Points clés bouddhistes

Tam Huệ

Văn Huệ : Sách Kinh

Tư Huệ : Tư duy

Tu Huệ : Hạnh

Trí Truệ Báp dế (Kẹo trến báp dế)

Tam Huệ Học và Trí Tuệ

Tuy được dịch từ nhiều danh từ Phạn ngữ có nghĩa sai khác, nhưng tồn trung đạo Phật chia trí tuệ ra làm hai loại là Căn bản trí và Hậu đắc trí.

1)Căn bản trí: là giác tính minh diệu mà mỗi chúng sinh vốn đã có sẵn nhưng vì bị vô minh phiền não che lấp nên chưa phát chiếu ra được. Có thể ví căn bản trí như chất vàng còn nằm trong quặng lẫn lộn với đất, cát, sỏi, đá.

2)Hậu đắc trí là trí tuệ có được nhờ công phu tu tập như trì giới, thiền định…Hậu đắc trí bây giờ được xem như là vàng nguyên chất, không còn lẫn lộn với đá, sỏi tức là không còn phiền não khổ đau.

Theo Duy thức học, khi chúng sinh chứng quả vị Đẳng giác tức là được giác ngộ hoàn toàn có nghĩa là đạt được Hậu đắc trí thì tám thức sẽ chuyển thành bốn trí. Đó là:

1)A-Lại-Da thức còn gọi là thức thứ tám có tác dụng chấp trì sanh mạng và chủng tử sẽ đạt đến địa vị vô lậu và biến thành “Đại viên cảnh trí” tức là trí sáng như tấm gương lớn và tròn đầy, tượng trưng cho biển cả chơn như.

2)Mạt-Na thức còn gọi là thức thứ bảy có tác dụng là chấp ngã sẽ biến thành “Bình đẳng tánh trí” tức là trí có năng lực nhận thức tính bình đẳng và vô ngã của vạn pháp.

3)Ý thức còn gọi là thức thứ sáu có tác dụng là phân biệt sẽ biến thành “Diệu quan sát trí” tức là trí có năng lực quan sát thâm diệu.

4)Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức và Thân thức là năm thức cuối cùng trong sáu thức sẽ biến thành “Thành sở tác trí” tức là trí có năng lực nhận thức cùng khắp và rất thần diệu.

Trí tuệ tuy mang nhiều danh từ khác nhau như thế nhưng tựu trung trí tuệ có nhiệm vụ tối hậu là tận diệt vô minh để chúng sinh có thể nhận chân được chân lý. Đó là luật nhân quả, luật vô ngã và luật vô thường để thấy cõi đời chỉ là thành, trụ, hoại, không để đưa con người đến chổ khổ đau.

Trí tuệ đóng vai trò tối quan trọng trong lý tưởng giải phóng con người ra khỏi mọi hệ lụy khổ đau. Chính Đức Phật đã chế ra nhiều pháp tu mà trong đó tam huệ học là Văn, Tư, Tu và tam vô lậu học là Giới, Định, Tuệ là những phương pháp thường được nhắc nhở và thực hành nhiếu nhất.

Vậy trong tam huệ học, trí tuệ phát sinh như thế nào?

1)   Văn huệ: là do tai nghe âm thanh, mắt thấy văn tự, kinh điển của Phật để nhận hiểu mà phát sinh trí tuệ.

Trong suốt 49 năm hoằng dương Giáo Pháp của Đức Phật, có rất nhiều người đắc quả Thánh hay ngộ được chân lý khi nghe Ngài thuyết Pháp. Không những thế, ngay cả hàng Thanh Văn tức là A La Hán cũng độ được rất nhiều người vào cõi Thánh. Ngày nọ có vị Tỳ kheo ni tên là Patacara đến rửa chân nơi một dòng suối. Đang khi bước lên bờ thì bà thấy những giọt nước từ bàn chân của bà nhỏ xuống theo dòng nước trôi đi và biến mất. Cứ như thế mà bà suy tư sự biến đổi không ngừng của hiện tượng và bổng trực nhận được lý vô thường của vũ trụ. Trong kinh điển cũng có ghi chép rất nhiều trường hợp như có một hành giả có thể nghe một tiếng chim hót, hoặc thấy một chiếc lá rơi, một ngọn đèn phựt tắt, hay nhìn những bong bóng nước vỡ tan trên mặt hồ mà chứng ngộ được chân lý.

Có người cho rằng nếu nghe nhiều mà không suy luận để phân biệt chân, hư và không thực hành theo chân lý thì trí tuệ không bao giờ phát sinh! Đây là trường hợp của tôn giả A Nan. Chính tôn giả A Nan đã làm thị giả cho Đức Phật rất nhiều năm và nhờ nhân duyên nầy mà Ngài là người nghe nhiều học rộng nhất trong số đại đệ tử của Phật. Thế thì tại sao Ngài không đắc đạo trong lúc Đức Phật còn sinh tiền? Sở dĩ tôn giả A Nan không đắc đạo quả khi Phật còn tại thế  là vì chưa thực hành đúng theo những gì Ngài đã học hỏi được. Đó là phải quay về với nội tâm của mình để thấy được tánh giác thanh tịnh mà đã bị vọng trần và vô minh che lấp. Nhưng chính nhờ kiến thức uyên bác đó, về sau giúp Ngài chứng ngộ con đường giải thoát và ngày nay hầu hết các kinh tạng mà chúng ta có được đều do chính tôn giả tụng thuật lại. Như thế Ngài đã đem đa văn của mình đóng góp vào việc duy trì và phát huy nền văn học Phật giáo từ mấy ngàn năm nay và còn cho bao ngàn năm nữa.

2)Tư huệ (Cinta maya panna): là huệ do trí suy nghĩ, tìm tòi hay quán xét về những điều đã được thu nhập được bằng văn huệ.

Những gì mà chúng ta nghe, thấy và học hỏi được chỉ là kiến thức vay mượn. Muốn chuyển hóa chúng để trở thành kiến thức của chính mình thì phải suy nghĩ tường tận qua nhiều giai đoạn suy tư và phán đoán có nghĩa là chúng ta phải phân tích, tổng hợp để tìm ra thật tướng của chân lý. Vì thế Đức Phật có dạy rằng:

“Không nên mặc nhiên chấp nhận một điều nào chỉ vì tập tục cổ truyền trao đến tay ta, hay chỉ vì điều ấy đã được ghi chép trong kinh điển nào, cũng không chấp nhận chỉ vì người thốt ra câu ấy có vẻ hiền nhân khả kính, khả ái. Này người xứ Kalama, khi nào các người tự mình suy xét đắn đo để biết rằng những điều này hợp với đạo đức…những điều này đem lại an vui hạnh phúc; chừng ấy các người hãy chấp nhận và hành động đúng theo như vậy”.

Nhưng không phải mọi tư duy đều đem lại trí tuệ cho con người. Vì thế Đức Phật có dạy rằng:

“Có hai loại tư duy. Trước hết là Chánh tư duy giúp tâm thanh tịnh và sáng suốt và ngược lại Tà tư duy làm cho tâm ô nhiễm và lu mờ”.

Vậy muốn phát triển trí tuệ trước hết chúng ta phải tránh những tà tư duy như suy nghĩ về dục lạc, suy nghĩ về oán thù và suy nghĩ về lợi mình hại người. Trái lại chúng ta thường nên suy tư quán chiếu về ý nghĩa sâu xa của vô ngã, vô thường, khổ não và bất tịnh của tất cả các pháp hữu vi.

Trường hợp của tôn giả Cùlapanthaka là một người ít học. Tuy Ngài cố gắng nhưng cho đến một bài kệ ngắn chỉ có bốn câu mà trong bốn tháng vẫn chưa thuộc. Vị sư huynh của Ngài thấy vậy khuyên Ngài nên hoàn tục nhưng Ngài quá quyến luyến đời sống đạo hạnh nên không nỡ từ bỏ. Đức Phật thấy đạo tâm của Ngài quá dõng mảnh nên đến đưa cho Ngài một chiếc khăn tay màu trắng và dạy mỗi sáng phải cầm khăn tay đưa ra trước mặt trời. Ngài làm y như lời dạy của Đức Phật nên chẳng bao lâu chiếc khăn bị bụi và mồ hôi bám vào trở nên dơ bẩn và ố màu. Thấy sự kiện đó, Ngài suy gẫm về tánh vô thường của đời sống, trực nhận được chân lý và chứng quả A La Hán.

Vậy trí tuệ phát sinh do suy xét chân tướng của vạn hữu thì được gọi là Tư Huệ.

3)Tu huệ (Bhavana maya panna): là do tu hành thể nghiệm và thể nhập chân lý để chứng được chân lý mà giác ngộ. Tham thiền là một phương pháp rèn luyện trí tuệ được Đức Phật khen ngợi và khích lệ hàng đệ tử ứng dụng để thấu triệt chân lý và chứng ngộ Niết bàn.

Phương pháp tu thiền định giúp con người dập tắt vô minh và ái dục. Vì thế nó còn được gọi là Định năng sinh huệ. Ví như một ly nước đục được giữ yên, khi bao nhiêu cặn bả đã lắng đọng thì nước sẽ trở nên trong suốt. Con người thì cũng thế, nếu chúng ta giữ được an trú trong thiền định thì tâm sẽ trở nên trong sạch, sáng suốt và nhờ đó trí tuệ phát sinh.

Trong kinh Pháp Cú Đức Phật cũng có dạy rằng:

“Dầu thông suốt kinh luật mà không hành trì cũng chỉ như kẻ mục đồng đếm bò cho kẻ khác. Người đó không hưởng được hương vị giải thoát. Trái lại dù thuộc ít kinh luật nhưng cố gắng hành trì, từ bỏ Tham-Sân-Si, hiểu biết chân chính, tâm tự tại, không vọng chấp. Người ấy ắt hưởng được hương vị giải thoát”.

Ngày xưa có hai vị tỳ kheo cùng xuất gia theo Phật. Một vị tuy học rộng hiểu nhiều, làu thông kinh Pháp nhưng chưa đắc đạo. Còn vị kia tuy học ít nhưng chuyên cần tu niệm nên không bao lâu chứng quả A La Hán. Khi bàn luận Phật Pháp với Đức Phật, vị phàm tăng nêu lên nhiều vấn nạn khúc mắc để phô trương tài bác học của mình. Nhưng khi Đức Phật hỏi về sự thực chứng đạo giải thoát thì vị A La Hán trả lời thông suốt vì do kinh nghiệm bản thân của mình. Trái lại vị phàm tăng không cách nào trả lời được vì tự mình chưa chứng ngộ.

Cũng như chúng ta thích một loại trà rất nổi tiếng và học cách pha trà nầy. Nhưng chừng nào chúng ta chưa tự mình pha lấy và uống qua một lần thì cũng không thưởng thức được hương vị của món trà quý nầy.

Nếu chúng ta chỉ nhìn từ bên ngoài cửa kiến thì làm sao biết được hương vị đậm đà của ly cà phê mà một người đang thưởng thức bên trong.

Nói tóm lại Văn, Tư, Tu rất tương quan mật thiết với nhau, không thể bỏ qua một thứ nào mà thành tựu được cho nên Đức Phật dạy rằng:

“Văn huệ, Tư huệ, Tu huệ ba môn khuyết một không được. Nếu nghe mà không suy nghĩ thì như làm ruộng mà không gieo mạ. Nếu suy nghĩ mà không tu thì như làm ruộng mà không tát nước, làm cỏ thì không có lúa. Ba huệ được đầy đủ thì chứng quả Tam thừa”.

Vì tầm quan trọng của trí tuệ trong vai trò đưa con người giải thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi và thể nhập chân lý nên chúng ta phải luôn luôn cố gắng rèn luyện trí tuệ của mình bằng cả ba phương pháp Văn, Tư và Tu.

 

Trí tuệ và Tam vô lậu học?

1)Giới: Giới không phải là những điều răn mà một vị giáo chủ đặt ra để buộc tín đồ tuân phục mình. Mà giới trong Phật giáo có nghĩa là dẹp bỏ những thói quen bất thiện đã tập nhiễm từ lâu và ngăn ngừa các điều ác có thể gây ra về sau. Thêm nữa giới cũng có nghĩa là phát triển những điều lành  đã sẵn có và cố gắng tạo thêm các điều lành chưa từng làm. Vì thế giới là điều kiện tiên quyết để giữ tâm không vọng động, cho nên trong kinh có câu:”Giới năng sinh Định”.

2)Định: Khi giới đã được thực hành đứng đắn thì tâm tương đối bớt xao động và nếu được giữ trên một đối tượng thiền Định thì tâm sẽ được an tịnh và thoát khỏi dục vọng để trở nên trong sáng. Một khi được an trú trong thiền định thì tâm sẽ được nhu thuần, minh mẫn, kiên cố và dũng mảnh. Đây là những điều kiện căn bản để trí tuệ có thể phát sinh và vì thế kinh lại dạy rằng:’’Định năng sinh Huệ”.

3)Tuệ: Khi tâm đã được an tịnh, sáng suốt và giác tỉnh nhờ thiền định. Bây giờ trí tuệ sẽ phát sinh và nhờ đó chúng ta có thể nhận chân được thực tướng của vạn hữu.

Giới, Định, Tuệ tương quan mật thiết với nhau bởi vì do trì giới mà thân tâm không loạn động. Do thân tâm không loạn động mà tâm trí được Định. Khi tâm trí đã Định thì trí tuệ phát sinh. Ngược lại nếu trí tuệ phát chiếu thì tâm dễ Định. Mà tâm đã Định thì Trí tuệ dễ phát sinh. Khi có trí tuệ tức là có thể nhận ra được cái tự tánh thanh tịnh, bất sanh bất diệt mà xưa kia chư Phật và chư Tổ đã chứng đắc. Mà kiến tánh chính là sự phối hợp tự nhiên giữa Định và Tuệ. Định là sức mạnh và Tuệ là chất xúc tác để mở con mắt tâm. Nếu thiếu trí tuệ thì con người chỉ có thể kinh nghiệm được những cái gì hời hợt, nông cạn chợt đến, chợt đi trong chốt lát và sau cùng chỉ là những kỷ niệm rời rạc chẳng giúp ích gì mà còn là những chướng ngại nếu con người cứ mãi bám víu vào đó.

Ngày xưa có vị Thiền sư rất tinh tấn tu hành. Vì thấy vị nầy đạo cao đức trọng nên có một Phật tử tự nguyện cất cho Thầy một cái am để tu. Vị Phật tử nầy là một bà già sống với một đứa cháu gái cách cái am không xa. Hằng ngày bà sai đứa cháu gái đem cơm nước dâng cúng đều đặn. Ngày qua tháng lại, mà vị Thiền sư đã tu tại am nầy trên ba năm rồi. Muốn biết sự tiến tu của vị Thiền sư như thế nào cho nên một ngày nọ bà già dặn đứa cháu gái ở tuổi trăng tròn rằng:

– Cháu đem cơm vô cho Thầy, để mâm cơm xuống rồi cháu ôm cứng lấy ông ta và hỏi:”Ngài cảm thấy thế nào?”. Nghe trả lời xong cháu về thuật lại cho bà nghe.

Đứa cháu gái vâng lời làm y như thế thì vị Thiền sư trả lời bằng hai câu thơ:

“Khô mộc ỷ hàn nham

Tam xuân vô noãn khí”.

Dịch là:

Cây khô tựa trên núi lạnh

Ba mùa xuân qua rồi mà không có

chút hơi ấm.

Khi đứa cháu gái về thuật lại hai câu thơ trên thì bà già nổi giận bèn đuổi vị Thiền sư, đốt luôn cái am và phàn nàn:”Uổng công ta nuôi ông Thầy phàm phu”.

Đối với hành động đạo đức và công phu tu tập của vị Thiền sư thì chúng ta chắc chắn sẽ nghiêng mình kính phục, nhưng tại sao bà già lại tức giận đốt am?

Vị Thiền sư nói bây giờ ông cũng như là cây khô trên núi lạnh dầu trải qua ba mùa xuân rồi mà không có có một chút hơi ấm có nghĩa là không có việc gì có thể làm cho ông ta khởi động niệm được. Thế thì nhờ tinh tấn tu hành mà vị Thiền sư nầy đã đoạn trừ tất cả phiền não, tâm hằng vắng lặng chẳng khác chi một cây khô. Nhưng “Vô tâm duy cách nhất trùng quan” tức là mặc dầu tu tới chỗ “vô tâm” có nghĩa là dứt hết phiền não nhưng vẫn còn cách một lớp rào nữa chứ chưa phải là viên mãn. Tu hành như thế mà còn bị bà già chê. Tại sao? Trong tam vô lậu học tức là Giới Định Tuệ thì trí tuệ bát nhã mới là cứu cánh của người tu hành vì nếu không phát sinh được trí tuệ thì người tu vẫn còn lênh đênh trên mặt nước chớ chưa đến được bờ bên kia tức là bờ giác ngộ. Vì tâm không khởi động niệm có nghĩa là tuy có Định lực cao nhưng vẫn thiếu chất xúc tác là Trí tuệ để khai thị con mắt tâm. Con mắt tâm không mở thì suốt đời vẫn không thấy được tánh giác thanh tịnh sáng suốt triệt để của mình. Nhờ bà già đốt am mà vị Thiền sư kia mới thấy được chỗ mắt kẹt của mình là dậm chân tại chỗ ở Định mà quên đi cứu cánh là Tuệ.

Vì thế Trí tuệ chính là cứu cánh của người tu Phật cho nên trước khi nhập diệt, Đức Phật đã tha thiết khuyên các đệ tử của Ngài phải trau dồi trí tuệ. Trong Kinh Di Giáo, Phật có dạy rằng:

“ Trí tuệ là chiếc thuyền kiên cố đưa con người thoát khỏi biển già, đau, chết. Chính nó là ngọn đèn lớn chói sáng vô minh hắc ám, là liều thuốc hay chữa hết thảy bệnh tật, là chiếc búa sắt chặt gãy cây phiền não. Vậy các ngươi phải lấy sự nghe, sự suy nghĩ, sự tu tập mà tăng ích cho trí tuệ của mình”.

Tóm lại tu theo lục độ ba-la-mật giúp con người phát nguyện theo con đường thiện xảo và tu hành tinh tấn của Bồ tát để đánh tan những tham cầu, ngã mạn. Khi lấy chúng sinh làm trọng tâm của mọi hành động để đánh đổ cái Ta của tự ngã làm cho Thân-Khẩu-Ý được thanh tịnh và chứng ngộ được chân lý.

Thật vậy, đạo Phật là đạo từ bi và giác ngộ. Từ bi thì thuộc về phước và giác ngộ thì thuộc về huệ. Vì thế phước huệ song tu mới thành ngôi Chánh giác. Do đó trong sáu pháp ba-la-mật thì bố thí và nhẫn nhục thuộc về tu phước. Thiền định và trí tuệ thuộc về tu huệ còn trì giới và tinh tấn là hai chất liệu có công năng kiểm soát và đốc thúc cho việc tu phước và huệ được thành tựu viên mãn.

Vậy lục độ ba-la-mật là chiếc thuyền Bát nhã đưa chúng sinh từ bờ mê đến bến giác. Chúng ta thực hành lục độ ba-la-mật là để tăng trưởng và nuôi dưỡng tâm Từ-Bi-Hỷ-Xả và đoạn trừ tâm Tham-Sân-Si làm trí tuệ được phát triển để giải thoát ra khỏi sinh tử khổ đau và thể nhập tánh-Không của Bát nhã.

Chữ “Trí” trong câu “Vô Trí” chỉ phần thứ sáu là Trí tuệ trong Lục độ ba-la-mật. Vì Trí Tuệ là bước cuối cùng trong pháp Lục độ, do đó khi nói “Vô Trí” tức là nói “Vô Lục Độ” tức là không có Lục độ. Tu theo Lục độ ba-la-mật sẽ giúp chúng sinh khai mang trí tuệ để chứng đắc sự sáng suốt của chư Bồ tát và cuối cùng đạt đến quả vị Đẳng giác của chư Phật. Như thế chữ “Đắc” trong câu “Vô Đắc” tức là Vô Phật quả khả đắc có nghĩa là không có cái quả Phật mà đạt được.

Vậy ở đây một lần nữa Đức Phật lại đã phá những gì Phật đã dạy. Chúng ta thấy từ Tứ Diệu Đế đến Thập Nhị Nhân Duyên và sau cùng là Lục Độ Ba-la-mật, Đức Phật đã phủ nhận tất cả. Mà hễ phá những “xuất thế gian pháp” nầy tức là phá luôn những kết quả mà chính Đức Phật đã hứa với đệ tử của Ngài từ hàng Thanh Văn đến hàng Duyên Giác cho đến bậc cao hơn là Bồ Tát.

Tại sao lại có sự trái ngược như vậy? Trên đời nầy lại có chuyện trống đánh xuôi mà kèn thổi ngược như vậy sao?

Vì là phàm nhân cho nên con người lúc nào cũng cho thân tâm tức là ngũ uẩn là thật Có. Mà nếu ngũ uẩn là thật Có thì dĩ nhiên trong ta phải có cái Ta. Ta có cái Ta của ta còn vạn vật có cái Ta của vạn vật vì theo luật tương đối là hễ có chủ là phải có khách. Như thế thì:

Có cái Ta là chấp có “ngã” tức là ngã chấp.

Có vạn vật là chấp có “pháp” tức là pháp chấp.

Nay Tâm Kinh đã chỉ cho thấy “Ngã” và “Pháp” đều Không thì dĩ nhiên chúng ta không còn chấp ngã, chấp pháp nữa. Nếu bỏ được hai cái chấp nầy là chúng ta có thể bỏ được con đường thế tục với tất cả những sai lầm bấy lâu. Thế nhưng nếu chúng sinh không mê chấp việc đời thì Đức Phật lo ngại chúng sinh sẽ lại mê chấp việc đạo vì tin tưởng rằng những gì Phật dạy trong ba từng giáo Pháp là Tứ Diệu Đế,  Thập Nhị Nhân Duyên và Lục Độ Ba-la-mật là thật Có. Chẳng hạn như khi nghe nói Khổ thì tưởng Khổ là cái gì thật Có. Hay nghe nói Vô Minh thì nghĩ rằng Vô Minh là cái gì cũng thật Có.  Ngay cả khi nghe nói Trí tuệ phải tu, Phật quả phải đạt rồi cứ tưởng Trí tuệ và Phật quả là những cái gì thật Có. Vì lo ngại như thế cho nên Đức Phật phá luôn những cái chấp của người tu hành tức là cái chấp về “xuất thế gian pháp”.

Thói thường khi đã nghĩ Khổ là thật Có thì chúng ta lại lầm tưởng luôn sự diệt Khổ là thật Có. Nếu lầm tưởng Vô Minh là thật Có thì phải lầm tưởng luôn là phải chấm dứt cái Vô minh tức là vô-minh-tận. Nếu lầm tưởng Trí tuệ là thật Có thì phải lầm tưởng luôn là có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ nắm lấy cái Trí tuệ nầy. Còn hễ lầm tưởng Phật quả hay thành Phật là một cái gì thật Có thì ắt phải lầm tưởng luôn rằng đó là một cái gì mà mình sẽ thu nhập được.

Tất cả những lầm tưởng nầy đều là bệnh của người đang tu trên con đường “xuất thế gian” tức là người tu hành mong cầu được giải thoát giác ngộ  nhưng chưa đến chỗ cứu cánh tột đỉnh.

Vậy chỗ cứu cánh tột đỉnh ở đâu?

Khi kẻ tu hành đạt đến trình độ hành thâm Bát nhã ba-la-mật thì trong cái thời điểm mà thấy trong thâm tâm trống rỗng và vắng lặng hoàn toàn thì một ánh sáng huy hoàng bộc phát làm cho con người thấy rằng:

Ø    Khổ, Tập, Diệt, Đạo chỉ là giả danh.

Ø    Thập Nhị Nhân Duyên chỉ là giả danh.

Ø    Trí tuệ, Phật quả chỉ là giả danh.

Tại sao? Bởi vì tất cả những “Pháp” ấy đều là danh từ, không có gì là thật thể và những ý niệm do những danh từ ấy tạo ra trong tâm của chúng ta cũng đều là ngụy tạo, là giả dối do đối đãi mà tạo ra.

Muốn thấu hiểu tường tận chúng ta hãy phân tích từng giáo Pháp một để tìm xem giả dối ở chỗ nào.

1)                Tứ Diệu Đế: Trong cuộc đời phải chăng chúng ta cho có Thân là có Khổ vì thế Đức Phật mới đối lại là chỉ cho phương cách diệt Khổ tức là chân lý Tứ Diệu Đế? Bây giờ nếu con người sống với Chơn tánh tức là Chơn không mà không sống với Thân thì dầu chúng ta có Thân mà Thân vẫn không với chúng ta. Vì thế cái Khổ do Thân cảm thọ cũng tiêu mất. Do đó nếu bệnh đã không có thì đâu cần phải có thuốc. Vậy Khổ là cái gì? Nó có thật thể hay là giả dối?

Trong thế gian nầy bất cứ cái gì mà không xứng ý vừa lòng, không thích với thân nầy có nghĩa là đi ngược lại với sở thích của ngũ uẩn thì chúng ta gọi là Khổ chứ cái Khổ thật không có. Chẳng hạn nếu cho rằng cay đắng là Khổ thì tại sao có người thích ăn ớt và uống rượu? Còn nếu nói rằng danh lợi đem hạnh phúc đến cho con người và làm cho con người thêm sung sướng thì tại sao có người ngậm danh lợi như ngậm bồ hòn? Như thế thì cái Khổ là cái gì cảm nhận do lòng say đắm, tối tăm hay do cái vọng tưởng, mê hoặc của con người sống vì vật chất tạo ra mà vật chất là Tướng. Cái Khổ nầy không thật Có và nhất là không Có tức là Vô trong lòng người đã tỉnh ngộ và trong những tâm hồn trong sạch, sáng suốt triệt để tức là trong Chơn không. Vậy đứng về phương diện Chơn không, Tuyệt đối mà nhìn thì rõ ràng là không có Khổ. Mà nếu không có Khổ thì không có nguyên nhân của sự Khổ tức là Tập, cũng không có phương pháp diệt Khổ tức là Đạo và cuối cùng cũng không có cái Khổ bị diệt tức là Diệt. Vì thế mà Tâm Kinh mới nói :” (Thị cố không trung) vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo” là vậy.

2)                Thập nhị Nhân Duyên: Như trên đã nói nếu không có cái Khổ thì cái chấp Tứ Diệu đế đã bị phá. Vậy bây giờ tới pháp thập nhị Nhân Duyên thì cái gì là không thật Có?

Dựa theo thuyết mười hai Nhân Duyên thì từ Vô Minh mà có Hành, từ Hành mà có Thức…sau cùng từ Sanh mà có Lão Tử. Như thế thì động lực đưa đến cái “già-chết” chính là Vô minh. Mười hai Nhân Duyên là mười hai vòng xích không có điểm bắt đầu mà cũng không có điểm cuối, vì thế nếu có thể phá vỡ một vòng xích thì tất cả vòng xích nầy sẽ phải vỡ theo.

Nhưng thế nào là Vô minh? Vô minh chỉ là một giả danh để diễn tả sự mê mờ không sáng suốt do không thấu hiểu Chân lý chân tướng để cho ngũ uẩn che đậy và bị tham-sân-si phiền não làm chướng ngại nặng nề gây ra sự lầm lẫn và có cái nhìn sai lạc về bản chất của vạn hữu. Như thế thì không có cái gì là chơn thật Vô minh mà chỉ có những trạng thái mê mờ của tâm hồn, của trí tuệ mà thôi.

Nếu Vô minh đã không thật Có thì làm gì cần có cái việc làm cho Vô minh tiêu mất tức là làm cho “hết Vô minh” hay là “Vô minh tận”. Nhưng Vô minh, một vòng xích lớn trong chuổi xích thập nhị Nhân duyên, đã không thật Có thì những vòng xích nối tiếp là Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh và Lão Tử cũng không thật Có.

Vì thế thập nhị Nhân Duyên là không thật Có thì dĩ nhiên không có cái việc gọi là làm cho “hết Hành”, “hết Thức”…và “hết Lão Tử” tức là “Lão Tử tận” vậy.

Nói tóm lại Đức Phật đã dùng pháp thập nhị Nhân Duyên và pháp Tứ Diệu đế để giúp chúng sinh trị dứt bệnh mê lầm lấy giả làm thật bấy lâu nay. Trong hai mươi năm đầu kể từ khi Đức Phật thành đạo thì Ngài chưa hề nói Kinh Bát nhã cho nên chưa có đệ tử nào thâm hiểu ý nghĩa cao siêu của tuệ giác Bát nhã cả. Cũng vì chúng sinh chưa có “Bát nhã” tức là chưa sáng mắt cho nên còn thấy có vui buồn, sướng khổ và sanh tử. Đức Phật đã nương theo nguyên tắc của pháp hữu vi mà dạy rằng nguyên nhân căn bản của dòng sông khổ đau, sanh, già, bệnh, chết  là Vô minh.

Con người có sáng suốt để làm cạn nguồn Vô minh nầy thì dòng sông khổ đau kia mới dứt, mới tận. Nhưng làm thế nào để tát cạn nguồn Vô minh kia? Muốn không còn phiền não khổ đau thì phải chấm dứt Vô minh. Mà muốn dứt Vô minh thì nên khước từ say đắm. Vì thế nếu chúng sinh không còn say đắm thì sẽ trở thành người sáng suốt và một khi đã trở thành người sáng suốt là họ sẽ hết Vô minh. Chẳng hạn như tắt đèn thì gọi là tối còn đèn thì sáng. Nhưng sự thật không có cái tối và cái sáng mà chỉ có hai quang cảnh trái ngược nhau mà thôi. Vô minh thì cũng thế, không có cái Vô minh thật sự thì cũng không có cái sáng suốt thật sự mà chúng ta gọi là Trí tuệ.

Thật vậy nếu nói không có Vô minh, cũng không có cái “hết vô minh” tức là người tu hành sau khi dựa vào cái sáng suốt quán tự tại và soi thấy được cái tánh Không của ngũ uẩn tức thì ánh sáng thiêng liêng nơi mình không còn bị chướng ngại che lấp nên trở thành rực rỡ mà soi sáng hoàn toàn cái Thể. Lúc ấy tất cả sáu Căn, sáu Trần và sáu Thức đều Không tức là trong thì Không và ngoài cũng Không. Như thế thì Vô minh vọng niệm làm sao mà có được?  Do đó nếu trong đã Không thì dĩ nhiên không có Vô minh. Nếu Vô minh đã không Có thì cần gì phải nói đến cái “hết Vô minh”.

3) Lục độ Ba-la-mật: Vậy cái Trí tuệ mà chúng sinh cố gắng tu theo pháp Lục độ ba-la-mật để đạt đến cứu cánh sau cùng nầy cũng chỉ là một giả danh vì thế không có cái gì thật là Trí tuệ cả. Cùng một lý luận thì cái “Được” tức là “Đắc” để thành Phật tức là Phật quả là một giả danh khác vì lý do là nếu chấp có chúng sinh mê muội đau khổ nên phải có cái chấp đối lại là có Phật sáng suốt, an vui.

Khi chúng ta thực hành Lục Độ Ba-la-mật mà còn thấy trên có Phật đạo để thành tức là Đắc và dưới có chúng sinh nên độ thì chúng ta còn cái tâm “chấp Có”. Như vậy là chúng ta còn sống trong sự chi phối của cái Thức tức là trong vòng tương đối. Bây giờ khi sống trong Chơn không, Thực tướng, tuy con người vẫn thực hành pháp Lục Độ Ba-la-mật nhưng không nên chấp một pháp nào hết. Nói một cách khác là nếu không chấp cái tướng Lục Độ tức là Vô Trí thì cái tâm không đắc quả tức là Vô Đắc cũng không còn. Như thế thì mới thật là hết sức từ bỏ, hết sức buông xả và hết sức tỉnh ngộ.

Như thế thì đoạn Kinh từ :”vô Vô-minh, diệt vô Vô-minh tận; nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô Khổ, Tập, Diệt, đạo; vô trí diệc vô Đắc” có nghĩa là : Trong Chơn-không, trong Sự thật, trong Tuyệt Đối, không có những cái gọi là Tứ Diệu Đế, Thập nhị Nhân Duyên, Lục Độ Ba-la-mật, cũng không có Trí tuệ phải tu, Phật quả phải chứng. Tất cả những “pháp” nầy là những giả danh, là những ảo tưởng dùng để đối trị với những ảo tưởng nghịch lại. Chẳng hạn như nếu bị đạp gai thì lấy gai mà lể.

Nói một cách khác là nếu con người còn sống trong vòng mê muội của thế gian thì tất cả những “pháp” nầy rất cần cho họ chẳng khác nào như người đang lặn hụp dưới nước thì cần phải có phao, hay có thuyền để sống. Nhưng ở đây, Tâm Kinh đưa chúng ta sang một thế giới khác. Đây là thế giới của Chân không, của Thực tướng, của Tuyệt đối mà trong ấy không có gì cả. Vì thế mà có những bậc đã thấy được Chân tướng thì họ sống trong cái Thể mà không thấy Tướng. Họ không còn nói đến kinh sách mà cũng không còn biện luận bàn cải gì nữa tức là bất lập văn tự, tuyệt ngữ ngôn. Đối với họ thì như người đã lên bờ vì thế họ không còn nói đến phao hay thuyền vì đối với họ thuyền hay phao bây giờ không còn cần thiết nữa.

Giới Định Tuệ

Giáo lý nhà Phật giúp con người giải thoát tất cả mọi phiền não khổ đau để cho thân tâm được an lạc và chứng ngộ Niết bàn. Chính tam vô lậu học tức là Giới, Định, Tuệ sẽ là con đường duy nhất để giúp chúng sinh đạt đến tiến trình từ Mê đến Giác, từ Phàm đến Thánh.

Tiến trình để đi đến Giải Thoát Giác Ngộ của người Phật tử được ví như sự phát triển của một hạt giống. Trước hết hạt giống cần có môi trường tốt để bắt đầu nẩy mầm sanh rễ. Khi rễ đã phát triễn thì thân cây mới thành hình và sau đó mới đâm cành trổ lá. Rễ càng dài, càng vững chắc thì thân cây càng to càng lớn và cuối cùng khi đã lớn mạnh thì cây mới có thể đơm hoa kết trái. Do đó rễ ví nhu Giới, thân cây ví như Định, hoa ví như Trí Tuệ và trái là quả vị Niết bàn.

1)Giới: Trong bất cứ xã hội nào trên thế giới thì luật pháp được đặt ra với mục đích ngăn ngừa và trừng trị những ai có ý phá rối an ninh trật tự để mọi công dân được sống trong thanh bình. Đây là nói về luật pháp của thế gian. Còn Giới của Phật giáo có ý nghĩa sâu rộng hơn nhiều. Giới trong Phật pháp là những điều răn cấm cho Phật tử  tại gia và xuất gia phải tuân theo để ngăn ngừa và cảnh giác làm cho Thân-Khẩu-Ý không tạo nghiệp. Mà không tạo nghiệp thì khỏi phải đi lang thang lẩn quẩn trong vòng sinh tử triền miên. Nên nhớ việc ta làm thì ta phải biết và dĩ nhiên là chính ta phải gánh chịu quả nghiệp của nó, tức là “Tự tác hoàn tự thọ”. Khi một người phá giới thì không có nghĩa là họ có tội với trời hay Phật, mà chính họ đã tự tạo cho mình ác nghiệp để phải chịu quả nghiệp khổ đau sau nầy chớ không phải trời phạt hay Phật đọa gì cả. Còn người giữ giới thì họ tránh không làm điều gì phương hại đến người và vật chung quanh, tức là mang lại sự an ổn cho tất cả mọi người. Đây chính là sự phát triển tâm Từ bi của mình vậy. Vì sự quan trọng của Giới nên Kinh Bồ Tát Giới viết rằng:

Giới như đại minh đăng

Năng tiêu trừ dạ ám

Giới như chơn bảo kính

Chiếu Pháp tận vô di

Giới như ma ni châu

Vũ vật tế bần cùng

Ly thế tốc thành Phật

Duy thử Pháp vi tối

Tạm dịch là:

Giới như ngọn đèn lớn

Có khả năng tiêu trừ đêm dài tăm tối

Giới như tấm gương quý báu

Soi hết thảy các Pháp

Giới như viên Ngọc Như Ý

Hóa vật để giúp kẻ nghèo

Muốn mau giải thoát thành Phật

Chỉ có giới là hơn hết.

Chẳng những thế, trong Kinh Phạm Võng cũng đề cao Giới như sau:

Giới như minh nhật nguyệt

Diệc như anh lạc châu

Vi trần Bồ Tát chúng

Do thử thành Chánh Giác.

Tạm dịch là:

Giới như mặt trăng

Mặt trời chiếu sáng

Hoặc như ngọc Anh Lạc

Vô số Bồ Tát nhờ đó mà thành

Chánh giác.

Như vậy Giới là bước tiến đầu tiên trong việc cải thiện Thân, Khẩu, Ý cho đến chỗ toàn Chân, toàn Thiện và toàn Mỹ.

2)Định:  Một khi Giới được hoàn hảo thì tư tưởng, lời nói và hành động sẽ trở thành chân chính. Từ đó khi lời nói và hành động chân chính có thể đưa đến một nội tâm thanh tịnh.

Phần dịch thuật kinh điển Phật giáo được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu thì được Ngài Cưu Ma La Thập (Kumaralabdha) là vị Pháp sư danh tiếng lỗi lạc ở Ấn Độ và cũng là người đã từng thông suốt cả Kinh, Luật và Luận tạng. Ngài phiên dịch kinh điển bằng tiếng Phạn do Ngài A Nan và các vị đại A La Hán kết tập. Theo đó thì thiền định có nghĩa là tĩnh lự, tĩnh tức là Chỉ có nghĩa là Định, còn lự tức là Quán có nghĩa là Tuệ. Sau nầy chính Ngài Đường Tam Tạng Trần Huyền Trang qua tận Ấn Độ thỉnh kinh về Trung Hoa và dịch sang Hán tự thì thiền định có nghĩa là tư duy tu. Như thế thì thiền định không có nghĩa là thiền tông hay là phải ngồi kiết già thì mới đạt được định. Mà định ở đây chính là phải tư duy, suy nghĩ về đối tượng của Phật pháp ngỏ hầu tìm cho ra chân lý của nó để tâm được an. Chúng ta có thể niệm Phật, có thể đi kinh hành, có thể nằm, ngồi…miễn sao có thể chú tâm vào một đối tượng để tư duy quán chiếu và cuối cùng có thể loại bỏ tất cả những tạp niệm chung quanh. Phương pháp nầy được gọi là thiền Chỉ của nhà Phật.

Cuộc sống hằng ngày, con người phải vật lộn với bao nhiêu hoàn cảnh làm tâm của họ luôn luôn biến đổi. Chỉ trong một giây, một phút có cả hàng trăm hàng ngàn ý nghĩ khác nhau đua nhau sanh khởi trong tâm của chúng ta, mà tệ hại nhất là những ý niệm bất thiện như tham lam, dục vọng, sân hận, tật đố…làm cho tâm điên trí đảo. Vì sự nguy hại của dục vọng, trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy rằng:

“Chế ngự được tâm là quý, vì cái tâm thật khó mà kiểm soát. Nó chạy không ngừng theo tham dục. Một khi tâm đã được chế phục sẽ đem đến hạnh phúc”.

Đời sống con người không những bị chi phối bởi những tư tưởng trong ý thức giới như tham lam, giận hờn và si mê mà chúng ta đôi khi còn bị ảnh hưởng bởi những sinh hoạt của cõi vô thức. Thí dụ như khi ngủ, con người nằm mơ thấy những cảnh hãi hùng kinh sợ trong giấc chiêm bao của họ.

Muốn chinh phục, kiểm soát được nội tâm thì thiền định là một phương pháp phát huy sức mạnh tinh thần hiệu nghiệm nhất. Theo đó thì người tu cố gắng chú tâm vào một đối tượng cho đến khi tâm có khả năng an trú và không lay động bởi ý tưởng hoặc cảnh vật bên ngoài. Khi tâm đã định thì tinh thần trở thành một nguồn năng lực vô song. Ngày xưa các vị A La hán có được thần thông biến hóa là do khả năng đi sâu vào thiền định của họ. Chính cái nguồn năng lực vô song nầy sẽ hủy diệt tất cả mọi phiền não để tâm được an nhiên tự tại và sau cùng chặt đứt vòng sinh tử luân hồi.

3)Tuệ:  Mặc dầu định lực có sức mạnh vô song, nhưng Phật giáo chỉ dùng nó để phát triển trí tuệ mà thôi. Kiến thức của thế gian không phải là Trí tuệ theo ý nghĩa của nhà Phật. Các nhà bác học, bác sĩ, luật sư, học giả tuy là những người học rộng biết nhiều, nhưng họ còn bị tham, sân, si sai khai khiến và phiền não quấy phá. Chính vô minh, ái dục đẩy đưa họ lún sâu vào sinh tử luân hồi thì cái trí thức đó chỉ là cái vỏ bề ngoài còn trí tuệ của nhà Phật mới thật là cái sáng suốt triệt để phát xuất từ trong tự tánh của con người. Do đó người có trí tuệ sống trong thế gian nhưng không bị ô nhiễm của thế sự.

Như vậy nhờ sự tổng hợp của thiền Chỉ và thiền Quán mà phát sinh ra trí tuệ để nhận thức được chân lý mà tiến về giải thoát giác ngộ. Đối với đạo Phật trí tuệ được xem như bước tiến cuối cùng trên đường giải phóng cái tự ngã của mình.

Tiến trình Giới-Định-Tuệ được thực hiện nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào khả năng và ý chí của mỗi người. Nếu họ cố gắng và kiên trì thì có kết quả viên mãn. Ngược lại nếu họ không cố gắng và giải đải thì tiến trình nầy sẽ bị ngưng trệ và gãy đổ hoàn toàn.

Giới trong sạch thì tâm không phiền não. Tâm không điên đảo thì cuộc sống sẽ vui vẻ và an lạc. Một khi tâm an thì đưa đến an tịnh, sáng suốt và đây là con đường phát sinh trí tuệ để thấy được thực tướng của vạn hữu. Khi chân tướng hiện bày thì không còn tham ái tức là chứng được Niết bàn và giải thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Muốn giới trong sạch thì con người phải quan tâm về lợi dưỡng. Vì thế kinh Phật có câu:”Sơ nghiệp Bồ tát đương quán lợi dưỡng sanh tham dục cố”, có nghĩa là :”Sơ nghiệp Bồ tát nên biết rằng lợi dưỡng sanh ra tham dục vậy”.  Ví như một cây an trái, nếu ngày ngày chúng ta tưới nước dặm phân dưới gốc cây thì cây nầy sẽ đâm hoa kết trái sum suê. Con người thì cũng thế, nếu hằng ngày cứ chạy theo danh văn lợi dưỡng thì tâm sinh ra tham dục. Lòng tham dục càng lớn thì phiền não càng nhiều. Mà tham phiền não tăng trưởng thì dĩ nhiên si, mạn, nghi phiền não cũng đều nổi lên theo. Do đó càng tham cầu lợi dưỡng thì tâm càng dính mắc ở lục trần. Mà tâm càng dính mắc thì con người càng dễ đánh mất tâm thanh tịnh của mình.

Bây giờ Giới, Định, Tuệ liên hệ với Bát Chánh Đạo như thế nào?

1)Trước hết Giới là khuôn vàng thước ngọc giúp con người tránh xa ác nghiệp và vun bồi thiện nghiệp để tâm được trong sạch và thanh tịnh. Như thế trong Bát Chánh Đạo thì Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng thuộc về Giới. Tại sao? Nếu chúng ta tránh xa những lời nói gian dối, đâm thọc, ác độc và nhảm nhí thì Chánh Ngữ sẽ giúp con người có được những lời nói chân thật, hòa nhã, thanh tao và hữu ích phát sinh từ tâm Từ bi, quảng đại của mình. Nếu chúng sinh tránh xa ba loại hành động là sát sinh, trộm cướp và tà dâm thì Chánh Nghiệp tức là hành động bởi thân sẽ không còn do Tham-Sân-Si thúc đẩy. Còn nghề nghiệp làm ăn chân chính không mang lại sự thiệt hại cho xã hội và cho chúng sinh như không buôn bán vũ khí, giết hại súc vật, không buôn bán ma túy rượu chè, không mở vũ trường cờ bạc…thì chúng ta đã thực hành đứng đắn Chánh Mạng rồi.

Vậy khi nói đúng, không tạo nghiệp và làm đúng tức là chúng ta không phạm Giới. Ngày xưa sau khi Đức Phật thành đạo thì Ngài bắt đầu thu nhận đệ tử để truyền lại Chánh pháp mà Ngài đã chứng dưới cội Bồ-đề. Liên tiếp trong mười hai năm đầu, Đức Phật chưa hề nói đến Giới. Tại sao? Vì những đệ tử đầu tiên nầy là những người có đức hạnh cao. Họ đến với đạo Phật là vì bổn nguyện muốn được giải thoát giác ngộ. Phần lớn họ xuất thân từ những vương gia quý tộc, giàu sang quyền quý. Chẳng hạn như tôn giả Tu Bồ Đề là cháu của trưởng giả Cấp Cô Độc Tu Đạt Đa. Chính trưởng giả Tu Đạt Đa là vị đại thần của nước Ma Kiệt Đà có quyền uy mà ngay cả Thái tử Kỳ Đà còn phải kiêng nể. Còn thân phụ của tôn giả thì làm quân sư cho vua xứ Ma Kiệt Đà thì quyền uy và tài sản gia đình họ Tu chỉ thua nhà vua. Khi xuất gia theo Phật thì tôn giả cũng như mọi người, tức là tài sản duy nhất chỉ có tam y, nhất bát mà thôi. Đối với tôn giả đi tu là muốn được giải thoát giác ngộ. Mà muốn đạt đến cứu cánh tột đỉnh nầy thì phải chấp nhận buông xả tất cả để tâm được thanh tịnh. Một khi có tài sản thì phải lo, phải giữ. Có càng nhiều thì lo càng lớn và dĩ nhiên đau khổ phiền não càng to. Muốn đạt thánh đạo thì phải đoạn trừ phiền não có nghĩa là phải buông xả tất cả. Không còn Tham-Sân-Si thì tâm sẽ an định. Vì thế chúng ta có thể hiểu Phật là người không còn gì để mất, vì Phật chẳng có cái gì để mất cả.

Như thế Ngài mới ung dung tự tại và tâm thường trụ Niết Bàn là vậy. Rất tiếc sau mười hai năm thì tăng đoàn không còn như trước. Tỳ kheo bây giờ vì danh văn lợi dưỡng mà quy y theo Phật chớ không còn tôn chỉ cao quý là muốn được tự độ để độ tha như thủa ban đầu. Họ gây ra lắm điều phiền não làm bận lòng Đức Phật vì thế Ngài bắt đầu chế ra giới luật với mục đích nhắc nhở chúng Tỳ kheo quay về với chánh đạo. Nếu không giữ giới thì tâm không bao giờ an, mà tâm không an thì không bao giờ có thể vào định được. Không vào sâu trong thiền định thì vĩnh viễn trí tuệ không phát sanh. Vì thế dù có tu ngàn đời, muôn kiếp cũng không thể nào giải thoát được, có nghĩa là không đoạn được phiền não và thoát ly ra khỏi lục đạo luân hồi.

Kinh Kim Cang dạy con người nhìn sâu vào đối tượng để nhận biết bản tính chân thật, đó là thật tướng vô tướng. Đối với Phật giáo tất cả mọi hình tướng bề ngoài chỉ là tạm bợ, không chắc thật. Vì thế Phật dạy rằng:”Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” là vậy. Con người càng chạy theo hình thức bề ngoài thì càng chuốc lấy hệ lụy khổ đau. Cái thật chất nằm trong nội tâm sẽ phản ảnh bản chất đạo đức, tâm thanh tịnh và tánh thuần lương hay là tâm Bồ-đề để sống với mọi người. Tâm hồn cao thượng, việc làm chân chính, lời nói hòa nhả và sống vị tha, vô ngã là những chất lượng của người giữ giới. Vì thế hằng ngày nếu thực tập Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng một cách đứng đắn thì chúng ta sẽ có cuộc sống rất an vui tự tại và đây chính là chất liệu căn bản như xăng nhớt để làm cho chiếc xe chạy vậy. Bởi vì có giới thì mới tiến đến định và sau cùng thì trí tuệ mới phát sinh, có nghĩa là có xăng thì xe mới chạy và khi xe chạy thì nó sẽ đưa chúng ta đến chỗ giải thoát. Đây chính là cứu cánh cho tất cả mọi người.

2) Định gồm có Chánh Tư Duy và Chánh Định. Chánh Tư Duy là ôn lại những giáo lý và đạo lý của Phật để nhắc nhở chúng ta luôn giữ Chánh Niệm. Một khi chúng ta suy nghĩ đúng làm cho vọng tưởng không còn quay cuồng thì tâm sẽ được thanh tịnh. Thêm nữa Chánh Duy Tư có nghĩa là đối chiếu với cuộc sống thực tế hằng ngày bằng cách dùng đạo lý của Đức Phật mà ứng dụng vào trong cuộc sống để trắc nghiệm xem giáo lý đó có đúng với hoàn cảnh xã hội của chúng ta cũng như xác định nó có thật sự là cứu cánh giải thoát cho mình không? Vì thế Chánh Tư Duy chính là nền tảng căn bản để đưa con người vào Định. Tâm định có nghĩa là tâm có khả năng an trú trên một đối tượng mà không bị lay động bởi ý tưởng hoặc cảnh vật bên ngoài. Như thế thì Chánh Định là nền tảng cho Định mà Chánh Tư Duy chính là khả năng để đưa con người vào sâu trong Định. Đây là giai đoạn rất quan trọng trong tam vô lậu học mà ngày xưa tất cả đại đệ tử của Phật đều ứng dụng để vào thánh đạo.

3) Tuệ thì bao gồm Chánh Tinh Tấn, Chánh Kiến và Chánh Niệm. Khi tâm đã định thì Chánh Kiến giúp chúng ta phát sinh trí tuệ bằng cách phân biệt để thấy, biết rõ ràng đâu là tà kiến. Càng siêng năng, nỗ lực thì trí tuệ càng phát sinh và sau cùng Chánh Niệm giúp chúng ta giữ vững niệm lành trong tâm. Một trong những Chánh Niệm là áp dụng câu:”Văn như Tư và Tư như Tu” thì Ly mà có hỷ lạc tức là lìa xa ái dục thì sẽ được vui. Từ sơ thiền đến tứ thiền tức là xả niệm thanh tịnh thì chắc chắn trí tuệ sẽ phát sinh.

Thí dụ như màn đêm buông xuống, cũng ví như vô minh che lấp trí tuệ, làm cho chúng ta nhìn ra ngoài thấy sợi dây thừng mà tưởng lầm là con rắn nên đâm ra sợ hãi, ví như vọng tưởng Tham-Sân-Si. Sau khi lấy đèn Pin , tức là định lực, ra rọi ngoài sân để xem xét, tức là quán, nhưng vẫn không thấy rõ vì đèn Pin hơi yếu không đủ sáng, có nghĩa là định lực yếu. Nhưng khi dùng đèn pha, tức là định lực mạnh, thì thấy con rắn chỉ là sợi dây thừng. Thấy rõ thực tướng để không còn nhìn, thấy, biết sai lầm, tức là phát sinh trí tuệ. Ngay lúc đó chúng ta bừng tỉnh, tức là giác,  không còn hoang mang sợ hãi, tức là không còn vọng tưởng Tham-Sân-Si và được thay thế bằng an lạc tự tại, tức là Niết Bàn. Như vậy Định lực càng mạnh thì việc quan sát càng dễ dàng để thấy rõ thật tướng của vạn vật. Nhưng có định lực mạnh mà không rọi đúng vào đối tượng, chẳng hạn như đèn pha mà không rọi đúng vào con rắn thì làm sao biết được đó chỉ là sợi dây thừng, thì cũng không thể nào giải tỏa được cái nhìn, biết sai lầm. Vì thế vô mình còn thì trí tuệ không sanh. Do đó Trí tuệ là ánh sáng để phá tan bóng tối vô minh.

Một thí dụ khác là nếu chúng ta đặt một tảng đá trên nắm cỏ. Vì đá đè quá nặng nên cỏ không mọc nổi, nhưng khi lấy tảng đá thì cỏ mọc trở lại. Định thì cũng thế, Định chỉ tạm thời đè nén Tham-Sân-Si xuống và khi xả Định thì Tham-Sân-Si sẽ phát tác trở lại. Vì thế Định không trừ được Tham-Sân-Si. Nếu chúng ta không có Tuệ thì vĩnh viễn không thể nào trừ dứt được tận gốc cái tam độc nầy. Mà Tuệ chỉ được phát triển qua thiền Quán, tức là Chánh Niệm mà thôi.

Quả thật ảnh hưởng của Bát chánh đạo giúp con người tránh xa mê lầm đau khổ để chuyển tâm đi vào thánh đạo. Chính Bát chánh đạo rất thực tiển giúp chúng sinh thấy được sự mầu nhiệm vì chính Đức Phật đã cẩn thận sắp xếp theo thứ tự để chúng sinh áp dụng tùy theo hoàn cảnh và căn cơ mà tu hành. Tất cả các vị đại đệ tử của Phật trong quá khứ nếu muốn đạt thành Phật đạo viên mãn thì phải đi theo con đường tam vô lậu học, tức là Giới, Định, Tuệ.  Ngày nay thì cũng thế nếu có chúng sinh muốn thành tựu đạo quả Bồ-đề thì Giới, Định, Tuệ vẫn là con đường duy nhất để đưa họ từ bờ mê sang bến giác.

Thêm nữa mục đích của thiền định trong Phật giáo là loại bỏ Tham-Sân-Si bởi vì đời sống của con người sở dĩ khổ đau và hổn loạn cũng tại vì những ô nhiễm đó. Khi nào còn Tham-Sân-Si thì nhân loại còn lầm than khốn khổ. Vì thế thiền định là phương cách hữu dụng nhất để loại trừ những bất tịnh nầy. Tuy nhiên việc loại trừ tập nhiễm của tam độc không thể thực hiện được một cách nhanh chóng và dễ dàng vì Tham-Sân-Si đã ăn sâu vào trong tâm hồn của con người từ bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp. Phật giáo là con đường tìm kiếm Chân Lý mà thiền định là một phần của đường lối đó. Thiền định giúp con người tĩnh tâm và tĩnh tâm là để nhận chân Chân Lý. Khi tâm con người bị chi phối bởi Tham-Sân-Si thì họ không thể nhìn vạn pháp đúng với chân tướng của nó. Trái lại khi các ô nhiễm nầy bị tẩy trừ thì lúc đó Chân Lý sẽ hiện bày.

Nếu nói rằng Tham là một trong những gốc của bất thiện thì làm sao con người có thể sống được nếu không còn ham muốn gì cả?  Ngày nay chúng ta sống trong một thế giới văn minh tiến bộ đầy đủ mọi thứ về vật chất thì chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa ham muốn và nhu cầu. Sống trên đời chúng ta cần có những nhu cầu cần yếu như cơm ăn, áo mặc, nhà ở, xe di chuyển, máy vi tính…để cho đời sống được tiện nghi. Ngược lại ham muốn chỉ xuất hiện khi nào chúng ta có những cố gắng thỏa mãn những đòi hỏi của thị dục, có nghĩa là vượt ra khỏi hàng rào tri túc. Đây là động lực chính làm con người đau khổ khi những ước muốn của mình không được thỏa mãn. Khi nhìn thấy rõ như thế thì người tu Phật không hề bị bắt buộc phải xóa bỏ tất cả mọi tiện nghi vật chất. Họ có thể có tất cả những gì họ cần nhưng luôn luôn phải biết đâu là nhu cầu cần thiết và đâu là lòng ham muốn, tham lam.

Chân lý Tứ Diệu Đế đã được Đức Phật truyền dạy cho đệ tử từ khi Ngài mới bắt đầu thành đạo cho đến khi Ngài bắt đầu nói Kinh Bát Nhã. Thế thì pháp Tứ Diệu Đế nầy là cổ xe không thể rời bỏ được nếu chúng sinh muốn đoạn trừ phiền não để đạt đến bốn quả vị Thánh trong Thanh Văn thừa. Biết bao đệ tử của Phật đã thành tựu Thánh quả dựa vào chân lý nầy thì tại sao ngày nay chính Đức Phật lại đánh đổ, bảo là không có? Chúng ta sẽ phân tích rõ ràng điều nầy sau phần Lục độ ba-la-mật.

“Trong đạo Phật, sợ nhất là nói thị phi. Kẻ nói chuyện thị phi là kẻ thị phi (không đáng tin cậy), chỉ tạo khẩu nghiệp”.

“Người tu Phật cần phải trong ngoài nhất trí, không tự mâu thuẫn tức là không được “khẩu thị tâm phi” có nghĩa là miệng nói một đàng mà tâm nghĩ một ngả”.

Les commentaires sont fermés.