Chuyện Rắn Nhái

Bên hông chùa có cây măng-cụt, cành lá sum suê, là bóng mát cho mọi người suốt mùa hạ.

Hôm nọ, Bất Ác đang ngồi học dưới gốc cây, chợt nghe tiếng nhái kêu đầy thảm não ở trên cành; nhìn lên, chú thấy một con rắn màu đốm khoang to lớn vừa chụp được con nhái định nuốt. Vọt nhanh đến cuối vườn, Bất Ác trở lại với cây sào dài, đưa lên thọc và đâp vào đầu rắn. Bị can thiệp bất thình lình, rắn hốt hoảng, buông nhái ra, nhìn chòng chọc vào Bất Ác, rít lên một tiếng ghê rợn rồi mới chậm chạp trườn đi hướng khác. Nhái rơi xuống đất, bị thương nhẹ ở chân trái, nhảy vào một bụi cây.

Cả chùa đổ xô lại.

Bất Đạt cười cười nói:

– Thế là chú gây oan trái với rắn rồi. Chết! Chết! Mau mau sắm một cái nồi đất mà đội suốt ngày suốt đêm cho chắc ăn!

– Chi vậy chú? Bất Ác ngạc nhiên hỏi.

– Chi nữa! Bất Đạt với giọng đe dọa – hắn mà trả thù thì phải biết! Hắn luôn luôn nấp sẵn ở đâu đó, trên mái, trên máng xối, trên tường nhà, đợi kẻ thù đi qua rồi mổ trên đầu thôi chứ sao! Mổ một cái tróc! Thế là eo ôi! về chầu thổ địa!

Bất Ác tái mặt:

– Chết em! Biết làm sao?

– Sao nữa! Nếu sợ thì đừng làm, đừng cứu! Đã cứu rồi, đã gây oan trái với rắn rồi thì phải sẵn sàng đón nhận sự trả thù của nó. Phải sắm cái nồi đất. Ối! Cũng không xong. Cái nồi đất nó mổ thủng còn gì! Phải là nồi đồng, nồi năm hay nồi bảy cho nó kín luôn cái cần cổ!

Bất Ác lặng người, mặt xám ngoét.

Liễu Minh nãy giờ đứng ở phía sau, lặng lẽ nghe không nói gì, bấy giờ mới vỗ vai Bất Ác, trấn an:

– Chú ấy nói giỡn đấy. Rắn độc thường có cái đầu hình tam giác và ban ngày không thấy đường. Con rắn vừa rồi có cái đầu tròn, lại trông thấy cả ban ngày nên là loại rắn hiền. Vả lại, thấy việc thiện là làm ngay, gây nhân thiện thì quả báo tốt lành. Đừng lo sợ vẩn vơ!

– Thế nào là thiện? – Bất Đạt cười hề hề, nói với Bất Ác – đồng ý là chú làm thiện, nhưng mà thiện với nhái thôi! Còn đối với rắn thì sao nào? Chú thọc nó, chú đâm nó, chú đập nó bằng cây sào! Như vậy, không những chú đã đánh nó mà còn cướp giật thức ăn ngon lành khoái khẩu của nó nữa. Thế là chú đã làm ác với rắn rồi, chú không thấy sao? Trước khi đi, nó đã nhìn chòng chọc vào chú, nó rít lên một tiếng ghê rợn; chứng tỏ nó đã thù chú đến tận xương tủy, thù đến ba đời, bảy kiếp!

Bất Ác lấm lét đưa mắt nhìn quanh:

– Vậy thì làm sao? Nó thù thì chết em!

– Làm sao nữa! Bất Đạt cất giọng bình thản – « Thiện giả thiện lai, ác giả ác báo ». Chú làm thiện với nhái thì được nhái trả ân, chú làm ác với rắn thì bị rắn báo oán. Đấy là chân lý, là sự thật của nhân quả nghiệp báo đó mà!

Liễu Minh nắm tay kéo Bất Ác đi, nói với Bất Đạt:

– Thôi mà chú! Dọa ai không dọa lại đem dọa đàn em của mình! Chấm dứt ngay đây là đủ rồi. Chúng ta sẽ tranh luận điều đó sau!

Bất Đạt chống nạnh nhìn theo cười hả hả, hít hít.

*

Ngày hôm sau, cũng là rắn ấy, cũng là nhái ấy, cũng xảy ra nơi cành cây măng-cụt ấy, nhưng lần này thì được Liễu Minh cứu. Con rắn kia cũng nhìn chòng chọc chú Liễu Minh, cũng rít lên một tiếng ghê rợn trước khi trườn đi. Nhái rớt xuống, lần này bị thương ở chân phải, vết thương nhẹ.

Cả ba chú đều lạnh mình.

Bất Đạt từ từ thốt:

– Lần này thì chú Liễu Minh gây oan trái với nó rồi.

Liễu Minh mạnh mẽ gật đầu:

– Biết rồi! Đồng ý rồi! Tôi chấp nhận nhân quả!

Bất Đạt lắc đầu, cười hì hì:

– Vậy là không hay! Có cách cứu mà không rơi vào nhân quả mới hay! Có cách cứu mà không gây oan trái với rắn mới là đại tài!

Bất Ác vỗ tay reo:

– Thiệt thế ư! Chú kể em nghe với!

– Không thể như vậy được! Liễu Minh cứng cỏi nói – « Sáng suốt về nhân quả chứ không phải là ở ngoài nhân quả! » Chú coi chừng sẽ bị đọa mà làm năm trăm năm kiếp chồn hoang!

Bất Đạt cất giọng chắc nịch:

– Có mà! Thiệt mà! Quả là có chuyện « không rơi vào nhân quả » thiệt mà!

– Chú hãy kể đi! Bất Ac rối rít thúc giục:

– Ờ thì kể! Bất Đạt hắng giọng, « Hôm nọ, Đức Phật trên đường đi khất thực, ngang qua bờ ruộng, thấy một con rắn vừa chộp được con nhái. Ngài bèn dừng lại nói: « Này nhái ơi! Vì sự an toàn tính mạng nên con hãy ráng mà vùng vẫy nhé! » Nghe vậy, nhái mở miệng đáp « Vâng! » Rồi Đức Phật nói với rắn: « Này rắn ơi! Vì sự nuôi mạng của con nên con hãy ráng mà nuốt con mồi nhé! » Thấy Đức Phật xử sự công bình, rắn khoái quá mở miệng cười và đáp, « Vâng! » Không ngờ khi rắn vừa mở miệng thì nhái đã quẫy mạnh một cái, vuột mất! »

Kể xong, Bất Đạt cười hi hi:

– Thấy không? Nói là có sách, mách là có chứng! Rắn chỉ việc vò đầu, bứt tai, hậm hực trách là mình ngu chứ không thể thù oán Đức Phật được. Như vậy, các chú gẫm mà xem! Nhân ở đâu! Quả ở đâu! Cái ấy gọi là cứu mà dường như không cứu! Có gây nhân mà dường như không gây nhân! Có làm nhưng mà bình đẳng, không thiên vị! Còn các chú! Hề hề! Thương một bên và ghét một bên! Rứa là chưa được!

Liễu Minh chậm rãi lắc đầu:

– Đấy là ngụ ngôn, là giai thoại, là truyền thuyết mà thôi. Nhưng giả dụ chuyện ấy là có thật thì tự trong thâm tâm, Đức Phật vẫn muốn cứu nhái như thường!

Bất Ác suy nghĩ một hồi rồi xen lời:

– Mình làm sao biết tiếng nói của loài vật để xử sự khôn khéo như Đức Phật được? Vậy thì có cách gì, có phương pháp nào để cứu mà không rơi vào thiên vị, không chuốc oán về phía kẻ mạnh không?

– Hoàn toàn không thể có! Liễu Minh đáp.

Bất Đạt chợt cất giọng nói to, rổn rảng, trang nghiêm:

– Vì không có, thì ta nên để cho sự vận hành nhân quả nghiệp báo nó làm việc! Chỉ có sự vận hành tự nhiên của nhân quả mới không thiên vị. Ví dụ chúng ta thử trở lại xét xem trường hợp này. Thuở xưa, nhái đã vay nợ tính mạng của rắn, nên bây giờ nhái phải hoàn trả lại tính mạng cho rắn. Tại sao chúng ta lại thò tay vào can thiệp? Chúng ta vô tình hay cố ý dung dưỡng tội ác của nhái sao? Nhái đã làm ác mà không bị ác báo sao? Rồi vô lượng ác nhân trên thế gian này đều nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật nhân quả cả sao? Hãy trả lại định luật công bằng cho Pháp giới!

Giọng của Bất Đạt nghiêm khắc, lạnh lùng. Trong một lúc, Liễu Minh không trả lời được và Bất Ác thì ngơ ngác, hết nhìn chú này rồi quay qua nhìn chú kia!

Bất Đạt hùng hồn tiếp:

– Phải cần có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh! Phải cần có nhà tù, trại giam, lò giết người, cưa xẻ người và súc vật… Phải cần có bom rơi, đạn lạc, nhà tan cửa nát… để trừng trị những chúng sanh ác độc, hung dữ, xảo trá, ngu si… Nếu không có những hình phạt ấy, những cảnh thú như vậy, thì nhân quả đã bất minh! Ồ! Chẳng lẽ nào! Chẳng lẽ nào có kẻ gây nhân ác mà không bị tội báo nhỉ?

Liễu Minh cúi đầu nghĩ ngợi.

*

Ngày hôm sau nữa, cũng tại nơi ấy, tái diễn lại cảnh cũ: rắn ăn nhái! Cũng là rắn ấy, cũng là nhái ấy. Liễu Minh thấy mà không cứu kịp. Tiếng kêu thảm não đầy bi thương của nhái nhỏ dần rồi tắt lịm trong cổ họng rắn. Bất giá cả ba chú đều quay mặt đi không dám nhìn cảnh tượng ấy.

– Ôi! Thiệt là loài độc địa, gớm ghiếc!

Liễu Minh nói xong rồi lấy cây đánh đuổi rắn đi. Chú không muốn nhìn cái vẻ no nê đầy thỏa mãn đáng ghét của rắn.

Bất Ác run run nắm lấy tay Liễu Minh :

– Cái mối thù truyền kiếp giữa chúng với nhau ghê nhỉ, chú nhỉ! Cứu gì rồi cũng không được.

– Cứu chi được! Bất Đạt lạnh lùng nói – Cứu thì chỉ chuốc thêm oán thù đó thôi. Nhân nào quả nấy. Cứ để cho chúng thanh toán nhau là thượng sách. Phải làm mặt lạnh như tiền mới sống nổi với cái trần gian ác độc, ngoan cố này.

– Làm mặt lạnh mà được à? Liễu Minh bực mình nên nói hơi to tiếng – Thà không thấy trước mắt thì thôi, còn thấy là phải cứu. Từ việc nhỏ suy ra việc lớn, từ việc này suy ra việc kia; chúng ta thật không thể quay mặt làm ngơ trước những cảnh tai ương, hoạn nạn, đói rét, thống khổ của trần gian. Không thể chú ạ!

Giọng Liễu Minh chợt thấp xuống, đầy xúc cảm.

Bất Đạt vẫn cất giọng ráo hoảnh:

– Ác giả ác báo! Những thảm trạng mà chú vừa kể đó, không phải xẩy ra do ngẫu nhiên, do tất định, do Thượng Đế hoặc do các năng lực mù quáng. Những khi nhởn nhơ, nhảy nhót, reo cười trên xác chết, máu me của sanh loại được, bây giờ bị ác báo thì tức tối cái nỗi gì mà than khóc? Hừ! Những bài học xương máu ấy mà chúng chưa sáng mắt ra được nữa là!

Liễu Minh thấy Bất Đạt giải thích, rõ ràng là không sai, nhưng chú vẫn không bằng lòng vì vẫn có cái gì đấy bất ổn.

*

Giờ thuyết trình cuối tuần, Liễu Minh đem vấn đề ấy trình lại với Nhà Sư. Nghe xong, Nhà Sư ôn tồn hỏi:

– Các con có bao nhiêu ý kiến xoay quanh vấn đề này?

Liễu Minh đáp:

– Con thì nhất định cứu, còn chú Bất Đạt thì không cứu.

– Còn Bất Ác?

– Dạ… con… Bất Ác ngập ngừng – con thì muốn cứu nhưng lại sợ bị trả thù!

Nhà Sư trầm ngâm giây lâu:

– Thế là các con có ba ý kiến xoay quanh một việc đã xảy ra. Vấn đề này nó không dễ, không khó, nhưng quả thật là có dễ, có khó. Dễ đối với kẻ trí, kẻ đã thâm đạt pháp, liễu ngộ pháp. Khó đối với người thiểu trí, người chưa thấy pháp, người đang còn loay hoay… Bây giờ các con nghe Thầy nói đây…

Thấy cả ba chú đang chăm chú lắng nghe, Nhà Sư cất giọng chậm rãi:

– Thầy nhớ hồi xưa, thuở còn nhỏ, đã được gia đình và anh chị huynh trưởng dạy rằng: « Thấy việc thiện là làm ngay. » Hôm nọ, bên đường cái quan có một con chuột sình thối, dòi bọ nhung nhúc. Thế là Thầy kiếm một cái cuốc, định chôn chuột. Chợt có một ý nghĩ nảy sinh: « Đây là mình làm một việc thiện, nhưng là thiện với ai? Xác chuột hôi hám, vi trùng có thể lây nhiễm, bệnh dịch! Vậy chôn nó đi là mình đã làm một việc thiện với mọi người, với xóm làng; nhưng đồng thời mình đã làm một việc ác là chôn theo chuột biết bao nhiêu là vi trùng, dòi bọ? » Thế ra một bên thiện, một bên ác ư? Thiện ở mặt này và ác ở mặt kia vậy!

Cũng là thuở nhỏ, hồi Thầy mới theo mẹ đến chùa, thấy người ta phóng sanh chim, cá… nên về nhà cũng bắt chước theo. Hôm kia, thấy kẻ chăn trâu mang cái lồng tre, có hai con chim con nhỏ bé xinh xinh rất tội nghiệp. Thầy bèn năn nỉ xin tiền mẹ mua cho bằng được, với ý định sẽ nuôi chim cho khôn lớn rồi thả về với không rộng, trời cao. Bữa nọ đi vắng về thấy cửa lồng mở toang, một con gục chết trong lồng bê bết máu và phía ngoài còn vương lông của con chim thứ hai. Thủ phạm chính là con mèo hàng xóm. Chuyện ấy xảy ra làm Thầy buồn lắm vì nghĩ rằng mình đã làm một việc ác tày trời. Sau nhờ các anh huynh trưởng giải thích, Thầy mới nguôi khuây.

Ở Huyền Không cũ, tại đèo Hải Vân cũng xảy ra trường hợp tương tự. Thầy cứu được một con chim sắp chết giữa mưa bão, đem về chùa ấp ủ, săn sóc, sau đó cũng bị một chú mèo quái ác tha đi!

Kể đến ngang đây, Nhà Sư kết luận:

– Bây giờ các con cho Thầy biết, những mẩu chuyện ấy tuy khác nhau nhưng vẫn có cái giống nhau. Cái giống nhau ấy là gì, ai biết?

Chẳng suy nghĩ lâu, Bất Đạt nói:

– Cái giống nhau ấy là bên thiện, bên ác, bạch Thầy! Chuyện chôn chuột cũng bên thiện, bên ác. Chuyện mua chim, cứu chim cũng bên thiện, bên ác. Có phải Thầy muốn dạy rằng trên đời này, không có tác ý hay hành động nào về ý, về thân, về khẩu là hoàn-toàn-thiện chăng?

– Điều ấy không sai, nhưng chưa hẳn là đúng, vì sao? Vì khi mà có tri kiến như vậy, ta có thể nào nhờ tri kiến ấy mà lắng dịu (calmer) được phiền não và cắt dứt được hoài nghi (Doute)? Hay là từ tri kiến ấy, phiền não và hoài nghi càng được củng cố, tăng trưởng? Hoài nghi rằng vậy đâu là toàn thiện? Đâu là hành động không còn một mảy may liên hệ đến ác pháp? Có phải vậy không? Có phải có người sẽ khởi lên tri kiến ấy với những lựa chọn loay hoay (chercher à), phiền (déranger) muộn (attristé) của mình?

Bất Đạt im lặng. Liễu Minh cúi đầu trầm tư rồi khẽ thốt:

– Bạch Thầy, tác ý là nghiệp, vậy theo ý con là, cái tác ý ấy, cái khởi tâm ấy, cái tác ý thiện mới là trung tâm cốt lõi của câu chuyện.

Nhà Sư hoan hỷ đáp:

– Phải rồi! Vậy là đúng! Đấy là cái nền tảng, cái bản căn! Tác ý thiện chính là trọng tâm của vấn đề! Bây giờ Thầy kể lại cho các con nghe một đoạn kinh, rồi từ nội dung, tinh thần của đoạn kinh ấy, các con hãy tự chiêm nghiệm, rồi tự soi sáng cho chính mình.

« Kinh Bàhitika, khi vua Ba-Tư-Nặc (Pàsenadi) hỏi Ngài Ànanda thế nào là thiện-ý-hành, Ngài Ànanda trả lời:

“Dans le soutra Bahitika, lorsque le roi Pasenadi demanda à disciple Ananda: comment peut-on dire que l’esprit pratique vers la bonne voie, disciple Ananda répondit: 

– Này Đại vương! Phàm bất cứ ý hành gì không có tội, không có tội nghĩa là không có hại, không có hại nghĩa là có lạc báo. Có lạc báo nghĩa là ý hành gì không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai. Từ ý hành ấy, các bất thiện pháp thối giảm, loại trừ; các thiện pháp tăng trưởng, sung mãn ». Vậy con thấy thế nào, Bất Đạt?

“O grand Roi, l’esprit de pratique de la bonne voie, quand son action est dans le non-pêché, le non-délit, signifie qu’il n’est pas nuisible à autrui, ne pas nuiren autrui signifie produire un état de bien être. L’existence d’un état de bien être est un état de pratique qui n’est ni nuisible à soi, ni nuisible à autrui et ni nuisible aux deux. De cette pratique, la connaissance de la Sagesse diminue et élimine les mauvais karmas, cette connaissance doit être appliquée avec motivation et persévérance dans le quotidien.”

Bây giờ, Bất Đạt cất giọng trịnh trọng, chắc nịch:

– Con đã hiểu. Nghĩa là chỉ cần nắm giữ cái « thiện ý hành » của mình, còn cứu hay không cứu không phải là vấn đề. Con đã ỷ y lý trí sắc bén của mình, thấy được cái vận hành lạnh lùng, bình đẳng của nhân quả mà quên mất tấm lòng. Con lại đem tâm ghét rắn nữa, cái đó thì sai!

Nhà Sư gật đầu, quay sang Liễu Minh :

– Còn con thì sao?

– Thầy chôn chuột, nuôi chim, cứu chim có phải là hại người và hại mình đâu! Mở đầu Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy rằng:

« Các pháp do ý dẫn đầu
Ý chủ, ý tạo bắt cầu đưa duyên
Nói, làm với ý chẳng hiền
Bánh xe bò kéo, khổ liền theo sau

Các Pháp do ý dẫn đầu
Ý chủ, ý tạo bắt cầu đưa duyên
Nói, làm với ý tốt hiền
Như hình dọi bóng, vui liền theo sau »

Tất cả nó nằm nơi chỗ « thiện ý » hay « ác ý ». Vậy cứu hay không cứu không còn là vấn đề đối với con nữa.

Nhà Sư khẽ mỉm cười rồi hỏi Bất Ác :

– Con có lãnh hội được gì không?

Bất Ác ngập ngừng rồi đưa mắt hoài nghi nhìn Nhà Sư :

– Vậy thì… thì cũng chỉ ở trong vòng nhân quả thôi sao Thầy? Nhái thì trả ân mà rắn thì báo oán? Ân oán thì đều nằm trong vòng trả vay sinh tử đau khổ cả. Còn một hành động được gọi là giải thoát thì nó ra sao?

Nhà Sư nói:

– Ồ! Hay lắm các con hãy tư duy cho chín về điều ấy xem sao!

Huyền Không – Nham Biều
Hương Hồ
1979

-ooOoo-

Les commentaires sont fermés.