vậy mới dạy rằng: “Bình nước đã đổ ra hết nhưng vẫn còn nước dư; cũng vậy, lúc hành thiền, tâm yên lặng, những ác pháp, ác niệm tuy tạm thời lắng dứt nhưng đừng tưởng là hết phiền não, chúng sẽ còn rỉ chảy ra đấy! Phải tinh tấn nhiếp niệm, an trú tĩnh chỉ nhiều và sâu hơn thế nữa, sau đó mới thực hành thánh pháp, tuệ minh, đi vào các đạo lộ”.

Thời gian sau, nhờ giới hạnh trong sạch, nhờ tinh tấn kiên trì, vị đại đức đạt được những tầng định thâm sâu; dùng tuệ minh quan sát, thấy được tam tướng, ông đắc A-na-hàm quả”.

Câu chuyện nầy cho quý vị thấy, mặc dầu người đã làm tội nặng, sau biết ăn năn, lo tu hành tinh tấn thì cũng đắc đạo quả – trừ phi người phạm vào ngũ nghịch đại tội thì không thể đắc thiền, đắc quả.

HẠNH PHÚC XVII

Ñātisagaho: Giúp đỡ quyến thuộc

Ñāti [8] nghĩa là quyến thuộc, hạnh phúc này xin chia ra làm 3 phần:

1. Quyến thuộc là gì?

2. Sự giúp đỡ quyến thuộc như thế nào?

3. Hạnh phúc sanh lên là do sự giúp đỡ quyến thuộc như thế nào?

(1) Quyến thuộc là gì?

Cha mẹ, vợ, con là ba hạng người thân nhau nhứt và gần nhau hơn hết, nhưng không gọi là quyến thuộc, không thể gọi là bà con được, vì nó có tình nghĩa sâu nặng hơn quyến thuộc. Có một giới hạn riêng về các loại tình cảm này.

+ Quyến thuộc, có thể nói là có hai hạng:

a. Quyến thuộc là những người cùng một dòng huyết thống, tông tộc.

b. Quyến thuộc là những người cùng theo một tôn giáo – theo nghĩa rộng.

Đức Phật đã dạy sự tiếp độ quyến thuộc là một hạnh phúc. Tuy nhiên, ta phải biết phương pháp giúp đỡ, chẳng nên giúp đỡ mà thiếu suy nghĩ hay vì lòng tự ái của mình. Đức Phật giáo giới là giúp đỡ quyến thuộc, nhưng ta phải biết rõ điều lợi hại cho mình và cho quyến thuộc của mình, chớ đừng làm một cách thiếu suy nghĩ.

+ Đức Phật đã từng thực hành ba điều:

1. Lokatthacariyā: Giúp đỡ người đời.

2. Ñātatthacariyā: Giúp đỡ quyến thuộc

3. Buddhatthacariyā: Giúp đỡ Phật tử.

Đức Thế Tôn giúp người đời bằng cách dạy người đời phải giúp đỡ nhau, thương yêu nhau và đừng làm điều gì oan trái, oán thù mà hại nhau, hãy xem nhau như quyến thuộc, không nên phân biệt giai cấp và chủng tộc.

Ngài giúp đỡ Phật tử bằng cách dạy họ phải hành đúng theo con đường thuận thứ: Cõi người, trời rồi mới đi đến nơi giải thoát, chấm dứt khổ đau. Lắm khi đức Phật đến thăm các vị tỳ-khưu bị bịnh – như chính tay ngài tắm rửa săn sóc vị đại đức tên là Grinanda. Ngài đi hóa độ những người hữu duyên – như tên sát nhân hung tàn nhứt trong thời đó, là Vô Não; y đã xách gươm rượt Phật cả 3 do tuần – mỗi do tuần 16 cây số ngàn – vẫn được ngài hóa độ trở nên một vị A-la-hán.

Còn đối với quyến thuộc, sau khi xuất gia, ngài không còn lưu luyến và cũng chẳng màng gì đến sự giúp đỡ của quyến thuộc, vì ngài đã thoát vòng của thế tục. Nhưng đức Phật cũng không bỏ quyến thuộc, khi biết hai họ – Koliya là họ mẹ và Sākya là họ cha – vì giành lấy dòng nước mà đem binh ra đánh nhau; ngài đã ngự đến thuyết pháp, khuyên hai họ bỏ chuyện hận thù gươm giáo. Lần khác, biết rằng thái tử Vi ū abha sẽ đem binh về tiêu diệt giòng Thích-ca, đức Phật mới ngự đi ngăn cản ba lần; đến lần thứ tư, ngài không ngăn cản nữa vì biết rằng oan trái của hai bên rất nặng, cái nghiệp dữ đã đến với họ.

Nếu có người hỏi: Đã nói rằng, Phật là đấng thông hiểu cả mọi việc, vậy ngài đã biết là không thể ngăn cản được, tại sao phải mất công đi ngăn chặn tới 3 lần? Dĩ nhiên, đức Phật biết rõ như thế, nhưng ngài phải để lại một tấm gương, một bài học là lo cho quyến thuộc, ngăn ngừa tai họa cho quyến thuộc hết mình. Bài học thứ hai là không ai có thể tránh khỏi quả dữ của nghiệp khi nghiệp ấy đến thời trổ quả – dù năng lực thần thông siêu nhiên của đức Chánh Đẳng Giác cũng phải bất lực, bó tay! Mỗi người hãy tự cứu mình!

Khi ta suy nghĩ kỹ lại, thì sự giúp đỡ quyến thuộc của đức Phật trong trường hợp này hàm tàng nhiều ý nghĩa, nhưng nổi bật là: Ngài giúp quyến thuộc là một chuyện và cái nghiệp của quyến thuộc lại là chuyện khác.

+ Theo Phật giáo, có 4 cách giúp đỡ quyến thuộc rất hiệu quả sau đây:

1. Dāna: Giúp đỡ vật chất như tiền của, cơm nước, y phục, thuốc men, nhà cửa; không để cho quyến thuộc phải cực khổ vì thiếu thốn trong mọi nhu cầu sinh hoạt.

2. Piyavācā: Lời nói êm dịu, thương mến, hòa nhã. Ý nói khi nào mình giàu sang, có quyền chức, đối với quyến thuộc, phải một mực thương yêu, không vì lẽ có quyền chức giàu sang mà khinh khi quyến thuộc, nói lời bất nhã.

3. Atthacariyā: Ráng giúp đỡ quyến thuộc được nhiều lợi ích hợp pháp, đúng đắn, chơn chính… Ý muốn nói, khi quyến thuộc gặp tai nạn, ta nên giúp của cải, nhu cầu tùy theo sức mình – nhưng sự giúp đỡ ấy không có hại cho mình mà quyến thuộc thì được lợi lạc, an vui thật sự.

4. Samatta: Chữ Pāḷi này, danh từ có nghĩa là sự bình đẳng, bằng nhau; tính từ có nghĩa là đầy đủ, trọn vẹn. Nhưng theo văn cảnh thì có nghĩa là phải biết kính trọng bậc trưởng thượng, thương yêu người nhỏ, nể nang người ngang hàng với mình, không hống hách hay khi dể, coi thường quyến thuộc.

Tóm lại, theo đức Phật dạy, có hai cách giúp đỡ quyến thuộc sau đây:

– Amisasagaha: Giúp đỡ tài chánh, vật chất.

– Dhammasagaha: Giúp đỡ bằng cách khuyên lơn quyến thuộc bỏ dữ về lành, tu hành theo chánh pháp để an vui và hạnh phúc nhiều đời, sau đó là chấm dứt luân hồi khổ.

+ Giúp đỡ quyến thuộc sẽ hoạch đắc những điều hạnh phúc như sau:

1. Đại phước cho mình.

2. Quyến thuộc nhớ đến mình luôn luôn.

3. Càng ngày càng gần gũi với quyến thuộc.

4. Quyến thuộc kính mến.

5. Quyến thuộc càng ngày càng đoàn kết chặt chẽ.

6. Sự thương yêu lẫn nhau càng ngày càng gia tăng.

7. Đó là pháp cao thượng trong Phật pháp.

8. Đó là việc làm của các bậc trí thức

9. Đó là gương mẫu cho kẻ hậu sanh.

10. Là con đường đi của các bậc trí thức.

11. Là con đường đi đến thiên đàng.

12. Không còn oan trái và kinh sợ.

13. Lợi ích cho mình trong kiếp này và vị lai.

14. Là duyên đưa đi đến an lạc.

15. Cũng là nhân duyên cho con đường Niết-bàn về sau.

Tích xưa về sự bảo vệ quyến thuộc

“- Thời quá khứ, đức Bồ Tát sanh làm chó Chúa ở ven rừng gần thành Bārā asī.

Ngày nọ, đức vua Bārā asī ngự xem vườn thượng uyển bằng xe ngựa. Tối về, người xa phu để xe ở trước sân mà quên cất yên ngựa và các đồ đai da phụ tùng. Đêm ấy trời mưa to, những con chó săn của vua ở trong cung mới cắn đứt và ăn hết tất cả các đồ đai da phụ tùng ấy. Sáng ngày, người xa phu thấy vậy lấy làm kinh sợ, mới vào tâu với vua rồi đổ tội cho những con chó ngoài thành lén vào và làm việc tày trời ấy. Đức vua cả giận, không truy hỏi nguồn cơn, truyền lệnh cho quân lính lùng sục khắp nơi – hễ thấy chó là giết, bất kể chó ấy của ai, ở đâu.

Chó Chúa lúc ấy ở ven rừng, cai quản một đoàn chó mấy ngàn con – thấy quyến thuộc của mình bị thảm sát, bị giết một cách tàn ác và đã chết rất nhiều, mới nghĩ rằng: “Ta phải làm sao để cứu giúp quyến thuộc thoát khỏi tai nạn này”. Rồi chó Chúa phát nguyện pháp ba-la-mật, cầu xin phước báu để vượt qua vòng cương tỏa của quân binh ở các cổng thành. Phát nguyện xong, khởi năng lực của tâm từ, chó Chúa liền chạy một mạch đến vương cung vào gặp vua mà không bị ai phát hiện. Trông thấy chó Chúa – do phước tướng cao sang, uy nghi và năng lực của tâm từ – đức vua liền phát sanh thiện cảm, nên không cho ai đụng đến chó rồi phán hỏi lý do.

Chó chúa kính cẩn quỳ xuống, lễ phép thưa:

– Tâu Đại vương! Có phải ngài đã ra lịnh tru diệt hết tất cả loài chó trong quốc độ không?

Đức vua đáp:

– Phải, ta có ra lịnh ấy, vì tội của chúng là dám vào hoàng cung cắn xé và nhai nuốt toàn bộ yên cương, đai da trang điểm quý báu của ta!

Chó Chúa tâu:

– Bạch Đại vương! Thật sự là ngài có thấy rõ, biết rõ những con chó nào đã ăn những đồ vật ấy chăng?

Đức vua đáp:

– Không, ta chỉ nghe tên xa phu nói lại!

Chó Chúa hỏi tiếp:

– Vậy, xin thưa, người xa phu ấy chắc là đã tận mắt mình thấy, mình biết – phải thế không, Đại vương?

Đức vua trầm ngâm:

– Đêm ấy mưa to gió lớn nên có lẽ y chỉ suy luận, phỏng đoán mà thôi!

Đến ngang đây, chó Chúa chợt cất giọng uy nghiêm như một vị quan tòa:

– Là một bậc nhân chủ, là một vị minh quân – lẽ nào khi chưa thấy rõ, biết rõ, lại dựa trên sự phỏng đoán, suy luận của một người xa phu – mà đại vương lại ra nghiêm lệnh giết tất cả loài chó trong thiên hạ? Hành động ấy là chơn chánh hay không chơn chánh? Là công lý hay không phải công lý? Là đúng pháp hay không đúng pháp, tâu Đại vương!

Đức vua sợ hãi, trán toát mồ hôi, không thốt được một lời trước những câu hỏi nghiêm khắc, nặng tợ ngàn cân ấy!

Chưa thôi, chó Chúa buộc tội tiếp:

– Như thế, chứng tỏ đại vương chưa có đủ 10 vương pháp trị dân – lại còn rơi vào bốn pháp thiên vị rất nguy hiểm nữa – ấy là thiên vị vì thương, thiên vị vì giận, thiên vị vì si mê, thiên vị vì sợ hãi. Nếu 10 vương pháp trị quốc mà không đầy đủ hoặc khiếm khuyết thì kỹ cương, triều chính sẽ không ổn định, muôn dân theo đó sẽ lầm than, đau khổ. Còn nếu theo 4 pháp thiên vị mà hành động – thì chính đức vua sẽ rơi đọa vào các cảnh giới ác đạo, tối tăm và đau khổ, nhà vua có biết chăng?

Đức vua toát mồ hôi lạnh. Sau đó cảm thấy mình học được bài học ngàn vàng về phép trị nước, lấy làm hoan hỉ, trong sạch với chó Chúa nên bình tĩnh hỏi rằng:

– Này vị trí thức! Thế ngài có biết chó nào đã cắn và đã nhai nuốt yên cương, đai da phụ tùng ấy không?

– Tâu Đại vương! Sự thật thì chó ngoài thành không thể vào trong cung nội – ngày đêm được canh phòng cẩn mật – để ăn những vật dụng ấy. Thủ phạm chính là những con chó săn của bệ hạ. Nếu Hoàng thượng còn nghi ngờ, xin lấy mỡ rồi đâm cỏ may trộn vào cho chó trong cung ăn thì chúng sẽ mửa ra lập tức đồ bằng da ấy. Tại sao vậy, vì những đai da được trui thuộc công phu, kỹ càng, ở trong bụng chó 5, 7 ngày vẫn chưa tiêu hóa được!

Đức vua lập tức truyền cho thị thần làm y như lời thì rõ ra chó trong cung nội đã ăn những đai da ấy.

Đức vua xiết bao cảm kích, mời chó ngồi lên trên ghế và cúng dường như một nhà sư.

Chó Chúa mới thuyết rằng:

– Tâu Đại vương! Xin ngài hãy hành theo thập thiện và phụng dưỡng mẹ cha, làm như thế mới gọi là cao thượng.

Sau đó, chó Chúa mới khuyến khích đức vua thọ trì ngũ giới. Xong, chó chúa về rừng. Nhà vua truyền ân xá tội cho chó. Và từ ngày ấy đức vua lo hành theo ngũ giới, thập thiện, cai trị quốc độ bằng 10 vương pháp”.

Tích này ngụ ý khuyên ta nên giúp đỡ quyến thuộc lúc lâm nguy, nên hy sinh và bất cứ giờ phút nào ta có thể giúp được, nên giúp liền. Đó là con đường đi của các bậc trí thức.

HẠNH PHÚC XVIII

Anavajjānikammāni: Nết hạnh làm những việc vô tội

(Giữ chánh mạng trong đời)[9]

Khả năng của người làm việc có thể chia làm 2 phần là:

1. Người làm việc được.

2. Người làm việc được kết quả mỹ mãn.

Pháp hạnh phúc thứ X dạy làm việc không nên bỏ dở, nghĩa là làm việc gì cũng phải cho đến chốn đến nơi. Hạnh phúc thứ XVIII này lại dạy ta về làm những việc vô tội.

Theo quan niệm thông thường thì người nào làm được việc thì gọi là hay, là giỏi. Người ta thường khen ngợi những người làm được việc như vậy, nhưng không chịu xét đến tính cách và hậu quả của việc ấy, nó tốt hay nó xấu – tức là tính chất đạo đức của công việc! Chính tính chất tốt xấu, đạo đức của công việc mới nói lên giá trị của việc làm – phải biết dựa theo tiêu chuẩn đức lý ngàn đời của Phật giáo, chiếu theo hạnh phúc thứ XVIII.

Trong hạnh phúc XVIII này, đức Phật dạy: Làm việc chân chánh là làm việc hoàn toàn vô tội. Việc làm vô tội nơi đây chia ra làm hai phần: Việc làm và người làm việc.

+ Phật dạy có 3 việc làm vô tội:

1. Việc làm do thân.

2. Việc làm do khẩu.

3. Việc làm do ý.

Tóm lại là làm, nói và suy nghĩ đều phải là vô tội.

Việc làm do thân là việc làm nặng nề. Những việc ấy phải là việc vô tội: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm…

Việc làm do khẩu là dạy học, hay giảng đạo cho người nghe, tuyệt đối không cho phạm vào giới nói dối.

Việc làm do ý là suy nghĩ điều thiện như học tham thiền và đánh đuổi ý ác như cột oan trái oán thù…

Quí vị đạo hữu có nhiều tuổi, không còn làm việc nặng nề và không dạy học hay diễn thuyết về Phật pháp, quý vị phải làm những gì? Thiết tưởng quý vị nên học tham thiền và quan sát tâm, không cho tham luyến thái quá vào việc đời để vun đắp con đường vị lai.

Tuy nhiên việc làm bằng tâm như thế chẳng phải riêng để cho quý vị lớn tuổi mà cho tất cả các hạng người trong thế gian, phương pháp này là phương pháp làm cho tâm mình được yên tịnh và đi theo chánh đạo.

Việc làm vô tội

Việc làm thế nào gọi là việc làm vô tội ?

Việc làm vô tội là việc làm theo đúng lời Phật dạy. Theo quan niệm ở đời thì việc làm có tội là việc gì chính phủ đã ra điều luật ngăn cấm mà ta còn phạm vào là tội. Có vị học theo tạng Abhidhamma lại dạy rằng, điều nào ta làm dẫu hợp với chánh pháp như bố thí, trì giới hay tham thiền, mà lòng mình còn mong mỏi sanh trong vòng tam giới thì cũng gọi là có tội! Tại sao vậy? Vì tất thảy mọi phước hữu lậu (vattagāminikusala) đều là phước dẫn chúng sanh đi vào luân hồi trong sanh tử. Do thế, điều ta làm mặc dầu là thiện, nhưng vì còn muốn sanh trong tam giới, thế là vẫn còn đeo mang trầm luân, là việc làm có tội – theo nghĩa rốt ráo.

Có vị lại dạy: Việc làm vô tội là phải hành theo minh sát tuệ.

Hai định nghĩa trên đây về giáo lý rất đúng; nhưng rất tiếc, vì thật là khó, không đem ra thực hành được. Đây tôi xin ví dụ. Có người đi đường buổi trưa nóng bức, khát nước, múc nước vũng bên đường uống. Nếu y múc nước phớt trên, thì bị rong bèo trên mặt nước, còn múc xuống quá sâu thì bị nhằm bùn, bề nào cũng uống không được.

Muốn có nước uống được thì y phải lấy tay khỏa rong rêu đi và múc nhè nhẹ. Người học pháp này rồi hành theo pháp ấy, cũng vậy, nếu hiểu một cách nông cạn, thì không được chu đáo, làm sao hành được. Còn bằng nghĩ cao sâu quá, cũng khó mà hành theo, vì lắm khi pháp ấy không phù hợp với trường hợp của mình đang hành. Vì vậy pháp sư cũng như người hành đạo đều phải biết pháp nào thích hợp với hoàn cảnh, mới có thể hành theo được.

Phạn ngữ vajja nghĩa là tội lỗi. Nhưng tội lỗi đây không phải là tội lỗi đối với chính phủ khiến bị phạt, bị tù hay bị cách chức. Vajja còn có nghĩa là bị la rầy, bị chỉ trích, bị phê bình. Vì quan niệm khác biệt như vậy, nên chư đại đức thường bị người đời chỉ trích theo quan niệm đời. Thường thì người đời thấy việc nào đó và xem là có tội, nhưng chư đại đức thì không thấy như thế. Đúng vậy, cái tội mà người đời thấy, được gọi là lokavajja, tội đối với đời. Ví dụ xưa kia, không có xe hơi nên luật Phật không có giới điều cấm xe hơi. Tuy nhiên, hiện nay, nếu có vị đại đức nào lái xe, chắc chắn sẽ bị người đời chỉ trích, vì người ta chấp rằng chư đại đức là bậc không có gì hơn là ba y che thân và bình bát để xin ăn thôi.

Đức Phật không dạy riêng cho người tại gia hay xuất gia mà dạy chung cho hàng Phật tử nên thận trọng trong những việc mình làm – đừng để bị phê bình hay chỉ trích (vajjakamma).

Tránh khỏi sự phê bình hay chỉ trích ấy, chính là những việc làm vô tội vậy. Những việc làm vô tội hay là những việc làm khỏi bị phê bình, chỉ trích theo Phật dạy: Là những việc làm trong sạch đúng theo chánh pháp, không làm hại mình, không làm hại kẻ khác; đừng vì lợi mình mà hại kẻ khác, hoặc hại mình mà lợi kẻ khác, không có oan trái, oán thù, ganh tỵ.

Những việc làm vô tội ở đời là những việc làm của người đời, như làm ruộng, làm vườn, mua bán, làm công… những việc làm ấy không phạm pháp luật quốc gia, cũng không phạm đạo đức, luân lý chung chung…

Còn những việc làm vô tội theo lý đạo là những việc làm lành, lánh dữ để đem đến hạnh phúc và an vui cho mình trong hiện tại và vị lai; nói cách khác là phải tạo những phước báu như:

1. Phước báu thiện sanh vào cõi dục giới. Nghĩa là phước thiện này còn lẫn phiền não – nên sau khi quá vãng được sanh lại làm người phú quý hoặc hóa sanh vào sáu cõi trời dục giới – phước này do bố thí, trì giới mà có.

2. Phước báu thiện sanh vào cõi sắc. Nghĩa là phước này hóa sanh vào cõi phạm thiên hữu sắc. Ở cõi trời này không có dục tính, không có nữ giới, không có vợ như cõi dục; người được sinh vào cõi này là nhờ đắc được từ sơ thiền đến tứ thiền.

3. Phước báu thiện sanh vào cõi trời vô sắc. Nghĩa là người đắc được thiền vô sắc nên được sanh vào các cõi trời vô sắc. Cõi này không có thân xác, không có sắc, chỉ còn sự vận hành của tứ danh uẩn (thọ, tưởng, hành, thức) mà thôi. Cõi này chỉ thọ hưởng hạnh phúc vi tế của thiền định, cụ thể là nhất tâm và xả.

4. Phước thắng sanh vào thánh vức. Nghĩa là người đã diệt được lần lượt mọi phiền não trong tâm(tức 10 kiết sử), sau khi quá vãng, được vào tứ đạo quả và Niết-bàn.

+ Sau đây là những việc làm vô tội theo giáo pháp: Thọ trì bát quan trai giới.

Thọ bát quan trai giới được gọi là những việc làm vô tội. Bát quan trai giới làm cho tâm người được lắng sạch những phiền não ở bên trong và đánh đuổi, ngừa đón những phiền não ở bên ngoài, không cho nhập vào tâm.

Tám điều học ấy là:

– Không sát sanh.

– Không trộm cướp.

– Không thông dâm.

– Không nói dối.

– Không uống rượu và các chất say.

– Không ăn sái giờ.

– Không múa hát, xem múa hát; trang điểm nhẫn, xuyến, vòng bằng vàng, bạc, ngọc, kim cương; dùng nước hoa, nhồi phấn, thoa son.

– Không nằm ngồi nơi cao sang, xinh đẹp.

Trong 8 giới điều kể trên, từ điều 1 đến điều 5 là giống như người thọ trì ngũ giới, chỉ khác chỗ thông dâm và tà dâm. Giới tà dâm là không cho tư tình với vợ con kẻ khác, còn giới thông dâm thì, trong ngày bát quan trai giới, dầu vợ nhà cũng không được gần.

Về giới thứ 6, theo nguyên văn của phạn ngữ, không ăn sái giờ là khi bóng đã xế qua một sợi tóc, cũng không ăn gì nữa. Nghĩa là chỉ ăn được từ khi mặt trời mọc cho tới khi đứng bóng. Đức Phật dùng bóng mặt trời làm tiêu chuẩn chớ không cần giờ. Vì đức Phật biết rằng mỗi nơi giờ khắc khác nhau, thì khó cho chư tỳ-khưu theo, nên dùng mặt trời để cho chư tăng sau này làm tiêu chuẩn. Giới này dạy giảm bớt sự ăn để người tu hành bớt bận rộn về ăn uống, có dư thì giờ để niệm Phật, tham thiền. Giới này còn làm cho chúng ta biết thiểu dục, tri túc. Vì miếng ăn mà chúng sanh làm thêm nhiều tội lỗi. Người không ăn cơm chiều, trước chưa quen, thấy khó chịu; sau dần thấy quen, thấy trong người dễ chịu và nhẹ nhàng; lại sinh ra ngủ ít, nhờ vậy mà có thể tham thiền dễ dàng.

Về giới thứ 7: Múa hát, xem múa hát… Đức Phật muốn kềm hãm lại không cho ham mê theo tiếng hay, vị thơm. Lại còn ngăn ngừa những ai vì luyến ái cái thân này, sợ mình già, lo tìm cách che lấp cái già, tô phấn, thoa son để giấu nét nhăn, nhuộm tóc đen lại để che tóc bạc… Không trang điểm thân này bằng vàng, bạc là để xa lần sự luyến ái xác thân, và nhờ vậy, ta mới có thể tu tập thiền định hay hành minh sát tuệ được.

Giới thứ 8: Không nằm ngồi nơi cao sang, xinh đẹp, cốt là để trừ những phiền não phát sanh do ham mê nơi chỗ xúc chạm tốt đẹp, mềm dịu. Khi đã lỡ quen chỗ nằm ngồi mịn màng, cao sang rồi, gặp nơi khác, chỗ khác như gỗ cây, giường ván chẳng hạn, phiền não sẽ sanh lên làm cho tâm bị nhơ đục.

+ Bát quan trai có ba cách khác nhau:

1. Pakati uposatha: Nghĩa là bát quan trai giới thường. Bát quan trai giới này thọ trì một ngày đêm. Mỗi tháng có 8 ngày là mùng 5, 8, 14, 15, 20, 23, 29, 30 (tháng thiếu thọ ngày 28, 29). Người ta có thể thọ đủ tám ngày, hay là 4 ngày, 2 ngày tùy theo sức mình, không ai bắt buộc.

2. Pa ijāgara [10]uposatha: Nghĩa là bát quan trai giới theo trật tự, theo đây thì trước ngày chánh của bát quan trai giới một ngày, phải nhớ sửa mình trong ngày ấy, rồi ngày sau là ngày chánh – nên tạm gọi đây là bát quan trai giới thọ ngày rước và đưa. Bát quan trai giới này trong mỗi tháng có 12 ngày 1, 4, 6, 7, 9, 13, 16, 19, 21, 22, 24, 28, (tháng thiếu thì ngày 27). Bát quan trai nầy nếu người thọ đủ mỗi tháng phải thọ 20 ngày (Muốn hiểu rõ xin xem nhựt hành của Ngài Hộ Tông).

3. Pa ihāriya uposatha: Nghĩa là bát quan trai giới thọ trì từ ngày 16 tháng 6 tới ngày 15 tháng 9, nghĩa là thọ theo ba tháng hạ của chư đại đức tỳ-khưu.

Trong bộ chú giải của bài kinh Uposatha có dạy: Người muốn thọ bát quan trai cho trong sạch, thì trước ngày thọ phải chín chắn trong một ngày đêm không nói tới gạo trắng, gạo đen, cơm khô, cơm nhão; nói tóm lại, chuyện gì ngoài kinh luật nhà Phật, tuyệt nhiên không nói đến.

Chúng ta không nên thọ bát quan trai như người chăn bò, sáng ngày đến lãnh bò lùa ra đồng bỏ đó, mặc kệ bò đói hay no cũng chẳng cần, miễn là chiều đem về giao đủ cho chủ thôi. Người thọ bát quan trai, sáng ra đến thọ trì giới cùng nhà sư, khi thọ xong, về nhà không nghĩ gì với giới cả, chỉ thọ cho có chừng, được phước chút nào hay chút ấy thôi, cả ngày lẫn đêm không có niệm tưởng đến vô thường, khổ não, vô ngã. Người thọ giới như thế gọi là bát quan trai như người chăn bò.

Cũng trong bài kinh Uposatha, đức Phật còn dạy rằng: Nếu có nhà vua ngự trị trên 16 nước lớn trong cõi Diêm-phù-đề này có cả 7 thứ châu báu; và là người có quyền uy sang trọng nhất – nhưng cái phước ấy cũng vẫn không bằng 01 phần 16 [11] của công đức thọ bát quan trai giới một ngày và một đêm.

Đây tôi xin nhắc tích chuyện đức vua Udaya để quí vị thấy quả của bát quan trai giới.

“- Trong thời quá khứ, tại xứ Bārā asī, có một ông trưởng giả tên Suciparivā thích làm phước; những người trong gia đình ông, từ vợ con cho đến người ăn kẻ ở, ông đều dạy cho họ thọ trì bát quán trai giới ít lắm một tháng sáu ngày.

Khi ấy, có một người mới đến ở, người ấy làm việc rất siêng năng, không biết rằng tất cả người trong nhà ông đều thọ bát quan trai giới. Ngày nọ nhằm ngày giới, nhân công trong nhà chỉ ăn một buổi thôi. Riêng người làm công mới ấy cứ đi ra đồng làm việc như thường lệ, vì anh không biết. Trong khi ấy những người khác không đi làm, ngồi ở nhà niệm Phật, hoặc quan sát lại cái tâm của mình. Chừng anh đi làm ngoài đồng về, người làm bếp mới dọn cơm ra cho anh ăn.

Anh lấy làm lạ vì mọi khi, giờ này, người trong nhà tụ hội lại ăn uống đông vui, mà bữa nay họ đi đâu mất hết? Anh ta mới hỏi người làm bếp. Người làm bếp đáp: “Những người ấy giữ bát quan trai, nên họ về chỗ nghỉ của họ hết”. Anh ta mới nghĩ rằng: “Ta ở chung với những người có giới hạnh, vậy ta không nên để cho ta thành người không có giới hạnh”. Anh bèn không ăn cơm, vào hầu ông trưởng giả, rồi hỏi rằng: “Thưa ông, nếu tôi phát nguyện thọ bát quan trai giới giờ này, thì tôi có được phước của bát quan trai không?” Vị trưởng giả đáp: “Nếu ngươi thọ từ bây giờ thì chỉ được một nửa ngày phước thôi”. Anh ấy bèn nghĩ rằng: “Dầu phân nửa cũng được, còn hơn không có”. Rồi anh mới xin phát nguyện thọ trì. Sau khi thọ xong về chỗ nghỉ, anh ta quan sát về cái tâm của mình, giữ cái tốt và xa cái xấu – như chủ dạy bảo. Vì cả ngày làm việc vất vả, tối không có ăn gì, đến khuya, anh bị trúng gió độc. Ông trưởng giả đem thuốc và vật thực lại cho anh và bảo rằng, con hãy dùng thuốc và vật thực này đi, kẻo cơ thể không quen, nguy hiểm lắm đó!”

Anh ta thầm nghĩ: “Ta nguyện không phạm giới, khi đã phát nguyện thọ trì”. Anh mới trả lời với vị trưởng giả rằng: “Hãy cho con giữ giới cho được trong sạch, dầu chết con cũng không bỏ cuộc!”

Đến rạng đông, anh không còn sức chịu đựng nổi nên mê man. Người nhà mới cho rằng anh sắp chết, nên khiêng ra để ngoài hiên, vì người thời ấy không để người chết trong nhà.

Ngày ấy, đức vua Bārā asī ngự đi quanh thành để xem sự sinh sống của nhân dân. Anh làm công ấy trông thấy sự sang trọng của nhà vua, liền thầm ước muốn được như vua. Anh chết liền trong khi mơ ước như vậy, anh được sanh vào lòng hoàng hậu của đức vua – do nhờ phước quả của bát quan trai giới. Sau khi anh được sanh ra, đức vua đặt tên anh là Udaya. Khi được nối ngôi của vua cha, Udaya nhớ kiếp trước nên ráng lo tu hành tinh tấn hơn nữa”.

Khi đức Thế Tôn kể câu huyện này xong, ngài mới dạy rằng: “Này các thầy tỳ-khưu! Một khi người đã thọ bát quan trai giới, thì gọi là làm những việc lành như các bậc trí thức xưa kia đã được hưởng quả cao quý ấy”.

+ Những việc làm vô tội theo Phật dạy, tổng cộng có 10 điều sau đây:

1. Pakati [12] uposatha: Bát quan trai giới thường, nghĩa là thọ một ngày một đêm thôi.

2. Veyyāvaccakara a : Giúp đỡ nhau theo lẽ đạo.

3. Ārāmarupā: Cất chùa

4. Vanarupā: Trồng cây.

5. Setukara a: Làm cầu.

6. Papa [13]: Đào giếng.

7. Udapāna [14]: Để những chum nước dọc theo đường cho người bộ hành uống.

8. Upasava [15]: Làm những thảo xá dọc theo đường cho người lữ hành có chỗ dừng chân.

9. Dhammattha [16]: Bố thí tham thiền.

10. Sīlasampanna: Có giới hạnh trong sạch.

+ Làm những việc vô tội có những hạnh phúc là:

1. Gọi là người chuẩn bị sẵn sàng trước khi chết.

2. Là đại phúc.

3. Ngăn đường ác đạo.

4. Diệt được phiền não.

5. Là người hộ trì Phật giáo.

6. Là người cúng dường cao quý đến Tam Bảo bằng hành đạo

7. Được hạnh phúc tùy theo ba-la-mật của mình đã làm.

[1] Ghi chú lại cho rõ nghĩa: Cho với tâm yêu thương, mong cho người được hạnh phúc, an vui – là cho với tâm từ. Cho với tâm bi mẫn, xót thương, muốn chia sẻ, an ủi – là cho với tâm bi.

[2] Trong kinh điển, nhiều nhất là trong Túc sanh truyện, hằng trăm câu chuyện về bố thí được làm triệu phú, công chúa, hoàng hậu, hoàng đế, Chuyển luân Thánh vương, các cõi trời – và đấy là ước mơ chung của chúng sanh. Để cho rõ ràng về nhân quả của sự bố thí, tôi sẽ liệt kê ra đây 7 loại bố thí có nhân quả khác nhau – để độc giả cùng tham khảo:

1/- Bố thí mong cầu nhân quả – quả báo tương đương cảnh giới Tứ đại thiên vương.

2/- Bố thí với tâm không mệt mỏi từ thiện xã hội – quả báo tương đương cõi trời Đao Lợi.

3/- Bố thí hiếu danh như đứng giữa ngã tư đường để mọi người đều hay biết – quả báo tương đương cõi trời Dạ Ma.

4/- Bố thí với tâm cúng dường đến Tam Bảo, nghĩ đến Tăng-già, lo cho Tăng-già; và, bố thí với tâm từ, tâm bi đến chúng sanh – quả báo tương đương cõi trời Đẩu Suất.

5/- Bố thí rất nhiều nhưng với tâm hiếu lợi, hiếu danh – quả báo tương đương cõi trời Hóa lạc.

6/- Bố thí không xiết kể, ngoài hiếu lợi, hiếu danh còn ẩn bên sau thủ đoạn và mưu đồ nữa – quả báo tương đương cõi trời Tha hóa tự tại. Vị vua cõi này là Đại ma vương.

7/- Bố thí với tâm không dính mắc, xả ly, giải thoát là sự bố thí của bậc Thánh.

[3] Đã ghi chú là 8 vạn 4 ngàn chi pháp.

[4] 10 hồng danh là gọi quen, viết quen theo truyền thống kinh điển của Trung Quốc sau truyền sang Việt Nam. Riêng truyền thống Nam truyền, đại biểu là Myanmar thì chỉ có 9. Tôi ghi ra đây để độc giả tiện so sánh, nghiên cứu – chứ không muốn nói đâu đúng, đâu sai. 9 hồng danh là: 1)- Araha (A-la-hán); 2)- Sammā Sambuddho (Chánh Biến Tri hay Chánh Đẳng Giác); 3)- Vijjā-carana-sampanno (Minh Hạnh Túc); 4)- Sugato (Thiện Thệ); 5)- Lokavidū (Thế Gian Giải); 6)- Anuttaro Purisadammasārathi (Vô Thượng Điều Ngự Trượng Phu); 7)- Satthādevamanussāna (Thiên Nhân Sư); 8)- Buddho (Phật); 9)- Bhagavā (Thế Tôn).

[5] Tôn trọng cách giải thích riêng của pháp sư.

[6] Chủ, chúa, người thống trị…

[7] Trong bài có phân làm 03 cấp, nhưng chỉ giảng 01 cấp là sơ cấp, không thấy bậc trung và bậc thượng.

[8] Ñātaka: Bà con thân quyến.

[9] Anavajja: Trong sạch, không uế nhiễm. Kamma: Nghề, nghề nuôi mạng. Vậy, Anavajjāni kammāni: Nghề nuôi mạng trong sạch, chơn chánh – tức là tránh xa 5 nghề tà mạng. Đại sư Viên Minh chuyển ý câu này là: Giữ chánh mạng trong đời!

[10] Jāgara: thức tỉnh, minh mẫn…

[11] Đây thường là con số tượng trưng, khái quát của người Ấn xưa, chúng ta thường tìm thấy trong kinh điển – tương tợ 8 vạn 4 ngàn vậy.

[12] Pakati: Tự nhiên, thiên nhiên – ở đây có nghĩa là thông thường.

[13] Danh từ, chỉ có nghĩa là nước, nước uống.

[14] Danh từ, chỉ là cái giếng nước.

[15] Tìm thấy từ tương đương: upassaya – chỗ ở, nơi cư ngụ.

[16] Dhammattha: Sự lợi ích của pháp. Dhamma ha: Người sống với hạnh kiểm chơn chánh.

KỆ NGÔN VI

HẠNH PHÚC XIX

Āratī viratīpāpā: Nết hạnh ghê sợ và tránh xa tội lỗi

(Xả ly tâm niệm ác)[1]

Đức Phật nhận thấy người còn nhiều phiền não thì còn phải sanh trong cõi này, và cần phải có sự tiến hóa về hai phương diện vật chất và tinh thần.

Vì vậy nên đức Thế Tôn mới dạy ta 38 điều hạnh phúc. Trong 33 điều này, từ 1 đến 18, Phật dạy về đời, như xa kẻ ác gần người lành, đối xử với quyến thuộc, phụng dưỡng cha mẹ, tiếp độ vợ con.

Đó là những điều đức Phật dạy đối xử với gia đình và xã hội làm cho ta được an vui trọn kiếp hiện tại.

Từ hạnh phúc XIX (19) trở đi, đức Phật dạy về tâm, hay nói cho dễ nghe, dễ hiểu hơn, là ngài dạy về sự tiến hóa thuộc lãnh vực tinh thần. Vấn đề dạy tâm là vấn đề quan trọng, phương pháp đưa tâm con người tới chỗ cao thượng, đến một mức độ tối cao, vượt qua phiền não tiến đến Niết-bàn – thật không phải đơn giản.

Dĩ nhiên sự cao thấp của tâm không lấy mực thước hay bằng cấp làm tiêu chuẩn thông thường mà đo lường, đối sánh được.

Phật pháp lấy thiện và ác làm tiêu chuẩn, do người hay tâm; hạnh phúc XIX này dạy về sự cao thấp của tâm.

+ Tâm phân ra làm 3 dạng khác nhau:

1. Tâm người nào chán ghét điều ác, quý mến điều thiện gọi là tâm cao thượng hay tâm thiện.

2. Tâm người nào xu hướng theo thời, theo cảnh – nghĩa là ác cũng theo mà thiện cũng mến, là tâm người bậc trung.

3. Tâm của người nào hoàn toàn ghét thiện, ưa ác là tâm người thấp hèn hay gọi là tâm ác.

Thiện và ác là cây thước đo tâm cao thượng hay thấp hèn.

Phạn ngữ của câu hạnh phúc này là āratī-viratī-pāpā cũng có thể nói tóm lại cho gọn: Pāpa-virati,nghĩa là nết hạnh tránh xa tội ác. Ārati nghĩa là không ưa hoặc ghê sợ; virati nghĩa là chừa hay trốn lánh.

Nói về phương pháp sửa trị tâm, đức Thế Tôn dạy hãy tránh xa tội ác, khi nào ta không tránh xa tội ác, thì phương pháp trị sửa tâm sẽ khó có được kết quả, nếu không muốn nói là không thể kết quả được. Tại sao? Vì

khi tâm đang bị nhuộm đen, ta muốn không bị đen, thì phải đem tâm ra khỏi nước nhuộm ấy rồi mới có thể giặt sạch được, khi tâm nhơ nhớp thì nó làm cho thân nhơ nhớp. Vì vậy sự tránh xa tội ác là việc mà các bậc trí thức thường thực hành theo.

+ Muốn dễ hiểu hơn, tôi xin chia hạnh phúc nầy ra làm ba phần để giải:

1. Ý nghĩa của tiếng pāpa: Tội ác.

2. Sự tránh xa tội ác.

3. Hạnh phúc sanh lên vì tránh xa tội ác.

(1)- Pāpa: Tội ác

Tội ác là gì? Tội ác là những điều hung dữ xấu xa, ai ai cũng ghê sợ. Tội làm trái với pháp luật của chính phủ, so với đạo đức nội tâm thì càng trái hơn nhiều. Tâm không trong sạch, xấu xa, thấp hèn, hung ác là tâm tội lỗi. Người nào có tâm tội lỗi, người ấy gọi là người ác, vì tội lỗi làm cho tâm người trở nên nhơ đục. Tâm nhơ đục vì tâm ấy bị các pháp ác ngự trị. Ta có thể nhìn thấy sự biểu hiện bên ngoài trong hành động của người ấy, tuy nhiên, ác hay thiện đều do tâm bên trong sai khiến, điều động.

Người có tội hay không cũng do nơi tâm mà ra, như câu Phật dạy: Attāna akata pamattānāva visujjhati: Người nào không tội người ấy được trong sạch. Kẻ nào làm tội kẻ ấy bị tội. Như vậy còn có nghĩa là: Tội mà có, là do ta tạo ra, do phiền não, bên trong chớ không do nơi một nhân nào bên ngoài cả – bên ngoài chỉ là duyên phụ tùy. Sở dĩ có tội là do nơi mình tạo ra cả. Khi thấy đã làm tội rồi, không một ai có thể giảm bớt cho người làm tội hoặc xóa bỏ tội ấy được, đúng như lời Phật dạy: Suddhi asuddhi paccatta : Trong sạch hay nhơ đục là chuyện riêng của một cá nhân.Nāno añña visodhaye: Người này không có thể làm cho kẻ khác trong sạch được. Lại còn có câu: Natthapāpa agabbato: Tội không có đến với người vô tội.

* Tội ở nơi nào?

Như đã giải, tội làm cho lòng mình bực tức, nóng nảy, lo sợ. Khi làm việc có tội là ta đã đánh mất sự yên ổn và thanh bình của tâm hồn.

Đã biết rằng: Tội là nhân làm ta mất sự an vui. Người biết yêu thương bản thân mình, họ rất vui lòng dứt bỏ tội ác để cho tâm đươc thơ thới, an vui. Nhưng có người lại không nghĩ đến điều ấy, cứ mặc kệ tới đâu hay tới đó. Hạng người này cứ để mặc cho phiền não thống trị, họ sống mà dường như không có tâm, lại càng không có trí tuệ; cả đời chỉ biết đáp ứng và thỏa mãn, rốt lại phải chịu khổ báo mà thôi. Họ không tôn trọng giá trị bản thân, cứ để mặc cho nấc thang giá trị làm người của mình càng ngày càng giảm mất. Những người này khó mà chữa trị cho khỏi căn bệnh phiền não, thống khổ được.

Khi người biết sợ tội thì cố nhiên phải ráng diệt trừ tội. Nhưng có vấn đề quan trọng nhất, là người đời thường không thể nhận định được rõ ràng đâu là ác, đâu là thiện thì phải làm sao? Vì lắm điều chư tăng cho là có tội, người đời không nhận đó là tội, lại thấy đó là chuyện vui hay vô tội! Cũng như bác sĩ bảo hút thuốc có hại, nhưng người hút thuốc lại không thấy hại gì, trái lại, còn biện minh rằng, hút thuốc làm cho tâm hồn thơ thới, sảng khoái, dễ chịu…

Trường hợp khác, kẻ trộm, khi trộm được của, họ nghĩ rằng họ không khổ, mà tài gia mới khổ, vì bị mất của. Người trả được thù, họ thấy vui mừng không thấy gì là khổ, mà người bị trả thù mới là người khổ. Vì những quan niệm chủ quan, thiển cận, mê lầm điên đảo như vậy – nên lắm lúc lời dạy của chư tăng không thể làm cho những hạng người ấy hối cãi bỏ dữ về lành được.

Sự thật, tội mà đức Thế Tôn dạy, là sự xấu xa do tham lam, sân hận, si mê trong lòng người, khiến thế gian làm hại lẫn nhau. Muốn biết tội thì chỉ có phương pháp là nên dụng trí tuệ quan sát lòng mình coi có những gì xấu ở trong đó không?

Nguyên nhân sanh ra tội có mười điều ác, đã có giải ở trước rồi, miễn nói ở đây.

(2)- Đây xin giải ba cách xa lánh tội ác:

a- Sampattivirati: Nghĩa là xa lánh tội ác nhất thời, ý nói một người không biết tu hành, nghĩa là người ấy không phải là tín đồ một tôn giáo nào, nhưng lúc gặp trường hợp có thể làm nên tội được, nhưng họ không làm. Tôi xin đem lại một ví dụ của ông Cakkana khi còn nhỏ, chưa quy y Tam Bảo và chưa biết tu là gì, nhưng đã cương quyết không làm tội.

“- Khi ông Cakkana còn nhỏ chưa biết gì về đạo đức. Ngày nọ mẹ ông đau, lương y bảo là phải cần có máu thỏ tươi mới làm thuốc cứu mẹ ông được. Ông anh liền sai cậu đi bắt thỏ. Khi cậu bắt được thỏ ôm vào lòng, thấy thỏ run sợ, đôi mắt rất ngây thơ, trong sáng, cậu nghĩ rằng: “Giết một sinh mạng khác vì mẹ ta là một việc không nên làm, vì chúng sanh nào cũng sợ chết và tham sống, mà mình lại toan giết đi một mạng để cứu một mạng”. Cậu liền vuốt ve thỏ và nói rằng: “Thỏ ơi! ta trả tự do cho ngươi, xin ngươi hãy vui vẻ trở về với gia đình!”Rồi cậu trở về nhà, thành thật thuật lại chuyên thả thỏ cho ông anh nghe, không dám giấu diếm. Ông anh nóng giận rầy mắng cậu. Chẳng biết sao, cậu liền vào phòng mẹ ôm chầm lấy mẹ và phát nguyện rằng: “Từ khi sơ sanh đến giờ, tôi không hề cố ý sát sanh, xin nhờ oai đức ấy cầu xin cho mẹ tôi lành bệnh”. Do lời nguyện chân thật và phước báu ấy nên mẹ cậu liền lành bệnh một cách nhiệm mầu!”

Sự tích này cho thấy một trường hợp lánh điều ác, trong khi có thể làm được mà vẫn không làm.

b. Samādānavirati [2]: Nghĩa là xa lánh những việc làm ác mà có phát nguyện trước. Đây là trường hợp của người thiện nam hay tín nữ có phát nguyện thọ trì quy giới với một hay nhiều vị sư. Người ấy có thể chịu chết chớ không để phạm vào điều mình đã thọ trì hay đã phát nguyện giữ như sự tích sau đây:

“- Có ông thiện nam ở tại một ngôi làng gần núi Dantavaddhamanātho, thọ bát quan trai giới từ ngài đại đức Pingalabuddharakkhita tại chùa Ambariya. Sau đó, khi thọ giới xong ông đi cày ruộng. Khi ấy bò đi lạc mất, ông lên núi tìm, vì vô ý ông bị một con trăn to quấn siết. Lúc bấy giờ trên tay ông có cầm một con dao thật bén, ông mới nghĩ rằng: “Một khi ta đã thọ giới với một bậc có đức hạnh thanh cao, ta không nên để giới hạnh ta bị hư hoại”. Nghĩ như thế ba lần, ông mới quyết tâm rằng: “Ta nhất định thà chết còn hơn là phạm giới!” Nói thế xong, ông liệng cây dao đó rất xa, vì ông sợ rằng khi cây dao đó còn trên tay, ông sẽ giết trăn vì tâm ác hoặc vì lòng tham sống. Oai lực của sự hi sinh bản thân mình để giữ giới hạnh cho trong sạch làm cho trăn có cảm tưởng là đang quấn nhằm một lò lửa, nên lật đật tháo ra và bỏ chạy”.

Nhắc đây để quý vị thấy, khi xưa các bậc tu hành thật là chân chính, khi đã phát nguyện xong, họ ráng thọ trì cho tới phút cuối cùng, thà chết chứ không bỏ giới.

c. Sammucchedavirati: Nghĩa là xa lánh tuyệt. Đây là trường hợp của vị đã được đắc thánh quả rồi, không bao giờ tái phạm tội lỗi, mặc dầu là rất nhỏ. Đó là bậc thánh nhơn hoàn toàn trong sạch.

Chú giải có dạy rằng: Tâm là nhân phạm lỗi, mà các bậc thánh nhơn đã kềm chế được tâm và diệt tận các phiền não thì giới đức của các ngài không bao giờ bị vi phạm. Nhất là các ngài xa hẳn điều tội ác, gọi là kammakilesa [3], tàu dịch là tứ trọng mà chú giải là: Tâm chúng sanh hằng bị nhơ đục nên tạo tác (nghiệp), bởi vậy, tạo tác (nghiệp) ấy được đức Phật gọi là kammakilesa, nghĩa là còn phiền não nên tạo nhiều tội lỗi.

Kammakilesa gồm có bốn tội chính: Sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ.

Những tội lỗi mà chúng sanh đã tạo ra sẽ là nguyên nhân đưa chúng sanh đi vào cảnh khổ vì đó mà chúng sanh phải bị khổ, nên gọi là tội. Trong bốn tội ấy, chỉ có nói dối gồm nhiều chi tiết đã giải ở trước rồi; ở đây chỉ muốn nhắc lại một sự tích nói về đâm thọc, là muốn làm cho hai người đang thương yêu nhau trở nên thù oán hay ít nhứt cũng xa nhau. Sự đâm thọc này, chẳng hạn, làm cho người xa nhau, ghét nhau cũng phạm vào tội đâm thọc. Tôi xin nhắc tích trong bộ Pháp cú kinh:

– “Kể từ ngày thầy tỳ-khưu tên Ko adhāna xuất gia, mỗi khi thầy đi đâu, sau lưng thầy cũng có người phụ nữ đi theo. Ai cũng thấy vậy, nhưng chính thầy thì không thấy. Những thí chủ để bát cho thầy đều nói rằng: “Muỗng này về phần ngài còn muỗng này là phần cô bạn gái của ngài”.

Chư vị tỳ-khưu khác thấy vậy đinh ninh rằng thầy Ko adhāna phạm bất cộng trụ của giới thông dâm, mới đem chuyện ấy thuật lại cho ông trưởng giả Cấp Cô Độc nghe và yêu cầu ông trưởng giả bạch Phật đuổi thầy tỳ-khưu ấy ra khỏi chùa. Ông trưởng giả không dám làm vậy; chư vị tỳ-khưu mới thuật chuyện ấy cho một bà đại thí chủ Visākhā hay và bà nầy cũng không dám dự vào chuyện ấy. Các vị tỳ-khưu mới vào báo cho đức vua Ba-tư-nặc và cũng yêu cầu như vậy. Đức vua nhận lời ngay. Chiều lại, vua ngự vào chùa, cho quan quân bao vây mọi nơi. Tỳ-khưu Ko adhāna nghe tiếng động ồn ào, mới từ trong cốc bước ra xem. Đức vua tận mắt trông thấy một cô gái thấp thoáng sau lưng vị tỳ-khưu. Đức vua muốn bắt quả tang, vào tận nơi, tìm coi nơi kẹt cửa, dưới gầm giường nhưng không thấy cô gái, ngài mới hỏi:

– Bạch đại đức! Trẫm vừa thấy bóng dáng một phụ nữ bước vào đây, cô ấy đâu rồi?

– Tâu Đại vương! bần đạo chẳng thấy.

– Chính trẫm trông thấy một phụ nữ đứng sau lưng ngài.

Tỳ-khưu Ko adhāna cất giọng quả quyết rằng không bao giờ có, và ông cũng không bao giờ thấy người phụ nữ ấy.

Đức vua thầm nghĩ, lấy làm lạ, mới nói:

– Vậy xin ngài hãy đi ra ngoài.

Tỳ-khưu Ko adhāna vừa bước ra ngoài thì lập tức có người phụ nữ theo sau lưng. Đức vua thấy vậy mới mời thầy đi vào. Thầy y lời, trở vào trong. Đức vua trông chừng theo hình của người phụ nữ ấy nhưng bỗng dưng người phụ nữ ấy biến mất.

Lấy làm lạ, vua mới hỏi:

– Bạch ngài! Thế người phụ nữ ấy đâu rồi ?

– Tâu Đại vương! Bần đạo chẳng thấy bóng dáng người phụ nữ nào cả.

– Xin ngài thành thật nói ra cho trẫm rõ.

– Tâu Đại vương! Đại chúng đều nói rằng có một người phụ nữ đi sau lưng bần đạo, mà bần đạo thì chưa hề thấy.

Đức vua mới nghĩ đây chắc là hình giả, nhưng vẫn còn nghi hoặc, nên thưa rằng:

– Vậy xin ngài hãy đi ra khỏi nơi nầy một lần nữa.

Thầy liền đứng dậy ra bên ngoài, thì người phụ nữ lại hiện ra liền sau lưng thầy như bóng với hình. Đức vua lại hỏi, thầy vẫn trả lời như trước.

Đức vua mới nghĩ “Quả thật là hình giả”, rồi nói rằng:

– Bạch ngài! Một khi có điều khả nghi không trong sạch như thế nầy – thì sẽ không có ai phát tâm trong sạch cúng dường cho ngài cả. Vậy, từ nay, trẫm xin thỉnh ngài cứ vào cung nội, trẫm xin cúng dường vật thực hằng ngày!

Các thầy tỳ-khưu xấu bụng thấy vậy mới bảo với nhau rằng:

– Các vị hãy coi! Đức vua cũng chỉ là kẻ hèn nhược! Chúng ta mời ông đến đây, tố cáo một chuyện tệ hại, để nhờ sự công minh của ông. Ai ngờ, khi thấy rõ sự thật, đã không chịu bạch Phật để đuổi thầy tỳ khưu phá giới ấy, lại mời vào hoàng cung cúng dường nữa chớ!

Rồi các vị tỳ-khưu xấu bụng ấy, do tức giận, do ganh tỵ, do si mê, đã chỉ tay vào mặt tỳ-khưu Ko adhāna, mạt sát rằng:

– Này kẻ đê tiện kia! Ngươi là kẻ phá giới! Và nhà vua cũng chỉ là tên khiếp nhược!

Lúc trước vì không có bằng cớ đáp lại, nhưng bây giờ được nhà vua làm chứng, nên tỳ-khưu Ko adhāna bèn mạnh dạn:

– Chính các ông mới là kẻ phá giới! Chính các ông mới là kẻ dẫn gái đi!

Các tỳ-khưu phàm phu kia tức giận, nên đem chuyện ấy vào bạch với đức Thế Tôn và nói là đã bị tỳ-khưu Ko adhāna chưởi mắng.

Đức Thế Tôn gọi tỳ-khưu Kondadhāna vào và hỏi:

– Ông có chửi mắng các vị tỳ khưu kia không?

– Bạch, bởi vì các vị ấy mạt sát đệ tử trước!

Đức Thế Tôn hỏi các vị kia, có chuyện thật như vậy không. Họ đáp:

– Chúng đệ tử thấy có một phụ nữ đi theo sau lưng vị tỳ-khưu nầy – nhưng ông ta lại chối đây đẩy là không có!

Đức Thế Tôn biết tất cả mọi chuyện, muốn giáo giới họ, nên ngài mới hiển lộ nhân quả từ quá khứ:

– Nầy các thầy tỳ-khưu! Chuyện các vị thấy bóng dáng một phụ nữ đi sau lưng tỳ-khưu Ko adhāna là chuyện có thật! Và tỳ-khưu Ko adhāna không thấy, không biết chuyện ấy cũng là điều có thật. Tất cả đều đã bị quá khứ che lấp. Chuyện về cô gái thấp thoáng sau lưng tỳ-khưu Kodadhāna, làm cho ông ta bị hàm oan, bị các vị đồng phạm hạnh nghi kỵ, thanh danh bị hoen ố là do dư nghiệp quá khứ của ông ta – đã từng tìm cách ly gián tình bạn của hai vị đồng tu, một vị nghi ngờ phạm hạnh của vị kia làm cho tình bạn tốt đẹp giữa họ với nhau phải bị tan vỡ! Các thầy có muốn nghe chuyện quá khứ ấy không, Như Lai sẽ kể lại”.

Khi thấy mọi người đã sẵn sàng, đức Phật bèn vén mở bức màn quá khứ:

“- Trong thời kỳ đức Chánh Đẳng Giác Kassapa, có hai vị tỳ-khưu thương nhau không khác nào anh em ruột. Mỗi năm chư tăng hội làm lễ phát lồ một lần. Gần đến ngày phát lồ, hai thầy rủ nhau đến nơi hành lễ.

Có một vị thiên ở cõi trời Đạo Lợi thấy hai vị rất thương yêu nhau, mới nghĩ rằng: “Hai vị nầy rất quý mến nhau. Ta có thể nào tìm cách ly gian họ, chia rẽ họ – xem thử có được không!” Đang suy nghĩ như thế thì trên đường đi, vị tỳ-khưu này nói với vị tỳ-khưu kia: “Xin sư huynh hãy dừng chân, đợi tôi đi ngoài một lát!”

Vị thiên ấy mới đợi cho thầy tỳ-khưu ấy đi ngoài xong, từ trong bụi rậm bước ra, liền hóa ra một người phụ nữ, một tay nắm lấy quần, một tay vén tóc như vừa mới ân ái với vị tỳ-khưu. Đợi đến khi biết chắc thầy tỳ-khưu kia thấy rõ ràng rồi, vị thiên mới biến hình đi mất.

Khi vị tỳ-khưu kia đến, vị này mới bất mãn nói rằng:

– Tôi không ngờ sư đệ lại là kẻ phá giới một cách công khai và đê tiện như vậy!

Vị kia ngạc nhiên:

– Sư huynh nói gì vậy, đệ không hiểu?

– Vừa rồi tôi trông thấy một cô gái đứng sau lưng sư đệ!

– Làm gì có chuyện ấy, thưa sư huynh!

Thế rồi, hai vị tỳ-khưu cãi qua cãi lại. Rốt cuộc, phải chia tay nhau, ai đi đường nấy, mối tình huynh đệ thâm thiết bấy nay thế là bị tan vỡ, khó hàn gắn được.

Vị thiên tạo sự ly gián ấy chợt đâm ra hối hận, nghĩ rằng: “Ta đã làm nên tội quá đáng lắm rồi!”. Bèn hiện xuống, thành thật thú nhận: “Hình ảnh cô gái là do tôi tạo ra để thử tình bạn của hai vị. Phạm hạnh của vị tỳ-khưu bị oan này, vẫn hoàn toàn trong sạch. Lỗi là do tôi. Xin hai vị bỏ qua cho mà cùng lên đường làm lễ phát lồ với nhau.

Vì nghiệp nói lời ly gián ấy, sau khi chết, vị thiên bị đọa địa ngục A-tỳ lâu dài bằng một khoảng thời gian từ thời đức Phật Ca-diếp đến đức Phật Gotama. Hiện tại, y chính là tỳ-khưu Ko adhāna; và hình bóng cô gái thấp thoáng sau lưng ông ta – chính là cái nghiệp thuở trước còn dư sót lại, nên ai cũng nghi ngờ phạm hạnh của ông ta không trong sạch”.

Khi nhắc tiền kiếp xong đức Thế Tôn kết luận bằng một câu kệ ngôn với ngụ ý rằng:

“- Không nên mắng chửi kẻ khác. Nếu mắng chửi kẻ khác thị bị người ấy mắng lại, sự kình chống nhau giữa hai bên phần nhiều đều đem đến tổn thương, họa hại. Khi tâm không bị lung lạc vì hoàn cảnh, luôn giữ im lặng như mặt đất, thì không khác nào như cái mỏ đã bị bể tiếng, không còn kêu được người ấy được coi như ở gần bên Niết-bàn vậy”[4].

Sau khi dứt câu kệ, tỳ-khưu Ko adhāna đắc A-la-hán quả. Tích nầy để cho ta thấy rằng, chuyện làm cho người ta ly gián, xa cách nhau, thậm chí ghét bỏ nhau là một tội nặng. Vậy ta nên cố tránh, không nên đem chuyện nầy nói với người kia, lập lại cho kẻ khác nghe – với dụng ý thêu dệt, gièm pha, đâm thọc… Chuyện mình nghe đâu, nên bỏ đó, không nên đem vào nhà, cũng như không nên để nó vào lòng.

(3)- Sự xa lánh tội lỗi được những hạnh phúc là:

1. Không có kinh sợ và oan trái.

2. Đó là phước báu vĩ đại.

3. Không có bị bệnh tật.

4. Là người không dễ duôi.

5. Là người có sắc đẹp.

6. Được an vui trong ba cõi.

7. Được ba điều lợi ích [5]

8. Được 7 điều hạnh phúc (an vui) [6]

9. Người có thể hành theo chánh pháp.

HẠNH PHÚC XX

Majjapānā ca saññama: Thu thúc sự uống rượu

Trong 38 điều hạnh phúc, có 3 điều đức Thế Tôn cấm ngặt là:

1. Anavajjānikammāni [7]: Cấm làm việc gì có tội lỗi.

2. Pāpavirati [8]: Cấm không cho làm tội lỗi, lánh xa tội.

3. Majjavirati: Cấm uống chất say.

Theo 3 câu trên quí vị hãy suy nghĩ coi có câu nào lẫn câu nào hay không?.

Hai điều trên – 1,2 – đều nói về tội. Câu thứ nhứt nói về những việc làm không có tội. Câu thứ hai nói về sự kiêng cử, tránh xa điều ác. Tội và ác cũng đều là tội – tại sao phải chia làm hai điều? Nếu đức Phật chỉ dạy một câu là: Lánh xa tội lỗi là đủ rồi. Vì tránh xa tội lỗi thì đâu có mà tội lỗi. Những phần trước đã có giải rồi nên nơi đây không phải giải thêm nhiều, chỉ nói tóm tắt hầu quý vị vậy thôi.

Pháp hạnh phúc thứ XVIII ngụ ý dạy không nên làm sai với giới luật của đời, với phong tục của một nhóm người hay với xã hội. Còn hạnh phúc thứ XI dạy lánh xa tội lỗi, đừng hành sai với điều của đức Phật dạy, nghĩa là không để tâm phải nhơ đục. Các hạnh phúc ấy không giống nhau, nhưng ta thấy hình như là giống nhau.

Câu hạnh phúc thứ XX nầy cấm uống chất say. Tiếng saññama có nghĩa là thu thúc, ý khuyên phải cẩn thận, phải thận trọng gìn giữ điều 3 nầy, đừng xem thường nó.

Ở đây, đức Phật không dạy xa lánh mà dạy nên thận trọng, cẩn thận hoặc thu thúc. Ngài thấy rằng con người phần đông đều vui thích việc uống rượu. Ngài mới dạy hãy thận trọng, không nên để sự vui thích ấy thống trị, không nên để tâm chạy theo sự sảng khoái nhất thời ấy mà đem những chất say tai hại ấy vào mình.

Chẳng phải chỉ có Phật giáo cấm uống rượu mà các tôn giáo khác như Hồi giáo cũng cấm uống rượu.

Đức Phật trông thấy cái hại của sự uống rượu là to lớn nên ngài cấm nhặt, dạy thành giới điều trong ngũ giới, bát quan trai giới, thập giới, thập thiện và cả sa-di giới, cụ túc giới nữa.

Sỡ dĩ đức Phật cấm như vậy, vì ngài thấy tâm chúng sanh vốn đã giải đãi, phóng dật, dễ duôi mà còn đem thêm vào tâm cái chất say sưa nữa – vốn là nhân của phóng dật, dễ duôi – thì e rằng lại càng dễ dàng tạo nên tội lỗi.

Tóm lại, câu Phật dạy thu thúc tâm không cho thêm vào những chất say khác vì chúng sanh đã say và mê trong tài, tình, danh, lợi lắm rồi. Những bệnh say mê ấy chữa còn chưa hết mà còn đem theo bịnh ở bên ngoài vào nữa – thì không biết khó chữa tới đâu!

Uống rượu hoặc sử dụng những chất say, đã phí tiền của, còn phí thì giờ quí báu và gây nhiều tai hại khác nữa. Có người, khi đã say rồi thì không thể làm việc được, chỉ ngủ thôi, như thế những công ăn việc làm bị đình trệ, không có hại sao? Có người viện cớ rằng, tôi thì khác, tôi uống rất chừng mực, điều độ, tôi uống vừa phải để cho khí huyết lưu thông, để nuôi giấc ngủ. Những người nầy không thấy thì giờ là quý báu, là vàng bạc. Thay vì uống rượu, thay vì giấc ngủ, tại sao ta không sử dụng thì giờ ấy để xem sách, coi kinh, quan sát việc làm của ta trong ngày có điều nào sai lầm ta diệt bỏ, mà dù uống để ngủ cũng không chạy khỏi mất tiền.

Sự tai hại, nguy hại của việc uống rượu, và những chất say khác, ta có thể liệt kê ra sau đây:

1. Chửi mắng vợ con, làm cho gia đình vì đó mà kém vui và lắm khi còn gây gổ với hàng xóm.

2. Không còn biết hổ thẹn, cứ la lối om sòm giữa đường, làm mất giá trị của con người.

3. Không ai dám thuê, hay tin tưởng giao phó một công việc gì quan trọng.

4. Không thể nào tạo được hạnh phúc cho đời mình và còn làm cho cơ sở làm ăn của mình bị sa sút, mất uy tín.

5. Đã say sưa rồi thì không còn biết giữ mồm, giữ miệng – dễ tiết lộ, phanh phui vô ích chuyện kín đáo của mình và của người khác.

6. Rượu sinh nhiều bệnh khó trị.

7. Trí óc lu mờ, mất cả sự khôn ngoan.

Đây là cái hại trong kiếp hiện tại, về kiếp sau, nghiệp còn dư sót, sanh lại thành người tối tăm, ngu dốt, học không thuộc, thiếu trí nhớ.

+ Đức Thế Tôn có dạy trong một bài kinh cũng tương tợ như trên:

Cái hại của sự uống rượu có 6 điều là:

1. Bị tốn tiền của.

2. Hằng có sự gây gổ (trong gia đình hay ngoài xã hội).

3. Là nguyên nhân sanh ra nhiều bịnh.

4. Làm mất danh dự, giá trị.

5. Không còn biết hổ thẹn.

6. Làm cho trí nhớ và trí tuệ càng ngày càng lu mờ.

Vì rượu gây tai hại như vậy, nên chẳng những đức Phật cấm uống rượu mà cũng cấm bán rượu và bố thí rượu nữa.

Trong bộ chú giải của kinh hạnh phúc có nói rộng thêm rằng: Người không uống rượu là người biết thu thúc thân, khẩu, ý của mình. Người không uống rượu là người mà ai ai cũng ưa mến, giúp đỡ; là người không chạy theo phiền não, là người cố gắng mài giũa phiền não trong lòng mình, ví như người thợ rèn đốt sắt đỏ và đập sắt cho ra hết rỉ sét. Người không uống rượu là người thích làm phước thiện, không để cho tội lỗi có cơ hội dính vào; là người giữ được lễ phép đúng theo phong tục hay đúng theo giáo lý của tôn giáo mà người ấy đang giữ. Người không uống rượu là người trì giới được trong sạch, người không uống rượu dễ trở thành một công dân lương thiện. Tâm người không uống rượu hằng không phóng túng, lại thu thúc được dễ dàng.

+ Có ba hạng người không uống rượu khác nhau:

1. Người không uống rượu bậc hạ, là người có thọ trì ngũ giới, là Phật tử chân chánh đáng ngợi khen.

2. Người không uống rượu bậc trung là người có thọ trì ngũ giới, bát quan trai giới, tu tập thiền định và cố hành để cho tâm được thanh tịnh.

3. Người không uống rượu bậc thượng là người có thọ trì ngũ giới, bát quan trai giới hoặc cụ túc giới; ngoài ra có học và hành minh sát tuệ, nỗ lực tu tập để mau đi đến nơi kết quả.

Người hành tới bậc thượng thừa nầy là người trừ được cái say của tài, tình, danh, lợi và họ sẽ đắc quả Niết-bàn trong một ngày vị lai nào đó.

Tóm lại, uống rượu, luận theo mặt đạo hay mặt đời đều là tai hại. Uống rượu gây khoái lạc trong khoảnh khắc cho người uống, nhưng là thứ khoái lạc trong sự đau khổ, có thể gây hậu hoạn khôn lường.

Vì vậy tất cả các tôn giáo đều dạy phải thu thúc sự uống rượu.

+ Không uống rượu thì được hạnh phúc như:

1. Có trí nhớ, có tên tuổi tốt, người kính nể.

2. Không si mê, không say sưa, không dễ duôi, không phóng dật, không phạm giới.

3. Không có sự kinh sợ, không có oan trái, ai cũng kính trọng, thương mến.

4. Có được sự nương nhờ cao quí.

5. Có để dành lộ phí để đi về cõi trời và Niết-bàn.

6. Có thất bửu nhà Phật trong tâm [9].

7. Sẽ được hưởng ba điều hạnh phúc là sanh làm người, trời và gieo duyên Niết-bàn.

8. Được gọi là hành theo pháp.

9. Đem mình ra khỏi khổ luân hồi.

HẠNH PHÚC XXI

Appamādo ca dhammesu: Không dễ duôi trong các pháp

(Không phóng dật trong pháp)

Hạnh phúc XXI nầy, tôi xin được chia ra làm ba phần để quí vị dễ hiểu:

1. Trạng thái của sự dễ duôi, phóng dật.

2. Thế nào gọi là sự không dễ duôi, không phóng dật trong các pháp?

3. Phương pháp hành.

Phạn ngữ appamāda nghĩa là không dễ duôi, không phóng dật – ngụ ý nói là tâm không xa trí nhớ.Ta cũng có thể nói không dễ duôi, không phóng dật là trạng thái của tâm không xa trí nhớ. Giải nghĩa như trên đối với chư sư có học phạn ngữ thì thật rành nhưng đối với quí vị tại gia cư sĩ hay người tham cứu Phật giáo cũng thấy khó hiểu. Vậy nơi đây tôi xin nói cho dễ hiểu hơn. Danh từ Pāḷi – nghĩa chính của appamāda (danh từ) là sự cẩn thận, sự chú ý – vậy thì sự không dễ duôi, không phóng dật là do nhờ tâm luôn luôn có trí nhớ, có kiểm soát; nói cách khác là có niệm và có chú tâm!

Phạn ngữ citta nghĩa là tâm. Tâm là vật vô hình, có chức năng theo dõi và quan sát các đề mục như sắc, thinh, hương, vị, xúc… Sati là trí nhớ [10], là một pháp vô hình hằng đi sát theo tâm để nhắc nhở tâm và cũng kềm chế tâm, không để tâm quên mình. Lẽ cố nhiên khi tâm không có trí nhớ để kiểm soát, thì tâm sẽ phóng túng, nghĩa là tâm suy nghĩ chuyện nầy sang chuyện nọ không bờ bến và khi đang nói chuyện, nếu không có trí nhớ kiểm soát thì chắc chắn nói chuyện ngoài đề. Tâm ấy không dùng vào đâu được vì thiếu trí nhớ.

Nói về tâm là nói đến pháp vô hình. Quí vị muốn biết tâm cho rõ thì nên học tham thiền. Khi quí vị tham thiền muốn làm cho tâm yên tịnh thì quí vị sẽ thấy nó vọng động đến độ nào.

+ Người không dễ duôi, không phóng dật có hai trường hợp sau:

1. Cẩn thận trong việc nên cẩn thận

2. Cẩn thận và giữ không cho có sự kinh sợ xảy ra trong ngày vị lai.

3. Cẩn thận có nghĩa là quan sát kỹ càng không cho sơ thất.

Không dễ duôi trong các pháp

Tiếng dhamma ta dịch ra là pháp, tựu trung có nhiều ý nghĩa khác nhau.

Dhamma là từ thông dụng nhứt trong Phật giáo, ví dụ như nó nằm trong Tam Bảo là Phật Pháp Tăng, hoặc để gọi tên tất cả các pháp như giới, định, tuệ, tinh tấn, nhẫn nại…; rồi pháp thiện, pháp ác… cái gì cũng gọi là pháp.

Pháp bảo là lời giảng dạy của đức Phật, là pháp bất di, bất diệt, là pháp giải thoát không có một ai phản đối hay chỉ trích được. Tại sao? Vì pháp ấy là sự thật hiển nhiên, là chân lý. Đức Phật tựgiác ngộ sự thật ấy và đem sự thật ấy dạy chúng sanh, mà không bắt buộc ai phải nghe theo, tin theo; trái lại ngài dạy hãy dùng trí tuệ để suy nghĩ, quan sát sự thật ấy. Chúng ta có thể tin chắc nơi pháp của Phật là chân chính, là con đường đi đến nơi vô sanh bất diệt bởi các điều sau đây:

1. Đức Phật giáo hóa con đường đi đến nơi giải thoát. Sau khi chứng đắc tuệ quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác, đức Phật dạy đời với chánh pháp mà ngài đã đắc, chớ không phải do nơi một uy quyền nào bắt buộc chúng sanh phải nghe theo; và cũng không mua chuộc chúng sanh bởi bất cứ lý do nào, trái lại, ngài lại cấm các nhà sư không nên dùng bùa phép, làm thầy thuốc, hay được của cúng dường nơi nầy đem cho nơi khác, hoặc đem của Tăng cho người tin tưởng theo mình để lấy lòng.

2. Đức Phật để cho người nghe có quyền cật vấn, chất vấn ngài hoặc hãy về nhà suy nghĩ lại, rồi sẽ tin sau. Ngoài ra, ngài còn khuyến khích Phật tử phải dùng trí tuệ để tham cứu pháp bảo và thường hội nhau lại để luận giải những pháp mà họ còn nghi ngờ.

3. Ngài thuyết pháp độ chúng sanh, không phân giai cấp. Hầu hết các vua chúa trong thời kỳ ấy đều xin làm đệ tử tại gia; và cũng có nhiều vị giáo chủ của một tông phái tự giải tán tôn giáo của mình lập ra và theo làm đệ tử của ngài như ba anh em ông Kassapa nhờ thần lửa… Có biết bao nhiêu là danh sĩ, trí thức theo ngài, nhưng ngài chẳng coi điều đó là biểu tỏ uy tín hoặc tăng thêm danh dự cho ngài.

4. Hiện nay đã hơn 25 thế kỷ rồi, mỗi lời giảng dạy của ngài vẫn còn sáng chói và biết bao nhiều người vâng giữ hành theo, chứng tỏ rằng pháp Phật là sự chân thật vĩnh cửu đem người đến nơi giải thoát.

5. Dhamma còn có nghĩa là gìn giữ – ý nói người nào thực hành theo dhamma (pháp) thì pháp ấy gìn giữ không để cho người ấy sanh vào nơi khổ cảnh.

Vì những lẽ kể trên, nên hạnh phúc XXI nầy dạy rằng: Không nên dễ duôi, phóng dật trong các pháp, nghĩa là không nên dễ duôi mà không hành theo pháp của Phật.

Dễ duôi, phóng dật… có nghĩa là không làm tròn phận sự, hoặc lừa đảo kiếm cách không làm tròn phận sự. Có người tự dối mình rằng: Tôi chưa già chưa phải lúc tu. Họ đã quên rằng trong nghĩa địa có biết bao nhiều nấm mồ của những người còn đầu xanh, tuổi trẻ; và còn quên rằng, của cải nhiều, con khôn, vợ ngoan, bạn hiền, nhưng khi tử thần đến không đem của cải đi đổi được, vợ con bạn bè không giúp mình chống với tử thần được. Nghĩ mình còn trẻ, chưa già, chưa chịu làm lành, đó là trạng thái của sự dễ duôi, phóng dật vậy.

Chú giải còn giảng rộng thêm rằng: Sự mến tiếc trần tục gọi là phóng dật, dễ duôi. Có lời Phật dạy trong bộ Khuddakavibhaga rằng, hai pháp dễ duôi và không dễ duôi ấy như thế nào? Bỏ qua những việc làm có ích, để đời sống trôi chảy, cuốn hút, dính mắc theo dục lạc ngũ trần làm cho thân, khẩu, ý bị nhơ đục gọi là dễ duôi, phóng dật. Còn nữa, không chú tâm làm việc và không tiếp tục làm, việc làm bị gián đoạn, bởi lười biếng, hoặc làm một cách miễn cưỡng, bỏ dở việc đang làm, không sốt sắng, không quan tâm đến những việc làm, đều gọi là phóng dật, dễ duôi. Sự dễ duôi, sự không chú tâm, sự trụy lạc trong trần tục như thế ấy, Như Lai gọi là phóng dật, dễ duôi.

Chú giải bài kinh ấy còn dạy rằng: Sự không đầy đủ trí nhớ, niệm tưởng – để đàn áp tâm phóng túng, lung lạc theo tài, tình, danh, lợi cũng gọi là phóng dật, dễ duôi.

Hai pháp dễ duôi và không dễ duôi có quả báo khác nhau. Dễ duôi là nhân sanh ra tội lỗi. Không dễ duôi là nhân sanh phước thiện. Vì vậy nên Đức Phật có dạy trong Chattavagga ở phần Ekanipatta anguttara nikāya rằng: “Nầy các thầy tỳ- khưu! Như Lai suy nghĩ không thấy pháp nào là nguyên nhân làm cho các pháp lành đã có rồi phải bị tiêu diệt, bằng pháp phóng dật, dễ duôi. Này các thầy tỳ-khưu! Vì một người phóng dật, dễ duôi thì tất cả các pháp ác chưa sanh sẽ phát sanh và các pháp thiện đã có, lại từ từ tiêu diệt”.

Rồi ngài dạy thêm rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Như Lai không thấy một pháp nào là nguyên nhân sanh các thiện pháp, là nguyên nhân làm cho các thiện pháp chưa phát sanh được phát sanh và lại là nguyên nhân tiêu diệt, ngăn ngừa các ác pháp bằng pháp không phóng dật, không dễ duôi! Nầy các thầy tỳ-khưu! Một người không phóng dật, không dễ duôi thì các thiện pháp chưa sanh, lại sanh và các ác pháp đã có rồi, bị tiêu diệt”.

Đức Phật lại còn dạy trong Pháp cú kinh, đoạn Appamādavagga về phóng dật, dễ duôi trong tích của bà hoàng hậu Sāmāvatī rằng:

“- Appamādo amata pada

Pamādo maccuno pada

Appamattā na mīyanti

Ye pamattā yathā matā”.[11]

Nghĩa là: Sự không phóng dật là con đường đi đến chỗ không chết. Sự phóng dật là con đường đi đến chỗ chết. Những người không phóng dật gọi là không chết. Người phóng dật, mặc dầu sống cũng như chết.

Ý nói rằng: Không phóng dật là không làm tội lỗi và diệt trừ phiền não là con đường đi đến Niết-bàn, là nơi vô sanh bất diệt. Còn người phóng dật cứ làm nô lệ cho phiền não, nghĩa là chạy theo ngũ trần lục dục.

Phương pháp thực hành không phóng dật:

+ Trong bộ kinh Anguttaranikāya, đức Phật có dạy 4 phương pháp thực hành không phóng dật.

1. Không nên phóng dật trong sự diệt trừ xấu ác ở nơi thân (thân ác nghiệp); và không nên phóng dật không làm việc lành cũng ở nơi thân (bố thí, làm các thiện sự).

2. Không nên phóng dật trong sự diệt bỏ ác khẩu (tứ ác khẩu) và cũng không nên phóng dật về sự không làm lành do khẩu (Ái ngữ, ví như lời khuyên người tu hành).

3. Không nên phóng dật trong sự diệt bỏ ác tâm và cũng không nên phóng dật về sự sửa trị tâm mình cho thanh tịnh.

4. Không nên phóng dật trong sự diệt bỏ tà kiến và cũng không nên phóng dật trong sự chuyển hóa làm tâm trí mình trở nên chánh kiến.

+ Người không phóng dật được những hạnh phúc là:

1. Đại phước

2. Bất tử (như đã có giải rồi).

3. Ngừa được ác đạo.

4. Xa tất cả các điều khổ.

5. Hưởng an vui trong thiện pháp.

6. Đi đến nơi thiện.

7. Được hưởng an vui.

8. Tự mình thức tỉnh lấy mình.

9. Lòng được thảnh thơi.

10. Diệt trừ được các ác pháp.

11. Không lẫn lộn với các pháp ác.

12. Gọi là người hộ trì Phật pháp.

13. Được nghe lời chỉ dạy của các bậc thánh nhơn.

14. Là người Phật tử chơn chánh.

15. Là người có giới đức trong sạch.

16. Sau khi chết được sanh về nơi nhàn cảnh.

[1] Ārati: Viễn ly, tránh xa. Virati: Kiêng cử, tiết chế. Pāpa: Ác. Đại sư Viên Minh dịch là: Xả ly tâm niệm ác.

[2] Samādānavirati: Sự thọ trì, kiêng cử (Ví dụ, nguyện giữ giới).

[3] Kammakilesa: Phiền não nghiệp.

[4] Pháp cú 133, 134: Oán nhau, ăn nói cộc cằn. Người kia thù lại cũng ngần ấy thôi. Khổ thay! Phẫn hận trên đời. Vết thương dao xé, tiếng lời lại qua (133). Tự mình nếu biết lặng yên. Không còn oán nộ, chẳng hiềm hại ai. Mõ kia đã bể tiếng rồi. Ai mà được vậy kề nơi Niết-bàn (134).

[5] Giống như ba điều lợi ích đã chú thích trước.

[6] Chưa rõ 7 điều gì!

[7] Anavajjāni kammāni: Giữ chánh mạng trong đời.

[8] Kiêng cử, tránh xa điều ác.

[9] Không rõ là bảy báu gì? Có thể là 7 thánh sản: Tín, giới, tàm, quý, đa văn, thí, tuệ. Có thể là 7 pháp thù thắng: Tín, tàm, quý, đa văn, tấn, niệm, tuệ.

[10] Sati, các vị trước đây hay dịch là trí nhớ; thật ra, trí nhớ chỉ là một nghĩa trong nhiều nghĩa của Sati; nghĩa chính của nó là niệm và tùy niệm (Sati và Anussati); niệm (Sati) là an lập tâm trên thực tại đang là – để bất cứ một pháp nào tác động lên thân tâm là nó ghi nhận ngay. Nó như người canh cửa. Còn tùy niệm (Anussati) là theo dõi, rà soát, bám chặt đối tượng không có lơ là, chểnh mảng; nó còn có nghĩa là niệm liên tục, theo dõi liên tục không cho gián đoạn.

[11] Diến ý thơ: Con đường phóng dật: nguy nan. Con đường tỉnh thức: vinh quang đời đời. Buông lung là kẻ chết rồi. Pháp mầu bất tử đợi người cần chuyên (PC. 21).

KỆ NGÔN VII

HẠNH PHÚC XXII

Gāravo: Tôn kính các bậc đáng tôn kính

Tôi xin chia hạnh phúc nầy ra làm ba phần để cho quí vị dễ dàng theo dõi và nhận thức:

1. Tôn kính là gì?

2. Thế nào gọi là có sự tôn kính?

3. Sự tôn kính có nhiều ý nghĩa, cấp độ khác nhau ra sao?

Tôn kính là thái độ, hành động lễ nghi, phép tắc phải lẽ của người biết tôn kính những gì mà họ đáng tôn kính. Nhưng xin đừng tưởng rằng lạy lục, chào hỏi gọi là tôn kính. Lạy lục chào hỏi chẳng qua là hành động bên ngoài. Người không có sự tôn kính trong thâm tâm, họ cũng vẫn làm như vậy được, vì đó là sự giả vờ bên ngoài.

Sự tôn kính, thật sự ta không thể trông thấy bằng mắt được. Phạn ngữ gọi là gārava (tôn kính).Chữ gārava biến thể từ chữ Garu, tính từ của nó nghĩa là nặng, nghiêm trọng, đáng kính trọng; danh từ của nó là thầy, thầy tổ, đạo sư, chân sư… Hàm nghĩa trọn vẹn có ý nói rằng: Ta thành thật tôn kính với tất cả tâm kính thành đối với các bậc dáng tôn kính như cha mẹ, thầy tổ, đạo sư, chân sư…

Khi ta đến một nơi nào, gặp một nhân vật trọng yếu nào, hay là đến chỗ phụng thờ tôn nghiêm nào, ta thấy lòng ta phát sanh sự tôn kính ở bên ngoài. Phật giáo cho sự chào hỏi rất lễ phép ở bên ngoài ấy cũng chưa phải hoàn toàn là tôn kính, mà chú trọng đến sự tôn kính ở trong tâm.

Chú giải có dạy rằng: Phải biết tôn thờ, kính trọng các đấng có đặc ân cao cả như chư Phật, chư thánh nhơn, chư tăng, bậc có giới đức, cha mẹ, thầy tổ và những bậc trưởng thượng…

Trong bài kinh Cūlakammavibhagasutta ở Catutthavagga, đức Thế Tôn có dạy người thanh niên tên Subha rằng:

“- Nầy Subha! Người nữ hoặc nam trong đời này là người ương ngạnh, ngã mạn, không chịu lễ bái các bậc đáng lễ bái, không chịu đứng dậy tiếp rước, không chịu nhường chỗ ngồi cho bậc đáng nhường, không tiếp đãi bậc đáng tiếp đãi, không kính trọng các bậc đáng kính trọng, không thân mến với các bậc đáng thân mến, không cúng dường đến các bậc đáng cúng dường – người ấy sau khi chết sẽ bị sanh vào ác đạo, vì nghiệp mà tự mình đã làm ấy. Nếu không sanh vào bốn đường ác, khi được sanh làm người thì bị rơi vào gia đình thấp hèn. Nầy thanh niên Subha! Người có tánh ương ngạnh, ngã mạn… không cúng dường đến các bậc đáng cúng dường… chính người ấy tự tạo ra con đường đi đến nơi gia đình dòng họ tối tăm, ngu si, đê hèn.

Nầy thanh niên Subha! Trái lại, người nam hay nữ nào ở trong đời nầy không ương ngạnh, không ngã mạn – biết cúng dường đến các bậc đáng cúng dường… người ấy sau khi lâm chung sẽ được sanh về cõi thiên đàng – vì người ấy đã tự tạo thiện nghiệp cho mình. Nếu người ấy không sanh về cõi trời, sanh lại làm người, thì sẽ được sanh vào gia đình cao thượng, gia đình quí phái. Nầy thanh niên Subha! Người không ương ngạnh, ngã mạn cúng dường đến các bậc đáng cúng dường… đó là hành vi của người đi đến cõi an vui”.

Theo Phật ngôn nầy thì ta thấy rằng: Sự tôn kính nầy không phân chia giai cấp xã hội, đầu tiên chỉ được dành cho người có đức hạnh và tuổi tác.

Trong Túc sanh truyện, có một sự tích dạy về sự tôn kính theo ý nghĩa trên.

Có lúc nọ, chư Tăng hội lại rất đông để hầu Phật. Nhiều thầy tỳ-khưu choán chỗ ở rộng lớn, có vị một mình chiếm hai chỗ hoặc ba chỗ. Đại đức Xá-lợi-phất đến sau, không có chỗ ở, đành phải ra ngoài trời. Khuya lại, đi kinh hành gặp đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã biết chuyện ấy từ trước, nhưng để đến khi gặp đức Xá-lợi-phất, ngài mới hỏi tại sao ở ngoài trời. Đức Xá-lợi-phất đáp với ý là vì tới trễ nên không có chỗ nghỉ.

Nhân chuyện ấy, sáng ngày, đức Thế Tôn mới cho nhóm chư vị tỳ-khưu lại và nhắc đến một sự tích nhằm giáo giới các vị tỳ-khưu không biết tôn kính bậc trưởng thượng:

“- Lúc quá khứ tại rừng Tuyết Lãnh có một gốc đại thụ, ấy là nơi cư ngụ của ba con thú. Ba con thú ấy là chim đa đa, khỉ và voi; chúng chơi với nhau rất thân nhưng không biết ai lớn ai nhỏ. Một hôm, ba con thú ấy mới bàn với nhau rằng: “Chúng ta chơi với nhau đã lâu, thân với nhau cũng đã lắm nhưng dường như có một cái gì đó thiếu lễ nghi, phép tắc! Cụ thể là chúng ta ngang hàng với nhau, chẳng biết ai lớn ai nhỏ để nhắc nhở, dạy bảo nhau”. Chim đa đa nói: “Phải rồi, hãy xem trong chúng ta ai lớn tuổi hơn để làm anh”. Khỉ nói: “Em phải kính trọng anh, anh phải dạy bảo em”. Rồi chúng mới hỏi nhau rằng: “Vậy trong chúng ta ai biết cây đại thụ nầy có mặt từ bao giờ?” Voi đáp: “Nầy các bạn! Tôi nhớ, trong khi tôi còn là voi con, mẹ tôi dẫn tôi đi ăn qua đây, thì cây đại thụ nầy còn ở dưới bụng tôi. Tôi biết nó từ lúc ấy”. Khỉ nói: “Nầy các bạn! Khi tôi còn bú, tôi ngồi trên đất không cần phải ngước đầu lên, cũng có thể dùng miệng cắn ngọn cây đại thụ nầy được. Vậy tôi biết nó từ khi ấy”. Chim đa đa nói: “Nầy các bạn! Khi trước, tôi nhớ, cao trên ngọn Tuyết Lãnh kia, có một cây đại thụ có trái chín ngọt như mật ong. Sau khi ăn no nê trái cây chín ấy, bay xuống nơi này và tôi đã đại tiện ở đây. Chính cái hạt trong đống phân ấy nẩy mầm và bây giờ thành cây đại thụ nầy!”Qua sự trần thuật của ba con thú, chúng nhận ra rằng, hóa ra con chim đa đa nhỏ con lại lớn tuổi hơn và ông voi to xác thì lại là em út. Từ lúc ấy trở về sau, khỉ và voi tôn chim đa đa lên làm anh cả; cả hai kính trọng vâng lời chỉ bảo. Chim đa đa dạy khỉ và voi phải giữ ngũ giới. Sau khi chết, cả ba đều sanh về cõi trời”.

Sau khi nhắc tích nầy xong, đức Phật mới dạy rằng:

“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Loài thú mà còn biết phân biệt lớn nhỏ để kính trọng nhau, dạy bảo nhau thay; phương chi các thầy, xuất gia theo giáo pháp của Như Lai, lại không biết tôn trọng các người có tuổi tác, không biết tôn kính các bậc trưởng thượng! Xá-lợi-phất là vị đại đệ tử niên cao, lạp lớn; đức hạnh, trí tuệ đều vô song – thế mà đêm qua, các người đã chiếm hết chỗ, để cho người con ưu tú, mẫu mực Như Lai phải nghỉ ở ngoài trời. Các thầy thấy như vậy có được không? Có đáng bị khiển trách vì sự không biết tôn kính ấy không?”

Thấy nhóm tỳ-khưu kia hổ thẹn, cúi đầu – đức Phật biết họ đã có tàm và quý – nên dịu dàng dạy tiếp:

“- Người nào thông hiểu pháp biết kính trọng bậc cao thượng hơn mình, kẻ ấy trong đời nầy đáng là người được người khác ngợi khen, đời sau được sanh về cõi trời”.

Chú giải có gom ý câu kệ nầy cũng tương tợ vậy: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Chúng sanh bất luận hạng nào, dầu vua chúa, bà -la-môn, nông gia hoặc người xuất gia – chẳng hạn – là người thông hiểu về sự biết tôn kính các bậc đáng tôn kính, vì lớn tuổi hơn hay là có đức hạnh cao hơn, chúng sanh ấy trong đời nầy sẽ được sự mọi người ca tụng, ngợi khen, vị lai lại được sanh về cõi trời”.

Sự tích đa đa, khỉ, voi trên đây ngụ ý dạy ta nên kính trọng bậc niên cao kỷ trưởng, người có đức hạnh, dù người ấy thuộc hạng người nào trong xã hội, sự tôn kính ấy còn có tác dụng là diệt lòng ngã mạn của ta.

Hơn nữa sự tôn kính còn gọi là một hạnh phúc, vì sự tôn kính có thể đưa người khỏi tai nạn, được những đặc ân, và có thể là duyên lành để sau này đắc được chỉ tịnh và quán minh sát.

Sau khi đức Phật dạy thế xong, nửa đêm, có một vị thiên vào hầu Phật, bạch rằng:

“- Đức Thế Tôn dạy rất chính xác! Đệ tử do sự thấy biết riêng tư, do kinh nghiệm bản thân, do có thiên nhãn biết chút ít quá khứ, hiện tại và vị lai cùng với nhân quả của nó – nên đệ tử mạo muội trình bày về 7 pháp làm cho các thầy tỳ-khưu tránh khỏi tai nạn – mong được đức Thế Tôn chỉ giáo thêm.

+ Bảy pháp ấy là:

1. Buddhagāravatā: Tư cách người biết tôn kính Phật.

2. Dhammagāravatā: Tư cách người biết tôn kính Pháp.

3. Saghagāravatā: Tư cách người biết tôn kính Tăng.

4. Sikkhāgāravatā: Tư cách người biết tôn kính điều học.

5. Appamādagāravatā: Tư cách người biết tôn kính sự không phóng dật, dễ duôi.

6. Samādhigāravatā: Tư cách người biết tôn kính thiền định.

7. Pa isanthāragāravatā: Tư cách người biết tôn kính trong việc xử sự, giao tiếp, tiếp đãi.

Bạch đức Thế Tôn! Chính nhờ 7 pháp nầy làm cho chư vị tỳ-khưu đi đây đi đó, bất cứ trú xứ nào cũng không bị tai nạn hoặc họa hại”.

Đến sáng ngày đức Thế Tôn thuật cây chuyện ấy cho chư vị tỳ-khưu nghe rồi kết luận bằng câu kệ rằng:

“- Satthagaru dhammagaru

Saghe ca tibbagāravo

Abhabbo parihāniya

Nibbānasseva santipe”.

Nghĩa là, thầy tỳ-khưu có sự kính trọng Phật, Pháp, Tăng là người không thể bị tai hại, không thể bị suy đồi – thì thầy tỳ- khưu ấy đã ở gần Niết-bàn.

Đây xin giải về 7 điều tôn kính ấy.

Sự tôn kính là một pháp rất cần cho đời và đạo. Người biết tôn kính bậc trưởng thượng thì người ấy làm gì cũng được dễ dàng, vì có người giúp đỡ.

+ Tôn kính Phật – Ta tôn kính Phật vì hai lẽ:

a. Dù thuở còn tại gia, ngài là một vị đế vương, thuộc dòng dõi cao quý.

b. Khi xuất gia tầm đạo, ngài đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác, xuống núi độ đời, dùng đuốc tuệ soi đường phá tan bầu trời mờ tối vô minh. Tất cả như chư thiên, phạm thiên đều hoan hô, tán thán, ca tụng ngài với 09 hồng danh từ Ứng Cúng đến Thế Tôn.

Trong chú giải có dạy rằng: Khi đức Thế Tôn còn lại thế, các bậc tỳ-khưu biết kính Phật, mỗi ngày đều vào hầu Phật để cung kỉnh lắng nghe và thọ trì kim ngôn do ngài giáo huấn. Khi đức Thế Tôn đi kinh hành nơi thấp, các thầy không dám đi nơi cao hơn. Khi vào hầu Phật, các thầy không mang giày, dép (nếu có) [1] trong chỗ mà tầm mắt đức Thế Tôn có thể trông thấy, không dám đi đại tiểu tiện, chỗ mà đức Thế Tôn có thể thấy. Đại đệ tử của Phật là đức Xá-lợi-phất được đức Phật khen ngợi là người rất kính trọng Phật là vì hằng đêm khi đi ngủ biết đức Phật ngự hướng nào, đại đức Xá-lợi-phất nằm day đầu về hướng ấy. Có nhiều vị phàm tăng hỏi ngài: “Tại sao lại chọn quay đầu về hướng ấy?”. Ngài đáp: “Hướng ấy, là nơi đức Phật ngự hoặc là nơi mà thầy tôi, trưởng lão Asajji – đang ngụ cư!”

Riêng chúng ta là người rất xa Phật thì phải kính trọng Phật bằng cách nào? Chúng ta phải năng lễ Phật, tụng kinh và khi vào chùa, lên chánh điện, phải tỏ ra trang nghiêm và hết lòng tôn kính trước kim thân ngài, như ngài còn tại tiền vậy.

2. Tôn kính Pháp – Pháp là dhamma mà Tàu âm là đạt-ma hoặc đàm-ma.

Ở trước đã có giải sơ lược về tiếng pháp, bây giờ xin giải thêm, dhamma (pháp), nghĩa là phàm vật gì có bản tính là giữ gìn tính chất của nó, không cho hư hại hay tiêu diệt [2].

Tôi xin ví dụ cho dễ hiểu: Như miếng vải trắng, nó giữ được màu trắng, khiến cho ai trông thấy cũng nhận biết miếng vải màu trắng, chớ không ai nói là miếng vải đen.

Nói cho dễ hiểu thêm, thì vật gì cũng có hai trạng thái là giữ chắc cái tính chất của nó, và phô bày ra kiểu cảnh màu sắc cho người nhận định phân biệt được. Như vậy gọi là pháp. Tôn kính pháp là chúng ta phải hết lòng thực hành theo lời giáo huấn của đức Phật.

+ Pháp có ba chi khác nhau là:

a. Pháp học: Ý nói là học 4 muôn 8 ngàn chi pháp; người muốn thông hiểu phải ráng học, không dễ duôi.

b. Pháp hành: Là giới, định, tuệ; là pháp mà hành giả phải hành theo trên lộ trình đến nơi giải thoát.

c. Pháp thành: Chỉ các bậc thánh nhơn đã đắc từ sơ quả đến tứ quả và Niết-bàn.

Ba pháp trên có quả báo khác nhau.

* Pháp học giúp cho người tu Phật nắm chắc, biết chắc căn bản giáo pháp, hiểu rõ lộ trình tu tập để thực hành đúng theo chánh đạo.

* Pháp hành làm cho người tu Phật thấy rõ bản chất của pháp là vô thường, khổ não, vô ngã; trí tuệ phát sanh, diệt tận phiền não đắc được đạo quả Niết-bàn. Người đã đắc đạo quả Niết-bàn, giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, cũng do nơi tôn kính pháp. Trong trường hợp nầy, nghĩa của tôn kính là thực hành theo pháp.

Riêng nơi đây tôi muốn giải thêm cho chư thiện tín thấy rằng, những người biết kính trọng pháp, khi nghe lời giảng giải của các bậc trí thức thì không màng đến chuyện đời, chuyện tài sản, của cải của mình, như ông trưởng giả trong tích truyện sau đây:

“- Có một ông trưởng giả có đức tin vào chùa nghe thuyết pháp. Trong khi ông đang trong sạch nghe pháp, thì ở nhà có bọn cướp đến vây nhà ông và tính cướp hết của cải của ông.

Khi ấy có một người trong gia đình ông trốn thoát, chạy đến chỗ trưởng giả đang nghe pháp, hối hả bảo với ông rằng: “Có một bọn cướp với giáo mác, gươm đao; chúng đã đến vây nhà rồi, xin chủ hãy về xem coi, nguy hại tới nơi rồi!”Ông trưởng giả thoáng nghe lời tâu báo của gia nhân, ông vẫn chăm chú nghe pháp, miệng trả lời: “Chúng nó mới vây nhà thôi, đã có nguy hiểm gì đâu, hãy về đi, để yên cho ta nghe pháp nào!” Người kia về nhà rồi trở lại bảo rằng: “Bây giờ chúng nó đã phá cửa vào nhà rồi, đang chuẩn bị lấy cướp của cải, tài sản – thưa chủ!” Ông bình tĩnh nói: “Ừ, kệ nó! Tài sản nào chính thật là của ta thì nó ở lại; bằng tài sản nào không phải là của ta thì cứ để chúng mang đi!” Rồi ông lại chăm chú nghe pháp nữa. Gia nhân trở lại nhà thì thấy bọn cướp đang khuân vác đồ đạc ra ngoài; người ấy trở lại lần thứ ba và nói với ông trưởng giả: “Bọn cướp đã mang rất nhiều đồ đạc ra khỏi nhà rồi”. Ông vẫn bình tĩnh đáp rằng: “Đức Phật dạy với ý rằng: Ngay cái thân này cũng không phải là ta, là của ta – huống hồ là tài sản ấy. Đã không phải là của ta thì bảo vệ, gìn giữ có được đâu – hãy cứ để chúng mang đi!” Gia nhân nghe chủ nói thế, không hiểu, y chán nản tận cùng, trở lại nhà lần thứ ba, bô bô nói với bọn cướp rằng: “Chủ nhân nhà này họ không màng đến của cải, vậy các người cứ tự do lấy gì tùy thích. Tôi đã bảo ông trưởng giả ba lần, nhưng tài sản ấy, ông ta không cần. Vậy các ông cứ tùy nghi mang vác hết đi!” Nghe câu nói lạ, bọn cướp đứng ngây người. Lát sau, một tên trấn tỉnh hỏi: “Vậy thì chủ của ngươi đang làm gì khi nói những lời ấy?” Tên gia nhân đáp: “Chủ tôi đang nghe pháp!” Y hỏi tiếp: “Vậy pháp là gì – mà đến độ ông ta không màng đến của cải, tài sản?” Tên gia nhân đáp: “Tôi cũng không biết!” Đến đây thì tên đầu nậu bọn cướp thở ra, lắc đầu, nói với đồng bọn rằng: “Hóa ra chúng ta ăn cướp cái mà chủ nhân đã quăng vất; vật mà chủ nhân đã không màng tới thì phỏng có giá trị gì nữa? Cái giá trị hơn thế nhiều, đấy chính là pháp. Vậy chúng ta hãy trả lại của cải cho người ta rồi cùng nhau đến chùa nghe pháp, xem thử nó là cái gì mà quý báu dữ vậy!”

Đến chùa, sau khi nghe pháp, bọn cướp lương tri được thức tỉnh, chán nản tội lỗi nên xin xuất gia, và đạt được đạo quả tuỳ theo duyên lành của mỗi người”.

Câu chuyện thú vị nầy cho ta thấy rằng, nhờ tôn kính pháp đúng mực nên ông trưởng giả không hề bị xao động tâm tư, dù mất hết của cải tài sản mà ông ta vẫn trầm tĩnh, thản nhiên xem như không có chuyện gì xảy ra! Vậy, hết lòng nghe pháp mới có được hạnh phúc như thế!

Đây là sự tôn kính pháp bằng cách nghe pháp, ngoài ra, đức Thế Tôn còn dạy một loại tôn kính pháp cao hơn một bực nữa, đấy là tôn kính pháp bằng cách thực hành pháp, đúng như câu Pāḷi: Dhammo garukatappo – người kính trọng pháp nên thực hành theo pháp. Người thực hành đúng theo pháp mới gọi là người kính trọng pháp thật sự.

3. Tôn kính Tăng: Tăng có hai hạng: Phàm tăng và thánh tăng. Tăng là các bậc đã ly gia cắt ái, thân xa mùi tục lụy, theo đạo nhiệm mầu; là bậc thừa hành theo chánh pháp, là ngọn cờ Phật giáo, là hướng đạo của tín đồ. Nếu không còn Tăng thì Phật giáo không còn.

4. Tôn kính điều học: Đây có nghĩa là hết lòng hành theo giới hạnh của mình, đã thọ trì rồi không cho phạm vào. Nghĩa là luôn luôn coi trọng giới hạnh của mình, cũng như là người đã bị mù mất một mắt rồi, cố giữ con mắt còn lại không cho đau. Đại ý nói rằng, phải cố gắng bài trừ những phiền não còn trong lòng, không dám dễ duôi, phóng dật.

5. Kính trọng thiền định: Tức là cố hành thiền định không hề dám xao lãng. Thiền định là pháp dạy tâm, kiềm chế tâm không để cho tâm xao lãng, phóng túng, bắt buộc tâm phải yên trụ. Nhứt là các bậc xuất gia, thiền định đối với quí ngài không khác nào cá với nước; ý tôi muốn nói là chúng không thể xa rời nhau được, vì người tu sống chết gì cũng phải biết giữ lấy tâm mình thôi, nhờ có thiền định là nấc thang đi đến Niết-bàn.

Trong bộ chú giải Visuddhimagga có nêu lên một ví dụ về lục dục ngũ trần, về trần cảnh rất hình tượng, rất ấn tương:

“- Trần cảnh ví như một thứ nhựa rất dẻo, rất dính. Mùa nắng, nhựa ấy chảy ra dưới gốc cây, trông thấy như một miếng nhung trải rất là đẹp. Có một con khỉ đến gần, thấy nhựa tưởng tấm nhung liền ngồi lên, thì lại bị dính cứng vào nhựa; khỉ cố hết sức để chống hai tay đứng lên, hai tay bị dính luôn; cố dùng hai chân chỏi dậy, nhưng rồi lại cũng bị dính vào. Sau rồi chỉ còn có cái miệng, khỉ cố cắn để gỡ ra – thì than ôi, cả cái miệng cũng bị dính vào nhựa ấy luôn!”

Con người cũng dính mắc vào một thứ nhựa, mà một thứ nhựa còn dẻo hơn nhựa kia không biết bao nhiêu lần mà kể, đó là nhựa trần tục. Khi còn trong tuổi thanh xuân thì được tự do, thư thả; đến hồi lập gia đình, có vợ là bắt đầu dính vào đít như con khỉ mới bị dính lần thứ nhứt; sau lại có con cũng như khỉ dính hay tay; khi có của tiền lại càng bị nhiều hơn như khỉ bị dính thêm hai chân; thêm có quyền cao, chức trọng nữa lại càng bị dính không thể nào cựa quậy được, cũng như khỉ mắc luôn cái miệng, chỉ có đợi chết thôi. Như vậy, tâm con người thường bị mắc vào vòng tài, tình, danh, lợi khó mà gỡ cho được; chỉ còn do nhờ thiền định là phương pháp chữa trị cái tâm bị phiền não ngự trị; nhờ có thiền định nên không tâm say mê trong trần cảnh.

Tôi kể thêm một chuyện nữa.

Thuở xưa, ở Ấn Độ, trước khi làm lễ hoả táng, người ta dùng chỉ buộc tay, chân và cổ người chết. Người ta chỉ theo phong tục ấy mà thực hành, kỳ thật họ không biết ý nghĩa ra sao. Có người đến hỏi vị đại đức tên là Kāla. Ngài mới dạy rằng: “Con người là cái vòng cột cổ, vợ là cái vòng buộc chân, tiền của là cái vòng buộc tay. Vì lòng thương con nên không tu hành được, chỉ biết lo kinh doanh hầu để sự nghiệp lại cho con, mà chính mình quên sẽ già và chết. Cũng vì yêu vợ, ráng lo bôn tẩu để tìm chút danh vọng để vợ được hãnh diện với đời, không nhớ rằng những tội lỗi mà mình đã làm không ai chịu thế cho được. Cũng vì thương yêu vợ con, nên có chân mà cũng không thể dùng chân ấy chạy khỏi vòng luân hồi, trái lại đi sâu vào luân hồi. Cũng vì thương vợ con và của cải, nên tay bị buộc không thể lấy của mà mình đã có đem ra cho ai cả, mặc dầu người ấy là bà con, quyến thuộc, nên cũng ví như dây buộc tay”.

Tục lệ nầy dạy con người gián tiếp rằng: Con người đến chết vẫn còn phải bị cột chặt vào ba mối là vợ, của và con. Thế thường thì tâm con người, từ xưa đến nay, bao giờ cũng vẫn ôm ấp, bám víu, luyến tiếc ba mối đó nên không hết khổ được, không giải thoát được.

Đức Phật dạy ta tôn kính thiền định, nghĩa là phải cố vâng giữ hành theo không gián đoạn được. Như tôi đã nói, thiền định là nấc thang thứ nhì (sau giới) để đi đến nơi giải thoát; vậy người biết mình còn trầm luân trong biển khổ nên cố gắng tham thiền. Đành rằng ta không thể giải thoát trong kiếp nầy, nhưng đó là duyên lành để trợ lực cho ta ngày vị lai, vì hiện giờ, nhờ có thiền định, ta đã mài giũa cho mòn đi hoặc đã làm cho lắng dịu được một ít phiền não rồi vậy.

Đời không phải do giàu sang, quyền chức mà có thể đem hạnh phúc lại cho ta được. Tiện đây tôi xin nhắc sơ lược sự tích của đại đức Bhaddiya để quí vị trông thấy gương lành của ngài.

“- Đức Bhaddiya là dòng Thích-ca, là một vị quan tổng trấn, thống lãnh cả một vùng, oai danh lừng lẫy. Sau lại, ông ta xuất gia và thường ngồi dưới cội cây nơi rừng thanh vắng.

Hôm kia, sau giờ thiền định, nội tâm sung mãn hỷ lạc, sung sướng do đạt được một hạnh phúc thâm sâu chưa hề có ở trong đời, bất giác, đại đức thốt lên: “Ôi! Hạnh phúc thay! Hạnh phúc thay!” Các vị tỳ-khưu ở gần đấy, nghe được, hôm sau mới vào kể lại cho đức Thế Tôn nghe rồi kết luận rằng: Ngài đại đức Bhaddiya có lẽ vì luyến tiếc đời sống hầu thiếp vương giả nên giữa đêm hôm khuya khoắc lại thốt lên niềm khoái cảm trần tục khó nghe!”

Đức Thế Tôn cho gọi ngài đến và hỏi coi có phải như vậy không? Ngài đáp có. Đức Thế Tôn hỏi: “Vì sao ông đã xuất gia rồi mà lại nói câu ấy?”

– Bạch đức Thế Tôn, khi đệ tử còn làm vị quan tổng trấn, có thành trì kiên cố, có đội binh hộ phòng canh tuần cẩn mật, nhưng đệ tử vẫn còn e dè, lo sợ có thích khách; ngoài ra còn ngại bọn đạo tặc hung hãn, sợ quân xâm lăng của các tiểu quốc biên địa. Ngày nay, đệ tử xuất gia, từ bỏ quyền cao, chức trọng; ở nơi rừng sâu hang thẳm, cội cây vắng vẻ, không quyền, không chức, rỗng không mọi sở hữu – đệ tử không có bất cứ một lo sợ nào nên thấy lòng mình tự tại, an vui, hạnh phúc; lại nữa, đệ tử vừa nếm thưởng được chút ít hỷ lạc của thiền định, sung sướng quá nên đã cảm thán thốt lên câu ấy mà thôi!”

Sự tích nầy cho ta thấy rằng của cải, quyền chức không đem lại hạnh phúc, an vui thật sự mà thường tạo ra âu lo, kinh sợ. An vui, hạnh phúc thật sự là không có gì cả, vì người không có gì cả thì có còn gì đâu mà âu lo, kinh sợ?

6. Tôn kính sự không phóng dật, dễ duôi: Không phóng dật, dễ duôi – ý nói không phung phí thì giờ quí báu của mình mà làm những việc vô ích.

Không phóng dật, dễ duôi – có hai phần:

– Không phóng dật, dễ duôi bậc thấp.

– Không phóng dật, dễ duôi bậc cao.

+ Không phóng dật, dễ duôi bậc thấp có 3 trường hợp.

a. Không phóng dật, dễ duôi trong sự diệt trừ tội lỗi do thân nghiệp và nên làm các việc thiện.

b. Không phóng dật, dễ duôi diệt trừ tội lỗi do khẩu nghiệp và nên nói lời từ ái, dịu dàng, khuyến thiện.

c. Không phóng dật, dễ duôi trong sự suy nghĩ ác, nghĩa là không dám suy nghĩ ác, và cố dạy tâm suy nghĩ việc lành.

+ Về bậc cao cũng có ba trường hợp:

a. Không phóng dật, dễ duôi trong sự quan sát, gìn giữ tâm, không cho tâm tham lam theo trần dục trong khi có cơ hội gần gần gũi chúng.

b. Không phóng dật, dễ duôi để tâm sân hận, trong khi gặp trường hợp nóng nảy, bực mình, khó chịu.

c. Không phóng dật, dễ duôi để tâm si mê, u tối, lầm lạc, đắm đuối trong trần cảnh.

Người biết tôn trọng những điều kể trên gọi là người biết tôn trọng sự không phóng dật, dễ duôi.

7. Tôn trọng sự tiếp đãi: Sự tiếp đãi nầy là thuộc về phép xã giao lịch sự ở đời. Pháp nầy chia ra làm hai phần:

a. Tiếp đãi bằng tiền tài, nghĩa là khi có khách đến ta tiếp đón bằng những bữa cơm nước, chuyện trò thân mật vui vẻ, không tỏ vẻ bực mình.

b. Tiếp đãi bằng pháp, nghĩa là trong trường hợp thuận tiện, ta có thể khuyên người bỏ dữ về lành; hoặc dạy bảo thân bằng, quyến thuộc khởi tâm tu hành, biết bố thí, trì giới…

Sự tiếp đãi nầy có nhiều lợi lạc, là ta được sự quan tâm, thương mến, quý trọng của mọi người, có nhiều bạn lành; sau khi chết được sanh vào cõi trời, kiếp vị lai có nhiều quyến thuộc và khi đi lầm đường có các bậc trí thức nhắc nhở.

Tóm lại, pháp tôn kính được những hạnh phúc sau đây:

1. Đại phước cho mình.

2. Giữ được lễ độ và phong hóa, mỹ tục của một dân tộc.

3. Là người tri thức, là người có giới đức, là người hành theo thiện pháp.

4. Có thể làm gương mẫu cho con cháu và người trong xã hội.

5. Là nguyên nhân làm cho nhiều người thương mến.

6. Là nguyên nhân sinh ra lòng từ ái đối với mọi người.

7. Là người có nhiều trí nhớ.

8. Là người không có sự hối hận trong tâm.

9. Là người đã chuẩn bị vật thực về ngày vị lai.

10. Là nguyên nhân sanh ra sự an vui.

11. Là người biết ngăn ngừa không bị việc ác xâm chiếm vào lòng và không sanh vào ác đạo.

12. Là người thỏa thích trong sự an lạc.

13. Là người chắc chắn sẽ sanh vào cõi trời.

14. Là nhân khiến cho được sanh vào gia đình quý phái.

15. Là người hành theo giới, định, tuệ.

16. Là người không làm mất minh sát tuệ và đạo quả.

HẠNH PHÚC XXIII

Nivāto: Nết hạnh khiêm nhượng

Phạn ngữ nivāta có nghĩa là không có gió, hay có thể nói là im tiếng, nhưng ta cắt nghĩa là khiêm nhượng.

Hạnh phúc XXII dạy tôn kính, còn hạnh phúc XXIII nầy dạy khiêm nhượng.

Tôn kính và khiêm nhượng khác nhau như thế nào?

Phần đông người ta nghĩ rằng hai pháp nầy như nhau, hay, tựu trung, hai pháp nầy khác nhau như thế nào?

Tôn kính là vì mình nhận thấy nhân vật nào đó có nhiều đức tính cao quý.

Khiêm nhượng là tự mình làm cho tâm mình có lễ phép với mọi người. Người khiêm nhượng là người hằng suy nghĩ thấy cái hại của sự chấp ta, ngã ái và ngã mạn.

+ Đây là trạng thái của người có nết hạnh khiêm nhường:

1. Nīcamantā: Có tâm lễ phép.

2. Nihatamāno: Không ngã mạn.

3. Nihatadappo: Dứt bỏ ba điều kiêu căng, ương ngạnh, cứng đầu – gốc của ngã mạn: Ta là dòng cao thượng, ta là dòng quý phái, ta là hạng giàu sang.

4. Pādapuñchana coḷakasadiso: Ví như miếng vải lau chân. Ý nói miếng vải lau chân là vật không có giá trị gì hết, ta đây cũng như miếng vải lau chân ấy vậy. Địa vị và danh vọng chỉ là miếng mồi câu, ma vương nhử ta mê theo, đặng mau đi tới nơi tai hại. Khi người nghĩ thế thì có thể diệt được lòng tự cao, tự đại.

5. Chinnavisā asabhāsamo: Ví như bò bị gẫy sừng. Khi bò bị gẫy sừng không khi nào dám gây hấn với mọi người, không dám báng húc, chống đối ai. Nhờ vậy mà lòng ngã ái bị diệt lần, thành ra người có khiêm nhường.

6. Uddhathadāsasappāsa : Ví như loài rắn độc bị nhổ nọc. Ý nói người ta sợ rắn, là sợ rắn có nọc độc, khi rắn bị nhổ nọc độc rồi thì có ai sợ. Ta nghĩ rằng ta là người không có uy quyền thế lực gì hết, thì lòng ta lại không chấp ta, đó là nhân đi tới khiêm nhường.

7. Sa ho: Nhã nhặn, lịch thiệp.

8. Sakhino: Không tỏ vẻ cương ngạnh.

9. Sammodano: Vui vẻ.

10. Muduko: Mềm mại, dịu dàng.

11. Sukhasambhāso: Nói lời dịu ngọt. Nói lời dịu ngọt đem đến cho ta ba điều lợi ích.

a. Đem sự vui vẻ cho mình và người.

b. Không có tội lỗi.

c. Làm cho lỗ tai mình và người được êm ái, mát mẻ.

+ Người hành theo pháp khiêm nhường có được những hạnh phúc sau:

1. Làm cho người đoàn kết.

2. Làm cho người được an vui.

3. Đi chung hay ở với hạng người ưa mến kính yêu.

4. Người khiêm nhượng đi tới đâu cũng có người tôn trọng yêu mến.

5. Ai ai cũng thích giao tiếp với người khiêm nhượng.

6. Người khiêm nhượng là người có nhiều bạn lành.

7. Người khiêm nhượng là người có nơi nương nhờ chắc chắn cho mình trong kiếp nầy và kiếp sau.

8. Sẽ được sanh về cõi trời và Niết-bàn.

9. Là người không phóng dật, dễ duôi.

10. Là người đi theo đường bát chánh

11. Là người trong khuôn khổ của giới, định, tuệ.

12. Là người làm cho mình trở nên cao quí hơn tất cả mọi người trong mọi trường hợp.

HẠNH PHÚC XXIV

Santu hī: Tri túc vui thích trong của đã có

(Tri túc)

Tri túc nghĩa là tư cách biết và lấy làm đủ (hay lấy làm thỏa mãn). Santu hī có được từ động từsantussati, có nghĩa là được vừa lòng, được vui thích. Tuy nhiên, ở trong văn cảnh này, santu hī có nghĩa là tri túc, an vui, bằng lòng với những gì mà mình đang có.

+ Tri túc có nghĩa là không tham lam, và nó có những trạng thái sau đây:

1. Alaggabhāvakkhano: Có trạng thái là không dính mắc theo pháp; nghĩa là không say mê trong cảnh trần (?) [4]

2. Apariggaharaso: Có trạng thái chắc chắn trong các biện pháp là phận sự (?) [5]

3. Anallīnabhāvapadatthāno: Có trạng thái không thoả thích trong sự truỵ lạc theo trần cảnh, là quả (?) [6]

4. Yonisomanasikārapadatthāno: Có suy nghĩ rất chu đáo bằng trí tuệ để phát sanh sự không tham làm nền tảng (?) [7]

+ Muốn hiểu rõ về tri túc thì ta nên biết qua 3 trạng thái của tri túc:

1. Sekena santoso (?) [8]: Thỏa thích trong của cải mà mình đã có.

2. Santenasantoso (?): Thỏa thích trong của cải mà mình đang có được.

3. Samena santoso (?): Thỏa thích vừa phải.

(1)- Thỏa thích trong của cải mà mình đã có:

Ý nói, của nào của mình đã có thì mình nên bằng lòng, thỏa thích với sở hữu ấy, không mong cầu của cải của người khác, nên gọi là tri túc.

Có lần, tôi (tác giả), đã bị một người chất vấn rằng:

– Người chỉ biết ưa thích trong của cải, sở hữu mà mình đã có, thì người ấy không bao giờ tiến hoá được. Nếu người trong xã hội này đều tri túc như vậy hết – thì làm sao xã hội này tiến hóa được? Tại sao đức Phật lại dạy điều trái ngược với xã hội như vậy?

Tôi đáp: Câu hỏi của ông tôi không phản đối. Nhưng xin ông cho tôi biết ý kiến của ông về hai hạng người sau đây, rồi tôi sẽ xin giải cho ông rõ.

Hạng A Hạng B

Thương ta Không thương ta

Thương cha mẹ Không thương cha mẹ

Yêu vợ con Không yêu vợ con

Yêu tổ quốc Không yêu tổ quốc

Yêu nghề Không yêu nghề.

Hai hạng người này ông chỉ cho tôi biết hạng người nào ông cho là tốt và hạng nào là xấu.

Ông ấy nói: Tất nhiên hạng A tốt rồi!

Tôi nói: Thế là ông đã gián tiếp nhìn nhận tri túc, và ông hành theo hạnh tri túc vậy. Chắc ông làm cho xã hội không tiến hóa rồi? Ông cho những người hạng A là tốt nghĩa là ông thỏa thích trong của đã có, ông đã tri túc vậy.

– Tại sao?

– Tại sao nữa! Ông biết thương ta, nghĩa là đang vừa lòng, biết đủ với chính mình, bản thân mình. Ông thương cha mẹ, có nghĩa là ông đang vừa lòng, biết đủ với cha mẹ mình. Với vợ con cũng thế, có thương vợ, thương con mới vừa lòng, biết đủ – nếu không vừa lòng, biết đủ – ông đi tìm vợ con khác thì nguy to! Tổ quốc cũng vậy, nếu ông không vừa lòng, biết đủ với tổ quốc mình, ông đi tìm tổ quốc khác, làm một người con ly hương, phản quốc sao? Nghề nghiệp đang có, ông lại không vừa lòng, biết đủ, lại chạy theo nghề nghiệp khác thì làm sao có được “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”! Hãy nhận thức cho sâu sắc thử xem?

Ông ấy gật đầu: Ồ, đúng vậy! Đúng quá! Giờ tôi mới hiểu rõ cái vi diệu của tri túc. Nhưng đặt để trường hợp, tôi không vừa lòng với của cải, tài sản đang có, muốn lao động làm ăn để cho hoàn cảnh khá hơn một chút – thì có phạm vào tri túc chăng?

Tôi đáp: Cái ấy còn tùy trường hợp, ông phải tự suy gẫm lấy. Ví dụ như ta có vợ, người vợ ấy rất tốt, nhưng ta lại thích một bà khác, ta chán bà nhà, muốn đổi lấy bà khác, thế là ta không tri túc. Còn nếu như ta có bệnh ghẻ ngứa, ta không thể tri túc với cái ghẻ ngứa ấy được mà phải tìm cách chữa trị cho lành! Trường hợp trước là phải trí túc, trường hợp sau là không thể tri túc tào lao như vậy được!

Ông ta lại gật gù: Tôi hiểu rồi! Ta không dại gì tri túc với hoàn cảnh đói nghèo nếu sức ta có thể làm việc để cải thiện chúng, miễn chánh mạng là được. Ta không ngu si gì mà tri túc, khi xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh – ta lại biết đủ trong đời sống lạc hậu. Ngay chính việc làm giàu, đức Phật cũng không cấm, mà ngài dạy chánh mạng, dạy biết tri túc những nhu cầu, tiện nghi cho bản thân mình, nhưng của cải thặng dư thì phải biết cúng dường Tam Bảo, biết bố thí, san sẻ áo cơm đến người nghèo khổ…

Tôi mỉm cười: Ông đã hiểu rất chính xác.

(2)- Thỏa thích trong của cải mà mình đang có được:

Thỏa thích trong của cải mà mình đang có được, có nghĩa là thỏa thích phần của mình được vừa với sức mình, không vượt quá khả năng mình. Chẳng hạn như mình làm việc với chánh phủ hay tư nhân thì mình được số lương tương đối với khả năng của mình, mình không mong và không đòi hỏi nhiều hơn số ấy. Đành rằng ai ai cũng muốn được nhiều, nhưng trước hết phải xét lại tài ba và sức lực của mình đã. Con người vì thiếu tri túc nên lòng tham dễ có cơ hội phát sanh, khiến người ta làm những việc tội lỗi như trộm cắp, tham nhũng, hối lộ… Tri túc là tấm vách chắc bền ngăn ngừa lòng tham lam. Khi ta được của gì chính tay ta làm ra, dầu nhiều hay ít, ta cũng thỏa mãn của ấy, không nghĩ đến của bất chánh chẳng phải của mình. Ví như người đi bắt cá, mặc dầu được con cá nhỏ trong tay, còn hơn là con cá lớn ở sông sâu.

Người biết như vậy gọi là người tri túc. Con người thường bị khổ vì muốn và được. Khi hai cáimuốn và được không về với ta – là ta khổ. Khi cái muốn trong lòng gia tăng, mà cái được lại không có, thì lòng người thật là nóng nảy khó chịu, làm những điều tội lỗi, khi ấy thì không còn phân biệt phải trái chi được nữa.

(3)- Thỏa thích vừa phải:

Đây là sự tri túc cao quí nhứt.

Trong trường hợp thứ nhì trên đây, thỏa thích trong của cải mà mình có được, là phương pháp kềm hãm tâm mình không cho thỏa thích, mong muốn những vật sở hữu không phải của mình, hay thấy của kẻ khác lại muốn, mặc dầu của kẻ khác có đẹp tốt hơn của mình thật.

Còn trường hợp thứ ba này, là thỏa thích vừa phải, thoả thích của cải mình đã được đó là của mình, mình thỏa thích của cải ấy, không bồn chồn thấy được của cải của ai khác tốt đẹp hơn của mình.

Có người hỏi: Vậy sự thỏa thích trong của cải vừa phải ấy lấy gì làm tiêu chuẩn, cho biết đâu là vừa phải, đâu là không?

Người đời phần đông đều tùy theo sở thích của mình làm tiêu chuẩn. Nhưng theo Phật dạy thì nên lấy ba điều sau đây làm tiêu chuẩn.

1. Yathālābha: Vừa với địa vị.

2. Yathābala: Vừa với khả năng, sức lực.

3. Yathāsārupa: Vừa với chức phận của mình

– Vừa với địa vị: Ta là người xuất gia hay là người cư sĩ. Nếu ta là bậc xuất gia thì nên biết mình là người khác hơn thế tục, biết rằng ta là người mới xuất gia hay là vị đại đức cao hạ. Còn nếu là cư sĩ thì nên biết địa vị của mình trong xã hội. Nói rộng thêm nữa – ví dụ nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ, thương gia, lương y, nông dân, công nhân… mỗi mỗi phải biết tri túc trong địa vị của mình.

Người thiếu tri túc về địa vị, thì thường hay bị lâm vào hai tâm trạng:

a. Luôn tự cao, tự đại – hay sinh bất mãn, nghĩ mình tài giỏi mà địa vị không xứng – làm cho mọi người xung quanh không ưa thích, sinh ghét bỏ.

b. Khổ tâm vì muốn được của cải nhiều, vì tưởng rằng ta đây phải được của cải từng ấy, nhưng tại sao ta lại được ít hơn.

– Vừa với khả năng: Mỗi người đều có khả năng làm việc khác nhau. Vì vậy, khối lượng sản xuất hoặc thành quả có được – tuỳ theo khả năng của từng người, thì cố nhiên lợi tức ít hay nhiều thường được lượng định theo khả năng ấy. Vì vậy ta phải biết khả năng của mình, khi ta biết khả năng của ta, thì sẽ không bị khổ vì muốn được quá cao, quá nhiều so với khả năng của mình.

– Vừa với chức phận: Chú giải có dạy rằng: Người làm việc tùy theo chức phận của mình mà được lương bổng, đừng vội tham nhiều khi thấy người có quyền hơn mình được hưởng lương bổng hậu hĩ hơn.

Giải về tri túc đến đây cũng là vừa đủ để cho quí vị hiểu rõ – nhưng tôi còn muốn giải rõ thêm về tri túc của người xuất gia và người tại gia.

1. Tri túc của người xuất gia:

Tri túc của người xuất gia là tri túc trong tứ vật dụng: Y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc men.

Thầy tỳ-khưu có tri túc trong y phục, không ham muốn những hàng vải đẹp, luôn luôn chỉ có tam y. Có vị tri túc thọ hạnh đầu-đà không nhận y của thí chủ mà chỉ lượm lấy vải dơ của người không dùng nữa để về làm y, như sự tích của một vị đại đức sau đây:

“- Có vị tỳ-khưu vào thành lễ tháp, ngài có ý muốn được người ta dâng cúng y. Sáng ngày, đi khất thực với một vị đại đức, ngài nghĩ rằng chắc mình sẽ được y trong thành. Khi suy nghĩ như thế, thì trí tuệ lại phát sanh rồi ngài tự bảo với mình rằng: “Các bậc xuất gia chân chính không vọng móng xấu xa như thế. Người vọng móng xấu xa như thế không xứng đáng được gọi là sa-môn”. Tâm ngài chợt trở nên yên tĩnh.

Trong đêm đó, có một người vì đau bụng đi ngoài không kịp, vấy cả trong tấm chăn choàng. Người ấy đem liệng tấm chăn ở nơi đống rác. Sáng ấy, vị đại đức đi khất thực, ngài thấy trong đống rác có tấm chăn choàng, phẩn ruồi lằn bu đầy. Ngài liền ngồi xuống chắp tay xá, làm lễ rất là tôn kính. Vị đại đức đi khất thực chung, thấy vậy mới hỏi rằng: “Tại sao ngài lại làm lễ đống rác một cách trịnh trọng như vậy?”

Ngài đáp: “Tôi nào có làm lễ đống rác! Tôi làm lễ là làm lễ đức Chí Tôn là đấng Từ Phụ của chúng ta! Ngài là đấng đã vứt bỏ ngai vàng, bảy báu, đi lượm lấy vải bọc tử thi của một cô đầy tớ bỏ trong rừng làm y phục. Ngài đã làm một việc mà khó có ai làm được”.

Khi đang nói, lòng ngài rất trong sạch với Ân Đức Phật; sau đó, ngài dùng trí tuệ, phát triển thiền quán nên đắc đạo quả A-la-hán”.

Tóm lại, các bậc xuất gia nên biết chừng mực, vừa phải, trung đạo, biết tri túc trong tứ vật dụng của mình.

2. Tri túc của người tại gia:

Người tại gia thì điều quan trọng nhứt là nên tri túc trong việc vợ chồng, bằng không sẽ bị tai hại – như trong sự tích sau đây:

“- Thái tử xứ Bārā asī dẫn vợ vào rừng Tuyết Lãnh chơi. Khi ấy, thái tử trông thấy Kinnārī là một giống nửa người nửa chim, thật đẹp. Thái tử cảm cái sắc đẹp ấy nên bỏ vợ mà đi theo Kinnārī. Bà vợ là Asitābhu thấy chồng bội bạc như thế, chán nản tình đời, bà tìm đến xin tham thiền với một vị đạo sĩ. Bà đắc được tứ thiền.

Thái tử theo nàng Kinnārī đi sâu vào rừng, khi không còn lối đi được nữa, nàng bỏ mặt đất rồi bay cao. Thái tử không biết làm sao, đành trở về với vợ mình.

Khi bà vợ trông thấy thái tử vừa về đến, bà liền bay lên không, bỏ đi mất luôn. Thái tử lấy làm buồn khổ vì mất cả vợ mà không được người đẹp. Ông mới nói lời oán trách mình bằng một câu kệ với ý nghĩa là:

– Người không tri túc, là người tham lam quá mức, ước vọng không bờ bến, thì bị mất lợi lộc cũng như tôi – tôi bị mất vợ là Asitābhu cũng vì sự tham lam quá mức và cũng vì sự say đắm vô độ, không biết vừa, không biết đủ.

Khi ấy có một vị thọ thần trông thấy vậy, nghe thấy vậy mới gật đầu, nói rằng:

– Đúng vậy, người không tri túc, tham lam quá mức hằng bị mất lợi ích của mình cũng như thái tử ham mê nàng Kinnārī mà bị mất nàng Asitābhu. Con người vì tham lam, không biết tri túc nên mất lợi lạc, mất luôn cả hạnh phúc của chính mình!

Đây cũng là một bài học rất quí cho quí vị tại gia cư sĩ không biết tri túc trong ngũ trần. Sự không biết tri túc như thái tử nói trên, nếu không làm mất vợ thì cũng làm cho gia đình mất sự an vui, nếu không muốn nói là không còn tìm đâu ra sự an vui nữa. Phẩm hạnh của mình đều vì đó mà mất, vợ trước kia kính nể mình bây giờ không còn kính nể nữa. Đó là tôi chỉ nói sơ sơ thôi, mong rằng quý vị thấy cái tai hại đôi khi còn lớn hơn thế nhiều.

+ Người có tri túc hằng được những hạnh phúc là:

1. Là đại phước.

2. Dứt bỏ được các lo lắng bận rộn.

3. Xa dần tội ác.

4. Làm cho lòng mình được thơ thới.

5. Xa điều xấu, đến gần sự tốt đẹp.

6. Tự mình tạo cho mình trở nên người có đức hạnh tốt.

7. Tự mình đi dần ra khỏi khổ.

8. Hằng được an vui.

9. Luôn tự thức tỉnh lấy mình.

10. Không phạm vào điều ác.

11. Không sống chung với ác pháp.

12. Đang đi trên đường chân chánh.

13. Đang ở trong sự tiến hoá.

14. Người thích sự chân chật.

15. Người có sức mạnh về vật chất lẫn tinh thần.

16. Người hành đúng theo luân lý lễ giáo.

17. Đè nén được phiền não.

18. Tạo ra nhân lành.

19. Gọi là người hộ trì Phật pháp.

HẠNH PHÚC XXV

Kataññutā: Nết hạnh biết đền ơn người

(Tri ân)

Phạn ngữ kataññū có hai nghĩa:

1. Nghĩa thứ nhất là – biết ân người khác đã giúp mình. Ý nói, ai đã giúp gì cho ta, dầu nhiều hay ít, ta cũng không bao giờ dám quên, cứ hằng ngày niệm tưởng công ơn người đã giúp đỡ mình.

2. Nghĩa thứ hai là – người làm việc lành, rồi chính việc lành ấy sẽ giúp ta. Ý nói, phước có đặc ân giúp đỡ chúng sanh khỏi nạn tai và đưa chúng sanh đi đến nơi an lạc là thiên đàng hay Niết-bàn tùy theo hành động của người tạo tác phước sự.

Đức Phật có dạy rằng: Trong thế gian nầy có hai hạng người khó tìm nhất:

1. Pubbakārī [9]: Người thi ân mà không cần báo. Đó là đức Phật, cha mẹ, thầy tổ.

2. Kataññū: Người biết ơn và cố tìm phương cách để trả ơn cho xứng đáng. Hạng người nầy chỉ có thể tìm được ít nhiều trong hàng Phật tử chơn chánh, còn ngoài đời cũng có nhưng rất hiếm.

Tại sao đức Phật dạy hai hạng người này là khó kiếm?

Vì con người phiền não dẫy đầy trong tâm, nên khi làm ơn được việc nào – trong thâm tâm còn muốn người thọ ơn phải biết ơn, nếu không trả ơn, ít nhất cũng phải nhắc nhở và ca tụng họ. Ít người giúp đỡ kẻ khác bằng tấm lòng từ ái mà không nghĩ gì tới sự nhớ ơn hay đền ơn của kẻ đã thọ lãnh sự giúp đỡ của mình.

Người làm ơn trên thế gian rất nhiều – nhưng người làm ơn vì lòng từ ái thì thật là ít. Nhưng người biết ơn lại càng ít hơn. Người được sự giúp đỡ bất cứ bằng tấm lòng vị tha hay dục lợi, cũng chẳng nên quên ơn người, mà nên luôn luôn ghi lấy ơn ấy vào thâm tâm để tìm phương thế trả ơn lại.

Đức Phật dạy: Người không biết ơn ấy, thì ta có cho họ quyền chức, sang giàu hay cứu sanh mạng họ, họ cũng không bao giờ nhớ ơn ta.

Đức Phật còn dạy: Người không biết ơn ấy, chúng ta có cho họ một khối vàng to bằng quả địa cầu xong, họ cũng không hề biết ơn ta.

Sự tích sau đây cho thấy trò đời “làm ơn trả oán”:

“- Khi xưa đức Bồ Tát sanh làm voi chúa ở trong rừng Tuyết Lãnh. Ngày nọ có một người thợ săn đi lạc. Bồ Tát voi chúa trông thấy người ấy lấy làm thương hại, mới để người thợ săn ấy trên lưng đưa ra tới ven rừng. Khi ngồi trên lưng đức Bồ Tát, anh thợ săn để ý tới từng khóm cây, từng lối đi; hắn định bụng rằng, thế nào cũng phải trở lại đây để lấy cặp ngà của voi chúa, vì nó rất đẹp và có chiếu hào quang ngũ sắc, đem bán chắc sẽ được rất nhiều tiền.

Quả nhiên không bao lâu sau, anh thợ săn ấy trở lại tìm voi chúa Bồ Tát và dám cả gan mở lời xin cặp ngà. Đã gọi là Bồ Tát thì sự bố thí là phạm hạnh của ngài, nên khi anh thợ săn xin, thì ngài vui lòng cho liền, không hề mến tiếc. Tên thợ săn thấy ngà to và dày, không thể lấy hết được, nên y chỉ cưa lấy một đoạn. Tên thợ săn trở lại lần thứ nhì và lần thứ ba nữa, lần này ngà còn cụt, nên y phải đẽo, đục vào sâu bên trong để lấy ngà. Sau khi lấy được đoạn ngà chót, tên thợ săn rất lấy làm vui thích, mang về. Voi chúa Bồ Tát thì quằn quại trên vũng máu, nhưng vẫn không buồn than hay phiền hà gì hết; trái lại rất vui lòng, vì đã làm được một việc rất khó khăn – là bố thí một phần sanh mạng – tức là bố thí đến bờ cao thượng.

Quả địa cầu to lớn và sâu dày này, có thể chở nổi núi non vạn vật, nhưng chở không nổi tội lỗi của con người độc ác, bạo tàn như thế, nên đất nứt ra và hắn ta bị đất rút chết, sau khi vừa đi khuất tầm mắt của voi chúa Bồ Tát. Tên thợ săn bị sanh vào A-tỳ địa ngục để trả cái quả độc ác khốn nạn ấy”.

Chuyện này cho thấy rằng, người không biết ơn, dầu chúng ta có cho họ làm Chuyển luân Thánh vương cũng vẫn không biết ơn như thường.

Trái lại có sự tích của người biết đền ơn người, dầu cho một muỗng cơm cũng không hề quên.

“- Ngày kia, đại đức Xá-lợi-phất vào thành khất thực nhưng không được một hột cơm nào. Khi trở về, gặp một thầy bà-la môn tên Rādha dâng cho ngài một muỗng cơm. Về sau ông Rādha già và rất nghèo, lại muốn xuất gia, nhưng không có vị đại đức nào nhận làm thầy thế độ.

Đức Thế Tôn mới phán hỏi rằng: Có vị tỳ-khưu nào có duyên với thầy bà-la-môn nầy không?

Đức Xá-lợi-phất bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử có duyên với thầy bà-la-môn nầy, vì có lần, ông ta đã nhịn phần ăn của mình để dâng cho đệ tử một muỗng cơm!”

Rồi đức Xá-lợi-phất xin làm thầy thế độ cho ông Rādha.

Đức Thế Tôn khen ngài Xá-lợi-phất là người biết ơn mặc dầu chỉ một muỗng cơm”.

Đức Thế Tôn còn cặn kẽ dạy rằng, người trí thức khi núp bóng mát dưới cội cây xong, lúc ra đi cũng không nỡ bứt

một lá cây mặc dầu cây là loài vô tri vô giác – vì các ngài

nghĩ đến ơn của bóng cây.

Đây cũng là một chuyện biết ân khác của ngài Xá-lợi-phất:

“- Khi còn du sĩ hành cước, đang đi tầm đạo giải thoát, ngài gặp được đại đức Assaji đang đi khất thực trong thành Vương Xá. Đức Xá-lợi-phất trông thấy đại đức Assaji lục căn thu thúc, dáng người thong dong tự tại, thật là người đã thoát ly trần tục; ngài lấy làm trong sạch và kính thành, muốn đến gần hỏi đạo, nhưng vì lòng kính nể không dám kinh động, nên cứ lặng lẽ theo sau đại đức mãi. Khi đến nơi vắng vẻ, đại đức Assaji sửa soạn thọ thực; ngài liền lo múc nước rửa chân, nước uống, lót tọa cụ làm chỗ ngồi, dâng vật thực; và ngồi một bên hầu đại đức, đợi sau khi thọ thực xong mới hỏi:

– Bạch ngài, ngài là bậc có lục căn thu thúc, tinh thần thoát tục, ngài xuất gia theo giáo pháp nào? Ai là Tôn Sư của ngài? Ngài học giáo pháp ấy với ai?

Đại đức Assaji đáp:

– Này chàng du sĩ trẻ tuổi! Ngài Đại Sa-môn dòng Thích Ca là tôn sư của bần đạo. Bần đạo xuất gia với ngài, và hành theo giáo pháp của ngài.

Đức Xá-lợi-phất hỏi tiếp:

– Đức Tôn Sư của ngài dạy ngài những pháp gì?

Đại đức mới nghĩ: Các người ngoại đạo thường hay chỉ trích và phản đối Phật giáo; nhưng người du sĩ này tướng hảo cao sáng, ăn nói lễ độ – thật là một nhân cách quý hiếm – vậy trong chừng mực nào đó, ta sẽ tìm cách mở sáng mắt cho ông ta. Rồi đại đức khiêm tốn nói rằng:

– Nầy chàng du sĩ! Bần đạo chỉ là hạng sơ căn, lại mới xuất gia theo giáo pháp cao thượng của đức Toàn Giác chưa được bao lâu, nên không thể thuyết những pháp cao siêu của đức Tôn Sư cho ông hiểu được.

Ngài Xá-lợi-phất thành khẩn quỳ lạy ôm chân bụi của đại đức, tha thiết nói:

– Bạch ngài sa-môn! Đệ tử tên là Upatissa (tên khi chưa xuất gia). Trước đây đệ tử cũng đã từng làm trưởng giáo coi sóc một hội chúng thanh niên bà-la-môn – nhưng đệ tử vẫn đang còn tối tăm trên con đường thoát khổ. Vậy xin ngài từ bi thuyết cho đệ tử nghe những pháp tinh yếu, căn bản nhất – dù vài câu vài lời cũng được. Đệ tử sẽ tự tìm hiểu, suy gẫm bằng trí óc phàm phu của mình!

Đại đức Assaji nghe lời thưa bạch, biết là bậc thượng căn nên gật đầu:

– Hiểu rồi! Vậy thì bần đạo sẽ tóm tắt giáo pháp cao siêu, như chân như thật của đức Tôn Sư – hãy lắng tai để nghe, lấy trí để biết, thấy và liễu tri:

“Ye dhammā hetuppabhavā

Tesa hetu Tathāgato

Āha tesa ca yo nirodho

Eva vādī Mahā Samano!”

Nghĩa là: Các pháp phát sanh do bởi một nhân. Nhân ấy, đức Như Lai đã chỉ rõ. Và ngài cũng đã chỉ dạy nguyên lý để dập tắt nhân ấy. Chính đó là lời giáo huấn của bậc Đại Sa-môn.

Sự thật với bài kệ rất vắn ấy, đại đức đã dạy rất cô đọng về Tứ Diệu Đế [10]. Đức Xá-lợi-phất đắc quả Tu-đà-hoàn ở câu kệ thứ nhì.

Sau lại đại đức Xá-lợi-phất xuất gia với đức Thế Tôn và đắc quả A-la-hán, ngài là đại đệ tử của đức Thế Tôn.

Không bao giờ ngài quên ơn thầy trong bài kệ đầu tiên cho ngài. Hằng ngày, nếu ngài biết đại đức Assaji ở hướng nào, ngài day mắt qua hướng ấy làm lễ tỏ lòng kính trọng.

Các thầy tỳ-khưu thấy vậy mới vào hỏi đức Thế Tôn và nói rằng: “Đức Xá-lợi-phất hằng ngày lễ bái hướng này hướng nọ như kẻ ngoại đạo”.

Đức Phật đã hiểu rõ vì sao, nhưng ngài vẫn hỏi lại đại đức Xá-lợi-phất. Đức Xá-lợi-phất đáp với ý rằng, đệ tử hằng lễ bái như thế vì đệ tử biết rằng đại đức Assaji ở về hướng ấy.

Đức Thế Tôn mới khen ngài Xá-lợi-phất là người biết ơn”.

Tôi viết đến đoạn này thấy có chỗ rất khó lý giải, vì trong bộ chú giải của hạnh phúc thứ XI dạy nết hạnh phụng sự mẹ cha, và hạnh phúc thứ XIII dạy cúng dường đến bậc đáng cúng dường – cả hai hạnh phúc này đều thuộc về biết ơn người. Rồi tại sao hạnh phúc 25 (XXV) lại dạy Nết hạnh biết đền ơn người? Tôi đã cố tìm hiểu, mới thấy câu phạn ngữ dạy rằng: Kataññutāya sappurisabnūmiya thatvā (?) – nghĩa là nết hạnh biết đền ơn người – người ở đây là người thuộc thành phần trí thức đạo hạnh.

Vậy thì sự biết ơn người trong hạnh phúc XXV nầy thuộc về sự biết ơn cao thượng hơn những pháp trước, nghĩa là sự biết ơn hạng trí thức đạo hạnh. Nhưng tại làm sao ta lại đặc biệt biết ơn hạng trí thức đạo hạnh?

Sự biết ơn của người thường là khi nào chính ta thọ ơn của người nào thì nghĩ cách trả ơn cho người ấy. Các bậc trí thức đạo hạnh lại khác hơn ta. Mặc dầu không trực tiếp được người làm ơn giúp đỡ gì, nhưng khi thấy người kia làm ơn hay giúp đỡ kẻ khác, bằng cách nào đó, khi có thể giúp được, không nghĩ đến dục lợi – thì các bậc trí thức đạo hạnh cùng cảm phục lòng tốt ấy và vẫn biết ơn người ấy. Đồng thời cũng nghĩ đến sự đền đáp công ơn, nếu gặp dịp có thể giúp được – vì các bậc trí thức đạo hạnh nghĩ cũng như đã thọ ơn của người ấy. Đây là sự biết ơn rất cao thượng mà ít ai nghĩ và hành động được như vậy . Nên hạnh phúc XXV dạy biết ơn là như thế.

+ Sự biết ơn người có những hạnh phúc là:

1. Là bậc trí thức.

2. Ai ai cũng ca tụng công đức.

3. Là nguyên nhân cho người đắc được pháp cao thượng là đạo quả và Niết-bàn.

4. Là nguồn của phước.

5. Là người không dễ duôi.

6. Là người có pháp cao quí trong tâm.

7. Là người làm lợi ích cho đời mình.

8. Là người hộ trì Phật pháp.

9. Là người theo con đường của bậc trí thức.

10. Là người có nhiều bạn lành.

11. Là người có những đức tính cao thượng.

HẠNH PHÚC XXVI

Kālena dhammassavana : Nết hạnh tùy thời nghe pháp

(Đúng thời nghe chánh pháp)

Xét lời dạy của đức Thế Tôn, chúng ta thấy ngài rất quan tâm đến tín đồ, nên ngài dạy: “Tuỳ thời nghe pháp”; vì hễ người còn được nghe pháp, thì còn có người hành theo thiện pháp và do đó, Phật pháp sẽ trường tồn. Đức Thế Tôn còn dạy những ngày trong tháng, thiện tín nên hội lại để nghe pháp, đó là mùng tám, rằm, hai mươi ba và ba mươi. Nếu tháng thiếu là ngày hai mươi chín.

+ Thời giờ nhứt định của sự nghe pháp có hai phần:

1. Buddhapaññatti [11]: Là những học giới mà đức Phật đã chế định, ấy là luật. Những ngày kể trên chư tăng hội lại để nghe những điều học, học giới.

2. Buddhavāda: Lời giáo huấn của đức Phật. Đây là những thời nghe pháp không nhứt định ngày; nghĩa là khi nào có dịp làm phước ở nơi nào, thí chủ cầu xin đức Phật bố thí pháp cho. Nếu không có đức Phật thì họ yêu cầu chư đại đức thuyết pháp. Trong trường hợp nầy, nguyên nhân nghe pháp là: Vì tâm thí chủ bị phiền não nhiễu nhương muốn tìm phương pháp sửa trị, nên thỉnh đức Phật thuyết pháp; hay sau này khi đức Phật nhập diệt rồi, Phật tử thưa thỉnh chư thánh hay phàm tăng thuyết pháp.

+ Trong tạng kinh, đức Thế Tôn dạy thời giờ đem sự hạnh phúc cho chúng sanh có 4 “tùy thời”:

1. Tùy thời nghe pháp.

2. Tùy thời vấn đạo.

3. Tùy thời thuyết pháp.

4. Tùy thời hành minh sát tuệ.

* Nghe thuyết pháp – có ba hạng khác nhau sau đây:

(1) Nghe thuyết pháp để lấy phước.

Hạng người nầy nghe nói đi nghe thuyết pháp có phước lớn, họ liền đi theo để nghe, khi nghe chỉ là nghe thôi chớ không thấu hiểu giáo lý. Hoặc họ là người đang say rượu phát tâm trong sạch vào nghe pháp, khi nghe không hiểu gì hết. Tuy vậy không phải là vô ích, vẫn được phước như thường, chỉ có điều là không được trí tuệ, nghĩa là không hiểu ý nghĩa của pháp để hành theo thôi.

Sau đây là sự tích về hạnh nghe pháp:

“- Trong thời kỳ đức Phật Kakusandha có một con gà mái ở gần nơi cư ngụ của chư tăng. Thường ngày gà được nghe tiếng thuyết đạo, vấn đạo và đọc kinh của chư tăng lấy làm vui tai thích nghe. Sau lại, gà bị chủ giết để ăn thịt. Nhờ quả báo của sự nghe kinh ấy nên gà được sanh làm công chúa tên Uppharī, sau đó trong sạch xuất gia theo ngoại đạo. Ngày nọ, trong khi đi cầu, bà trông thấy bọ dòi lúc nhúc đang giành nhau ăn phẩn trong cầu. Lấy làm chán nản, bà thấy đám bọ dòi ấy ví như chúng sanh, đang tranh giành nhau miếng mồi danh lợi – mà những miếng mồi ấy – là đồ rất bẩn thỉu, là vật rất nhờm gớm mà các bậc thánh nhơn hằng chê bỏ không khi nào ngó đến. Bà giữ được đề mục quán tưởng ấy, đắc định, được sanh vào cõi phạm thiên. Từ cõi phạm thiên, hết năng lực thiền định, bà sanh làm con của một người trưởng giả; hết kiếp con của trưởng giả lại sanh làm heo ở thành Xá Vệ. Khi trông thấy đức Thế Tôn, heo phát tâm trong sạch; nhờ quả ấy nên sanh lại làm con gái ở xứ Suva aphuma. Rồi kiếp chót bà được sanh làm nàng Sumanā ở xứ Anuruddhapūrī. Kể từ kiếp gà đến kiếp ấy là hai mươi mốt kiếp. Khi ấy có vị đại đức tên là Mahātula ở chùa Koti trên núi, thấy cô Sumanā, ngài mới nói vị các vị tỳ-khưu rằng: “Các thầy hãy coi kìa! Con heo ấy đã sanh lại rồi, và lại được làm vợ của vị đại thần.” Nhờ sự nhắc nhở ấy, bà nhớ lại tiền kiếp, nên bà xin chồng cho phép xuất gia. Sau khi xuất gia xong, bà cố hết sức hành minh sát tuệ nên đắc Tu-đa-hoàn quả, sau đắc A-la-hán”.

Theo chuyện nầy, việc nghe pháp đem lại hạnh phúc cao thượng đến cho ta

, mặc dầu nghe, nhưng không thấu triệt pháp bảo, cũng có quả báo rất là cao thượng, mà cũng là duyên lành để ta đắc được đạo quả sau nầy.

(2) Nghe pháp để tìm hiểu lý lẽ của pháp. Ý nói người nghe pháp để hết tâm trí vào sự nghe, tâm không vọng động, không xao lãng – hầu đạt thông lý lẽ cao sâu mầu nhiệm của pháp. Người ấy sẽ đạt được nhiều lợi ích – như sự tích của thầy tỳ-khưu trẻ tuổi sau đây:

“- Có một thầy tỳ-khưu nghe tin một vị đại đức thuyết về sự tích Vessantara trong túc sanh truyện. Trong tích ấy có cả thảy một ngàn câu kệ. Từ chùa, thầy tỳ-khưu đi tới nơi thuyết pháp xa một do tuần (16 cây số ngàn) nhưng ông cũng ráng đi đến để nghe. Vì sự cố gắng đi hàng mười sáu cây số ngàn, nên mệt mỏi, ông không thể thuộc hết ngàn câu kệ, chỉ thuộc được đoạn đầu và đoạn sau. Ông rất tiếc nên khóc. Có một thiện nam thấy vậy, bèn hỏi han tự sự. Sau khi nghe hiểu, người thiện nam ấy mới vào hầu vị đại đức và thuật lại câu chuyện thương tâm của vị tỳ-khưu trẻ. Động mối bi tâm, vị đại đức mới nói rằng: Thôi được rồi, đợi khi nào ông ấy trở lại đây, ta sẽ thuyết lại cho mà nghe, mà học!”

Sáng ngày đại đức kể lại truyện tích Vessantara, vị tỳ-khưu trẻ tuổi nghe thuộc nằm lòng, cảm xúc sâu sắc gương bố thí cao thượng của Bồ Tát – phát sanh tâm tịnh tín bất động, đắc quả Tu-đà-hoàn”.

Trong tích nầy ta thấy rằng nghe pháp như vậy mới thực là nghe, mới là nhân đem lợi ích hạnh phúc cao thượng đến cho chúng ta.

(3) Nghe pháp để hành theo. Ý nói người nghe pháp nhớ những pháp ấy rồi hành theo pháp. Người ấy sẽ được an vui trong kiếp nầy và vị lai.

Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Nầy các thầy tỳ-khưu! Người nào kinh sợ luân hồi, khổ – khi nghe pháp, làm sao cho pháp ấy thấm nhuần vào xương tủy, tâm tư; cố gom tâm lại, tụ lại – chỉ còn có pháp mà thôi; khi ấy năm pháp trở ngại (nīvara a) [12] của các vị ấy sẽ lắng yên và bảy pháp bồ-đề [13] phát sanh đầy đủ – đó là quả của sự nghe pháp”.

+ Sự nghe pháp cố 4 điều lợi:

1. Atthikatvā [14]: Khi nghe pháp, cố không có tâm phóng túng, cố thuộc pháp ấy vào tâm.

2. Manasikāra [15]: Dùng trí tuệ quan sát những pháp đã nghe.

3. Sabba cetasā manā haritvā [16]: Thu thúc tâm lại, không để tâm phóng túng, để tâm vào pháp đang nghe làm cho tâm được an định.

4. Ohitasota: Để tâm nghe thật sự.

+ Quả báo của nghe pháp là:

1. Nghe được những điều chưa từng nghe.

2. Làm cho tâm ghi nhớ và tìm hiểu sâu thêm pháp của mình đã nghe rồi.

3. Diệt bỏ được những sự nghi ngờ.

4. Làm cho trở nên người có chánh kiến.

5. Nghe pháp làm cho tâm được trong sạch.

+ Sự nghe pháp đem lại những hạnh phúc là:

1. Là đại phước.

2. Được nghe pháp mà chưa từng nghe.

3. Hiểu được pháp đã nghe rồi.

4. Diệt được sự nghi ngờ.

5. Trở thành chánh kiến.

6. Tâm trong sạch.

7. Diệt được ba điều suy nghĩ xấu xa là: Suy nghĩ trong trần dục, suy nghĩ làm hại người, suy nghĩ cột oan trái [17].

8. Trở nên người trí thức.

9. Là duyên lành dành về ngày vị lai.

10. Là nhân diệt phiền não.

11. Là nhân làm cho ta mau đắc đạo quả.

12. Là nhân làm cho ta đắc được thất bồ-đề phần.

13. Làm cho trí tuệ và trí nhớ tăng trưởng.

14. Giữ được phẩm hạnh của bậc trí thức.

15. Làm cho thân tâm được an vui thơ thới.

16. Làm cho giải thoát khỏi luân hồi.

[1] Thường thì chư tỳ-khưu đi chân đất – nhưng có trường hợp các vị hành đạo hoặc du hóa ở các xứ có đá tai mèo lởm chởm, chỗ nhiều gai góc… thì đức Phật cho phép mang các loại dép bện bằng cỏ, lau sậy, da vỏ cây…

[2] Cách giải thích của pháp sư được lấy ý từ Duy Thức (tiền đại thừa) khi luận này định nghĩa về pháp: Nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải. Có nghĩa là, pháp tự nó duy trì, bảo nhậm tính chất riêng của mình – từ đó, nó sanh ra những quy phạm, mẫu mực, phép tắc có thể lý giải mọi vật, mọi hiện tượng. Theo Theravāda thì pháp ấy là sự thật, là chân lý; pháp ấy có 5 đức tính: Thiết thực hiện tại (nơi sự sống đang là), vượt thời gian (không quy định trong thời gian), đến để mà thấy (quay đầu là bờ), có khả năng hướng thượng(chánh niệm trên đất thực), tự giác hiểu trong tâm.

[4] Alaggabhāva: Điều kiện không dính mắc, dính líu; không bị cột, bị trói.

[5] Apariggahita: Không chiếm cứ, không có sở hữu.

[6] Bhāva: Điều kiện, bản tính… Padatthāna: Nguyên nhân gần nhất.

[7] Yonisomanasikāra: Như lý tác ý (Khởi tâm đúng ới lý như thật). Padatthāna: như chú thích 36.

[8] Santosa: Sự vui vẻ, sự vừa lòng.

[9] Pubbakārī: Hành động trước, người làm trước (Tất cả sự giải thích của pháp sư – đều có tính chất triển khai, thường đi xa nội hàm của ngữ nghĩa).

[10] Giải thích cho rõ: Các pháp phát sanh là do định luật duyên khởi; chính vì định luật tùy thuộc phát sanh này ( Tập đế) mà có sanh lão bệnh tử sầu bi ưu não – và đây là sự thật về khổ (Khổ đế). Do bởi một nhân là ái dục. Và nguyên lý để diệt tắt nhân ấy (Diệt đế) – chính là bát chánh đạo (Đạo đế).

[11] Paññatti: Nghĩa theo Abhidhamma thường được hiểu là mô tả, khái niệm – nhưng theo kinh và luật nó có nhiều nghĩa: Chỉ định, đặt tên, quan niệm, ý tưởng, lệ luật – ngữ cảnh của câu này, có nghĩa là chế định những giới điều, những học giới.

[12] 5 pháp cái, 5 triền cái – tức là 5 pháp quấn, vấn (triền), che lấp tâm trí (cái) – đấy là: Hôn trầm, thụy miên; nghi, sân, phóng tâm, dục.

[13] Thất giác chi hoặc thất bồ-đề phần: Niệm, trạch pháp, tấn, hỷ, an, định, xả.

[14] Giống như chú thích 89 – từ Pāḷi ở đây không có nghĩa như vậy – do Atthi là có, được và Katvā, nghĩa là đã làm (động từ Karoti).

[15] Từ này cũng vậy, nó chỉ có nghĩa là hướng tâm, tác ý, khởi tâm; đôi nơi dịch là suy xét kỹ.

[16] Câu này có nghĩa là mang đi tất cả những tâm ý xấu ác.

[17] Dục tư duy, hại tư duy, sân tư duy.

KỆ NGÔN VIII

HẠNH PHÚC XXVII

Khantī: Nhẫn nại

Khantī, nghĩa là nhịn nhục, nhẫn nại. Tuy nhiên, nó còn có nhiều nghĩa nữa – như thiêu đốt các sức mạnh của tội ác, ngăn đón phiền não, vắng lặng phiền não, đè nén hoặc diệt trừ các pháp ác, là đạo binh hùng để ngăn chặn tội lỗi phát sanh. Nhưng đây tôi xin giải riêng nghĩa nhẫn nại thôi.

Nhẫn nại có nghĩa là nhịn nhục và nín thinh.

Khi người lớn la rầy kẻ dưới, dầu oan, kẻ dưới vẫn nín thinh, không trả lời lại – hoặc vì lễ nghi hay vì quyền lợi, đó không gọi là nhẫn nại, mà gọi là nín thinh, ráng mà chịu đựng vì sợ. Tạm gọi là nín nhịn.

Trái lại, người dưới mình, nhỏ hơn mình, nói nặng lời hay mắng chửi hoặc làm điều gì cho mình bực tức, đau khổ mà mình không cãi lại hay không làm hại người ấy, như thế mới gọi là nhẫn nại.

Có câu Phạn ngữ dạy rằng: Bhāyahi se havaco khamatha sara bhahetu pana sādisassa, nghĩa là: Người chịu đựng sự la rầy mắng nhiếc của người có quyền chức lớn hơn mình, nín chịu với người ngang hàng mình, thì chỉ mới là nín nhịn. Người nào nhịn chịu sự mắng nhiếc, rầy la, khinh bỉ của người nhỏ hơn mình, mới thật sự được gọi là nhẫn nại.

Chú giải câu Phạn ngữ ấy có dạy rằng: Từ gọi là nhẫn nại có nghĩa là chịu đựng được với những lời của kẻ dưới mình, như người dưới quyền, nhỏ hơn, gia đình thuộc hạng bần tiện, người nhịn chịu được với những hạng người ấy mới gọi là nhẫn nại cao thượng.

Sự nhẫn nại ví như lửa để thiêu đốt phiền não. Đức Phật có dạy: Thiện nam, tín nữ nào thương kính Như Lai thì nên hành hạnh nhẫn nại.

Phương ngôn có câu: “Gặp Phật thì tu, gặp quỷ thì trừ”[1]. Gặp Phật thì tu là chuyện đã đành, vì đức Phật dạy ta làm lành lánh dữ, và ta là người muốn được an vui, thoát khổ, tức nhiên muốn gặp Phật, thì khi gặp là tu. Còn câu gặp quỷ phải trừ, vậy phải trừ bằng phương pháp nào đây? Câu phương ngôn nói trên đúng được một phần, là gặp Phật phải tu. Còn phần sau thì Phật giáo không thể nhận được, vì chủ trương của Phật là bao giờ cũng nhẫn nhịn, nên tôi xin chữa mệnh đề đi sau ấy là: Gặp quỷ ta cần phải tu nhiều hơn. Vì quỷ là nhân làm cho ta uất ức, buồn phiền, mà ta nhịn chịu được như thế mới thấy ta tu, nhược bằng gặp quỷ ta tranh đấu với quỷ, thì ta cũng là quỷ, chớ không còn là người tu nữa. Theo tôi, những quỷ ấy là nhân thử thách coi ta tu tới mức độ nào. Vì vậy, gặp quỷ là nhân ta đem ra thử lòng nhẫn nại của ta. Quỷ không khác là lửa, mà hạnh nhẫn nại của ta quí như vàng. Nhờ có lửa ta mới có dịp thử được tuổi vàng mà ta có.

+ Nhẫn nại có ba tác dụng:

1. Titikkhā [2] khantī: Nhẫn nại do oai lực của sự nhịn chịu. Ý nói đè nén tâm không cho tâm chạy theo tham lam, sân hận, si mê, không cho phiền não biểu lộ ra ở thân, khẩu, ý. Người mà nhẫn nại như thế thì làm cho giới được trong sạch.

2. Tapakhantī [3]: Sự nhẫn nại là một thứ lửa thiêu đốt phiền não bậc trung bằng thiền định. Ý nói người nhẫn nại hành thiền định để diệt trừ phiền não bên trong.

3. Adhiva akhantī [4]: Nhẫn nại có công năng đè nén làm cho phiền não được vắng lặng; ngoài ra ta còn cần tu tập thiền quán minh sát tuệ; nghĩa là do nơi minh sát tuệ ta mới có thể nhổ tận phiền não ngủ ngầm – là thụy miên phiền não trong tâm – rất khó tận diệt.

+ Nhẫn nại có ba đối tượng.

1. Nhẫn nại với sự khổ: Khi bị bệnh tật, ốm đau hoặc bất kỳ vết thương nào tác động lên thân – người có pháp nhẫn nại trong tâm thường không rên la, than oán gì cả.

2. Nhẫn nại với sức cực nhọc: Khi làm việc nhiều, đổ mồ hôi, sôi nước mắt để kiếm bát cơm, mạnh áo; lúc phải gánh vác những công việc nặng nề để đỡ đần cho vợ, cho con – người có pháp nhẫn nại trong tâm thường không buồn phiền, than khổ, than cực – vẫn lặng lẽ làm xong phận sự của mình.

3. Nhẫn nại với chuyện đau lòng: Khi gặp sự trái ý nghịch lòng, người thân lâm cảnh bất hạnh, tử biệt sinh ly, gặp phường bạc nghĩa vô ơn, những chuyện thương tâm – người có pháp nhẫn nại trong tâm không hề than van oán trách, chẳng bao giờ nói xấu ai, phê phán ai, không đem chuyện này nói với người kia, đem chuyện kia nói với người nọ.

Các câu nầy có ý nói khi bị người chê bai, chỉ trích cũng chẳng hề quan tâm để ý, đúng theo Phật ngôn dạy: Tasseva tena āpiyo yo kuddha patikujjhati: Người mà giận trả lại người giận mình, người ấy càng tệ hơn người giận mình.

Sự nhẫn nại, nói theo pháp chính là adosa citta, nghĩa là tâm vô sân, tâm nầy thuộc về tâm đại thiện, phạn ngữ gọi là mahākusala.

Tâm không sân là trạng thái tâm không cột oan trái, có sự không nóng nảy là phận sự, có sự mát mẻ là hiện tượng, có tâm rất thận trọng là nhân, làm cho nhẫn nại phát sanh.

+ Thái độ của nhẫn nại là:

1. Khi bị người chửi mắng – thì làm như không hay, không biết gì hết.

2. Lại còn làm như không thấy cả người đang chửi mắng mình nữa.

3. Chỉ biết để tâm vào thiền định.

4. Cố dạy tâm mình hay đè nén tâm không cho vọng động vì những chuyện bên ngoài, ví dụ chuyện trái ý, nghịch lòng.

5. Cố đến gần thiện pháp và xa các ác pháp như oan trái, oán thù, làm hại người…

6. Không hung dữ.

7. Không làm cho người bi lụy, nghĩa là không làm cho ai bị tổn thương, đau đớn – chỉ biết làm cho người vui vẻ, hoan hỷ với thiện sự.

8. Tâm được thư thả, nghĩa là luôn luôn có an lạc.

Chú giải có dạy rằng: Tỳ-khưu có lòng nhẫn nại là người có tánh cách làm như điếc, không cần nghe những lời của kẻ khác khen hay chê, rầy la hoặc chửi mắng. Cao độ và cao thượng nhất là nhẫn nại với tâm từ, tâm xả – như vị đạo sĩ tên Khantīvādī hằng cố gắng làm cho tâm mình trong sạch bằng đức tánh nhẫn nại trước sự hành hạ tàn nhẫn của ông vua say rượu độc ác. Hoặc như đại đức Pu a mà đức Thế Tôn tuyên dương công đức là người nhiều nhẫn nại nhứt trong hàng đại đệ tử Phật. Tôi xin lần lượt nhắc cả hai sự tích ấy theo túc sanh truyện.

* Chuyện đạo sĩ Khantīvādī

“- Trong thời quá khứ, đức Bồ Tát sanh vào dòng bà-la-môn Kunda ở tại kinh đô Bārā asī. Ngài xuất gia làm đạo sĩ ở tại rừng Truyết Lãnh rất lâu. Ngày nọ, ngài về thành Bārā asī, nghỉ ngơi tại vườn thượng uyển. Lúc ấy, đức vua Bārā asī tên là Kulāpu uống rượu say, dẫn phi tần vào vườn thượng uyển chơi. Đức vua vì say nên ngủ quên. Các phi tần thấy vua ngủ, nên tản mác đi chơi đây đó, gặp vị đạo sĩ đang ngồi dưới cội cây, mới rủ nhau đến làm lễ và nghe pháp.

Sau khi tỉnh rượu, đức vua không thấy có một phi tần nào hầu hạ bên cạnh, bực quá, ông xách gươm đi tìm. Khi ấy có một vương phi được vua yêu nhứt, giựt lấy gươm của ông vì sợ ông nổi hung tính. Khi vua đến cội cây, thấy đám phi tần đang cung kính vây quanh đạo sĩ và đang chăm chú lắng nghe pháp – và dường như không thèm biết đến sự có mặt của ông. Đùng đùng nổi giận, nhưng đức vua cũng cố kềm chế, cất giọng hỏi:

– Nầy ông đạo sĩ! Ông đang tu cái gì và ông dạy người ta những cái gì?

– Tâu Đại vương! Bần đạo hằng tu theo pháp nhẫn nại và cũng thường dạy về pháp nhẫn nại.

– Nhẫn nại là cái quái gì vậy?

– Thưa, nhẫn nại – nghĩa là gặp bất cứ trường hợp nào cũng không sân hận, dù bị kẻ khác chửi mắng, đánh đập, khinh bỉ hoặc nhục mạ mình thế nào chăng nữa.

Nghe vậy, đức vua mỉm nụ cười cay độc, nói lớn rằng:

– Nếu vậy, ta sẽ xem ngươi có pháp nhẫn nại ấy hay không!

Rồi ông truyền lệnh cho đám quân hầu:

– Tụi bây hãy đè vị đạo sĩ nầy xuống, lấy roi, quất cho mạnh vào khắp chân tay, thân thể, mặt mũi ông ta – xem thử ông ta có pháp nhẫn nại không?

Bọn vệ sĩ làm y theo lời. Nhìn vị đạo sĩ với thân thể, y áo rách nát tả tơi, lấm lem, bê bết máu – đức vua gặng hỏi:

– Pháp nhẫn nại của ngươi như thế nào? Ngươi có dám nhẫn nại nữa hay không?

Đạo sĩ đau đớn quá nhưng ráng ngồi dậy, bình tĩnh đáp:

– Tâu Đại vương! Ngài đã lầm rồi! Pháp nhẫn nại ấy nó không nằm nơi thịt, nơi da của bần đạo – thì dù cái thân này có bị hành hạ cách mấy, bần đạo vẫn còn có pháp nhẫn nại như thường!

Nổi giận xung thiên, đức vua hét:

– Thế thì bọn bây hãy chặt tay, chặt chân của hắn ta, xem thử hắn có còn nhẫn nại hay không?

Đám vệ sĩ y lời. Trông đạo sĩ bây giờ thật là thê thảm. Tuy nhiên, khi tay chân đứt lìa, đạo sĩ vẫn không rên la, không quằn quại – lại còn mỉm cười, gượng sức, nói:

– Đại vương lại lầm lẫn nữa rồi! Nhẫn nại ấy nó không nằm nơi chân, nơi tay – mà nó nằm trong tâm của bần đạo!

Vua cảm giác mình bị chạm tự ái bởi ông đạo sĩ lì lợm – tím mặt quát:

– Vậy thì hãy lắt mũi, xẻo tai… ông ta luôn!

Rồi đức vua lại hỏi, đạo sĩ lại đáp, đại ý là nhẫn nại nó không nằm nơi mũi, nơi tai, mà nó ở trong tâm!

Đức vua hoàn toàn thua cuộc, bất lực, tức giận quá không biết làm sao – mới nện mạnh gót chân lên ngực đạo sĩ, rồi hầm hầm bỏ đi.

Mặt quả địa cầu có sức chở nổi núi non, vạn vật, nhưng không chở nổi tội lỗi của ông vua hung bạo nên nó nứt làm đôi. Đức vua bị đất sụp chết, sanh vào A-tỳ địa ngục.

Sau khi vua ra đi, có một vị quan hầu vào lau máu cho đạo sĩ và nói rằng:

– Bạch ngài! Nếu ngài có giận, xin ngài hãy giận nhà vua làm khổ ngài, còn chúng tôi là những người vô tội.

Đạo sĩ điềm đạm nói:

– Các vị lầm rồi! Bần đạo không giận ai cả! Nhà vua nào truyền chặt chân tay, cắt tai, xẻo mũi ta – bần đạo cầu xin đức vua ấy được an vui, hạnh phúc và trường thọ. Vì chính nhờ đức vua hung bạo ấy, bần đạo mới có thể tu tập pháp nhẫn nại này đến nơi đến chốn được!

Quí hóa thay, cao thượng thay là hạnh đức của vị đạo sĩ; mặc dầu ngài đã chết, nhưng hương lành thanh khiết ấy vẫn còn lưu lại đến hôm nay. Ngài đã nêu gương quí báu về đức nhẫn nại để ngàn sau, chúng sanh soi đường.

Vậy, thế gian này, ai muốn biết rằng mình có tu hay không, là phải biết thử lửa trong những trường hợp dễ phát sanh tâm tham lam, sân hận… Gặp chuyện đáng tham, tâm ta thế nào? Gặp chuyện đáng sân, tâm ta thế nào? Đây chính là cơ hội cho ta tu tập, cơ hội để nhìn ngắm cái tâm của ta! Nếu muốn tu theo pháp nhẫn nại, phải có trí nhớ, nhớ rằng: Những trường hợp làm lung lạc, khó khăn, trở ngại hoặc đau đớn, thương tổn đến ta – đó là những cơ hội thử thách lòng ta, coi ta tu đến mức độ nào, ta nên nhớ dùng nhẫn nại để thắng những thử thách ấy.

Người có đủ lòng nhẫn nại là người hằng có đủ khí cụ nội tâm vững mạnh để thắng phục những kẻ thô lỗ, hung ác, như đại đức Pu a trong túc sanh truyện sau đây:

* Chuyện đại đức Pu a

Có một người phú thương tên Pu a ở xứ Sunāparanta đi đến kinh đô Sāvatthī (Thất-la-phiệt), được hầu Phật và nghe pháp. Phát tâm trong sạch muốn xuất gia, nên ông gọi người quản lý đến, bảo đem hết của cải của ông và trao lại cho em là Cūlapu a – rồi ông xuất gia và học đề mục tham thiền nơi đức Thế Tôn. Tại thành Thất-la-phiệt, ông cảm giác sẽ không được kết quả tốt do nơi đây phong thổ không thích hợp; ông muốn đi về xứ Sunāparanta – sinh quán của ông – nên vào hầu đức Phật xin đi về xứ đó.

Đức Thế Tôn hỏi:

– Thầy muốn đi đến xứ nào?

– Đệ tử xin đi xứ Sunāparanta.

Quán căn cơ, đức Thế Tôn biết rõ rằng, ông ta là người có rất nhiều đức nhẫn nại – có thể vượt qua nhiều thử thách cam go, trở ngại trên bước đường hành hóa – nên ngài đã cố ý hỏi để tỳ-khưu Pu a trả lời, trở thành một pháp thoại để giáo giới hạnh nhẫn nại đến tứ chúng.

Trong tạng kinh bộ Majjhimanikāya, bài kinh Pu avādasutta có thuật rằng:

Đức Thế Tôn hỏi:

– Nầy Pu a! Người xứ Sunāparanta rất hung ác, thô lỗ, có đức tin với ngoại giáo! Nếu người xứ ấy chửi ông, doạ nạt ông, nhục mạ, phỉ báng ông – thì ông có phương pháp chi đối phó với chúng không?

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu người xứ Sunāparanta chửi mắng, doạ nạt, nhục mạ, phỉ báng đệ tử – đệ tử sẽ nghĩ rằng: Người xứ Sunāparanta tử tế quá, thật tử tế – vì họ đã không đánh đệ tử bằng tay, đạp để tử bằng chân! Đệ tử sẽ chúc phúc an lành đến cho họ!

– Này Pu a! Nếu người xứ Sunāparanta họ đánh đập ông bằng tay, bằng chân – trong trường hợp này ông sẽ đối phó với họ như thế nào?

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu người xứ Sunāparanta đánh đập đệ tử bằng tay, bằng chân – đệ tử sẽ nghĩ rằng: Những người xứ Sunāparanta thật là tử tế, thật là tốt – vì họ chưa chọi đệ tử bằng gạch và bằng đá!

– Nầy Pu a! Nếu người xứ Sunāparanta chọi ông bằng gạch, bằng đá – thì ông sẽ xử sự với họ ra sao?

– Đệ tử vẫn cảm ơn họ vì họ còn là người khá tử tế, vì họ đã không đánh đệ tử bằng cây, bằng đùi, bằng gậy!

– Nếu họ sử dụng cây, đùi, gậy để đánh ông?

– Đệ tử vẫn không sao, vẫn cảm ơn họ vì họ đã không thô bạo dùng đao và dùng kiếm để đối phó với đệ tử.

– Nếu họ dùng đao để chém, dùng kiếm để đâm thì ông có còn nghĩ tốt về họ như thế nữa hay chăng?

– Đệ tử vẫn cảm ơn họ vì họ chỉ đâm và chém chứ chưa giết chết đệ tử.

– Còn giả dụ như họ giết chết thì sao?

– Trường hợp họ giết chết đệ tử, đệ tử càng cảm ơn họ đã giải phóng giùm đệ tử cái tấm thân bất tịnh này. Chư thanh văn đệ tử của đức Thế Tôn, nhiều vị quán 32 thể trược, họ đã từng chán nản, ghê tởm cái thân này – trong thời gian tu tập, họ đã muốn buông bỏ đi cái gánh nặng mệt mỏi của thân xác – nhưng nào có buông bỏ được! Còn đệ tử may mắn làm sao – người xứ Sunāparanta đã làm được việc khó khăn ấy – là giúp đệ tử quăng bỏ cái thân hôi hám, nặng nề này, bạch đức Thế Tôn!

Đức Thế Tôn tỏ lời hoan hỷ rằng:

– Lành thay! Lành thay! Trong trường hợp nào thì Pu a vẫn giữ được tâm không hận, không sân – cho dù sanh mạng bị tướt đoạt đi vẫn nghĩ tốt cho người khác! Đấy được gọi là nhẫn nại cao thượng – vì sự nhẫn nại này khó tu, khó hành: Là nhẫn nại với tâm từ và tâm xả! Này tỳ-khưu Pu a! Ông hãy đến xứ Sunāparanta mà hành hóa! Người dân thô lỗ, hung bạo, có đức tin với ngoại giáo kia sẽ được ông cảm hóa và ông sẽ hoằng pháp thành công ở miền biên địa ấy”.

Theo chuyện nầy ta thấy ngài Pu a nhẫn nại trong bảy trường hợp: Chửi, doạ nạt, mắng nhiếc; đánh bằng tay chân; chọi bằng đá gạch, đánh bằng đùi gậy; chém đâm bằng đao kiếm; giết chết. Nhẫn nại cao cả như thế mới đáng gọi là sa-môn, là tỳ-khưu, là Phật tử! Đúng như tiên tri của đức Phật, nhờ đức nhẫn nại mà tỳ-khưu Pu a đã chinh phục được tất cả lòng người trong xứ ấy. Những người chửi mắng, dọa nạt, phỉ báng ngài đều trở nên đệ tử thuần thành của ngài. Riêng ngài, nhờ pháp nhẫn nại hỗ trợ nên đã đắc quả A-la-hán tại xứ Sunāparanta ấy.

Chúng ta hãy noi theo gương ngài mà vâng giữ hành theo pháp nhẫn nại.

Hạnh nhẫn nại mà được hoàn toàn cao quí, cũng nhờ có hành, nếu ta ở chung với bậc thiện nhơn thì có ai làm cho ta buồn giận mà có nhẫn nại. Nói vậy nhưng tôi không có ý xúi giục quí vị thân cận với người ác – mà để quí vị nhớ, khi nào gặp quỉ thì ráng mà nhẫn nại, đừng chống đối với nó, một là mất sự nhẫn nại, hai là gây thêm nhiều oan trái oán thù, thật phiền lắm vậy.

Người mà có đủ đức nhẫn nại như đại đức Pu a mới là người đáng làm hướng đạo về phương tiện nhẫn nại, đáng làm gương lành cho chúng ta soi và hành theo. Gương nhẫn nại của ngài có hai điều đặc sắc:

1. Ngài là bậc hy sinh cho giáo pháp chơn chánh, mặc dầu biết rằng Sunāparanta là nơi khó khăn nhiều rắc rối.

2. Một khi đã xuất gia là nhất tâm hướng đến giác ngộ, giải thoát, ngài không nài lao khổ, miễn có đất tu tập và truyền bá được chánh pháp.

Chú giải của một số bài kinh liên hệ đến nhẫn nại, ta có thể liệt kê ra đây:

– Sự nhẫn nại là sự nhịn nhục chịu đựng mọi sự việc, không hề làm hại kẻ khác, không làm cho kẻ khác bi lụy buồn khổ.

– Sự nhẫn nại là sự nhịn chịu với sự làm ác, nói ác của kẻ ác đối với mình mà không hề oán giận. Vì phần đông nhịn được, nhưng sự bực tức vẫn còn trong tâm. Vậy ta cần phải có trí nhớ để quan sát lòng ta coi lòng ta có sự bực tức không, nếu còn thì ta biết rằng ta chưa đủ đức tính nhẫn nại, chỉ mới học được sự im hơi lặng tiếng thôi. Vì lòng oán hận là mầm oan trái hãy còn trong tâm, đây là phiền não ngủ ngầm trong tâm. Nếu khi nhẫn nại mà ta thấy lòng ta mát mẻ, vui vẻ thì ấy mới thật là nhẫn nại. Người làm chủ tâm mình được, thì ngoài mặt như trong lòng, không chút giận hờn, oán ghét mà trái lại, vẫn vui vẻ như thường, nhứt là rất hài lòng vì thấy sự tu tập của mình được tiến hoá, không bị trần cảnh chế ngự, như thế mới là người làm chủ tâm.

– Nhẫn nại gọi là nhịn nhục, ý nói sự nhịn chịu với những điều sỉ nhục của kẻ khác đối với mình mà mình không hề oán giận…

– Nhẫn nại là sự nhịn chịu với cả sự khó khăn, như hai vị đại đức trong hai tích sau đây:

“- Có vị đại đức hành đạo tại núi tháp Cetiyapabbata. Khi ấy nhằm mùa nắng nóng, trời thật nóng nhưng ngài vẫn tự nhiên ngồi tham thiền giữa nơi trống trải, mồ hôi đổ ra. Chư đệ tử thấy như vậy nóng lòng, nên đến bạch xin ngài vào ngồi trong mát.

Ngài đáp: “Vì sợ nóng nên ta mới ngồi giữa nóng như thế nầy”. Chư đệ tử không hiểu, ngài nói tiếp: “Lửa ở địa ngục nó nóng gấp cả hằng tỷ lần cái nóng nầy, các con ạ!” Nhờ vậy, vị đại đức đã đắc quả A-la-hán ngay tại chỗ nóng ấy”.

Đây là gương nhẫn nại về sự nóng.

Lại có tích của vị đại đức khác.

“- Khi vị đại đức nầy đi khất thực thiếu cơm ăn cả ba ngày, bị cái đói dày vò, hành hạ làm cho ngài rất khổ sở, nhưng không vì lẽ ấy làm cho ngài ngã lòng. Ngài đã khởi lên một suy tưởng như vầy: Khi ta còn luân hồi trong cõi sa-bà nầy, thì đã không biết bao nhiêu lần ta sanh làm ngạ quỉ đói, phải bị đói triền miên, gấp triệu, gấp tỷ cái đói này!

Nghĩ thế xong, tâm ngài rất kinh sợ sự khổ đau trong vòng sinh tử luân hồi; ngài đã dùng minh sát tuệ quan sát vô thường, khổ não và vô ngã nên đắc A-la-hán quả”.

Đây là cái gương nhẫn nại vì cái đói. Nó còn ngụ ý khuyên ta không nên để cho những sự khổ bên ngoài như đói, khát, nóng, lạnh… chi phối mà bỏ dở sự tu hành, phải biết nhẫn nại trong mọi hoàn cảnh, dẫu khó khăn, khó chịu đến đâu.

Những thành tích vẻ vang của các bậc đại đức ấy giúp cho ta thấy rằng: Các vị tiền nhân của chúng ta đã được lợi ích nhờ đức nhẫn nại. Vì vậy nên đức Phật dạy nhẫn nại là một hạnh phúc mà toàn thể chúng sanh đều phải mong ước.

Trong túc sanh truyện Sarabhaga, đạo sĩ Sarabhaga có phát biểu thế nào là nhẫn nại cao thượng:

– Người dứt được lòng sân hận thì không bao giờ có sự phiền trách, than van. Những người nhịn chịu được sự chê bai, khinh bỉ của kẻ khác, các bậc trí thức gọi là nhẫn nại cao thượng.

– Người nhận chịu được những lời rầy la của người lớn hơn mình là vì lẽ sợ; nhịn chịu được lời nói của người ngang bằng mình là vị sợ oan trái oán thù; chỉ có người chịu nhịn được với những lời lẽ của kẻ nhỏ hơn mình, hèn kém hơn mình, các bậc trí thức mới hằng ca tụng ngợi khen người ấy là ngườinhẫn nại cao thượng.

Vậy nhận chịu được những lời nói và hành động của người nhỏ hơn mình mới gọi là nhẫn nại. Có một sự tích kể về trường hợp này:

“- Khi xưa thường có trận giặc giữa A-tu-la thiên và chư thiên cõi trời 33. Lần ấy, đức Đế Thích thắng trận, bắt A-tu-la vương đem về trói lại cột cờ. A-tu-la vương chửi mắng đức Đế Thích rằng: “Ngươi là kẻ cướp, là kẻ hung ác, ngươi là bò, là lừa, là lạc đà, là loại địa ngục, là súc sanh; ngươi không còn đường sanh về cõi trời nữa, chỉ còn sanh vào ác đạo thôi. Không phải ngươi thắng hoài đâu, ngày nào A-tu-la thắng, khi ấy ta sẽ cột ngươi như thế nầy, để ngươi nằm trước A-tu-la và ta sẽ đánh ngươi.

Khi ấy có một vị thiên tên Matalī hỏi đức Đế Thích rằng: Đại vương để cho bọn A-tu-la chửi mắng như thế nầy, vì sợ hay vì nhẫn nại?

– Không phải vì sợ A-tu-la vương mà ta nín nhịn đâu. Ta đang thử tâm nhẫn nại của ta! Nhẫn nại mới là pháp cao quí, cao thượng. Kẻ nào có sức mạnh (các thứ thế lực) mà lại nhẫn nại đối với kẻ dưới tay mình, yếu thế hơn mình mới là cao quí, cao thượng. Vì kẻ yếu hơn mình, mình có thể hiếp đáp được trong mọi trường hợp, nếu ta muốn”.

Ý đức Đế Thích nói rằng: A-tu-la vương trong tay ngài, muốn hành hạ cách nào cũng được, nhưng không, ngài đã tu tập hạnh nhẫn nại.

Chú giải có dạy rằng: Làm lợi ích cho ai cũng không bằng làm lợi ích cho mình, mà phương pháp làm lợi ích cho mình cao quí nhứt là nhẫn nại.

Đức Phật dạy trong Pháp cú kinh rằng: “Người không tức giận, chịu đựng lời khiển trách, roi vọt và mọi hình phạt – vẫn điềm nhiên dùng hạnh nhẫn nhục làm quân lực để bảo vệ mình – người như vậy Như Lai gọi là bà-la-môn! » [5]

Chú giải của câu Phật ngôn nầy dạy rằng: Người nhịn nhục được với tất cả sự khổ nhục, đưa đến không buồn giận vì có nhiều lòng nhẫn nại, đức Phật gọi là người có một đạo quân tinh nhuệ đánh đuổi được tội lỗi một cách dễ dàng.

Chú giải bài kinh Vasettha còn nói: Người không giận trả lại người sân hận là người thắng được trận giặc mà khó có người thắng được.

Theo câu này còn có ý nói rằng: Dùng sự giận dữ để đáp trả lại sự giận dữ, chứng tỏ ta là kẻ hèn yếu, nhu nhược. Người muốn có sự nhẫn nại, trước hết nên tập trí nhớ để kềm chế tâm và quan sát tâm, đừng để tâm đi vượt quá phạm vi của nó là nhẫn nại.

Nhờ có trí nhớ nên ta không quên mình, không bị bên ngoài chi phối. Nên nhớ rằng người đang giận dữ là người thiếu bình tĩnh, đôi khi mất cả lương tri, nên mới la lối hay làm những gì mà khi họ không thể làm, khi chưa giận dữ. Như thế họ không khác nào người điên.

Đức Phật có dạy: Sự nhẫn nại sẽ thắng được khó khăn trên đời. Sự nhẫn nại ví như lưỡi gươm rất bén, cắt đứt được tất cả trở ngại trên đường đời cũng như trong đường đạo.

+ Xin nhắc lại nhẫn nại có 5 quả báo:

1. Người biết nhẫn nại là người có rất nhiều người thương quý mến yêu.

2. Người biết nhẫn nại là người không có nhiều oan trái.

3. Người biết nhẫn nại là người không có nhiều tội lỗi.

4. Người biết nhẫn nại là người không hoảng loạn, si mê trong khi sắp lâm chung.

5. Người biết nhẫn nại là người được sanh về cõi người, trời sau khi chết.

Có rất nhiều Phật ngôn nhắc nhở người không nên sân hận và nên nhẫn nại. Tôi xin nhắc lại câu Pháp cú ở trên bằng Pāḷi để quí vị học thuộc nằm lòng về hạnh nhẫn nại:

“- Akkosa vadhabandhañca adu ho yo titikkhati

Khantībala balā īka tam aha brūmi brāhma a !”

Cuối cùng,

+ Sự nhẫn nại làm cho người được những hạnh phúc là:

1. Là phước vĩ đại.

2. Tạo nên sự đoàn kết.

3. Có rất nhiều người thương mến.

4. Không có sự kinh khủng là oan trái oán thù.

5. Được hưởng cao quý.

6. Được ba điều lợi ích.

7. Được đồ trang điểm rất quý giá.

8. Gọi là bậc trí thức.

9. Là người làm tâm mình an trụ.

10. Là người ôn hoà.

11. Là người có tứ vô lượng tâm.

12. Là người chắc chắn sẽ đến Niết-bàn.

HẠNH PHÚC XXVIII

Sovacassatā : Nết hạnh người dễ dạy

(Thiện ngôn, lời nhu hòa)

Nết hạnh người dễ dạy sẽ giảng về ba điểm.

1. Hạng người dễ dạy

2. Phương pháp hành cho ra người dễ dạy.

3. Hạnh phúc sanh lên do sự dễ dạy.

(1) Hạng người dễ dạy:

Tính cách của hạng người này là, khi có ai dạy cho điều hay lẽ phải, họ không tỏ vẻ buồn giận hay làm như không nghe, trái lại, tỏ vẻ hết lòng biết ơn người đã chỉ bảo lỗi cho mình.

Người đời không ai tránh khỏi sự lầm lỗi, may có người nhắc nhở thì ta phải ráng ăn năn, hối cải mới tốt hơn được, mới sống an vui được.

Các bậc trí thức nói về người dễ dạy là họ có một bửu vật để nương nhờ. Đúng vậy, trong bài kinh Sattamasutta bộ Anguttaranikāya, đức Phật có dạy rằng:

“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Các thầy nên là người dễ dạy, phải biết nhẫn nại, vui lòng vâng giữ lời chỉ dạy. Đây là hạnh mà các thầy nên nương nhờ”.

Câu Phật ngôn nầy cũng hàm nghĩa là: Trong lúc đã phạm vào điều quấy, bị người chỉ trích thì không nên buồn, không nên cãi lại. Đấy mới là bậc trí.

Trong bài kinh Ammānasutta đại đức Mục-kiền-liên có nói về người dễ dạy và không dễ dạy như sau:

“- Có vị tỳ-khưu trình bày rằng, xin quý ngài vui lòng chỉ bảo cho những điều sai lầm để lánh, điều chánh để tôi hành! Ngoài miệng, vị ấy nói như vậy, nhưng khi có người chỉ bảo thì không tuân theo – đây là hạng người không dễ dạy. Còn người dễ dạy thì không yêu cầu các bậc trí thức chỉ dạy, nhưng khi nghe thấy điều xấu xa của kẻ khác thì cố xa lánh những điều xấu ấy, cố hành điều lành, người ấy cũng gọi là người dễ dạy”.

Người dễ dạy có hai hạng: Một hạng đáng khen và một hạng đáng chê! Tại sao vậy? Tại sao dễ dạy mà có hạng đáng khen, hạng đáng chê? Đức Phật có thuyết rằng:

“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Có vị tỳ-khưu dường như là người dễ dạy; nhưng ông ta dễ dạy là để mà hưởng những lợi lộc như y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc men… Như Lai không gọi vị ấy là người dễ dạy, vì nếu vị ấy không có y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc men, thì sẽ không dễ dạy!”

Đức Phật còn giảng tiếp:

“- Người làm bộ vâng lời, luôn luôn tỏ ra mềm mỏng, lễ độ, dễ dạy – nhưng là để thiện nam tín nữ kính trọng, phát tâm trong sạch để cúng dường tứ sự – đây được gọi là dễ dạy nhưng có mưu đồ, chứ thật ra vị ấy không có thực tâm! Chỉ có vị tỳ-khưu nào không vì lợi lộc, danh vọng – họ dễ dạy để học pháp, dễ dạy để diệt trừ những xấu ác như cứng đầu, kiêu căng, ngã mạn… Như Lai mới gọi là người có tánh dễ dạy thật sự. Vậy các thầy nên nhớ rằng, là tỳ-khưu, chúng ta chỉ biết cúng dường pháp, thực hành pháp, kính trọng pháp; nói cách khác, dễ dạy là do pháp bảo, bởi pháp bảo – chứ không phải dễ dạy là vì danh vọng và lợi dưỡng!”

Người hết lòng cung kính giáo pháp, không ỷ mình giàu có, sang trọng, quyền chức, niên cao, kỷ trưởng mà cứng đầu, kiêu căng, ngã mạn – trái lại, rất lễ độ, mềm mỏng, dễ dạy; những người ấy gọi là người biết hành theo pháp giải thoát, như trong tích của ngài Rādha sau đây:

“- Ngài Rādha trước kia là bà-la-môn, sau xuất gia theo Phật giáo, nhưng vì già không đủ trí nhớ để hành theo phạm hạnh. Vì ông già nên thường nghĩ đến đời sống thừa của ông còn rất ít, nên ông cố hết sức hành đạo, luôn luôn vâng theo lời dạy bảo của đại đức Xá-lợi-phất, nên sau ba tháng xuất gia ông đắc A-la-hán quả.

Đức Xá-lợi-phất dẫn ngài về lễ Phật.

Đức Thế Tôn hỏi: Nầy Xá-lợi-phất! Vị đệ tử già của ông có dễ dạy không?

– Bạch đức Thế Tôn! Ông Rādha tuy già nhưng thật là dễ dạy, một khi đệ tử chỉ bảo điều nào thì vâng giữ hành theo không buồn giận hay tỏ vẻ bất bình gì cả.

Nhân dịp ấy, đức Thế Tôn mới thuyết rằng:

“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Đã là một vị tỳ-khưu, lẽ cố nhiên phải tỏ ra là người dễ dạy như thầy Rādha! Nhờ dễ dạy, thầy Rādha đã làm xong phận sự của mình – thì có khác nào người dạy bảo ta đã chỉ cho ta cả một kho vàng quý báu!”

Ngoài ra, người dễ dạy lại còn thoát khỏi tai ương, hoạn nạn, như túc sanh truyện sau đây:

“- Có năm trăm người lái buôn, sắm các vật liệu để đi buôn xa, phải trải qua biển lớn và đi ngang qua một hòn đảo là nơi ở của nhiều Dạ Xoa cái. Khi có ghe thuyền bị đắm, Dạ Xoa vớt người lên đem về, trước là thỏa mãn tình dục, sau ăn thịt. Đi đến hòn đảo ấy, ghe của năm trăm người bị đắm, Dạ Xoa vớt cả về đảo.

Dạ Xoa nói: Hôm nay thật là may mà chúng tôi vớt được các người về, chồng chúng tôi cũng là lái buôn, trước đây ba tháng, đi buôn bị đắm ghe chết hết, chúng tôi ở đây thiếu người bầu bạn, vậy các người ở lại với chúng tôi nhé?

Những người ấy vì ham mê sắc đẹp, nên không ngần ngại, nhận chịu liền.

Ăn ở với nhau được mấy hôm, chợt ông thuyền trưởng tinh ý, lấy làm lạ, vì mỗi đêm, Dạ Xoa vợ ông đi vắng một lúc mới về. Ông sanh nghi mới rình coi thì bắt gặp vợ ông hiện nguyên hình là Dạ Xoa ăn thịt người.

Kể lại câu chuyện và ông khuyên tất thảy bạn bè hãy tìm cách trốn đi – vì ở đây, có ngày sẽ bỏ mạng! Trong số 500 người, chỉ có một nửa là người dễ dạy, biết nghe lời khuyên bảo của thuyền trưởng; số còn lại, thuộc loại cứng đầu, lại đang mê man đắm say trong trần dục nên không chịu nghe lời!

Duyên may đã đến. Có một con ngựa thần tên là Valāhaka ở tại rừng Tuyết Lãnh có thần thông bay đến đảo chơi – gặp 250 người muốn về đất liền, ngựa sẵn lòng giúp họ trở lại quê hương!

Thế là hạng người dễ dạy được an toàn – còn số người còn lại, do cứng đầu, đắm say sắc dục nên bị chôn thân trong bụng Dạ Xoa cái”

Kể xong câu chuyện, đức Phật dạy rằng: Nầy các thầy tỳ- khưu! 250 người lái buôn cứng đầu, khó dạy, không biết nghe lời phải, lại đắm say sắc dục nên bị hại! Số 250 người lái buôn còn lại, nhờ dễ dạy, nhờ biết nghe lời phải nên được an toàn sanh mạng! Cũng tương tợ vậy, nếu trong hàng tứ chúng có người cứng đầu, khó dạy, không nghe theo lời giáo huấn của Như Lai thì sẽ bị khổ trong bốn đường ác. Nếu ai là người dễ dạy, biết vâng giữ và thực hành theo lời giáo huấn của Như Lai, thì sẽ có bốn điều lợi ích là: Được sanh làm người, trời, phạm thiên và luôn cả Niết-bàn!

Trong lời dạy trên đây, đức Phật nói đến hàng tứ chúng. Riêng bài kinh Chattasutta trong bộ Anguttaranikāya lại cố ý nói đến bậc xuất gia: Các thầy tỳ-khưu khó dạy, tâm tánh cứng đầu khó dạy – không nhẫn nại, không nghe lời giảng dạy. Hai điều này làm cho Phật giáo bị suy đồi. Những tỳ-khưu nào dễ dạy, chính những vị ấy là những người biết kính trọng Pháp Bảo thật sự, đã làm cho Phật giáo tăng thịnh và trước sau gì họ cũng nếm được hương vị giải thoát.

Nếu ta muốn biết ai là người dễ dạy thật sự thì hãy coi hành động của họ:

a. Nghe lời giáo huấn một cách kính trọng.

b. Vâng giữ hành theo thiện pháp. Ý nói, hiểu rằng mình xấu quấy, cố dứt bỏ cái xấu quấy và thực hành theo điều tốt, điều lành – và không nghĩ rằng mình làm như vậy để được mọi người khen tặng.

c. Biết ơn người chỉ bảo. Ý nói, ngoài việc thực hành theo lời dạy bảo của các bậc trí thức, họ còn biết ơn, không luận người dạy ấy trẻ hay già – hoặc hạng người nào, miễn là chỉ bày điều hay, điều tốt và con đường giải thoát cho mình mà thôi.

(2) Làm thế nào mới trở nên người dễ dạy?

Nếu muốn trở nên người dễ dạy thì phải dứt bỏ 16 điều phiền não trong tâm mình. 16 điều phiền não ấy, đức Thế Tôn có dạy trong bộ kinh Majjhimanikāya:

+ 16 điều ấy là:

1. Không tham muốn đê tiện.

2. Không tự cao, không chê bai kẻ khác.

3. Không sân hận, không dễ bị sân hận.

4. Không oán hận.

5. Không chửi mắng kẻ khác.

6. Không cãi lại.

7. Không cãi lại khi bị tố cáo.

8. Nếu là nguyên cáo họ cũng chẳng cáo bị cáo.

9. Người bị cáo cũng không thưa lại nguyên cáo.

10. Người bị cáo không giấu lỗi, nếu có – và cũng không chối cãi gì.

11. Người bị cáo cũng chẳng đôi co hỏi chứng cứ.

12. Không nên quên ơn các bậc có ơn đã nhắc nhở, chỉ bảo lỗi lầm cho mình.

13. Không ganh tị.

14. Không khoe mình.

15. Không cứng đầu.

16. Chưa thấy bằng mắt thì không tin.

Mười sáu điều này ai có được trong tâm thì hằng đi đến nơi hạnh phúc, an lạc.

+ Người dễ dạy có 11 thái độ:

1. Không lẩn tránh khi có các bậc trí thức răn dạy.

2. Không phải chỉ nghe mà thôi, còn phải thực hành theo lời dạy bảo nữa.

3. Không bao giờ để tâm oán hận hay thù ghét các bậc trí thức dạy mình.

4. Vui lòng với những lời giảng dạy.

5. Hết sức kính trọng lời giảng dạy và còn biết trân trọng lắng nghe.

6. Thái độ luôn lễ phép, cung kính.

7. Có lòng phấn khởi và thỏa thích khi được nghe lời giáo hóa.

8. Không hề hành sái với lời giảng dạy.

9. Thích thực hành đúng theo chánh pháp.

10. Là người nhẫn nại.

(3) Người dễ dạy đem đến cho mình những hạnh phúc sau:

1. Là pháp mà mình nương nhờ được.

2. Là người mà các bậc trí thức rất vui lòng dạy bảo.

3. Là nguyên nhân dứt bỏ được tội lỗi và làm cho phước thiện tăng trưởng.

4. Là nguyên nhân làm cho người khác thương mà chỉ dạy chánh pháp.

5. Là người ở gần với sự đắc đạo quả.

6. Là nguyên nhân đắc được ba điều an lạc [6].

HẠNH PHÚC XXIX

Sama ānañca dassanam: Nết hạnh được thấy, được gặp các bậc sa-môn

(Yết kiến bậc sa-môn)

Vấn đề sa-môn xin giảng về ba điểm:

1. Người thế nào được gọi là sa-môn?

2. Thế nào là được thấy, được gặp các bậc sa-môn?

3. Được thấy, được gặp các bậc sa-môn thì sẽ được những lợi lạc gì?

Phạn ngữ sama a người ta thường dịch âm là sa-môn có nghĩa là thanh tịnh hay trong sạch. Thầy sa-môn là người xa thập ác, không làm hại người hay vật, không ganh tị, là người có thân, khẩu, ý trọn lành.

Tóm lại, sa-môn nghĩa là người không còn phiền não, hay phiền não đã vắng lặng rồi.

Thầy sa-môn là người hay quán tưởng, quán minh để thấy rõ chân lý, là người đang hành trình trên con đường của các bậc thánh nhơn.

Những người tự xưng mình là sa-môn nhưng không có

những pháp của vị sa-môn, những người ấy ví như kẻ cướp rất lợi hại mà nhà chức trách không thể tìm ra tung tích để truy bắt được. Vì tướng cướp ấy không có khí giới trong tay mà chỉ có lớp áo tu bên ngoài, họ ẩn trốn trong tăng chúng.

Nơi đây tôi xin đem mấy câu Phật ngôn dạy trong kinh Pháp cú hầu quí vị làm tài liệu:

“- Na mu akena sama o

abbato alika bha a

Icchālobha samāpanno

sama o ki bhavissati”. (PC 264)

Nghĩa là: Không phải do nơi cái đầu cạo trọc mà người không giới hạnh, người vọng ngữ trở thành sa-môn. Làm thế nào một người đầy tham vọng trần tục và đắm chìm trong ái luyến lại có thể trở thành sa-môn?

Lại có câu:

“- Yo ca sameti pāpāni

a u thūlāni sabbaso

Samitattā hi pāpāna

sama o ti pavuccati”. (PC 265)

Nghĩa là: Người đã trọn vẹn khắc phục các hành động ác lớn nhỏ, người ấy xứng đáng được gọi là sa-môn vì họ đã vượt khỏi mọi điều ác [7].

+ Đây là pháp để chúng ta nhận định vị sa-môn:

1. Upasametikileso: Các phiền não trong lòng đều đã được vắng lặng.

2. Bhavitvākāyavacīcittappañño: Thân khẩu, ý và trí tuệ đã được tiến hoá.

3. Uttamasamathasamannāgato: Có sự nhắc nhở mình rất hoàn toàn.

+ Bậc sa-môn thường có những thái độ và hành động sau đây:

1. Không làm hại nhân, vật nào cả. Nghĩa là, nếu có làm hại một nhân, một vật nào hay xúi giục kẻ khác làm hại, thì người ấy không gọi là sa-môn. Sa-môn là người đã diệt bỏ sự giết hại nhau, và ngay cả những nói hơi khiếm nhã họ cũng không bao giờ dùng đến.

2. Không vì tư lợi. Bậc sa-môn tự thấy, nếu còn sống ngày nào thì dùng thì giờ ấy để lo tu hành hầu mau giải thoát thôi, không hề làm việc gì ngoài việc tu học. Bậc sa-môn không hề làm gì, nói gì đến sự lợi lộc cho mình, ít nhất là sự mơ ước tư lợi cho mình cũng không bao giờ nghĩ đến, và nếu có thì cố gắng diệt trừ.

3. Hành theo pháp sa-môn. Bậc sa-môn là người xa hẳn thế tục nên không có phận sự gì có dính dáng đến thế tục, chỉ có phận sự là dạy mình, nghĩa là luôn luôn lánh xa phiền não, cũng như người thợ vàng luôn tìm cách lọc lấy vàng nguyên chất, vứt bỏ cặn bã dơ trong vàng.

4. Hành theo pháp Tapa. [8] Tapa nghĩa là lửa hay là nóng, ý nói rằng thầy sa-môn luôn luôn lo diệt trừ phiền não bằng các phương pháp như trì giới, nhẫn nại, tham thiền minh sát tuệ.

Từ sa-môn xét theo nghĩa thanh tịnh thì có 3 thanh tịnh sau đây:

– Thân thanh tịnh không lẫn phiền não như đánh đập hay giết hại người hay thú. Bậc sa-môn ở nơi nào, không bao giờ làm hại nơi ấy, khi đứng dưới bóng cây cũng không làm rụng một lá cây. Đức Thế Tôn đã có lần khen đức Mục-kiền-liên rằng: Ngài là bậc có thần thông mà không bao giờ làm phiền lòng một chúng sanh nào cả.

– Khẩu thanh tịnh nghĩa là không bao giờ phạm vào một tiếng nói vô ích, dối trá, thêu dệt hay ác khẩu.

– Tâm thanh tịnh nghĩa là tâm đi ngoài vòng tội lỗi, nghĩa là không để phiền não xâm nhập vào và nếu chưa đắc quả

cao thượng thì thường nỗ lực diệt trừ phiền não bên trong.

Phật ngôn còn dạy thêm để cho ta nhận biết thế nào là một bậc sa-môn: Người nào biết nhẫn nại với sự đói khát, luôn dạy mình hành theo pháp tapa (pháp nóng) biết tiết độ về vật thực và không vì miếng ăn mà làm tội thì Như Lai gọi người ấy là sa-môn.

Vậy, người nào có đủ bốn pháp trên mới gọi là sa-môn. Còn những từ như xuất gia và tỳ-khưu thì chúng có những ý nghĩa như thế nào?

Xuất gia là tiếng nói chung, chỉ các bậc trí thức trông thấy người còn có gia đình là còn khổ, nên dứt bỏ gia đình hoặc thọ bát quan trai ở trong rừng làm đạo sĩ, hay thọ thập giới, cũng ở trong rừng làm đạo sĩ để hành một hạnh nào theo ý của mình – thì đều gọi là xuất gia.

Tỳ-khưu, là âm từ phạn ngữ bhikkhu, nghĩa là khất sĩ, hay nói cho dễ hiểu hơn là xin ăn, nhưng là xin ăn cao thượng, xin ăn, nuôi mạng để thực hành theo pháp cao thượng. Nó còn có nghĩa cao hơn, là người diệt trừ phiền não. Danh từ tỳ-khưu chỉ có trong Phật giáo – là người xuất gia tu tập theo phạm hạnh, phải hành theo Tứ thanh tịnh giới (Xin xem luật xuất gia của đại đức Hộ Tông).

Chú giải có dạy rằng, nếu được gặp các bậc sa-môn thì nên:

1. Upasakamana : Đến gần, ý nói đến hầu để học hỏi

pháp giải thoát, ngoài ra nên giúp đỡ các ngài những gì mà chúng ta có thể làm được.

2. Upatthāna : Cúng dường tứ vật dụng đến các ngài

3. Anusāsana [9]: Nhớ đến các ngài, ý nói nhớ đến công đức của những bậc thầy đã dạy ta và cả những pháp cao thượng mà mình đã thọ trì.

4. Sava a [10]: Nghe lời dạy bảo của các ngài, không dám dễ duôi, phóng dật.

5. Dassana : Thấy, gặp, ý nói thấy và gặp bằng nhục nhãn khiến phát tâm trong sạch. Phát tâm như vậy vẫn được quả báo như trong sự tích sau đây:

“- Ngày nọ, đức Thế Tôn ngự đến hang Indasalā, có một con chim cu đang đậu bên vệ đường, trông thấy ngài có hào quang sáng ngời, nó liền phát tâm trong sạch. Đến sáng ngày đức Thế Tôn ngự đi khất thực, con chim cu lại bay theo, vì nó cảm thấy hoan hỷ được trông thấy tướng hảo quang minh xán lạn của ngài. Ngày khác, chim cu thấy đức Thế Tôn ngự đi, có chư tăng theo hầu, mỗi vị đều có lục căn thu thúc thanh tịnh càng làm cho nó thích thú, hoan hỷ không thể tả được. Chim cu phát tâm kính thành và rất trong sạch, không còn biết làm sao để tỏ lòng, liền bay xuống đứng giữa đường đi, hai cánh chấp lên, đầu cúi xuống tỏ vẻ đảnh lễ đức Thế Tôn. Đức Phật thấy vậy biết thành ý của chim cu nên ngài mỉm cười và bảo Ānanda rằng: “Nầy Ānanda! Chú chim cu này có tâm trong sạch với Như Lai và chư tăng – là những bậc có đức hạnh cao thượng – hết kiếp này được sanh về cõi trời và về sau, sẽ đắc quả Độc Giác Phật, tên là Somanassa. Phước quả này mà có được thế là do nguyên nhân được thấy, được gặp các bậc sa-môn và phát tâm kính thành, trong sạch. »

Trong bộ kinh Bojjhagasamyutta, đức Thế Tôn có dạy rằng:

“- Này các thầy tỳ-khưu! Vị tỳ-khưu nào có giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến đầy đủ – nếu trên thế gian nầy, ai được gặp, được thấy các vị ấy, được hầu cận các vị ấy, được nghe lời giáo giới, tu học hoặc xuất gia với các vị ấy – thì sẽ thâu hái được những lợi ích vĩ đại.

Tại sao vậy? Vì khi người được nghe pháp của các vị ấy, thọ trì pháp của vị ấy thì thân sẽ xa lánh điều ác và khẩu cũng xa lánh điều ác và rồi thân khẩu sẽ thanh tịnh.

Khi thân và khẩu thanh tịnh thì tâm ý hằng nhớ đến các thiện pháp, suy nghĩ các thiện pháp và hằng niệm tưởng các thiện pháp – được gọi là Satisambojjhaga: Niệm giác chi – nghĩa là nhờ sự niệm (nhớ) [11] ấy mà giác ngộ. Niệm đây có ý nói là niệm tứ niệm xứ.

Một khi được có trí nhớ đầy đủ rồi, thì có trí tuệ thông hiểu các pháp, khi có trí tuệ thông hiểu các pháp ráo rốt thì đắc được Dhammavicayasambojjhaga [12]: Trạch pháp giác chi nghĩa là sự suy nghĩ mà giác ngộ.

Khi cố gắng suy nghĩ các pháp được chu đáo thì đắc được Viriyasambojjhaga: Tinh tấn giác chi, nghĩa là nhờ sự tinh tấn mà giác ngộ. Khi sự cố gắng tinh tấn được hoàn toàn rồi, thì đắc được hỷ lạc. Đây không phải là hỷ lạc của tình dục, hỷ lạc này sanh lên do sự tinh tấn, gọi là Pītisambojjhaga [13]: Hỉ giác chi nghĩa là hỷ lạc, là nhân giác ngộ.

Khi thầy tỳ-khưu cố gắng hành thêm nữa thì tâm sẽ được thanh tịnh. Khi tâm được thanh tịnh thì phát sanh Passaddhisambojjahaga [14]: An tịnh giác chi, nghĩa là tâm an tịnh là nhân giác ngộ phát sanh.

Khi thân, tâm được trong sạch an vui triệt để, chừng ấy sẽ phát sanh Samādhisambojjhaga: Định giác chi, nghĩa là sự an trụ của tâm là nhân sanh giác ngộ.

Này các thầy tỳ-khưu, khi mà tâm được hoàn toàn an trụ thì sẽ phát sanh Upekkhāsambojjhaga: Xả giác chi, nghĩa là sự bỏ hết mọi việc còn có tánh cách luân hồi trong tam giới; là nhân giác ngộ phát sanh [15].

Theo bài kinh Sampannasīlasutta trong Pathamavagga, đức Phật có dạy rằng: Nầy các thầy tỳ-khưu! Được thấy, được gặp các vị tỳ-khưu ấy, được hầu cận các vị tỳ-khưu ấy, được ngồi gần các vị tỳ-khưu ấy, được xuất gia theo các thầy tỳ-khưu ấy, Như Lai gọi là được rất nhiều sự lợi ích. Tại sao vậy? Vì khi thân thiện, vào hầu, vào ngồi gần các vị tỳ-khưu có đức hạnh thanh cao ấy – thì làm cho giới đức của ta chưa trong sạch trở nên trong sạch, thiền định chưa thâm sâu trở nên thâm sâu, trí tuệ chưa viên mãn sẽ được viên mãn, giải thoát chưa hoàn toàn lại được hoàn toàn, giải thoát tri kiến chưa rốt ráo lại trở nên rốt ráo”.

Theo những lời giảng giải trên, ta hiểu: Được gặp, được thấy các bậc sa-môn như vậy mới cao thượng, mới gọi là nết hạnh được thấy, được gặp các bậc sa-môn. Được thấy và được gặp các bậc sa-môn bằng tuệ nhãn như vậy mới hoàn toàn cao thượng và tuyệt đối.

+ Thấy bằng tuệ nhãn có sáu điều thù thắng:

1. Thấy rõ thánh pháp của các bậc thánh nhơn là: Dùng minh sát tuệ để thấy thập nhị duyên khởi và đạo quả.

2. Thấy rõ đặc ân của thánh pháp là giới, định, tuệ và đạo quả.

3. Đạt được các pháp mà các bậc thánh nhân đã đắc: Định tuệ và đạo quả.

4. Đã thành thánh nhơn bởi hành minh sát tuệ thuần thục.

5. Thấy biết rõ sự thật của Niết-bàn.

6. Đắc được lục thông.

+ Được thấy, được gặp các bậc sa-môn sẽ được những hạnh phúc là:

1. Được làm phước thiện

2. Thất bồ-đề phần phát sanh.

3. Được xuất gia theo các ngài.

5. Mắt không bị mây mù vô minh che ám.

6. Không phóng dật, dễ duôi.

7. Được cúng dường Tam Bảo.

8. Giải thoát khỏi phiền não.

9. Được đến nơi vô sanh bất diệt.

HẠNH PHÚC XXX

Kālena dhamma-sākacchā: Tánh cách biện luận Phật pháp

theo thời. (Tùy thời đàm luận pháp)

Sự biện luận Phật pháp theo thời làm cho trí tuệ tăng trưởng, làm cho tâm được an vui trở nên thấy xa, hiểu rộng. Biện luận Phật pháp có mục đích giải cho rõ lý của Phật ngôn. Người biện luận luôn luôn không nên lấy ý kiến – chấp thủ ý kiến – của mình. Tôi không cố ý nói rằng: Ý kiến của con người là quấy, nhưng ý kiến ấy phải cho đầy đủ nhân quả, lý lẽ và hợp tình cảnh mới có thể chấp nhận được. Điều cần yếu muốn biện luận Phật pháp, trước hết ta nên bỏ lòng ngã ái tự cao, cho rằng ta đây là người thông hiểu hơn những người có mặt nơi đây. Những vị ngã mạn như thế không chịu nghe theo ý kiến hay lời nói đúng theo Phật pháp của người khác. 8 muôn 4 ngàn chi pháp của Phật lưu truyền không phải là ít, ta không nên ngã mạn khi học sơ qua ba chuyện túc sanh truyện hay ít pháp số, mà tự coi mình là bậc thông suốt lý lẽ của Phật ngôn. Khi người có tánh tự cao, ngã ái, thì không thể biện luận Phật pháp và không thể được an vui.

+ Biện luận Phật pháp có năm chi là:

1. Adi hājotasākacchā: Biện luận để hiểu thêm pháp mà mình chưa thông hiểu.

2. Di hasansandanasākacchā: Biện luận pháp để hiểu rõ thêm pháp mà mình đã hiểu rồi. Khi ấy lợi ích phát sanh đến ta.

3. Vimaticchedakasākacchā: Biện luận pháp để giải sự nghi ngờ của mình.

4. Anumatisākacchā: Biện luận pháp hầu tìm sự thật.

5. Kathetukamyatasākacchā: Biện luận pháp bằng cách vấn đáp với bạn hay tự vấn đáp với mình.

Tóm lại: Biện luận Phật pháp là nhân đem lại hạnh phúc, là dành riêng cho người muốn tìm lấy con đường giải thoát cho mình, chớ không phải tranh biện để giành được sự khen ngợi của mọi người. Nói đến biện luận Phật pháp, tôi không thể quên tích đại đức Xá-lợi-phất khi còn là người cư sĩ.

Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên là hai người bạn rất thân, hai người đều là con trưởng của trưởng giáo bà-la-môn. Ngày nọ trong thành Vương Xá có lễ, hai người rủ nhau đi xem.

Ngày ấy là duyên lành của hai người đã đến, nên khi xem hát hai người đều có cảm tưởng rằng: Đời người không khác chi anh kép hát trong một vở tuồng, khi mang râu đội mão là vua chúa, có khi vợ chồng lại đóng làm mẹ làm cha, làm người thù nghịch, khi bỏ mão râu ra là anh kép hát. Cuộc đời thay đổi như thế có gì gọi là vui đẹp.

Hai ông liền đem ý kiến ấy ra bàn với nhau, thì họ đồng có ý kiến là tìm đường giải thoát ra ngoài vòng giả dối này. Vì duyên lành chưa đến nên hai ông chưa gặp Phật. Hai ông mới vào học đạo với ông Sañjaya. Nhờ thông minh nên hai ông học trong mấy ngày đã thông hiểu, thấu triệt toàn bộ giáo pháp của Sañjaya. Hai ông bảo nhau rằng: “Đây không phải là con đường giải thoát, vậy chúng ta chia nhau đi tìm pháp giải thoát, nếu ai tìm được phải cho nhau biết”. Rồi chia mỗi người đi một ngã.

Trong khi ấy, đức Thế Tôn đã thành đạo và đã có 61 vị đại A-la-hán. Ngài cho mỗi vị đi mỗi phương để truyền chánh pháp. Đại đức Assaji là một trong năm vị Kiều-trần-như đi về thành Vương Xá, ở Trúc Lâm tịnh xá. Sáng ngày, ngài đi khất thực, ông Xá-lợi-phất gặp được ngài và nghe ngài thuyết giảng (đoạn này đã có giải ở đoạn trước).

Sau khi nghe một câu kệ, ông Xá-lợi-phất đã đắc Tu-đà-hoàn. Ông về thuật lại cho ông Mục-kiền-liên nghe, ông Mục-kiền-liên cũng đắc Tu-đà-hoàn, nên hai ông mới định theo Phật giáo.

Hai ông có tâm kính thành thầy cũ là Sañjaya nên vào khuyên ông xuất gia theo chánh pháp. ÔngSañjaya không nghe theo và hỏi rằng: “Trong đời này người thông minh nhiều hay kẻ ngu dốt nhiều?”.

– Thưa thầy, người thông minh ít.

– Vậy hai ông là người thông minh, hãy đi theo thầy Cồ Đàm, còn người ngu dốt thì để lại cho ta.

Biết rằng không thể nào khuyên ông ta theo chánh pháp được nên hai ông về Trúc Lâm tịnh xá xuất gia theo Phật.

Tùy thời thính pháp có quả báo cao thượng không gì sánh bằng như các ngài vậy đó.

+ Biện luận Phật pháp được những hạnh phúc sau đây:

1. Là đại phước.

2. Là người rất giỏi trong việc giải đáp sự nghi ngờ cho những người khác.

3. Là người có nhiều trí nhớ và trí tuệ.

4. Được nghe và được học các pháp mà mình chưa từng nghe.

5. Pháp đã học rồi nhưng chưa hiểu làm cho ta hiểu.

6. Diệt bớt sự nghi ngờ.

7. Trở nên người chánh kiến.

8. Tâm trong sạch khi nghe pháp.

9. Là nguyên nhân cho người đắc quả cao thượng.

10. Có thể giữ được pháp học, pháp hành và pháp thành.

11. Có thể bố thí pháp được.

12. Làm cho Phật giáo được thạnh hành.

13. Giữ được dòng thánh nhơn (là bậc thông Phật pháp có thể thuyết pháp cho người đắc đạo quả được).

14. Gọi là người đi theo thánh đạo.

[1] Không rõ “phương ngôn”này nằm ở đâu!

[2] Sự tha thứ, sự kiên nhẫn.

[3] Tapa: Sự khổ cực, tu khổ hạnh.

[4] Cũng tương tợ các chú thích 100, 101 và các chú thích khác – lời giải của pháp sư không chính xác ngữ nghĩa đã nêu – chỉ có tính cách giảng rộng.

[5] Pháp cú 399: Người không tức giận bao giờ. Trước lời phỉ báng – lặng tờ, nín thinh. Dẫu cho roi trượng phạt hình. Lấy đức nhẫn nại làm binh hộ phòng. Tâm từ rải khắp hư không.. Những kẻ như vậy xứng dòng bla-môn!

[6] Không biết 3 điều an lạc gì? Có lẽ là người, trời và Niết-bàn!

[7] Dịch thơ PC 264, 265: Cái đầu trọc lóc phải chăng? Dối trá, vô hạnh gọi rằng sa-môn? Gỡ bao nhơ bợn tâm hồn. Tỳ-khưu trí hạnh chánh chơn mới là (sa-môn).

[8] Tapa: Tự chủ; sự khổ cực, tu khổ hạnh, về luân lý, hạnh kiểm.

[9] Anusāsana: Sự chỉ bảo, nhăc nhở, lời dạy, chỉ thị.

[10] Sava a: Sự nghe, lỗ tai.

[11] Sati – xem lại chú thích 89.

[12] Trạch pháp giác chi: Chọn, lựa, phân biệt.

[13] Pīti: hỷ, phỉ – chứ không phải lạc; lạc nó nằm nơi an lạc.

[14] Passaddhi: An tịnh, an lạc.

[15] Thất giác chi theo cách giải thích của pháp sư có lẽ để dành cho đại chúng có khái niệm khái quát. Ta có thể hiểu rộng và sâu hơn một tí. Có 3 cách giả thích:

– Thất giác chi theo kinh điển, nếu giải thích theo từng chi phần thì như sau: 1- Niệm: Chú tâm đến đối tượng. 2- Trạch pháp: Phân tích, lựa chọn đối tượng ấy (thiện hay ác). 3- Tấn: Là tứ chánh cần (nỗ lực ly ác, dưỡng thiện). 4- Hỷ: Hỷ này là Pīti, tức là phỉ. (Sau khi ly ác, dưỡng thiện sẽ có một cảm giác khinh an, thư thái, dễ chịu lan tỏa trên thân – 5 pīti). 5- An: Đây là cảm giác an lạc, an tịnh tràn đầy sung mãn cả thân tâm. 6- Định: Đây là định của định hay định của tuệ – tùy thuộc thiền định hay thiền quán. 7- Xả: Nếu thiền định thì định xả, nếu thiền tuệ thì tuệ xả.

– Thất giác chi nếu hiểu là những pháp có sẵn trong tâm của bậc giác ngộ – thì 7 chi phần: Niệm, trạch pháp, tấn, hỷ, an, định, xả – luôn luôn có sẵn trong và tâm vị ấy. Ví dụ, khi nhìn ngắm một đối tượng (thiền tuệ), vị ấy có niệm, sau đó là trạch pháp. Sau trạch pháp liền có tấn. Sau tấn sẽ có hỷ, an, định (định của tuệ) và xả. Đây là một tiến trình tâm sẽ diễn ra trong tâm của bậc giác ngộ.

– Thất giác chi nếu hiểu là có thể tu tập từng chi phần thì nên lưu ý: Niệm, trạch pháp, tấn có thể tu tập như một pháp môn, như một đối tượng riêng biệt. Nhưng hỷ và an không thể tu tập vì nó là quả chứ không phải nhân. Ở đây, khi niệm, trạch pháp, tấn đúng mức, thuần thục thì sẽ có hỷ và an. Tương tợ vậy, trong thiền định, khi tầm tứ đúng mức, thuần thục – sẽ phát sanh hỷ và an; sau an lạc thâm sâu sẽ có định: Cận hành định và an chỉ định. Lên đến tứ thiền thì chỉ còn định và xả. Các bậc thánh nhân có định tuệ thâm sâu, vô lậu tâm, vô lậu trí, lúc giáo tiếp, ứng xử, nhìn ngắm các pháp – họ luôn có tiến trình tâm với 7 yếu tố giác ngộ này nên gọi là thất giác chi hay thất bồ-đề phần. (Họ luôn hưởng hạnh phúc của lạc, định, xả).

KỆ NGÔN IX

HẠNH PHÚC XXXI

Tapa: Sự cố gắng đoạn tuyệt điều ác.

Tapa: Từ này đã nói nhiều trong các đoạn trước có nghĩa là thiêu đốt, nóng hoặc là lửa.

Tôi xin nhắc lại rằng từ tapa là tiếng đã có trước khi đức Thế Tôn thành đạo, là một tiếng cổ của đạo bà-la-môn thường dùng. Về sau đức Thế Tôn truyền bá giáo pháp lại dùng từ tapa mà theo ý nghĩa khác, để chỉ những hành động khác hơn thế nhiều. Vì vậy tôi tưởng nên giải rõ thế nào là bà-la môn giáo, thế nào là Phật đạo.

Bà-la-môn giáo là một tôn giáo có lẫn với giáo pháp cổ truyền của người trong cõi Diêm-phù-đề [1]; Bà-la-môn giáo thịnh hành về miền Bắc cõi Diêm-phù-đề – là từ sông Gagā tại xứ Bārā asī lên miền Bắc. Bà-la-môn giáo thuộc về đa thần giáo. Bà-la-môn giáo tin rằng: Thế gian mà chúng sanh có đây là do nơi phạm thiên tạo ra, và phải đặt dưới quyền điều khiển của phạm thiên. Tín đồ muốn sửa đổi định mạng của mình thì phải có phương pháp cúng dường và cầu khẩn phạm thiên như thế nào là do các thầy bà-la-môn chủ trương, sắp xếp các cuộc cầu nguyện hay tế lễ ấy.

Sau này có Phật giáo, Phật giáo truyền bá rất mau và rất mạnh trong dân chúng, số tín đồ theo Phật giáo càng ngày càng nhiều không kể xiết. Bà-la-môn giáo đổi lại là Hindu. Hindu giáo trộm lấy Phật ngôn đem về dạy tín đồ của mình. Tín đồ Phật giáo một số là từ bà-la-môn giáo. Vì vậy nên khi cần giảng giải pháp, đức Phật lại dùng ngay tiếng của bà-la-môn để dạy, một là tiện cho người thời ấy hiểu, hai là chỉ cho thấy sự khác biệt của triết lý hai tôn giáo. Như tiếng Yanna, Hindu giáo dạy ý là giết thú để cúng dường cho phạm thiên, nhưng trái lại, Phật giáo dùng tiếng Yanna với nghĩa là bố thí. Tiếng Brahma [2] (phạm thiên) trong Hindu giáo là vị chúa tể tạo ra vũ trụ và chúng sanh, nhưng theo Phật giáo là cha mẹ. Tiếng Bkahna (?) trong Hindu giáo chỉ là người hiểu thông kinh luật của Hindu, nhưng trong Phật giáo, là người diệt trừ phiền não… Còn rất nhiều từ, tự dạng và phát âm giống nhau nhưng nghĩa lại khác – như vài ví dụ trên.

Nhờ đức Thế Tôn đem những từ cũ xưa ấy dùng trở lại, và chỉ cho thấy ý nghĩa khác nhau ra sao, nên rất nhiều trí thức bà-la-môn giáo nhận thấy lẽ phải, họ đã trở về nương tựa theo giáo pháp của đức Phật.

+ Từ tapa của bà-la-môn giáo, chung quy, gom tụ vào16 cách thức sau đây:

1. Gabbhā dhāna: Mang thai bào, ý nói khi có thai người mẹ phải cho người trong gia đình biết và có cách thức cúng và hành theo phương pháp của Hindu.

2. Punnusavan: Cách thức rước hồn của đứa trẻ vào thai.

3. Sīmātayan: Cách chia tóc của người có thai ra có giới hạn nghĩa là cách chải đầu của người có thai.

4. Jātakara a: Cách thức sanh.

5. Nāmakara a: Cách thức đặt tên.

6. Annakara a [3]: Cách thức đút cơm.

7. Cudakara a: Cách thức để tóc.

8. Kannābeda: Cách thức xỏ tai.

9. Bijārambha: Cách thức bắt đầu học văn chương hay nghề.

10. Yannoparita: Cách cầm chỉ để làm lễ.

11. Bedarambha: Cách thức học kinh Phệ-đà.

12. Samāpatti: Cách thức làm lễ khi học xong.

13. Samāvantana: Cách thức khi học xong rồi về nhà.

14. Bibah: Cách thức làm lễ khi sính hôn.

15. Banaparāsa: Cách hành tapa.

16. Sanyāsī: Xuất gia.

Maranasankhāra: Chết [4].

Trong 16 điều nầy, chỉ điều thứ 10 không phải là phận sự của người phụ nữ và điều 16 tuỳ ý người hành theo.

Ta thấy 16 điều nầy đi từng bậc một. Pháp hạnh phúc của Phật giáo cũng hành từng giai đoạn một.

Hindu giáo dạy hành tapa rằng: Đợi đến đúng giờ ngọ, hành giả ngồi giữa trời rồi đốt lửa xung quanh mình, mới lần đầu thì lửa để xa hành giả chừng một sải tay, sau càng ngày càng đem lại gần hơn.

Hành giả học tham thiền thế nào để đạt đến một mức độ là không còn thấy cảm xúc với sự nóng, hành tapa như vậy bà-la-môn (Hindu) giáo gọi là đốt phiền não.

Theo lịch sử Phật giáo, thì đức Từ Phụ của chúng ta khi chưa đắc đạo, nghĩa là trong vòng sáu năm khổ hạnh, ngài cũng hành tapa (khổ hạnh) theo thể thức và phương pháp

truyền thống của bà-la-môn giáo. Sau khi từ bỏ khổ hạnh

ấy, sống trung đạo, ngài mới giác ngộ chân lý.

Sau khi thành đạo được 9 tháng, ngài thuyết câu này tại Vương Xá thành: “Khantī paraman tapo titikkhā: Sự tinh tiến nhẫn nại là pháp cao quí nhứt của tapa”.

Trong câu này, đức Phật dùng từ tapa với nghĩa là pháp nhẫn nại, chớ không theo quan niệm của bà-la-môn, là hơ, đốt hay thiêu phiền não.

Muốn giải rõ tapa tôi xin chia ra làm hai phần: Định nghĩa từ tapa và cách hành tapa.

Tapa có nghĩa là làm cho nóng, như nấu nước uống như câu phạn ngữ là Udaka tapati. Còn câuPacchā tāyati dukkara thì có nghĩa: Hành động tội lỗi, ăn năn về sau. Ta có thể cắt nghĩa từ tapalà hơ, nướng, nấu, nung, thiêu đốt.

Theo Phật pháp, tapa ngụ ý chỉ sự làm cho nóng; làm cho nóng rồi thiêu cháy hết những phiền não trong tâm ta, vì những phiền não ấy thường nhiễu nhương tâm ta, không để tâm ta yên tịnh nên ta phải đốt nó.

Sự nhẫn nại là một pháp tapa. Có câu Phật ngôn dạy: Khantī tapo tapassino, nghĩa, nhẫn nại làtapa của người thực hành theo pháp tinh tấn.

Còn nữa, giới là một pháp tapa. Trong túc sanh truyện Somasaka có nói rằng: Ta sẽ dứt bỏ những trần dục bằng tapa, ý nói, sự trì giới không cho phạm.

Bát quan trai giới cũng là một tapa vì nó là pháp ngăn ngừa không cho ác pháp sanh trong tâm và đánh đuổi ác pháp ấy ra khỏi tâm.

+ Có 3 pháp tapa quan trọng.

1. Yonisomanasikāra [5]: Dùng trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm.

2. Viriya: Tinh tấn

3. Indriyasa vara: Sự thu thúc lục căn.

(1)- Dùng trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm: Bất cứ trường hợp nào, đời hay đạo, ta cũng cần phải có trí nhớ và trí tuệ để quan sát chuyện làm càn và làm bướng. Trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm là một pháp tapa có thể diệt trừ được các ác pháp trong tâm và ngăn ngừa không cho các phiền não bên ngoài xâm nhập vào. Đức Thế Tôn biết tâm chúng sinh hằng chạy theo dục trần, làm nô lệ cho phiền não, nên ngài dạy phải dùng trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm. Em của đại đức Xá-lợi-phất là người có đủ trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm nên giải thoát được – như câu chuyện sau đây:

“- Khi xuất gia, đại đức Xá-lợi-phất còn một người em trai và một cô em gái ở nhà [6]. Mẹ ngài là người tà kiến, không tin theo Phật giáo, nên ngài mới yêu cầu chư Tăng, khi nào thấy em trai ngài xin xuất gia, thì cứ tự tiện cho, không cần có sự ưng thuận của mẹ ngài.

Bà mẹ thấy con trai trưởng của bà là đức Xá-lợi-phất xuất gia, bà sợ con trai út cũng xuất gia theo anh, nên lo cưới vợ cho con. Ngày rước dâu, theo phong tục người thời ấy, thì phải chọn một người rất già đến xối nước trên tay của cặp tân hôn, nên trong họ chọn được bà ngoại của cô dâu là người có đủ điều kiện. Khi làm lễ, bà ngoại vợ đến nắm tay cặp tân hôn xối nước và nói rằng: “Bà cầu chúc cho hai cháu được như bà hôm nay”. (Ý rằng: Bà cầu xin hai cháu ăn ở với nhau cho đến răng long tóc bạc như bà ngoại đây vậy).

Em của đức Xá-lợi-phất nhìn vợ thì thật là đẹp, khi day qua trông thấy bà ngoại vợ già, miệng móm da nhăn tóc bạc, coi thật xấu. Ông [7] mới thầm nghĩ rằng: “Bà ngoại vợ ta khi còn trẻ cũng đẹp như vợ ta hôm nay, sắc đẹp ấy bây giờ không còn nữa, phải chịu số phận già nua tàn tạ như thế. Vậy sắc đẹp đâu còn tồn tại mãi được; trên đời nầy không có chi trường tồn bền vững – cái già, cái bệnh, cái chết rồi ai cũng phải trải qua! Thảo nào mà anh ta đi tìm đường giải thoát”.

Suy nghĩ đến đó chàng phát tâm chán nản mùi tục luỵ, ý chàng muốn xuất gia theo gương của anh, chàng mới nghĩ ra được một kế, trên đường rước dâu chàng làm bộ đau bụng, cứ đòi xuống đi ngoài mãi.

Nhiều lần như vậy bà mẹ tưởng con mình bị bụng kiết nên không để ý, để cho chàng tự do và cho xe rước dâu về trước, để chàng đi sau. Dịp may đã đến, chàng bèn thẳng vào chùa [8]ở gần, xin chư tăng cho xuất gia.

Chư Tăng hỏi: Ngươi có được phép của cha mẹ cho xuất gia hay chăng?

– Bạch đại đức không!

Chư Tăng không dám cho xuất gia. Đức Thế Tôn cấm không cho người xuất gia nếu không được phép của cha mẹ. Chàng mới la to rằng: “Bớ người ta! Ăn cướp! Ăn cướp!”. Chư Tăng lấy làm lạ mới hỏi rằng: “Gã kia! Ngươi đã điên rồi chăng? Tại sao ở giữa Tăng chúng mà ngươi la lên như thế? Ai cướp của ngươi?”

– Bạch chư Tăng! Trong vòng sanh tử luân hồi, đệ tử đã bị ma vương cướp lấy duyên lành của đệ tử rất nhiều rồi; và rồi đây tử thần sẽ cướp lấy sanh mạng nầy đi thì làm sao gặp được chân lý của Phật.

Chư Tăng nghe câu nói hàm ý sâu xa, biết cậu này là người có trí tuệ và lại rất cương quyết, mới hỏi: Ngươi là con của ai ở vùng này?

– Bạch chư đại đức! Đệ tử chính là em trai út của ngài Xá-lợi-phất.

Chư Tăng mới sực nhớ đến lời dặn dò nhờ cậy của đức Xá lợi-phất trước đây – nên cho em ngài xuất gia. Về sau em ngài Xá-lợi-phất đắc A-la-hán.

Nhắc lại tích nầy để quí vị thấy rằng trong lúc đám cưới của mình, ngài đã trông thấy sự thay đổi của thân nầy, đã dùng trí tuệ [9] quan sát thấy vô thường, khổ não và vô ngã, bỏ sự nghiệp giàu sang và vợ đẹp mà xuất gia. Nhờ vậy mà đắc được A-a-hán quả.

Trí nhớ và trí tuệ có quả báo cao thượng vô cùng vô tận như thế. Vậy ta nên áp dụng trí tuệ trong mỗi trường hợp dầu trong chuyện rất nhỏ. Có vậy ta mới tránh khỏi tai nạn và tội lỗi, mà đó cũng là nguyên nhân làm cho ta đắc đạo quả.

(2)- Tinh tấn: Trong bộ kinh Anguttaranikāya, đức Thế Tôn có dạy rằng: Sự cố gắng tiêu trừ tất cả sự lười biếng gọi là tapa. Sự cố gắng tiêu trừ sự lười biếng là nhân dẫn đến đạo quả và Niết-bàn. Người đời cũng vì lười biếng mà không tu hành tinh tấn. Ta nên nhớ rằng: Việc gì ta làm chưa xong là món nợ chưa trả hết.

Đức Thế Tôn còn giáo giới thêm rằng:

“- Không bao giờ Như Lai giải đãi, vì Như Lai nghĩ rằng: Mặc dầu máu, thịt của ta khô đi, chỉ còn da gân và xương, ta cũng chẳng màng, nếu ta chưa được quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác bằng sự tinh tấn.

Nầy các thầy tỳ-khưu! Như Lai đắc được tuệ giác vì sự không phóng dật, dễ duôi. Pháp an vui tuyệt đối là sự giải thoát khỏi luân hồi, Như Lai đã nhờ vào pháp không phóng dật, dễ duôi. Nầy các thầy tỳ-khưu! Các thầy nên ráng tinh tấn, đừng thối chuyển. Nên cố phát nguyện rằng: Máu thịt của ta có khô cũng mặc, bao giờ ta không đến nơi giải thoát hoàn toàn bằng sự tinh tấn của người nam, thì ta không thối chuyển.

Nầy các thầy tỳ-khưu! Trong thời gian không lâu các thầy sẽ đắc quả an vui tuyệt đối, sẽ đến nơi rốt ráo, cùng tột của phạm hạnh. Vì lẽ ấy các thầy nên học nằm lòng rằng: Chúng ta là người có sự cố gắng tinh tấn không giải đãi, ta phát nguyện rằng: Dầu máu thịt…”

Chú giải cũng lặp lại ý của đức Thế Tôn: Khi Như Lai chưa đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác, Như Lai cố hành theo pháp tinh tấn, không hề thối chuyển dù thân nầy có tiều tụy, còn da bọc xương mà không đắc đạo quả cũng không bỏ sự tinh tấn diệt trừ phiền não, nhờ vậy mà dưới cội cây bồ-đề, Như Lai đã cảm thắng ma vương, diệt tận gốc phiền não.

Vậy chúng ta không nên thối chí ngã lòng, nên cố gắng cho đến hơi thở cuối cùng, như thầy tỳ-khưu trẻ trong câu chuyện sau đây:

“- Có một thầy tỳ-khưu trẻ tuổi học thiền định với đức Phật. Ông vào rừng cố hết sức tham thiền ba tháng không hề dám giải đãi, nhưng không kết quả chi cả. Ông mới nghĩ đến lời của đức Thế Tôn dạy và cho rằng mình là một trong bốn hạng người [10] không thể đắc quả trong kiếp nầy, vậy thì ở rừng rất là vô ích, nên ông trở về chiêm ngưỡng tôn nhan của đức Từ Phụ và nghe pháp ở chùa Kỳ Viên. Có nhiều vị tỳ-khưu biết thầy tỳ-khưu trẻ tuổi ấy chán nản hành đạo, nên mới vào bạch Phật chuyện ấy.

Đức Thế Tôn mới dạy tỳ-khưu trẻ tuổi ấy rằng: “Ông là người xuất gia theo giáo lý của Như Lai, là nguyện đi theo con đường giác ngộ, giải thoát – sao ông không thực hành để kẻ khác nhận biết ông là người tri túc, là người ít tham vọng, là người thanh tịnh, người không chung đụng với thiện tín, là vị tỳ-khưu có nhiều tinh tấn?

Kiếp trước rất nhiều người nhờ sự cương quyết tinh tấn của một người – người ấy là ông, đã nỗ lực đập vỡ tảng đá – mà được uống nước, được cứu sống, khi ở giữa bãi sa mạc. Tại sao bây giờ ông lại thối chuyển, từ bỏ tinh tấn?”

Khi ấy có nhiều vị tỳ-khưu muốn hiểu rõ chuyện quá khứ, nên cầu xin đức Thế Tôn thuyết truyện ấy cho nghe.

“- Lúc quá khứ, có một đoàn người đi buôn bằng xe, có 500 cỗ xe đi bán tại xứ Bārā asī, phải đi qua một bãi sa mạc 60 do tuần (một do tuần là 16 cây số ngày). Vì vậy nên những người đi qua bãi sa mạc phải chuẩn bị đủ nước, gạo, cỏ… đủ dùng. Họ đi ngang qua sa mạc chỉ đi ban đêm, nên người dẫn đường hay mỏi mệt. Khi đoàn xe ấy đi được 59 do tuần – chỉ còn 01 do-tuần – người hướng đạo hay biết chuyện ấy nên bảo bỏ bớt đồ cần thiết để nhẹ xe cho đỡ khổ đàn bò.

Vì đi đường nhiều đêm, người hướng đạo mỏi mệt ngủ quên, xe quành trở lại chỗ cũ; ông bèn ngước mặt nhìn lên trời xem sao mới biết là đi lạc, thì tình thế không còn cứu vãn được nữa, đành ngừng xe cho nghỉ. Vật tối cần cho người đi trong sa mạc là nước, mà lúc đó đoàn đã hết nước rồi. Người hướng đạo mới lo đi tìm nước. Đi cả ngày mới thấy nơi nọ có cỏ mọc; nghĩ rằng thế nào ở dưới chỗ đó cũng có nước liền gọi đoàn người đến đào. Khi đào chỗ ấy sâu đến 60 hắc tay mà không có nước, ai ai cũng ngã lòng. Người hướng đạo coi thấy phía dưới có một tảng đá to. Y kê tai nghe có tiếng nước chảy mới gọi người phụ tá đến bảo rằng: “Nầy con, một khi mà ta từ bỏ sự trì chí, thì cả đoàn đều chết khát, vậy con lấy khúc sắt nầy, nỗ lực đập cho bể tảng đá ấy, tức thì có nước”. Người phụ tá trẻ tuổi ấy vâng lời trưởng đoàn, không nề hà mệt nhọc, kiên trì đục đá, đục mãi đục hoài không nản chí. Mọi người thất vọng bỏ đi nhưng người đục đá không bỏ cuộc. Cuối cùng, đức nhẫn nại và tinh tấn của anh ta đã được đền đáp: Một vòi nước to bằng thân cây thốt nốt phun lên, nhờ đó mà cả đoàn khỏi bị chết khát”.

Kể chuyện xong, đức Thế Tôn nói: Những người có quyết tâm, không nản chí đào giếng giữa bãi sa mạc, cũng như các bậc trí thức kiên chí, không lười biếng, không dễ duôi, sẽ thành tựu được những lợi lạc to lớn.

Đức Thế Tôn thuyết thêm pháp tứ đế. Vị tỳ-khưu dùng quán minh sát đắc A-la-hán quả. Đức Phật mới dạy rằng: Người hướng đạo ấy là Như Lai, còn người đập tảng đá ấy chính là thầy tỳ-khưu trẻ tuổi này”.

Như vậy, trong trường hợp này, Tapa là sự tinh tấn đem lại hạnh phúc như đã trình bày trên.

(3)- Thu thúc lục căn (Indryasa vara): Chú giải bộ kinh

Magalasutta có giải rằng: Thu thúc lục căn gọi là Tapa, vì Tapa là pháp thiêu huỷ các ác pháp như tham lam, sân hận, si mê. Hơn nữa, Tapa có nghĩa tổng quát là ngăn ngừa, tiêu trừ các pháp ác.

Trí nhớ (niệm) không cho tâm phóng túng theo cảnh trần gọi là thu thúc, vì thu thúc có nghĩa là ngăn giữ, phòng hộ, chận đứng không cho lục căn tiếp xúc với lục trần; và khi tiếp xúc với lục trần thì phải biết bảo vệ lấy lục căn.

Biết ngăn giữ, phòng hộ, chận đứng không cho lục căn tiếp xúc với lục trần là nguyên nhân thiêu hủy các pháp ác. Đức Thế Tôn biết khi lục căn không thu thúc, bị trần cảnh xâm chiếm, thì phiền não phát sanh, đạo hạnh phải bị hư hoại, như sự tích đạo sĩ sau đây:

“- Thời quá khứ có một vị đạo sĩ tên Lomassakassapa, tiền thân của đức Phật, ngài hành đạo tại rừng Tuyết Lãnh. Vì sự thực hành hạnh Tapa của ngài rất là tinh tấn, nên sức nóng xông lên đến đức Đế Thích. Đức Đế Thích lấy làm lạ không biết vì nguyên nhân nào, khi xem lại mới biết rằng có vị đạo sĩ đang thực hành hành Tapa với nhiệt tâm, ý chí không gì lay chuyển nổi. Đế Thích cảm giác lo lắng, bất an, sợ rằng với phước báu ấy, do thắng xa phước báu của ông – có thể chiếm lấy ngai vàng của ông – nên mới nghĩ phương pháp để chận đứng hạnh Tapa của vị đạo sĩ ấy.

Đêm khuya lại, ngài mới hiện đến long sàng của đức vua, phát hào quang sáng rực, gọi đức vua rồi bảo rằng: Trẫm đây là Đế Thích, đến mách cho đại vương biết rằng, nếu đại vương muốn làm chúa tể cả cõi Diêm-phù-đề nầy thì hãy giao công chúa cho vị quốc sư Seyyaha, bảo đem đến rừng tuyết lãnh, cám dỗ cho kỳ được ông đạo sĩ tên là Lomassakassapa.. Sau đó, đại vương nhờ đạo sĩ ấy giết thú tế thần lửa, nhờ quả ấy đại vương sẽ không già, đau và chết như ta vậy, lại còn được làm chúa cõi Diêm-phù-đề [11].

Sáng ngày, lâm triều, đức vua thực hành theo lời của Đế Thích. Vị quốc sư đem công chúa Candadevī đến trêu ghẹo đạo sĩ. Vì không thu thúc, nên vị đạo sĩ bị sắc đẹp của công chúa làm lung lạc, bằng lòng theo quốc sư về thành làm lễ tế thần lửa. Người trong xứ tựu đến xem rất đông. Dân chúng thấy vị đạo sĩ mình còn mặc đồ đạo sĩ mà đi sát sanh, nên những người ấy mới la lên rằng: “Ông đạo sĩ, ông làm chuyện không hợp lẽ đạo!” Rồi họ mới nói câu kệ:

– Bala cando bala suriyo

Bala sama a brahma ā

Bala velāsamuddassa

Balāti balāti bala itthiyo.

Nghĩa là: Mặt trăng có sức mạnh làm cho sáng bầu trời ban đêm, mặt trời có sức mạnh ban ngày. Sa-môn và bà-la-môn có sức mạnh là nhẫn nại. Nhưng chỉ có hàng phụ nữ có sức mạnh hơn tất cả các sức mạnh khác.

Vì sắc đẹp của công chúa Candadevī đã cám dỗ được vị đạo sĩ Lomassakassapa là người đắc được pháp tapa, nên ông ta phải về làm lễ tế thần lửa.

Ý câu nầy nói rằng: Những sức mạnh nào trên thế gian này cũng không bằng sức mạnh của phụ nữ, bậc xuất gia hành tapa đến đỗi làm cho thiên vương Đế Thích nóng nảy, mà vẫn còn bị cám dỗ vì sắc đẹp. Vì vậy các bậc trí thức nên biết rằng: Chỉ có sắc đẹp của phụ nữ là mạnh nhất.

Trong lúc người ta la như thế, vị đạo sĩ ấy đưa cây đao lên, định chém đầu một con voi để khai đao – mở màn cho bọn đồ tể bắt đầu cuộc sát sanh lớn. Trước cái chết ấy, con voi kinh sợ rống lên, kế đó những loại thú khác cũng rống la vang rền. Vị đạo sĩ nghe tiếng la rống kinh hoàng của các con thú, bèn nghĩ: “Tất cả chúng sanh đều sợ chết, kinh hoàng trước sự chết. Vậy ta nỡ nào giết chết bao sanh mạng để đổi lấy một chút khoái lạc dục tình?

Thật là đáng hổ thẹn với chính ta, hổ thẹn với các bậc thiện trí thức trên đời này!”

Đạo sĩ còn tự nhủ rằng: “Việc làm của ngươi thật là độc ác và đê tiện”. Rồi đạo sĩ bỏ đao xuống, ngồi kiết già, niệm đề mục thiền định, lát sau, ông đắc lại tứ thiền luôn cả ngũ thông như trước. Đạo sĩ liền bay lên hư không, dạy nhà vua hãy bỏ sự cúng dường không theo lẽ đạo và nên phóng sanh. Nhà vua trông thấy sự phi thường như thế, liền vâng lời thực hiện theo lời răn dạy của đạo sĩ.

Chuyện nầy chỉ cho ta thấy rằng, nếu vị đạo sĩ ấy biết thu thúc lục căn, không nhìn sắc đẹp của công chúa, thì đâu phải chịu sự chỉ trích của dân chúng và sự hối hận sau khi định làm một hành động xấu ác.

Vì vậy nên trong bộ chú giải Sabbavasutta có dạy rằng: Người tu hành phải biết thu thúc lục căn và có trí nhớ quan sát tâm trong mọi trường hợp. Một khi thiếu trí nhớ không thu thúc lục căn thì thật là khó sửa trị.

Điều này có thể ví như nhà vua muốn cho dân chúng được an cư lạc nghiệp, thì một mặt phải tra xét kẻ bất lương cho nghiêm nhặt, còn một mặt thì phải tuần phòng, ban đêm phải đóng khóa các cửa hàng, không cho kẻ bất lương có cơ hội xâm nhập.

+ Tapa có nhiều pháp khác nhau, theo đây tôi xin kể những pháp có tên là tapa:

1. Nhẫn nại.

2. Trì giới: Ngũ giới, bát quan trai, tứ thanh tịnh giới.

3. Học thông kinh luật của đức Thế Tôn dạy.

4. Hành hạnh đầu-đà.

5. Hành thiền định.

6. Hành minh sát tuệ.

7. Thu thúc lục căn.

8. Hành hạnh tinh tấn.

+ Hành tapa được những hạnh phúc là:

1. Là đại phước.

2. Là người không dễ duôi.

3. Là người vâng giữ hành theo Phật ngôn.

4. Là người thông hiểu theo phương pháp hành đạo.

5. Diệt bỏ được những điều xấu xa.

6. Không chung đụng với ác pháp.

7. Tự mình đi đến cõi trời.

8. Người có chánh tư duy.

9. Thường được hưởng quả an vui.

10. Là người sẽ đắc đạo quả Niết-bàn.

HẠNH PHÚC XXXII

Brāhmacariya: Hành phạm hạnh

Hành phạm hạnh là hành theo pháp cao thượng, nghĩa là hành theo các pháp mà các bậc trí thức hằng ngợi khen như giới, định, tuệ.

Hành phạm hạnh còn có nghĩa là hành theo pháp Tứ vô lượng tâm là từ, bi, hỉ, xả.

Người hành theo phạm hạnh muốn sanh về cõi phạm thiên, ít nhứt phải đắc sơ thiền.

Hành theo phạm hạnh là sửa chữa mình trở nên người trong sạch; thân, khẩu, ý xa lìa các tội ác, mặc dầu các tội ác ấy rất nhỏ, cũng không làm.

Hành theo phạm hạnh là vâng giữ theo lời Phật dạy không dám phóng dật, dễ duôi.

Quý vị xem đến đây, hạnh phúc thứ 32, chắc quí vị đã nhận ra, mỗi hạnh phúc là một pháp mà người muốn được hạnh phúc phải vâng giữ thực hành theo, chớ không có thần thánh nào ban bố cho ta những hạnh phúc ấy cả. Và chắc quí vị cũng thấy rằng: Phật giáo không thần thánh hóa con đường hạnh phúc. Vậy, 38 điều hạnh phúc này sẽ đi theo tuần tự, thứ lớp. Muốn đạt hạnh phúc giải thoát rốt ráo, ta phải biết vâng giữ thực hành theo từng hạnh phúc một.

Chú giải kinh hạnh phúc có dạy rằng: Các bậc trí thức thường có chánh kiến, họ thực hành theo hạnh cao thượng. Hành động cao thượng ấy gọi là brāhmacariya, nghĩa là phạm hạnh – vì những hành động ấy không có lẫn ác pháp, trái lại làm cho lòng từ bi tăng trưởng.

+ Trong bộ chú giải kinh hạnh phúc, đại đức Sirimagala có dạy rằng: Phạm hạnh có mười điều:

1. Dāna: Bố thí

2. Veyyāvacca: Sự cố gắng giúp đỡ người khác trong các việc phước thiện.

3. Pañcasīla: Thọ trì ngũ giới.

4. Appamā a [12]: Niệm tứ vô lượng tâm.

5. Methunavirati: Xa lánh, kiêng cử dâm dục.

6. Sadārasantusa: Sự tri túc đối vợ nhà (không ngoại tình)

7. Viriya: Sự tinh tấn.

8. Uposatha: Thọ bát quan trai giới.

9. Ariyamagga: Thánh đạo.

10. Sāsana: Lời giáo huấn của đức Thế Tôn.

(1)- Bố thí là phạm hạnh: Trong túc sanh truyện có nói tiền thân của đức Thích-ca là một vị trí thức tên Vidhura, đối thoại với Long vương. Chuyện như sau:

“- Biết được Vidhura là người có đức hạnh nên Long vương Varuna cho người mời đến thủy cung chơi. Trông thấy sự cao sang của Long vương, ngài mới hỏi:

– Tâu Đại vương! Ngài có nhiều oai lực, sức mạnh, hào quang chiếu rất sáng, vậy là nhờ quả của nghiệp chi?

Long vương đáp:

– Chúng tôi, trẫm và hoàng hậu, khi sanh làm người, là người có đức tin, làm chủ sự bố thí; nhà của trẫm ví như giếng nước giữa ngã tư đường, là nơi cung phụng vật thực đầy đủ cho sa-môn, bà-la-môn một cách thường xuyên, bốn mùa, tám tiết không mệt mỏi.

Khi ở trong cõi người, trẫm và hoàng hậu hết lòng thành kính cúng dường những tràng hoa, vật thơm, vật thoa, chỗ ngủ, nhứt là nệm chiếu, chỗ cư ngụ (nhà) y phục, cơm nước, thuốc men… Sự bố thí ấy là phạm hạnh của trẫm và hoàng hậu. Tất cả những gì có được trong cõi nầy đều nhờ quả phạm hạnh của trẫm và hoàng hậu đã tạo ra”.

Theo lời của vị Long vương nói trên đây, bố thí là một phạm hạnh. Bố thí là nguyên nhân phát khởi làm cho ta có tác ý lành, có thể đem của cải ra cho người khác.

Người muốn cho phước báo của sự bố thí được hoàn toàn

trong sạch phải có đủ nguyên nhân. Trong Tam tạng, bộ Anguttaranikāya, lúc đức Thế Tôn ngụ tại Kỳ Viên tịnh xá của trưởng giả Cấp Cô Độc, gần thành Thất La Phiệt [13], có một bà tín nữ bố thí đúng theo 6 pháp đến chư tăng, trong ấy có đại đức Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Đức Thế Tôn trông thấy bằng tuệ nhãn, nên ngài gọi các thầy tỳ-khưu đến dạy rằng:

– Nầy các thầy tỳ-khưu! Cô tín nữ có tâm trong sạch, tên là Velukandakinandamātā đang bố thí đúng chánh pháp, có đầy đủ 6 chi phần. 6 chi phần ấy là gì? Là người thí chủ phải có 3 chi, và người thọ của bố thí phải có 3 chi.

+ Ba chi của thí chủ là:

1. Thí chủ phải có tâm trong sạch trước khi bố thí.

2. Lúc đang bố thí tâm cũng phải trong sạch.

3. Khi bố thí xong cũng làm cho tâm trong sạch.

+ Ba chi của người thọ lãnh là:

1. Người thọ lãnh không còn tham ái hoặc đang trên lộ trình thực hành để diệt trừ lòng tham ái.

2. Không còn sân hận hoặc đang trên lộ trình tu tập để diệt trừ sân hận.

3. Không còn si mê hoặc đang trên lộ trình tu tập để diệt trừ si mê.

+ Người bố thí được quả báo là:

1. Dāna saggasopāna : Bố thí là cái thang để đi đến cõi người, trời.

2. Dāna āpāyassa channa (?): Bố thí che được bốn đường ác, nghĩa là nhờ bố thí mà khỏi sanh vào ác đạo.

3. Dāna sahāyasambhūta : Bố thí là người bạn đường ngày vị lai.

4. Pātheyya muttāna (?): Bố thí là tư lương (vật thực riêng), rất cần yếu của người đi đường xa(là luân hồi).

5. Mokkhappathavana : Bố thí là con đường đi đến Niết-bàn.

(2)- Giúp đỡ người khác là phạm hạnh: Bộ chú giải hạnh phúc kinh có dạy tiếng Veyyavacca nghĩa là ráng tìm kiếm giúp đỡ người trưởng thượng hay người có ơn hoặc các bậc xuất gia như sa-môn, tỳ-khưu, bà-la-môn, những gì mà các ngài cần ta giúp đỡ.

(3)- Thọ trì ngũ giới là phạm hạnh: Ngũ giới là 5 điều luật. Chẳng phải khi Phật thành đạo mới có 5 điều luật ấy, sự thật 5 điều này đã có từ trước, nó như là một đạo lý phổ thông. Nếu trong thế gian nầy, con người không thọ trì ngũ giới thì thế giới không tồn tại được vì nạn giết hại nhau, trộm cắp của nhau, tà hạnh lẫn nhau… thì quả là đảo điên và thống khổ.

Ngũ giới là một trong phạm hạnh. Nhờ có ngũ giới nên chúng sanh được an vui, trong Anguttaranikāya đức Thế Tôn có dạy: Người trong đời nầy, kẻ nào không sát sanh, không trộm của người, không tà dâm, không nói lời dối vạy, không uống chất say, kẻ ấy gọi là người dứt được năm nghiệp chướng. Bậc thiện trí thức gọi là người có giới đức, người có trí, sau khi quá vãng được sanh về cõi người và trời.

Theo câu Phật ngôn thì ngũ giới là nhân đưa ta đến cõi người và trời, được hạnh phúc và an vui.

Trong bài kinh Mahāparinibbāna bộ Dīghanikāya, đức Thế Tôn có dạy cho Gahapati rằng: Người có giới đức, giới hạnh trong sạch được 5 quả báo là:

1. Sẽ được nhiều tài sản quí báu do không phóng dật, dễ duôi.

2. Sẽ được danh thơm, tiếng tốt lan truyền đi khắp các nơi.

3. Khi hội họp với vua, chúa, bà-la-môn hoặc đi đến bất cứ một hội chúng nào cũng không rụt rè, sợ sệt; luôn với sắc mặt tươi tỉnh, đoan nghiêm làm cho người khác phải nể trọng!

4. Lúc lâm chung, tâm trí người ấy không lú lẩn, không mê loạn, không si mê; giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt, an định và mát mẻ.

5. Sau khi từ bỏ thân này sẽ được sanh về cõi người và trời do phước báu hỗ trợ.

Vậy cho nên ngũ giới đã giải trên được gọi là phạm hạnh.

(4)- Tứ vô lượng tâm là phạm hạnh: Trong bài kinh Mahāgovinda bộ Dīghanikāya, có thuật lại một câu chuyện như sau:

“- Thuở nọ, đức Thế Tôn ngụ tại núi Gijjhakū a (Linh Thứu), gần thành Vương Xá, khi ấy có vị Càn-thát-bà tên Pañcasikhā từ cõi trời đến hầu đức Thế Tôn giữa đêm thanh vắng. Ông Pañcasikhā mới thưa bạch với đức Phật rằng:

-Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử có nghe phạm thiên Samanakumāra kể với chư thiên rằng: Có thầy bà-la-môn Mahāgovinda là một trong 7 vị đại thần của vua Renura, đã từ bỏ danh vọng, sự nghiệp xuất gia làm đạo sĩ. Sau đó có nhiều người xuất gia theo làm đệ tử ông, phần đông đều là dòng hoàng tộc. Thầy bà-la-môn Mahāgovinda tu tập thiền định, đắc tứ vô lượng tâm. Ngài thường giảng giải giáo pháp cho hàng đệ tử. Vị nào vâng giữ thực hành theo lời dạy bảo ấy một cách nhiệt tâm, tinh cần thì được hóa sanh về cõi phạm thiên. Số còn lại, ít nhất là được sanh về cõi trời dục giới. Vậy, sự xuất gia của người ấy được kết quả tốt lành tùy theo phạm hạnh của mình. Đức Thế Tôn có nghe biết chuyện ấy không và có xác chứng điều ấy là sự thực chăng?

Đức Phật mỉm cười:

– Nầy Pañcasikhā! Như Lai biết rõ chuyện ấy lắm! Và Như Lai xác chứng điều ấy là sự thực. Tại sao vậy? Vì bà-la-môn Mahāgovinda ấy là tiền thân của Như Lai.

Tuy nhiên, nầy Pañcasikhā! Những phạm hạnh ấy không phải là pháp hành để thoát khỏi luân hồi, không phải thực hành mà có thể xa lìa dục vọng trong luân hồi, không phải thực hành mà có thể hiểu rõ luân hồi, không phải thực hành để thức tỉnh khỏi luân hồi, không phải thực hành hầu đạt đến Niết-bàn. Tất cả sự thực hành như thế chỉ đưa đến cõi phạm thiên là cùng.

Nầy Pañcasikhā! Thực sự thực hành phạm hạnh phải là bát chánh đạo. Tu tập theo bát chánh đạo mới là con đường diệt tận khổ ưu, chánh trí, giải thoát, Niết-bàn!”

Trong cuộc đối thoại trên đây, đức Thế Tôn đã phương tiện dạy tứ vô lượng tâm là phạm hạnh. Tứ vô lượng tâm chính là từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng và xả vô lượng.

1. Sự dứt bỏ oán thù là quả của từ tâm

2. Sự dứt bỏ điều làm hại người là quả của tâm bi

3. Sự dứt bỏ điều bực tức do trái ý hoặc không vừa lòng là quả của tâm hỉ.

4. Sự tiêu diệt tham ái là quả của tâm xả [14].

Hơn nữa tâm từ là phương pháp làm cho con người không oán thù; tâm bi là phương pháp làm cho người không có sự làm hại kẻ khác; tâm hỷ là phương pháp làm cho người không bực tức; tâm xả là phương pháp làm cho người dứt được lòng tham ái và thiên chấp.

+ Người muốn rải lòng từ, bi, hỉ, xả phải có những phương pháp là:

1. Anodhiso phara a: Rải không phân biệt nam nữ.

2. Odhiso phara a: Rải còn phân biệt nam nữ.

3. Disāphara a: Rải cùng phương hướng.

(1)- Phương pháp rải không phân biệt nam nữ, có năm pháp:

a. Sabba sattā averā abyāpajjhā anīghā sukhī attāna parihārantu: Nghĩa là: Tất cả chúng sanh đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui.

b. Sabbe pā a averā: Tất cả loài có thức tánh… đừng cột oan trái nhau, đứng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui.

c. Sabbe bhūtā averā: Tất cả hàng phu-ta (hạng đã sanh)… đừng có cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui.

d. Sabbe puggalā averā: Tất cả puggala (người)… đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy

giữ mình được an vui.

đ. Sabbe attabhāvapariyapannā: Tất cả atta-bhāva (tất cả những người còn sống) đừng cột oan trái với nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình được an vui.

+ Dưới đây tôi xin chú giải những pháp nói trên.

– Satta (chúng sanh): Nghĩa là người còn dính, ý nói người còn ham mê tình dục, là người còn phiền não, còn dính trong luân hồi.

– Pā a: Nghĩa là hạng còn sống bằng hơi thở ra vào.

– Bhūta: Nghĩa là người sang giàu trong cảnh giới.

– Puggala: Nghĩa là người ta.

– Attabhāva: Nghĩa là thuộc hạng có thức tánh, hay biết rằng có thân nầy.

Năm hạng trên chỉ khác nhau trong danh từ, nhưng chung qui đều là chúng sanh.

(2)- Rải còn phân biệt nam nữ, có 7 pháp:

a. Sabbe atthiyo averā abyāpajjhā anīghā sukhī attāna parihārantu: Tất cả hàng phụ nữ đừng cột oan trái với nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, đừng làm hại nhau, hãy giữ mình cho được an vui.

b. Sabbe purisā averā… Tất cả người nam đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau…

c. Sabbe ariya averā… Tất cả các bậc thánh nhơn không bao giờ cột oan trái nhau… ( Sự thật thì các bậc thánh nhơn không bao giờ cột oan trái với nhau – nhưng đây là bài kinh kể cho đủ các hạng người mà thôi).

d. Sabbe anariya averā… Tất cả các bậc không phải thánh nhơn (phàm) đừng cột oan trái với nhau.

đ. Sabbe devā averā… Tất cả chư thiên đừng cột oan trái nhau.

ê. Sabbe vinipātikā averā… Tất cả hạng sanh vào ác đạo dừng cột oan trái nhau…

(3)- Rải đi khắp các hướng, có mười pháp:

a. Sabbe puratthimāya disāya averā, abyāpajjhā, anīghā sukhī attāna parihārantu: Tất cả chúng sanh ở hướng Đông xin đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui.

b. Sabbe pacchimāya disāya sattā averā… Tất cả chúng sanh ở hướng Tây…

c. Sabbe uttara disāya sattā averā… Tất cả chúng sanh ở hướng Bắc…

d. Sabbe dakkhi ā disāya… Tất cả chúng sanh ở hướng Nam.

đ. Sabbe puratthimāya anudisāya sattā averā…Tất cả chúng sanh ở hướng Đông Nam…

e. Sabbe dakkhi ā anudisāya sattā… Tất cả chúng sanh ở hướng Đông Bắc…

ê. Sabbe pachimāya anudisāya sattā averā… Tất cả chúng

sanh ở hướng Tây Nam…

g. Sabbe uttarāya anudisāya sattā averā…Tất cả chúng sanh ở hướng dưới…

i. Sabbe uparimāya disāya sattā averā… Tất cả chúng sanh ở hướng trên…

+ Cách rải lòng bi, hỉ, xả cũng như rải lòng từ vậy.

1. Tâm từ: Sabbe sattā averā hontu: Tất cả chúng sanh không nên cột oan trái nhau.

2. Tâm bi: Sabbe sattā dukkhā pamuñcantu: Tất cả chúng anh khỏi khổ.

3. Tâm hỉ: Sabbe sattā laddhasampattito māvigacchantu: Tất cả chúng sanh đừng bị hư hoại tài sản là sự an vui thạnh lợi của mình.

4. Tâm xả: Sabbe sattā kammassaka kamma dāyāda: Tất cả chúng sanh có nghiệp của mình, nghiệp là sản nghiệp của mình (phải thâu nhận không thể từ chối được).

Theo những lời giảng của những bậc trí thức thì người muốn rải lòng từ phải nghĩ đến nỗi khổ của chúng sanh làm đề mục. Đề mục của tâm bi là khi thấy chúng sanh đau khổ mà thương hại. Đề mục của tâm hỉ là nghĩ đến của cải mà người ta đã được để vui theo, chớ không ganh tỵ.

Đề mục của xả là khi thấy chúng sanh được vui hay bị khổ đều nghĩ rằng: Đây là do nơi quả của nghiệp mà họ tạo ra từ kiếp trước nên không bi quan hay vui mừng.

(5)- Sự tránh xa điều dâm dục là phạm hạnh: Tại sao lại xa tránh dâm dục? Vì pháp nầy là pháp của người còn ham mê trong vòng luân hồi của người thế tục, không phải của các bậc xuất gia. Người giết hại nhau một phần cũng vì còn lẫn với pháp bất hảo ấy – nên người xa lánh dâm dục là người hành phạm hạnh.

(6)- Sự biết tri túc với vợ nhà là phạm hạnh: Nghĩa là người đã có vợ chỉ biết thương yêu vợ nhà mà thôi, không tư tình với kẻ khác; phụ nữ cũng biết yêu thương chồng thôi không ngoại tình. Rất nhiều gia đình vì thiếu pháp nầy nên bị xáo trộn nếu không nói là tan vỡ. Vậy, biết tri túc trong tình dục là phạm hạnh đem an lành đến cho gia đình mình và người.

(7)- Sự tinh tấn là phạm hạnh: Nghĩa là không bỏ qua việc lành. Đây xin nhắc lại Phật ngôn để làm tài liệu.

a. Idha bhikkhave bhikkhunākamma kattabba hoti: Nầy các thầy tỳ-khưu! Vị tỳ-khưu trong Phật giáo, khi nào có phận sự cần phải làm không thể bỏ qua được, thầy tỳ-khưu ấy nghĩ rằng – thế nào ta cũng làm chuyện nầy. Khi ta làm xong rồi chưa chắc ta đủ thì giờ hành đạo được, vậy nên ta phải cố gắng hành tinh tấn trước, hầu được đặc ân mà ta chưa được. Thầy tỳ-khưu ấy liền cố tinh tấn. Đây là nguyên nhân sanh ra sự siêng năng.

b. Punacapara bhikkhave… Nầy các thầy tỳ-khưu! Một

lẽ nữa, khi thầy tỳ-khưu làm xong việc, mới nghĩ rằng: Ta đã làm việc ấy xong, trong khi ta làm, ta không cố gắng hành đạo. Vậy, bây giờ ta phải cố gắng hành, để được đặc ân mà ta chưa được. Đây là nguyên nhân sanh ra sự siêng năng.

c. Punacapara bhikkhave… Thầy tỳ-khưu nghĩ rằng: Thế nào ta cũng phải đi xa, nhưng trong khi đi, ta không thể hành đạo được đầy đủ. Vậy trước hết ta phải cố gắng hành đạo hầu được đặc ân mà ta chưa được. Thế là thầy ấy cố tinh tấn. Đây là nguyên nhân thứ ba của sự phát sanh sự siêng năng.

d. Punacapara bhikkhave… Nầy các thầy tỳ-khưu! Khi thầy tỳ-khưu nghĩ rằng: Ta đã đi đường xong rồi, trong khi đi, ta không thể chủ ý hành phận sự được. Vậy ta nên chủ ý cố tinh tấn hành đạo, hầu được đặc ân mà ta chưa được, thầy tỳ-khưu ấy cố hành. Đây là nguyên nhân thứ tư làm cho phát sanh sự siêng năng.

đ. Punacapara bhikkhave… Nầy các thầy tỳ-khưu! Thầy tỳ-khưu vào xóm khất thực, không được vật thực nào dầu là một vá canh, một muỗng cơm; vị ấy bèn nghĩ rằng: Nhờ khất thực không được gì, thân ta lại được thư thái, nhẹ nhàng rất có lợi cho việc thiền tập; vậy ta phải tinh tấn hành đạo hầu được đặc ân mà ta chưa được. Thầy tỳ-khưu ấy bèn nỗ lực công phu hành đạo. Đây là nguyên nhân thứ năm làm cho phát sanh sự siêng năng tinh tấn.

e. Punacapra bhikkhave: Nầy các thầy tỳ-khưu! Lại có trường hợp thầy tỳ-khưu vào xóm khất thực, khi được vật thực vừa đủ no, vị ấy mới nghĩ rằng: Ta khất thực vật thực vừa đủ no, thân ta an vui rất có lợi cho việc thực hành thiền định. Vậy ta nên cố gắng hành đạo hầu được đặc ân mà ta chưa có. Thầy tỳ-khưu ấy bèn nỗ lực thực hành. Đây là nguyên nhân phát sanh sự siêng năng thứ sáu.

ê. Punacapara bhikkhave: Nầy các thầy tỳ-khưu! Thầy tỳ-khưu có chút bịnh nghĩ rằng: Ta là người có bịnh, thế nào bịnh này cũng tăng thêm. Vậy đây là thì giờ rất tốt để ta tranh thủ hành đạo hầu đắc được đặc ân mà ta chưa đắc. Thầy tỳ-khưu ấy bèn nỗ lực thiền hành. Đây là nguyên nhân thứ bảy của sự tinh tấn, siêng năng.

g. Punacapara bhikkhave: Nầy các thầy tỳ-khưu! Khi thầy tỳ-khưu vừa mới lành bịnh mới nghĩ rằng: Ta đã mạnh rồi, nhưng chừng bịnh ấy cũng có thể trở lại được. Vậy ta phải ráng cố gắng trước hầu được đặc ân mà ta chưa được. Thầy tỳ- khưu ấy bèn tinh tấn hành đạo. Đây là nguyên nhân sanh ra sự siêng năng thứ tám.

Người cố tâm hành theo thiện pháp, khi biết nguyên nhân phát sanh sự lười biếng thì hãy cố dứt sự lười biếng, không nên để thối chuyển. Đây là phạm hạnh thứ 7.

8. Thọ bát quan trai giới là phạm hạnh: Là 8 giới điều mà người Phật tử phải thọ trì như đã có giải ở đoạn trước.

Trong bộ Mahānipāta có tích của đức vua Nimarāja – liên hệ giữ việc bố thí và trì giới – như sau:

“- Đức vua Nimarāja trị vì tại xứ Mithalā thành Vedaha. Ngài là một nhà vua rất nhân từ. Trong những ngày bát quan trai giới, thọ bát quan trai xong, ngài ngự đi bố thí. Ngày nọ, nhằm ngày bát quan trai giới, thọ giới xong, đêm lại, ngài tự hỏi rằng: “Bố thí và thọ bát quan trai giới điều nào cao thượng, quí báu hơn?”. Ngài không giải quyết được.

Đức Đế Thích biết nên mới hiện xuống.

Đức vua Nimarāja mới hỏi thiên vương Đế Thích về sự nghi ngờ của mình.

Đế Thích đáp bằng câu kệ:

“- Hīnena brāhmacariyena

Khattiya upapajjati

Ye kāye upamajjhanti

Anāgārā tapassino”.

Nghĩa là: Người nào được sanh vào dòng sát-đế-lỵ (vua chúa, tướng quân) là do phạm hạnh bậc thấp, sanh làm chư thiên là do phạm hạnh bậc trung, sanh vào phạm thiên có tapa [15] thì sẽ được sanh vào cõi phạm thiên. Thí chủ (người chỉ có pháp bố thí) không thể sanh vào cõi phạm thiên được”.

Chú giải dạy rằng: Phạm hạnh bậc thấp là do nhờ sự trì giới của ngoại đạo, chỉ cố xa lìa dâm dục mà thôi. Phạm hạnh bậc trung là thọ trì bát quan trai giới, có tham thiền được cận định, sau khi chết được sanh vào cõi trời.

Đây là nói sự bố thí phước báu không cao thượng bằng thọ trì bát quan trai giới; quí vị muốn biết rõ hơn xin xem thời pháp bát quan trai giới [16].

(9)- Thánh đạo là phạm hạnh: Nghĩa là con đường của các bậc thánh nhơn đã thực hành, lộ trình này đi đến nơi vô sanh bất diệt là Niết-bàn.

Trong bài kinh Brāhmacariya bộ Samyuttanikāya, có thuật lại chuyện một vị tỳ-khưu thưa hỏi đức Phật, thế nào là phạm hạnh và thế nào là rốt ráo, cùng tột của phạm hạnh. Đức Thế Tôn đã dạy:

“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Con đường có đủ tám chi là con đường cao thượng, gọi là phạm hạnh; con đường có đầy đủ chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Nói cách khác, nơi hết tham ái, sân hận, si mê là chỗ rốt ráo, cùng tột của phạm hạnh”.

Theo lời giáo giới ấy, chúng ta thấy rõ thánh đạo – bát chánh đạo – là phạm hạnh.

Đức Phật còn giảng rộng thêm:

“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Thấy rõ sự thật về khổ (khổ đế), thấy rõ sự thật ái dục là nguyên nhân sanh khổ (tập đế), thấy rõ sự thật Niết-bàn là nơi diệt khổ (diệt đế), biết con đường đi đến niết-bàn và thực hiện con đường ấy (đạo đế) – Như Lai gọi là chánh kiến. Thấy rõ, thấy đúng, thấy như thực tứ diệu đế chính là chánh kiến.

Nầy các thầy tỳ-khưu! Xa lìa sân tư duy, xa lìa dục tư duy, xa lìa hại tư duy chính là chánh tư duy.

Nầy các thầy tỳ-khưu, xa lánh sự nói dối, nói biếm, nói đâm thọc, mắng nhiếc, chửi rủa, nói lời vô ích – Như Lai gọi là chánh ngữ.

Nầy các thầy tỳ-khưu, xa lánh sát sanh, trộm cướp, tà dâm – Như Lai gọi là chánh nghiệp.

Nầy các thầy tỳ-khưu, các bậc thánh nhơn trong Phật Giáo, dứt bỏ tà mạng, luôn nuôi mạng một cách chơn chánh – Như Lai gọi là chánh mạng.

Nầy các thầy tỳ-khưu! Vị tỳ-khưu trong Phật giáo, thỏa thích trong sự tinh tấn và cố tinh tấn gom tâm lại, làm cho tâm trụ lại một chỗ, hầu ngăn ngừa các pháp ác chưa phát sanh, không cho phát sanh. Thầy tỳ-khưu thỏa thích trong sự tinh tấn, làm cho tâm trụ vào một chỗ hầu dứt hết các pháp ác đã phát sanh rồi. Thầy tỳ-khưu thỏa thích trong sự tinh tấn cố tinh tấn gom tâm lại, cố làm cho tâm trụ vào một chỗ, hầu để vun trồng mầm phước thiện chưa phát sanh cho sanh lên. Thầy tỳ-khưu làm cho sự thỏa thích phát sanh là tinh tấn, cố tinh tấn làm cho ta tâm trụ vào một chỗ, hầu làm cho phước thiện càng mạnh mẽ thêm. Nầy các thầy tỳ-khưu! Bốn sự cố gắng, nỗ lực ấy chính là tứ chánh cần – cách gọi khác của chánh tinh tấn vậy.

Nầy các thầy tỳ-khưu! Trong Phật giáo, hằng quan sát thân nầy là vật ô trược (Niệm thân), cố tinh tấn tiêu trừ phiền não; không dễ duôi, dứt bỏ tham, sân, si, không chấp rằng ngũ uẩn là của ta – Như Lai gọi là chánh niệm [17].

Nầy các thầy tỳ-khưu! Trong Phật giáo, lúc nào tâm định vắng lặng (nghĩa là không say mê theo ngũ trần) đắc được sơ thiền, đến ngũ thiền – Như Lai gọi là chánh định [18].

10. Lời giáo huấn là của đức Thế Tôn là phạm hạnh: Lời giáo huấn của đức Phật là Tam tạng Pháp bảo, có tám muôn bốn ngàn chi pháp. Trong Tam tạng Pháp bảo có thể tóm tắt là:

1. Adhisīlasikkhā: [19] Giới chỉ về sự ngăn ngừa, chế ngự thân và khẩu cho trong sạch.

2. Adhicittasikkhā: Tâm, chỉ về sự thực hành thiền định.

3. Adhipaññāsikkhā: Tuệ, chỉ về minh sát tuệ, quan sát thấy ba tướng là vô thường, khổ não và vô ngã.

– Hành phạm hạnh được hạnh phúc là:

1. Là việc làm đại công đức.

2. Là người không dễ duôi.

3. Là người hành theo Phật dạy.

4. Các bậc trí thức ngợi khen.

5. Tam học là giới, định, tuệ được phát triển.

6. Làm cho mình được giải thoát.

7. Hoàn toàn an vui.

8. Bồi đắp ba-la-mật.

9. Chắc chắn khỏi luân hồi.

10. Diệt được phiền não hoàn toàn.

HẠNH PHÚC XXXIII

Ariyasaccāni dassana : Nết hạnh thấy các pháp Diệu đế

(Thấy được lý thánh đế)

Trước khi đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác, đức Thế Tôn cũng là người như chúng ta, nhưng sở dĩ ngài được giải thoát và chúng ta sùng kính ngài, học theo lời giảng dạy của ngài, là nhờ ngài đắc được pháp gọi là Tứ diệu đế. Vì vậy nên thời pháp ngài thuyết đầu tiên tại vườn Lộc Giả tại Bārā asī là Tứ diệu đế, bởi ngài nhận thấy rằng Tứ diệu đế là sự thật của các bậc thánh nhơn. Sự thật của pháp nầy là xa hẳn kẻ thù là phiền não. Sự thật mà các bậc thánh nhơn đắc Tứ diệu đế như là ấn chứng của Phật ngôn. Vì Tứ diệu đế làm cho người tu Phật nếu biết thực hành theo một cách nghiêm túc, chân chính thì đắc được đạo quả và không còn phiền não, khổ đau nữa.

Phạn ngữ là ariyasacca, ta cắt nghĩa là diệu đế, có bốn chi. Từ ariyasacca, có thể chiết tự chia ra làm hai phần: Ariya nghĩa là cao quí, sacca nghĩa là sự thật (chân lý, đế).

+ Tóm lại như vầy:

– Tứ diệu đế là sự thật rất cao quí.

– Tứ diệu đế làm cho người thực hành trở nên cao quí.

1. Tứ diệu đế là sự thật rất cao quí – vì là khuôn vàng thước ngọc, hay là một tiêu biểu có đầy đủ sự thật không ai sửa đổi được. Dầu đức Phật sau này có thuyết về pháp Tứ diệu đế cũng dạy đúng như đức Phật hiện tại không sai một điểm nào.

Tứ diệu đế cao quí ví như kim cương. Kim cương là vật có màu sắc đẹp, cứng rắn, không có gì làm hư hoại được; sét không ăn, không bị nhiễm mùi vị của vật gì. Người trong thế gian nầy ai cũng chuộng kim cương. Không phải kim cương có giá trị cao quí vì sự quảng cáo của con người, mà chính vì kim cương có tính chất cao quí.

2. Tứ diệu đế làm cho người thực hành trở nên cao quí – nghĩa là khi hành giả thấy rõ pháp Tứ diệu đế bằng tuệ nhãn, pháp mà vị hành giả ấy đắc, là làm cho hành giả trở nên cao quí. Ví như phòng khách của chúng ta chưng bày đồ vật quí giá, sơn màu tươi đẹp lộng lẫy, thì phòng ấy trở nên đẹp đẽ và nơi nào trông cũng vừa lòng, thích mắt. Giờ cũng phòng ấy mà chúng ta sơn đen, đốt đèn leo lét, chưng những đồ vật không giá trị, để cho chuột cắn phá, rúc rỉa thì phòng ấy trông lộn xộn, bừa bãi và chắc chắn rằng không ai muốn ngồi một phút nào hết. Tâm ví như phòng ấy. Nếu tâm hành giả được trang điểm bằng pháp Tứ diệu đế thì sáng suốt, đẹp, cao quí; nhược bằng tâm hành giả trang bị bằng tham lam, sân hận, si mê, tà kiến, oán thù … thì tâm ấy trở nên tồi tệ, không ai muốn gần và những người đã gần lại tìm cách thế lánh đi cho mau.

Sự thật của Tứ đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Khi người bắt đầu thấy bằng tuệ nhãn thì phiền não cũng bắt đầu xa lần, rút lui dần. Khi càng ngày ta càng thấy biết rõ rệt, liễu thông thì phiền não bắt đầu rút đi thật xa. Khi chúng ta thấy biết một cách hoàn toàn, triệt để nhờ tuệ tri, giác tri, minh tri thì không còn phiền não tí nào trong tâm: Người ấy đã trở nên người khác, mà Phật giáo gọi là thánh nhân, nghĩa là người cao quí.

Giác tri, minh tri pháp Tứ diệu làm cho người cao quí trở nên thánh nhơn là vậy.

Muốn thông hiểu pháp Tứ đế, phải hiểu theo thứ tự gọi là hiểu 03 luân và 12 thể, xin quí vị xem bảng dưới đây:

TỨ ĐẾ

BA LUÂN

Hiểu lần thứ nhất

Hiểu lần thứ nhì

Hiểu lần thứ ba

KHỔ

1. Khổ có thật

5. Khổ cần phải hiểu.

9. Ta đã hiểu khổ rồi

TẬP

2. Ái dục sanh khổ có thiệt.

6. Ái dục phải diệt

10. Ta diệt ái dục rồi.

DIỆT

3. Diệt có thật

7. Phải hành thấu rõ diệt

11. Ta đã làm cho rõ rệt rồi.

ĐẠO

4. Đạo có thật.

8. Phải hành cho rõ Đạo

12. Ta đã hành đạo đầy đủ rồi.

Trong bảng trên đây hành giả thấy rằng Tứ diệu đế gồm 04 điều. Mỗi điều phải hiểu rõ đến 03 lần, 04 điều là 12 lần, vòng đi vòng lại, nên gọi là 12 thể. Ba vòng ấy gọi là 03 luân.

Điều đại khái là sự hiểu biết của Tứ diệu đế khác hơn tất cả những sự hiểu biết khác. Mọi sự hiểu biết trên đời đều thuộc cái biết của thức tri, của trí năng, còn đau khổ; cái thấy biết của Tứ diệu đế thuộc về cái thấy biết của tuệ tri, tuệ giác, đã diệt tận phiền não.

Đối với Tứ diệu đế – thì biết và thực hành phải đi đôi. Nếu biết mà không thực hành là không đắc được. Quí vị hãy xem kỹ lại trên đây cột thứ 03 có đề: “Hiểu lần thứ 03 – Ta đã hiểu khổ rồi”số 09. Nếu chưa rõ là chưa hiểu, nên chưa đắc đạo quả, chưa gọi là thánh nhơn được. Khi ta biết rằng ta đã hiểu rõ rồi, đây mới là sự thật [20].

Hiểu rõ khổ có thể ví như hiểu rõ thuốc, như vầy:

1. Biết rằng đây là thuốc chữa bịnh.

2. Biết rằng thuốc nầy nên uống.

3. Biết rằng ta đã uống thuốc rồi.

Trong ba cái biết, cái biết quan trọng nhất là biết: Đã uống thuốc rồi.

Giờ xin quí vị đem hiểu biết về Tứ diệu đế của quí vị lại so với bảng trước, coi quí vị hiểu biết tới trình độ nào? Vị nào hiểu biết luân thứ nhứt, chưa gọi là hiểu hoàn toàn, vì mới biết khổ do nơi nghe pháp; ta cũng có biết luân hồi là khổ, nhưng chỉ biết bằng tâm chứ không phải bằng trí tuệ.

Diệu đế thứ nhứt: Khổ đế

Diệu đế thứ nhứt là khổ. Khi ta nghe nói khổ, ta không nhận thấy cái gì là tai hại của khổ. Vì ai ai cũng biết đời là khổ cực đủ điều. Nhưng sự thật trong sự hiểu khổ của chúng sanh và sự hiểu khổ của thánh nhơn có khác nhau: Các bậc thánh nhơn hiểu khổ, thấy khổ bằng tuệ; còn ta thấy bằng tâm trong cảnh ngộ, khi qua khỏi cảnh ngộ ta lại quên đi khổ cũng như khi lâm bịnh, chúng sanh thấy khổ, nhưng khi mạnh thì lại quên khổ. Trái lại thánh nhơn dầu bịnh hay không cũng thấy có thân này là khổ, là ổ khổ.

Hơn nữa, chúng sanh chỉ biết khổ, nhưng không biết nguyên nhân sanh khổ, nên không sợ lắm. Riêng các bậc thánh nhơn thấy rõ khổ và biết rõ nguyên nhân sanh khổ, nguồn gốc của khổ. Đây xin ví dụ sự biết bịnh của người bịnh và sự biết của vị bác sĩ. Người bịnh biết rằng: Ta bịnh nhưng không biết do đâu có bịnh. Vị bác sĩ biết bịnh và nguyên nhân sanh bịnh, mà còn biết thuốc để trị bịnh.

Vị bác sĩ tôi tạm ví như đức Phật vì ngài biết khổ và nguyên nhân sanh khổ, hơn thế nữa, ngài lại biết phương pháp dập tắt khổ. Còn người bịnh là chúng ta đây, chỉ biết khổ nhưng chịu chết với khổ chớ không có phương pháp nào chạy khỏi khổ.

Đây tôi xin nhắc lại Phật ngôn trong bài kinh Chuyển pháp luân, ngài thuyết lần đầu tiên tại vườn Lộc Giả.

+ Trước hết tôi xin nói có hai cái khổ để quí vị dễ nhận định.

1. Sabhāvadukkha: Khổ theo liền với thân. Phật ngôn dạy trong bài Chuyển pháp luân rằng: Nầy các thầy tỳ-khưu! Sanh khổ, già khổ, chết khổ (khổ này liền với thân vì khi có thân là có khổ nầy theo liền).

2. Paki adukkha: Khổ nếu sau khi có thân này là: Khổ vì sự trái ý nghịch lòng, khổ vì thất vọng, khổ vì bực tức, khổ vì uất ức, khổ vì thân ái biệt li, khổ vì oán thù hội ngộ, khổ vì sự li biệt người yêu, khổ vì không được như ý (những khổ này đến sau khi có được thân này).

Khổ, nói chung lại, chỉ có một là: Sakhitena pañca pa hānakkhandhadukkha: Tóm lại, sự chấp lấy thân ngũ uẩn là khổ.

Chúng ta thấy khổ trên đây chia ra hai loại:

Khổ do thần nầy, và khổ mới đến sau. Còn câu chót đức Thế Tôn dạy: Vì ta còn chấp lấy thân nầy nên có khổ, nghĩa là còn có thân là có khổ.

Lẽ ra tôi phải viết hết 12 [21] cái khổ. Tôi không giải những cái khổ ở phần nhì vì quí vị hiểu và chắc chắn gặp nó luôn luôn trên đường đời. Trong loại khổ đi chung với thân ngũ uẩn, có khổ sanh, già, chết; chắc quí vị thắc mắc tại sao tôi không kể đau, vì đúng theo phạn ngữ không có đề cập đau.Các bậc chú giải có thêm đau vào nên tất cả có 13 thứ khổ nên trong kinh nào cũng liệt đau vào tứ khổ (sanh, già, đau, chết).

Sanh khổ

Sanh khổ, nghĩa là khi sinh ra có thân nầy giờ nào, là khổ theo liền bên trong vào ấy.

+ Sanh khổ có 3 điều:

1. Khổ khi còn trong thai bào

2. Khổ khi sanh,

3. Khổ vì sự sanh. Ý nói vì có sanh, nên có những khổ khác theo bên.

Như đã nói trên, khổ có 13 chi. Tôi xin ví dụ. Sanh như cái đùm của bánh xe và 11 cái khổ kia là căm xe. Bánh xe nầy lăn đi được là do nơi bộ máy điều khiển là ái dục.

– Để chứng minh sanh khổ, đức Phật có dạy 10 điều sanh khổ:

1. Biến tướng khổ: Là sự tuần tự biến chuyển của bào thai, thay đổi mãi cho tới khi có đủ các bộ phận. Bắt đầu thọ khổ khi mới tượng lên cho tới lớn có đủ bộ phận thì bị nhiều điều khổ, do vật thực của mẹ ăn vào.

2. Kinh khủng khổ: Đứa bé chịu nhiều nỗi kinh khủng như bà mẹ làm việc nặng nhọc xóc xáo hoặc trợt chơn vấp té…

3. Hoành sanh khổ: Cái khổ khi thai bào day trở, lúc day đầu xuống hay day ngang hông mẹ, đứa bé kinh khủng không khác nào chim con bị bão lớn.

4. Nạn sanh khổ: Trong lúc sanh nở gặp khó khăn. Đứa bé bị gió nghiệp chướng đẩy cho day đầu xuống để sanh, đứa nhỏ kinh khủng như người bị rớt từ trên cao xuống. Khi sanh ra hài nhi phải bị cọ ép ví như tượng to chui ra kẻ đá nhỏ. Thực tế hơn chỉ có quí bà nào đã làm mẹ rồi mới hiểu.

5. Hàm thống khổ: Khi vừa sanh ra, da còn non lại bị đem đi tắm, sự đau rát ấy có ai biết ra sao, chỉ có đứa bé ấy mới biết khổ ấy là như thế nào thôi.

6. Thọ nghiệp khổ: Sau khi sanh ra đến khôn lớn, tiền nghiệp lại đến. Nếu nghiệp ác thì chịu khổ sở đủ điều, nào là bị hiếp đáp, đói khó, hoạn nạn… không sao kể hết.

7. Quả báo khổ: Sau khi lớn lên, lại bị quả báo như bị kẻ khác phao vu, bị người làm hại, mặc dầu là vô can hoặc bị chiến tranh bom rơi, đạn lạc…

8. Duyên sanh khổ: Vì có sanh nên sanh khổ, chúng sanh bị đọa vào ác đạo cũng do sanh ra mà có.

9. Chúng sanh sanh vào súc sanh bị hành hạ khổ cũng là duyên sanh khổ.

10. Chúng sanh bị đói khát trong cảnh quỉ đói cũng duyên sanh khổ.

Mười khổ trên đây có thể chia ra làm hai loại: Từ 1 đến 5 thì sanh là khổ; từ 6 đến 10 thì sanh là nhân khổ.

Già khổ

Già là gì? Già nghĩa là mọi vật trong thân hình ta đều thay đổi như: Tóc đen hóa trắng, mắt sáng trở thành mờ, tai rõ lại điếc… Tóm lại, vật gì trong thân tâm khi trước tốt mạnh, nay đổi lại xấu, yếu, hư gọi là già. Đức Phật gọi đó là Jarā nhưng theo phạn ngữ thì là cũ. Ý nói rằng thân ta đây ví như cái xe, mà cái xe của người chủ rất tham lam, chở nhiều, làm việc suốt ngày đêm, nên mau hư, mau cũ. Cái xe cũ thì quí vị biết nó có trạng thái ra sao? Thân nầy cũng vậy, có một mình ta phải lo ăn uống… mà còn chở thêm của cải vợ con nữa… Do làm lụng quá sức, do lo sợ, lo lắng quá nhiều nên mau già. Khi đã gọi là già, thì không có gì trong cơ thể không biến đổi thành hư xấu, cũ nát, tồi tệ.

+ Đức Phật dạy có hai cái già:

1. Parijji a [22]: Già là sự thay đổi hình dáng, nghĩa là khi ta còn nhỏ từ từ lớn lên hình dáng thay đổi, sự tuần tự thay đổi của con người từ bé đến 30 tuổi, người ta không cho tuổi ấy là già, mà gọi là trưởng thành. Vì trong tuổi ấy, càng lớn càng mạnh, đẹp. Các cơ quan trong mình không thấy yếu mà trái lại ngày càng mạnh thêm. Ai ai cũng ưa thích tuổi nầy. Vì vậy nên người ta không thấy khổ trongkhổ đế là vì vậy. Theo lời Phật dạy, cái gì thay đổi thì gọi là già. Nhưng cái già kể trên che ám trí tuệ của con người.

2. Paripakka [23]: Già làm cho ta thấy rõ rệt là da nhăn, mắt mờ, tai điếc, răng rụng, tay chân run rẩy, chính mình không còn làm chủ cơ thể của mình được. Cái gì già mới là khổ thật sự, vì cái già nầy làm giảm cả sức lực, đem lại cho ta nhiều bịnh hoạn.

Bịnh khổ

Bịnh là những gì phụ với già để tàn phá các bộ phận trong người của chúng ta, bịnh ấy làm chúng ta mau già hơn, cũng như cái xe khi đã bị hư một món nào dầu có sửa chữa lại, cũng vẫn không còn hoàn hảo bằng cái mới.

Chết khổ

Chết chỉ là sự tiêu hoại thân hình nầy. Vậy chết làm cho con người khổ cách nào? Khi ta chết, ta chưa thấy cái khổ ấy, chỉ có người chết mới thấy rõ. Cái chết là khổ làm tất cả các cái khổ khác dồn vào, như mến tiếc vợ, con, của cải; cái chết làm mất vui thích của mình trong đời nầy; đôi khi có người còn khổ do hối tiếc vì đã không làm được điều gì lành, tốt trên cuộc đời nầy.

Thử nhắm mắt lại và nghĩ rằng, khi ta chết ta có đem theo được cái gì? Khi thấy ta từ bỏ cả nhân thân, vợ con, quyến thuộc, của cải, tài sản… thì hỏi ta có khổ không?

Nếu khi ta nhận thấy rằng, ta có đem theo được những việc làm lành như bố thí, trì giới… thì ta thấy lòng ta bớt hối tiếc, bớt lo sợ. Nhưng trái lại, nếu thấy có nhiều tội, thì ta càng kinh khủng hơn. Vậy xin quí vị tự nghĩ mà sửa chữa thân, khẩu, ý ngay chính trong đời này, ngay hiện tại bây giờ đây – kẻo không còn kịp nữa.

Tứ diệu đế thứ nhứt là khổ, khổ đế. Đức Phật dạy hãy biết khổ cho rõ rệt, như bác sĩ hiểu rõ bịnh của bịnh nhơn.

Khổ mà Đức Phật dạy có thể chia ra làm hai loại trạng thái: sanh, già, đau, chết là trạng thái của sắc uẩn, còn các khổ kia thuộc về tâm lý – danh uẩn – như thương, ghét, hờn giận, lo sợ, sầu muộn, uất ức…là trạng thái của thọ, tưởng, hành, thức.

Diệu đế thứ nhì: Tập đế

Đức Thế Tôn đã dạy về khổ cho chúng sanh thấy để kinh sợ hầu tránh khỏi, chẳng khác nào ngài dạy rằng: Cọp là thú ăn thịt người, rồi ngài mới đem cọp ấy về nhốt trong chuồng bằng sắt rất chắc; gọi chúng sanh đến xem cho biết cọp có những gì đáng sợ, và nên nhớ hình dáng nó để tránh xa, hay chống lại.

Tập đế đây ví như hành động của cọp. Tứ diệu đế là pháp khó nhận thức cho hoàn toàn được. Đức Thế Tôn phải mất 6 năm khổ hạnh mới giác ngộ, và khi ngài muốn đem ra thuyết giảng; ngài còn phải chọn coi ai là người có đủ trí tuệ nhận thức rõ được pháp ấy.

Vậy nơi đây tôi xin cố hết sức sưu tầm những gì mà tôi biết để giải theo đây, hầu giúp quí vị là người muốn tìm con đường thoát khổ.

Tập đế là nguyên nhân sanh khổ, là nhân làm cho chúng ta khổ như đã giải ở trên.

Đây là câu Phật ngôn trong bài kinh Chuyển pháp luân:

“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Đây là nhân sanh khổ thật sự, nó là ái dục, là nhân làm cho chúng sanh vào ra các cõi, rồi lẫn lộn ưa thích các cảnh giới như dục giới, sắc giới và vô sắc giới”.

Nhân làm cho sanh khổ gọi là tập đế, nó là ái dục. Tác động của ái dục là nhân làm cho con người phải sanh lại một cõi nào trong ba cõi tùy theo sự thèm muốn của ái dục.

+ Muốn cho dễ hiểu tôi xin chia ra bốn điều là:

1. Nhân làm cho sanh khổ.

2. Ái dục là gì?

3. Ái dục có ba loại.

4. Phận sự của hai Diệu đế.

(1)- Nhân làm cho sanh khổ.

Sự sanh khổ thì ai cũng biết, nhưng đức Phật lại dạy về khổ chẳng qua để làm sáng thêm cái hiểu biết của con người.

Chỉ có điều, nguyên nhân sanh khổ là một vấn đề không mấy ai hiểu và là một pháp khó thấy, khó biết; chỉ có Phật mới nhận thấy thôi. Trong thời kỳ ngài mới thành đạo, người trong cõi Diêm-phù-đề tin rằng, sự vui khổ của chúng sanh là do nơi một đấng thiêng liêng ban phước hoặc giáng tội cho. Họ tin tưởng rằng những nỗi khổ mà ta phải chịu là vì thần thánh phạt, là do nhân bên ngoài, nhưng theo đức Phật thì ái dục mới là nhân sanh khổ. Vì vậy nên Phật giáo là một giáo pháp tuyệt đối khác hơn các tôn giáo khác trong thời kỳ ấy, mà cho đến nay nữa. Vì lẽ nầy nên tôi mới dám nói rằng, đức Thế Tôn tìm thấy và dạy chúng ta một phương pháp tuyệt đối mới mẻ. Thời pháp đầu tiên mà ngài thuyết tại vườn Lộc Giả về Tứ diệu đế đã làm cho 5 thầy Kiều-trần-như nhận thức rõ rệt rằng ngài đã đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác vì các vị ấy chưa từng nghe ai dạy rõ rệt như vậy cả, và Tứ diệu đế vượt khỏi tầm hiểu biết của họ cũng như người ta thời ấy.

Có điều đáng chú ý là: Nhân làm cho sanh khổ. Khổ ấy không lựa một ai, nghèo thì khổ, giàu cũng khổ. Đức Thế Tôn dạy nguyên nhân sanh khổ là ái dục.

(2)- Ái dục là gì?

Sự thật ái dục ngụ ý chỉ sự tham muốn. Sự tham muốn ấy là nền tảng của tâm, và tất cả của chúng sanh ai ai cũng không chạy khỏi, ngoại trừ các bậc A-la-hán, Độc Giác và Chánh Đẳng Giác. Tôi xin ví dụ ái dục ấy như trái xoài. Trái xoài thì nó có tính chất riêng của nó, ấy là mùi vị, hình dáng, màu sắc không thể lẫn lộn với trái quả khác. Bên trong nó có một cái mầm, khi gieo ươm nó mọc thành cây xoài khác, trái xoài khác. Cái mầm ấy chính là ái dục; và màu sắc, hình dáng, mùi vị của trái xoài chính là tham lam, sân hận và si mê. Nếu ta dứt bỏ mầm thì không còn cây xoài, trái xoài; lại càng không có màu sắc, hình dạng, mùi vị của trái xoài nữa. Cũng vậy, nếu dứt bỏ cái mầm ái dục thì tham lam, sân hận, si mê cũng diệt theo!

Vậy, ái dục là gì? Nếu ái dục là lòng ham muốn như mọi người thường hiểu – thì lòng ham muốn thành Phật hoặc lòng ham muốn cứu nhân, độ thế có phải là ái dục chăng?

Ái dục có nghĩa là muốn có cái gì không có, có rồi muốn cho có thêm. Trái lại muốn thành Phật thì lại phải bỏ cái gì đã có và ngừa không cho những gì sanh ra. Khi thành Phật rồi thì lại dạy chúng sanh buông bỏ tất cả những gì đã có cho thật hết.

(3)- Ái dục có 3 loại:

1. Kāmata hā [24]: Ái dục trong cõi dục. Là muốn sanh

làm con người giàu sang, quyền chức, xinh đẹp, nên khi làm một việc phước thiện nào như bố thí đều nguyện vào cõi dục (đây kể cả 6 tầng trời dục giới).

2. Bhavata hā [25]: Ái dục trong cõi sắc. Cõi nầy không có dục vọng như vợ chồng, sự nghiệp, danh vọng, tiền tài – kể cả tất thảy mọi vinh hoa của vật chất… nhưng còn có sắc, một loại sắc rất tế vi. Hành giả tham thiền tinh tấn để mau đắc một trong tứ thiền để sanh vào cõi 16 cõi trời sắc giới[26]. Tuổi sống của cõi ấy lâu không nói năm được, chỉ có thể dùng tuổi của trái đất nầy mới ví được. Cõi thấp nhất cũng bằng tuổi một phần ba trái đất. Và tuổi nhiều nhất là 16.000 kiếp trái đất. Vì sống quá lâu nên chư phạm thiên trong cõi nầy là an vui nhứt, và thường bị vào thường kiến nên gọi là ái dục trong cõi sắc.

3. Vibhavata hā: Ái dục trong cõi vô sắc. Sự thèm muốn sanh vào cõi vô sắc, nên hành giả cố hành cho đắc vào cõi này, nghĩ rằng vì có sắc nên còn luân hồi, khi không còn sắc nữa, chính là Niết-bàn rồi? Vì vậy người sanh vào cõi này thường rơi vào đoạn kiến.

Để biết rằng ái dục tai hại đến bậc nào, tôi xin nhắc lại câu Phật dạy: Ta hāponobhavika [27]: Ái dục tạo tác hiện tại.

Vì sự thèm khát ngũ trần lục dục trong cõi dục, hay thèm khát sanh vào cõi sắc, hay vô sắc, cũng vẫn là còn ái dục, chỉ khác nhau ở chỗ thô thiển hay vi tế thôi, nhưng chung qui cũng vẫn phải trầm luân trong 3 cõi. Tóm lại, khi lòng người còn ái dục dầu là vi tế hay thô thiển gì, cũng vẫn còn phải luân hồi.

Vì vậy nên đức Thế Tôn dạy: Tập đế là nguyên nhân sanh khổ. Ta nên cố gắng dứt bỏ.

Trong hai Diệu đế đầu khổ đế và tập đế; Khổ đế là điều ta cần phải hiểu cho thật rõ, nhưng không có gì phải đối phó với nó, vì chỉ cần biết rõ thôi. Về Tập đế, điều ta cần phải biết cho rõ là vì nguyên nhân nào mới sanh khổ, vì đâu đưa đến, ta biết cho thật rõ nguyên nhân đặng cố diệt. Ví như người chữa lửa cần biết lửa bắt đầu cháy ở đâu, chữa ngay chỗ ấy chớ không chữa ở ngọn lửa (ngọn lửa ấy ví như khổ hiện tại).

Về phương pháp diệt ái dục, xin xem Diệt đế và Đạo đế sau đây.

Diệu đế thứ ba: Diệt đế

Diệt đế vào Đạo đế là hai phương pháp diệt khổ, chỉ có mình đức Thế Tôn giác ngộ trước nhứt, là pháp rất huyền diệu, người phải đoạt bằng tuệ nhãn chớ không thể biết bằng tâm được. Ta có thể ví đó như hai vị thuốc để trừ hai thứ bịnh nan y là khổ và nguyên nhân sanh khổ [28].

Ở trên tôi ví Khổ và Tập với cọp, đức Thế Tôn đem cọp ấy về nhốt, ta quan sát hình dáng, tánh cách và nhược điểm của nó để ta trừ hoặc tránh nó tùy trường hợp. Khi ta biết cọp có những nhược điểm gì, hình dáng ra sao, thì ta tránh dễ dàng mà trừ nó cũng không khó.

Muốn diệt trừ Khổ đế và Tập đế ấy chỉ có Diệt đế và Đạo đế [29]

Đây là lời Phật dạy về Diệt đế.

“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Đây là pháp diệt khổ thật sự, sự diệt các điều thèm khát, không có dư sót của ái dục, dứt bỏ không còn dính dáng với ái dục, không còn bận bịu, không còn luyến tưởng nữa”.

Lời Phật dạy cho ta thấy rằng Diệt đế về dập tắt lửa ái dục, nhưng Phật nói nhiều tiếng khác nhau để ta dễ hiểu. Trong Diệt đế, đức Phật đề cập đến Niết-bàn là nơi dập tắt hẳn mầm của ái dục.

Hạnh phúc XXXIV dạy về pháp làm cho thấy rõ Niết-bàn, tôi xin giải ở sau.

Diệt đế thứ tư: Đạo đế

Phật giáo có đến tám muôn bốn ngàn chi pháp, nhưng chung qui chỉ có một cứu cánh là giải thoát.

Đạo diệu đế là phương pháp diệt trừ ái dục. Trong kinh Chuyển pháp luân, Phật dạy muốn diệt ái dục phải hành theo bát chánh đạo.

+ Sammādi hi: Chánh kiến.

“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Sự thực hành đến chỗ hết khổ là bát chánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy…

Trong bài kinh Maggavibhaga, có nói rõ chánh kiến là:

1. Hiểu rõ khổ,

2. Biết rõ nhân khổ,

3. Biết rõ sự diệt khổ.

4. Biết rõ phương pháp hành để diệt khổ.

Theo đây, chúng ta thấy chánh kiến là sự thấy chân chánh, nghĩa là thấy rõ pháp Tứ đế.

+ Sammāsakappa: Chánh tư duy.

Chánh tư duy là:

1- Suy nghĩ về xuất thế gian.

2- Suy nghĩ về không oán thù

3- Suy nghĩ không làm hại người.

Suy nghĩ xuất thế gian là suy nghĩ về sự xuất gia. Đây có chỗ chú giải rằng người tại gia cư sĩ không thể xuất gia được, thì thọ bát quan trai giới và cố niệm Phật, diệt trừ tộc ác khi mình suy nghĩ, hoặc mình đã làm trong ngày. Ngoài ra, đừng suy nghĩ về sự oán thù, hận thù hoặc nghĩ cách làm khổ người, hại người [30].

+ Sammāvācā: Chánh ngữ.

Chánh ngữ là:

1. Tác ý tránh xa nói dối, nói sai sự thật.

2. Tác ý tránh xa nói đâm thọc, hai lưỡi…

3. Tác ý tránh xa nói hung dữ, độc ác, rủa, chửi…

4. Tác ý tránh xa nói lời vô ích, tục tĩu, rỗng không…

+ Sammākammanta: Chánh nghiệp.

Chánh nghiệp là:

1. Tác ý tránh xa sát sanh.

2. Tác ý tránh xa trộm cấp.

3. Tác ý tránh xa thông dâm.

Chánh nghiệp là việc làm (về thân) chân chính, không phạm vào ba nghiệp bất thiện ở trên. Đây còn có ý dạy ngay vào các hạng cư sĩ phải thọ trì ít nhất là ngũ giới, hơn ấy nữa, là ráng tham thiền trong ngày, thọ thêm bát quan trai giới.

+ Sammā- ājīva: Chánh mạng.

Chánh mạng là dứt bỏ sự nuôi sống tà mạng ở bậc thánh nhơn trong Phật giáo. Ngay các hàng cư sĩ tại gia chân chánh cũng phải biết lựa chọn nghề nghiệp sinh sống.

Nuôi mạng chân chánh ấy là:

1. Không bán thú, trái lại phóng sanh.

2. Không bán người, trái lại, cứu người khi lâm nạn.

3. Không buôn rượu, không cho người rượu, trái lại, lo phương pháp nào có thể răn đời, như bố thí pháp [31].

+ Sammāvāyāma: Chánh tinh tấn.

Chánh tinh tấn là, thầy tỳ-khưu trong Phật giáo cố vun trồng sự tinh tấn không cho các pháp ác chưa phát sanh có điều kiện để phát sanh, giữ tâm vững chắc không rung động vì các hoàn cảnh bên ngoài, cố gắng diệt trừ các pháp ác đã có trong tâm cho cùng tận, cố gắng làm cho các thiện pháp chưa phát sanh được sanh lên, cố gắng vun trồng các thiện pháp đã có được tốt đẹp thêm [32].

+ Sammāsati: Chánh niệm.

Chánh niệm là, thầy tỳ-khưu trong Phật giáo luôn luôn quán tưởng thấy thân trong thân, cố ý tinh tấn thiêu đốt phiền não, có sự ghi nhớ và biết mình, diệt trừ sự vui, buồn; suy nghĩ thấy thọ trong thọ… Nói tóm lại là tu tập tứ niệm xứ. Hay nói cho dễ hiểu hơn, chánh niệm nghĩa là thực hành, tu tập theo Tứ niệm xứ [33].

+ Sammāsamādhi: Chánh định

Chánh định là, thầy tỳ-khưu trong Phật giáo vắng lặng trần cảnh, vắng lặng các pháp ác, nhập vào sơ thiền có tầm, sát (tứ), hỉ, lạc, định sau khi dứt bỏ tầm, sát, thì đắc nhị thiền, từ từ dứt từng pháp thô thiển. Thầy tỳ-khưu cố tinh tấn hành như thế gọi là chánh định.

Tóm lại: Chánh định là phương pháp làm cho tâm người trở nên yên lặng khỏi ác pháp. Sự định tâm được do một trong 40 đề mục của Phật dạy gọi là chánh định [34].

Bát chánh đạo ví như chìa khóa mở cửa Niết-bàn.

Trong một phẩm kinh, đức Thế Tôn có dạy:

“- Người nào thấy rõ Khổ đế là thấy rõ Tập, Diệt và Đạo đế. Người nào thấy rõ Tập đế thì thấy rõ Khổ, Diệt và Đạo đế. Người nào thấy rõ Diệt đế là thấy rõ Khổ, Tập và Đạo Đế. Người nào, thấy rõ Đạo Đế là thấy rõ Khổ, Tập và Diệt đế”.

Tóm lại: Người mà giác ngộ được thánh quả không phải chỉ học hay nghe pháp, hay giải thông được pháp Tứ diệu đế, là được thánh quả, mà phải thấy rõ rằng trí tuệ, hay thấy rõ bằng tuệ nhãn.

Để chứng minh rõ sự thật là thế nào tôi xin đem lời Phật ví dụ để quí vị thấy rõ hơn:

Thí dụ thứ nhất

Khổ đế ví như chứng bệnh của chúng sanh.

Tập đế ví như căn bệnh của chúng sanh.

Diệt đế ví như đã lành bệnh.

Đạo đế ví như phương thuốc trị bệnh của chúng sanh.

Thí dụ thứ hai

Khổ đế ví như món đồ nặng đang vác.

Tập đế ví như nguyên nhân bắt buộc phải mang vác những vật nặng ấy.

Diệt đế ví như sự liệng bỏ vật nặng ấy.

Đạo đế ví như phương pháp liệng bỏ vật nặng ấy.

Thí dụ thứ ba

Khổ đế ví như người có oán thù.

Tập đế ví như nguyên nhân của sự oán thù.

Diệt đế ví như đã cởi mở được oán thù.

Đạo đế ví như phương pháp cởi mở oán thù ấy.

Thí dụ thứ tư

Khổ đế ví như cây có thuốc độc.

Tập đế ví như chất độc nằm trong rễ cây.

Diệt đế ví như sau khi đã lấy hết chất độc.

Đạo đế ví như phương pháp để lấy hết chất độc trong rễ cậy.

+ Muốn đắc đạo quả Tứ thánh và Niết-bàn thì phải quán triệt Tứ diệu đế, chỉ có một phương pháp là hành minh sát tuệ. Khi hành minh sát thì có 16 tuệ trí phát sanh là:

1. Nāmarūpaparicchedañā a: Danh sắc phân biệt trí – tức là trí thấy rõ danh sắc và phân biệt được đâu là danh, đâu là sắc [35].

2. Udayañā a: Sanh trí – là trí thấy rõ mỗi danh, mỗi sắc có nguyên nhân sanh khởi như thế nào[36].

3. Vayañā a: Diệt trí – trí thấy rõ sự diệt mất của mỗi danh, mỗi sắc như thế nào [37].

4. Udayabbayañā a: Sanh diệt trí – trí thấy rõ sự sanh diệt của mỗi danh, mỗi sắc [38].

5. Bhagānupassanañ a: Đoạn diệt quán tưởng trí – Ở đây, hành giả không chú tâm đến sự sanh của danh, sắc pháp – chỉ chú tâm đến sự diệt của danh, sắc pháp [39].

6. Bhayañā a: Kinh hãi trí – trí thứ 5, thấy rõ sự diệt mất liên tục của mỗi danh, mỗi sắc; trí thứ 6, thấy chúng biến hoại và rã tan một cách kinh khiếp nên đâm ra sợ hãi cả ba cõi dục, sắc và vô sắc.

7. Ādinavañā a: Hiểm nguy trí – trí thấy rõ sự nguy hiểm và thống khổ của danh sắc – được ví như rắn độc, như lửa, như tên sát nhân, như mũi tên độc…

8. Nibbidāñā a: Nhàm chán trí – Đâm ra nhàm chán nơi mỗi danh, mỗi sắc – nhờ vậy, ly thoát được sự tham lam, đam mê, chấp thủ nơi mỗi danh, mỗi sắc.

9. Muñcitukamyatāñā a: Dục giải thoát trí – trí muốn giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của mỗi danh, mỗi sắc [40].

10. Pa isakhāñā a: Phân tích trí – Trí phân tích để thấy rõ lại một lượt nữa – sự sanh diệt của danh sắc thật đáng kinh sợ, đầy những nguy hiểm, đáng nhàm chán, cần phải thoát ly; phải thấy rõ các trạng thái vô thường, khổ não, vô ngã của danh sắc ấy.

11. Sakhārupekkhāñā a: Hành xả trí – trí giữ được tâm bình đẳng, vô tư, trạm nhiên đối với các pháp hữu vi (danh sắc); không tham ái cũng như không chán ghét chúng – nên gọi là hành xả [41].

12. Anulomañā a: Thuận thứ trí – tức là trí thuận với các trí đi trước, thuận với các trí đi sau thuộc thánh đạo tâm – trong đó có đạo đế, tức bát thánh đạo.

13. Gotrabhūñā a: Chuyển tánh trí – từ bỏ phàm phu tánh để bước vào thánh tánh – đối tượng bây giờ không còn là danh sắc nữa mà đề mục đã là Niết-bàn.

14. Maggañā a: Đạo trí hay thánh đạo tuệ – Đây là tuệ xuất tam thế, chỉ khởi lên 01 sát-na rồi diệt.

15. Phalañā a: Quả trí hay thánh quả tuệ – Đây là trí thấy Niết-bàn lần thứ nhất trong đời – nó chỉ khởi lên 02 sát-na rồi diệt. Tuy nhiên, những bậc thánh có đắc định, có thể chuyển qua thánh quả định lộ trình tâm để giữ thánh quả tâm phát sanh liên tục vô số sát-na suốt trong thời gian trú thánh quả định [42].

16. Paccavekkhanañā a: Quán sát trí – Đây là loại trí sau cùng, có phận sự xem xét lại, quan sát lại sự chứng đắc thánh đạo và thánh quả của mình [43].

Tóm lại, như đức Phật dạy: Người còn luân hồi là vì chưa thấy Tứ diệu đế bằng tuệ nhãn. Vậy, người thấy rõ Tứ diệu đế bằng tuệ nhãn như trên sẽ lần lượt chứng đắc tứ thánh đạo quả và Niết-bàn, được giải thoát khỏi vòng luân hồi tử sinh thống khổ và phiền não.

+ Thấy rõ Tứ diệu đế sẽ được những hạnh phúc là:

1. Làm cho thấy rõ danh và sắc.

2. Không còn si mê trong phiền não và khổ đau nữa.

3. Làm cho giải thoát khỏi bể khổ luân hồi.

4. Làm cho đắc được đạo quả.

5. Đưa ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

6. Không còn trong tam giới.

HẠNH PHÚC XXXIV

Nibbānasacchikiriyā: Nết hạnh làm cho thấy rõ Niết Bàn

(Chứng ngộ Niết-bàn)

Niết-bàn có nghĩa là ra khỏi vòng cương tỏa của ái dục, ý nói ra khỏi nơi bị trói buộc, hay ra khỏi luân hồi.

Niết-bàn có nghĩa là dập tắt lửa tham lam, sân hận, si mê.

Niết-bàn có nghĩa là không có sự kết dính, câu thúc, sai khiến bởi 10 kiết sử.

Phạn ngữ, Nam phạn nibbāna và Bắc phạn là nirvā a, đều được âm là Niết-bàn, nghĩa giống nhau, nhưng cần chiết tự cho dễ hiểu.

Ni có nghĩa là ra, đi ra; vana có nghĩa là phiền não, cũng có nghĩa là rừng. Theo thể thức văn phạm của phạn ngữ, chữ v của vana đổi lại b (bana) cho dễ đọc. Nếu đã đổi v thành b và chữ ni đứng trước nghĩa là “Ra khỏi phiền não”hay “Ra khỏi rừng”.

Tại sao lại gọi là “Ra khỏi rừng”? Vì rừng là nơi trú ẩn các loại dã thú, đầy nguy hiểm đối với người lạc đường. Rừng ấy ví như cõi sa-bà thế giới, đầy sự nguy hiểm và dã thú, là người ác, mà ta là người đi lạc trong luân hồi. Vậy người đi đến Niết-bàn là người đi ra khỏi rừng hay là ra khỏi luân hồi.

+ Niết-bàn có những đặc điểm :

1. Hoàn toàn an tịnh là trạng thái.

2. Bất tử là vị.

3. Không giới hạn là hiện tượng.

+ Niết-bàn có hai hạng là:

1. Sa-upādisesanibbāna: Hữu dư Niết-bàn. Niết-bàn của vị thánh nhân đã tới bậc A-la-hán mà chưa nhập diệt, còn mang thân ngũ uẩn này. Vậy hữu dư Niết-bàn là Niết-bàn còn dư sót phiền não, còn chịu sự tác động của các định luật nhiên giới lên thân và tâm.

2. Anupādisesanibbāna: Vô dư Niết-bàn, nghĩa là khi vị A-la-hán dứt bỏ tấm thân nầy để nhập diệt thì không còn dư sót, dính mắc phiền não nào nữa.

+ Hai hạng Niết-bàn ấy có chỗ cũng gọi là:

1. Kilesaparinibbāna: Phiền não Niết-bàn, ý nói vị thánh nhơn đã hoàn toàn chấm dứt mọi kiết sử, chưa nhập diệt; tên gọi khác của hữu dư y.

2. Khandhaparinibbāna: Ngũ uẩn Niết-bàn, nghĩa là vị A-la-hán đã xả bỏ thân ngũ uẩn nầy, đã nhập diệt; tên gọi khác của vô dư y.

Đức Thế Tôn có dạy rằng: Như Lai nhờ tuệ nhãn, nhờ đã diệt được ái dục và tà kiến nên Như Lai thấy rõ rằng, khi người đắc A-la-hán quả mà chưa nhập diệt thì gọi là Hữu dư Niết-bàn, còn đã nhập diệt thì gọi là Vô dư Niết-bàn.

Rải rác trong kinh điển, đức Phật còn xác định rằng: Niết-bàn của các bậc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm cũng gọi là hữu dư Niết-bàn; vì các vị nầy là thánh nhơn nhưng chưa đi đến nơi hoàn toàn giải thoát.

Vậy, Niết-bàn ấy ra sao? Có thể nói ra cho mọi người cùng hiểu, cùng thấy, cùng biết, được chăng?

Niết-bàn không có hình thể nên không có gì ví dụ được.

Trong bộ kinh Mi-lan-đà vấn đạo, đại đức Na-tiên tỳ-khưu, có dạy đức vua Mi-lan-đà rằng:

“- Tâu đại vương! Niết-bàn không có chi sánh bằng, không thể chỉ hình thức được, và không thể nào đem ra nói bằng lời được, vì Niết-bàn tuyệt đối ngoài tất cả các sự vật.

Tâu đại vương! Chỉ có người hành minh-sát-tuệ thì càng ngày càng thấy rõ danh sắc, diệt trừ phiền não, tâm hoàn toàn không còn mê theo danh sắc, nghĩa là người hoàn toàn đến Niết-bàn. Người đắc Niết-bàn chỉ có riêng người ấy biết mà thôi, cũng như người bệnh, chính họ mới biết bệnh của họ đã thuyên giảm, vì khi bệnh hành thì khổ, mà chừng cái khổ ấy từ từ mất lần đi, thì người bệnh mới nhận thấy rõ rệt”[44].

Vì vậy, đức Thế Tôn dạy đắc pháp Niết-bàn ấy ở trong tâm, người trí tự mình giác hiểu.

Tôi có thấy trong bài kinh Nibbānasatrapali có một thầy bà-la-môn Jambūkhādaka thưa hỏi đại đức Xá-lợi-phất “Niết bàn là gì?”Ngài đã trả lời: “Không còn tham lam, sân hận và si mê – đấy tạm gọi là Niết-bàn, nầy đạo hữu!”

Và cũng có lần, nhân một vị tỳ-khưu thắc mắc về vấn đề Niết-bàn, đức Phật cũng trả lời y như thế. Tuy nhiên, thấy nhiều vị tỳ-khưu vẫn còn những mối nghi ngờ xung quanh “hiện thực” Niết-bàn, đức Thế Tôn đành phải đưa ra ví dụ:

“- Nếu có người đau nặng, rất nguy nan, gia đình mời một vị đại lương y đến chẩn mạch; thấy bệnh rất trọng, thầy bèn bốc thuốc bảo phải uống ngay! Nầy các thầy tỳ-khưu! Trong trường hợp ấy, bệnh nhân nên uống thuốc ngay; hay không chịu uống mà cất tiếng hỏi: Thầy là ai? Từ đâu đến? Học thuốc với ai? Thuốc ấy là thuốc gì, vị gì?

– Bạch đức Thế Tôn! Người bệnh ấy phải lo mà uống thuốc ngay – chứ ai đời lại cất tiếng hỏi những lời vu vơ, ngớ ngẩn như thế!

Đức Phật kết luận: Cũng vậy, nầy các thầy tỳ-khưu! Như Lai xuất hiện ở cõi đời khổ đế nầy cũng với tư cách là một vị lương y – mà các thầy là những người bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch, chỉ còn chờ chết. Như Lai đã đưa ra những phương thuốc quý để chữa bệnh cho các thầy, các thầy đã không chịu uống, lại còn cất tiếng hỏi những lời vu vơ, ngớ ngẩn như Niết-bàn là gì? Niết-bàn ở đâu? Tại sao các thầy không chịu uống thuốc? Niết-bàn là nơi chấm dứt tất cả khổ. Vậy thì khi các thầy uống thuốc rồi, lành bệnh rồi, chấm dứt tất cả khổ rồi – thì các thầy sẽ tự biết lành bệnh sẽ ra sao, chấm dứt tất cả khổ sẽ ra sao! Đừng để bệnh chứng càng ngày càng thêm nặng, hãy uống thuốc đi – đầy là lời đầy từ ái và bi mẫn của Như Lai!”

Căn cứ theo Phật ngôn trên đây, ta nhận thấy đức Phật không dạy suông mặt lý thuyết, mà dạy chúng sanh thực hành rồi sẽ thấy kết quả và giá trị của việc làm.

Trở lại hữu dư và vô dư Niết-bàn, tôi xin nhắc lại câu Phật dạy trong phẩm Sattamasulla Dutivavagga ở bộ Itivuttaka rằng:

“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Trong kiếp hiện tại này, thầy tỳ- khưu nào là người xa phiền não,hết thụy miên phiền não, đã hoàn bị phạm hạnh, nhiệm vụ phải làm đã làm xong, đã quăng bỏ mọi gánh nặng, đã làm xong điều lợi ích cho mình, đã cởi mở mọi kiết sử – là nhân tạo ra các hữu đau khổ, phiền não – đã giác ngộ và giải thoát, song còn có ngũ uẩn, thì đó gọi là hữu dư Niết-bàn. Còn vị tỳ-khưu nào đã làm xong phận sự trên, đồng thời tịch diệt không còn ngũ uẩn nữa, gọi là vô dư Niết-bàn”.

Trong câu Phật ngôn trên đây, chúng ta để ý những cụm cừ quan trọng:

– Phiền não và hết thụy miên phiền não.

– Đã hoàn bị phạm hạnh.

– Nhiệm vụ phải làm đã làm xong.

– Đã quăng bỏ mọi gánh nặng.

– Đã làm xong điều lợi ích cho mình.

– Đã cởi mở mọi kiết sử.

– Đã giác ngộ và giải thoát.

Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu.

+ Phiền não và thụy miên phiền não:

Tiếng “phiền não”là ngụ ý chỉ tham, sân, si; và “hết thụy miên phiền não”là dứt được 4 trầm nịch [45]:

1. Kāmāsava: Trầm nịch trong tình dục

2. Bhavāsava: Trầm nịch trong tam giới

3. Di hāsava: Trầm nịch trong tà kiến

4. Avijjāsava: Trầm nịch trong vô minh [46].

+Đã hoàn bị phạm hạnh: Nghĩa là đã tu hành đúng theo 10 pháp: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh tuệ, chánh giải thoát.

+ Nhiệm vụ phải làm đã làm xong: Ý nói các ngài đã diệt được hết phiền não bằng giới, định, tuệ.

+ Đã quăng bỏ mọi gánh nặng: Các ngài đã quăng bỏ ba gánh rất nặng là:

1. Khandhabbāra: Gánh nặng ngũ uẩn

2. Kilesabbāra: Gánh nặng phiền não.

3. Abhisakhārabbāra: Gánh nặng nghiệp (tích lũy nghiệp, tàng trử nghiệp).

+ Đã làm xong điều lợi cho mình: Ý nói đã đạt lợi lạc tối thượng là quả vị A-la-hán.

+ Đã cởi mở mọi kiết sử là nhân của mọi sanh hữu: Đây chính là 10 kiết sử phiền não, chúng trói buộc chúng sanh, sai khiến chúng sanh, làm điên đảo chúng sanh, xoay chuyển chúng sanh, che mờ tâm trí chúng sanh:

1. Sakkāyadi hi: Thân kiến

2. Vicikicchā: Hoài nghi

3. Sīlabbatāparāmāsa: Giới cấm thủ

4. Kāmacchanda[47]: Thích thú trong trần dục

5. Byāpada [48]: Sân hận

6. Rūparāga [49]: Thích thú trong cõi sắc

7. Arūparāga [50]: Thích thú trong cõi vô sắc

8. Māna: Ngã chấp

9. Uddhacca: Phóng tâm

10. Avijjā: Vô minh [51].

+ Đã giác ngộ, giải thoát: Ý nói không còn lầm lẫn cho rằng vạn vật thường tồn tại, vạn vật đem lại an vui cho ta, và thân này là ta; vị ấy giác ngộ sự thật và hoàn toàn thành tựu chánh trí, giải thoát.

+ Thấy rõ Niết bàn được hạnh phúc là:

1. Được an vui trong kiếp hiện tại.

2. Không còn đọa vào ác đạo.

3. Giải thoát khỏi khổ và phiền não.

4. Được sự an vui hoàn toàn, tuyệt đối.

5. Không còn luân hồi.

[1] Jambudīpa: Tàu âm là Diêm-phù-đề, chỉ bán đảo Ân Độ. Nếu dịch nghĩa là bán đảo có cây đào, cây mận đỏ.

[2] Ghi chú thêm để khỏi lẫn lộn. Brāhman: Đấng phạm thiên với nghĩa là thượng đế, sáng hóa chủ, sáng tạo chủ của bà-la-môn giáo. Brāhmā: Thần sáng tạo. Vishnu: Thần bảo tồn. Shīva: Thần hủy diệt. Brāhma a: Thuộc dòng bà-la-môn, người bà-la-môn.

[3] Tất cả từ Pāḷi ở đây, đa phần do bổn xưa sai lạc nên không tìm ra từ gốc, nếu tìm ra nghĩa thì nó không chính xác theo lời giảng. (Quá mất thì giờ nên chỉ xin ghi chú tổng quát như thế).

[4] Không rõ tại sao lại có thêm phần này sau câu 16.

[5] Như lý tác ý: Hướng tâm đúng với lý như chân như thực.

[6] Thật ra là còn sáu em, 3 trai, 3 gái. Đó là Cunda, Upasena, Revata, Cālā, Upacālā, Sīsupacālā.Cậu bé này chính là Revata.

[7] Đây là Revata – chú bé lúc ấy mới có 7 tuổi.

[8] Tại một khu rừng, nơi có 30 vị tỳ-khưu đang hành đầu-đà.

[9] Xin chú thích lượt nữa, khi hành giả tu tập vipassanā mới có tuệ nầy – còn trong đời sống thường nhậtt, mọi suy nghĩ của nó chỉ là trí mà thôi.

[10] Rất nhiều hạng người không thể đắc quả trong kiếp này – nhưng ở đây không ghi chú, không xác định 4 hạng người ấy là ai. Theo Abhidhamma thì trong 8 thiện tâm tịnh quang, có 4 tâm có 3 nhân vô tham, vô sân, vô si; có 4 tâm chỉ có hai nhân là vô tham, vô sân. Trong đời này, sanh làm người nếu là dị thục tâm do 3 nhân vô tham, vô sân và vô si – thì người ấy được nhiều phước báu, ngũ quan toàn hảo, có trí và có khă năng đắc định, đắc đạo quả. Còn dị thục tâm của người nào chỉ có 2 nhân là vô tham, vô sân – nghĩa là không có vô si (tức không có trí) thì người ấy ít phước báu, ngũ quan có thể bị khuyết tật, thiểu trí và không có khả nặng đắc định, đắc đạo quả. 4 hạng người không thể đắc quả có thể là 4 hạng người chỉ có 2 nhân này chăng?

[11] Câu chuyện này được kết tập về sau, do các sư thuật lại, không rõ sự chính xác có đáng tin cậy không. Ta không thể tìm cách biện minh – như nhiều người đã làm – để che đậy bớt ý đồ, ác tâm, dối trá hư ngụy và tà kiến của Đế Thích được.

[12] Appamā a: Vô giới hạn. Appamaññā: Vô lượng, vô biên – chỉ tứ vô lượng tâm.

[13] Tàu âm chữ Sāvatthī.

[14] Cách giảng này chỉ nhằm cho đại chúng dễ nắm bắt khái quát. Nếu đi vào Kinh và Abhidhamma thì chúng phức tạp hơn nhiều. 1- Từ vô lượng: Gồm đủ lòng từ ái, thiện ý, hảo tâm, thiện ái, bác ái, nhiều tình thương; nhưng nghĩa chính xác hơn – là tình thương vô điều kiện, vô giới hạn, quảng đại bao trùm thiên nhiên, người vật và cây cỏ. Từ vô lượng là một năng lượng làm cho ta và chúng sanh cùng êm dịu, mát mẻ, an lành. Nó đối trị trực tiếp với các trạng thái tâm: sân, ghét, ác ý, nóng nảy, hung dữ… 2- Bi vô lượng: Là lòng bi mẫn, biết thương xót, biết rung động trước sự đau khổ, bất hạnh của người khác; muốn xoa dịu, ủi an người khác trước hoạn nạn, nghịch cảnh, thống khổ, neo đơn, cô quả, tai ương, tật nguyền, đói rách… Bi vô lượng là một năng lượng bao trùm đồng đẳng mọi chúng sanh đau khổ, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, nam nữ, trẻ già, huyết thống, ngu trí, hèn sang, tên tội đồ hoặc vị quân vương! Nó đối trị trực tiếp với các trạng thái tâm: hận thù, ác độc, bạo tàn… 3- Hỷ vô lượng: Nói cho dễ hiểu là mừng vui – nhưng là một trạng thái mừng vui thanh lương, nhẹ nhàng, vô nhiễm, thanh khiết, vắng lặng – nó vắng mặt bóng tối của tư kỷ, vị kỷ, vắng mặt các yếu tố, điều kiện từ thế giới vật dục lắm bụi bặm và phiền não. Hỷ vô lượng là một năng lực tự có từ bên trong, không nương nhờ các điều kiện phụ tùy từ thế giới vật chất ở bên ngoài. Nó là một năng lượng tuôn tràn từ một nội tâm có tu tập – một nội tâm đã làm cho lắng dịu mọi bất bình, oán ghét, ganh tỵ – là kẻ thù trực tiếp của nó. (Lưu ý: Chướng ngại trực tiếp của của từ, bi, hỷ đều có từ căn sân. Nhưng đối ngại của từ là sân, nóng nảy, ác ý, hung dữ. Đối ngại của bi là hận thù, ác độc, bạo tàn. Đối ngại của hỷ là ganh ghét, ganh tỵ.) 4- Xả vô lượng: Là quân bình, vô tư, không luyến ái cũng không ghét bỏ, không ưa thích cũng như không bất mãn trước những tình huống của cuộc đời; nói cách khác, trước những thành bại, được mất, khen chê, hơn thua, vui khổ… tâm xả vẫn điềm nhiên, an nhiên, bình lặng. Nó còn được ví như lá sen, không hề giữ lại mà làm trượt đi tất cả những giọt nước dù dơ, dù sạch từ đâu rơi xuống. Đối ngại trực tiếp của xả vô lượng là luyến ái và thiên chấp. Cuối cùng, điều cần lưu ý là tứ vô lượng tâm cần công phu thiền định miên mật, trường kỳ – không thể có trong đời sống bình thường. Từ, bi, hỷ chỉ có được từ đệ nhất đến đệ tam thiền; riêng tâm xả phải là đệ tứ thiền!

[15] Tapa rất nhiều nghĩa. Dù tapa nghĩa nào cũng không công trú với phạm thiên nếu không đắc các tầng thiền định.

[16] Cả đoạn này cũng cần được giải thích thêm. Bố thí mà không có trì giới thì chưa biết sinh vào cõi người và cõi trời nào; ngoại đạo cũng bố thí vậy. Bố thí mà có trì giới thường sanh vào cõi người hoặc trời có tốt đẹp, cả phú lẫn quý. Bố thí mà có bát quan trai giới nữa cũng chỉ sanh cõi người và trời có chánh kiến, gieo duyên giải thoát. Trì giới, nhất là bát quan trai giới, dĩ nhiên là thù thắng hơn bố thí nhờ giới hạnh trong sạch nhưng không thể sanh làm phạm thiên. Nếu có thể ví dụ được, thì phước bố thí chỉ sanh phú (giàu), không sanh quý (sang) – phước trì giới thì quý nhưng không phú. Cả bố thí và trì giới thì được cả phú lẫn quý – nhưng chỉ ở cõi người và 6 cõi trời dục giới mà thôi.

[17] Sammāsati: Sammā người ta thường dịch là chánh (chánh niệm) – nhưng thật ra sammā ngoài nghĩa là chánh mà còn là chơn, như thực, như chơn, chính xác, đúng, ngay, toàn diện, trọn cả… Vậy, trong bát chánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định đều được hiểu như thế để khỏi sai lạc khái niệm. Trong chánh niệm, không đơn thuần là niệm thân mà còn niệm thọ, niệm thân, niệm pháp. Tuy nhiên, đến giai đoạn vipassanā thì tất cả các niệm này đều là niệm như thực, niệm như chơn, như chánh.

[18] Lưu ý: Bà-la-môn giáo cũng có bát thiền và ngũ thông. Phải phân biệt cho rõ, tại sao các tầng thiền của ngoại đạo, ta lại gọi là tà định; các tầng thiền của Phật khác ngoại đạo ở chỗ nào mà được gọi là chánh định? Chỉ khác một điều, thiền định của Phật hướng đến giác ngộ, giải thoát – còn thiền của ngoại đạo, cũng đắc những tầng thiền như vậy nhưng họ dính mắc, sở đắc và chấp thủ.

[19] Phải dịch là học tập về tăng thượng giới. Tiếp theo là tăng thượng tâm và tăng thượng tuệ.

[20] Cần dụng ngữ tiếng Việt cho chính xác theo nghĩa Pāḷi: Hiểu và biết thuộc phạm trù của lý trí, trí năng; thấy và thấy rõ thuộc lãnh vực của tuệ giác, giác tri.

[21] Con số 12 này tác giả không giải thích, nhưng theo liệt kê ở phần 2 có 8 khổ, thêm chấp thủ ngũ uẩn và sanh, già, chết nữa là 12. Tuy nhiên, ta thấy nơi chỗ 8 khổ ấy có sự trùng lặp – ví dụ, cầu bất đắc là đầy đủ tất thảy nội dung: Trái ý nghịch lòng, thất vọng, bực tức, uất ức, không được như ý. Ví dụ, ái biệt ly, oán tăng hội là đầy đủ nội dung còn lại: Thân ái biệt ly, oán thù hội ngộ, ly biệt người yêu! Như vậy, chỉ cần tóm tắt 3 khổ: Cầu bất đắc, ái biệt ly, oán tăng hôi là đủ cho nội dung ấy. Từ xưa đến nay, các vị kết tập sư chỉ cần cô đọng trong 8 khổ: Sanh, già, bệnh, chết, cầu bất đắc, ái biệt ly, oán tăng hội, thủ ngũ uẩn.

[22] Hao mòn, già nua, hư cũ.

[23] Quá khứ của động từ paripaccati, nghĩa là chín, thật chín, hoàn toàn chín.

[24] Vì có lẽ là bài thuyết pháp nên pháp sư chỉ giảng sơ lược. Xin bổ túc thêm một chút.Kāmata hā: Dục ái (biểu hiện của si) – tham muốn dục vật chất, hưởng thụ đắm say dục lạc ngũ trần – chỉ cõi dục giới, tức là từ cõi địa ngục đến cõi trời Tha hóa tự tại.

[25] Bhavata hā: Bhava là hữu nên nghĩa là hữu ái (biểu hiện của tham). Đây là lòng tham muốn, tham đắm, muốn chiếm hữu, muốn lưu giữ lại bên mình nhưng đối tượng khả ái, khả ý, khả lạc. Nói cách khác, khi yêu thích cái gì rồi thì muốn cái ấy ở mãi bên mình, với mình (hữu ái). Các vị trời phạm thiên có hạnh phúc rất thù thắng, thanh tịnh; có tuổi thọ bằng nhiều kiếp quả địa cầu nên họ mang ảo tưởng đã đạt được Niết-bàn với 4 đức tính thường, lạc, ngã, tịnh – rơi vào thường kiến.

Rūpata hā: Sắc ái – là ái dục trong cõi sắc, sắc giới – tức là yêu thích, tham muốn những cảm thọ tế vi của tinh thần, đấy là hỷ, lạc, xả của các tầng thiền định sắc giới. Vibhavata hā: Phi hữu ái (biểu hiện của sân) tức là tâm lý bực tức, bất mãn, chán ghét, oán hận, khó chịu khi đối diện với hiện tượng không vừa lòng, không thích ý với ta. Ta muốn đoạn diệt nó, chấm dứt nó, phi hữu hóa nó ngay. Trường hợp khác, có người cái gì cũng sợ mất, sợ hết, sợ chết nên hối hả hưởng thụ, quay cuồng, điên loạn hưởng thụ – lại rơi vào hư vô luận, đoạn diệt kiến – đoạn kiến. Arūpata hā: Vô sắc ái – là loại ái dục phát sanh do chán các sắc, sắc tướng, sắc pháp. Họ chán luôn cái thân sắc dù thô hay tế. Họ chỉ muốn sống với các ý niệm, khái niệm trừu tượng mà thôi. Tương ứng với loại ái dục này, họ từ bỏ các thiền sắc giới để tu tập các thiền vô sắc giới. Tại đây, họ không còn thọ hưởng các cảm thọ thô tháo nữa; hạnh phúc vi tế, thanh lương, cao sáng của họ là xả và định.

Tóm lại, cả ba loại ái dục trên không những tương ưng với 3 cõi: Dục giới, sắc giới và vô sắc giới mà chúng còn biểu hiện trong đời sống thường nhật. Ai hằng sử dụng Vipassanā để tu tập, hiện quán, sẽ thấy rõ rằng:Lúc nào ta đắm say các đối tượng dục lạc ngũ trần với trạng thái tâm đờ đẫn, si mê thì đó chính là kāmata hā – si, dục ái. Lúc nào ta tham muốn, bị hút dính vào các đối tượng dục lạc ngũ trần mà không muốn xa rời, chỉ muốn chiếm hữu, muốn nó ở mãi bên mình – thì đây chính là bhavata hā – tham, hữu ái, thường kiến (Muốn trẻ mãi không già, muốn đóa hoa nở đừng tàn, muốn một chủ thuyết, một chế độ chính trị muôn năm bất diệt cũng rơi vào hữu ái, thường kiến này). Lúc nào tỏ ra chán ghét, không vừa lòng, không thích ý một đối tượng ngũ trần nào đó, ta muốn rời xa nó, chấm dứt nó, đoạn diệt nó, phi hữu hóa nó – thì đây chính là biểu hiện của vibhavata hā – sân, phi hữu ái, đoạn kiến.

Như vậy, dục ái, nếu tính 6 căn, 6 trần có 12 loại ái dục, tính thêm quá khứ, hiện tại, vị lai – thì dục ái, si, kāmata hā có 36 loại ái dục; hữu ái, tham, bhavata hā – tương tợ như trên cũng có 36 loại ái dục; phi hữu ái, sân, vibhavata hā – cũng có 36 loại ái dục như thế; tổng cọng 108 ái dục.

[26] Tuổi thọ của cõi trời thấp nhất là 9 triệu năm. Tuổi thọ của cõi trời phạm thiên cao nhất là 84 ngàn a-tăng-kỳ, khoảng hằng ngàn lần sự sinh diệt của quả địa cầu.

[27] Ái dục dẫn dắt đi tái sanh.

[28] Xin diễn đạt lại cho chính xác theo kinh điển: Khổ đế là phải thấy, Tập đế là phải diệt, Diệt đế là phải chứng, Đạo đế là phải thực hành.

[29] Tương tự như ghi chú ở trên, nhưng tôi muốn giải thích một chút nữa bằng dụ. Khi nghe một lời sỉ nhục, ta bực tức khó chịu, sân hận nổi lên, toàn bộ tâm sinh lý bị thiêu đốt. Nhờ có tu tập thiền quán nên ta thấy rõ, bèn sử dụng chánh niệm tỉnh giác rồi ghi nhận như thực “sân à, sân à”- một hồi thì thân tâm ta đã trở lại trạng thái bình thường, an tĩnh, mát mẻ vì sân hận ấy đã diệt mất rồi. Thử phân tích theo Tứ diệu đế: Ta thấy rõ sự thật một cái khổ ( khổ đế) là do sân hận (ái dục – tập đế); ta bèn sử dụng niệm, tỉnh giác (niệm đại biểu cho chánh niệm, chánh định; tỉnh giác đại biểu cho cho chánh kiến – tuệ – nói cách khác của bát chánh đạo – đạo đế) để nhìn ngắm như thực cái sân hận ấy, một hồi liền chấm dứt khổ (diệt đế). Vậy, nếu lập ngôn – dùng diệt đế và đạo đế để trừ diệt khổ đế và tập đế – thì không đúng với tu tập thiền quán vipassanā.

[30] Chánh tư duy là: Không dục tư duy, không sân tư duy, không hại tư duy.

[31] Ngoài 3 nghề trên còn 2 nghề khác nữa được coi là tà mạng: 1- buôn bán vũ khí như súng đạn, gươm giáo, cung tên… 2- Buôn bán độc dược, thuốc sâu rầy, ma túy…

[32] Chánh tinh tấn còn được gọi là Tứ chánh cần (sammappadhāna): 1- Tinh cần thu thúc, phòng hộ (sa varapadhāna): Ngăn ngừa, ngăn chặn không cho các bất thiện pháp chưa sanh, được sanh khởi ( Ác vị sanh, sử bất sanh). 2- Tinh cần đoạn trừ, đoạn diệt (pahānapadhāna): Các ác, bất thiện pháp đã phát sanh thì phải tinh cần, nỗ lực để trừ khử, đoạn diệt chúng (Ác dĩ sanh, sử trừ đoạn). 3- Tinh cần tu tiến (bhāvanāpadhāna): Các thiện pháp chưa sanh hãy tu tiến làm cho chúng phát sanh (Thiện vị sanh, sử phát sanh). 4- Tinh cần bảo tồn, trưởng dưỡng (anurakkhanāpadhāna): Các thiện pháp đã sanh rồi thì hãy nỗ lực bảo vệ, bảo tồn làm cho chúng được tăng trưởng lớn mạnh (Thiện dĩ sanh, sử tăng trưởng).

[33] Pháp sư chỉ muốn cho thính giả biết khái lược nên giảng quá tóm tắt. Tứ niệm xứ khá phức tạp. Đây là những ngữ nghĩa cô đọng nhất, tinh yếu nhất. 1/ Thân quán niệm xứ (kāyānupassanā-satipa hāna): Quán tưởng, lấy thân sắc làm đề mục… ví dụ niệm thân chỉ là tứ đại, niệm hơi thở, niệm bốn oai nghi, quán tưởng 32 thể trược, tử thi… 2/ Thọ quán niệm xứ (vedanānupassanā-satipa hāna): Quán tưởng, lấy các đối tượng cảm thọ làm niệm xứ như khổ, lạc, xả, ưu, hỷ… 3/ Tâm quán niệm xứ (cittānupassanā-satipa hāna): Quán tưởng, lấy các trạng thái tâm làm đề mục niệm xứ – như tâm có tham, tâm không tham, tâm có sân, tâm không sân, tâm có si, tâm không si, tâm khinh an, tâm phóng dật, tâm cao thượng, tâm hạ liệt… 4/ Pháp quán niệm xứ (dhammānupassanā-satipa hāna): Quán tưởng, lấy các pháp trong khi tu tập làm đề mục niệm xứ – như 5 triền cái, 5 uẩn, 12 xứ, 7 giác chi, Tứ thánh đế…

[34] Xem thêm ghi chú 129, 130.

[35] Danh là phần tâm và tâm sở; nói cách khác, danh là 4 danh uẩn – thọ, tưởng, hành và thức. Sắc là thân xác vật lý, là thân sắc – gồm nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn và thân căn cùng 7 sắc đối tượng là sắc, thanh, hương, vị, xúc, địa, hỏa, phong.

[36] I/- Danh khởi sanh: Ví dụ, nhãn thức sanh. Cái biết của con mắt chỉ phát sanh khi gồm đủ 4 yếu tố: 1- Nhãn môn sẵn sàng tiếp nhận sắc. 2- Ánh sáng đủ. 3- Sắc trần có hình dạng rõ ràng. 4- Có tịnh nhãn căn tốt (thần kinh của mắt tốt). II/- Sắc khởi sanh: Có 4 nguyên nhân làm cho sắc khởi sanh. 1- Sắc khởi sanh do nghiệp (kammajarūpa): Thức tái sanh do năng lực của nghiệp – tìm gặp tinh trùng và noãn châu mà tạo ra săc đầu tiên của thai nhi. 2- Sắc khởi sanh do tâm (cittarūpa): Do hỷ, nộ, ái, ố hoặc đi đứng ngồi nằm… mà sắc chuyển động hoặc biểu hiện ra bên ngoài. 3- Sắc khởi sanh do thời tiết (utujarūpa): Lúc nóng, lạnh, gió, mưa… tác động mà tạo nên các sắc khác nhau. 4- Sắc sanh khởi do vật thực (āhārajarūpa): Do ăn uống, do vật thực mà tạo ra sắc thân, nuôi dưỡng và phát triển sắc. Ngoài ra, Ahidhamma còn cho ta biết đời sống của một sắc pháp, từ sanh đến diệt, diễn ra trong 17 sát-na tâm.

[37] 1- Danh diệt: Khi mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh (cũng là sắc) – một lộ trình tâm khởi lên để tiếp nhận, xử lý sắc ấy. Nếu muốn biết một sắc khắc thì cái biết trước (danh) phải diệt để nhường chỗ cho cái biết tiếp theo. Đây gọi là danh diệt. Có thể nói theo thường nghĩa thì cụ thể và dễ hiểu hơn: Ví dụ, một âm thanh thoáng qua tai, một tâm lý dễ chịu phát sanh (lạc thọ, danh), ta ghi nhận nó cho đến khi sự dễ chịu ấy diệt mất – đấy là danh diệt. 2- Sắc diệt: Tương tợ như trên. Một hình ảnh, một âm thanh, một mùi hương (đều là sắc) – phải thấy rõ chúng diệt (theo lộ trình tâm) – thì ta mới tiếp nhận hình ảnh khác, âm thanh khác, mùi vị khác.

[38] 1- Sự sanh diệt của danh pháp: Mỗi tâm – ví dụ nhãn thức – có đời sống 01 sát-na rồi nhường chố cho tâm khác (Theo chú giải, một lầng búng đầu ngón tay, tâm sanh diệt liên tục 1000 tỷ lần. Mỗi sát-na còn chia ra 3 tiểu sát-na). 2- Sự sanh diệt của sắc pháp: Sắc pháp có 4 trạng thái: Sắc sanh, sắc trụ, sắc già và sắc diệt. Đời sống của 01 sắc pháp kéo dài 17 sát-na tâm.

[39] Hành giả sẽ thấy rõ sự diệt mất liên tục của mỗi tâm và tâm sở (năng tri) và sự diệt mất liên tục của các sắc đối tượng (sở tri) – nhờ vậy, diệt được những lầm tưởng vô thường cho là thường, vô ngã cho là ngã.

[40] Sự muốn giải thoát này tương tợ như: Cá đang ở trong lưới. Nhái nằm trong miệng rắn. Gà rừng bị nhốt trong chuồng. Nai bị mắc bẫy. Voi rơi xuống hầm sâu. Long vương ở trong miệng điểu vương…

[41] Đây là trí quân bình tuyệt hảo, có tầm mức rất quan trọng – vì trí này chuẩn bị cho lộ trình tâm thánh đạo, ly thoát cõi dục, sắc và vô sắc; từ bỏ phàm phu tánh để thênh thanh bước vào miền đất tự do, giải thoát của thánh tánh. Và lộ trình thánh đạo ấy là như sau: 1- Parikamma: Chuẩn bị (thánh đạo tâm) – diễn ra 01 sát-na. 2- Upācāra: Cận hành (thánh đạo tâm) – diễn ra 01 sát-na. 3- Anuloma: Thuận thứ – 01 sát-na. 4- Gotrabhū: Chuyển tánh – 01 sát-na. 5- Maggacitta: Đạo tâm – 01 sát-na. 6.7- Phalacitta: Quả tâm – 02 sát-na. Lưu ý: 07 sát-na tâm này diễn ra ở tác hành tâm (javana). Và, 02 sát-na tâm chuẩn bị và cận hành chưa được gọi là trí – nên trí 12 tiếp theo sẽ là thuận thứ trí – tức là trí thuận với dòng tâm đi trước, thuận với dòng tâm đi sau; nói cách khác, thuận với các trí đi trước và thuận với 37 phẩm trợ đạo đi sau. Từ đây, hành giả bắt đầu đi vào thánh đạo tâm.

[42] Đây là thiền quán vipassanā trên lộ trình đạo quả tứ thánh. Ví dụ Tu-đà-hoàn thì có Tu-đà-hoàn đạo, quả; Tư-đà-hàm đạo, quả… Nếu Tu-đà-hoàn thì mới cắt được 3 kiết sử thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ – được xem như thấy rõ một phần Niết-bàn lần thứ nhất trong đời. Tư-đà-hàm thì làm nhẹ bớt 02 sợi giấy tình dục và bất bình. A-na-hàm thì cắt đứt hẳn 05 sợi giấy ấy. Đến A-la-hán mới cắt đứt trọn vẹn 05 sợi còn lại: sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, phóng tâm và vô minh.

[43] Quan sát 5 điều: 1- Thấy rõ thánh đạo. 2- Thấy rõ thánh quả. 3- Thấy rõ Niết-bàn lần đầu. 4- Thấy rõ những phiền não đã diệt. 5- T hấy rõ những phiền não chưa diệt (trong 10 kiết sử: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tình dục, bất bình, sắc ai, vô sắc ái, ngã mạn, phóng tâm, vô minh).

[44] Tôi thấy đoạn vấn đáp giữa đức vua Mi-lan-đà và đại đức Na-tiên rất thú vị, xin trích ra đây để hầu bạn đọc.

“Vua Mi-lan-đà:

– Đại đức nói rằng có Niết-bàn, trẫm cũng tin như thế; nhưng nó ở đâu? Đông, tây, nam, bắc, thượng, hạ, trung?

Tỳ-khưu Na-tiên:

– Ở một nơi nào đó, một chỗ nào đó thì không phải là Niết-bàn, tâu đại vương!

– Thế là đã rõ!

– Đại vương rõ ra sao ạ?

– Thưa, rõ là không có Niết-bàn. Nó chỉ là hư vô, không tưởng! Niết-bàn đã là không có thì làm gì có chuyện tỏ lộ Niết-bàn, tỏ ngộ Niết-bàn? Và lại càng không có cái gọi là an trú Niết-bàn? Tại sao lại như thế? Vì khái niệm “trú”- là phải có một địa cư, một nơi chốn, một miền, một xứ, một cõi, một cảnh… để nương gá ở đấy, trú ở đấy… Ví dụ như ruộng là nơi nương trú của rất nhiều chủng loại lúa. Ví như quả đất là nơi nương trú của người, vật, núi sông, chim muông, cây cỏ… Vậy, nếu Niết-bàn không có một chỗ nào cả – thì chữ “trú”này không được thành lập, “trú”không được thành lập thì “tỏ rõ, tỏ lộ”Niết-bàn cũng không được thành lập; nếu “tỏ rõ, tỏ lộ”Niết-bàn không được thành lập thì “người chứng ngộ”Niết-bàn cũng không được thành lập! Thế, Niết-bàn ấy chỉ là không, khoảng không, không có gì cả! Tất cả không, thưa đại đức!”

Tôi chỉ trích một đoạn, vua Mi-lan-đà với lý luận logic, đanh thép – như đẩy tỳ-khưu Na-tiên đến tuyệt lộ; vậy thì vị đại đức của chúng ta sẽ trả lời như thế nào để sau rốt, vị vua hùng biện này đành phải khâm phục, chấp nhận lời giải thích của đại đức đã giúp ông ta cắt đứt tất thảy mọi nghi ngờ! Ai muốn nghiên cứu, tò mò để tìm lời giải đáp “hóc búa”này, xin hãy tìm đọc Mi-tiên vấn đáp của Hòa thượng Giới Nghiêm, NXB Phương Đông, năm 2009 (trang687-690).

[45] Trầm là chìm đắm, nịch cũng có nghĩa chìm đắm, mê say.

[46] Còn gọi là 4 lậu hoặc (cattāro āsavā). 1- Dục lậu (kāmāsava) – có nghĩa là tươm ra, rỉ ra, tiết ra sự dơ bẩn, bợn nhơ, xú uế…; chỉ cho sự si mê đắm say dục lạc ngũ trần. 2- Hữu lậu (bhavāsava) – chỉ cho tất thảy mọi sanh hữu – dục, sắc và vô sắc. 3- Kiến lậu (di hāsāva) – chỉ cho tất thảy mọi kiến chấp (cụ thể là 62 tà kiến được đức Phật đề cập trong kinh Phạm võng). 4- Vô minh lậu (avijjāsava): Trạng thái mê mờ không thấy ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên, tứ đế…nên tạo ra vọng nghiệp khổ đau.

[47] Đúng ra phải là Kāmarāga. Lưu ý: Những nhà nghiên cứu, những học giả, những người biên soạn kinh sách thường không phân biệt được sự khác nhau của các từ: ước muốn, dục, tham, ái, tình dục… nhưng Pāḷi thì rất rõ. Chanda: ước muốn thuần túy (chưa có tội gì, ví như khát muốn uống, đói muốn ăn). Lobha: tham. Abhijjā: Tham lam. Macchariya: Gốc tham, gian tham đến độ xan lẩn, hà tiện, bỏn xẻn, keo kiệt… Kāma: Dục – chỉ những tham muốn ngũ trần. Ta hā: Chỉ tất cả các ái (gốc ái dục trong vô minh và ái dục); nếu là ái dục giới thì gọi là Kāmata hā (dục ái); nếu là ái sắc giới thì gọi là Rūpata hā (sắc ái); nếu là ái vô sắc giới thì gọi là Arūpata hā( vô sắc ái). Riêng tình dục thì có từ Rāga có nghĩa là khát khao dục tình.

[48] Byāpada: Ác cảm, ác ý, oán hận ( nhẹ hơn hận thù (pa igha). Từ này cũng vậy. Dosa: sân (gốc), nóng nảy, bất bình, khó chịu. Domanassa: Ưu, lo nghĩ, bực bội, buồn bực (gốc sân). Pa igha: Hận, hiềm thù, ghét bỏ (Khi gặp một đối tượng làm cho ta bất bình, nóng nảy, khó chịu, không ưu thích… thì trạng thái sân ban đầu khởi lên (gốc sân); nếu sân này (dosa) tồn tại lâu, lưu giữ mãi trong tâm (thủ) thì sân này nó tăng cường độ, âm ỉ, âm thầm đốt cháy ở trong tâm – sẽ phát sanh ưu (domanassa) – tức là bực bội, buồn bực, lo nghĩ; cao độ hơn nó sẽ biến thành hận (pa igha), ghét bỏ, hận thù, hiềm thù, hiềm hận – muốn công phá đối tượng, đập bỏ đối tương, đánh giết đối tượng).

[49] Rūpata hā: Sắc ái.

[50] Arūpata hā: Vô sắc ái.

[51] Đấy là 10 kiết sử được y cứ để tu tập tứ thánh đạo quả – giống với Thái và Myanmar. Tuy nhiên, trong “Thắng pháp tập yếu luận”của ngài Minh Châu có đưa ra 10 kiết sử của Abhidamma và 10 kiết sử của Nikāya có khác chút ít:

* Abhidhamma: Dục ái kiết sử (kāmata hāsa yojana), Hữu ái kiết sử (bhavata hāsa yojana). Sân hận kiết sử (pa ighasa yojana). Mạn kiết sử (mānasa yojana). Kiến kiết sử (di hisa yojana). Giới cấm thủ kiết sử (sīlabbataparāmāsasa yojana). Nghi kiết sử (vicikicchāsa yojana). Tật kiết sử (issāsa yojana). Xan kiết sử (macchariyasa yojana). Vô minh kiết sử (avijjāsa yojana).

*Nikāya: Dục ái kiết sử, sắc ái, vô sắc ái, sân, mạn, kiến, giới cấm thủ, nghi, trạo cử, vô minh.

KỆ NGÔN X

HẠNH PHÚC XXXV

Phu hassa loka-dhammehi citta yassa ra kampati

Tâm không xao động vì pháp thế gian

(Khi xúc chạm việc đời. Tâm không động, không sầu)

Câu Phật ngôn này có ba từ nên giải cho rõ:

1. Loka: Nghĩa là thế gian. Phạn ngữ loka còn có nghĩa là hư hoại, tiêu diệt, tan rã… Ý nghĩa ấy rất đúng vì thế gian nầy có gì bền vững lâu dài đâu, mặc dầu là núi non, sông bể đều cũng có ngày thay đổi hay tiêu diệt.

2. Lokadhamma: Nghĩa là pháp thế gian. Pháp thế gian có 8 điều, thường ở trong thế gian hay là ở trong tâm của con người. Vì con người còn luân hồi trong thế gian, nên pháp ấy gọi là thế gian pháp hay là pháp thế gian.

3. Kampati: Là rung động. Tâm người vì còn phiền não nên bị 8 pháp ấy làm rung động, xao xuyến, lay chuyển nên không bao giờ yên được. Vì tâm rung động bởi các pháp ấy nên người rất lo chạy theo nó, hoặc tìm về vì chưa có, hay kiếm lại vì bị mất, hoặc vì sợ mất nên lo giữ. Đấy là nguyên nhân sanh khổ – vì khi được cũng khổ mà khi mất lại càng khổ. Thật vậy khi mất thì khổ đã đành, nhưng khi được lại mất công gìn giữ, sợ bị mất. Trong 8 pháp ấy có những pháp mà mình không thích, không ưa, nên mình lại không muốn cho nó đến với mình, hết sức cố gắng không cho nó đến, mà nó vẫn đến!

8 pháp ấy ví như cái lưới, còn chúng sanh ví như cá trong lưới thật là khó thoát khỏi.

Đây tôi xin giải luôn tiếng “chúng sanh”; phạn ngữ satta nghĩa là chúng sanh, nhưng còn có nghĩa là dính, ý nói dính trong pháp thế gian; ví như cá mắc dính trong lưới, hay cắn phải câu vậy.

+ Còn 8 pháp thế gian ấy là:

Thích

Ghét

1. Lābho: Được lợi

3. Yaso: Được danh

5. Pasa sā: Được khen

7. Sukha: Được lạc

2. Alābho: Mất lợi

4. Ayaso: Mất danh

6. Nindā: Bị chê

8. Dukkha: Bị khổ

Trong 8 pháp này có 4 pháp người ưa thích, còn 4 pháp người chán ghét.

Chúng ta ham mê hay ưa thích 4 pháp “được lợi, được danh, được khen, được lạc”. Vì ưa thích nên ta chạy theo nó, đến nỗi quên già. Chúng ta quên rằng, những gì mà ta ưa thích, ta chưa thỏa mãn, thì lại bị mất đi; hay ta lại bỏ nó ra đi, tôi muốn nói ta chết và không đem gì theo được. Vì con người chưa có trí tuệ, nên không nhận thức vô thường, khổ não, vô ngã, nên cứ chạy theo các pháp ấy. Ta lại thương tiếc buồn rầu vì những của cải không phải là ta mà cũng không phải là của ta, cũng không trung thành với ta nữa. Đã gọi là loka (thế gian) nghĩa là tan hoại, thì làm sao tìm được một điều gì trung thành với ta được? Con người cũng vì tám pháp thế gian nên giết hại nhau. Vì 8 pháp ấy mà cá nhân tranh với cá nhân, gia đình tranh với gia đình, xóm này tranh với xóm kia, xứ này tranh với xứ nọ, nên thế gian thường bị chiến tranh tiêu diệt. Xét kỹ, không có gì gây thảm họa cho chúng ta hơn là 8 pháp ấy. Vì vậy nên đức Thế Tôn dạy chúng ta không nên rung động, xao động vì pháp thế gian – ý nói không nên để 8 pháp ấy ngự trị trong chúng ta.

Khi chúng ta biết 8 pháp ấy gây thảm họa cho nhân loại, thì chúng ta cũng nên tránh đi được phần nào hay phần ấy, khi chúng ta cố tránh thì lợi ích trước nhất là chúng ta được an vui, mà người ở gần ta cũng được hạnh phúc.

+ Muốn diệt trừ 8 pháp ấy, ta cần phải trang bị 3 pháp sau đây:

1. Lokapāladhamma: Pháp hộ trì thế gian (loka); nó gồm có hai pháp: Hiri – là tàm, là hổ thẹn tội lỗi; và ottappa – là quý, là ghê sợ tội lỗi.

Như ta biết loka là hư hoại, tiêu hoại; mà pháp này gọi là pháp gìn giữ (hộ trì), thì rõ ràng là pháp tương đối, hay đối trị với pháp tiêu hoại. Hai pháp này có ý nói rằng, khi người đời biết hổ thẹn, biết ghê sợ tội lỗi, thì không bao giờ dám làm tội; mà không dám làm tội thì không khi nào ác pháp đến gần – do vậy, tức nhiên ta sẽ được hạnh phúc.

2. Sati: Trí nhớ (niệm); và sampajañña: Biết mình (Tỉnh giác).

Hành giả phải có trí nhớ (chánh niệm) để quan sát những đề mục mà tâm thâu lấy, trí nhớ ví như người giữ cửa thành, cần biết người nào nên cho vào, người nào không nên cho vào. Trí nhớ cũng vậy, không cho các ác pháp xâm nhập vào. Biết mình (tỉnh giác) là khi biết pháp ác đã xâm nhập vào rồi, nên cố gắng diệt trừ nó bằng mọi phương cách.

3. Yonisomanasikāra: Có trí tuệ suy xét cho chu đáo (như lý tác ý).

Ý nói khi ta muốn làm việc gì nên dùng trí tuệ suy nghĩ cho kỹ, và biết đâu là hại đâu là lợi để thực hành.

Trong chú giải bài kinh hạnh phúc có dạy rằng: Vì chúng sanh còn nhiều phiền não nên bị 8 pháp ấy chi phối, nên khi được lợi thì vui, khi mất lợi thì buồn, tức sanh ra oán thù, cột oan trái làm hại kẻ khác, đó là nhân làm cho người

luân hồi và phải khổ mãi mãi, chung quy là ta không diệt

bỏ được 8 pháp thế gian ấy.

Riêng về các bậc trí thức[1], khi được lợi lộc, danh vọng, quyền chức… cũng như khi bị mất đi, các ngài không lấy đó làm vui hay buồn. Vì các ngài thấy rõ rằng, các món làm ta ưa thích, có theo liền với ta chăng nữa, thì ngày kia cũng phải một lượt với xác thân này ra đi. Trong lúc đó, thế thường thì những gì ta yêu thương lắm, thích thú lắm, khi cái ấy hư hay mất vì nguyên nhân nào, thì ta càng buồn nhiều. Mà nếu ta có nhiều vật mà ta yêu thương, mỗi ngày mất đi một món thì cái khổ ấy sẽ càng tăng gia.

Tâm không rung động vì pháp thế gian là tâm của các bậc thánh nhơn, ta còn phàm nhơn, không sao tránh khỏi, nhưng ta cũng phải ráng diệt lần đi, ngày nào nhân tròn, duyên đủ ta cũng đắc được thánh quả vậy.

+ Còn có 2 pháp nữa cần phải thực hành để cho tâm ta không rung động vì 8 pháp thế gian:

1. Bước đầu tiên học và hành minh sát tuệ, để trí nhớ quan sát mọi việc, dùng trí tuệ phán đoán việc làm, làm cho trí tuệ và trí nhớ càng tăng trưởng. Quan sát thấy thân này vô thường, khổ não và vô ngã nên bền công tu tập mãi theo minh sát tuệ.

2. Hành theo bát chánh đạo để chứng ngộ Niết-bàn (đã giải kỹ rồi).

+ Tâm không xao động vì pháp thế gian có hạnh phúc là:

1. Là người không bị nóng nảy.

2. Là phước lành.

3. Được an vui.

4. Không dễ duôi.

5, Là người thực hành nghiêm túc theo lời giáo huấn của đức Từ Phụ.

6. Là người hành theo giới, định, huệ.

7. Là người biết thành tựu lợi lạc cho mình trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai.

8. Là người đáng là gương mẫu cho hậu sanh.

9. Là nhân làm cho Phật giáo được thạnh hành.

HẠNH PHÚC XXXVI

Asoka : Không có sự uất ức

(Vô ưu, không buồn phiền)

Asoka nghĩa là không uất ức. Phạn ngữ asoka có thể chiết tự để giải cho dễ hiểu hơn.

A có nghĩa là không, soka có nghĩa là thấp xuống, tâm khô héo, ưu phiền, dường như là tâm bị ghim vào mũi tên.

Khi ráp hai chữ lại thành asoka thì nghĩa chung là: Tâm không uất ức, không ưu phiền, không khô héo, không bị gim bởi mũi tên. Asoka còn có một nghĩa khác hơn là vắng lặng sự uất ức, ưu phiền, bực tức, buồn rầu. Nên asoka có nghĩa là tâm không bị phiền não ngự trị. Chốt lại là: Vô ưu hay Niết-bàn.

Sau đây tôi xin xét lại – thế nào là uất ức và thế nào là chấm dứt sự uất ức:

– Vật gì, hiện tượng gì, nguyên nhân nào làm cho tâm ta bị uất ức?

– Sau khi diệt trừ được uất ức, không còn sự uất ức thì trạng thái tâm sẽ ra sao?

Làm người không ai chạy khỏi sự uất ức, nên chi nơi đây tôi không giải trạng thái của sự uất ức vì ai ai cũng biết, mà chỉ giải về nguyên nhân làm cho tâm uất ức.

Có nhiều nguyên nhân làm cho tâm uất ức, theo câu Phật ngôn dạy trong Pháp cú kinh rằng:

“- Pemato jāyate soko

Pemto jāyati bhaya

Pemato vippamuttassa

Natthi soko kuto bhaya ”[2].

Nghĩa là: Thương yêu sanh ra uất ức, thương yêu sanh ra lo sợ, nếu dứt được thương yêu thì sự uất ức lo sợ sẽ không còn có nữa.

Ý câu Phật ngôn này dạy rằng: Người bị uất ức hành hạ là do nơi sự thương yêu. Sự thương yêu càng nhiều, càng mạnh, thì sự uất ức càng lớn. Sự thương yêu ví như thủy triều càng lên cao thì mọi vật nổi lên cao. Tâm thương yêu nhiều thì khổ lại cao. Khi tâm yêu thương vật gì mà vật ấy mất, sanh thất vọng thì có uất ức. Khi không có thương yêu, thì làm gì có uất ức hay thất vọng.

Quý vị cũng từng biết, trước sanh tử biệt ly là cảnh rất đỗi đau khổ, mà chúng ta ai cũng phải trải qua nhiều hay ít; vậy chúng ta ai ai cũng nhận thức cái đau khổ ấy và chắc chắn rằng ngày nào đây ta phải còn gặp cảnh ấy nữa. Sự chắc thật không thể nào thoát khỏi, là ta phải bỏ thân nầy ra đi với nghiệp mà ta đã làm, mặc dầu ta giàu sang quyền chức, có nhiều thế lực, anh em vợ con, những nhân vật này không làm sao cho ta ở lại được, mặc dầu họ rất thương tiếc ta.

Đức Thế Tôn nhận rõ sự uất ức là tai hại khủng khiếp mà chúng sanh còn trong tam giới không sao tránh khỏi. Vì vậy đức Thế Tôn quan tâm giáo huấn, dạy ta không nên để cho sự uất ức ngự trị lòng mình.

+ Đức Thế Tôn dạy hai phương pháp ngăn ngừa và diệt trừ sự uất ức ấy:

1. Hằng niệm về sự chết:

a. Sattana mara adhuva : Chắc chắn tất cả chúng sanh đều phải chết.

b. Jivata adhuva : Sanh mạng của tất cả chúng sanh đều không bền vững (nghĩa là phải chết).

c. Sabbe sakhārā aniccā: Tất cả các pháp hành đều vô thường. Hoặc: Tất cả các pháp hành không bền vững, hằng thay đổi từng giờ phút, vậy các người không nên dễ duôi.

2. Từ đó, ta chiêm nghiệm:

a. Adhuva jivata : Đời sống không bền vững, không chắc chắn, không chắc thật.

b. Dhuva mara a : Sự chết rất chắc chắn, là điều tất

nhiên (không ai chạy nổi).

c. Avassa mayā maritabba : Ta chắc chắn phải chết (là điều không thể tránh khỏi).

d. Mara a pariyosāna me jivata : Đời sống của ta có sự chết là nơi cuối cùng.

e. Jivatameva aniyata : Đời sống chắc thật là không bền vững.

f. Mara a niyata : Cái chết thật bền vững (ý nói cái chết không hề thay đổi, nó phải đến với ta).

+ Đức Phật còn dạy chúng ta nên niệm hoặc quán tưởng thêm 8 điều nữa là:

1. Sự chết ví như đao thủ phủ đã đưa đao lên và chực chờ hạ xuống nơi cổ ta.

2. Sự chết của con người như tai nấm mọc từ dưới đất lên. Ý nói: Khi tai nấm mọc từ dưới đất lên thì thế nào trên đầu nó cũng có dính đất – ví như con người khi vừa tượng thai vào lòng mẹ thì cái chết dính liền theo.

3. Sự chết ví như mặt trời. Mặt trời mọc ở hướng Đông chắc chắn phải lặn về hướng Tây; từ cổ chí kim không bao giờ mặt trời lặn về hướng khác, mà cũng không bao giờ không lặn. Đời người cũng vậy, không bao giờ không chết, hễ đã sanh vào bào thai là tử thần đã kề liền vào cổ rồi.

4. Thân nầy là cái cỗ xe chở các thứ vi trùng và các chứng bệnh hiểm nguy.

5. Thân nầy thường bị biến đổi từng giờ phút theo thời gian mà chúng sanh không biết.

6. Thân nầy không có nơi nào nương tựa để tránh khỏi tay tử thần được.

7. Thân nầy ta chấp là của ta, nhưng ta không thể nhứt định thời giờ mà ta phải chết và chỗ ta chết được.

8. Đời sống của con người chỉ trong một sát-na thôi, ý nói đời sống của chúng sanh rất ngắn. (Một sát-na còn ngắn hơn một nháy mắt – ý câu này dạy rằng không còn thở là không còn có xác thân này rồi).

Đức Phật là đấng cao thượng hơn tất cả các bậc trí tuệ, ngài thường dạy chúng sanh cái nhân sanh ra quả. Khi có quả, nên bỏ đi không nên mến tiếc tham mê quả ấy mặc dù quả ngon. Tóm lại ngài dạy ngăn cái nhân và bỏ cái quả, cũng như ngài dạy không nên trồng cây. Khi chúng sanh đã lỡ trồng cây rồi, ngài dạy đốn bỏ, hay lỡ cây có trái, và trái đang hái, ngài dạy quăng trái luôn không nên dùng nó[3].

Người ta sở dĩ phải bị uất ức, ưu phiền, vì người ta vẫn luyến tiếc vật mà mình đã bị mất. Nếu ta không luyến tiếc thì ta không bị uất ức, tức nhiên không còn khổ, đó là chân hạnh phúc, là Niết-bàn rồi.

Đây tôi xin nhắc lại tích của gia đình nọ có 5 người và cô gái không than khóc uất ức vì thương yêu, nên được hạnh phúc.

“- Khi đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá, có một người tên Kutumbi có con chết nên ông ta than khóc thê thảm, bỏ cả công ăn việc làm. Đức Thế Tôn trông thấy duyên lành người ấy, nên ngài mới ngự đến nhà. Khi an vị xong, ngài mới gọi Kutumbi ấy đến và hỏi:

– Người buồn khổ lắm phải không?

– Bạch đức Thế Tôn! Từ ngày con của đệ tử chết đến nay, đệ tử lấy làm đau khổ không sao kể xiết được.

– Này Kutumbi! Lẽ cố nhiên, các pháp hữu vi thì có sanh có diệt là lẽ thường; sự tan rã, tiêu vong và diệt mất ấy không phải để riêng cho một cá nhân, một gia đình, một xóm, hay một gia tộc nào – mà là của chung của tất cả chúng sanh. Hơn nữa, sống hoài không chết, pháp vô sanh bất diệt ấy, ta không thể nào tìm thấy trong vũ trụ này! Không ai có năng lực nào, quyền thế gì – làm cho chúng sanh còn trong dòng sanh tử luân hồi này khỏi chết được. Tất cả chúng sanh đều phải chết. Lẽ cố nhiên của các pháp hành, nếu có sanh thì có diệt không sao tránh khỏi được. Nhưng riêng các bậc trí thức thì không khi nào than khóc khi con chết, bởi họ nghĩ rằng, đó chẳng qua là pháp hữu vi cấu tạo, rồi lại phải tiêu diệt, nó hằng có sự tiêu hoại là lẽ tự nhiên”.

Đức Thế Tôn chỉ thuyết chừng ấy xong, ông Kutumbi mới yêu cầu đức Thế Tôn thuyết thêm, ngài lại kể một câu chuyện túc sanh trong quá khứ.

“- Thuở xưa, đức vua Brahmadatta trị vì tại kinh đô Bārā asī. Đức Bồ Tát sanh trong gia đình bà-la-môn làm ruộng, nhà ở gần cửa thành. Khi ấy, đức Bồ Tát mới cưới vợ cho con trai, cũng là dòng bà-la-môn cùng ở một làng. Tính tất thảy nhân số trong gia đình ngài có 6 người là: Ngài, vợ ngài, con gái, con trai, dâu và người ở gái. Sáu người này đều hòa thuận và rất kính thương nhau. Đức Bồ Tát thường dạy người nhà rằng: “Các ngươi nên giữ ngũ giới và tùy theo sức mình mà bố thí; hãy thọ thêm thập giới và chuyên trì thêm bát quan trai giới, phải có trí nhớ và luôn luôn phải niệm tưởng rằng: Ta sẽ chết là lẽ dĩ nhiên, đời sống con người rất bấp bênh, không vững chắc, đời sống con người không bảo đảm, mà của cải của ta đã có cũng bấp bênh như vậy. Cái chết chắc chắn sẽ đến cho ta, không tránh nơi đâu cho thoát được. Vậy các ngươi hãy công phu tu tập, tích lũy phước báu, không nên dễ duôi, phóng dật. Người nhà đều vâng lời ngài, chăm lo tu tập và niệm sự chết, không hề xao lãng.

Ngày nọ, nhằm mùa làm ruộng, đức Bồ Tát và con trai ra đồng lo cày ruộng. Đức Bồ Tát thì cày, con trai thì gom rác lại đốt gần bên một cái gò mối, trong gò mối ấy có một con rắn độc. Khi bị khói, rắn không chịu nổi bò ra, gặp người thanh niên đang đốt rác nó cắn chết tại chỗ. Khi đức Bồ Tát hay con mình đã chết rồi, ngài không than khóc, bồng con lại để nằm dưới một tàn cây, còn ngài vẫn đi cày như thường. Vì khi ấy ngài nghĩ rằng, sự thật khi các pháp hữu vi đã cấu tạo ra, thì cũng có ngày tan rã là thường nên dầu ta buồn thương cũng chẳng ích lợi chi: Vật phải chết đã chết rồi, vật phải tiêu diệt nay cũng đã tiêu diệt rồi. Tất cả các pháp hữu vi không bền vững là thế, cái kết quả thảm khốc nhứt đời, là ta phải dứt bỏ nó hay là nó bỏ ta. Không ai tránh khỏi hết.

Trong khi ấy, ngài trông thấy một người thanh niên cùng xóm đi ngang qua, ngài mới gọi lại:

– Con ơi! Con đang về nhà đấy phải không?

– Dạ thưa ông, phải!

– Vậy, con hãy vui lòng ghé ngang qua nhà tôi và bảo

người nhà tôi rằng, hôm nay, đừng đem ra hai phần cơm, chỉ đem ra một phần cơm thôi. Nhớ nhé! Mỗi ngày trước, người tớ gái đem cơm ra, hôm nay con bảo họ ra đây cả bốn người mà phải sửa soạn thay áo và tắm rửa cho sạch và phải có thêm một tràng hoa.

– Dạ được.

Người thanh niên ấy mới về nói cho người nhà của đức Bồ Tát hay. Bà vợ đức Bồ Tát mới hỏi:

– Nầy con! Ai là người cho nhắn tin ấy?

– Thưa bà, ông nhắn tin về cho bà.

Bà vợ của Bồ Tát là bậc có trí tuệ, trong một thoáng, bà biết là con trai của mình đã chết rồi! Mặc dầu bà biết thế chăng nữa, bà cũng không than khóc, bà tỉnh táo gọi con gái, con dâu và người tớ gái rồi nói rằng:

– Các con phải tắm rửa sạch sẽ, mặc xiêm áo tốt nhất, sắm một tràng hoa thật tươi. Sau đó, mang theo một phần cơm rồi ra ruộng cùng với ta, có việc đấy!

Các cô gái ban đầu hơi thắc mắc – nhưng đều là bậc trí tuệ, họ biết “có việc”và việc ấy là việc gì, lặng lẽ tắm rửa, thay y phục, mang một phần cơm rồi theo bà ra đi.

Khi bốn người đến nơi, họ thấy đức Bồ Tát đang cày ruộng như thường, không tỏ vẻ gì bi ai cả. Họ đem cơm lại, Bồ Tát dùng cơm tự nhiên. Khi ngài dùng cơm xong, chẳng ai han hỏi gì, năm người lo chất củi khô lại để làm hỏa đài. Ai cũng làm việc trong lặng lẽ, chẳng tỏ vẻ tiếc thương, buồn khổ gì cả. Làm hỏa đài xong, họ để thi hài lên rồi đốt lửa. Mọi người ngồi xung quanh, thầm niệm sự chết là điều không ai tránh khỏi, thế thôi!

Lòng trong sạch, an nhiên và vắng lặng của 5 người ấy làm cho ngai vàng của đức Đế Thích nóng lên; ngài lấy làm lạ không biết vì nguyên nhân gì, bèn dùng thiên nhãn thông xem coi, thì mới thấy câu chuyện của 5 người ấy. Đế Thích mới quyết định phải xuống hỏi rõ coi những người này hành phạm hạnh gì mà không bi lụy giữa cảnh sanh tử biệt ly. Ngài liền hiện ra một thầy bà-la-môn đến hỏa đài và hỏi rằng:

– Các người làm gì đây?

Đức Bồ Tát đáp:

– Tôi đang làm lễ hỏa táng!

Đức Đế Thích nói:

– Theo tôi tưởng, thì không phải là hỏa táng, mà các người đang chuẩn bị nướng thịt chi đây?

Đức Bồ Tát đáp:

– Thưa thầy bà-la-môn, chúng tôi không bao giờ biết nói dối, chúng tôi làm lễ hỏa táng thật!

Đức Đế thích hỏi:

– Nếu vậy, các người đang làm lễ hỏa táng người thù của các người chăng?

– Thưa thầy, người nầy không phải là người thù của chúng tôi, trái lại là người con chí thân của tôi.

– Nếu là đứa con chí thân của ông sao không thấy ông than khóc chi cả vậy?

Đức Bồ Tát muốn tỏ rằng sở dĩ mình không than khóc là vì lẽ đã quán tưởng nhiều về cái chết, nên nói câu kệ:

“- Uragavo taca ji a hitvā gacchati santana

Eva sarīra nibbhoge pete kālakate sati

Dayhamāno na jānāti nātīna paridevata

Tasmā eta na socati tato so tassa yagati”[4].

Nghĩa là: Một khi con rắn đã lột da rồi, nó không còn mến tiếc da cũ. Cũng như con tôi bỏ xác thân này rồi, đã sanh về cảnh giới khác rồi, thì sự khóc than bi lụy có cần thiết và có ích lợi gì đâu. Con tôi nay đã chết rồi – thì cái thân của nó dù có đâm, có chém nó cũng chẳng biết gì; nó có còn thiết gì đến quyến thuộc mà lại thương tiếc, khóc than? Nhân như thế nào thì quả nó như thế ấy!”

Đức Đế Thích nghe thế mới day qua hỏi bà vợ của đức Bồ Tát rằng:

– Thưa bà, vậy người chết đây là chi của bà.

Bà đáp:

– Người chết này là con trai yêu quý của tôi.

– Ô! Phàm người làm cha thì thường có tâm cứng rắn, đó là lòng của người đàn ông, tôi không thấy làm lạ; còn trái tim của người mẹ thường rất mềm yếu, nhưng tại sao con trai mất mà bà lại thản nhiên như vậy được?

Bà có vẻ suy nghĩ một chút rồi đọc lên câu kệ:

“- Anabbhito tato agā nānuata oto gato

Yathā gato tathā gato tathā kā parivedana

Dayhamāno na jānāti nātīna paridevata

Tasmā eta na socati gato tassa yagati”.

Nghĩa là: Con tôi đây, tôi không mời mà nó từ cảnh giới khác tìm đến. Tự nó sanh vào nhà tôi. Đến khi từ bỏ cõi nầy, nó cũng không xin phép tôi. Như vậy, nó đến là tùy ý nó, ra đi cũng tùy ý nó – thì sự than khóc, thương tiếc cái xác thân của con tôi đây, nào có ích lợi gì? Một khi con tôi bị lửa đốt cháy như thế nầy, mà nó cũng không biết vui hay khổ, thì nó nào có biết cảm xúc bởi những giọt lệ của thân nhân? Vì lẽ ấy nên tôi không than khóc, không thương tiếc! Con người gieo nhân như thế nào thì được quả như thế ấy.

Đế Thích mới quay sang hỏi cô con gái của đức Bồ Tát rằng:

– Người nầy là chi của cô?

– Thưa thầy, người nầy là anh ruột của tôi.

– Lẽ cố nhiên cô là thiếu nữ hằng thương mến anh trai, tại

sao cô không bi lụy giữa tình cảnh biệt ly như thế nầy?

Cô gái ngước đôi mắt trong sáng, an nhiên nhìn lão bà-la-môn (Đế Thích) đọc lên một câu kệ:

“- Sace rode kīsā assa tassā ne kim phala siya

Nātimmittā suhajāna bhiyo no arati siya

Deyhamāno na jānāti nātīna paridevata

Tasmā eta na rocemi tata so tassa yagati”.

Nghĩa là: Một khi anh tôi đã chết, tôi có than khóc thì chỉ chuốc lấy cái ốm o gầy mòn, anh tôi chẳng được lợi ích gì, chỉ tôi là người bị thiệt hại thôi. Những sự khổ đau do thương mến, than khóc, tiếc nuối của cha mẹ, vợ và em gái – anh tôi chẳng hay biết gì cả. Vì vậy, than khóc là chuyện vô ích. Người tạo ra duyên nghiệp như thế nào thì sanh theo duyên nghiệp như thế ấy.

Đức Đế Thích rất ngưỡng mộ công phu tu tập cả ba người, bèn hỏi tiếp cô con dâu trong gia đình Bồ Tát:

– Cô, người chết ấy là chi của cô?

– Thưa ông, người chết ấy là chồng tôi.

– Lẽ cố nhiên tình nghĩa vợ chồng là phải thương yêu nhau lắm; phàm một người chết, thì người còn sống được xem như là chết hết nửa người, thế gian gọi người ấy là quả phụ. Tại sao cô lại không than khóc, khi thấy rằng trên đời nầy cô đã mất đi vĩnh viễn tình thương yêu đậm đà và tha thiết nhứt?

Cô dâu bắt chước cha, mẹ và cô em gái, cũng đọc lên một bài kệ khác:

“- Yathā pi dārako canda gacchanta anurodati

Eva sampademeveda yo petāmanussocati

Deyhamāno na jānāti nātīna paridevata

Tasmā eta na socāmi gatoso tassa yagati”.

Nghĩa là: Đứa bé chưa hiểu sự đời, khi nó trông mặt trăng đang di chuyển trên không, nó cứ theo đòi (muốn đem về chơi); điều này cũng ví như người đời kêu khóc người đã quá vãng, thật là không có ích gì cả. Chồng tôi một khi bị đốt trên hỏa đài mà cũng không hay biết gì cả, thì chồng tôi đâu biết rằng quyến thuộc vợ con đang khóc. Vì cớ ấy nên tôi chẳng than khóc thương tiếc. Phàm người tạo nghiệp nào thì thọ hưởng quả nấy.

Cuối cùng, Đế Thích hỏi người tớ gái:

– Người chết nầy là chi của cô?

– Thưa thầy, người ấy là chủ của tôi.

– Có lẽ cô thường bị người chủ hành hạ đánh đập khổ sở lắm nên khi người ấy chết cô không than khóc thương tiếc chi cả – vì cô nghĩ rằng người nầy có chết đi chỉ là một chuyện may cho ta khỏi bị đòn vọt hành hạ khổ sở nữa.

– Xin thầy đừng nói thế, không đúng với sự thật! Chủ của tôi, người chết đây – là bậc có đầy đủ nhiều đức tánh tốt

như nhẫn nại, từ bi… đối với tôi – không khác nào anh em

cùng một cha một mẹ vậy.

– Nếu thế tại sao cô lại không khóc?

Người tớ gái cũng tỏ ra là người có học thức và có tu chứng, đọc lên một bài kệ khác nữa:

“- Yathā pi udakumbho bhinno appatisandiyo

Eva sampadameveda yo petāmanussocati

Deyhamāno na jānāti nātina paridevata

Tasmā eta na socāmi gato so tassa yagati”.

Nghĩa là: Cái nồi đất đã bị bể, không thể ráp cho nó liền được như trước, cũng như người trên hỏa đài còn không biết gì thay, phương chi quyến thuộc than van, khóc lóc thì có ích gì, người chết có sống lại được đâu. Vì lẽ đó nên tôi không than khóc, không phiền muộn. Chúng sanh đã tạo những gì thì phải đi theo cái ấy.

Sau khi nghe 5 người nói, cùng một ý tưởng như nhau, cùng một sự thuần thục về đề mục niệm sự chết như nhau, cùng đạt được một sự an tĩnh, điềm nhiên đến phi thường – đức Đế Thích vô cùng ngưỡng mộ, phát tâm tịnh tín, hiện ra thân tướng Đế Thích thiên vương với thiên bào mũ miện chói ngời hào quang ngũ sắc, đứng lừng lững giữa hư không, cất tiếng nói nghiêm uy lồng lộng giữa trời mây:

– Ta chính là Đế Thích thiên chủ! Ta hiện xuống đây là vì công phu tu tập niệm sự chết của các người đã tỏa ra năng lực phước báu có thể nung nóng tảng đá vàng 60 do-tuần thiên ngai của ta. Ta vô cùng quý mến. Vậy, hãy cho ta thực hiện một chút công đức. Từ rày về sau, các người không cần phải làm lụng cực nhọc nữa. Hãy đi về nhà! Hãy sử dụng những rương vàng, những rương bạc do ta phụng cúng để nuôi sống bản thân, giữ giới hạnh, bố thí, tu tập cho đến mãn đời”.

Câu chuyện này, sau đó được thuyết lại nhiều lần tại Kỳ Viên; và đức Thế Tôn còn tiết lộ cho biết rằng:

“- Các thầy có biết mấy người ấy là ai chăng? Cô tớ gái thuở xưa ấy, nay chính là nàng Khujjuttarā [5]. Người con gái, hiện tại là cô Uppalava ā (Liên Hoa Sắc), người con trai là La Hầu La, người mẹ là cô Khemā; còn vị bà-la-môn làm ruộng ấy chính là Như lai vậy”.

Tích nầy cho quý vị thấy rằng: không ai chạy khỏi chết và khi người đã chết mà ta uất ức, tiếc thương thì thật là không lợi ích gì cả.

+ Khi người không uất ức được những hạnh phúc là:

1. Tâm đã dạy niệm sự chết hằng ngày, nên không buồn

phiền uất ức khi gặp cảnh sanh ly tử biệt.

2. Trí nhớ luôn kiểm soát tâm và hằng niệm đến sự chết.

3. Năm điều chướng ngại sẽ được từ từ yên lặng [6].

4. Thiền định sẽ phát sanh [7].

5. Là người luôn luôn không dễ duôi.

6. Người chán trong cõi sanh tử luân hồi.

7. Bỏ sự dính mắc ái luyến của đời sống.

8. Là người hằng chỉ trích tội lỗi của mình.

9. Người có nhiều phước thiện sẵn sàng để đem về cõi khác.

10. Không còn bỏn xẻn.

11. Thấy rõ vô thường, khổ não và vô ngã.

12. Không kinh khủng trước tử thần.

13. Là phước báu cao thượng.

14. Không sanh vào ác đạo.

15. Giải thoát khỏi phiền não.

16. Đến nơi an vui tuyệt đối là Niết-bàn.

HẠNH PHÚC XXXVII

Viraja : Dứt khỏi phiền não

(Vô nhiễm)

Phạm ngữ raja nghĩa là bụi nhơ, ngụ ý chỉ là phiền não, còn vi nghĩa là không hoặc ra khỏi. Phiền não sanh trong tâm của ai, làm cho tâm người ấy nhơ đục, như là bụi làm cho vật dụng dơ; khi ta thấy vật dụng dơ thì ta nhờm gớm, ta không muốn nó đến, nếu phải cần sờ đụng thì lật đật đi rửa. Nếu tay chân ta bị dơ, ta có thể rửa được, thân bị bẩn, ta có thể tắm được; chớ khi tâm đã nhơ đục rồi thì không có thứ nước nào rửa cho sạch được cả.

Phiền não là những gì? Phiền não nếu kể ra thì rất nhiều – nếu căn cứ vào những danh từ khác nhau mà đức Thế Tôn đã dùng, nhưng chung quy, chỉ có ba tam độc là tham lam, sân hận và si mê mà thôi.

Nơi đây tôi xin nhắc câu Phật dạy ngài đại đức Cūḷapanthaka trong bộ Kinh pháp cú rằng: Rāgo rājo na ca pana re u vuccati… nghĩa là: Tiếng bụi nhơ đây ngụ ý nói là sự tham ái, chớ không phải là bụi thường, nên các thầy Tỳ khưu dứt bỏ bụi nhơ, tức là dứt bỏ tham ái, sẽ được an vui, trong đạo hạnh thanh cao.

(Câu thứ nhì và câu thứ ba có nghĩa khác nhau nhưng chỉ khác tên của phiền não là đổi tham ái ra sân và si mê) [8].

+ Đây là nguyên nhân sanh phiền não:

1. Nguyên nhân sanh ái dục có hai điều là:

– Thích để ý đến lời ca tụng, về sự giàu có và sắc đẹp.

– Thích và để ý đến sắc đẹp của mình hay người ngoài mình.

+ Đây là nguyên nhân dập tắt tham ái:

– Cố tâm để ý vào lời khuyên giải chỉ dạy và sự chỉ trích về cái tội của ngũ trần và sự chấp thủ, tham đắm sắc đẹp.

– Cố tâm quan sát suy nghĩ cái tội và cái hại của sắc đẹp và sự tham đắm trong ngũ trần.

2. Đây là nguyên nhân sanh sân:

– Thích và để ý đến lời nói làm cho mình sân, thích và để ý đến điều làm cho mình sân.

+ Phương pháp diệt sân:

– Cố ý nghe lời giảng dạy của các bậc thánh nhơn về nguyên nhân sanh lòng từ (tình thương vô lượng).

– Vâng giữ hành theo niệm từ.

3. Nguyên nhân sanh si mê:

– Thích nghe lời nói xấu xa không lễ phép của những kẻ vô giáo dục.

– Thích chú ý tới những lời ấy.

+ Nguyên nhân dập tắt si mê:

– Thích nghe những lời giáo huấn cao thượng, ít nhứt là lễ nghi, phép tắc.

– Cố ý và hành theo những pháp cao thượng đã nghe.

– Các phương pháp dạy trên đây là phương pháp dẹp yên phiền não nhứt thời thôi, chớ không phải phương pháp giải thoát. Nếu muốn hoàn toàn giải thoát, thì chỉ có cách trì giới cho trong sạch, hành thiền định rồi hành minh sát tuệ, dùng trí tuệ quan sát cho thấy rõ vô thường, khổ não và vô ngã, như thế mới tận diệt được phiền não.

Trong bộ kinh Anguttaranikāya, đức Thế Tôn có dạy rằng:

“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Bụi nhơ là gì? Bụi nhơ là tham lam, sân hận và si mê. Nếu có người hỏi về những điểm dị đồng của các pháp ấy thì các thầy nên đáp rằng: Tham lam tội tuy nhẹ nhưng thật là khó dứt bỏ được. Sân hận, tội thật nặng, nhưng khi người thức tỉnh, dứt bỏ được dễ dàng. Si mê, tội nặng, càng khó dứt bỏ được”.

Theo câu Phật ngôn nầy, thì ta thấy rằng: Tham ái tội tương đối nhẹ, nhưng thật khó dứt. Đây tôi xin nhắc lại tích để quý vị dễ nhận thức.

“- Tại kinh đô Sāvatthī (Thất La Phiệt) có người thợ cạo thường vào làm râu tóc cho nhà vua và các phi tần. Ông là người có thọ trì tam quy ngũ giới rất trong sạch.

Ngày nọ, ông đi làm râu tóc cho nhà vua, ông dẫn con trai theo vào cung nội. Con trai ông trông thấy một công nương trẻ đẹp trang diện lộng lẫy, anh chàng cảm sắc đẹp ấy, khi về nhà anh vào phòng nằm mãi không ra, cha anh hỏi anh, anh nói đã yêu công nương. Ông thợ cao bảo: “Con ơi, những cô ấy toàn là những hạng cao quý; thuộc dòng vua chúa, còn ta là hàng thứ dân, thì biết làm sao? Vậy nếu con ưng một cô nào môn đăng hộ đối, thì cha sẽ xin cưới về cho con”.

Con trai người thợ cạo đáp: Nếu không được cô ấy, con không bằng lòng cô nào hết. Con sẽ chết”.

Chuyện nầy thấu tới tai của chư vị tỳ-khưu, các ngài mới hội nhau lại bàn rằng: Vì yêu thương mà chết thật là không phải chút nào hết. Người ta nên biết giá trị sự sống của mình và của cả gia đình mình chứ!

Đức Phật nghe chuyện ấy, ngài mới dạy chư tỳ-khưu đang bàn với nhau, rằng:

“- Người dứt bỏ lòng tham ái, và trong trường hợp phát

sanh tham ái, nên diệt lòng tham ái như giọt nước nhễu trên lá sen sẽ trượt đi.

Người diệt lòng sân hận, không sân hận trong trường hợp đang sân hận. Người diệt trừ lòng sân hận như trái thốt nốt chín và rụng. (Khi trái chín mùi và rụng thì không bao giờ trái ấy lại trở lại với cành, nghĩa là khi diệt được lòng sân hận thì không cho lòng sân hận sanh lại được).

Người diệt được lòng si mê, không bị si mê theo trường hợp phải si mê, người ấy ví như mặt trời đã mọc (Khi mặt trời mọc thì đuổi được sự tối tăm, cũng như người xua đuổi được sự si mê thì lòng mình tự nhiên sáng và không còn đau khổ, luân hồi nữa)”.

Chung quy, người đệ tử Phật muốn rửa sạch bụi trần nhơ bẩn thì phải tu theo bát chánh đạo, hành minh sát tuệ.

+ Tâm không nhiễm bụi nhơ, được những hạnh phúc là:

1. Là đại phước cho bản thân mình.
2. Không bị những sự phiền lòng đến.
3. Được an vui trong đời nầy và vị lai.
4. Là người không dễ duôi.
6. Là người ráng hành cho giới, định, huệ được trọn hảo.
7. Là người đáng gọi là cúng dường cao thượng đến Tam Bảo bằng cách hành đạo.
8. Là người thoát khỏi phiền não trong kiếp nầy và sẽ đắc được quả trong ngày vị lai.
9. Là người sẽ đắc đạo quả trong kiếp nầy nếu duyên lành đầy đủ, bằng không chắc chắn sẽ đắc ngày vị lai.

HẠNH PHÚC XXXVIII

Khema: Lòng tự tại.

Phạn ngữ khema nghĩa là tự tại, lại còn có nghĩa khác nữa là không sợ sự khinh khủng, thoát khỏi tất cả mọi nạn tai, trở ngại; không còn bận rộn, được có sự an vui, tiến hóa, đẹp và cao quý, giải thoát khỏi bốn điều trầm nịch [9], đến Niết-bàn.

+ Lòng tự tại chia ra làm ba hạng:

1. Lòng tự tại bậc thấp là tâm vắng lặng phiền não tạm thời trong khoảng thời gian lâu hay mau tùy theo sự đè nén tâm của hành giả có thể chịu đựng được; ví như trong khi nghe pháp, học pháp hay học tham thiền nhưng chưa chắc đắc thiền định, mà cũng chưa đắc minh sát tuệ.

2. Lòng tự tại bậc trung là tâm của hành giả đã đắc được thiền định, và có hành minh sát tuệ.

3. Lòng tự tại bậc thượng là tâm của các vị hành minh sát tuệ và đắc một trong bốn đạo quả.

Tâm hồn của chúng sanh thật là phức tạp, lúc là bạn, khi là thù, nghĩ kỹ không khác nào trên sân khấu, nhưng là sân khấu lớn vô lượng vô biên và ai ai cũng đóng tuồng hết, nên không thấy rõ chân tướng của mình hay của kẻ khác. Chỉ có bậc thánh nhơn mới là đấng giải thoát nên các bậc ấy là khán giả trông thấy rõ rệt hành vi của ta vụng hay khéo thôi.

Khi tâm thiện phát sanh thì lời nói cũng như việc làm hoàn toàn trong lành, bằng khi tâm ác sanh, thì lời nói hay việc làm đều đáng ghê sợ.

Trong điều hạnh phúc chót nầy, đức Phật chỉ rõ cái phức tạp rắc rối trong tâm của chúng sanh, cùng phương pháp để khử trừ và phòng bị những phức tạp, rắc rối ấy.

Tâm của chúng sanh thường bị trầm nịch trong bốn cái hầm nên không được tự tại.

Bốn hầm ấy là:

1. Kāmāsava: Hầm ái dục.
2. Bhavāsava: Hầm tam giới
3. Di hāsava: Hầm tà kiến
4. Avijjāsava: Hầm vô hình

Bốn cái hầm nầy rất là sâu rộng và tối tăm, nên chúng sanh không thấy đâu là bến, đâu là bờ. Hầm ấy sâu có sóng to, gió lớn nhận chìm chúng sanh xuống đáy của sự khổ không sao trôi ra khỏi được.

Hầm ấy rộng, nên chúng sanh khó lội vào bờ. Chúng sanh nào giỏi lắm là vớ lấy một miếng gỗ để lội tạm thời, đến khi bị trận gió lớn sóng to, lại sút tay chìm đắm lại nữa. Tôi muốn nói khúc gỗ mà ta vớ được tạm thời ấy là cõi trời, cõi sắc giới hoặc vô sắc giới, ta chỉ tạm ở được một lúc thôi, rồi phải bị rớt trở lại nơi khổ nữa.

Những lượn sóng ấy ví như vật dục. Vật dục ấy là sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, sự cảm xúc mềm mại làm cho chúng ta mê theo, quên cả già, đau và chết.

Những trận gió lớn ấy tức là phiền não dục, hay là tham lam, sân hận, si mê – những phiền não dục nầy nhận chìm cả thuyền to chớ chẳng phải chỉ ta mà thôi.

+ Xin giải về bốn hầm ấy như dưới đây:

1. Hầm ái dục là cái hầm thương yêu khó mà lội qua khỏi, vì cái hầm nầy to rộng không phân biệt đâu là bờ bến. Thậm chí các bậc chư thiên vẫn còn sa vào, như đức vua Mahāsudassana trong sự tích sau đây:

“- Đức vua Sudassana là vị vua Chuyển luân Thánh vương. Quanh thành của ngài có cây thốt nốt bằng bạc, lá vàng, trái ngọc… và có các loại chim quý đến ca hót nghe thật vui tai.

Đến ngày giới, đức vua mặc đồ trắng, thọ bát quan trai xong, ra đứng giữa trời vỗ tay ba tiếng là có mưa vàng mưa ngọc đầy đồng. Nhân dân nhờ ơn đó mà sống một cách an nhàn sung túc thảnh thơi. Thế nhưng, đức vua vẫn còn thấy chưa đủ, chưa thỏa mãn.

Vì phước báu của vua quá nhiều nên các bậc thiên vương như Đế Thích cũng nể mặt, bèn nhường cho ngài trị vì nửa cõi Đao Lợi. Nhưng không vì vậy mà toại nguyện, ngài còn muốn chiếm luôn trọn cả cõi Đao Lợi mới vừa lòng, nên ngài đánh đuổi đức Đế Thích đi để chiếm lấy hết. Nhưng không sao thắng nổi đức Đế Thích, nên ngài bị đức Đế Thích đưa về cõi người trở lại”.

Câu chuyện trên đây để chúng ta thấy rằng: Người hay là chư thiên cũng là nô lệ của ái dục, tham ái không sao thoát khỏi hầm nầy.

2. Hầm thứ hai là hầm tam giới tức là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Khi người chưa ra khỏi ba hầm nầy là còn ở dưới quyền thống trị của ngũ ma [10]. Khi muốn chạy hay đánh ngã được ngũ ma thì phải dùng khí cụ tối tân của đức Thế Tôn là bát chánh đạo.

Dục giới còn khổ hơn sắc giới và vô sắc giới. Mặc dầu hai cõi nầy có phần an vui hơn, nhưng cũng không khỏi luân hồi. Vì vậy hành giả nào có kinh sợ luân hồi mới giải thoát được khỏi tam giới. Muốn thoát khỏi luân hồi, chỉ có một con đường – là đạo có đủ tám chi, hay tám điều.

3. Hầm thứ ba là hầm tà kiến, còn đáng sợ hơn hai hầm trên rất nhiều. Vì người đã sa vào hầm tà kiến thì không còn ai thuyết phục được. Vì vậy nên phương pháp của đức Phật dạy, muốn giải thoát, phải đi theo bát chánh đạo, mà trong ấy chánh kiến đi đầu, thế thì ta thấy rằng tà kiến quan hệ tới chừng nào.

4. Hầm thứ tư là hầm vô minh. Nói đến vô minh thì ai cũng lầm tưởng rằng là tối tăm, mờ ám, không thấy đường đi; chúng sanh vì ở nơi tối tăm nên không thấy đường ra nên chịu khổ mãi. Nói thế có thể tạm gọi là một phần, nhưng sự thật vô minh làm cho ta không tìm và thấy được phiền não, nhứt là ái dục, là động cơ chính yếu, làm cho chúng ta không tìm thấy Niết-bàn là nơi giải thoát khỏi luân hồi. Vì vậy nên chúng ta không hành theo đường chánh được.

Tóm lại: Vì vô minh nên không thoát khỏi luân hồi, vì vậy vô minh là một điều rất là quan hệ. Quý vị hãy hình dung một đêm mưa bão giữa biển lớn, phần thì thuyền nhỏ mà chở đầy, thì quý vị sẽ thấy kinh sợ dường nào. Đời người cũng vậy, quanh ta đầy những tai nạn hãi hùng, cái chết gần bên ta không thấy được? Hỏi tức trả lời, chắc quý vị thấy, tại vì vô minh che đậy mọi việc, nên thấy xấu cho là đẹp, thấy trái với sự thật mà đức Phật đã dạy. Đó là vô minh vậy.

Đêm tối, gió bão hãi hùng cùng những con cá dữ đang chực chờ ăn thịt ta, ví như nạn tai đợi chờ ta trong tam giới. Đối với sóng to gió lớn mà lại vô phương chống chỏi, thật là kinh khủng phi thường. Vậy tại sao ta không tìm lấy một vật gì để nương tựa vào. Đức Thế Tôn dạy còn có con thuyền vượt qua biển rộng sóng to gió lớn và đầy loài cá dữ ấy, đó là bát chánh đạo vậy.

Tóm lại, bề sâu của vô minh làm cho chúng sanh tối tăm không nhận thấy ba tướng – vô thường, khổ, vô ngã – trong luân hồi khổ… Bề rộng của vô minh là cái che lấp đường tiến thủ của chúng ta.

Vì vậy trong bát chánh đạo có tám pháp mà tóm lại là giới, định, tuệ không khác nào là chiếc thuyền có đủ tiện nghi cho ta vượt qua biển rộng. Tôi xin ví dụ: Chiếc thuyền ấy là giới, định – ví như cột buồm, cánh buồm và tất cả những tiện nghi trên ghe. Còn tuệ là viên thuyền trưởng tìm hiểu phương hướng để đưa thuyền đến nơi đến chốn. Cũng có thể ví giới như là chuyến thuyền, định như sức mạnh đẩy thuyền vào bờ, tuệ ví như đèn soi đường để thấy lối vào bờ.Khi ta có giới, định, tuệ đầy đủ – dù hầm ái dục có sâu rộng và nhiều gian nguy, nhưng ta cũng có thể thoát ra được. Ta có thể tin như thế được vì đã có nhiều vị đã giải thoát để lại phương pháp và cả họa đồ giúp ta noi theo đấy mà ra.

+ Tâm tự tại được những hạnh phúc là:

1. Là đại phước.
2. Là người không dễ duôi.
3. Là người không xa chánh pháp.
4. Là người đã chuẩn bị sẵn sàng vật thực để đi xa.
5. Là người đã xa ác đạo.
6. Là người đã cúng dường sự hành đạo giải thoát của mình đến đức Phật.
7. Là người có thân, khẩu ý trong sạch.
8. Là người tự tại ngoài bốn hầm to lớn ấy.
9. Là người hành theo Phật ngôn.
10. Là người được hưởng an vui trong mọi hoàn cảnh.
11. Là người Phật tử chân chánh.
12. Là người hiểu rõ Pháp bảo.
13. Là người có thể đem ra làm gương mẫu cho các hàng hậu tấn.

Hết

[1] Hàm chỉ các vị thánh cư sĩ và những hành giả trí thức tu tập thấm nhuần giáo pháp Phật.

[2] Pháp cú 213: Luyến ái sinh bệnh sầu ưu. Lại sinh sợ hãi, lo âu nhiều bề. Không luyến ái, chẳng đam mê. Ưu sầu, sợ hãi cận kề được đâu.

[3] Đoạn văn này phải hiểu ý của pháp sư muốn trao gởi, nếu không hiểu dễ rơi vào đoạn diệt luận: ngăn nhân bỏ quả! Thật ra, pháp sư chỉ muốn nói: Khi còn ở trong tam giới thì ai cũng gây nhân cả. Gây nhân thì gặt quả, ấy là định luật. Quả thì có quả chua, quả ngọt, quả khổ, quả lạc. Người có tu tập, thâm đạt giáo pháp, thực hành thiền quán vipassanā – phải nhìn ngắm chúng, dù chua ngọt, dù khổ lạc, chúng đều là pháp hữu vi, sinh diệt, đều vô thường, khổ, vô ngã – chứng đắc tuệ giải thoát, không còn dính mắc gì về chúng nữa! (Không thể đưa ví dụ chặt cây, quăng trái – thậm nguy hiểm).

[4] Bài kệ này và 04 câu tiếp theo, tôi chưa tìm ra nguồn để hiệu chính.

[5] Thời Phật tại tiền, cô bị gù lưng, thị nữ của hoàng hậu Sāmāvatī, vua Udena tại Kosambi – đắc Tu-đà-hoàn, nổi tiếng về thuyết pháp. Do quả báo sai khiến một vị Thánh Ni nên phải 500 kiếp làm tôi đòi. Vì nhạo báng một vị Độc Giác Phật gù lưng nên bị gù lưng. Nhưng nhờ một kiếp cúng dường vật thực đến chư Độc Giác Phật với tâm thành kính dâng luôn cả những vòng bằng ngà nên đắc quả và có lợi tài thuyết pháp.

[6] Niệm sự chết đắc cận định – nên nó làm yên lặng được 5 triền cái: Hôn trầm-thụy miêm, nghi, sân, trạo cử, dục.

[7] Trong thập tùy niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm tịch tịnh, niệm sự chết, niệm thân, niệm hơi thở – thì 8 niệm đầu chỉ có khả năng đắc cận định, niệm thân có thể đạt tứ thiền hoặc ngũ thiền; riêng niệm hơi thở, nếu định thì đắc tứ, ngũ thiền, nếu tuệ thì đắc tứ đạo quả.

[8] Xin chép ra đây cả ba bài kệ để độc giả rộng đường nghiên cứu:

1- Rāgo rajo na ca pana re u vuccati… (tham – tình dục – là cấu uế, là bụi nhơ – chứ không phải bụi nhơ thường). 2- Doso rajo na ca pana re u vuccati… (sân là cấu uế, là bụi nhơ chứ không phải bụi nhơ thường). 3- Moho rajo na ca pana re u vuccati… (si là cấu uế, là bụi nhơ chứ không phải là bụi nhơ thường).

[9] Xem ghi chú 155.

[10] Ngũ ma: Phiền não ma (kilesamāra), Ngũ uẩn ma (Pañcakhandhamāra), pháp hành ma (abbhisakhāramāra), thiên ma (devaputtamāra), tử thần ma (maccumāra).

Les commentaires sont fermés.