http://www.tangthuphathoc.net/gianggiai/chunghiakinhadida-05.htm
Chánh Sĩ
–o0o-
Phần Lưu Thông
Chư Phật 6 phương cùng khuyến tín và hộ niệm,
tất cả đại chúng hoan hỷ tin nhận lời Phật
Lời khuyến tín của chư Phật 6 phương
KINH: “Xá Lợi Phất, như ta hôm nay khen ngợi công đức lợi ích chẳng thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà, thì ở phương Đông cũng có Phật A Súc Bệ, Phật Tu Di Tướng, Phật Đại Tu Di, Phật Tu Di Quang, Phật Diệu Âm, nhiều vô số các đức Phật như thế, ở tại nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp ba nghìn cõi đại thiên thế giới mà nói lời chân thật: Các chúng sanh phải tin kinh nầy, là kinh khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn và được tất cả các đức Phật hộ niệm.”
Các đức Phật ở phương Đông nhiều vô số, hằng hà sa số, đã cùng nhau khen ngợi công đức của kinh nầy, của người thọ trì kinh nầy. Đây là lời chân thật của Phật Thích Ca đã nói, của ngài A Nan Đà đã thuật lại, của các đức Phật ở phương Đông đã đồng thanh tán thán. Chúng ta phải nên TIN là đúng đắn.
5 vị Phật ở phương Đông và công đức đạo hạnh:
– Phật A Súc Bệ (chẳng động, chẳng đến, chẳng đi)
– Phật Tu Di Tướng (tướng tốt như núi Tu Di)
– Phật Đại Tu Di (đức tướng trùm khắp như núi Tu Di)
– Phật Tu Di Quang (đức tướng chói sáng như núi Tu Di)
– Phật Diệu Âm (tiếng nói êm dịu)
Hằng hà sa số là số cát của sông Hằng ở Ấn Độ, ý nói là số lượng rất nhiều, nhiều vô lượng vô biên như số cát của sông Hằng chẳng thể nào đo lường tính đếm được. Sông Hằng, tức là sông Ganges, tên địa phương là Mother Ganges, dài 2.500 cây số, bắt nguồn từ dãy Hymalaya (biên giới Nepal) chảy đến cửa vịnh Bengal (biên giới Bangladesh) và đổ vào biển Ấn Độ Dương.
Tướng lưỡi rộng dài (quảng trường thiệt tướng) là biểu trưng cho sự thành thật, ý nói là thuyết pháp, là nói lời ngợi khen chân thật (tán thán), trải dài pháp âm đến khắp thế giới, đến tất cả mọi loài, để cùng nhau biết sự thật là như vậy. A Súc Bệ, có nghĩa là kiên cố, vững chắc, không có gì có thể chi phối hoặc lay chuyển được.
Thế nào là Ba nghìn cõi đại thiên thế giới?
Ba nghìn cõi đại thiên thế giới (tam thiên đại thiên thế giới) là nhiều vô số thế giới, là 1 tỷ tiểu thế giới của tất cả chư Phật. Thế giới chúng ta đang sống đây là một thái dương hệ (chỗ có ánh sáng mặt trời). Một thái dương hệ tương đương với một tiểu thế giới. Một nghìn tiểu thế giới là một tiểu thiên thế giới. Một nghìn tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế giới. Một nghìn trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới. Như vậy, ba nghìn cõi đại thiên thế giới là cõi số thế giới 3 lần của số nghìn (1.0003), tức là lũy thừa 3 của 1.000, là 1 tỷ tiểu thế giới (1.000 x 1.000 x 1.000), tương đương với 1 tỷ thái dương hệ, gọi là tam thiên đại thiên thế giới.
KINH: “Xá Lợi Phất, thế giới phương Nam có Phật Nhật Nguyệt Đăng, Phật Danh Văn Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tu Di Đăng, Phật Vô Lượng Tinh Tấn, nhiều vô số các đức Phật như thế, ở tại nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp ba nghìn cõi đại thiên thế giới mà nói lời chân thật: Các chúng sanh phải tin kinh nầy, là kinh khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn và được tất cả các đức Phật hộ niệm.”
Các đức Phật ở phương Nam cũng đã đồng thanh khen ngợi về công đức của kinh nầy và nguyện hứa sẽ hộ trì những ai thành kính thọ trì kinh nầy.
5 vị Phật ở phương Nam và công đức đạo hạnh:
– Phật Nhật Nguyệt Đăng (đức tướng sáng chói như mặt
trời mặt trăng)
– Phật Danh Văn Quang (đức tướng vang dội chói sáng)
– Phật Đại Diệm Kiên (phước trí lớn vô biên)
– Phật Tu Di Đăng (ánh sáng như núi Tu Di)
– Phật Vô Lượng Tinh Tấn (tinh tấn viên mãn)
Phật Đại Diệm Kiên ở phương Nam và phương Trên, là các vị Phật phân thân của đức Phật Đại Diệm Kiên.
KINH: “Xá Lợi Phất, thế giới phương Tây có Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Tướng, Phật Vô Lượng Tràng, Phật Đại Quang, Phật Đại Minh, Phật Bảo Tướng, Phật Tịnh Quang, nhiều vô số các đức Phật như thế, ở tại nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp ba nghìn cõi đại thiên thế giới mà nói lời chân thật: Các chúng sanh phải tin kinh nầy, là kinh khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn và được tất cả các đức Phật hộ niệm.”
Các đức Phật ở phương Tây cũng đã đồng thanh khen ngợi về công đức của kinh nầy và nguyện hứa sẽ hộ trì những ai thành kính thọ trì kinh nầy.
7 vị Phật ở phương Tây và công đức đạo hạnh:
– Phật Vô Lượng Thọ (sống lâu vô lượng)ï
– Phật Vô Lượng Tướng (tướng tốt vô lượng)
– Phật Vô Lượng Tràng (công đức vô lượng)
– Phật Đại Quang (hào quang diệu dụng)
– Phật Đại Minh (sáng suốt tột cùng)
– Phật Bảo Tướng (tướng tốt như châu báu)
– Phật Tịnh Quang (hào quang thanh tịnh)
Phật Vô Lượng Thọ ở phương Tây là vị Phật phân thân của đức Phật A Di Đà.
KINH: “Xá Lợi Phất, thế giới phương Bắc có Phật Diệm Kiên, Phật Tối Thắng Âm, Phật Nan Trở, Phật Nhật Sanh, Phật Võng Minh, nhiều vô số các đức Phật như thế, ở tại nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp ba nghìn cõi đại thiên thế giới mà nói lời chân thật: Các chúng sanh phải tin kinh nầy, là kinh khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn và được tất cả các đức Phật hộ niệm.”
Các đức Phật ở phương Bắc cũng đã đồng thanh khen ngợi về công đức của kinh nầy và nguyện hứa sẽ hộ trì những ai thành kính thọ trì kinh nầy.
5 vị Phật ở phương Bắc và công đức đạo hạnh:
– Phật Diệm Kiên (phước trí vô lượng)
– Phật Tối Thắng Âm (âm thanh vi diệu)
– Phật Nan Trở (không bao giờ bị hư hoại)
– Phật Nhật Sanh (trí tuệ như mặt trời mới mọc)
– Phật Võng Minh (trí tuệ sáng ngời như minh châu)
KINH: “Xá Lợi Phất, thế giới phương Dưới có Phật Sư Tử, Phật Danh Văn, Phật Danh Quang, Phật Đạt Ma, Phật Pháp Tràng, Phật Trì Pháp, nhiều vô số các đức Phật như thế, ở tại nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp ba nghìn cõi đại thiên thế giới mà nói lời chân thật: Các chúng sanh phải tin kinh nầy, là kinh khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn và được tất cả các đức Phật hộ niệm.”
Các đức Phật ở phương Dưới cũng đã đồng thanh khen ngợi về công đức của kinh nầy và nguyện hứa sẽ hộ trì những ai thành kính thọ trì kinh nầy.
6 vị Phật ở phương Dưới và công đức đạo hạnh:
– Phật Sư Tử (lời nói như sư tử rống)
– Phật Danh Văn (đức tướng vang dội khắp nơi)
– Phật Danh Quang (hào quang chiếu ngời xa)
– Phật Đạt Ma (pháp khí trùm khắp)
– Phật Pháp Tràng (pháp đức vượt hơn tất cả)
– Phật Trì Pháp (giữ gìn quy luật)
(sư tử rống, ý nói là thuyết pháp tự tại, không chướng ngại, không sợ sệt, như loài sư tử mỗi khi rống lên làm muôn thú đều phải khiếp sợ)
KINH: “Xá Lợi Phất, thế giới phương Trên có Phật Phạm Âm, Phật Tú Vương, Phật Hương Thượng, Phật Hương Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân, Phật Ta La Thọ Vương, Phật Bảo Hoa Đức, Phật Kiến Nhất Thiết Nghĩa, Phật Như Tu Di Sơn, nhiều vô số các đức Phật như thế, ở tại nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp ba nghìn cõi đại thiên thế giới mà nói lời chân thật: Các chúng sanh phải tin kinh nầy, là kinh khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn và được tất cả các đức Phật hộ niệm.”
Các đức Phật ở phương Trên cũng đã đồng thanh khen ngợi về công đức của kinh nầy và nguyện hứa sẽ hộ trì những ai thành kính thọ trì kinh nầy.
10 vị Phật ở phương Trên và công đức đạo hạnh:
– Phật Phạm Âm (lời nói thanh tịnh)
– Phật Tú Vương (chiếu soi như vua tinh tú)
– Phật Hương Thượng (trí tuệ vượt hơn tất cả)
– Phật Hương Quang (trí đức ngời sáng)
– Phật Đại Diệm Kiên (phước trí lớn vô biên)
– Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân (đức tướng trang
nghiêm như hoa báu muôn màu)
– Phật Ta La Thọ Vương (kiên cố như vua cây Ta La)
– Phật Bảo Hoa Đức (phước tướng như hoa báu)
– Phật Kiến Nhất Thiết Nghĩa (thông suốt vạn pháp)
– Phật Như Tu Di Sơn (hạnh đức như núi Tu Di)
Cây Ta La, tiếng Hán là Song Thọ, loại cây mọc theo từng hàng đôi, mỗi nhóm 2 cây. Rừng Ta La, ở làng Kusinara, là nơi đức Phật đã nhập diệt Niết Bàn.
Tất cả các đức Phật ở 6 phương (Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới) đã đồng thanh khen ngợi về công đức bất khả tư nghì của kinh nầy và nguyện hứa sẽ hộ niệm những ai thành kính thọ trì kinh nầy, tức là kinh A Di Đà tiểu bổn, bản dịch âm tiếng Hán: Phật thuyết A Di Đà Kinh, của ngài Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập, hoặc bản dịch của ngài Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang, hoặc những bản dịch nghĩa tiếng Việt: Phật nói Kinh A Di Đà. Trong bản dịch của ngài Huyền Trang có đề cập đến 10 phương chư Phật. Bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập tóm lược, chỉ nói đến 6 phương chính.
Trong kinh Niệm Phật Bát Nhã Tam Muội, Phật Thích Ca nói: “Chư Phật mười phương đã cùng nhau khuyến tán: ai nhất tâm xưng niệm danh hiệu A Di Đà Phật, sẽ được chư Phật hộ trì và nhiếp thọ, quyết định thành Phật”.
Chư Phật mười phương là tất cả 10 tỷ các đức Phật (thập vạn ức Phật) ở khắp mười phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, Trên, Dưới.
Ý nghĩa hộ niệm ở tựa đề kinh
KINH: “Xá Lợi Phất, ý ông nghĩ sao? Vì sao gọi là kinh tất cả các đức Phật hộ niệm?”
Trong pháp hội giảng nói kinh A Di Đà, đây là câu hỏi thứ 3 trong 3 câu hỏi, mà đức Phật đã hỏi ngài Xá Lợi Phất. Phật hỏi ngài Xá Lợi Phất vì ngài là người có trí tuệ bậc nhất trong hàng Thanh Văn đại đệ tử của Phật, có đầy đủ trí huệ để có thể hiểu và có thể tin về những sự mầu nhiệm ở thế giới Cực Lạc.
Tên đầy đủ của kinh nầy là “kinh khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn và được tất cả các đức Phật hộ niệm”, dịch tắt là Phật nói Kinh A Di Đà, Kinh Niệm Phật A Di Đà, Kinh A Di Đà, Tiểu Bổn Kinh A Di Đà, hoặc là Kinh Niệm Phật Vãng Sanh.
KINH: “Xá Lợi Phất, nếu có người con trai lành, người con gái lành nào nghe được kinh nầy mà thọ trì, và nghe được danh hiệu của các đức Phật, thì những người con trai lành, những người con gái lành đó đều được tất cả các đức Phật hộ niệm, đều được chẳng thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”
Nhiều vô lượng vô số các đức Phật ở 6 phương, nguyện hứa sẽ hộ niệm những ai đã nghe và thọ trì kinh nầy, cùng đã nghe và nhớ tưởng đến danh hiệu của 38 vị Phật ở 6 phương. Những người đó đều được bất thối chuyển, sẽ chẳng bao giờ lùi bước nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Bởi vì lý do đó, tên của kinh nầy được gọi là “tất cả các đức Phật hộ niệm” (nhất thiết chư Phật sở hộ niệm kinh).
Trong kinh Niệm Phật Bát Nhã Tam Muội, Phật Thích Ca nói: “Tất cả chư Phật phân thân của ta, luôn luôn phóng đại quang minh, nhiếp thọ và thủ hộ những chúng sanh niệm Phật, không rời bỏ”.
Hộ niệm, tức là nhớ nghĩ và hộ trì, có nghĩa là chư Phật ở khắp mười phương luôn nhớ tưởng đến người niệm Phật và tìm mọi cách để giúp đỡ, hỗ trợ người ấy.
Thọ trì, tức là năng lực của Tín và Hạnh, đó là sức mạnh tin tưởng vào giáo pháp và tinh chuyên thực hành đúng theo tinh thần lý nghĩa của kinh.
Thọ là ghi nhận vào lòng, Trì là nhớ mãi không quên. Đó là tin vào 48 lời nguyện của đức Phật A Di Đà, luôn nắm giữ trong tâm danh hiệu A Di Đà Phật suốt ngày đêm 6 thời, không chán mỏi, không buông lơi. Thọ trì như vậy mới là chân chánh thọ trì danh hiệu Phật.
Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, còn gọi là Vô Thượng Bồ Đề (tiếng Phạn: a nậu đa la tam miệu tam bồ đề), có nghĩa là chỗ giác ngộ về chánh pháp không còn ai hơn được nữa, trí tuệ hiểu biết bình đẳng không tà vọng hư dối, giác ngộ được chân lý giải thoát rốt ráo. Đó là quả vị cứu cánh vô thượng của chư Phật, cảnh giới của sự thanh tịnh giải thoát tối cao, công đức trí huệ bất khả tư nghì.
A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, còn có nghĩa là Vô Thượng Chánh Biến Tri, tức là trí tuệ rộng lớn cùng khắp, hiểu rõ thật tướng của tất cả vạn pháp thế gian.
Phải nên tin lời của Phật
KINH: “Cho nên, Xá Lợi Phất, các người đều phải tin nhận lời của ta và các đức Phật nói.”
Đức Phật không bao giờ nói dối. Ngài đã vì thương xót chúng sanh mà nói pháp cứu độ nầy. Chúng ta phải nên TIN vào lời dạy của ngài và lời tán thán của các đức Phật khác ở khắp mười phương. Hãy tin với niềm tin thật vững chắc (tín), khắc giữ vào trong tâm (thọ), đó là chân chánh tin nhận vậy (tín thọ).
Người tu theo pháp niệm Phật phải phát khởi niềm tin vững chắc (khải tín) trên cả 2 mặt lý và sự: tin có cõi Tịnh độ nhiệm mầu trong tâm của người niệm Phật, tin có Niết Bàn Cực Lạc của Phật A Di Đà ở phương Tây.
Phải nên phát nguyện sanh về (3)
KINH: “Xá Lợi Phất, nếu có người đã phát nguyện, hiện nay phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh về cõi nước Phật A Di Đà, thì các người đó đều được chẳng thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ở cõi nước đó, hoặc đã sanh về, hoặc hiện nay sanh về, hoặc sẽ sanh về.”
Người niệm Phật, khi đã thành tâm phát nguyện thì sẽ được sanh về. Sẽ phát nguyện thì sẽ được sanh về. Không phát nguyện thì sẽ không bao giờ được sanh về. Khi đã được sanh về, thì sẽ chẳng bao giờ bị thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Bồ Đề ở cõi đó. Hãy tin tưởng vững chắc như vậy mà chấp trì danh hiệu Phật, phát nguyện sanh về cõi Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà.
KINH: “Cho nên, Xá Lợi Phất, những người con trai lành, những người con gái lành, nếu có lòng tin thì phải nên phát nguyện sanh về cõi nước đó.”
Trong bản kinh A Di Đà tiểu bổn, đức Phật Thích Ca đã 3 lần ân cần khuyến tấn rằng, người tu theo pháp niệm Phật thì phải nên chí thành phát nguyện sanh về cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Đà. Nguyện là những điều ước muốn thiêng liêng được ghi tạc sâu xa ở trong lòng, và tâm tưởng của người phát nguyện ngày đêm thiết tha mong cầu để thực hiện các điều nguyện ước đó.
Nay, đã được nghe những lời Phật nói, đã hiểu rõ những lời Phật nói, thì hãy tin chắc vào pháp môn nầy, tin thật có thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà ở phương Tây, tin thật có cõi Tịnh Độ ở trong tâm mình, tin vào khả năng chính mình cũng có thể thành Phật nương nhờ ở sự hộ trì của chư Phật mười phương, tin vào lý nhân quả và luật nghiệp báo, tin vào 48 lời nguyện của Phật A Di Đà, tinh tấn trì niệm câu Phật hiệu A Di Đà cho đến Nhất Tâm Bất Loạn. Từng mỗi niệm vững chắc, từng mỗi niệm chân thành, trải rộng lòng từ bi của mình theo với tiếng niệm, hồi hướng công đức về Cực Lạc, thiết tha nguyện sanh về Tây phương Tịnh Độ. Trong thời Mạt pháp 10.000 năm, những chướng ngại lớn của người niệm Phật là tín tâm không được vững chắc và sự chấp trì câu niệm A Di Đà thường bị gián đoạn, vì bởi quá nhiều ngoại duyên chi phối, hoặc vì tâm tưởng tán loạn làm mình quên niệm. Người niệm Phật phải nhận biết rõ điều nầy, hãy cố gắng nỗ lực hơn nữa, hãy khẳng tâm một lòng niệm Phật và chỉ biết niệm Phật.
Chư Phật 6 phương cùng tán thán
KINH: “Xá Lợi Phất, như ta hôm nay khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của các đức Phật, thì các đức Phật đó cũng khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của ta mà nói lời nầy: Thích Ca Mâu Ni Phật hay làm những việc rất khó, ít có, ở cõi Ta Bà ngũ trược ác thế: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược, đã chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì các chúng sanh nói pháp mà tất cả thế gian khó tin.”
Nơi cõi Ta Bà, Phật đã nói pháp như thế, đã vì chúng sanh mà nói pháp để cứu chúng sanh, nhưng hỏi có mấy ai tin những lời nầy, có mấy ai tin có sự mầu nhiệm công đức ở thế giới Cực Lạc cách xa nơi nầy mười vạn ức cõi nước Phật? Bởi vậy, pháp môn niệm Phật là pháp môn rất kỳ diệu, thù thắng, chẳng thể nghĩ bàn, và cũng bởi vì cảnh giới vô cùng kỳ diệu chẳng thể nghĩ bàn nên pháp môn nầy rất khó tin (nan tín chi pháp).
Thế nào là Ngũ trược ác thế? Ngũ trược ác thế là 5 thứ nhơ đục ở cõi thế gian Ta Bà khổ lụy và hiểm ác:
– thời đại biến đổi không ngừng (kiếp trược)
– sự thấy biết sai lầm, tà bậy (kiến trược)
– những si mê, tham đắm, thù hận (phiền não trược)
– sự luân hồi sanh tử không ngừng dứt (chúng sanh trược)
– đời thọ mạng ngắn ngủi, vô thường (mạng trược)
Trong kinh Niệm Phật Bát Nhã Tam Muội nói, ở vào thời Mạt pháp cuối cùng, thời của ngũ trược ác thế, tâm trí con người mỗi ngày càng thêm sa đọa bởi dục vọng, ganh tỵ, ích kỷ, hiểm ác, hận thù. Từ đó, chiêu cảm đất trời những tật dịch, chiến tranh, gió bão, động đất, mất mùa, lũ lụt, thời tiết viêm nhiệt bức não. Chúng sanh nơi cõi Ta Bà, trong thời đại căn cơ yếu kém, tâm tưởng thô trệ, chỉ có thể tự cứu chính mình bằng pháp niệm Phật A Di Đà, vì đó là pháp môn Nhị Lực siêu việt đệ nhất trong tất cả 84.000 pháp môn của đức Thế Tôn.
– Nhị Lực là năng lực ở chính tự thân mình, tinh tấn nghiêm mật trì giữ câu Phật hiệu A Di Đà không buông lơi, cùng với tha lực hộ trì của tất cả chư Phật ở khắp mười phương.
Chúng ta phải nên TIN vào lời của Phật Thích Ca đã nói, TIN vào lời của chư Phật đã khuyến tán, TIN thật có những sự mầu nhiệm vô biên của thế giới Tịnh Độ ở phương Tây và ở trong tâm của chính người niệm Phật.
Trong kinh Niệm Phật Ba La Mật, Bồ Tát Quán Thế Âm đã xác quyết: “Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn trọn đời giáo hóa điều phục chúng sanh, đã ban bố tám vạn bốn ngàn pháp môn tu tập, nhưng trong đó, niệm Phật là thù thắng đệ nhất. Hiện tại, nơi trăm nghìn muôn ức na do tha quốc độ khắp mười phương, các đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác cũng đang dùng hằng hà sa phương tiện, ngôn thuyết, thí dụ, để diễn bày vô số pháp môn tu tập, đưa hết thảy chúng sanh dung hóa vào Không Tánh, Niết Bàn Diệu Tâm Như Lai Tạng, nhưng duy chỉ có pháp môn NIỆM PHẬT là hữu hiệu siêu việt đệ nhất.”
(Theo Phật Học tự điển, na do tha, tiếng Phạn: nayuta, số nhiều của hàng ngàn, có thể là mười ngàn, trăm ngàn, vạn ngàn, ức ngàn)
Vì chúng sanh mà nói pháp khó tin
KINH: “Xá Lợi Phất, phải biết rằng, ta ở cõi đời ngũ trược ác thế, làm những việc khó nầy, chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì tất cả thế gian mà nói pháp khó tin nầy, đó là rất khó.”
Ở vào thời đức Thế Tôn lúc còn tại thế, ngài đã nói với các vị Thánh chúng đệ tử của ngài, là pháp môn Niệm Phật Vãng Sanh rất khó tin.
Nay, đã 2549 Phật lịch, đã 549 năm của thời Mạt pháp 10.000 năm, thì pháp môn nầy lại càng khó tin hơn nữa. Làm sao có thể tin những cây vàng, lá bạc, lưới ngọc, suối báu, nhạc trời, chim thiêng lại có thể hòa âm diễn xướng lên những tiếng pháp Ba La Mật nhiệm mầu như thế? Cho nên, Phật nói, ở cõi Ta Bà ngũ trược nầy, khuyến dẫn để cho mọi người tin vào pháp môn niệm Phật là việc rất vô cùng khó khăn (thị vi thậm nan).
Phật lịch, khởi tính từ ngày Phật nhập diệt, 15 tháng 2 âm lịch, đến nay là 2549 năm (tức là 2005 dương lịch).
Sau khi đức Phật Thích Ca nhập diệt, Phật pháp được chia ra làm 3 thời kỳ:
– Chánh pháp: 1.000 năm, thời kỳ Phật pháp thịnh hành
– Tượng pháp: 1.000 năm, mường tượng như chánh pháp
– Mạt pháp: 10.000 năm, thời kỳ Phật pháp bị suy đồi
Nếu có ai đã nghe, đã hiểu, đã có lòng tin nơi pháp môn Tịnh Độ và tin vào 48 lời nguyện của Phật A Di Đà, thì đó là cái phước của người ấy từ nhiều kiếp trước, thì ngay bây giờ, hãy nhất tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, hoặc 1 ngày cho đến 7 ngày, hoặc nhiều lần của 7 ngày, tuần tự tiến tu theo các pháp: kim cang trì (niệm thầm), mặc niệm (niệm trong tâm), truy đảnh (niệm truy đuổi niệm), mà tinh tấn tu trì. Rồi một ngày mai, sẽ biết được năng lực vô cùng mầu nhiệm chẳng thể nghĩ bàn của 4 chữ A Di Đà Phật. Lúc ấy, khi đã đạt được Nhất Tâm Tam Muội, chúng ta sẽ thấy được bộ mặt thật của chính mình trước khi được cha mẹ sinh ra (bản lai diện mục) và biết được sau khi chết chúng ta sẽ về đâu. Sẽ cảm nhận một cách rất sâu xa SỰ BIẾT ƠN vô ngần của chính mình, đối với đức Thế Tôn đại từ đại bi, ngài đã vì tất cả chúng sanh mà nói pháp rất khó tin nầy.
Vui mừng tin nhận lời Phật dạy
KINH: “Phật nói kinh nầy xong, ngài Xá Lợi Phất và các vị Tỳ Kheo, tất cả thế gian: Trời, Người, A Tu La, nghe lời Phật nói, vui mừng tin nhận, đảnh lễ rồi lui ra.”
Khi Phật nói kinh nầy xong, ngài Trưởng lão Xá Lợi Phất cùng với các vị đại Tỳ Kheo, các vị đại Bồ Tát, các vị Thượng thủ, chư Thiên, chư Thần, các loài Rồng, các vị A Tu La, các vị Trưởng giả, các vị Cư sĩ cùng gia đình quyến thuộc, và những vị ở các cõi khác nữa… tất cả đại chúng đã cùng nhau tán thán, hoan hỷ tin nhận lời của Phật dạy, thành tâm đảnh lễ đức Phật rồi lui ra.
Thượng thủ là bậc chủ tể lãnh đạo của một cõi, hoặc đại diện đứng đầu cho nhiều cõi. Bậc Thượng thủ của các vị đại Tỳ Kheo là ngài Xá Lợi Phất. Bậc Thượng thủ của các vị đại Bồ Tát là ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử. Bậc Thượng thủ của 33 cõi Trời ở núi Tu Di là vua Đế Thích. Bậc Thượng thủ của các vị A Tu La là A Tu La Vương.
A Tu La Vương (còn gọi là vua thần Phi Thiên) là vị thần chiến đấu rất hung dữ trong 8 nhóm Trời, Thần, Quỷ, Rồng (được gọi là Thiên Long Bát Bộ). Các vị Thiên Long Bát Bộ làm hộ pháp cho người tu là chư Thiên Tướng của 33 cõi Trời ở núi Tu Di, các loài Rồng, các loài quỷ Dạ Xoa, thần âm nhạc Càn Thát Bà, thần chiến đấu A Tu La, chim đại bàng Ca Lâu La, thần múa hát Khẩn Na La, thần mãng xà Ma Hầu La Dà.
Văn Phật sở thuyết, là nghe và hiểu những gì Phật đã nói. Hoan hỷ tín thọ, là vui mừng tin nhận những gì Phật đã dạy. Tác lễ, là đảnh lễ với lòng biết ơn và tôn kính, vì Phật đã thương xót trao dạy cho pháp nhiệm mầu. Nhi khứ, là đi lui ra, để hành trì pháp môn mà Phật đã ân cần khuyến dẫn, phát nguyện sanh về Tây phương Tịnh Độ.
Văn Phật sở thuyết, là nhân của TRI. Hoan hỷ tín thọ, là nhân của TÍN. Hoan hỷ tín thọ và Tác lễ nhi khứ, là nhân của NGUYỆN. Tác lễ nhi khứ, là nhân của HẠNH. TRÍ là quả của TRI TÍN NGUYỆN HẠNH. Tất cả là 4 món tư lương “hiểu sâu, tin chắc, nguyện thiết, hành chuyên” rất cần thiết cho người niệm Phật, để dựa theo đó làm phương hướng tu trì, cảm thán ân đức của Phật đã vì chúng sanh mà nói pháp cứu độ nầy.
Phật đã nói pháp như thế, con đường đã được vạch sẵn như vậy, nếu có ai tin nhận thì hãy theo đó mà tu trì. Hãy tin với niềm tin thật vững chắc, khắc giữ vào trong tâm, tin như vậy mới là chân chánh tín thọ.
Hãy xem việc niệm Phật là vấn đề KHẨN THIẾT NHẤT trong cuộc sống, bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Hãy xem việc niệm Phật là NIỀM VUI trên tất cả. Hãy đặt việc niệm Phật lên hàng đầu của tất cả mọi sự việc, trọn kiếp đời nầy và muôn nghìn kiếp về sau. Hãy buông bỏ vạn duyên bên ngoài và chỉ một lòng chuyên nhất trì niệm danh hiệu A Di Đà Phật. Hãy thành tâm niệm Phật và chỉ biết niệm Phật.
Niềm tin Cực Lạc, câu Phật hiệu A Di Đà, Tứ Vô Lượng Tâm, Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế, Bồ Đề Tâm, Tứ Tư Lương – đấy là những hành trang công đức trí huệ diệu hạnh vô thượng mà đức Thế Tôn đã ân cần trao dạy, người niệm Phật phải nghiêm kính tin giữ và hành trì.
hành trang công đức trí huệ diệu hạnh vô thượng
người niệm Phật phải nên nghiêm kính tin nhận và chấp trì
Hãy cố gắng tinh tấn tu tập theo hạnh của Phật. Hãy kiên trì dũng mãnh học theo nguyện của Phật. Hãy nỗ lực chuyên cần thêm nữa, hãy ráng làm cho xong trong một đời nầy, giải thoát và thành Phật, vì mình, vì người, vì tất cả mọi loài…
Với sức mạnh Nhị Lực, đó là sự tinh tấn chấp trì danh hiệu Phật trong niềm tin vững chắc, cùng với tha lực hộ trì của tất cả chư Phật mười phương, người niệm Phật nhất định sẽ thành Phật.
Hãy luôn ghi nhớ lời cuối cùng của đức Thế Tôn đã nói, ở rừng cây Ta La, nơi ngôi làng hẻo lánh Kusinara, trước khi ngài nhập diệt:
“Mọi vật ở đời không có gì quý giá, thân thể rồi sẽ tan rã, chỉ có Đạo ta là quý báu, chỉ có Chân Lý của Đạo ta là bất di bất dịch, hãy tinh tấn lên để giải thoát.”
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Tóm lược YẾU CHỈ thọ trì Kinh A Di Đà
– Khi đã quyết tâm thọ trì kinh A Di Đà, người tu tập phải phát khởi tín tâm vững và chắc, mở rộng niềm tin để nhận hiểu lời Phật dạy trên cả 2 mặt Lý và Sự, nghĩa là phải tin chắc rằng có cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà ở phương Tây, tin có cõi Tịnh Độ nhiệm mầu trong tâm của người niệm Phật. Tin vào lý nhân quả, tin vào luật luân hồi và nghiệp báo. Giữ vững niềm tin thiết tha và kiên cố, tinh tấn chấp trì danh hiệu Phật, trong tất cả mọi oai nghi đi đứng nằm ngồi, bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, không chán mỏi, không hoài nghi, không mong cầu, không buông lơi.
– Khi đã quyết tâm thọ trì kinh A Di Đà, người tu tập phải phát khởi dũng mãnh 10 thứ tâm vô thượng thù thắng, đó là Tín tâm, Thâm trọng tâm, Hồi hướng phát nguyện tâm, Xả ly tâm, An ổn tâm, Hộ giới tâm, Đà ra ni tâm, Ba la mật tâm, Bình đẳng tâm, Phổ hiền tâm. Tức là phải tu tạo công đức trí huệ và phẩm hạnh trên cả 2 mặt Thiện nghiệp và Tịnh nghiệp.
Thiện nghiệp là năng làm các điều lành, ngăn ngừa và trừ diệt những điều ác, luôn nắm giữ 10 thiện nghiệp trên cả 3 bình diện Thân Khẩu Ý, thực hành bố thí, buông xả, tha thứ, nhẫn nhục, phát khởi tâm Bồ Đề vô thượng, tu tập Bát Chánh Đạo, học hiểu Tứ Diệu Đế, thường xuyên sám hối để tu sửa tâm tánh, dũng mãnh tu tập theo hạnh của Phật và chư đại Bồ Tát, thực hành các pháp Lục Độ Ba La Mật, không ngừng nghỉ tự độ và độ tha, nhận hiểu và tu tập theo 48 lời nguyện của Phật A Di Đà.
Tịnh nghiệp là giữ tâm ý cho thanh tịnh, bằng cách trì niệm câu Phật hiệu A Di Đà suốt đêm ngày 6 thời, để chuyên nhất tâm tưởng, dứt trừ mọi vọng niệm điên đảo, cắt đứt vòng dây trói buộc của Vô Minh và Tham Ái.
– Khi đã quyết tâm thọ trì kinh A Di Đà, người tu tập phải phát nguyện vãng sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà. Phát nguyện phải chân thành, với tất cả nghiêm kính và thiết tha, ghi nhận sâu xa điều nguyện ước ấy ở trong lòng, ngày đêm tưởng nhớ đến các cõi lành và các điều lành, có như vậy thì mới có thể cảm ứng được sự gia trì hộ niệm của chư Phật, của các vị Thiên Long hộ thể, và tương ứng với bản hoài của đức Phật A Di Đà.
– Khi đã quyết tâm thọ trì kinh A Di Đà, người tu tập phải trải rộng 4 thứ tâm vô lượng, một cách chân thật từ chính tự tâm, từ cõi lòng lân mẫn của chính mình, vào từng câu Phật hiệu A Di Đà. Trên từng mỗi tiếng niệm Phật, người niệm Phật phải trải rộng tâm Từ của mình đến tất cả chúng sanh bình đẳng, trải tâm Bi đến những chúng sanh đang đau khổ, trải tâm Hỷ đến các loài đang vui sướng, trải tâm Xả đến những người mình yêu thích hoặc ghét bỏ. Và câu Phật hiệu phải được niệm từ trong chính tự tâm, vững vàng và nghiêm cẩn, để chuyên nhất tâm tưởng, làm phương tiện trừ diệt mọi tà ý, dục niệm sinh khởi trong từng mỗi phút giây của cuộc sống. Đó là thể hiện 4 đức tánh liên hoa: vi, diệu, hương, khiết trong câu Phật hiệu A Di Đà.
Điều quan trọng của pháp niệm Phật là phải phát khởi tâm chân thành trong khi xưng niệm danh hiệu A Di Đà Phật, với tất cả sự nghiêm kính và từ ái, nhẹ nhàng lan tỏa một cách Ba La Mật đến tất cả mọi chúng sanh, vì mỗi chúng sanh trên thế giới nầy đều có tánh Phật và tất cả là những vị Phật sẽ thành trong tương lai. Người niệm Phật phải chân thành hồi hướng tất cả công đức về Cực Lạc và chúng sanh muôn loài. Một điều rất quan trọng là trong khi xưng niệm danh hiệu A Di Đà Phật, người niệm Phật phải lắng tâm để nghe tiếng niệm trong tâm cho rõ ràng, nghe cho phân minh từng chữ một. Niệm từng chữ và phải chắc từng chữ. Nghiêm cẩn hành trì như thế thì mới có thể điều phục được tâm ý và diệt trừ mọi vọng tưởng đảo điên. Đó là yếu chỉ thọ trì theo tinh thần lý nghĩa của bản kinh A Di Đà.
Nam Mô A Di Đà Phật