Sau khi nghe các chú trình bày những kiến giải về chữ hòa của Phật đạo, Nhà sư hoan hỷ nói:
– Từ chuyện trái đu đủ cắt tư mà các con đã thảo luận với nhau đi đến chỗ « tâm hòa », thì quả là các con đã biết đào xới vấn đề, đã có một chiêm nghiệm đúng đắn. Sâu, cạn chưa biết thế nào, nhưng sự thấy, biết ấy thật đáng khích lệ, thật đáng được khen thưởng.
Nhà Sư ngưng nói nhìn các chú – thấy ai mặt mày cũng rất hớn hở .
Nhà sư tiếp:
– Bây giờ các con muốn thưởng cái gì nào?
Bất Ác mau mắn nói:
– Sáu bảy tháng nay cả chùa ăn cơm độn khoai, độn sắn đến bảy tám mươi phần trăm. Con thèm ăn cơm trắng quá, các chú cũng vậy, nhưng các chú ấy vì thể diện, vì ngượng mồm, ngượng miệng không dám nói ra. Vậy xin thầy thưởng cho chúng con một bữa cơm trắng thôi!
Mọi người ngỡ ngàng. Bất Đạt, Liễu Minh cúi đầu, im lặng nhưng không dấu được vẻ bối rối, lúng túng vì Bất Ác đã nói đúng sự thật.
Nhà Sư cười vui để xóa tan không khí ngột ngạt ấy:
– Thầy đồng ý vô điều kiện. Nhưng đấy là nhu cầu của cơ thể chứ không phải khen thưởng. Thầy sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chính đáng ấy. Chúng ta sẽ được ăn cơm trắng một bữa mà có thể năm, bảy bữa cho lại sức, còn việc khen thưởng vẫn cứ tiến hành.
Bất Ác hoan hô cả miệng và cả hai tay.
Bất Đạt nói:
– Còn việc khen thưởng thì Thầy cứ tùy nghi. Thầy biết cái gì thích hợp cho từng người.
Liễu Minh và Bất Ác đều đồng ý.
Nhà Sư nói:
– Vậy là tốt. Đầu tiên là Liễu Minh. Liễu Minh từ lâu thích một chiếc xe đạp « xịn ». Vậy thì Thầy sẽ thưởng cho chú ấy một chiếc xe đạp mới toanh toanh để đi công việc này, công việc kia..! Được chưa?
Bất Ác vỗ tay:
– Hết ý! Vậy là con có cơ hội « đi ké »!
– Còn con – Nhà Sư nhìn Bất Ác – Con là người mê ngủ nhất, không bao giờ thức dậy đúng giờ để hành Thiền, tụng kinh, vậy Thầy thưởng cho con một đồng hồ báo thức!
Bất Đạt thấy Bất Ác không có phản ánh gì, bèn nói:
– Thầy thưởng cho chú, sao chú không vỗ tay? Hay là sợ từ rày về sau phải tỉnh « giấc mộng Nam Kha »?
Bất Ác xụ mặt lại.
Nhà Sư nói với Bất Đạt:
– Bất Đạt hay than phiền rựa không bén, cúp cuốc mòn vẹt không sướng tay. Vậy thì Thầy sẽ tặng thưởng một cái rựa mới, một cái cúp lưỡi dài ba gang, một cái cuốc dài ba tấc… cho vừa sức tay mà làm việc!
Bất Ác nhăn mày:
– Rứa là Thầy không công bằng rồi! Con thì không nói làm gì, nhưng thưởng cho chú Bất Đạt kiểu ấy thì thật là… tội nghiệp!
Nhà Sư nói:
– Phần thưởng bên ngoài là « tướng bất hòa » cho nên bên trong « tâm » cũng « bất hòa » sao?
Liễu Minh thưa:
– Dạ, đại hòa là khác!
Bất Đạt phát biểu:
– Thế là cúp, cuốc, rựa dùng chung mà con phải chịu trách nhiệm. Xe đạp dùng chung mà chú Liễu Minh phải lo tu sửa, bảo quản. Còn Bất Ác thì lời không cái đồng hồ! Sướng nhé, em út!
Bất Ác toét miệng cười:
– Ờ há! Thế mà em lại không biết! Hoan hô cái kiểu « lợi hòa đồng quân » này!
Để cho các chú vui vẻ một lát, Nhà Sư tiếp tục câu chuyện:
– Đức Phật chế pháp Lục Hòa, trong đó có « lợi hòa đồng quân » để tạo sự bình đẳng vật dụng trong cộng đồng tăng lữ. Mục đích là nâng đỡ kẻ sơ tu, nâng đỡ những tu sĩ ít phước báu về tứ sự, cũng là tước bỏ bớt đời sống tích lũy, tư hữu có hại cho hạnh khước từ.
Nhưng các pháp thế gian vốn là tương đối, nó chỉ có khả năng đối trị tạm thời chứ không có giá trị vĩnh cửu. Do vậy, áp dụng « lợi hòa đồng quân » mà không hiểu giá trị tương đối của chúng thì dễ đưa đến xung đột, cố chấp, phỉ báng Phật. Các con hiểu rõ điều này rồi chứ?
Cả ba chú trang nghiêm đồng thanh đáp:
– Dạ hiểu!
– Đi xa hơn chút nữa, « hòa » và « bất hòa » còn giúp chúng ta liên hệ đến những cặp phạm trù khác như hơn-thua, phải-trái, được-mất, khen-chê,… đều là thế gian tương đối, cũng được hiểu như vậy cả.
Bất Ác im lặng. Bất Đạt ngần ngừ:
– Có phải những cặp phạm trù ấy, triết học Tây phương họ gọi là « nhị nguyên » phải không hở Thầy?
– Chẳng những Tây Phương mà Đông Phương cũng thường đề cập các cặp ấy vì nó hằng đem đến đau khổ cho chúng sanh.
– Bạch Thầy! Liễu Minh nói – họ gọi là song quan, song lực, lưỡng nguyên, nhị giá,… gì gì đó!
Bất Ác nhăn mặt:
– Nói gì lung tung rối lắm thế? Chữ nghĩa vừa thôi chứ, ai mà hiểu thấu!
Bất Đạt nói:
– Vì chú em … hơi dốt đó thôi!
Bất Ác rất tức nhưng không đáp được. Liễu Minh bèn bênh vực:
– Không đâu! Bất Ác không dốt đâu, chú Bất Đạt và tôi dốt! Chúng tôi nuốt chưa trôi chữ nghĩa nên vướng mắc từ triết học!
Bất Ác rạng rỡ mặt mày:
– Chỉ có chú Liễu Minh là hiểu em! Rồi chú quay qua Nhà Sư – Bạch Thầy! Nói cho dễ hiểu, cái « nhị nguyên » đưa đến đau khổ là gì?
Nhà Sư mỉm cười đáp:
– Con vừa thể hiện cái « nhị nguyên » ấy, con không thấy sao?
Bất Ác chưng hửng! Nhà Sư tiếp:
– Khi con bị chú Bất Đạt chê, con bèn tức tối « xụ » mặt xuống. Khi con được chú Liễu Minh khen, sướng quá, con liền phổng mũi lên. Vậy là tâm con đã bị cái khen, cái chê nó chuyển, con đã phiền não bởi lời khen, tiếng chê ấy, con chưa thấy sao?
Cả ba chú đều lạnh mình. Quả không có cái gì dễ hiểu, dễ lãnh hội như cái « thiết thực hiện tại » vừa rồi!
Nhà Sư nhìn Bất Ác:
– Khi con không còn bị lời khen tiếng chê kia chi phối nữa, con không còn bị hai sức mạnh (song lực) kia lay động nữa – như vậy, tạm gọi là con đã bỏ bè tương đối, vượt thế gian để sang được « bờ kia »!
Bất Ác vỗ tay la lên:
– A! Dễ hiểu làm sao! Thế là con lên bến, con đến bờ kia, con « đáo bỉ ngạn » tức khắc!
Nhà Sư nghiêm mặt:
– Đừng có đại ngôn!
Bất Ác cúi đầu xuống. Bất Đạt nháy mắt nhìn Bất Ác, cười hề hề:
– Thấy không? Mới lót tót « đáo bỉ ngạn » đó, mà bị Thầy phất tay « pháp nộ » [*] một cái là chú em « hồi thử ngạn » [**] ngay bon! Xuội lơ em chưa?
[* Pháp nộ: Cái giận của Pháp; ** Hồi thử ngạn: Trở lại bờ này]
Thấy ba chú đều im lặng. Nhà Sư lại tiếp tục:
– Các con ạ! Thế gian tương quan đối đãi này còn một nghĩa rất vi diệu nữa, Thầy chưa rõ các con có đủ trình độ để lãnh hội không?
Cả ba chú đồng thanh đáp:
– Chúng con sẽ cố gắng.
– Ừ! Này nhé! Nhà Sư nói – Vì thế gian « bất hòa » nên lấy cái « hòa » để đối trị. Đối trị có nghĩa là tạm dùng rồi bỏ. Đừng chấp vào cái « hòa » ấy mà phải để tâm tự tại, giải thoát.
Giọng Bất Ác:
– Bạch Thầy, cái này thì con rối mù!
– À! để Thầy cho ví dụ. Khi con bị cái gai đâm vào chân, thì con lấy cái gai khác gỡ cái gai ấy ra, có phải thế không?
– Dạ phải!
– Vậy thì khi gỡ cái gai ấy rồi, con sẽ giữ lại cái gai nào?
– Bạch thầy, con vứt hết, con sẽ vứt cả hai.
Nhà Sư lại hỏi:
– Thế thì khi vứt cả hai, nếu con lỡ bị cái gai khác đâm thì sao?
– Thì con sẽ kiếm cái gai khác nữa mà gỡ nó ra.
– Phải rồi! Nhà Sư gật đầu – gặp gai ác thì lấy gai thiện mà gở gặp cái gai tham lam, bỏn xẻn thì lấy cái gai bố thí mà gỡ, gặp cái gai sân hận, nóng nảy thì lấy cái gai từ bi mà gỡ. Gỡ xong rồi thì quăng hết.
Bất Ác giật mình:
– A! Có ghê không? Những pháp tối thượng như thiện pháp, bố thí, từ bi,… mà cũng phải bỏ luôn sao Thầy?
– Nó là gai hay không phải gai?
– Là gai.
– Là gai mà con muốn mang theo thì tùy ý!
Bài học hôm nay đã dẫn ba chú đến đỉnh cao chênh vênh, ngợp gió. Thiện pháp, bố thí, từ bi… mà cũng phải quăng đi, phải viễn ly thì thật là kinh khiếp. Bất Đạt toát mồ hôi. Liễu Minh thấy lạnh xương sống.
Nhà Sư thấy điều đó nên nói tiếp:
– Các con ạ! Đức Phật ví Pháp như chiếc bè dùng để qua sông, chánh pháp cũng phải bỏ huống hồ phi pháp! Vậy thì qua sông mà còn mang vác thiện pháp, bố thí, từ bi… đi theo thì sẽ nặng biết chừng nào? Cái bản ngã thiện pháp, bản ngã bố thí, bản ngã từ bi… kia nó mới to lớn dường bao?
Bất Ác chợt vỗ tay:
– Vậy là con hiểu rồi!
– Chưa đâu! Bây giờ bỏ cái chuyện « gai lễ gai » quay sang ví dụ bệnh và thuốc. Đức Phật thường nói « tùy bệnh cho thuốc ». Vậy, gì là bệnh, gì là thuốc?
Bất Đạt đáp:
– Dạ, phiền não là bệnh, giáo pháp là thuốc.
– Chúng sanh có bao nhiêu « bệnh », giáo pháp có bao nhiêu « diệu dược »?
– Bạch Thầy! Chúng sanh có tám vạn bốn ngàn phiền não, Pháp của Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn.
– Con kể sơ cho Thầy nghe, đó là những phiền não gì?
Bất Đạt đáp:
– Con có nhớ một số phiền não như: Ái, sân, si, hung dữ, thù oán, bạc ơn, kiêu căng, ganh tị, bỏn xẻn, giả dối, phản phúc, ngang ngạnh, ngã mạn, giải đãi, hôn trầm, phóng tâm .v.v… Ngoài ra còn có những phiền não thuộc pháp tà vạy, lầm lạc, trầm luân, chìm đắm, chấp thủ, v.v…
– Vậy là tạm đủ -Nhà Sư gật đầu- còn gì là thuốc?
Liễu Minh đáp:
– Bạch Thầy! Nói tóm lại là Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo, các Thiện Pháp, Mười Pháp Ba-La-Mật, Tứ Vô Lượng Tâm, v.v…
– Đúng rồi! Nhưng các con hãy cho ví dụ bệnh và thuốc như thế nào?
Bất Đạt đáp:
– Tương tự ví dụ « gai lễ gai »! Như: tham là bệnh, bố thí là thuốc; sân là bệnh, từ bi là thuốc; si là bệnh, trí tuệ là thuốc, chấp thủ là bệnh, xả là thuốc; loạn tâm là bệnh, định là thuốc; ganh tị là bệnh, hỷ là thuốc v.v…
– Đúng thế! Nhà Sư gật đầu – Tùy bệnh cho thuốc. Nhưng phải đúng bệnh, đúng thuốc. Thuốc cũng phải uống đúng liều lượng. Thuốc bổ mà quá liều thì trở thành độc dược. Độc dược mà biết sử dụng cũng cứu chữa được bệnh. Cho nên bất hòa là bệnh, hòa là thuốc. Nhưng hòa cũng biết hòa đúng lúc, đúng khi, đúng người, đúng chỗ; nếu không, cái hòa ấy sẽ đưa đến những tệ hại mà chúng ta đã thấy ở trên.
Cho nên, Pháp có hay thì Pháp có dở. Hay đối với người có trí, biết sử dụng. Dở đối với người ngu, không biết sử dụng. Người giải thoát, giác ngộ ở trên đời họ thường tùy nghi, biết sống thuận pháp, tùy pháp. Đã giải thoát giác ngộ rồi thì họ sống hợp với Đạo vậy. Người chưa giác ngộ, giải thoát, dù có làm hữu ích cho đời thế nào, cũng chỉ hưởng được phước báu nhân thiên mà thôi! Các con đã hiểu chưa?
Cả ba cùng cúi đầu đáp:
– Dạ, thật là hay, thật là thấm thía!
Nhà Sư mỉm cười hài lòng:
– Khi các con cắt trái đu đủ làm bốn phần, nghĩa là từ « tướng hòa »; nhưng vì kính trọng thương yêu Thầy mà các con đem dâng hết cho Thầy, là các con đã bỏ « tướng hòa » để đạt « tâm hòa ». Thầy lại từ « tâm hòa » mà xuống « tướng hòa », khi trả lại ba phần đu đủ cho các con. Các con lại từ « tướng hòa » đem trao hết cho Bất Ác để đạt cái « tâm hòa ». Tướng trở lại tâm, tâm trở lại tướng. Thì ra tướng và tâm cũng chỉ là tương quan đối đãi để cho chúng ta học được bài học giác ngộ giữa cuộc đời này.
Cho nên, kẻ biết pháp tương đối thì cứ tùy nghi mà sử dụng, không còn chấp trước bên này, không còn chấp trước bên kia. Ấy gọi là bỏ « bè », bỏ tương đối. Ấy là người đã qua sông, đã « đáo bỉ ngạn » vậy!
Huyền Không
Hải Vân – Lăng Cô
1977
-ooOoo-