Câu chuyện nàng Sujātā

Khảo sát về câu chuyện nàng Sujātā & ngôi tháp gạch bên bờ sông Niranjana

http://www.giacngo.vn/nguyetsan/tulieu/2012/09/16/1EC613/

NSGN – Ngành du lịch Ấn Độ hiện tại đang cho rằng, ngôi tháp gạch tại bờ Đông sông Falgu (Niranjana) hiện tại là ngôi tháp của nàng Sujātā.

Tôi đến Bodh Gaya vào giữa tháng Hai dịu nắng. Vượt qua một cây cầu dài và hơi bị rung lắc, bắc qua sông Falgu, chúng tôi đến khu vực được ngành du lịch Ấn Độ giới thiệu là làng Sujātā. Tên tuổi Sujātā được sử dụng rộng rãi, từ lớp học cho trẻ em nghèo đến khách sạn sang trọng ở khu vực Bodh Gaya. Đường vào làng hẹp và bụi bặm. Ven đường, một vài nông dân đang đập lúa vàng ươm vừa mới thu hoạch trên các khoảnh ruộng. Phong cảnh giống như đất nước Việt Nam trước đây. Xe đưa chúng tôi đến một ngôi tháp bằng gạch. Tháp khá lớn và tròn đều, có thể nhận ra rất rõ từ không ảnh của Google Maps. Đọc dòng giới thiệu vắn tắt trên tấm biển màu xanh gần ngôi tháp, được biết đó là ngôi tháp của nàng Sujātā, người con gái đã dâng bát cháo sữa cho nhà khổ hạnh Siddhārtha trước khi chứng đạo. Tôi chợt nghĩ về các đạo sĩ khổ tu và tấm lòng nhân hậu của người dân Ấn.

Mot goc thap nang Sujata hien nay, Chuc Phu.JPG

Một góc tháp nàng Sujātā hiện nạy. Ảnh: Chúc Phú

Men theo bờ gạch cũ, tôi rón rén leo lên đỉnh tháp. Có một cây bồ đề nhỏ và ít gạch vụn vỡ ở đây. Phóng tầm mắt ra xa, tôi chợt nhận ra khung cảnh xung quanh rất đỗi yên bình và nghèo xơ xác. Một thoáng bâng khuâng chiếm lấy hồn tôi trên lối về.

Nhìn những viên gạch cũ, không rõ có phải là cổ hay không, nằm chỏng chơ xung quanh tháp, tôi chợt nhớ lại hình ảnh những người thợ xây khắc khổ đang sử dụng những viên gạch cũ, để xây những nền, móng chưa rõ là nhà hay tháp tại những thánh tích Phật giáo đang được tu sửa. Tôi tự hỏi, có không những người thợ xây ấy đang phục dựng sai những công trình mà tiền nhân xây dựng? Hoặc xây dựng những công trình không hề có trong kinh điển Phật giáo? Liên hệ tới những chứng tích khai quật ở Piprahwa, được giới khảo cổ Ấn Độ cho rằng đó là Đại Kapilavasttu, một công bố bị các nhà khảo cổ Nepal cho rằng không xác thực(1), trong tôi khởi lên suy nghĩ về việc khảo sát lại những thánh tích của Phật giáo hoặc liên quan đến Phật giáo thông qua hệ thống kinh điển. Khảo sát về sự kiện bát cháo sữa của nàng Sujātā phát xuất từ trăn trở này.

Tho xay An do dang phuc che di tich, gan Dai Kapilavasttu, anh Chuc Phu.JPG

Thợ xây Ấn Độ đang phục chế thánh tích gần Đại Kapilavasttu. Ảnh: Chúc Phú

Nàng Sujātā và bát cháo sữa trong hệ Nikāya

1- Về tên gọi Sujātā

Theo từ nguyên, Sujātā có nghĩa là được sinh ra từ dòng giống quý phái, là thiện sinh(2). Chính vì vậy nên tên gọi Sujātā được nhiều người sử dụng ở Ấn Độ cổ đại. Theo Từ điển Phật học nhân xưng Pāli(3), ấn bản điện tử, thì có mười người cùng tên Sujātā. Thứ nhất, đó là một vị đại đệ tử của Đức Phật Sobhita (theo J. i 10; Bu vii, 22). Thứ hai, là một đại đệ tử của Đức Phật Piyadassi (theo J.i.39; Bu.xiv.21). Thứ ba, là mẹ của Đức Phật Padumutara (theo, J.i.37; Bu.xi.19; MA.ii.722; DhA.i.417). Thứ tư, là mẹ của Đức Phật Kondanna (theo, Bu.iii.25; J.i.30). Thứ năm, là nữ A-tu-la, về sau trở thành vợ của Thiên chủ (Sakka) (theo, DhA.i.269, 271, 274ff.; DA.iii.716f.; J.i.201f.; also J.iii.491f). Thứ sáu, là con gái của gia chủ Senani, vị thôn trưởng gần Uruvela, cùng với người hầu gái Punna, đã dâng bát cháo sữa cho Đức Phật khi Ngài chứng đạo (theo, J.i.68f.; DhA.i.71,). Thứ bảy, cận sự nữ Natika (theo, D.ii.92; S.v.356f.). Thứ tám, em gái của bà Visakha, vị này có người con gái tên là Dhanañjayasetthi, được gả cho con trai gia chủ Anathapindika, đều được đề cập chi tiết trong Jātaka 269. Thứ chín, một nữ tỳ ở Benares (theo, J.ii.125). Và thứ mười là tên một vị Trưởng lão ni (theo, Thig.145-50; ThigA.136f).

 Như vậy, trong mười người cùng tên Sujātā, thì người thứ sáu, nàng Sujātā dâng cháo sữa cho Đức Phật, là đối tượng cần được khảo sát qua kinh tạng.

2- Các kinh văn liên quan đến lịch sử Đức Phật

Chúng tôi đã tập trung khảo sát các bản kinh chứa nhiều dữ liệu liên quan đến cuộc đời Đức Phật trong năm bộ Nikāya nhưng vẫn không tìm thấy câu chuyện về nàng Sujātā dâng bát cháo sữa.

 Ở kinh Trường bộ, chúng tôi đã lần lượt khảo sát các bản kinh: kinh A ma trú, số 3; kinh Cứu la đàn đầu, số 5;kinh Đại bổn, số 14;  kinh Đại duyên, số 15; kinh Đại bát Niết bàn, số 16; kinh Đại thiện kiến vương, số 17; kinh Khởi thế nhân bổn, số 27.

Ở kinh Trung bộ, chúng tôi đã khảo sát các bản kinh: kinh Sợ hãi và khiếp đảm, số 4; Đại kinh sư tử hống, số 12;kinh Thánh cầu, số 26; Đại kinh Saccaka, số 36; kinh Makhadeva, số 83; kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp, số 123.

Ở kinh Tăng chi, kinh Tương ưng và kinh Tiểu bộ (từ Tiểu bộ 1 đến Tiểu bộ 10), chúng tôi không phát hiện câu chuyện về nàng Sujātā dâng bát cháo sữa. Chỉ riêng kinh Tăng chi, chương Một pháp, phẩm Người tối thắng,kinh Nữ cư sĩ, có đề cập đến tên Sujātā và xác định rằng: “Trong các vị đệ tử nữ cư sĩ của Ta, này các Tỳ-kheo, người đi đến quy y đầu tiên là Sujātā Senāndīhitā”. Đây là thông tin quan trọng cần được mở rộng.

Cần phải xác định rằng, không hề có sự kiện dâng cúng bát cháo sữa được đề cập trong bản kinh Tăng chi ở trên. Thứ hai, tên Sujātā Senāndīhitā chính là nàng Sujātā đã cùng với người hầu Punna dâng cháo sữa cho Đức Phật vừa được nêu dẫn. Nếu nàng Sujātā Senāndīhitā là nữ cư sĩ quy y đầu tiên, thì câu chuyện cúng bát cháo sữa cho nhà khổ hạnh Siddhārtha Gotama chỉ là hư cấu. Bởi lẽ, khi đã quy y làm đệ tử, thông tin đó đồng thời xác tín rằng Đức Phật đã thành đạo.

Hơn thế nữa, trong tác phẩm nổi tiếng chuyên khảo về Ni giới và nữ cư sĩ của I.B. Horner, nguyên Chủ tịch Hội Pāli Text Society(4), có tám lần đề cập đến tên Sujātā nhưng không có một thông tin nào liên quan đến nàng Sujātā dâng bát cháo sữa, và cũng không có thông tin nào xác nhận rằng Sujātā là nữ cư sĩ đệ tử đầu tiên. Như vậy, thông tin từ kinh Tăng chi vừa dẫn, không liên quan đến câu chuyện nàng Sujātā dâng bát cháo sữa trước khi Thế Tôn thành đạo.

3- Khảo sát tác phẩm Nidanakatha thuộc hệ Nikāya

Trong văn hệ Pāli, một trong những tài liệu liên quan đến lịch sử Đức Phật được học giới ghi nhận là bản vănDuyên khởi luận (Nidanakatha)(5), được cho là trước tác của Buddhaghosa (Phật Âm) vào thế kỷ thứ V(6). Tác phẩm này là một cơ sở quan trọng để Hajime Nakamura biên soạn công trình Lịch sử Đức Phật Gotama(7). Nidanakatha bắt đầu với việc mô tả các tiền sinh của Đức Phật, các sự kiện khi thái tử ra đời; đặc biệt, văn bản này ghi lại đầy đủ câu chuyện nàng Sujātā và bát cháo sữa hết sức sinh động.

Theo văn bản này, tại Uruvela, ở thôn Senani, có một thiếu nữ tên là Sujātā đã cầu nguyện với thần cây Nigrodha rằng: Nếu con được gả cho một nhà môn đăng hộ đối, và có được một đứa con trai đầu lòng, con sẽ phụng cúng thần cây hàng năm với những lễ vật quý giá. (If I am married into a family of equal rank, and have a son for my first-born child, then I will spend every year a hundred thousand on an offering to thee)(8).Lời nguyện được viên thành, cô đã tinh chế sữa từ một ngàn con bò, tạo ra món cháo sữa hết sức đặc biệt; và vào ngày trăng tròn tháng Năm, cô cùng với người hầu Punna đem món cháo sữa đặc biệt đó dâng cúng cho Bồ-tát. Thọ dụng cháo sữa xong, Bồ-tát xuống tắm ở dòng sông Niranjana và nhận bó cỏ từ người mục đồng Sotthiya cúng dường. Sau đó, Ngài đi đến gốc Bồ-đề và dũng mãnh phát nguyện: “Cho dù da thịt, gân xương trở nên khô cằn, máu trong thân này dẫu có cạn kiệt, nhưng nếu không đạt đạo, Ta quyết không rời chỗ này”. (My skin, indeed, and nerves, and bones, may become arid, and the very blood in my body may dry up; but till I attain to complete insight, this seat I will not leave!)(9).

Câu chuyện là sự tổng hòa nhuần nhuyễn giữa những yếu tố hiện thực lịch sử và các chi tiết huyền thoại hùng tráng. Bản văn đã tạo tiền đề để nhiều nhà nghiên cứu Phật học sáng tạo lịch sử Đức Phật theo xu thế cảm xúc, văn chương.

Nàng Sujātā và bát cháo sữa trong hệ Bắc truyền

1- Ngũ phần luật

Lần lượt khảo sát các kinh văn theo bảng phân định các kinh tương đương với năm bộ Nikāya ở hệ A hàm, chúng tôi vẫn chưa phát hiện được bất kỳ tư liệu liên quan đến câu chuyện nàng Sujātā và bát cháo sữa. Tưởng chừng hướng khảo sát đi vào ngõ cụt, thì tình cờ chúng tôi phát hiện câu chuyện chi tiết về bát cháo sữa của nàng Tu Xà Đà trong Ngũ phần luật(10), và đặc biệt, tư liệu này còn đề cập đến việc quy y Nhị bảo của tín nữ Tu Xà Đà. Thế nhưng, do vì Ngũ phần luật có niên đại xuất hiện khá muộn(11),nên chúng tôi chuyển hướng khảo sát vào các bộ kinh thuộc hệ Bản duyên theo sự phân loại trong Đại chính tạng (Đại chính tân tu đại tạng kinh).

2- Thái tử thụy ứng bản khởi kinh

Mặc dù vậy, khi khảo sát bản kinh đầu tiên từ hệ thống này là Thái tử thụy ứng bản khởi kinh, có niên đại xuất hiện khá sớm vào đời Đông Ngô (229-280), do cư sĩ Chi Khiêm dịch, chúng tôi không tìm thấy chi tiết về câu chuyện nàng Sujātā.

3- Tu hành bản khởi kinh

Nỗ lực khảo sát của chúng tôi đã được đền đáp, khi phát hiện toàn văn câu chuyện nàng Sujātā và bát cháo sữa trong kinh Tu hành bản khởi.Tu hành bản khởi kinh gồm hai quyển, do đại sư Trúc Ðại Lực và cư sĩ Khang Mạnh Tường dịch vào đời Hậu Hán (25 -220). Kinh văn xác nhận có hai cô gái nhưng không rõ tên, phụng cúng sữa cho Bồ-tát và sau đó quy y Tam tôn. Có một chi tiết đặc biệt lưu ý, đó là việc tạo ra tinh phẩm cúng cho Bồ-tát bằng cách tinh chế sữa từ năm trăm con bò.

4- Phổ diệu kinh

Theo hệ Bổn duyên và dựa vào niên đại, chúng tôi khảo sát kinh Phổ diệu, bản kinh được xem là xuất hiện khá sớm trong thời Tây Tấn (265-316)(14) và câu chuyện về nàng Sujātā xuất hiện ở phẩm Sáu năm chuyên cần khổ hạnh, thứ mười lăm. Theo kinh, tại làng Tu Xá Mạn Gia có một trưởng giả nữ. Người tín nữ này trước khi lấy chồng đã từng phát nguyện, nếu như có được một đứa con trai, sẽ dâng lễ phụng cúng sơn thần, thọ thần(15). Đặc biệt, bản kinh mô tả chi tiết về câu chuyện phụng cúng cháo sữa được tổng hợp, chế biến từ nhiều con bò sữa mà ở đây là một ngàn con bò sữa(16). Và cũng theo kinh văn mô tả, ngoài tín nữ ra, còn có một thị tỳ hầu cận, phụ giúp tín nữ thực hiện hạnh nguyện của mình. Ngoài việc chuyển tải câu chuyện như đã nêu, với những khảo sát sơ bộ của chúng tôi, cho thấy kinh Phổ diệu nội hàm những tư liệu quý báu tương tự như kinh Tập và những bản kinh cổ trước đó.

5- Phật bản hạnh tập

Bộ kinh đồ sộ mô tả về cuộc đời Đức Phật cùng thuộc hệ Bản duyên đó là kinh Phật bản hạnh tập gồm sáu mươi quyển. Kinh do đại sư Xà Na Quật Đa (Jnānagupta) dịch vào đời nhà Tùy. Đại sư người nước Kiền Ðà La (Gandhara), Bắc Ấn Ðộ, đến kinh đô Tràng An (Trung Hoa) vào khoảng 559-560, là một gương mặt dịch thuật nổi bật của Phật giáo đời Tùy.

Theo kinh, nhà Bà-la-môn Tư Na Da Na có hai người con gái. Một người tên là Nan-đà, tiếng Tùy gọi là Hỹ, một người tên là Ba-la, tiếng Tùy gọi là Lực. Hai cô con gái đó cúng dường Bồ-tát thức ăn, nước uống và dầu để xức thân. Chi tiết khá đặc biệt, đó là hai nàng mong ước sánh duyên cùng Bồ-tát. Sau khi nghe Bồ-tát khuyên bảo, hai nàng từ bỏ ý định nhưng vẫn phụng cúng vật phẩm. Không lâu sau, có một người chăn dê đảm nhận trách vụ này mãi đến khi Bồ-tát hồi phục hoàn toàn sức lực, sau sáu năm khổ hạnh.

6- Phương quảng đại trang nghiêm kinh

Kinh do Địa Bà Ha La dịch vào đời Đường (618 – 907), cũng được gọi là Thần thông du hý kinh, gồm 12 quyển. Kinh văn có kết cấu chặt chẽ, mô tả cuộc đời Đức Phật từ cung trời Đâu Suất đến khi phú pháp, dặn dò. Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây như M. Winternitz và J.K. Nariman nghi ngờ rằng bản kinh này được trước tác trên nền tảng kinh Phổ diệu. Chi tiết câu chuyện nàng mục nữ dâng sữa xuất hiện ở quyển bảy, phẩm 18, Đến sông Ni liên. Tên nàng mục nữ dâng sữa là Thiện Sinh và người hầu tên là Ưu Đa La. Do được thiện thần mách bảo nên biết Bồ-tát tu khổ hạnh và đã tinh chế món cháo sữa từ một ngàn con bò để dâng cúng. Chi tiết câu chuyện pha lẫn nhiều yều tố thần thông biến hóa hơn so với các kinh văn ở giai đoạn sơ kỳ.

7- Phật sở hành tán (Buddhacarita)

Tác phẩm cuối cùng chúng tôi khảo sát không thuộc kinh, nhưng vẫn nằm trong hệ Bản duyên, đó là tác phẩmPhật sở hành tán của Mã Minh (Asvaghosa), một tác gia của nhiều bộ luận Đại thừa nổi tiếng. Phật sở hành tán là một trường ca cổ bằng Phạn ngữ và được dịch sang Tạng ngữ, Hán ngữ và nhiều ngôn ngữ khác. Niên đại xuất hiện của Mã Minh cũng như của tác phẩm này có nhiều thuyết, chưa được các nhà nghiên cứu Phật học có thẩm quyền thống nhất. Tuy nhiên, căn cứ vào bản Hán văn trong Đại chính tạng thì tác phẩm này có mặt tại Trung Hoa vào thời Bắc Lương (397 – 439). Đây là một áng văn chương trác tuyệt viết về cuộc đời Đức Phật và có đề cập ngắn gọn về chi tiết nàng Sujātā cúng bát cháo sữa. Do vì độ nén của văn chương thi ca, cho nên trong tác phẩm chỉ ghi rằng, có một người trưởng nữ chăn bò, tên là Nan-đà; sau khi nghe tiên nhân thuật về Bồ-tát đang tu khổ hạnh, nàng mục nữ đã phát tâm cúng cháo sữa. Sau khi thọ dụng cháo sữa, Bồ-tát đã đến gốc bồ-đề thiền tọa và cuối cùng đắc thành chánh giác.

8- Vài ý kiến về tư liệu thuộc hai hệ thống

Trong các tư liệu vừa khảo cứu, cứ liệu sớm nhất về nàng mục nữ dâng sữa có mặt ở kinh Tu hành bản khởi vào đời Hậu Hán (25-220). Tuy nhiên, chi tiết quy y tam tôn cho thấy có sự bất cập nơi nội dung bản kinh này. Có thể nói, nội dung đầy đủ về câu chuyện nàng Sujātā dâng cháo sữa theo khảo sát của chúng tôi là kinh Phổ diệu. Vì lẽ, ngoài câu chuyện vừa nêu, đây còn là bản kinh chứa đựng những cứ liệu quan trọng tương tự như hai chương cuối của kinh Tập (Sutta Nipata), một bản kinh tối cổ, được các nhà nghiên cứu Phật học đánh giá cao.

Về câu chuyện nàng Sujātā dâng cháo sữa. Thứ nhất, cách phiên âm Tu Xá Mạn Gia từ kinh Phổ diệu rất gần với tên gọi Uruvela của văn bản Nidanakatha cũng như nhiều bản văn khác. Thứ hai, mục đích cúng dường cháo sữa là nhằm tạ lễ sơn thần vì sở nguyện cầu tự đã thành tựu. Thứ ba, sữa cúng dường được tinh chế từ nhiều con bò. Thứ tư, ngoài tín nữ ra còn có một thị tỳ hầu cận. Thứ năm, do sự mách bảo của thiên thần nên nàng tín nữ mới biết Bồ-tát đang khổ tu. Thứ sáu, niên đại xuất hiện của bản Hán dịch kinh Phổ Diệu khá sớm, tức cuối thế kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ tư sau Tây lịch.

Tất cả những chi tiết này đều giống hệt các sự kiện trong tác phẩm Nidanakatha. Căn cứ vào niên đại, thì giữaNidanakatha và kinh Phổ diệu xuất hiện rất gần nhau. Do vì không có trong tay Phạn bản kinh Phổ diệu, nên chúng tôi chưa thể xác quyết có phải kinh Phổ diệu có trước bản văn Nidanakatha hay không? Với những điểm tương đồng về chi tiết câu chuyện nàng Sujātā dâng sữa ở hai văn bản vừa nêu, chúng tôi chỉ dám quyết rằng, cả hai bản văn Nidanakatha và kinh Phổ diệu có sự liên hệ đến một bản văn cổ, có niên đại xuất hiện rất sớm, chí ít là những năm đầu Tây lịch mà chúng ta chưa khám phá ra.

Nghi vấn đó của chúng tôi hoàn toàn có cơ sở. Vì lẽ, khảo sát về lịch sử Đức Phật được thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật Gandhara được các nhà khảo cổ học xác định có niên đại rất sớm, từ thế kỷ thứ I sau Tây lịch. Từ kết quả thu được tại 40 điểm khai quật trải dài trên đất nước Pakistan và Afghanistan của các nhà khảo cổ, đã cung cấp một hệ thống hiện vật liên quan đến lịch sử và cả huyền thoại của Đức Phật Thích Ca hết sức sống động(19). Đặc biệt, chi tiết câu chuyện nàng Sujātā dâng bát cháo sữa xuất hiện trên một phù điêu mang ký số Acc. No: PM_01425 có niên đại xuất hiện từ thế kỷ II – III sau Tây lịch(20). Điều này đã minh chứng rằng, các huyền tích và hành trạng của Đức Phật đã xuất hiện bằng văn bản, hoặc ít nhất là văn chương truyền miệng vào những năm đầu Tây lịch.

Từ khảo sát bước đầu, chúng tôi cho rằng kinh Phổ diệu là bản kinh có nhiều ảnh hưởng quan trọng trong giới trí thức Phật giáo Trung Quốc thời bấy giờ, ngay cả ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Tráng. Theo chúng tôi, từ câu chuyện cúng cháo sữa được ghi nhận ở kinh Phổ diệu, ngài Pháp Hiển khi sang Tây trúc cầu pháp vào năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hoằng Thỉ thứ hai (tức năm 399), đã xác tín vị trí: Lại đi về phía Bắc hai dặm thì đến chỗ nữ nhân Di Da hiến sữa cho Phật(21) Ở đây, tên nàng Sujātā, phiên âm thành Di Da của ngài Pháp Hiển, có cơ sở hơn sự phiên âm bằng Nan Đà của Phật bản hạnh tập hay Phật sở hành tán. Hơn thế nữa, chi tiết nền nhà của hai nàng mục nữ dâng cháo sữa theo ghi nhận của ngài Huyền Tráng(23) cũng là một cứ liệu bổ sung, và đồng xác tín sự ảnh hưởng về mặt tư liệu của kinh Phổ diệu này.

Trong các tác phẩm còn lại, giữa Phật bản hạnh tập và Phật sở hành tán có sự kế thừa lẫn nhau về tên gọi. Hơn thế nữa, hai cô mục nữ cúng dường thực phẩm cho Bồ-tát với mong ước được lấy Bồ-tát làm chồng ở kinh Phật bản hạnh tập là sự phóng tác quá mức. Kinh Phương quảng Đại trang nghiêm có nội dung gần giống kinh Phổ diệu, do vì niên đại xuất hiện khá trễ nên có khả năng kế thừa các bản kinh trước đó. Chi tiết quy y của nàng tín nữ Tu Xà Đa ở Ngũ phần luật, cùng với việc quy y Tam tôn ở Tu hành bản khởi kinh là sự việc trái với quy ước căn bản của Phật giáo, tương tự như người đi đến quy y đầu tiên là Sujātā Senāndīhitā được ghi lại trong kinhTăng chi được dẫn ở trên.

Có thể nói, nguồn gốc câu chuyện nàng Sujātā dâng bát cháo sữa tuy không được văn hệ Pāli chính thức đưa vào kinh tạng; thế nhưng căn cứ vào mức độ giống nhau về chi tiết câu chuyện này giữa kinh Phổ diệu và văn bản Nidanakatha, cùng quan điểm từ bỏ con đường khổ hạnh ép xác, đã xác tín rằng, Bồ-tát đã thọ dụng vật thực bình thường sau sáu năm khổ hạnh. Lẽ tất nhiên, với một cơ thể quá suy kiệt thì món cháo sữa là một lựa chọn hợp lý, dù ở bất cứ thời đại nào.

 Người cúng vật thực cho hàng xuất sĩ không nhất thiết là một người và cũng không dễ nhớ tên, nhất là chỉ cúng một lần trong khi Ngài chưa chứng đạo và xung quanh không có nhiều người. Đây có thể là lý do khiến các sử gia nổi tiếng viết về lịch sử Đức Phật không đưa sự kiện này vào chính sử. Đó là trường hợp của H.W Schuman trong tác phẩm The Historical Buddha (Đức Phật lịch sử); là trường hợp của Maha Thera Narada trong tác phẩmThe Buddha and His Teachings (Đức Phật và Phật pháp). Mặc dù vậy, để đánh dấu thời điểm từ bỏ khổ hạnh của Bồ-tát, phải chăng bát cháo sữa cúng dường của một người vô danh, bỗng lung linh tỏa sáng khi có sở nguyện rõ ràng.

Thay lời kết hay đi tìm tháp, mộ nàng Sujātā

Như đã trình bày ở phần đầu, ngành du lịch Ấn Độ hiện tại đang cho rằng, ngôi tháp gạch tại bờ Đông sông Falgu (Niranjana) hiện tại là ngôi tháp của nàng Sujātā. Sự khẳng định này dựa vào những thông tin khảo cổ của ngài Cunningham, các công trình khảo cổ của Ấn Độ và ghi chép của ngài Huyền Tráng.

Lần ngược lại thông tin của nhà khảo cổ Cunningham vào năm 1861-1862, trong bản báo cáo chi tiết về khu vực Buddha Gaya, ông đã khẳng định rằng: “Trong số 33 trụ đá cổ xưa được mô tả ở trên, thì có 10 trụ đá được khai thác từ một nơi xa nào đó và 23 trụ đá granite được lấy từ những ngọn đồi lân cận. Tất cả chúng đều có cùng kích thước và cùng niên đại; nhưng có vẻ như là hai bộ trụ đá được phát hiện từ những nơi khác nhau. Mặc dù không tách rời, tôi tin rằng các trụ đá này có nguồn gốc hình thành khác nhau. Các trụ đá được cho là đã được phát hiện ở phía nam Đại Tháp và gần cây Bồ-đề. Do đó tôi cho rằng các trụ này nguyên thủy được xây dựng làm tường rào xung quanh cây Bồ-đề. Những cột đá granite được nói là đã được phát hiện cách phía đông Đại Tháp khoảng 50 mét; và tôi nghĩ có thể rằng chúng tạo thành tường rào xung quanh ngôi tháp được xây dựng đánh dấu nơi Đức Phật nhận bát cháo sữa từ hai cô mục nữ. Theo ngài Huyền Tráng, ngôi tháp này nằm phía Tây nam của Đại Tháp”(24).

Theo khảo sát của chúng tôi, ngài Huyền Tráng trước đó đã xác nhận rằng: Phía bên ngoài tòa Kim cang và cây Bồ-đề về hướng Tây nam có một bảo tháp. Đây vốn là căn nhà của hai nàng mục nữ dâng bát cháo sữa. Căn cứ vào đoạn văn trên của nhà khảo cổ học Cunningham và ghi nhận của ngài Huyền Tráng, thì đã có một bảo tháp được dựng để kỷ niệm nơi nàng Sujātā sinh sống, và bảo tháp ấy nằm ở phía Tây nam so với cây Bồ-đề, nơi Phật thành đạo. Hơn thế nữa, trong bản đồ mô tả chi tiết, Cunningham đã xác định vị trí Bồ tát thọ dụng cháo sữa bằng kỳ hiệu g trên bản đồ khu vực Bodh Gaya ở Tây ngạn sông Falgu(26). Như vậy, nếu bảo tháp của nàng Sujātā còn tồn tại cho đến ngày nay, thì phải nằm ở phía Tây ngạn sông Niranjana, cùng phía với tháp Đại Giác (Mahabodhi Temple), chứ không phải nằm ở Đông ngạn như hiện nay. Như vậy, bảo tháp được xem là của nàng Sujātā hiện nay, thực chất là tháp của ai?

Ban do khu vuc Buddh Gaya cunningham tapreport XII.jpg

Bản đồ khu vực Bodh Gaya do Cunningham phác thảo.Theo, Cunningham, Archaeological Survey of India,Volume XI.

Đọc thêm thông tin từ nhà khảo cổ Cunningham: “Về phía Đông của Buddha Gaya, đối diện với bờ sông Phalgu hay còn gọi là sông Ni Liên Thiền, thẳng đến phía Bắc của ngôi làng Bakror, có một tàn tích bằng gạch rất lớn, cùng với một chân trụ đá ở gần đó về hướng Bắc. Gò tàn tích đó được gọi là Katani (27), có đường kính chân gò rộng 150 feet và cao 50 feet. Nó được xây bằng loại gạch lớn thường thấy 15 x 10 x 3. Đã có nhiều cuộc khai quật diễn ra tại đây nhằm tìm kiếm gạch và vật quý. Khoảng 70 năm trước, từ những cuộc khai quật kể trên, có nhiều khuôn dấu đỏ mang hình Đức Phật được phát hiện tại địa điểm này. Những thứ này được in trong cuốnThe Hindu Pantheon của Edward Moor, bản mang số hiệu LXX, gồm các hình 6, 7 và 8, và ở đó những hiện vật này được cho là đã được khai quật từ khu vực Buddha Gaya. Tuy nhiên, thông tin của tôi là được lấy từ Mahant(28), và vì làng Bakror chỉ cách Buddha Gaya nửa dặm về phía Đông, nên sẽ chính xác hơn để mô tả vị trí là gần Buddha Gaya”(29). Thông tin chi tiết về ngôi tháp gạch của nhà khảo cổ học Cunningham đã làm sáng tỏ một số tư liệu không liên quan đến Phật giáo, và trong cả đoạn văn không hề khẳng định bất cứ chi tiết nào liên quan đến nàng Sujātā.

Sử dụng không ảnh của Google Maps, bảo tháp Sujātā hiện lên rất to và rõ ràng. Tuy chưa đo đạc bằng số liệu, thế nhưng bằng cảm quan trực tiếp, từ không ảnh và từ khảo sát thực địa tại hai nơi này, bảo tháp nàng Sujātā hiện tại có kích cỡ tương đương như bảo tháp kỷ niệm nơi trà tỳ kim thân Đức Từ phụ tại Kusinagar (Ramabhar Stupa). Phải chăng, bảo tháp Sujātā hiện nay vốn là bảo tháp kỷ niệm nơi Bồ-tát vào sông Ni Liên Thiền tắm gội(30),  hay tháp của một vị thánh tăng, một vị Phật quá khứ nào đó?

Đọc lại Đại đường tây vực ký của ngài Huyền Tráng, xác chứng rằng: Phía Đông nam núi Gaya có một bảo tháp. Đây là quê quán của ngài Ca Diếp Ba. Phía Nam lại có hai bảo tháp. Đây là chốn của Dà Da Ca Diếp Ba, và cũng là của ngài Ca Diếp Ba. Và ngài Huyền Tráng đã bổ sung thêm: Chung quanh bốn phía cây Bồ-đề đều có những bảo tháp lớn. Không những thế, với những ghi nhận sớm hơn của ngài Pháp Hiển, cũng đồng xác chứng rằng, xung quanh khu vực Bồ Đề Đạo Tràng có rất nhiều chùa chiền. Theo ngài Pháp Hiển: Chỗ Phật thành chánh giác thì có 3 ngôi chùa, đều có chư Tăng cư trú. Chư Tăng được dân chúng hiến cúng, không thiếu thốn gì.

Từ những thông tin khá sớm của ngài Pháp Hiển cho đến những ghi chép cẩn thận của ngài Huyền Tráng, đã đồng chứng minh rằng, xung quanh khu vực Đức Phật thành đạo, có rất nhiều ngôi tháp của các vị Phật quá khứ cũng như của các vị thánh tăng. Vị trí tháp nàng Sujātā hiện nay không quá xa so với tháp Đại Giác. Được biết, trong báo cáo cuối cùng vào năm 2006, chính quyền bang Bihar đang quy hoạch các cụm di tích ở bờ Đông sông Falgu (Niranjana) như tháp Sujātā, Dhammaranya và Sujātā Kuti vào dự thảo quy hoạch tổng thể thành phố(34). Thông tin này càng làm cho chúng tôi trăn trở, vì nguồn cội của ngôi tháp gạch đến giờ phút này vẫn chưa được xác quyết rõ ràng.

Đọc lại lần nữa dòng giới thiệu đầu tiên trên tấm biển xanh ở tháp Sujātā hiện tại, đã cho thấy: Ngôi tháp gạch này được xây dựng để kỷ niệm nơi cư trú của nàng Sujātā, người con gái đã dâng cháo sữa cho Đức Phật (This brick stupa was constructed to commemorate the residence of Sujātā, the maiden who offered milk rice to Lord Buddha).

chu tich Du lich tai bao thap.jpg

Liên hệ với thông tin được ghi nhận từ ngài Huyền Tráng, và kết quả khảo sát thực địa của nhà khảo cổ Cunningham về địa điểm ngôi tháp của nàng Sujātā ở phía Tây ngạn sông Niranjana, chúng tôi tin tưởng rằng, đó là những thông tin xác thực hơn là những thông tin do ngành du lịch Ấn Độ đưa ra.

Với khả năng và hạn chế của tài liệu, chúng tôi mong rằng, nếu như có sự chung tay và bổ sung thêm tư liệu từ nhiều nhà nghiên cứu, thì ngôi tháp được cho là của nàng Sujātā hiện nay, sẽ được làm sáng tỏ từ màn sương huyền thoại.

—————————————————————————————————-

http://tr-tr.facebook.com/notes/cuoc-doi-duc-phat-thich-ca-loi-day-cua-phat/duong-xua-may-trang-chuong-19-trai-quit-cua-chanh-niem/106387672741416

Đường Xưa Mây Trắng – Chương 19: TRÁI QUÍT CỦA CHÁNH NIỆM

24 Mayıs 2010 Pazartesi, 14:05 · tarihinde Cuộc đời đức phật Thích ca – Lời dạy của Phật tarafından eklendi

Thích Nhất Hạnh

Đường Xưa Mây Trắng

Chương 19

TRÁI QUÍT CỦA CHÁNH NIỆM

Trưa hôm ấy khi mang cơm vào rừng cho sa-môn Siddhatta, Sujata thấy ông đang ngồi dưới gốc cây Pippala, đẹp như một buổi sáng mai. Nét mặt ông rạng rỡ, toàn thân ông tỏa chiếu sự an lạc và thanh tịnh. Đã hàng trăm lần Sujata trông thấy cảnh tượng vị sa-môn ngồi tĩnh tọa trang nghiêm hùng tráng và đẹp đẽ dưới gốc cây Pippala, nhưng hôm nay có bé cảm thấy một điều gì rất khác lạ.
Nhìn Siddhatta, Sujata tự nhiên cảm thấy tất cả những buồn lo của mình tan biến và niềm vui phát hiện trong lòng cô như một ngọn gió mùa Xuân. Cô có cảm tưởng rằng cô không còn ham muốn hay mơ ước một cái gì trên cuộc đời này nữa cả. Tất cả vũ trụ như đã trở nên hoàn toàn tốt lành, hoàn toàn đẹp đẽ và trong nhân gian không cần phải nhọc nhằn lo lắng nữa. Sujata tiến tới mấy bước, Cô bé cảm thấy rất an ổn và nhận ra rằng niềm an lạc, và thanh tịnh của thầy đã tỏa chiếu và đi vào trong con người của cô. Siddhatta mỉm cười nhìn Sujata. Ông nói:
– Con ngồi xuống đây. Thầy cám ơn con đã cúng dường cơm nước cho thầy trong suốt thời gian sáu tháng. Hôm nay là ngày vui nhất của thầy, bởi vì đêm qua thầy vừa tìm ra đạo lớn. Con hãy vui mừng đi. Mai mốt thầy sẽ ra đi để chỉ bày cho mọi người con đường thầy mới tìm ra được.
Sujata nhìn lên, ngạc nhiên:
– Mai mốt thầy sẽ ra đi? Thầy bỏ chúng con sao?
– Mai mốt thầy sẽ ra đi, nhưng thầy sẽ không bỏ các con. Trước khi từ giã các con, thầy cũng sẽ dạy cho các con con đường thầy mới khám phá.
Sujata chưa được yên tâm. Cô bé định hỏi thêm, thì Siddhatta đã nói tiếp:
– Thầy sẽ ở lại đây với các con ít ra cũng là một tuần trăng nữa. Thầy sẽ dạy đạo cho các con. Sau đó thầy mới lên đường, nhưng như vậy không có nghĩa là thầy sẽ xa các con mãi mãi. Thỉnh thoảng trên đường hành đạo, thầy sẽ ghé thăm và chơi với các con.
Nghe nói sa môn sẽ ở lại một tuần trăng trước khi đường, Sujata mới tạm yên dạ. Cô bé quỳ xuống, mở gói lá chuối và dâng cơm lên.
Siddhatta thọ trai, trong khi Sujata ngồi một bên, nhìn vị sa môn đang thong thả bẻ từng miếng cơm nhỏ chấm vào muối mè để ăn. Cô thấy lòng hân hoan không biết chừng nào mà kể.
Thọ trai xong, Siddhatta bảo Sujata đi về, và hẹn xế chiều sẽ gặp lại cùng với bọn trẻ trong xóm.
Chiều hôm ấy, bọn trẻ đến rất đông. Ba đứa em của Svastika cũng đều có mặt. Các cậu con trai đều đã tắm rửa sạch sẽ và ăn mặc tươm tất. Các cô bé đều choàng sari màu, Sujata mặc sari lụa màu ngà. Nandabala màu đọt chuối. Bhima màu hồng. Bọn trẻ ngồi quanh Siddhatta dưới gốc cây Pippala, rực rỡ như những bông hoa.
Sujata đã đem đến rất nhiều trái dừa và những thẻ đường thốt nốt để thết đãi thầy Siddhatta và cả bọn. Chúng cạy dừa và bẻ ra từng miếng để ăn với nhau rất là vui vẻ. Đường thốt nốt càng làm cho dừa ngon thêm. Nandabala và Subas cũng đem theo mấy mươi trái quít. Chúng chia nhau bóc quít ăn. Sa-môn Siddhatta ngồi giữa bọn trẻ, rất vui. Bé Rupak mời ông một miếng dừa và một miếng đường thốt nốt, đặt trên một cái lá Pippala . Nandabala dâng ông một trái quít. Ông tiếp nhận mọi thứ và cùng ăn chung với bọn trẻ.
Bữa tiệc ngắn chưa chấm dứt, Sujata đã lên tiếng:
– Thưa các anh chị, các bạn và các em. Thầy nói hôm nay là ngày vui của thầy vì Đạo Lớn đã được tìm ra. Sujata cũng cảm thấy hôm nay là một ngày rất lớn của Sujata. Vậy thưa các anh chị các bạn và các em; tất cả chúng ta hãy xem này hôm nay là một ngày vui lớn. Chúng ta họp lại hôm nay để mừng ngày thành đạo của thầy. Bạch thầy, Đạo Lớn đã thành, chắc thầy không ở lại với chúng con được lâu. Chúng con xin thầy dạy cho chúng con những điều mà chúng con có thể hiểu được, để chúng con được thấm nhuần ơn đức của thầy.
Nói xong, Sujata chắp hai tay lại hướng về sa-môn Gotama, dáng điệu kính cẩn và tha thiết. Nandabala và bọn trẻ cũng đều chắp tay hướng về Siddhatta với vẻ chí thành.
Siddhatta im lặng. Một lát sau ông ra hiệu cho bọn trẻ bỏ tay xuống, và nói:
– Các con là những đứa trẻ thông minh, thế nào các con cũng hiểu và làm theo được những lời ta dạy. Đạo Lớn mà ta tìm ra rất sâu kín và nhiệm mầu, nhưng nếu người nào chịu học hỏi hết lòng cũng có thể thấy và hành theo được. Con đường ta tìm ra được gọi là con tỉnh thức. Khi các con bóc một trái quít ra ăn, các con có thể ăn quít một cách tỉnh thức hay không tỉnh thức. Thế nào gọi là ăn quít một cách tỉnh thức. Đó là trong khi ăn quít, mình biết là mình đang ăn quít, mình cảm nhận được hương thơm và vị ngọt của trái quít. Khi bóc quít mình biết là mình đang bóc quít, khi gỡ một múi quít bỏ vào miệng, mình biết là mình đang gỡ một múi quít bỏ vào miệng, khi tiếp xúc với hương thơm và vị ngọt của múi quít, mình biết là mình đang tiếp xúc với hương thom và vị ngọt của múi quít. Trái quít mà chị Nandabala vừa tặng thầy hồi nãy có tất cả là chín múi. Thầy đã ăn từng múi trong sự tỉnh thức như thế và thầy thấy được rằng trái quít là rất quý giá, rất mầu nhiệm. Trong suốt thời gian ăn trái quít thầy không quên trái quít, vì vậy trái quít có thật đối với thầy trong thời gian đó. Trái quít có thật thì người ăn quít cũng có thật và như vậy tức là ăn quít trong sự tỉnh thức.

Nầy các con, còn thế nào gọi là ăn quít một cách không tỉnh thức? Đó là trong khi ăn quít, mình không biết là mình đang ăn quít, mình không cảm nhận được hương thơm và vị ngọt của trái quít. Khi bóc quít, mình không biết là mình đang bóc quít, khi gỡ một múi quít bỏ vào miệng, mình không biết là mình gỡ một múi quít bỏ vào miệng, khi tiếp xúc với hương thơm và vị ngọt của múi quít, mình không biết là mình đang tiếp xúc với hương thơm và vị ngọt của múi quít. Ăn quít như thế thì không thấy được sự quý giá và mầu nhiệm của trái quít. Ăn quít mà không biết là mình ăn quít, thì trái quít không thật sự có mặt. Trái quít không thật sự có mặt thì người ăn quít cũng không thật sự có mặt. Các con, đó là ăn quít mà không có sự tỉnh thức. 
Này các con, ăn quít trong tỉnh thức có nghĩa là trong khi ăn quít ta xúc tiếp thật sự với trái quít, óc ta không suy nghĩ vẫn vơ đến những chuyện khác, chuyện của ngày hôm qua, chuyện của ngày mai, vì tâm ta an trú trong giờ phút hiện tại cho nên trái quít mới thật sự có mặt. Như vậy, sống tỉnh thức là sống trong giây phút hiện tại, thân và tâm an trú trong giây phút hiện tại.
Người tu tập phép tỉnh thức khi cầm trái quít trong tay và nhìn vào trái quít có thể thấy được những điều mà người khác không thấy. Nhìn trái quít trong tỉnh thức, các con có thể thấy được cây quít, các con có thể thấy được cây quít nở hoa trong mùa Xuân, các con có thể thấy được ánh nắng và giọt mưa đang nuôi lớn trái quít. Nhìn sâu hơn nữa các con có thể thấy được muôn vật trong vũ trụ đang tiếp tay nhau để làm cho trái quít có mặt. Nhìn một trái quít như thế người tu tập phép tỉnh thức có thể thấy được những sự mầu nhiệm của vũ trụ và đồng thời cũng thấy được sự giao tiếp trùng trùng của mọi vật trong vũ trụ đối với nhau”.
Này các con, đời sống hàng ngày của chúng ta cũng giống như một trái quít. Nếu trái quít có thể có chín múi hoặc mười múi hay mười hai múi, thì mỗi ngày cũng có hai mươi bốn giờ. Mỗi giờ là một múi quít. Sống một ngày hai mươi bốn giờ cũng như ăn cả một trái quít: con đường mà ta tìm ra là con đường sống tỉnh thức suốt hai mươi bốn giờ một ngày, thân và tâm luôn luôn an trú trong hiện tại. Ngược lại tức là sống trong quên lãng. Sống trong quên lãng tức là sống mà không biết mình sống, sống mà không thật sự tiếp xúc với sự sống, bỏi vì thân tâm mình không an trú trong hiện tại.
Nói tới đây, sa môn Gotama gọi:
– Này Sujata.
– Dạ, Sujata chắp tay nhìn lên chờ đợi.
– Con nghĩ sao, khi một người biết sống tỉnh thức, người ấy làm nhiều lầm lỗi hay ít lầm lỗi?
– Bạch thầy, khi một người biết sống tỉnh thức, người ấy ít phạm vào lầm lỗi. Mẹ con thường dạy: làm con gái con phải có ý tứ khi đi, khi đứng, khi nói, khi cười và khi làm việc. Con thấy rằng sống có ý tứ cũng như sống tỉnh thức. Nếu con để tâm vào công việc, nếu con có ý tứ trong khi đi, đứng, nói, cười thì trong đời sống hàng ngày con tránh được những ý nghĩ, những lời nói và những động tác có thể gây nên sự đổ vỡ và làm kẻ khác phiền lòng.
– Đúng như vậy, Sujata. Khi một người biết sống tỉnh thức, người ấy biết mình đang nghĩ gì, nói gì và làm gì và vì vậy người ấy có thể tránh được những ý nghĩ, lời nói và động tác có thể gây nên khổ đau cho mình và cho kẻ khác.
Này các con, sống tỉnh thức tức là sống trong giờ phút hiện tại, và biết được những gì đang xảy ra trong bản thân mình và hoàn cảnh mình. Sống như thế ta tiếp xúc được với sự sống, và nếu tiếp tục sống tinh cần như thế ta có thể hiểu biết được bản thân ta và hoàn cảnh ta một cách sâu sắc, và sự hiểu biết đưa tới sự chấp nhận và sự thương yêu. Khi mọi loài hiểu biết nhau, không còn nhiều khổ đau. Này Svastika, con nghĩ sao? Người ta có thể thương được không, nếu người ta không hiểu?
– Bạch thầy, không hiểu thì khó có thể thương. Xin thầy nhìn em Bhima của con. Có một hôm bé Bhima khóc hoài, khóc cả đêm, làm cho chị nó là bé Bala nổi cáu lên, phát cho nó một cái thật mạnh vào mông. Bhima bị chị đánh lại khóc to hơn. Con đến ẳm Bhima và con biết rằng Bhima đang sốt. Có thể nó khóc vì đang bị nhức đầu. Con gọi Bala mà nói:
“Này Bala, hãy tới sờ đầu em mà xem”. Bala tới sờ đầu em, hiểu ngay. Mặt nó dịu lại. Nó ôm em vào lòng, rồi ru em với tất cả sự thương yêu. Em Bhima nín khóc, dù nó vẫn còn sốt. Bạch thầy, đó là nhờ Bala đã hiểu, cho nên con nghĩ rằng nếu không hiểu thì không thể thương.
– Con nói đúng lắm, Svastika? Có hiểu mới thương, và có thương mới biết chấp nhận. “Nầy các con, tập sống cho tỉnh thức các con sẽ từ từ hiểu: hiểu mình, hiểu người, hiểu vạn vật và các con sẽ có lòng thương. Đó là những điều sơ lược về con đường mầu nhiệm mà ta đã tìm ra”.
Svastika chắp tay:
– Bạch thầy, chúng con có thể gọi con đường ấy là con đường tỉnh thức được không?
Siddhatta cười:
– Được chứ, các con có thể gọi đạo của ta là đạo tỉnh thức. Ta cũng ưa cách gọi ấy của các con lắm.
Sujata chắp tay xin phép nói:
– Còn thầy là người đã tỉnh thức, đã biết sống tỉnh thức và sẽ đi dạy đạo tỉnh thức cho mọi người. Vậy chúng con có thể gọi thầy là người tỉnh thức được không?
Siddhatta gật đầu:
– Các con đặt tên cho ta như vậy, ta bằng lòng lắm. Cứ gọi ta là người tỉnh thức. Cách gọi ấy ta thấy đơn sơ mà thân mật.
Mắt của Sujata sáng lên. Cô bé nói:
– Tỉnh thức nói theo tiếng Magadhi là budh. Người tỉnh thức nói theo tiếng Magadhi là Buddha. Vậy từ nay chúng con gọi thầy là Bụt.
Siddhatta gật đầu. Tất cả bọn trẻ đều hoan hỷ.
Nalaka, mười bốn tuổi, là người con trai lớn tuổi nhất trong bọn. Cậu lên tiếng:
– Lạy Bụt, chúng con rất sung sướng được Bụt dạy cho chúng con về con đường tỉnh thức. Con nghe em Sujata nói gần sáu tháng nay Bụt ngồi tu dưới gốc của cây Pippala này, và chính đêm qua Bụt đã thành đạo dưới gốc cây Pippala này. Thưa Bụt, cây Pippala này đẹp nhất trong rừng. Chúng con muốn đặt tên cây này là cây tỉnh thức, có được hay không? Cây tỉnh thức tức là cây Bồ Đề, bởi vì chữ bồ đề (bodhi) cũng cùng một họ với chữ bụt, cũng có nghĩa là sự tỉnh thức.
Sa-môn Siddhatta Gotama gật đầu. Ông rất hoan hỷ. Ông không ngờ trong một buổi nói chuyện ngắn ngủi với bọn trẻ nhỏ trong rừng mà ông đã có tên, đạo của ông mới tìm được đã có tên, và cây đại thọ nơi ông tìm ra đạo lớn cũng đã có tên.
Nandabal chắp tay:
– Chúng con xin bái biệt Bụt hôm nay. Trời đã gần tối, ít hôm nữa chúng con sẽ xin trở lại để được Bụt dạy dỗ.
Bọn trẻ nhất loạt đứng dậy chắp tay búp sen để cám ơn và từ giã Bụt.
Chúng ríu rít vui mừng như một đàn chim.
Bụt cũng vui, Bụt đã quyết định ở lại rừng này trong một thời gian để chiêm nghiệm về cách đem gieo rắc những hạt giống của đạo tỉnh thức trong cuộc đời, đồng thời cũng để có thời gian thể nghiệm đầy đủ niềm an lạc lớn lao do sự chứng đạo đem tới.

 

Les commentaires sont fermés.