Bốn pháp xây dựng đời sống tại gia hạnh phúc

Phật pháp dù cao siêu vi diệu nhưng liệu có ích lợi gì cho tuyệt đại đa số người đời vốn bị nhiều ràng buộc và chịu nhiều hệ lụy trong thế gian? Người thực hành theo giáo pháp của Phật có nhất thiết phải ẩn dật, ly gia cát ái?

Thực ra, đạo Phật không tách rời thế gian, luôn gắn liền với cuộc đời, quan tâm đến việc xây dựng hạnh phúc cho con người. Kinh Tăng Chi Bộ III ghi: “Một hôm, cư sĩ tại gia đệ tử Phật tên là Dighajanu đi đến đỉnh lễ và bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, chúng con là những người gia chủ, còn hưởng thụ các dục, sống hệ phược với vợ con, dùng các thứ hương hoa, phấn sáp, thọ lãnh vàng bạc. Bạch Thế Tôn, xin Ngài hãy thuyết pháp cho những người như chúng con, thuyết như thế nào để những pháp ấy đem đến cho chúng con hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại và hạnh phúc an lạc trong tương lai.

Đức Phật dạy Dighajanu rằng: Này cư sĩ, có bốn pháp này đưa đến hạnh phúc hiện tại, an lạc hiện tại cho thiện nam tín nữ. Bốn pháp đó là: Đầy đủ sự tháo vát, đầy đủ sự phòng hộ, đầy đủ sự hướng thiện và đầy đủ sự thăng bằng”.

Thế nào là đầy đủ sự tháo vát?

Trước hết, người tại gia cư sĩ dù làm nghề nghiệp gì cũng phải lương thiện, siêng năng không biết mỏi mệt, biết suy tư, tìm ra phương thức làm việc tối ưu, vừa đủ để tự làm và điều khiển người khác làm. Đầy đủ sự tháo vát thể hiện tuệ giác, thông minh và năng động, biết tìm công việc thích ứng với bản thân, hoàn cảnh nhằm làm ra của cải để cung ứng cho bản thân, gia đình và xã hội. Nếu không siêng năng, tháo vát thì dễ bị lôi cuốn vào những việc bất chính để kiếm tiền, như vậy cuộc sống sẽ khó yên ổn.

Thế nào là đầy đủ sự phòng hộ?

Phòng hộ là giữ gìn. Những tài sản do tháo vát, siêng năng, nhờ lao động chơn chánh mà thu hoạch được phải khéo phòng hộ để khỏi bị vua chúa tịch thu, bị trộm cướp, bị lửa cháy, bị nước trôi và bị con hư phá tán.

Không phải ai có của cải cũng giữ được. Thiên tai, hỏa hoạn, mất mát do trộm cướp, sung công luôn rình rập để lấy đi tài sản của mình. Ngoài những nguy cơ tổn thất tài sản từ bên ngoài, bên trong còn bị con hư phá tán. Có nhiều nhà giàu có, vì nuông chìu con mà để chúng xài phí của cải không tiếc vào những cuộc cờ bạc rượu chè say sưa, nhất là nghiện ngập ma túy, ăn chơi đàng điếm v.v… không chỉ phá của, hại cho bản thân mà còn hại cho gia đình và xã hội. Bởi thế Phật dạy có tiền cần phải phòng hộ, nhất là đừng để lọt vào tay những đứa con hư, nghĩa là ngoài việc làm giàu, cần phải nên giáo dục con cho cẩn thận nữa.

Thế nào là đầy đủ sự hướng thiện?

Hướng thiện là làm bạn với người có đầy đủ lòng tin, giới đức, bố thí và trí tuệ. Đầy đủ lòng tin là những người chánh tín Tam bảo, ta làm bạn với họ để học tập lòng tin. Đầy đủ giới đức là người thọ trì và giữ gìn giới hạnh. Là Phật tử mà không giữ gìn giới hạnh, hành động tà vạy, không xứng đáng lời dạy của Đức Phật thì dù có xưng là Phật tử cũng không phải Phật tử.

Cho nên có đầy đủ giới đức mới xứng đáng là con Phật. Đầy đủ sự bố thí là người biết san sẻ vật chất, khả năng, công sức, hiểu biết, tình cảm, giáo lý, v.v… và tất cả những gì mình có cho người khác. Bố thí cao nhất là mở rộng tấm lòng, cho mà không chấp thủ, không vì mình. Nếu chỉ biết nhập mà không biết xuất thì người ấy là một người bỏn xẻn, ích kỷ. Xã hội mà gồm những người như vậy thì không hạnh phúc. Bố thí trước hết là dứt lòng tham, tính bỏn xẻn và ganh tỵ.

Bởi thế nên không phải chỉ có cho tiền của mới bố thí, mà hễ có thân, có tâm là có thể bố thí được. Chia sẻ gánh nặng cho một khách bộ hành đang lúc mệt mỏi cũng là bố thí. Nở một nụ cười để an ủi người đang đau khổ cũng là bố thí. Nếu trong tâm mọi người luôn luôn nghĩ đến bố thí, thì sự đua tranh, ganh tỵ sẽ giảm bớt rất nhiều. Đầy đủ trí tuệ là người có học và tư duy về Phật pháp và ứng dụng Chánh pháp vào trong đời sống, chuyển hóa đời sống phàm phu tội lỗi thành đời sống thánh thiện trong sạch.

Nếu Phật tử mà lấy tà làm chính, không phân biệt phải trái, hay dở thì không có trí tuệ và dễ trở thành mê tín dị đoan, tin theo thầy tà bạn ác. Do đó, Đức Phật dạy cho các Phật tử tại gia là phải luôn hướng thiện, làm bạn với thiện để được hạnh phúc trong hiện tại và tương lai. 

Thế nào là đầy đủ sự thăng bằng?

Thăng bằng có nghĩa là sống một đời sống điều hòa, quân bình giữa tinh thần và vật chất, giữa tâm lý và sinh lý. Muốn vậy, người Phật tử phải áp dụng sáu nguyên tắc sống hòa hợp mà Đức Phật đã dạy:

1/ Nguyên tắc thứ nhất là sống chung hòa hợp, cung kính và tôn trọng lẫn nhau, dùng từ ái đối xử với nhau, tương thân tương ái.

2/ Nguyên tắc thứ hai là nói lời yêu thương, thuận hòa, không tranh đấu hơn thua, không xúc phạm, không gây tổn thương người khác.

3/Nguyên tắc thứ ba là là ý nghĩ hòa hợp, không chống trái, không hơn thua, không thù hằn, oán ghét, tâm ý hòa đồng ái kính lẫn nhau.

4/ Nguyên tắc thứ tư là cùng nghiêm trì giới luật, thực hành chánh hạnh, ái kính nhau, cùng giúp đỡ nhau trong việc thực hành đạo đức.

5/ Nguyên tắc thứ năm là cùng nhau hướng đến chánh tri kiến, tuệ giải thoát. Chia sẻ những quan điểm, tư tưởng, nhận thức về Chánh pháp, không chống trái, bao dung những dị biệt trong lẽ phải.

6/ Nguyên tắc thứ sáu là của cải làm ra được chi dùng một cách thích hợp, đừng quá phung phí, mà cũng đừng quá keo kiết bỏn xẻn. Nếu chi tiêu quá phung phí thì dễ phá sản. Keo kiết bỏn xẻn quá thì bị nô lệ đồng tiền. Phải chi tiêu đúng việc, đúng chỗ. Đức Phật dạy: của cải làm ra 10 phần thì chi tiêu hàng ngày 5 phần, 3 phần tích lũy, 1 phần cho quan hệ với gia đình nội ngoại, 1 phần cho các mối quan hệ giao tế xã hội.

Tóm lại, Đức Phật dạy cho người tại gia bốn pháp an lạc trong hiện tại là: Tháo vát, phòng hộ của cải đã kiếm được bằng nghề chân chính, làm bạn với thiện và sống điều hòa thăng bằng. Thực tập đầy đủ những điều như vậy thì giờ phút nào, ở đâu, chúng ta cũng xứng đáng là Phật tử, không những đem lại lợi ích, an lạc và hạnh phúc cho chính mình mà còn cho nhiều người khác.

——————————————

Bốn pháp đưa đến hạnh phúc

(Trích giảng Tăng Chi Bộ Kinh)

HT. Thích Minh Châu

Ðức Phật khi dạy pháp gì cho đệ tử cũng nghĩ đến hạnh phúc hiện tại của người đệ tử mình, và lời dạy ấy phải thiết thực được ứng dụng ngay trong hiện tại và kết quả cũng được đem lại ngay trong hiện tại. Ngài không đề cập đến những triết lý mơ hồ, trừu tượng viễn vông, trái lại lời dạy của Ngài rất thiết thực với đời sống con người, ứng dụng ngay trong nếp sống hiện tại. Trong kinh Dighajànu, người Koliya (Tăng Chi, VIII-54) trực tiếp đến thưa Thế Tôn:

“Bạch Thế Tôn, chúng con là những người gia chủ, hưởng thọ dục vọng, sống hệ phược với vợ con, dùng các hương chiên đàn ở Kàsi (Benares), đeo và dùng các vòng hoa hương liệu, phấn sáp, thọ lãnh các vàng bạc. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết cho những người như chúng con, thuyết như thế nào để những pháp ấy đem đến cho chúng con hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại”.

Và sau đây là bốn pháp đưa đến hạnh phúc hiện tại và an lạc hiện tại cho các thiện nam tử:

“Ðầy đủ sự tháo vát, đầy đủ sự phòng hộ, làm bạn với thiện và sống thăng bằng điều hòa”.

Thế nào là sự đầy đủ tháo vát? Ở đây, vị thiện nam tử phải làm nghề gì để sinh sống, hoặc nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc nuôi bò, hoặc làm người bắn cung, hoặc làm việc cho vua, hoặc bất cứ nghề gì, trong nghề ấy, người ấy thiện xảo, không biết mệt, biết suy tư phương tiện, vừa đủ để tự làm và điều khiển người khác làm”.

Như vậy, Ðức Phật dạy người gia chủ phải chọn một nghề để làm, để sinh sống. Ðã chọn nghề xong, phải giữ nghề ấy cho được thiện xảo, có thể tự mình khéo làm nghề ấy, lại còn có khả năng bày vẻ huấn luyện cho người khác có thể làm được. Ðây là điều kiện tiên quyết của một người gia chủ, có một nghề thiện xảo trong tay để nuôi sống mình và nuôi sống gia đình. Và đối với nghề ấy, mình phải tinh xảo, thiện nghệ, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để chỉ dạy người khác làm.

Pháp thứ hai là đầy đủ sự phòng hộ. Ðức Phật dạy như sau:

“Ở đây những tài sản của thiện nam tử, do tháo vát tinh tấn thu hoạch được, do sức mạnh bàn tay cất chứa được, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thu hoạch đúng pháp, vị ấy giữ gìn và bảo vệ. Làm thế nào các tài sản của ta không bị vua mang đi, không bị trộm cướp mang đi, không bị lửa thiêu đốt, không bị nước cuốn trôi, không bị các người con không khả ái chiếm đoạt. Ðây gọi là đầy đủ sự phòng hộ”.

Ở đây lời Ðức Phật dạy hết sức thiết thực. Trước hết là tài sản thu hoạch được phải do sự tháo vát hành nghề đem lại, do tinh tấn nỗ lực làm ra một cách đúng pháp, một cách chơn chánh. Như vậy Ðức Phật phủ nhận các cách làm tiền phi pháp, phi nhân; thể thức lường gạt, man trá để làm giàu đều không được công nhận. Các thế lực hối mại quyền thế, hối lộ, lường gạt, cho vay nặng lãi, ăn trộm, ăn cướp, đều thuộc về phi pháp. Ngoài ra, Ðức Phật còn nhấn mạnh, các số tiền thâu hoạch, phải do sự nỗ lực tinh tấn của chính mình, do sức mạnh của bàn tay chính mình làm ra, để tự mình đổ mồ hôi để công sức của mình tạo ra của cải tài sản ấy. Tài sản như vậy mới gọi là tài sản chơn chánh, đúng pháp vững vàng. Vì sao Ðức Phật muốn nhấn mạnh điểm này? Vì rằng theo Ðức Phật, con người chỉ sống hạnh phúc với một đời sống trong sáng, lành mạnh và chơn chánh. Do vậy tài sản kiém được để sống phải là tài sản lành mạnh, chơn chánh, đúng pháp. Ðức Phật ở nơi đây nhắc nhủ chúng ta phải bảo vệ tài sản chơn chánh ấy, khỏi bị vua lấy mất đi, khỏi bị lửa thiêu đốt, khỏi bị nước cuốn trôi, khỏi bị kẻ trộm cướp đánh cắp đi, khỏi bị các con cháu thừa tự không tốt tiêu pha hoang phí.

Thứ đến là bạn với thiện, và chúng ta nghe lời khuyên của Ðức Phật:

“Tại chỗ nào, có những gia chủ hay người lớn lên trong giới đức, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ, thiện nam tử làm quen, nói chuyện, thảo luận. Với những người đầy đủ lòng tin, vị ấy học tập đầy đủ lòng tin. Với những người đầy đủ giới đức, học tập đầy đủ giới đức. Với những người đầy đủ bố thí, học tập đầy đủ bố thí. Với những người đầy đủ trí tuệ, học tập đầy đủ trí tuệ”.

Ở nơi đây, Ðức Phật khuyên vị thiện nam tử nên thân thiện làm bạn với những người lành. Và người lành ở nơi đây được định nghĩa là người có lòng tin, có giới đức, có bố thí, có trí tuệ. Và làm bạn với thiện là học tập đầy đủ lòng tin, học tập đầy đủ giới đức, học tập đầy đủ bố thí, học tập đầy đủ trí tuệ. Nói một cách thiết thực, hạnh phúc chỉ đến với người lành, chỉ đến với người thiện, chỉ đến với người sống một đời sống lành mạnh trong sáng, có giới đức, có đạo đức, có đạo hạnh, có giới hạnh.

Pháp thứ tư để được sống hạnh phúc và an lạc là sống thăng bằng điều hòa. Ở nơi đây, Ðức Phật luôn luôn có những định nghĩa thật rõ ràng và thiết thực:

“Ở đây thiện nam tử sau khi biết tài sản nhập, và sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn. Vị ấy suy nghĩ: ” Ðây là tiền nhập của ta. Sau khi trừ đi tiền xuất của ta, sau khi trừ đi tiền nhập, còn lại như sau… không phải là tiền xuất của ta, nhưng sau khi trừ đi tiền nhập còn lại như sau: “Người thiện nam tử này ăn tài sản của nó như người ăn trái cây sung” (Rung cây khiến trái rơi xuống rất uổng phí). Nếu thiện nam tử này có biên nhập lớn, nhưng sống nếp sống cơ cực thời người ta sẽ nói vễ người ấy như sau: “Thiện nam tử này sẽ như người chết đói”. Như vậy sống thăng bằng điều hòa là không sống bỏn xẻn hoang phí, sống như thế nào để tiền nhập trội hơn tiền xuất, và hàng tháng hàng năm đều có tiền tiết kiệm. Lẽ dĩ nhiên, đó là những yếu tố cần thiết và bảo đảm cho một đời sống an lạc và hạnh phúc”.

Rồi Ðức Phật nhắc khéo thiện nam tử có bốn cửa xuất làm phung phí tài sản, tức là đam mê đàn bà, đam mê rượu chè, đam mê cờ bạc, bạn bè kẻ ác, thân hữu kẻ ác. Nếu thiện nam tử rơi vào bốn cái mê này, thời bao nhiêu tài sản thâu hoạch được sẽ bị phung phí tiêu tán hết. Như một hồ nước có bốn cửa nhập, bốn cửa xuất. Cửa nhập thì bị đóng lại, cửa xuất thì bị mở toang. Như vậy bao nhiêu nước trong hồ đều tuôn chảy ra ngoài hồ hết. Trái lại có bốn cửa vào để tăng trưởng tài sản. Tức là không có đam mê đàn bà, không đam mê rượu chè, không đam mê cờ bạc, thân hữu với bậc thiện. Như một hồ nước có bốn cửa nhập đều mở toang, bốn cửa xuất đều đóng kín. Như vậy nước ở ngoài tuôn vào trong hồ và hồ nước sẽ đầy tràn. Cũng vậy, vị thiện nam tử, tránh xa bốn đam mê trên, thời tài sản của vị ấy ngày một tăng trưởng, ngày một hưng thịnh.

Bài kinh này, với bốn pháp môn xây dựng hạnh phúc hiện tại giúp chúng ta có một số suy nghĩ. Trước hết, Ðức Phật dạy những gì, chủ yếu là làm vơi nỗi đau khổ của con người, mục đích chính là cứu khổ độ sanh, đem lại an lạc, đem lại hạnh phúc cho con người. Bậc Ðạo sư đã nói: “Trong suốt 45 năm thuyết pháp, xưa cũng như nay, ta chỉ dạy có hai điều: sự khổ và sự diệt khổ”. Thời tất nhiên, trong lời dạy này, chủ đích là đem lại hạnh phúc và an lạc cho chúng sanh, ngay trong hiện tại, không phải chờ đợi trong tương lai và cũng không phải chờ đợi sau khi chết mới được hưởng.

Một điểm nữa làm chúng ta đáng suy nghĩ, là phàm chúng ta hành trì pháp môn nào được xem là lời Phật dạy, nếu trong khi hành trì, không cảm thấy an lạc, thời là chúng ta hành trì sai lạc, hay là đó không phải là lời dạy của Ðức Phật. Pháp của Ðức Phật được định nghĩa là Sanditthiko (thiết thực hiện tại), Akàliko (không có thời gian), Ehipassiko (đến để mà thấy)… Thời khi chúng ta hành trì các pháp môn Phật dạy, chúng ta hưởng được ngay quả an lạc hạnh phúc mà pháp môn ấy đem đến. Chúng ta lại nghĩ đến những công năng kỳ diệu của những lời Phật dạy, khi chúng ta nhận thấy rằng, trong bốn pháp Phật dạy là dạy hơn 2500 năm về trước, cho xã hội Ấn Ðộ, cho cá nhân con người Ấn Ðộ, nhưng nếu nay chúng ta đem áp dụng trong thời điểm hiện tại trên đất nước Việt Nam và cho con người Việt Nam, chúng ta vẫn thấy bốn pháp này vẫn có khả năng đem lại hạnh phúc và an lạc cho chúng sanh, nếu chúng ta hành trì bốn pháp này đến nơi đến chốn.

Thích Minh Châu
(Trích Tuyển Tập “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”)

– See more at: http://khemarama.com/bon-phap-dua-den-hanh-phuc/#sthash.rQ2vwJdy.dpuf

http://www.daophatngaynay.com/vn/tu-sach-dao-phat-ngay-nay/15917-kinh-phat-cho-nguoi-tai-gia.html

———————————————————————-

GIA CHỦ HỎI PHÁP

Thích Thiện Siêu

Phật tử nghiên cứu và học hỏi giáo lý của đức Phật là cốt tìm một phương pháp giải thoát và an lạc cho chính mình. Cũng như ngày xưa, khi đức Phật còn tại thế, các vị cư sĩ cũng đi đến với Ngài là để cầu sự chỉ giáo của Ngài, hầu mong đem lại cho họ một cuộc sống hạnh phúc an vui.

Kinh Tăng Chi Bộ tập IIIA ghi lại rằng:

“Một hôm, một vị cư sĩ   tại gia đệ tử của Ngài tên là Dìghajamnu (Ðầu gối dài) đi đến Ngài, đảnh lễ và bạch rằng:

– Bạch đức Thế Tôn, chúng con là những người gia chủ, đang hưởng thọ các dục, sống hệ phược với vợ con, dùng các thứ hương hoa phấn sáp, lãnh thọ vàng bạc; bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho những người như chúng con, thuyết như thế nào để pháp ấy đem đến cho chúng con hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại và hạnh phúc an lạc cả trong tương lai”.

Ngày nay, các Phật tử  tại gia trong thời đại chúng ta, dù không nói ra những điều thầm kín trong tâm tư của mình, nhưng có lẽ cũng ôm ấp một hoài bảo tương tự, ấy là, làm thế nào để với tư cách là một tại gia cư sĩ, còn thọ hưởng dục lạc, có được một đời sống hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại và cả về tương lai?

Mặc dù vị thương gia Dìghajamnu (Ðầu gối dài) này sống với dục lạc thế gian, nhưng ông nhận thấy những tài sản vật chất chỉ giúp cho ông được sống, chứ không giúp cho ông được an lạc. Ông sống trong vòng vây giữa quyến thuộc vợ con đầy đủ, danh vọng tràn trề, tài sản sung túc, nhưng tâm tư còn trĩu nặng những lo âu sợ hãi, tham lam thù hận, ước vọng thèm khát không bao giờ dừng nghĩ, ông nghĩ rằng ông không bao giờ có được an lạc. Ông cầu mong đức Phật dạy cho ông một phương pháp để đem lại cho đời sống tại gia như ông một cuộc sống an lạc và hạnh phúc lâu dài. Ông cư sĩ ấy còn nhấn mạnh, trong khi vẫn thụ hưởng dục lạc thế gian, chứ không phải xuất gia, sống đời sống khất thực như các vị Tỷ-kheo.

Ðó là một lời thỉnh cầu rất tha thiết và chân thành, đồng thời cũng là một viên đá thử vàng đối với đạo Phật. Ðạo Phật với một lòng từ bi vô hạn, với một nền giáo lý siêu việt, nhưng liệu có giúp ích gì cho đại đa số con người đau khổ, còn lăn lóc trong thế gian hay không?

Câu trả lời của đức Phật sau đây cho chúng ta thấy rằng, đức Phật đặc biệt chú trọng đến đời sống của người tại gia cư sĩ biết là dường nào.

  1. Bốn pháp đưa đến hạnh phúc, an lạc cho hiện tại.

Ðức Phật dạy cư sĩ Dìghajamnu rằng: “Này Cư sĩ, có bốn pháp này đưa đến hạnh phúc và an lạc ngay trong hiện tại”. Thế nào là bốn?

– Ðầy đủ sự tháo vác,
– Ðầy đủ sự phòng hộ,
– Làm bạn với thiện,
– Sống thăng bằng điều hòa.

  1. Này Cư sĩ, thế nào là “đầy đủ sự tháo vác”?

Nghĩa là tại gia cư sĩ dù làm nghề gì cũng cần phải tinh xảo, siêng năng không biết mệt mỏi, biết suy tư tìm hiểu, biết phương tiện hành động để vừa tự làm và điều khiển người khác làm cho có lợi ích và đạt hiệu quả kinh tế cao.

  1. Thế nào là “đầy đủ sự phòng hộ”?

Nghĩa là những tài sản do tháo vác siêng năng mà thu hoạch được, do mồ hôi đổ ra đúng pháp tìm được, thì phải khéo giữ gìn phòng hộ, để cho khỏi bị vua tịch thâu, bị trộm mang đi, bị lửa đốt, bị nước trôi, bị con cái hư hỏng phá tan.

Ðây là những lời dạy rất thiết thực, vì hàng tại gia không như hàng xuất gia khất thực để sống, họ còn nhiều bổn phận đối với cha mẹ, vợ con quyến thuộc nên cần phải có một nghề nghiệp sinh sống chính đáng để làm ra của cải. Muốn thế cần phải siêng năng, tinh xảo trong công việc và nghề nghiệp của mình. Nếu không siêng năng tháo vác thì sẽ bị lôi cuốn vào những việc bất chính, làm rối loạn xã hội chỉ vì đồng tiền không do mồ hôi đổ ra. Mỗi khi tiền của do bất chính tạo ra không do sức mình thì tiền của vật chất ấy là tiền của phi pháp, nó sẽ bị vua chúa tịch thu. Vậy cách giữ gìn của cải vật chất khỏi bị vua mang đi là phải có nghề nghiệp chính đáng. Những tài sản nào do mồ hôi kiếm được một cách khó khăn thì phải lo đề phòng, chớ để cho các tai nạn như lửa, nước, trộm cướp và nhất là con cái bất hiếu phá hoại.

Trong xã hội xưa cũng như nay, có nhiều gia đình giàu có mà vì quá thương con, sự giáo dục lỏng lẻo, để con cái hư hỏng phá của không thương tiếc vào những cuộc vui vô bổ như cờ bạc, rượu chè say sưa…, làm cha mẹ như vậy là dung dưỡng cho những kẻ bất lương phá cửa, làm hại cho gia đình, xã hội và cả quốc gia nữa. Khi đã phá tán tài sản của cha mẹ hết rồi, chắc chắn sẽ đi vào phá làng, phá xóm, làm hại mọi người. Bởi thế, đức Phật dạy có của, có tiền thì phải lo phòng hộ, đừng để lọt vào những trường hợp trên. Nghĩa là ngoài việc làm giàu chính đáng do sức lao động của mình ra, cần phải chú trọng đặc biệt đến sự giáo dục con cái cho cẩn thận để đưa nó vào đời, tạo dựng cho con cái một cuộc sống hạnh phúc hầu góp phần vào sự giàu mạnh cho xã hội.

  1. Thế nào là “làm bạn với thiện”?

Nghĩa là tại nơi mình sinh sống trong làng hay trong thị trấn, có những gia chủ hay con trai gia chủ có giới đức, đầy đủ lòng tin, đầy đủ trí tuệ và có lòng bố thí thì nên làm quen, nói chuyện, thảo luận với họ. Từ những người đầy đủ lòng tin, hãy học tập lòng tin. Từ những người đầy đủ giới đức, hãy học hỏi giới đức. Từ những người đầy đủ bố thí hãy học hỏi bố thí. Từ  những người đầy đủ trí tuệ, hãy học tập trí tuệ. Ðó là làm bạn với thiện.

Trong ba lời dạy trên, hai lời dạy đầu là dạy làm ra của cải vật chất và cách giữ gìn nó. Lời dạy thứ ba là lời dạy về pháp tài, tức là của cải tâm linh thuộc về tinh thần. Áp dụng nó trong cuộc sống thì các cư sĩ theo Phật khỏi bị mang tiếng, bị người chê cười là có của mà vô lương. Vậy người tại gia cư sĩ phải trau dồi Phật pháp để có những ngôn ngữ, hành động, ý nghĩ, phù hợp với giáo lý và trở thành Phật tử lợi đạo ích đời.

  1. Thế nào là “sống thăng bằng điều hòa”?

Nghĩa là khi làm ra của cải cần phải chi dùng một cách thích ứng, không quá phung phí mà cũng không quá bỏn xẻn. Nếu trong sự tiêu dùng hàng ngày, số xuất quá số nhập sẽ dẫn đến phá sản và mất thăng bằng trong cuộc sống. Ngược lại, chi tiêu quá bỏn xẻn, những việc cần chi không dám chi, không dám tiêu dùng, thì sẽ trở thành người nô lệ của cải. Người làm chủ của cải vật chất thì được sống an lạc, trái lại, bị vật chất làm chủ chi phối thì đó là nô lệ lại cho của cải, sẽ gây ra khổ sở. Làm chủ vật chất là thế nào? Là khi cần tiêu vào việc chính đáng thì phải tiêu, không cần tiêu thì giữ lại. Tóm lại người bị của cải làm chủ là người có tiền mà cứ giữ bo bo, thậm chí đến việc tiêu dùng cho bản thân cũng không dám, nói gì đến gia quyến vợ con và bố thí cho người khác.

Như vậy sống thăng bằng có nghĩa là không phung phí, cũng không nên bỏn xẻn. Phật dạy bốn nguyên tắc để sống thăng bằng điều hòa là: 1. Không đam mê sắc dục; 2. Không đam mê rượu chè; 3. Không đam mê cờ bạc; 4. Không giao du với kẻ ác. Nếu đóng bốn cánh cửa ấy lại, thì tài sản sẽ không bị thất thoát, gia chủ sẽ được sống an lạc.

  1. Bốn pháp đưa đến hạnh phúc, an lạc cho tương lai

Phật dạy làm bạn với thiện là để trau dồi lòng tin, tăng trưởng giới đức, học tập cách bố thí và trau dồi trí tuệ. Ðó chính là bốn điều để sống an lạc trong tương lai.

  1. Thứ nhất, đầy đủ lòng tin.

Phật tử quy y Tam Bảo là thực hiện đầy đủ lòng tin.

  1. Thứ hai, tăng trưởng giới đức.

Phật tử thọ giới là thực hiện đầy đủ giới đức. Là Phật tử mà không giữ gìn giới hạnh, hành động tà vạy, không xứng đáng với lời dạy của Thế Tôn, thì dù có xưng là Phật tử cũng không phải là Phật tử. Cho nên đầy đủ giới đức mới xứng đáng là con Phật.

  1. Thứ ba, là học tập bố thí.

Bố thí là hạnh đầu tiên mà đức Phật dạy cho chúng ta thực hành. Con người vì lòng tham đứng đầu nên gây mọi tội ác. Muốn điều phục nó thì phải bố thí. Bố thí là san sẻ vật chất, khả năng, công lực, hiểu biết, tình cảm, giáo lý… là những điều mình có mà người khác không có. Một nụ cười với người đang sợ hãi cũng là một sự bố thí. Bố thí cao nhất là mở rộng lòng, mở rộng tâm tư. Nếu chỉ biết thu mà không biết chi thì người ấy là người bỏn xẻn, ích kỷ. Nếu xã hội chỉ gồm những người như vậy, thì xã hội ấy không có hạnh phúc. Một gia đình ai cũng nghĩ đến bản thân, thì gia đình ấy không có an lạc. Bố thí trước hết là dứt lòng tham, dứt tính bỏn xẻn và đặc biệt là dứt lòng ganh tị. Khi có của, có quyền, có danh… mà họ muốn bố thí san sẻ thì người đó phải làm như thế nào? Khi được người trân trọng, thì mình phải đối lại bằng đức khiêm cung, thì đó cũng là hình thức bố thí. Bố thí như vậy chẳng những tạo được hạnh phúc cho người mà còn làm an lạc cho chính mình. Bởi thế, không phải chỉ có tiền của mới là bố thí được  mà nên hiểu rộng ra rằng ai có thân, có tâm là có thể bố thí được cả. Nếu trong tâm mọi người đều luôn luôn nghĩ đến bố thí, thì sự đua tranh, ganh tỵ, tham lam, bỏn xẻn sẽ giảm bớt rất nhiều.

  1. Thứ bốn, trau dồi trí tuệ.

Phật tử là con của đấng Ðại giác. Ngài đã chứng ngộ được thực thể vũ trụ, hiểu biết tâm tánh chúng sanh, nên Ngài giáo hóa phù hợp với đủ mọi căn cơ và trình độ của các hạng chúng sanh. Chúng sanh nhờ đó mà nuôi lớn tâm hồn. Phật tử  là con của đấng giác ngộ mà còn quá vô minh thì thật là không xứng đáng, do đó mà cần phải trau dồi trí tuệ. Phật dạy: “Mọi sự tuần hoàn trong nhân duyên nhân quả”. Nghe như vậy, chúng ta cần phải suy xét ra như thế nào? Nghe là văn tuệ, suy xét là tư tuệ. Văn tuệ là nghe, nhưng nghe cho đúng, nghe phải có đầu có đuôi. Có người đi nghe thuyết pháp về, có ai hỏi thì lại chỉ biết trả lời: Hay lắm mà tôi không nhớ hết. Vậy cần phải ghi nhớ mỗi khi một ít, để tư duy rồi tu tập theo đó, tức là tu tuệ. Tu tuệ là thực hành giáo lý bằng kinh nghiệm bản thân của mình. Qua thực hành văn, tư mà tu mới thấu hiểu lời đức Phật dạy mà tu tập mới có kết quả.

Ngày xưa có một lần Phật đi qua đồng ruộng, có Tôn giả A-nan theo hầu. Bỗng Ngài đưa tay chỉ vào một bụi rậm bảo: Ðộc xà, A-nan! Tôn giả A-nan nhìn vào cũng nói: Ðại độc xà, Thế Tôn!

Tình cờ một nông phu đi sau nghe lén, bèn vào xem là cái gì, anh ta khám phá một hủ đầy vàng ròng, vô cùng mừng rỡ thầm bảo: nghe đồn Thế Tôn là bậc Nhất thiết trí, cái gì cũng biết mà đây là vàng, Ổng lại bảo là rắn độc! Anh liền khiêng vàng về, tạo mãi nhà cửa, ruộng đất, xe cộ. Xóm giềng thấy anh lâu nay nghèo kiết xác, ăn bữa hôm lo bữa mai, nay bỗng dưng phát giàu, thì không khỏi nghi ngờ, nên họ lên trình quan. Quan gọi lên tra hỏi và về nhà lục xét, lấy hết vàng bạc châu báu và bắt anh bỏ tù. Ngồi trong ngục tối, anh mới thấm thía lời Phật dạy, tưởng là từ nay sẽ được ăn cao lương mỹ vị, thì ngược lại bị giam đói. Tưởng từ nay sẽ được nhà cao cửa rộng, hóa ra lại nằm trong ngục, cảm kích lời Thế Tôn dạy, anh ta kêu to: “Ðộc xà, A Nan! Ðại độc xà, Thế Tôn”.

Quan giữ ngục nghe, hỏi lý do, anh kể đầu đuôi câu chuyện rồi kết luận: Giờ phút này ở trong tù, tôi mới tỉnh ngộ, mới tin hiểu lời Phật dạy thật sâu xa vô cùng!

Nghe câu chuyện trên, không dễ gì ngày nay chúng ta là Phật tử, chúng ta đã tỉnh ngộ, tin theo lời dạy của đức Thế Tôn. Giả sử một mai đẹp trời, đi giữa đường gặp một thỏi vàng như vậy, chúng ta có mang về không? Chắc cũng mang về. Cho nên lắm lúc người đời bảo Phật dạy không thực tế, viễn vông! Hàng Phật tử, chúng ta cần phải nhận thức cho rõ, có phải lời Phật dạy là chí lý không? Hay chẳng qua vì lòng tham của chúng ta còn nặng, nên chúng ta không làm ngơ được?

Nhưng khi chưa nghe lời Phật dạy thì chúng ta sử dụng vàng một cách khác, nhưng khi đã nghe rồi thì chúng ta sử dụng nó một cách khác. Nghĩa là chúng ta phải biết học cách bắt rắn như trong kinh Xà Dụ có dạy, nếu bắt đằng đuôi nó sẽ ngoái đầu cắn lại. Nếu dùng nạn chặn đầu đè xuống rồi mới bắt thì sẽ không bị rắn cắn. Ở đây, điều đáng nói là đừng vị kỷ khi sử dụng. Tất cả mọi cái vị kỷ điều xấu xa, trái lại những việc vị tha đều tốt. Nếu chúng ta đem vàng về mà làm việc vị tha thì đó là chúng ta biết cách bắt rắn, không bị rắn cắn. Suy rộng ra, không những vàng mà mọi chuyện khác cũng đều như vậy. Nếu thiếu trí tuệ thì chúng ta làm sao hiểu hết lời thâm thúy của đức Phật. Nếu có trí tuệ thì anh nông dân đã không vào tù. Vàng mà Thế Tôn bảo là rắn độc, có người không tin thì không khác gì hôm nay đạo Phật nói đời là đau khổ, vẫn có người không tin.

Nếu không có trí tuệ thì chúng ta sẽ như anh nông phu nói rằng: Thật viễn vông, ở đời có nhiều thứ vui đáng để thưởng thức lắm như xem xi-nê, nghe tân nhạc, xem cải lương, xem video… bao nhiêu chuyện vui như thế sao lại nói đời là đau khổ! Nhưng có biết đâu rằng cái vui đó là vui trong đau khổ?

Có trí tuệ là có nhận thức, biết được sự việc trước khi nó xảy đến, chứ không phải chờ nó xảy ra rồi mới biết. Trí tự giác là một ngọn lửa sáng từ trong tâm, khiến cho chư Phật và Bồ-tát, Tổ sư thấy ngay được chân lý không cần thầy dạy. Ðó cũng gọi là vô sư trí, vô sư tự ngộ hay tự giác thánh trí. Nhưng đó cũng là kết quả tu tập, công phu thực hành lâu đời lâu kiếp mới có được.

Ðã là Phật tử mà lấy tà làm chánh, không biết phân biệt phải trái hay dở thì không phải là người có trí tuệ và dễ trở thành mê tín dị đoan, tin theo tà sư ngoại đạo. Ðó là điều thứ tư mà Phật dạy cho hàng cư sĩ tại gia phải trau dồi trí tuệ để được hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.

Trong cuốn “What the Buddha taught” của tiến sĩ Wallop Rahula, có nhận xét: Những người nghĩ rằng Phật giáo chỉ quan tâm đến những lý tưởng cao siêu, tư tưởng triết lý và đạo đức siêu phàm, và không kể đến lợi ích xã hội và kinh tế của con người, là sai lầm. Ðức Phật rất quan tâm đến hạnh phúc  con người. Ðối với Ngài, không thể có hạnh phúc mà không sống một đời sống trong sạch, dựa trên những nguyên tắc đạo đức và tâm linh. Nhưng Ngài biết rằng sống một đời như vậy rất khó trong những điều kiện xã hội và vật chất không thuận.

Phật giáo không xem hạnh phúc vật chất như một cứu cánh: nó chỉ là một phương tiện để đến một cứu cánh – một cứu cánh cao quý hơn. Nhưng đấy là một phương tiện rất cần thiết, cần thiết để hoàn thành một mục đích cao hơn cho hạnh phúc nhân loại. Bởi thế Phật giáo công nhận sự cần thiết của một vài điều kiện vật chất tối thiểu thuận tiện cho sự thành công của tâm linh – ngay cả đối với một Thiền sư thiền định trong một nơi cô tịch nào.

Ðức Phật không xét đến sự sống một cách tách biệt ra ngoài bối cảnh kinh tế và xã hội. Ngài nhìn đời trong toàn diện, trong tất cả mọi phương diện xã hội, kinh tế và chính trị của nó. Những lời dạy của Ngài về những vấn đề đạo đức, triết lý và tâm linh đã được khá nhiều người biết đến. Nhưng người ta biết rất ít, nhất là ở Tây phương, về giáo lý của Ngài trong những vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị. Tuy vậy có rất nhiều bài giảng của ngài bàn về những vấn đề ấy rải rác khắp các bản kinh văn cổ xưa của Phật giáo. Ta hãy lấy chỉ một vài thí dụ: Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (Cakkvattisìhanàda-sutta, Trường bộ kinh, Dìghanikàya) số 26, nói rõ rằng sự nghèo khó (dàliddiya) là nguyên nhân của vô đạo và tội ác như trộm cắp, tà vạy, bạo động, thù hằn, độc ác v.v… Những vị vua chúa ngày xưa, cũng như các chính phủ ngày nay, cố đàn áp tội lỗi bằng hình phạt. Kinh Kùtadantasutta cùng thuộc bộ ấy giải thích sự vô ích của hình phạt, nói rằng phương pháp ấy sẽ không bao giờ thành công. Thay vì vậy, đức Phật đề nghị rằng, muốn diệt tận gốc các tội lỗi, thì cần phải cải thiện điều kiện kinh tế của con người: cần phải cung cấp cho tá điền và nông phu hạt giống và phương tiện trồng trọt khác, vốn phải được cung cấp cho những thương gia và những người buôn bán; lương hướng thích đáng phải được trả cho những người làm công. Khi mọi người đều được cung cấp những cơ hội để kiếm được một lợi tức đầy đủ họ sẽ bằng lòng, không sợ hãi lo âu và do đó xứ sở sẽ thanh bình và không có các tội lỗi.

Bởi vậy, đức Phật thường dạy những cư sĩ tại gia tầm quan trọng của sự cải thiện điều kiện kinh tế. Ðiều này không có nghĩa Ngài tán đồng sự tích trữ  tài sản với lòng khao khát và ràng buộc, vì nó trái ngược với giáo lý Ngài, và cũng không phải Ngài tán đồng bất cứ phương tiện sinh nhai nào. Có vài nghề thương mãi như sản xuất và mua bán khí giới bị Ngài cấm chỉ, xem như là những phương tiện sinh sống không chân chính như ta đã thấy trước đây.

Ðôi khi đức Phật còn đi vào những chi tiết về để dành tiền bạc và tiêu dùng, chẳng hạn như khi Ngài bảo thanh niên Sigàla rằng anh ta nên dùng 1/4 lợi tức vào sự tiêu pha hàng ngày, một nửa lợi tức để đầu tư vào việc kinh doanh và để riêng 1/4 phòng khi nguy cấp.

Một hôm đức Phật bảo Cấp Cô Ðộc (Anàthapindika) một thương gia danh tiếng, một trong những đệ tử  tại gia thuần thành nhất của Ngài đã lập cho Ngài tu viện Kỳ-đà (Jetavana) hữu danh ở Xá-vệ (Sàvatthi) rằng một cư sĩ sống đời thường nhật, có bốn thứ hạnh phúc:

– thứ nhất là thụ hưởng sự bảo đảm về kinh tế hay tài sản đầy đủ kiếm được bằng những phương tiện chính đáng (sở hữu lạc – atthi-sukha);
– thứ hai là tiêu dùng tài sản ấy một cách rộng rãi cho chính mình, cho gia đình bà con, bè bạn và trong những việc công đức (thọ dụng lạc – bhoga-sukha);
– thứ ba là không có nợ nần (vô trái lạc – anana-sukha);
– thứ tư là sống một đời trong sạch, không phạm những điều ác trong ý nghĩ, lời nói hay hành vi (vô tội lạc – anavajja-sukha).

Ở đây ta phải chú ý rằng trong bốn thứ này, ba thuộc về kinh tế, và cuối cùng đức Phật còn nhắc cho thương gia ấy biết rằng hạnh phúc về kinh tế và vật chất thì không “đáng một phần mười sáu” của hạnh phúc tâm hồn phát sinh từ một đời sống không lỗi lầm và lương thiện.

Qua những ví dụ kể trên, ta có thể thấy rằng đức Phật xem sự thoải mái về kinh tế là cần thiết cho hạnh phúc con người, nhưng Ngài không công nhận sự tiến bộ là chân thật nếu nó chỉ thuần vật chất, không có một nền tảng đạo đức và tâm linh. Trong khi khuyến khích sự tiến bộ vật chất, Phật giáo luôn luôn nhấn mạnh đến sự phát triển đạo đức và tâm linh để kiến tạo một xã hội hòa bình an lạc. (Trí Hải dịch, Tu thư Ðại học Vạn Hạnh xuất bản 1974).

Tóm lại, đức Phật dạy cho người tại gia bốn pháp an lạc cho hiện tại là: Tháo vác, phòng hộ của cải bằng nghề chân chính, làm bạn với thiện và sống điều hòa thăng bằng. Và bốn pháp tạo hạnh phúc cho tương lai, đời sau là: Lòng tin, giới đức, bố thí và trí tuệ. Có đủ tám điều như vậy, thì giờ phút nào, ở đâu, chúng ta cũng xứng đáng là Phật tử, không những lợi ích cho chính mình mà còn lợi ích cho nhiều người khác nữa. Cho nên Phật tử muốn hộ trì Chánh pháp phải cần có trí tuệ thì việc làm mới thành tựu viên mãn.

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/169-hoiphap.htm

————————————————————————–

NGƯỜI CƯ SĨ TẠI GIA
HT. Thích Trí Quang

 

Vấn đề “Hộ pháp” được nêu lên trong trường hợp nầy. Nó là vấn đề tự lợi lợi tha mà muốn sống có ý nghĩa và muốn phổ biến ý nghĩa ấy trong mọi tầng lớp và mọi thế hệ, bổn phận chúng ta buộc chúng ta phải có. Muốn”Hộ pháp” – duy trì Phật pháp – thì người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) phải làm gì ?

1. Địa Vị Của Người Tại Gia:

Ngày nay cũng vẫn có những người tại gia nghĩ rằng mình chỉ là những kẻ tùy thuộc trong Phật giáo. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ tự ty phát sinh bởi tinh thần vô trách nhiệm.

Trong Phật giáo, tai gia cũng như xuất gia vốn là một tổ chức cố hữu, do đức Phật quy định. Điều đáng chú ý là trong sự quy định đó, càng cao địa vị người tại gia càng quan trọng.

Trong giáo lý Tiểu thừa, người tại gia chỉ được Dự lưu quả. Từ Thánh quả Nhất lai lên đến Bất lai và Vô sanh thì phải xuất gia mới tu chứng được. Tuy vậy, địa vị người tại gia cũng vẫn không phải không quan trọng., vì dầu ở trong dục lạc mà cũng có thể “thấy được dấu vết của giáo lý”. Cũng trong giáo lý Tiểu thừa, người tại gia giúp đỡ cho người xuất gia đủ điều kiện để truyền bá chánh pháp. Pháp bảo và Tăng bảo tồn tại được là nhờ người tại gia hộ trì. Như vậy, hiển nhiên, địa vị người tại gia là địa vị cần thiết và quan trọng đối với giáo lý Tiểu thừa.

Đối với giáo lý Đại thừa, sự qua trọng ấy lại càng rõ rệt, vì nếu một người tại gia như Giáo lý Tiểu thừa trên mà có phát bồ đề tâm thì tức gọi là tại gia bồ tát. Chỗ khác nhau sâu sắc nhất giữa Tiểu thừa và Đại thừa, là Tiểu thừa quan niệm sự xuất gia tự nó là một cứu cánh rồi, nó thoát ly hẳn những tâm niệm và những hành vi liên hệ với thế gian, nên kết quả, được địa vị La hán là đã thấy hoàn toàn. Đại thừa khác; Giáo lý Đại thừa quan niệm rằng Phật đà mới là giai đoạn tuyệt đích của sự giác ngộ, nên đạt đến đó, tại gia hay xuất gia là những phương tiện đều quan trọng trong mỗi trườg hợp của nó. Cho nên xuất gia hướng thượng, tại gia thiệp thế, tuy bên trọng bên khinh hiển nhiên như thế, nhưng cái tâm chí mong cầu Đại Bồ Đề và cái trách nhiệm giữ gìn Chánh pháp vẫn như nhau. Vì vậy, nếu người Tại gia mà phát Bồ đề tâm, xác nhận và phục vụ trách nhiệm “Hộ pháp” của mình thì cũng được gọi là tu tập Bồ tát hạnh và sẽ trở thành quả vị Phật đà, Trong trường hợp nầy, địa vị của người tại gia mới thật quan trọng với tất cả cái nghĩa của chữ ấy đúng như ý muốn của đức Phật.

Giờ ta quay lại toàn bộ Phật pháp để một lần nữa, nhận thức tính cách hệ trọng của địa vị tại gia. Toàn bộ Phật pháp có thể phân chia ra hai phần: phần “Căn bản” và phần “Hướng thượng”. Phần căn bản là dùng Tam quy Ngũ giới để hoàn thành một tư cách Phật tử đối vói bản thân, đối với gia đình và đối với xã hội. Phần hướng thượng là từ căn bản trên, hướng lên trên đường giải thoát và giác ngộ cho đến tuyệt đích là địa vị Phật đà. Hai phần của toàn bộ Phật pháp, như vậy không những cần thiết cho mỗi người Phật tử mà cón hoàn thành thể Phật pháp, nếu lý luận thế nầy thì chứng tỏ địa vị tại gia cũng quan trọng như địa vị xuất gia; nhưng nếu lý luận rằng trong hai phần của toàn bộ Phật pháp, nếu phần “Căn bản” không được nâng cao và chú ý trước hết thì phần “Hướng thượng” không thành, toàn bộ Phật pháp cũng mất cơ bản, nếu lý luận như vậy thì lại thấy trong bước đầu của Phật pháp, địa vị người tại gia, quan trọng hơn một cách rõ rệt.

Tất cả lý lẽ trên đây chứng tỏ cho ta thấy địa vị người tại gia không phải kẻ tùy thuộc trong Phật giáo. Cho mình là kẻ tùy thuộc, tâm lý ấy không phải tâm lý khiêm nhượng mà thật là tâm tâm lý tự ty và vô trách nhiệm. Phật pháp đã suy tàm vì tâm lý đó. Và rồi đây, cũng vì tâm lý đó, Phật pháp khó mà tồn tại. Vì vậy, nêu lên tính cách quan trọng của địa vị người tại gia lả cho họ thấy cái nhiệm vụ của mình đối với Phật pháp. Người tại gia đã thấy được nhiệm vụ của họ thì tâm lý tự ti và vô trách nhiệm sẽ được trừ bỏ và thay thế vào, họ sẽ thành tâm làm tròn nhiệm vụ của họ. Nhiệm vụ của họ làm tròn thì con người của họ đổi mới, gia đình của họ hạnh phúc và xã hội của họ an lạc, nói tóm, Phật pháp sẽ sáng tỏa, sẽ tồn tại ngay trong cuộc đời. Nhiệm vụ đó là những căn bản cần thiết và cần làm như sự trình bày đại cương sau đây.

2. Người Tại Gia Là Thế Nào?

Việc đầu tiên, Người Tại Gia phải biết cái ý nghĩa của từ ngữ mình đã mang vào đời mình, vì từ ngữ ấy nó rẽ hai đời mình ra và định đoạt cho mình một lý tưởng cùng một cuộc sống theo lý tưởng đó.

Tại gia tức là không thoát ly gia đình, không thoát ly hình thức sinh hoạt của thế gian mà thật hiện cơ bản của Phật pháp vào ngay trong hình thức sinh hoạt đó. Định nghĩa như vậy thật chưa phải đã bao gồm tất cả những điều cần phải biết và cần phải làm của một người tại gia, nhưng, người tại gia, cũng đủ để thấy không phải với những tâm lý hời hợt mà làm một người tại gia được.

Cơ cấu của xã hội loài người là gia đình. Nhưng không phải chỉ một lý do ấy mà đức Phật quy định có một tổ chức tại gia trong hàng Phật tử. Gia đình cũng chỉ là một hình thức sinh hoạt của thế gian. Chính hình thức sinh hoạt hình thức của thế gian mới là vấn đề đức Phật chú ý. Hình thức sinh hoạt nầy, căn bản là con người, nhưng phạm vi của nó cố nhiên bao gồm cả gia đình và xã hội của con người nữa. Hình thức sinh hoạt nầy, đối với đức Phật, ghét bỏ hay ưa thích đều không thành vấn đề; vấn đề là hình thức sinh hoạt đã có mà cái có ấy lại cần phải hóa cải và có thể hóa cải được. Mà người tại gia là những người trực tiếp trong việc hóa cải đó. – Người xuất gia, đối lại, cao hơn, lãnh đạo công việc hối cải của người tại gia. Vì vậy, trong khi đức Phật quy định Phật tử có tổ chức tại gia thì phải có tổ chức xuất gia. – Và chính đó, không tránh bỏ một hình thức dĩ nhiên là hình thức sinh hoạt mà ngược lại, đem Phật pháp để hóa cải hình thức sinh hoạt, đó là cái ý nghĩa của từ ngữ tại gia và là cái lý do tại sao có ra tổ chức nầy.

Hình thức sinh hoạt của đời người (xin nhớ là cả con người và gia đình, xã hội của con người), theo Phật pháp, có hai chiều: Sinh hoạt xuôi chiều theo dục vọng và bản năng mà không có một chút chỉ huy gì của lương tâm và lương tri thì chính đó là tất cả nguyên nhân phá sản sự sinh tồn của con người. Ngược lại, sống một cuộc sống có ý thức, biết tự nghĩ hạnh phúc của mình và nghĩ đến hạnh phúc chung, thì đó chính là sự sinh hoạt đúng với nguyên lý của nó.

– Sống theo chiều thứ nhất thì dầu có dán nhãn hiệu Phật tử vào đời mình cũng vẫn là “người thế gian”.
– Sống theo chiều hướng thứ hai thì sự sống đ8ó tức là đem Phật pháp hoán cải sự sinh hoạt, sống như vậy là một “người tại gia”.

Cho nên khi làm một người tại gia trong hàng Phật tử là ta làm một cuộc tái sanh cho đời ta, rẽ hai đời ta ra, từ bỏ cuộc đời xuôi dàng manh muội, bước vào cuộc sống có lý tưởng chân thật và hữu ích.

Trong Phật pháp không kể vấn đề tuổi tác. Điều kiện cần phải có là hiểu rõ đời mình, hiểu rõ lý tưởng nào đời mình phải có và quan trọng hơn hết là quyết chí sống theo lý tưởng đó. Điều kiện nầy có là có thể làm một người tại gia. Lắm khi mới trên mười lăm tuổi mà đã có thể có đủ điều kiện đó, nhưng trái lại, cũng có lúc điều kiện đó ta không thấy ở một người tuổi tác. Giữa đàn ông và đàn bà cũng vậy. Điều kiện trên không hiếm ở người phụ nữ trong khi phía đàn ông vị tất ai cũng có cả. Cho nên muốn làm một người tại gia, không kể tuổi tác mà cũng không phân biệt đàn ông hay đàn bà. Có đủ điều kiện cần thiết là có thể sống đời sống một người tại gia của hàng Phật tử. Bởi vậy, trong tổ chức người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử), đức Phật đã không hạn chế tuổi tác mà cũng không quy định đàn ông hay đàn bà, giai cấ hay chủng tộc. Tổ chức của người tại gia (tức tổ chức hàng Cư sĩ Phật tử), vì vậy, có hai phần: Đàn ông gọi là Ưu bà tắc, đàn bà gọi là Ưu bà di.

Tuy nhiên, điều kiện rộng rãi như trên đây vẫn không dung những kẻ nầy:

1. Những kẻ “tặc trú”, tức những kẻ trá hình làm người tại gia, lẫn vào Phật pháp để xoay xở, quấy rối hay dó xét.

2. Những kẻ “đạo pháp”, tức những kẻ trá hình làm người tại gia để lợi dụng Phật pháp, ăn cắp lý thuyết của Phật pháp để trang sức cho tư tưởng của mình hay dùng ngay lý thuyết ấy phản công lại Phật pháp.

Ngoài hai hạng mà từ ngữ trong kinh gọi là ”người địa ngục trong Phật pháp” trên đây, trong tổ chức tại gia cũng không thể có những kẻ trẻ tuổi, chưa hiểu biết lý tưởng của người tại gia, chưa đủ năng lực sống theo lý tưởng ấy, hay tệ hơn nữa là tuổi chưa biết nói. Cho nên ngaỳ nay có những người đem con mới đẻ đến chùa quy y, hành động đó thật là vô ý thức và chỉ là bắt chước theo tà ma ngoại đạo. Thâm tâm của họ chỉ vì thương con, nghĩ quy y như thế là bán gởi con cho Ngài để nó được sống còn và đời nó hạnh phúc. Nhưng muốn được như vậy thì chính mình phải cố gắng sống đúng lý tưởng một người tại gia, nghĩa là duy nhất với tam quy, kiên chí trong ngũ giới, chứ đâu phải làm như thế.

3. Mục Đích Của Người Tại Gia

Hiểu được do ý nghĩa nào và điều kiện gì gọi là một người tại gia (một Cư sĩ Phật tử) thì đã biết được đại cương mục đích của người tại gia rồi. Mục đích ấy thực là điều mà mọi người tại gia không thể lơ mơ, vì chẳng có một cuộc sống lý tưởng nào mà không có mục đích và sự nhận thức mục đích ấy.

Đại cương mục đích của người tại gia (tức Cư sĩ Phật tử), như trên đã nói, là “hóa cải sự sinh hoạt”, sự sinh hoạt của con người và gia đình, xã hội của con người. Trước khi đích chỉ thực tế của mục đích nầy, điều cần nhất là người ta phải xác nhận để mà tin tưởng rằng sự sinh hoạt “cần phải hóa cải và có thể hóa cải được”.

Ai muốn nói gì thì nói và đưa chủ nghĩa gì ra để bịp người ta thì đưa, cho ngay đến cả con người đi nữa, có muốn tự lừa dối mình thì lừa dối, nhưng thực trạng của cuộc sống vẫn là một thực trạng hiển nhiên nhất trong các thực trạng, thực trạng ấy là khổ não. Thực trạng nầy phủ nhận đi được thì nước mắt và thở dài đã chẳng có và con người cũng đã chẳng xuất toàn lực ra chống chõi, thế hệ nầy kế tiếp thế hệ khác. Nhưng cũng thế hệ nầy kế tiếp thế hệ khác, cuộc sống của con người cứ ngập chìm trong khổ não. Sanh lão bệnh tử đã làm cho con người được xem như một quá trình của khổ não rồi, cuộc đời ấy lại còn ân ái mà phải biệt ly, oán thù mà phải gặp gỡ, mong cầu mà không thỏa mãn, và ngay nơi nội bộ của bản thân, những gì mà có nó mới gọi là con người có, nhưng chúng thật như những tên giặc lợi hại bậc nhất, quy tụ lại một nơi và tung hoành nơi ta như tàn phá một làng xóm điêu tàn. Khổ vì mưu sanh, khổ bởi lừa đảo, khổ vì nhục nhã, vì oan ức, vì hàng vạn lý do, hầu như cuộc sống đụng đến đâu là nguyên nhân của khổ não ở đấy. Sung sướng? Danh từ ấy chỉ có trong khi đau khổ trá hình mà kẻ đương cục không tự biết, thế thôi.

Trước thực trạng khổ não như vậy, có những người thật tình là thiếu can đảm hơn ai hết, trong khi nước mắt họ ứa ra mà họ lại cười cái cưới “lạc quan” để, trước hết, tự lừa dối mình được từng nào qua ngày từng ấy, trong cuộc sống khổ não của họ, của mọi người. Họ còn đi xa hơn nữa; họ cười khoái trá trước nước mắt đau đớn của đồng loại, bất chấp cái khổ não cho chính họ, họ sống khoái lạc bằng nỗi khổ não của mọi người. Đó là những kẻ lạc quan. Khác với những kẻ nầy, có những kẻ trước khổ não họ chỉ biết cam phận chịu đựng, sống khổ não mà vẫn xuôi dòng theo nguyên nhân gây thêm khổ não. Những kẻ nầy không thể gọi là gì nữa. Không thể gọi là “bi quan”. Danh từ nầy phải để dành cho những người cầu khẩn nơi duy vật, vì họ tuy khác nhau đến chống nhau trong quan niệm, tín ngưỡng, nhưng thật đều giống như những kẻ mở to mắt ra để đi tìm con mắt của chính mình, cuống lên chỗ nầy, hoảng lên chỗ khác, mà lại tự gọi là biết hơn ai cả, và gây thêm sóng gío nhiều nhất trên bể khổ vô biên của người đời.

Người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) không có những thái độ như vậy, dầu chỉ là những thái độ tương tự. Việc trước hết đối với thực trạng khổ não là họ phải tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng ấy. Nguyên nhân ấy họ không trao quyền cho thần linh hay đổ lỗi cho vật chất. Người tại gia xác nhận rằng cái gì của con người là do con người tạo ra. Khổ não của con người cũng vậy, do hành động của con người mà có. Ai làm tội tình nhau ? Ai giết nhau ? Ai làm cho nhau đổ nước mắt, oán hận và trả thù ? Ai, nếu không phải chỉ con người với con người ? Nhưng, những gì đã do cong người với con người gây ra thì những cái ấy con người với con người có thể diệt sạch đi được. Hiểu rõ như vậy tức xác nhận rằng khổ não của cuộc sống là do hành vi manh động, hành vi ấy cần phải hóa cải và có thể hóa cải được. Mọi việc đều do con người sắp thì cũng do con người xóa. Và con người có thể xóa được để thay vào đó những thứ mà cuộc sống con người cần thiết và mong mỏi, nếu con người can đảm nhận kẻ thù chính của đời mình là khổ não và quyết chí chiến đấu để diệt trừ khổ não đó.

Nói tóm, hóa cải đời sống bằng cách diệt nguyên nhân của khổ não, đó là mục đích mà tất cả tổ chức Phật tử đều theo đuổi, trong đó tổ chức tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) là một. Mặt phải của mục đích nầy, chúng ta cần nói thêm là để làm cho đời sống an lạc, đồng thời, chiều cao của mục đích nầy chúng ta cần phải nói rõ là muốn làm cho đời sống được giác ngộ và cuối cùng, đạt đến địa vị Vô thượng giác.

Mục đích trên đây, người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) nhắm nó một cách thực tế vào con người của mình. Phải làm sao tạo cho mình một nhân cách xứng đáng với danh nghĩa của con người, phải làm sao cho nhân (gia đình) và đồng loại (xã hội) của mình cũng như mình, đó là mục đích cơ bản của người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử). Mục đích nầy mà đạt được – và chỉ do mục đích nầy mà thôi – mới hóa cải được hình thức sinh hoạt của mình, thật hiện cho mình, cho cả gia đình và xã hội của mình nữa, một hạnh phúc đúng nghĩa của nó và không bao giờ tan rã, hạnh phúc do diệt trừ nguyên nhân khổ não mà có chứ không phải là cái bánh vẽ của bàn tay tàn ác và gian ngụy.

4.Nhiệm Vụ Hộ Pháp Của Người Tại Gia

Con người là căn bản của gia đình và xã hội loài người, tất cả mọi vấn đề đều do con người phát sanh và đều phát sanh vì con người, bởi vậy, muốn đổi mới tất cả, căn bản là con người không thể không tự đổi mới trước hết bằng Phật pháp. Đó là một kết luận. Kết luận đó làm một lý do chắc chắn chứng minh một kết luận nữa: Như vậy, con người tuyệt đối phải có trong gia đình và xã hội loài người thì với con người ấy, Phật pháp tuyệt đối phải có và tuyệt đối phải được bảo vệ. Vấn đề “Hộ pháp” được nêu lên trong trường hợp nầy. Nó là vấn đề tự lợi lợi tha mà muốn sống có ý nghĩa và muốn phổ biến ý nghĩa ấy trong mọi tầng lớp và mọi thế hệ, bổn phận chúng ta buộc chúng ta phải có.
Muốn”Hộ pháp” – duy trì Phật pháp – thì người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) phải làm gì ?

a. Phải áp dụng Phật Pháp vào đời sống của mình.

Đó là công việc căn bản. Vì Phật pháp gọi là còn, không phải còn ở ngoài chúng ta mà phải ở chính trong con người của mình. Đó là chưa kể rằng muốn duy trì Phật pháp thì phải phổ biến ra cho mọi tầng lớp và cho tất cả thế hệ mai hậu, mà muốn vậy thì vấn đề “phải làm để làm gương mẫu” là một nguyên tắc không thể thiếu được. Cái thành kiến quái gỡ cho rằng “tôi phải hy sinh sự tự lợi của tôi cho sự lợi tha” cũng sẽ phải tan rã vì nguyên tắc nầy, bởi vì không có sự lợi tha nào đúng nghĩa từ ngữ ấy mà thiếu tự lợi tức sự áp dụng Phật pháp trước hết, hay đối lại, cũng chẳng có một sự tự lợi nào đúng nghĩa của danh từ ấy mà không vì mục đích lợi tha tức vì lợi ích chung mà áp dụng Phật pháp.

b. Phải luôn luôn tỏ ra mình là người Phật tử.

Thật là một lỗi lầm đáng khinh bỉ khi một người đã sống trong Phật pháp vô thượng mà không thẳngthắn bộc lộ ra. Họ bảo như thế để mọi người thấy mình không cố chấp tín ngưỡng của mình, nhưng họ biết đâu rằng cố chấp là một việc mà thành thực lạ là một việc khác. Không thành thực bộc lộ tư cách Phật tử của mình ra thì làm sao cảm hóa người được. Họ lại còn đi hợp tác với ngoại đạo tà ma. Họ bảo để tỏ tư cách quảng đại của Phật tử, nhưng lời ấy chỉ là che đậy những lý do lấy Đạo làm bàn đạp cho lợi lộc cá nhân của mình mà htôi, chứ Phật tử sao đi hợp tác với ngoại đạo ? Như thế, Tam quy mà họ đã thọ, làm sao còn được ? Họ lại càng ngây ngô mà trở lại công kích trong nhà không biết tổ chức, trong khi đó họ đem năng lực đáng lý phải góp vào công việc tổ chức đó mà hợp tác với tổ chức khác. Bởi vậy, khi xác nhận Phật pháp là Vô thượng và chỉ hoạt động cho Phật pháp mà thôi mới là công cuộc hữu ích cho con người đúng với cái nghĩa của danh từ ấy, thì họ phải luôn luôn tỏ ra mình là Phật tử trong tất cả mọi trường hợp, bằng mấy cách bắt buộc sau nầy:

b.1 Thường đeo tượng Phật và kính trọng, thân mến với người đồng đạo.

b.2 Thường phải ăn chay và đi chùa mỗi tháng hai ngày, dầu gặp tiệc tùng hay lý do sanh sống cũng không được tạm bỏ.

b.3 Góp của và góp sức vào trong các tổ chức của Phật pháp để làm những công việc hữu ích.

b.4 Khước từ thực sự những sự hợp tác với ngoại đạo tà ma và trừ khử những cử chỉ rụt rè thái độ chạy chối và thụ động.

Mọi người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) phải nhớ rằng xã hội nào người ta cũng chỉ dung và hơn nữa, chỉ cảm hóa vì những người thành thực trong tín ngưỡng của mình. Trái lại, không ai mà không khinh bỉ và nghi kỵ những kẻ kém thành thực. Phải nhớ như vậy để – trút bỏ đi những ý nghĩ vơ vẫn về những sự nguy hiểm tưởng tượng. Nói tóm, tỏ ra mình là Phật tử chính là duy trì Phật pháp rồi đó. Ngược lại, sự tỏ ra đó thiếu đi thì ý thức Phật tử đả không còn nữa mà ý thức nầy không thì luôn theo đó, tất cả những gì của Phật tử phải có, họ sẽ quên mất hết.

c. Phải có tinh thần chịu trách nhiệm và trừ bỏ sự tự ty mặc cảm.

Tự ty mặc cảm là tự nghĩ mình thấp kém, tùy thuộc, chứ không phải chủ động. Nhưng trái lại, thực tế chứng tỏ sự duy trì Phật pháp trong gia đình và xã hội, người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) là người chủ động mà lại là chủ động trực tiếp. Bởi vậy, Phật pháp còn hay không còn trong gia đình và xã hội là trách nhiệm trực tiếp của người tại gia. Thực tế nầy nó kêu gọi người tại gia hãy bỏ cái thành kiến cho rằng Phật pháp quan trọng ở các Thầy và bắt buộc người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) phải có tinh thần chịu trách nhiệm, cái trách nhiệm duy trì Phật pháp để hóa cải bản thân, hóa cải gia đình và xã hội. Trách nhiệm ấy cũng không riêng gì đối với Phật pháp; vì sự hóa cải cần phải có nên mọi tầng lớp, mọi thế hệ đòi hỏi người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) cái tinh thần trách nhiệm ấy.

d. Phải hành động tích cực và thực tế.

Vấn đề “Hộ pháp” quan trọng và hợp lý như vậy nó bắt buộc người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) phải có những hoạt động tích cực, thực tế, một cách tế nhị. Phải chống trả với mọi mưu mô ở ngoài và mọi xu hướng ở trong nếu những mưu mô và những xu hướng ấy không làm hại Phật pháp trong hiện tại cũng như làm hại về sau. Và tự mình, mình phải thắng những gì ở mình mà chính nó có thể lôi kéo mình vào những hành động phản bội Phật pháp. Phải tự giác mãnh liệt và đừng lòa mắt vì mối lợi nhãn tiền hay lo sợ vu vơ cái hại trong tư tưởng. Phải chống trả với những gì mà mình biết không trực tiếp cũng gián tiếp, không ngày nay cũng ngày mai, không có thiện ý đối với sự sinh tồn của Phật pháp. Tất cả những lý lẽ trên nầy nó thiết tha kêu gọi sự hoạt động tận lực của chúng ta, to từ việc xả bỏ thân mạng, nhỏ đến việc bỏ ra từng đồng xu, tất cả tiềm lực nào mình có, mình không từ. Do ý thức nầy, người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) phải bỏ cái thành kiến hiện giờ vẫn còn vương trong tư tưởng một số đông, rằng việc Đạo phải có tài và có sức. Nhưng cái tài hưởng ứng cũng cần thiết như cái tài hướng đạo, cái sức tùy hỷ lại cần hơn cái sức đồ sộ, bởi vì một bên chỉ có một thiểu số mà một bên là một hậu thuẩn hùng hậu. Cho nên những công việc vặt và những đồng bạc nhỏ, đối với Đạo, lúc nầy, mới thật là quý giá; chúng nó là những tấm lòng thành thực và sẽ góp thành một lực lượng to lớn. Và chỉ có vậy mới thật là hoạt động thực tế của tín đồ và cố nhiên cũng chỉ có vậy mới duy trì Phật pháp được trong tất cả mọi tầng lớp.

Nói tóm, vấn đề “Hộ pháp” nó quan trọng ở chỗ người tại gia (tức hàng Cư sĩ Phật tử) thành thực bộc lộ tín ngưỡng của mình và có tinh thần gánh vác trách nhiệm, phối hợp với những hoạt động dù nhỏ nhưng thực tế, dũng mãnh. Chính đó, Phật pháp sẽ càng ngày càng xán lạn huy hoàng, không những với những hình thức đồ sộ mà còn với những sự cải hóa tốt đẹp đối với toàn diện của đời sống con người.

(Trích trong tập Người Tại Gia của Hòa thượng Thích Trí Quang)
Nguồn: Nguyệt san Liên Hoa/ Thư Viện Hoa Sen
 
—————————————————————————————————————————————–
 

Tăng đồ nhà Phật (Hán Việt)

CƯ SĨ TẠI GIA
http://rongmotamhon.net/xem-sach_CU-SI-TAI-GIA_qllklcd_show.html

Tăng đồ nhà Phật (Hán Việt) - CƯ SĨ TẠI GIA

Cư sĩ tại gia, hay chỉ thường gọi là cư sĩ, tức là những thiện nam tín nữ tin theo Phật, đã thọ Tam quy và Ngũ giới. Vào thời đức Phật, ngài vẫn gọi chung hết thảy đệ tử của mình là Bốn chúng. Trong bốn chúng đó, có hai chúng xuất gia là tỳ-kheo và tỳ-kheo ni, và hai chúng tại gia là ưu-bà-tắc và ưu-bà-di. Ưu-bà-tắc tức là hàng cư sĩ nam giới, có khi cũng gọi là cận sự nam, và ưu-bà-di là cư sĩ nữ giới, có khi cũng gọi là cận sự nữ.

Cư sĩ tại gia là những người mộ đạo, nhưng không thọ đại giới nên không kể vào giáo hội Tăng-già. Bởi thế, họ không được đứng ngang hàng với tăng sĩ trong những kỳ Đại hội, khi tuyên đọc Giới bổn, hoặc khi tụng đọc kinh điển. Họ chỉ được dự những ngày lễ cúng, những buổi thuyết pháp, dâng cúng lễ vật, cầu nguyện, lễ Phật, và được nghe chư tăng giảng giải đạo lý.

Cư sĩ tại gia ít nhất cũng đã thọ lễ quy y, nghĩa là được một vị tăng sĩ chứng minh cho trong một buổi lễ chính thức phát nguyện quy y Tam bảo. Đó là quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng. Phát nguyện quy y rồi, các vị này nhận một vị tăng sĩ làm bổn sư của mình, và được vị này truyền cho Năm giới, tức là năm điều răn dạy giúp cho cuộc sống trở nên chân chính, đúng đắn. Cư sĩ giữ được trọn vẹn năm giới thì tự nhiên mọi điều cao quý khác cũng dần dần đạt được. Năm giới ấy là:

1. Không sát sanh
2. Không trộm cắp
3. Không tà dâm
4. Không nói dối
5. Không uống rượu

Ngoài ra, cư sĩ đã thọ năm giới rồi thì cũng được khuyên nên tránh không buôn bán năm thứ này: khí giới, con người, các loại thịt, rượu và thuốc độc.

Đôi khi Năm giới được hiểu là năm giới cấm. Hiểu như vậy, ban đầu không thấy gì là khác biệt. Nhưng với người học Phật lâu năm thì có chỗ trở ngại không hay, vì không hoàn toàn phù hợp với tinh thần Phật giáo.

Giới tức là ngăn ngừa. Ngăn không cho làm điều này hoặc điều khác, nghĩa là giữ cho sự việc đừng xảy ra. Cấm cũng là không cho làm, cũng là giữ cho sự việc không xảy ra. Nhưng ngăn ngừa không phải là cấm. Bởi ngăn ngừa ở đây tức là chỉ ra cho người ta biết phân biệt đúng sai, hay dở, để họ có thể tự mình tránh xa điều xấu mà không làm. Nên Năm giới cần được hiểu là năm điều răn dạy thì mới đúng. Như hiểu là cấm, tất nhiên kẻ phạm vào phải bị trừng phạt. Nhưng theo cách hiểu của Phật giáo thì kẻ làm ác gặp ác, không phải là sự trừng phạt mà chỉ là theo quy luật nhân quả tất yếu. Không có một đấng tối cao nào có quyền lực phán xét, trừng phạt chúng ta, chỉ có chính hành vi của ta sẽ dẫn đến những kết quả tốt hay xấu cho ta mà thôi. Vì thế, đức Phật chưa bao giờ nói cấm các đệ tử của ngài làm điều này, điều khác… mà chỉ khuyên dạy chúng ta không nên làm điều này hoặc điều khác mà thôi.

Có một sự khác biệt khá lớn về mặt tâm lý giữa hai khái niệm này. Khi người cư sĩ hiểu rằng mình đã thọ nhận năm điều cấm làm, họ sẽ có cảm giác nặng nề, căng thẳng hơn là năm điều không nên làm. Bước đầu thọ giới, điều thực tế là trong đời sống trần tục, không sớm thì muộn một cư sĩ cũng sẽ có lúc nào đó phạm giới, như nói dối, uống rượu… chẳng hạn. Với tâm lý của người phạm vào điều cấm, sẽ dễ nảy sinh sự sợ sệt, tự ti, mặc cảm. Ngược lại, khi nghĩ rằng mình đã không làm đúng với một điều răn dạy, người ấy sẽ phát sinh lòng ăn năn hối lỗi, muốn phục thiện và sẽ cầu được sám hối để không tái phạm. Nói như vậy, không phải là tạo sự dễ dãi, khuyến khích người phạm giới, nhưng thật ra đó chính là hiệu quả thiết thực của Năm giới trong việc hoàn thiện con người.

Cư sĩ thọ giới rồi, quá trình giữ giới cũng tự nhiên trải qua nhiều thứ bậc. Ban đầu, phải luôn ghi nhớ trong tâm trí mình những điều đã được truyền dạy. Khi dự một cuộc vui, phải nhớ mình đã thọ giới không uống rượu. Trong việc giao dịch buôn bán, dù muốn được lợi nhiều, cũng phải nhớ mình đã thọ giới không nói dối… Cứ như vậy, nhất cử nhất động hàng ngày đều phải tự ngăn ngừa mình, không cho phạm vào những giới đã thọ trì.

Tại sao phải như vậy? Đó là vì cái thói quen đã huân tập từ rất lâu ngày trước lúc thọ giới, hầu như hết thảy đều là phạm giới. Chỉ cần trong khi tán chuyện với bạn bè, dù chỉ để cho câu chuyện thêm phần vui tai, hấp dẫn, ta cũng không ngại gì mà không thêm thắt, sửa đổi một đôi điều. Mà nay thọ giới rồi thì việc ấy là không nên làm nữa, huống chi là nói dối để lừa gạt người? Lại như trước đây, gặp người vợ của bạn mình nhan sắc xinh đẹp, cợt nhã một đôi câu cũng là chuyện thường, mà lại rất thích ý nữa. Nay thọ giới rồi, chuyện ấy cũng không nên làm nữa. Vì vậy, mỗi mỗi việc làm khi đã thọ giới rồi đều phải suy xét thận trọng, không thể bừa bãi, phóng túng như xưa.

Vậy nên người nghiêm túc giữ giới thì chỉ trong thời gian ngắn có thể thay đổi rất đáng kể những thói hư tật xấu lâu ngày của mình, có thể tạo ngay được không khí an ổn, hòa dịu trong gia đình cũng như trong quan hệ giao tiếp xã hội.

Người kiên trì thọ giới lâu ngày lại có những thay đổi khác nữa. Vì đã thuần thục nên chẳng còn phải suy nghĩ nhiều đến giới. Nhất cử nhất động khi ấy đều tự nhiên phù hợp với Năm giới mà không cần phải suy nghĩ, ngăn ngừa. Mở miệng chỉ nói lời chân thật, không có sự suy nghĩ rằng “Ta đang giữ giới không nói dối.” Thấy rượu tự tránh, không hề phải suy nghĩ rằng “Ta đang giữ giới không uống rượu.” Mọi việc thảy đều như thế, nên dù không nghĩ đến mà không hề phạm giới. Giữ giới được đến mức này thì thân tâm tự nhiên đoan chánh, người chung quanh tự khắc phải nhận ra, biết ngay đây là bậc đức độ, thanh tịnh.

Người thọ trì Tam quy và giữ trọn Năm giới thì vĩnh viễn không bị đọa vào các đường ác. Người ấy dù sống ở đâu cũng được các vị hộ pháp, thiện thần bảo vệ che chở. Đó gọi là sự cảm ứng, không có gì là huyền hoặc cả. Ngày nay, cư sĩ thọ Năm giới về hình thức thì rất nhiều, nhưng người thực sự thọ trì không có là bao. Những kẻ chỉ giữ giới qua loa tùy tiện, nay hủy mai phạm thì làm sao có thể biết được sức vi diệu của Năm giới?

Mặt khác, các vị tăng sĩ truyền giới cho cư sĩ ngày nay phần đông rất dễ dãi, tùy tiện, nên người thọ giới cũng không ý thức hết được tầm quan trọng của việc thọ giới. Có những người cho con cái nhận lễ Quy y, thọ Năm giới từ lúc một hai tuổi, chúng đã biết gì để thọ trì? Đến khi lớn lên lại cứ nghĩ mình đã quy y, đã là Phật tử rồi, nên không để tâm đến việc thọ giới nữa, làm sao có được sự lợi ích của người trì giới? Phần nhiều các lễ quy y truyền giới cũng được tổ chức có phần nghi lễ, mà không chú trọng nhiều đến sự giáo huấn, giảng giải cho cư sĩ có được cách hiểu đúng đắn. Bước khởi đầu như vậy nên kẻ thọ giới rồi tùy tiện hủy phạm cũng là điều dễ hiểu.

Phần đông cư sĩ không hiểu được trọn vẹn những bổn phận của mình. Tuy họ thọ nhận Năm giới nhưng phần lớn vẫn nghĩ rằng đi chùa cúng Phật là để chuộc tội. Họ đem tiền bạc, đồ vật đến dâng cúng nơi Phật đường, nên nghĩ rằng tội lỗi của mình sẽ được ân xá! Để làm cho cư sĩ hiểu đúng ý nghĩa của việc đi chùa, lễ Phật, và biết tự soi rọi lại mình mà bỏ ác làm lành, quả là trách nhiệm rất nặng nề của các vị tăng sĩ thọ nhận cúng dường vậy.

Từ xưa tới nay và có lẽ mãi mãi về sau nữa, hàng cư sĩ luôn tôn trọng các bậc xuất gia. Người cư sĩ bận lo việc mưu sinh, chuyện cơm áo lúc nào cũng thúc bách, lại còn những quan hệ ràng rịt của gia đình, rõ ràng là nghiệp lực còn nặng nề nên chưa thể thảnh thơi chọn con đường xuất gia. Vì vậy, họ rất kính phục đức hiền từ, tâm giải thoát, và sự giáo huấn, chỉ bày của tăng sĩ. Họ vẫn tự biết rằng muốn sống cuộc sống xuất gia không phải dễ, phải đoạn dứt biết bao điều mà kẻ thế tục không sao dứt bỏ. Họ cũng biết thiên chức của tăng sĩ là thanh cao, luôn tâm niệm những điều từ bi hỷ xả. Các ngài đã đủ ý chí quyết tâm rời bỏ đời sống ái dục gia đình, không màng công danh, lợi lộc nơi cõi tục. Họ cũng biết rằng trí huệ và đức độ của những bậc xuất gia là cao cả, có thể cứu vớt, nâng đỡ họ trong cơn nạn khổ, suy sụp về tinh thần. Vì vậy, họ rất chuộng việc cúng dường cho chư tăng và Giáo hội. Với lòng cung kính, họ cúng dường, chu cấp đủ các thứ cần dùng, hoặc riêng cho từng vị tăng, hoặc chung cho cả nhà chùa. Họ chỉ suy nghĩ đơn giản là lập chút công đức để đời sau được hưởng sự sung sướng về vật chất và tinh thần.

Được sinh làm người, có hai điều nên làm. Người đủ điều kiện thì nên cố gắng đạt đến trí huệ bằng cách học đạo tham thiền. Người không làm được như vậy, thì nên đem lòng từ bi bố thí tài vật cho chúng sanh tùy theo khả năng mình. Làm như vậy sẽ dẹp bỏ được tâm tham lam, lại tạo được phước đức để đời sau sinh ra sẽ có đủ điều kiện dễ dàng mà theo đường tu tập.

Người cư sĩ đa số chọn con đường bố thí và cúng dường. Chỉ trừ khi tăng sĩ không giữ được vai trò cao cả của mình, thì cư sĩ mới chê trách mà xa lánh. Chứ như các bậc nghiêm trì giới luật thì hết thảy ai ai cũng đều kính mộ mà tìm đến cúng dường. Dù rằng các vị cao tăng vốn chẳng ham tài vật, của cải, nhưng thiện nam tín nữ tự nhiên cảm đức các ngài mà muốn mang đến dâng cúng rất nhiều. Chính vì vậy mà xưa kia các ngài mới có thể lập nên những cảnh chùa nguy nga đồ sộ mà ngày nay ta vẫn còn thấy ở nhiều nơi trong cõi Ấn Độ, nhất là tại thành Ba-la-nại và xứ Dà-da.

Lại như trong lịch sử còn ghi chuyện vua A-dục hết lòng mộ đạo, cho đến mang vàng bạc, châu báu trong kho mà dâng cúng cho Giáo hội. Vào thế kỷ thứ sáu, lúc đạo Phật bắt đầu hưng thạnh ở Trung Hoa, vua Lương Võ Đế cũng là một vị cư sĩ rất nhiệt thành, từng cất chùa, xây tháp, cúng dường cho Giáo hội, bố thí cho nhân dân và khuyên bá tánh quy y Tam bảo. Vua Võ Đế và vua A-dục là hai vị hộ pháp chân chính của Giáo hội Tăng-già ở Trung Hoa và Ấn độ vậy. Còn như ở nước ta, xem lại lịch sử các đời Lý, Trần, thì thấy các bậc quốc vương đa số đều mộ đạo, cúng dường và hỗ trợ cho chư tăng rất mạnh mẽ.

Bố thí, cúng dường là những việc cư sĩ nên làm và dễ làm, vì có thể tùy theo khả năng của mình. Dù ít dù nhiều đều là những hạt giống lành, sẽ đi theo mình chẳng thể nào mất được. Tuy nhiên, ngoài việc bố thí, cúng dường, người cư sĩ cũng cần phải biết chọn cho mình một pháp môn mà tu tập nữa.

Việc tham thiền nhập định tuy không phải là không làm được, nhưng quả là rất khó khăn đối với kẻ đang sống cuộc sống gia đình. Vì vậy, ngày xưa đức Phật cũng đã lường trước được những khó khăn của chúng sanh trong thời mạt pháp, tức là khi mà đạo đức nhiễu nhương, chánh tà lẫn lộn. Ngài có dạy rằng, thiện nam tín nữ ai có lòng thành, chí tâm niệm đức Phật A-di-đà thì sẽ được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Phật A-di-đà. Những người thấy phù hợp mà chọn tu theo pháp môn niệm Phật đã lập nên một tông phái gọi là Tịnh độ tông.

Con người đời nay mê đắm trong vật chất, suy sụp tinh thần, không còn mấy ai đủ sức trí tuệ mà tham thiền nhập định, vì vậy mà Tịnh độ tông phát triển rất mạnh. Chẳng những cư sĩ, mà tăng sĩ cũng thế, đều dốc lòng niệm Phật, vì thấy rằng pháp môn này quả là rất phù hợp với những điều kiện của thời đại ngày nay.

Khi nói đến việc niệm Phật A-di-đà để cầu được vãng sanh cõi Phật, có nhiều người thấy là rất khó tin. Chính trong kinh A-di-đà, Phật cũng đã nói rõ rằng đây là một pháp môn rất khó tin nhận. Tuy nhiên, nếu ai quyết chí thực hành thì chẳng cần đợi đến khi vãng sanh cõi Phật, mà ngay ở đời này cũng đã tạo được cho mình một niềm tin sâu vững rồi.

Tại sao vậy? Chính trong khi đem hết tâm trí mà chí thành niệm Phật, người tu tự nhiên sẽ lắng đọng được hết thảy mọi vọng niệm, trừ diệt được tất cả mọi thứ phiền não, ô trược. Nhờ vậy mà tự nhiên nảy sanh được lòng tin sâu vững nơi đức Phật A-di-đà và dứt bỏ được lòng tham lam, ái luyến đối với cõi thế tục này. Lúc đó thì tự nhiên cõi tịnh độ liền hiện ở trong tâm, và người niệm Phật có thể chắc quyết mình sẽ vãng sanh về cõi Phật.

Sở dĩ pháp môn niệm Phật được xem là dễ thực hành và phù hợp hơn với người thời nay, là vì pháp môn ấy kết hợp được cả hai mặt tự lực và tha lực.

Tự lực, ấy là sức mạnh của chính mình, lòng quyết tâm tu tập, hành trì không nản chí, chí thành niệm Phật không hề để cho sự biếng nhác, trì trệ ngăn cản, cũng không để cho những tham dục, ái luyến lôi kéo. Tự lực có mạnh thì mới có sự tu tập bền bỉ, mới chống lại được sự cám dỗ của những tham muốn thế tục.

Tha lực, là sức tin vào nguyện lực của Phật A-di-đà. Vì Phật A-di-đà từ khi còn làm Bồ Tát đã có nguyện rằng, khi ngài thành Phật, tất cả những chúng sanh nào chí thành niệm danh hiệu ngài đều sẽ được tiếp dẫn về cõi nước Cực Lạc của ngài.

Nếu đem so pháp môn niệm Phật với việc tu thiền chẳng hạn, thì sẽ thấy khác biệt rất nhiều. Người tu thiền phải hết sức tinh tấn, dựa vào sức mình là chính, vượt qua hết thảy mọi chướng ngại mà đạt đến giải thoát. Ấy là pháp môn rất phù hợp với những bậc thượng căn đại trí. Còn kẻ trí thô đức mỏng, quả thật là sẽ rất khó khăn. Trong khi ấy, người tu niệm Phật có thể tùy sức của mình mà dần dần tu tập, lại được sự gia hộ độ trì của đức Phật, nên có thể tin chắc vào việc được giải thoát.

Thử làm một so sánh nhỏ. Người tu thiền giống như kẻ học bơi để bơi qua con sông rộng. Nếu bền chí và đủ sức lực thì tất sẽ vượt qua được. Còn người tu pháp môn niệm Phật như người nhờ ghe thuyền mà sang sông. Dù không được mạnh mẽ lắm, chỉ cần quyết chí sang sông tất cũng có thể sang được. Ghe thuyền, ấy chính là sức hộ niệm của đức Phật. Nhờ sức ấy mà người tu dễ dàng hơn trong việc đạt đến chỗ giải thoát.

Người cư sĩ sau khi đã quy y Tam bảo, nếu vun đắp được niềm tin ngày càng sâu vững, giữ trọn được Năm giới đã thọ nhận, thì tự nhiên sẽ cảm nhận được sức cảm hóa rất vi diệu của Phật pháp, lại nếu biết chọn pháp môn niệm Phật để hành trì thường xuyên, thì chắc chắn sẽ trừ diệt được hết thảy phiền não, khổ ách. Đạo Phật là đạo giải thoát. Và sự giải thoát ấy là dành cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ dành riêng cho những bậc xuất gia.

Cư sĩ tuy còn nhiều vướng bận trong cuộc sống gia đình, nhưng nếu quyết lòng tu học và thực hành Phật pháp thì cũng sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp, ngày càng hướng đến một cuộc sống cao thượng, thanh thoát hơn.

——————————————————————————————————

THERAVĀDA – PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

CƯ SĨ GIỚI PHÁP

Tỳ kheo Giác Giới (Bodhisīla Bhikkhu) biên soạn

PL. 2550 – TL. 2006

http://www.hoavouu.com/a7034/4-bon-dieu-hanh-phuc-cua-cu-si

CHƯƠNG IICÁC PHÁP MÔN THUYẾT CHO CƯ SĨ

II.4. BỐN ĐIỀU HẠNH PHÚC CỦA CƯ SĨ 

Đức Phật đã thuyết cho trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc) về bốn điều hạnh phúc của người tại gia. 

1- Hạnh phúc sở hữu (Atthisukha), là niềm an lạc do phát sanh tài sản hợp pháp, bằng sự nỗ lực siêng năng làm nghề nghiệp. Khi nghĩ đến sự sở hữu tài sản một cách chân chính như vậy, người cư sĩ cảm thấy hạnh phúc.

2- Hạnh phúc hưởng thụ (Bhogasukha), là niềm an lạc do thọ hưởng tài sản của mình đã có, nuôi bản thân, nuôi gia đình và làm các công đức. Khi nghĩ đến sự thọ hưởng những tài sản tự tạo ra như vậy, người cư sĩ cảm thấy hạnh phúc.

3- Hạnh phúc không nợ nần (Anaṇasukha), là niềm an lạc do không bị mắc nợ ai dù ít hay nhiều. Khi người cư sĩ trong gia đình biết sống tri túc, vừa với sự thu nhập, không để bị thiếu nợ; người ấy được thoải mái hạnh phúc, không có lo lắng hồi hộp. 

4- Hạnh phúc không lỗi lầm (Anavajjasukha), là niềm an lạc do không làm điều tội lỗi, thân hành không phạm tội, khẩu hành không phạm tội, ý hành không phạm tội, phạm tội đối với luật nghiệp báo và đối với luật quốc độ. Khi người cư sĩ sống không vi phạm lỗi lầm như vậy, tâm tư an ổn, hạnh phúc, không bị đau khổ lo sợ. 

Trong bốn điều hạnh phúc này, điều “Hạnh phúc không lỗi lầm” là điều hạnh phúc có giá trị cao nhất. — A.II.69

Les commentaires sont fermés.